Chương 5
NGOÀI LỀ CHÍNH QUYỀN

Vừa lên cấp đá cuối cùng, Lệ nhìn hai bên đường vắng vẻ và dưới ngọn điện sáng mờ, nàng nhận ra ngay trước mắt cổng bến trước nhà cụ Thượng Nguyễn, với hai câu đối gắn bằng mảnh sứ xanh. Cụ Thượng Nguyễn là nhạc phụ anh chồng Lệ vừa bị giết, Lệ thoáng có ý nghĩ muốn băng qua đường đẩy cửa vào, song lại sợ nhà vị cựu đại thần này cũng bị canh gác nên vội vã bước đi.
Lệ quàng khăn tùm hụp lên đầu để che giấu hai bên mặt, đi được một quãng gần tới dốc cầu Bến Ngự, thấy một chiếc xe kéo đang đợi khách, liền gọi chở nàng đi về phía ga.
Ngồi trên chiếc xe kéo chạy theo đường vắng dọc bờ sông, với người phu xe già im lặng, Lệ hồi hộp nghĩ đến sự ngạc nhiên của cha mẹ nàng thấy con trở về lúc này. Nhưng rồi Lệ lại lo sợ không biết ông bà Trạng Trần, chính khách của nội các thân Nhật có bị lôi thôi gì không?
Lệ bảo xe đỗ lại gần đến cửa biệt thự, trả tiền rồi lững thững đi vào như một kẻ dạo mát trở về nhà. Thấy bên trong tối im, các cửa đều đóng kín, Lệ đã chột dạ, nghĩ ngay rằng cha mẹ nàng không còn ở đây nữa. Lệ đưa tay bấm chuông một hồi, không thấy ai ra mở cổng, liền cất tiếng gọi, cũng nghe im lìm. Nàng đẩy mạnh cánh cổng ra không được, vì đã khoá bên dưới với dây xích buộc vòng và ống khoá ở phía ngoài.
Lệ thất vọng, sợ hãi khi nhận thấy rõ là ngôi biệt thự ông bà Trạng Trần mới ở hôm nào đây hiện bỏ trống. Nàng lại bấm chuông liền một hồi nữa, chẳng động tĩnh gì, mới đành quay trở ra.
Đi đâu bây giờ đây?
Lệ buột miệng tự nhiên hỏi mình và giữa lúc nàng đang phân vân ngại ngùng thì thấy một chiếc xe kéo đi qua. Nàng vẫy tay gọi bảo kéo về phía Nam Giao. Lệ định bụng tìm đến một nhà bà con bên chồng ở dốc Nam Giao để tạm trú đêm nay và hỏi tin tức rồi định liệu sau. Bỗng dưng Lệ cảm thấy bơ vơ, lạc lõng kinh hoàng giữa khung cảnh hiền hoà, quen thuộc mới hôm nào đây. Người phu xe tưởng nàng là một cô gái ăn chơi, lên tiếng dò dẫm:
- Từ bừa khởi nghĩa đến chừ, ế ẩm quá, ít ai đi xe, mà khách khứa cũng vắng. Thiên hạ cứ lo hết đi biểu tình lại hội họp, không còn ngày giờ rảnh mô nữa.
Thấy Lệ ngồi trên xe im lặng, người phu vừa kéo chạy vừa kể:
- Bây chừ mấy vùng có Tây ở không ai dám tới lui nữa, sợ bị cho là Việt gian liên lạc với thực dân thì chết. Còn Nhật thì họ rút vô đồn trại đi mô hết, không còn chơi bời chi nữa. Đò giang sông Hương đói meo, không còn ai dám đi chơi đêm. Cách mạng rồi mà!
Không nghe khách nói năng gì, người phu xe đổi hướng câu chuyện:
- Cô tới nhà mô ở Nam Giao? Ở vùng nớ, nhà mô tôi cũng biết, tôi có chân trong tự vệ phường mà!
Lệ bối rối, rồi ấp úng không biết trả lời ra sao để khỏi lộ tông tích đối với người phu xe tự vệ, nên chỉ nói:
- Tôi đến nhà người chị em bà con.
Mười lăm phút ngồi trên xe của người phu lắm lời, Lệ sốt ruột, lo ngại, nên vừa qua dốc Nam Giao một quãng, nàng bảo đỗ xuống, rồi đi bộ một đoạn dài tìm đến nhà quen.
Ngôi nhà lớn của ông thầu khoán Nghĩa ở bên đường Nam Giao đã đóng chặt cửa ngoài. Lệ không thấy có chuông bấm, lên tiếng gọi, chó vồ ra sủa, một lúc sau mới có người nhà ra. Ông bà Nghĩa là cậu mợ họ Nhu, sau khi nhận ra Lệ, tỏ vẻ ngạc nhiên lo sợ:
- Nghe nói bên nhà chồng cháu bị canh gác dữ lắm không ai vô ra được, làm sao cháu lại đi được tới đây?
Lệ kể lại việc nàng vừa trốn xong, ông bà Nghĩa đưa mắt nhìn nhau, im lặng một lúc, rồi bà lên tiếng trước:
- Chỗ bà con, thiệt cậu mợ không tiếc chi với cháu, là dâu cụ Thượng Ngô, anh em họ với nhà này, song cháu cũng hiểu là tình thế bây giờ khó lắm, hở một chút chi là Việt Minh họ bắt liền. Cháu coi, ông Khôi chỉ có làm quan thôi mà cả hai cha con đều bị giết, buộc tội cho là Việt gian, vây giữ cả nhà cháu. Bây giờ mà cậu mợ để cho cháu ở lại đây lỡ mà họ biết được thì cậu mợ không khỏi bị họ buộc tội cho là đồng loã chứa chấp Việt gian. Cháu nên nghĩ lại mà thương cho mấy em cháu còn nhỏ, cậu mợ phải sống nuôi các em, chớ thiệt ra cậu mợ không tiếc gì để không cho cháu lánh tạm ở nhà này.
Những lời rào đón đuổi khéo khiến cho Lệ nghẹn ngào tức giận muốn bỏ đi ngay, song thấy nguy nan phải đi ra ngoài trong lúc này, nàng ôn tồn nói:
- Cháu chỉ nhờ cậu mợ cho lánh tạm một đêm nay thôi. Đến sáng ngày cháu ra đi liền, chớ giờ này đã khuya… Cậu mợ nghĩ tình bà con, giúp cho cháu gặp lúc không may này.
Ông Nghĩa vẫn im lặng nhìn vợ. Có tiếng chó sủa trước ngõ, bà Nghĩa hốt hoảng đứng lên, ra ngoài một lúc rồi trở vào, hạ thấp giọng bảo Lệ:
- Vừa rồi cháu vô đây, con ở nó ra mở cửa, biết là cháu đến nhà cậu mợ, nó lại mèo chuột với một thằng tự vệ ở xóm này; hai đứa vừa to nhỏ gì với nhau trước cửa nên chó mới sủa đó, mợ sợ cháu ở lại đây đêm nay không yên đâu. Mà lại còn liên luỵ đến cho cậu mợ với các em cháu nữa. Thôi, cháu cầm lấy một ít tiền cậu mợ biếu cháu đây dể đi nơi khác yên thân hơn.
Lệ không khỏi lo sợ trước những lời đe doạ, song thấy thái độ ích kỷ và giả dối của bà mợ chồng, nàng cười nhạt:
- Cháu không phải đến đây để xin tiền cậu mợ đâu. Cháu không thiếu.
- Thì cháu cũng nên cầm lấy mà đi đường. Lòng thành của cậu mợ biếu cháu mà. Cháu cầm lấy đi!
- Thôi chào cậu mợ.
Lệ tức giận quay ra bước vội khỏi nhà mà nàng bỗng thấy khinh ghét lạ thường. Ra đến ngoài đường vắng lặng. Lệ mới nhận thấy tất cả sự nguy nan đang bao vây mình, với chung quanh đầy những phản trắc đe doạ. Nhưng Lệ đã dấn bước đi rồi, dù sao thì cũng đánh liều.
Thái độ sợ sệt xua đuổi của đôi vợ chồng người thầu khoán khiến Lệ không còn muốn tìm đến nhà bà con bên chồng tại thành phố nữa. Nàng nghĩ ngay tới ông cậu ngoại ở Nguyệt Biều.
Đi bộ đến gần đầu dốc Nam Giao, Lệ lên xe bảo kéo ngược lên đường Huyền Trân Công Chúa. Ngồi trên xe Lệ bỗng lo lắng, trên đường quá năm cây số đưa tới làng bên ngoại, có các trạm canh dọc đường xét hỏi, nàng sẽ bị lộ tung tích và rồi người ta muốn kiếm bắt nàng sẽ tìm ra được dễ dàng. Lệ tính phải mượn con đường sông đánh lạc hướng theo dõi nàng, nên khi xe kéo chạy đến gần Trường súng, nàng bảo đỗ xuống, trả tiền rồi đi bộ trở lại phía bến đò Ga.
Người lái đò có vẻ ngạc nhiên khi thấy một thiếu phụ hỏi thuê đò một mình đi vào lúc nửa đêm, nhưng rồi tươi cười đon đả mời ngay khách trả cao giá xuống thuyền, Lệ thở ra nhẹ nhõm khi nghe tiếng chèo đập nước đẩy chiếc đò đi. Nàng ngồi tựa khoang thuyền lặng nhìn ra mặt sông trong đêm tối. Lệ bỗng nghĩ đến chồng và tuần trăng mật trên sông Hương đã đem lại thất vọng cho nàng, và rồi cũng vì Nhu mà nàng phải gian nguy, khốn đốn lúc này. Lệ đâm ra oán trách chồng. Trong giờ phút này, Nhu có biết là vì nhà chồng, nàng phải trải qua một chuyến mạo hiểm ghê người không?
°°°
Ở Hà Nội, Nhu được tin anh cả và con trai bị giết cùng một lúc với cựu Thượng thư Phạm Quỳnh, rồi gặp ông bà Trạng từ Huế vừa ra, cho hay tin vợ nàng bị mắc kẹt tại gia đình đang bị canh giữ, liền chạy đi gặp các bạn học cũ có địa vị trong chính quyền mới để vận động xin can thiệp. Nhu chỉ nhận được vài lời hứa hẹn an ủi thay thái độ lạnh nhạt của mấy người bạn chính khách mới, khiến chàng chán nản, uất hận.
Trong lúc đang lo sợ cho số phận của vợ, Nhu lại được thêm tin người anh em thứ ba nguyên Thượng thư Ngô Đình Diệm bị Việt Minh bắt giữ trên đường từ Nam ra. Nhu cảm thấy lo ngại cho cả mình đang bị chung quanh nhìn bằng đôi mắt ngờ vực.
Nghĩ mình có thể bị bắt bất ngờ, Nhu đổi chỗ ở, thuê riêng một căn gác, thu mình lại trong chờ đợi phập phồng giữa mấy chồng sách. Nhu bắt đầu làm quen với á phiện để quên buồn, và đêm đêm chàng đều đặn đến một tiệm hút ở phố Mã Mây cho đến khuya mới về gác trọ.
Giữa lúc ấy, quân đội tiếp thu Trung Hoa tiến vào Bắc Việt, đi bằng đường bộ qua các ngả Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, lối 180.000 người dưới quyền tư lệnh tối cao của tướng Lư Hán ở Vân Nam gồm những binh sĩ bó chân ốm đói, áo quần xốc xếch, lũ lượt từng đoàn mang theo đàn bà, trẻ con rách rưới, bệnh hoạn, tuôn về các thành phố, y như là họ kéo vào một nơi vừa chiếm được. Bốn đạo quân "Tàu Vàng", 93 ở Vân Nam và Quảng Đông chiếm Hà Nội, 63 và 52 chiếm Hải Phòng và miền Duyên Hải, 60 chiếm từ Vinh đến Đà Nẵng. Họ từ những tỉnh đói kém vùng Hoa Nam kéo đến Trung Châu Bắc Việt tung đồng quan kim và quốc tệ ra buộc đổi lấy giấy bạc Đông Dương giá trị hơn, để mua rẻ tất cả những gì họ muốn nhất là thực phẩm. Sau nạn chết đói của dân Bắc, giờ đây đến nạn chết no của những binh sĩ tiếp thu Trung Hoa.
Họ chiếm những dinh thự, nhà cửa rộng lớn sang trọng, mỗi đơn vị công viên ngả bàn đèn hút thuốc phiện tại nơi trú đóng và bày ra luật lệ riêng.
Tướng Trương Phát Khuê nổi tiếng là "Lãnh chúa chiến tranh" ở Hoa Nam, cai quản tối cao đạo quân Quảng Đông với Bộ tham mưu gồm các "tướng lãnh chính trị" như Lư Hán và người anh em chú bác tướng Long Vân, Tổng đốc Vân Nam, đã có nhiều liên hệ mật thiết với các giới mại bản Quảng Đông ở Bắc Việt, muốn biến xứ này thành một hàng tỉnh của Trung Hoa, lợi dụng sự hiện diện của họ dưới trướng tại đây dể thu hoạch những mối lợi chính trị và kinh tế quan trọng.
Uỷ viên chính trị của nhóm tướng lãnh này, tướng Tiêu Viên, vừa lùn vừa qu ỷ quyệt, được bổ nhậm làm Giám đốc mật vụ quân đội tiếp thu, mưu đồ chi phối phong trào quốc gia Việt nam, mà họ đã đỡ đầu trong thời kỳ lưu vong, như Đồng minh hội, Việt Nam Quốc dân Đảng.
Sau khi các toán quân đầu tiên của Trung Hoa vào Hà Nội, tướng Lư Hán cùng Bộ tham mưu đi máy bay đến, đóng ở phủ Toàn quyền, gạt phái bộ Pháp Sainteny ra ngoài.
Trong không khí sôi động của Hà Nội, một tối Nhu gặp một người bạn cũ có chân trong Việt Nam Quốc dân Đảng cho hay:
- Việt Minh lúc này đang lung lay. Anh em quốc gia Đồng minh Hội, Việt Nam Quốc dân Đảng theo quân đội Trung Hoa về nước đã nhờ cơ hội này mà chiếm lại các tỉnh trung du như Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, Quảng Yên… gạt bỏ các Uỷ ban Việt Minh đi rồi. Ở Hà Nội, cụ Nguyễn Hải Thần đòi ông Hồ Chí Minh phải mở rộng chính phủ cho tất cả các đảng phái cách mạng đã hoạt động bí mật. Quốc dân Đảng Trung Hoa không muốn ông Hồ Chí Minh là cộng sản cầm đầu chính phủ, nếu Việt Minh muốn giữ lấy chính quyền riêng cho họ, không tránh khỏi một cuộc đảo chánh. Đồng minh Hội và Việt Nam Quốc dân Đảng đang được Trung Hoa ủng hộ, nhất định có thể buộc Việt Minh phải nhượng bộ…
Nhu thích thú nghe những tin ấy, rồi từ nhà Thuỷ Tạ ở Bờ Hồ đến tiệm hút đường Mã Mây gặp một đứa bé bán báo, chàng gọi mua một tờ Việt Nam.
Nằm bên bàn đèn, Nhu khoan khoái đọc báo của Việt Nam Quốc dân Đảng tố cáo những vụ "khủng bố đỏ", những sự việc gọi là chà đạp tự do và quyền tư hữu cá nhân của Việt Minh. Những lời đòi hỏi thành lập một chính phủ Liên hiệp quốc gia để "chống lại hiểm hoạ xâm lăng đất nước của đế quốc Pháp", khiến Nhu đâm ra nghĩ ngợi, tiếc rẻ cơ hội đã qua đối với anh em chàng. Suy nghĩ lan man, Nhu hút hết điếu thuốc này qua điếu khác, buồn rầu nhớ đến số phận của vợ mà chàng không được tin tức gì, căm hận nghĩ đến hai anh, kẻ chết, người bị bắt.
Từng lúc, các câu chuyện của khách hút vẳng đến tai Nhu, người ta kháo với nhau về các vụ trả đũa ác liệt giữa các đảng viên Việt Quốc và Việt Minh.
Hà Nội đã trở nên một thành phố hỗn loạn. Ngày đêm, giữa Việt Minh và các đảng phái đối nghịch đang diễn ra những vụ thanh toán, giết chóc lẫn nhau, bằng dao, bằng súng. Đôi bên lại cho người trà trộn vào nhau để do thám phá hoại.
Ám sát, tống tiền, bắt người, thủ tiêu là những việc xảy ra hàng ngày giữa thủ đô Hà Nội đã hoá thành chợ đen của Hoa kiều, được quân đội tiếp thu đồng loã. Nhu bấy lâu giảm mình trên gác trọ, không khỏi ngạc nhiên khi lắng nghe những sự việc dữ dội đã và đang diễn ra quanh mình. Nhu không ngờ ở tiệm hút lại có thể thâu thập được lắm tin tức chàng đang cần biết đến. Nhu gọi lấy thêm thuốc phiện và nằm nghỉ lại ở tiệm hút đường Mã Mây.
Suốt đêm, phần say thuốc, phần nghĩ ngợi, Nhu lơ mơ không ngủ. Sáng sớm, Nhu vuốt qua mái tóc, sốc lại quần áo rồi ra khỏi tiệm, gọi xe đi thẳng đến nhà bố mẹ vợ.
Ông Trạng Trần thấy chàng rể có vẻ bơ phờ, tỏ ý xót thương:
- Mẹ con đã cho người nhà vào Huế hôm qua để hỏi dò tin tức vợ con. Thế nào trong vài hôm nữa cũng có tin trong đó. Con cũng đừng nên lo buồn thái quá.
Rồi ông Trạng nói qua tình thế cho Nhu hay:
- Việt Minh phải nhượng bộ rồi. Hôm qua, Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp hội nghị và tuyên bố tự giải tán. Tưởng Giới Thạch lúc này đang đánh nhau với hồng quân Mao Trạch Đông ở Mãn Châu, lẽ tất nhiên không thể chấp nhận được một chính quyền cộng sản ở bên nách họ được. Việt Minh hẳn biết rõ điều đó nên mới hoà hoãn như vậy, đồng thời để tuyên truyền tranh ảnh hưởng với các đảng phái quốc gia, nhất là lúc này Pháp bắt đâu chiếm lại miền Nam rồi.
Những lời lẽ của ông Trạng Trần làm cho Nhu thấy phấn khởi trở lại, nghĩ đến việc tiếp tục tập hợp lực lượng Công giáo để chờ thời cơ.
Ông Trạng Trần bảo Nhu:
- Ông Hồ Chí Minh đang tranh thủ Công giáo, vì biết đó là một lực lượng vững chắc, có hậu thuẫn quốc tế. Việt Minh đã khôn khéo vận động với Đức Cha J.B. Tòng nhân danh Giáo hội Việt Nam gởi thư cho Giáo hoàng xin ban phép lành và cầu nguyện cho nền độc lập của Việt Nam. Việt minh đã thu hút được một số nhân vật Công giáo như cha Phạm Bá Trực, cụ Ngô Tử Hạ, ông Nguyễn Mạnh Hà… vận động các đức Giám mục nhận chức cố vấn chính phủ, tổ chức giáo dân Hà Nội, Vinh biểu tình ủng hộ ông Hồ Chí Minh… Họ lấy cả ngày Các Thánh tử vì đạo Việt Nam để làm quốc khánh, Tết độc lập… Với chính sách giáo vận của Việt Minh như vậy đó, anh định hoạt động như thế nào để giành lại ảnh hưởng và tập trung được lực lượng Công giáo?
Nhu trầm ngâm rồi chậm rãi nói, giọng đều đều:
- Việt Minh họ có chủ trương như vầy nhưng dễ gì họ kiểm soát và chi phối được lực lượng Công giáo. Các giáo khu Phát Diệm, Bùi Chu, Vinh là những cơ sở chắc chắn, Việt Minh khó lòng thâm nhập được ở miền Trung và trong Nam, đã có anh Giám mục tôi. Hai triệu giáo dân tập họp quanh các nhà thờ với những linh mục trung kiên lãnh đạo có thể trở thành một lực lượng tử vì đạo, một bức trường thành kiên cố ngăn chặn làn sóng đỏ. Ngoài ra, tôi nghĩ có thể tập hợp cùng các tôn giáo khác để lập thế liên tôn diệt cộng có hiệu lực, ủng hộ cho các nhân vật quốc gia đứng ra chia giữ chính quyền, chống đối lại Việt Minh. Mặt khác, liên lạc với một cường quốc đồng minh, như Mỹ, để họ giúp ta đương đầu với Pháp đang mưu toan chiếm lại xứ này. Như vậy đối nội cũng như đối ngoại, ta có thể lấn lướt được Việt Minh và chiếm ưu thế cầm quyền. Ba nghĩ thế nào?
Ông Trạng Trần gật đầu đáp:
- Kế hoạch của anh, về mặt lý thuyết nghe được lắm, song có người để thực hành không? Đó là một vấn đề ta phải nhìn nhận là thua Việt Minh, vì thiếu cán bộ hăng say như họ.
Nhu im lặng nhận thấy nhược điểm khó vượt qua, song cố bám lấy như một hy vọng cuối cùng để khỏi bị đối phương nhận chìm.
- Tình thế tuy khó khăn thực, song chúng ta cũng có hy vọng ở tương lai.
Nhu nói để tự an ủi, đồng thời cũng xoa dịu được lòng tự ái của ông Trạng Trần đang ấp ủ hy vọng tham chính. Sau buổi nói chuyện ấy Nhu say sưa nghiên cứu tình hình, liên lạc với các bạn mà chàng hy vọng có thể liên kết trong một đường lối mà Nhu đã tìm thấy trong chồng sách cũ của lý thuyết gia Pháp Mounier: chủ nghĩa nhân vị.
Lúc bấy giờ, Hà Nội đang sôi sục trong một không khí rối loạn. Nạn đói kém vẫn dai dẳng, những xác người gục ngã vì thiếu ăn còn rải rác khắp các bờ lề đường phố thủ đô. Thêm vào đó, đoàn quân Tàu đói, vung vãi giấy bạc quan kim làm xáo trộn cả thị trường; Chính quyền Việt Minh với ngân khố trống rỗng phát hành giày bạc mới khiến cho tình hình tài chính thêm trầm trọng. Các chi nhánh ngân hàng Trung Hoa mọc lên như nấm ở Hà Nội và Hải Phòng. Làn sóng chợ đen tràn ngập khắp nơi. Giấy bạc 500 đồng bị ngân hàng Đông Dương chối bỏ ở miền Nam, gây ảnh hưởng náo động cả miền Bắc. Những kẻ đầu cơ, những tài sản đầu hôm sớm mai nhờ thời cuộc rối loạn gây dựng nên một cách bất ngờ. Quân đội "Tàu vàng" như đang hoành hành giữa một thuộc địa vừa mới chiếm. Tướng Leclerc được tướng De Gaulle giao phó trách nhiệm tái chiếm lại Đông Dương, đã nhờ quân đội Anh giúp sức trở lại miền Nam, nhận thấy sự có mặt của Trung Hoa ở miền Bắc là một trở ngại lớn lao, đã thốt ra: "Đông Dương, trước tiên đó là một vấn đề Trung Hoa". Nỗi lo ngại của vị Tư lệnh chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đang thực hiện ở miền Bắc.
Nhu theo dõi những chuyển biến từng ngày của thời cuộc, nhận thấy các đảng phái quốc gia nhờ hậu thuẫn của quân đội Trung Hoa gây được áp lực với Việt Minh, không bỏ qua cơ hội tiếp xúc các bạn cũ có chân trong Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Đồng minh Hội, Đại Việt, chủ tâm của Nhu là mong chờ uy thế đối lập Việt Minh để giải thoát cho vợ đang bặt tin ở Huế, và anh là Ngô Đình Diệm đã bị bắt giải ra Hà Nội, rồi đem đi giam cầm tại Thái Nguyên.
Đồng thời với sự vận động của Nhu, bà Trạng Trần lui tới gặp cố vấn Vĩnh Thuỵ, ở cùng một đại lộ Gambetta để nhờ can thiệp hộ cho vị cựu Thượng thư của cựu hoàng Bảo Đại.
Mỗi ngày, Nhu đều đến nhà bố mẹ vợ để bàn bạc, trao đổi tin tức ông bà Trạng Trần nhận thấy thời cuộc chuyển biến có thể trở lại tham gia chính quyền, cũng háo hức chạy lăng xăng tiếp xúc, bày tiệc đãi đằng như độ nào ông chồng vận động ra giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao sau ngày Nhật đảo chánh Pháp. Bà Trạng tin tưởng ở các cuộc tiếp xúc thân mật với cố vấn Vĩnh Thuỵ, hy vọng có thể tiến thân cho chồng trong một chính phủ tương lai do cựu hoàng đế vời ra cầm quyền.
Một tối, vào lúc 10 giờ, Nhu vừa ở tiệm hút Mã Mây đến, thấy cả bố mẹ vợ đều vui tươi, vừa tiếp khách xong, đang có ý đợi chàng.
Ông Trạng Trần lên tiếng trước:
- Anh đã hay tin gì chưa?
Rồi ông quay sang bảo vợ:
- Mình cho mở một chai sâm banh để chúng ta cùng uống mừng tin này mới được.
Bà Trạng Trần gọi người nhà mang rượu và ly ra, trong khi ông Trạng hớn hở nói:
- Cựu hoàng đế Bảo Đại sắp trở lại nắm chính quyền rồi!
Trước vẻ mặt lầm lỳ không giấu nổi ngạc nhiên của chàng rể, ông Trạng Trần cười, nói:
- Anh cũng đã biết: Việt Minh nhường 70 ghế trong số 350 ghế ở Quốc hội cho các đảng phái quốc gia, song Việt Nam Quốc dân Đảng, Đồng Minh, Đại Việt vẫn chưa bằng lòng, rồi ông Hồ Chí Minh định ký hiệp ước với Pháp, bị phe quốc gia liên kết với nhau tố cáo là chính phủ phản quốc, đòi thành lập một chính phủ liên hiệp kháng chiến với cố vấn Vĩnh Thuỵ đứng đầu. Tôi vừa được tin chắc chắn là phe quốc gia đang chuẩn bị tổ chức một cuộc biểu tình lớn lao để đòi trao quyền cho cựu hoàng đế Bảo Đại.
Ông Trạng Trần nâng ly sâm banh cụng với ly vợ và chàng rể rồi nói tiếp:
- Tôi cũng được tin về phía người Pháp ở Sài Gòn; theo ý họ, ngoài hoàng đế Bảo Đại và các nhân vật quan trọng ra, họ không muốn nói chuyện với ai cả. Chủ trương của họ trước hết là lập lại trật tự loại bỏ Việt Minh, rồi phục hồi những kẻ tai mắt cũ. Tôi thấy anh Thượng của anh có nhiều hy vọng lắm đó.
Bà Trạng chen vào:
- Tôi vừa gặp ông Bảo Đại sáng nay, ngài có nhắc đến mình.
Ông Trạng hạ giọng nói:
- Tôi mới được tin của một người bạn Pháp cho hay là chính phủ Pháp thừa nhận cho Việt Nam được quyền thành lập một chính phủ tự trị trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Sainteny có nói cho ông Hồ Chí Minh biết rằng Pháp sẽ không ký hiệp ước này với Việt Minh, mà ký với một chính phủ bao gồm các đảng phái đại diện cho toàn thể dân chúng. Cụ Hồ cũng đã trả lời cho Sainteny có lẽ người sẽ đứng ra ký không phải cụ mà là một người khác.
Ngừng lại, ông Trạng Trần hỏi Nhu:
- Anh biết người khác đó là ai không?
- Vĩnh Thuỵ?
- Anh thông minh đấy! Người khác đó tất nhiên là cựu hoàng Bảo Đại chứ còn ai vô đây nữa!
Bà Trạng Trần không giữ được sự hân hoan, nâng ly rượu, hô bằng tiếng Pháp:
- Hoàng đế vạn tuế!
Trong cơn cao hứng, bà Trạng mở ví lấy ra một tập bạc đưa biếu chàng rể:
- Anh cầm lấy để tiêu. Hôm qua tôi mới đổi được mấy vạn giấy bạc 500, tưởng đã bỏ đi. Cũng nhờ ngoại giao với một lão tướng Tàu đấy. Không thì bao nhiêu giấy 500 của nhà này cũng đến quẳng vào sọt rác.
Thấy Nhu có vẻ ngạc nhiên, bà Trạng giải thích:
- Giấy 500 không tiêu nữa, vì Cao uỷ Pháp ở Sài Gòn ra ngôn định hôm 17 tháng mười một, huỷ bỏ tất cả giấy bạc 500 của nhà băng Đông Dương phát hành trong khoảng từ 9 tháng ba - 23 tháng chín 1945, đổ cho là tại Nhật. Song người Tàu họ cất giữ toàn giấy 500 đã mở cuộc vận động phản đối khắp miền Bắc và nhờ quân đội tiếp thu Trung Hoa gây áp lực, nên biện pháp kia không thi hành từ vĩ tuyến 16 trở ra. Giấy bạc 500 bị huỷ bỏ ngang ở trong Nam mang ra đổi bằng giá ở Bắc. Song việc đổi chác không phải là dễ, thiên hạ phải xếp hàng chờ chực ngày đêm ở trước nhà băng, đã có mấy người bỏ mạng vì quân đội Tàu canh gác nổ súng vào đám đông tranh giành chỗ đứng.
- Không phải họ bắn vì dân chúng tranh giành chỗ đứng mà chủ yếu quân đội Tàu muốn khiêu khích Pháp, cốt để phá rối Pháp đang tính đổ bộ lên miền Bắc. Mình không thấy à? Lão Baylin giám đốc ngân hàng Đông Dương ở Hà Nội là người quen thuộc trong giới Hoa kiều nói giỏi tiếng Tàu, vẫn chủ trương thoả hiệp, thế mà bị ám sát ngay trước cửa nhà băng, với một bản án ghim trước ngực: "Bị giết vì lũng đoạn kinh tế Việt Nam".
Hai hôm sau, Nhu ở tiệm Mã Mây về gác trọ vào lúc mười một giờ đêm, được người ở nhà dưới cho hay là hồi tối, khoảng bảy giờ có một linh mục đến báo tin có ông anh ở Thái Nguyên vừa về, dặn Nhu đến gặp ngay tại nhà cha Nguyện.
Nhu ngạc nhiên hỏi đi, hỏi lại, rồi thuê xe kéo chạy thẳng đến phố Hàm Long, sung sướng bất ngờ gặp lại anh đang ở tại nhà linh mục quen cũ của anh em chàng. Nhu nói với anh:
- Anh cả và cháu Huân bị Việt Minh giết ở Huế rồi, cả nhà mình ở Phú Cam cũng bị canh giữ, nhà tôi bị mắc kẹt cả trong đó. Họ trả lại tự do cho anh với những điều kiện nào?
- Anh chỉ biết là được giấy cụ Huỳnh ký tên tha cho về và được lệnh là đến Hà Nội phải vào Bắc Bộ phủ để gặp ông Hồ Chí Minh. Anh cũng chưa biết là về chuyện gì?
Trong khi anh em Diệm và Nhu ở Hà Nội, thì tại Huế, người em áp út Ngô Đình Cẩn, từ hôm chạy thoát khỏi nhà trong khi Việt Minh ập tới bắt Ngô Đình Khôi cùng con trai, rồi canh giữ nghiêm ngặt ngôi nhà, đã lẩn tránh vào khu nhà thờ Phú Cam. Sau đó được cha Sở cho hay những cuộc lùng soát của cán bộ Việt Minh, Cẩn cải trang làm một nông dân, đến ở nhà mụ Quyến, một người bà con bên ngoại đã từng hầu hạ gia đình họ Ngô từ thuở nhỏ.