Ngô Đình Nhu

(chữ Hán: 吳廷瑈; 1910-1963) về danh nghĩa là Cố vấn chính trị cho anh mình là Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên, hầu hết các tài liệu lịch sử đều nhận định ông là kiến trúc sư của mọi chủ trương chính sách của nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam.
Ông sinh năm 1911 tại Huế nhưng quê quán ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Thân phụ ông là Ngô Đình Khả, một trong những vị đại thần của nhà Nguyễn.
Khác với hai người anh của mình là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Diệm, vốn xuất thân Nho học và ra làm quan cho nhà Nguyễn, Ngô Đình Nhu lại theo Tây học. Ông tốt nghiệp trường Viễn Đông Bác cổ (École Nationale des Chartes) ở Paris, Pháp. Khoảng năm 1930, ông về nước làm việc ở Văn khố Phủ toàn quyền Đông Dương (Hà Nội), sau là Giám đốc Thư viện Bảo Đại, Giám đốc Sở lưu trữ văn thư Huế.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc ở Hà Nội (Theo sắc lệnh số 21 ngày 8 tháng 9 năm 1945, của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) nhưng ông bỏ việc trốn sang Lào, rồi về ẩn dật ở Đà Lạt.
Từ thập niên 1950, ông bắt đầu hoạt động chống cộng sản với sự thành lập Liên đoàn Lao động Công giáo.
Ông là cha đẻ của Đảng Cần Lao, dựa vào thuyết Nhân Vị (personnalisme) đúc kết hai xu hướng của triết gia công giáo Emmanuel Mounier và Jacques Maritain.
 
Năm 1954, khi Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, ông thành lập đảng chính trị Cần Lao, dựa vào một chủ thuyết do ông khởi xướng là học thuyết Cần lao - Nhân vị để hỗ trợ chính quyền của anh ông. Dưới sự giúp đỡ của người Mỹ, đảng Cần Lao phát triển lên nhanh chóng, thâm nhập vào hàng ngũ quân đội, công chức, trí thức và cả giới kinh doanh và trở thành chính đảng lớn nhất thời bấy giờ. Đồng thời, ông cũng cho thành lập một tổ chức có tên là "Thanh niên Cộng hòa", theo mô hình đảng sơ-mi nâu của Adolf Hitler, do ông làm Tổng thủ lãnh. Một tổ chức khác dành cho phụ nữ có tên là "Phụ nữ liên đới" cũng được thành lập và do vợ ông làm Tổng thủ lãnh. Ông là Chủ tịch Ủy ban Liên bộ đặc trách Ấp chiến lược, tổ chức thực hiện kế hoạch quốc phòng Ấp chiến lược từng gây khó khăn cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
 
Về danh nghĩa, ông chỉ là một cố vấn chính trị, nhưng hầu hết các tài liệu đều ghi nhận ông là kiến trúc sư của chế độ, là người khởi xướng mọi chủ trương chính sách của nền Đệ nhất cộng hòa. Ông cũng cho lập và trực tiếp khống chế nhiều cơ quan tình báo và mật vụ (lúc cao trào có tới 13 cơ quan) với những quyền lực to lớn như được quyền bắt giam người không cần xét xử.
 
Tuy nhiên, do tính chất độc tài gia đình trị, cộng với những biện pháp tàn bạo đối với những người bất đồng chính kiến dẫn đến việc ông bị xem là có trách nhiệm cho sự sụp đổ của nền Đệ nhất cộng hòa. Đặc biệt là những biện pháp được thực hiện trong vụ đàn áp Phật giáo năm 1963 đã dẫn đến sự phản ứng dữ dội. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, các tướng lĩnh đã thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngô Đình Nhu và người anh phải chạy trốn vào nhà thờ Cha Tam. Tuy nhiên, vào ngày 2 tháng 11 năm 1963, người ta thấy một đoàn xe quân sự đến đón hai anh em ông về Bộ Tổng tham mưu. Tuy nhiên, khi chiếc thiết giáp M 113 chở hai anh em ông về đến nơi thì phát hiện thi thể của hai anh em ông với nhiều vết dao và dấu đạn trên người.
Các câu nói nổi tiếng
Cộng sản có gì hay ta phải học !