Chương 22
GIAI ĐOẠN QUYẾT LIỆT

Trên khắp các nẻo đường dán đầy các bản công bố sắc lệnh giới nghiêm của Ngô Đình Diệm và quân lệnh của tổng trấn Sài Gòn - Chợ Lớn vừa được cử. Xe gắn loa của thông tin chạy khắp các ngả đường oang oang: "Chánh phủ đã diệt trừ xong bọn phản động!"
Đài phát thanh Sài Gòn theo lệnh giới nghiêm, đặt dưới quyền quân đội đưa ra một chương trình đặc biệt giữa những bản nhạc giựt gân suốt từ sáng đến tôi không ngớt lời mạt sát: "Những người cầm đầu Phật giáo đã lợi dụng tôn giáo hành động bất hợp pháp phá rối an ninh công cộng. Họ chính là Việt gian, cán bộ nằm vùng Cộng sản đội lớp cà sa lừa phỉnh đồng bào, xúi giục tự thiêu, tập họp những phần tử lưu manh chống lại chánh phủ làm tay sai cho phiến loạn Việt cộng.
Đồng thời bộ máy của chánh quyền ầm ĩ tung tin: trong cuộc khám phá chùa Ấn Quang quân đội đã bắt được 3 quả mìn và 10 dao găm, tại chùa người Miên đường Trương Minh Giảng, khám phá một tiểu liên và 14 bánh chất nổ plastic, tại chùa Xá Lợi đã tịch thu được nhiều dụng cụ ấn loát.
Mặt khác tất cả các đang liên lạc điện tín với Sài Gòn đều bị gián đoạn, các thông tín viên ngoại quốc không được đưa tin về toà báo và bắt buộc phải trình kiểm duyệt nhà binh, phi trường Tân Sơn Nhất được lệnh không cho máy bay dân sự đáp xuống trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Phóng viên hãng thông tấn AP đã kịp thời chạy đến phòng báo chí ở Bưu điện đánh tin nói về cuộc tấn công chùa chiền vào lúc 3 giờ sáng, thì quân đội vừa ập đến chiếm đóng, ngăn chặn mọi sự liên lạc điềm tín giữa Sài Gòn với nước ngoài.
Nhà nhiếp ảnh của hãng vô tuyến truyền hình NBC tụt từ trên nóc lầu USOM xuống với cuốn phim đã ghi được trọn vẹn cuộc tấn công và bắt giải tăng ni chùa Xá Lợi phải nhờ đến một chuyến bay quân sự đặc biệt của Hoa Kỳ để gởi ngay tài liệu quý giá này sáng hôm sau về Nữu Ước.
 
°°°
Chuông điện thoại ở văn phòng bà cố vấn reo tới tấp. Bà bí thư nhắc lên nghe, nhìn đồng hồ tay rồi nói:
- Bà cố vấn chưa tới.
Từ đầu dây tiếng người ngoại quốc:
- Có phải bà cố vấn thức suốt đêm qua nên sáng nay không đến văn phòng chăng?
- Tôi không biết. Ông có hẹn với bà cố vấn sao?
Lệ vừa bước vào, bà bí thư bịt ống điện thoại lại nói:
- Thưa bà cố vấn có ký giả báo Washington Post yêu cầu được hỏi chuyện bà. Dạ, từ sáng tới giờ có ba nhà báo kêu dây nói liên tiếp xin được gặp bà cố vấn, tôi đều trả lời bà cố vấn bận việc chưa đến.
- Biểu họ muốn phỏng vấn gì thì viết thư, gởi câu hỏi trước như thường lệ.
Lệ nói thế nhưng bước đến cầm ống nói lên:
- Bà cố vấn đây… tôi chỉ có thì giờ trả lời một câu hỏi thôi. Muốn hỏi ý kiến tôi về đêm hôm qua hả? Tôi cho là một đêm Saint Barthélemy Việt Nam.
Lệ nói xong rồi đặt ống nghe xuống, đến mở máy ghi âm để nghe băng thu buổi phát thanh của "Tiếng nói Hoa Kỳ" sáng nay loan báo về biến cố hối hỏm:
"Sáng nay Tổng thống Mỹ đã thay đổi chương trình làm việc trong ngày để theo dõi tình hình miền Nam Việt Nam. Cuộc viếng thăm của đại sứ Sierra Long sáng thứ tư đến lúc chót đã được hoãn lại để Tổng thống Kennedy có thì giờ bàn bạc với các chuyên viên của Bộ Ngoại giao và các cố vấn về tin tức cuối cùng nhận được từ Sài Gòn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao loan báo: Tân đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge đã nhận được chỉ thị phải lập tức rời Đông Kinh đi Sài Gòn.
Trong các giới chánh thức Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam người ta lên tiếng cho hay rằng quân đội Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam hoàn toàn không dính líu đến việc thi hành thiết quân luật và chánh phủ Hoa Kỳ không được chánh phủ Sài Gòn cho hay trước về các biện pháp đàn áp Phật giáo sáng nay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có ra một bản thông cáo nói rằng: "Căn cứ trên những tin tức nhận được từ Sài Gòn thì chắc chắn là chánh phủ Cộng hoà Việt Nam quyết định tiến hành những biện pháp đàn áp các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam.
Quyết định đó là một việc vi phạm trực tiếp của chánh phủ Việt Nam đối với những sự cam đoan trước đây nói rằng chánh phủ sẽ theo một chính sách hoà giải với Phật giáo. Hoa Kỳ lấy làm tiếc về những hành vi đàn áp và sự vi phạm đó của chánh phủ Sài Gòn".
- Đã muốn tiếc thì rồi cho tiếc luôn thể!
Lệ lẩm bẩm như trả lời cho tiếng nói của đài VOA rồi nhấc ống nghe lên nói chuyện với chồng:
- Anh nghe đài VOA bày tỏ thái độ của Mỹ rồi chớ? Ngày mai, Cabot Lodge đến Sài Gòn đó. Phải liệu mà ra tay trước cho họ biết mặt mới được! Kế hoạch của anh mà thi hành đúng thì nhất định là mình ăn đứt rồi.
Kế hoạch "Nước lũ" của Ngô Đình Nhu đã vạch ra gồm ba điểm chính:
1. Dùng bạo lực thanh toán Phật giáo trước ngày vụ này đưa ra Liên Hiệp quốc và trước khi tân đại sứ Mỹ đến Sài Gòn.
2. Tổ chức đảo chánh, giúp chánh quyền Ngô Đình Diệm tái sinh trong một chánh phủ mới do tổng thủ lãnh Thanh niên cộng hoà, cố vấn chính trị đứng ra lãnh đạo ở chức vị Thủ tướng. Tổng thống vẫn còn nguyên vị, song quyền hành thực sự do Thủ tướng của tân chánh phủ nắm giữ.
3. Trong trường hợp Mỹ can thiệp đòi chấm dứt viện trợ, chánh phủ mới sẽ cương quyết chống lại, kêu gọi đến viện trợ của Pháp và nếu cần, sẽ thoả hiệp với miền Bắc, tiến tới trung lập.
Sau khi đánh chiếm xong các chùa ở Sài Gòn, lúc 5 giờ rưỡi sáng trời đang còn mờ tối, Ngô Đình Diệm cho gọi cấp tốc các Bộ trưởng đến họp hội đồng Bộ trưởng, tuyên bố:
- Vì Cộng sản xâm nhập các vùng phụ cận Sài Gòn nên tôi đã quyết định thiết quân luật ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn thể lãnh thổ quốc gia, uỷ nhiệm toàn quyền cho quân đội.
Các Bộ trưởng đưa mắt nhìn nhau không một ai dám mở miệng, lấm lét liếc trông vẻ mặt lầm lì của Tổng thống. Một lát, Bộ trưởng Ngoại giao họ Vũ lên tiếng:
- Nếu quả thực có sự đột nhập của Việt cộng vào ngoại ô Sài Gòn như Tổng thống đã dạy, thì đã có đủ lý do để giải thích sự việc này.
Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ vốn là một Phật tử, nghe tin đã đánh chiếm các chùa và đã bắt hết các tăng ni nhưng sợ oai họ Ngô và sợ ảnh hưởng đến địa vị của mình, cúi gằm mặt xuống, miệng mấp máy định nói gì lại thôi, rồi đột nhiên đứng lên vênh mặt ngước cổ khổ người thấp bé, thốt ra:
- Ngô Tổng thống muôn năm!
Cả đám Bộ trưởng như một loạt người máy đồng thanh lặp lại lời hoan hô, rồi ngoan ngoãn ra về, hài lòng đã có dịp chứng tỏ lòng trung thành với họ Ngô!
Ngô Đình Diệm qua Văn phòng em dâu, kể lại cho hay cuộc họp hồi sớm nay, tỏ vẻ hể hả, Lệ tiếp lời anh chồng:
- Họ mà đám phản đối tỏ ý gì thì anh cho em biết. Em cứ kêu vô đây, mắng cho một mẻ rồi bạt tai vài cái là yên, mô vô đó ngay.
- Thím cứ hay nóng, không nên. Dù chi đi nữa họ cũng là Bộ trưởng, phó Tổng thống…
- Có phải là em nóng "đánh chó không ngó mặt chủ nhà" đâu? Chẳng qua là họ có sao thì mình phải xử như vậy chớ không thì họ lại lấp lửng lôi thôi thì phiền ra. Thiệt tình em có ăn thua chi mà ghét họ, chỉ vì em muốn giúp anh được dễ dàng sai biểu họ thôi.
Thấy Lệ sắp nổi nóng, Diệm đấu dịu bả lả ngay:
- Tôi chỉ nói chuyện như vậy thôi, chớ có dám trách thím đâu.
Ngô Đình Nhu bỗng hiện ra nói bằng giọng đầy bực tức:
- Thằng cha Mẫu gởi đơn xin từ chức Bộ trưởng Ngoại giao. Lại có tin là nó vừa cạo đầu để tỏ ý phản đối mình nữa.
Vẻ mặt Diệm bỗng tái đi:
- Chú cho kêu nó vô đây để tôi biểu?
- Mật vụ vừa báo cáo là lão Mẫu đang mang cái đầu cạo trọc lái xe đi tìm các khoa trưởng, giáo sư đại học để vận động gì đó. Việc này phải đập ngay trong trứng mới được.
Nhu đi lại suy nghĩ rồi quay ra nói với anh:
- Mình nên tương kế tựu kế để việc lão cạo đầu và xin từ chức biến thành khổ nhục kế có lợi cho mình về mặt quốc tế. Tích Lan và Cao Miên đang vận động với các nước A Phi đưa vụ Phật giáo ra Liên Hiệp quốc. Tích Lan thì do cộng sản ở bên đó nó xỏ mũi, nên chánh phủ họ có một thái độ không tốt đối với mình. Còn Cao Miên thì bất cứ mình làm cái gì nó cũng tuyên truyền phá hoại mình hết cả. Trong các nước Á Phi chỉ có Ấn Độ là tỏ ra hiểu biết và không chịu đi với các nước khác để quốc tế hoá vụ Phật giáo ở Việt Nam, họ nói rằng việc này là việc nội bộ Việt Nam, họ không xen vào, nhưng mà vì tình huynh đệ với nhau họ cũng trông giàn xếp để sớm chấm dứt.
Bây giờ mình để cho lão Mẫu nói là đi hành hương bên xứ Phật, rồi với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao và là Phật tử nữa, để vận động với chánh phủ Ấn. Việc lão ta cạo đầu và từ chức ai cũng biết, và cho là vì phản đối chánh phủ mà làm như vậy, không ai nói được rằng là lão ta đứng về phía mình, bênh vực cho mình. Nhờ đó mà để thuyết phục về mặt vận động ngoại giao. Ấn Độ là một nước lớn, quê hương của đạo Phật, có uy tín trong khối Á Phi, tiếng nói của họ sẽ rất có lợi cho mình ở quốc tế.
Ngô Đình Diệm gật gù nhìn người em cố vấn một cách thán phục:
- Khổ nhục kế của chú bày ra giỏi thiệt!
Giữa lúc ấy viên chánh văn phòng phủ Tổng thống mang vào một xấp điện khẩn, Diệm mở ra đọc, tái lặng người đi, ngao ngán nói:
- Chú thím ơi? Ông cụ muốn hại tôi đó?
Lệ cùng chồng xúm lại coi điện văn của đại sứ Việt Nam ở Hoa Thịnh Đốn tuyên bố từ chức:
"Tôi không thể tiếp tục đại diện một chánh phủ không đếm xỉa gì đến những ý kiến của tôi, một chánh phủ mà tôi không tán thành.
- Còn bức điện kia?
Lệ mở điện văn thứ hai, của mẹ nàng - quan sát viên thường trực của Việt Nam ở Liên Hiệp quốc - cũng xin từ chức, nàng giận run người, nghẹn ngào thốt ra:
- Đây là cha mẹ đâm vô lưng con cái! Ông bà nghe theo Mỹ mới làm như thế đó!
Nhu cười nhạt nói:
- Có lẽ ông cụ hy vọng chánh phủ Mỹ đưa về thành lập nội các mới hay sao chớ? Ông bà cùng từ chức như vậy có nghĩa là chánh phủ Kennedy nhứt quyết muốn "thay ngựa giữa dòng" đây. Đã vậy thì mình phải dứt khoát đối phó mới được.
°°°
 
Còn lại một mình cùng bà dì bí thư, Lệ hạ giọng nói:
- Dì coi, cha mẹ tôi nghe theo người ngoài mà đối xử với nhà chồng tôi như vậy thì còn tình nghĩa gì nữa với tôi! Tôi mà để yên thì còn mặt mũi nào đối với bên nhà chồng nữa.
- Cả hai vợ chồng anh chị Trần từ chức thình lình cùng một lúc giữa lúc này, thiệt cũng khó xử cho bà cố vấn ở giữa, một bên là cha mẹ, một bên là nhà chồng.
Lệ cười gằn:
- Ông bà không nghĩ đến con, ba tôi còn lên tiếng công kích cả tôi nữa, tôi nhịn mãi sao được? Rồi đừng có trách tôi? Dì kêu điện thoại cho giám đốc Việt tấn xã biểu vô đây nhận chỉ thị của tôi để viết bài.
Sáng hôm sau người ta không khỏi ngạc nhiên thấy bản thông tin của Việt tấn xã đăng bài đả kích vị đại sứ thân sinh đệ nhất phu nhân.
"Hôm qua ông bà Trần Văn Chương đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ và Quan sát viên thường trực ở Liên Hiệp quốc có đánh điện tín từ chức. Nhưng trước đó hai tiếng đồng hồ Bộ Ngoại giao đã gởi điện tín cho ông Trần Văn Chương biết chánh phủ Việt Nam cộng hoà đã quyết định cách chức ông vì thái độ thiếu kỷ luật của ông. Như vậy là đại sứ Trần Văn Chương đã bị cách chức như đài VOA loan tin tối ngày hôm đó.
Trần Văn Chương, đại sứ Việt Nam, bị chánh phủ lột chức, một kẻ đã tự hào rằng theo Khổng giáo, đang tiếp tục tuyên truyền chống chủ cũ và phản bội con gái y tại Hoa Kỳ.
Đạo Khổng lấy điều trung làm trọng, và nếu người theo đạo Khổng không làm tròn trách nhiệm Chúa mình giao phó, thường tự xử bằng cách tự vẫn.
Trần Văn Chương, người có một ngôi nhà tại Hoa Thịnh Đốn và một căn nhà tại Ba Lê, đã phản bội và bị cách chức đại sứ, y đã nói tại câu lạc bộ phụ nữ dân cử quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn rằng sức mạnh duy nhất của chính phủ Việt Nam là nhờ viện trợ của Mỹ chớ không phải sức mạnh của dân chúng. Điều này rất đúng với Trần Văn Chương vì trước kia y đã nhập quốc tịch Pháp, đã sống ở Hoa Kỳ từ 9 năm nay, chớ không đúng với chính phủ Việt Nam"
Trong khi Lệ ra lệnh cho thông tấn xã Việt Nam đả kích thân phụ, thì ở Hoa Thịnh Đốn cựu đại sứ Trần Văn Chương tuyên bố với thông tấn xã Pháp AFP tấn công chánh phủ Ngô Đình Diệm:
Hơn cả dụng cụ chiến hơn cả quân lính, điều cần thiết trước hết ở Việt Nam là một chánh phủ, một chế độ được thực sự ủng hộ của dân chúng. Chính vì thế mà tôi tin rằng chúng tôi sẽ có một chế độ khác đây là một điều kiện tất yếu để chiến thắng. Tôi không có ý định trở lại Việt Nam khi chế độ của họ Ngô vẫn còn. Sau khi nhà sư đầu tiên, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn, tôi đã điện về cho Diệm nói rằng: "Công cuộc khủng hoảng Phật giáo là một hậu quả chớ không phải là một nguyên nhân, phải xét đến nơi đến chốn, thay đổi hoàn toàn chế độ".
Ngày 16 tháng 8 tôi lại gởi cho Diệm một bức điện nữa trong đó vạch rõ rằng không thể nào thắng được cuộc chiến tranh chống Cộng sản nếu giữ mãi một chế độ thất nhân tâm và bất lực như thế. Chính phủ Sài Gòn đã trả lời bằng cách tấn công giới Phật giáo.
Giữa lúc đó tại vườn hoa dinh Bạch ốc trước ống kính quay phim màu của Walter Cronkite, phóng viên danh tiếng hãng vô tuyến truyền hình CBS, tổng thống Kennedy ngồi ở ghế xích đu tuyên bố:
- Chánh phủ Ngô Đình Diệm đã mất hết sự ủng hộ của dân chúng Việt Nam, tôi cho rằng những vụ đàn áp Phật tử vừa rồi là thiếu khôn ngoan. Chính phủ Hoa Kỳ không làm gì hơn là nói rõ cho Diệm biết đó không phải là một cách chống Cộng hữu hiệu.
°°°
 
Trên đường sang Việt Nam, tân đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge vừa ghé đến Honolulu thì được tin Sài Gòn ban bố thiết quân luật.
Nguyên đại diện Hoa Kỳ ở Liên Hiệp quốc, nhân sĩ cừ khôi của Đảng Cộng hoà nhưng lại là bạn của tổng thống Kennedy có thể sẽ trở thành một địch thủ lợi hại của Kennedy trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 đã nhận lời thay thế Nolthing, nhà ngoại giao chủ trương sống chết với Diệm, mà lúc này Kennedy không muốn bị lôi cuốn theo đà xuống dốc nguy hiểm của con ngựa trái chứng bất kham của họ Ngô đang lội ngược dòng. Lodge dừng lại ở Đông Kinh, định vào ngày 26 mới đến Sài Gòn thì nhận được lệnh Bộ Ngoại giao lập tức rời ngay thủ đô Nhật Bản, vì tình hình cực kỳ nghiêm trọng ở miền Nam Việt Nam sau cuộc tấn công chùa chiền của anh em Diệm.
Trong lúc chiến phản lực cơ không quân Hoa Kỳ chở Lodge rời Tokyo đang bay đến Thái Bình Dương và 2 tiếng đồng hồ nữa mới hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất thì một chiếc Jet tương tự của hãng hàng không Pan American Air Ways từ thủ đô Djakarta bay đến không phận Sài Gòn, đang lượn vòng để đáp xuống sân bay bỗng bị những tràng đạn từ dưới đất bắn lên, thủng ống dẫn xăng.
Chỉ trệch một chút chiếc phản lực cơ của hãng Pan Am đã có thể bốc cháy đâm xuống tan tành cả hành khách lẫn máy bay. Nhưng phi cơ đã đáp xuống được và các chuyên viên Mỹ đến điều tra không khỏi đặt thành nghi vấn: "người ta" đã lầm chiếc phản lực dân sự Pan Am với phi cơ của không quân Hoa Kỳ chở tân đại sứ Cabot Lodge?
Đài phát thanh Sài Gòn sau đó loan tin là Việt cộng đã đem cao xạ đến kế cận Sài Gòn để cố hạ phi cơ. Dư luận Mỹ ở Sài Gòn, từ ký giả đến trung ương tình báo CIA đều tự hỏi: Việt cộng đã bất thần về đến Sài Gòn hay là cao xạ của anh em họ Ngô đã tưởng chiếc phản lực cơ của Pan Am là chiếc phi cơ chở vị đại sứ.
Hai giờ sau vụ pháo kích hoàn toàn bất ngờ trên không phận Tân Sơn nhất, Lodge đặt chân xuống phi trường bước vào lối danh dự dành riêng cho thượng khách chỉ thấy một nhân viên chính sự vụ của Sở nghi lễ Bộ Ngoại giao đại diện cho chánh quyền Việt Nam ra tiếp đón. Không khí lạnh nhạt của vị chủ nhân Việt Nam dành cho vị đại diện ngoại giao Hoa Kỳ trái ngược hẳn với thái độ các giới Mỹ tại Sài Gòn, đặc biệt là các ký giả mà Lodge từng là cựu đồng nghiệp. Trước sự mừng rỡ đầy tin tưởng của giới ký giả bao vầy lấy mình để tay bắt mặt mừng hỏi han đủ điều, Lodge chỉ nói:
- Bấy giờ mà tôi tuyên bố e còn sớm quá, nhưng tôi có thể hứa với các bạn là những giờ phút các bạn chịu mất vì tôi sẽ là những giờ phút có ích.
Con đường đen tối, vắng vẻ từ Tân Sơn Nhất về đến Sài Gòn dọc theo đại lộ Ngô Đình Khôi đầy bóng đen và đe doạ như mở đầu cho cuộc thử thách đầy cam go mà đại sứ Lodge sẽ phải đương đầu.
 
°°°
Ngoài lực lượng đặc biệt trực tiếp đặt dưới quyền của Ngô Đình Nhu, số binh sĩ ở Sài Gòn đã tăng lên đến 15.000 người rải rác đóng các điểm trong và ngoài châu thành ngay hôm Lodge tới thủ đô miền Nam.
Tại dinh Gia Long đêm ấy, Ngô Đình Nhu triệu tập các thuộc hạ thân tín, đoàn trưởng mật vụ, tư lệnh lực lượng đặc biệt, Tổng giám đốc Thanh niên cộng hoà, Bộ trưởng Công dân vụ… tuyên bố:
- Mỹ đã quyết định là Tổng thống không được để cho tôi giữ mãi chức vụ hiện nay, bằng không là họ sẽ xét lại hoàn toàn chương trình viện trợ. Cách đây một tuần lễ, hôm 16, tôi có họp riêng với 30 tướng tá để bàn kế hoạch đối phó lại những lực lượng đối lập chánh phủ, gồm cả Mỹ hiện nay, tôi có nói rằng nếu xảy ra một cuộc đảo chánh chống lại chế độ này thì tôi sẽ không ngần ngại ra lệnh phá tan thành phố Sài Gòn.
Nhu ngừng lại rồi nói tiếp:
- Hiện nay phe Mỹ muốn dùng áp lực ngoại giao để buộc tôi rời khỏi chánh phủ. Nhưng nếu họ muốn dùng quân sự thì ta lại không biết dùng quân sự để chống lại hay sao?
Tiễn đưa đại sứ Pháp Lalouette ra cửa, Nhu nhìn đồng hồ tay thấy đã quá giờ giới nghiêm vội sai người bảo vệ bảo phái một chiếc xe của lực lượng đặc biệt theo sau xe của nhà ngoại giao để hộ tống vào tư dinh. Trở vào, thấy vợ đang cắm cúi vào đống giấy tờ cùng bà dì bí thư thường ở lại đêm trong dinh làm việc từ hôm thiết quân luật, Nhu đến gần hạ giọng nói:
- CIA tính ngày 25 này là đảo chánh đó.
Lệ vội ngước lên nhìn chồng hỏi:
- Anh được tin ở đâu?
- Lão Lalouette vừa đến cho hay. Tin của phòng Nhì thì hẳn không sai đâu. CIA bỏ ra 24 triệu đô-la để tổ chức lật đố mình…
- Tin này xác nhận việc lão Nolthing tiết lộ cho em trước hôm về nước. Việc như vậy mà sao Richard không nói cho biết?
Nhu cười nhạt bảo vợ:
- Richard đâu còn điều khiển CIA nữa mà rõ việc này, Lodge đã yêu cầu thuyên chuyển Richard vì cho là Richard thân với mình.
- Thế còn tướng Hawkins? Lão ấy đáng lẽ cũng phải hay chú?
- Tướng Hawkins cũng bị Lodge coi như là thân với mình. Tất nhiên những bí mật của CIA, bên quân sự làm sao hay được nếu họ muốn giấu?
Lệ hỏi:
- Anh nghĩ cách phá âm mưu CIA chưa?
- Về mặt chống đảo chánh bằng quân sự, anh đã lo rồi. Em có thể giúp anh bảo Gregory viết bài tố cáo âm mưu của CIA đăng huỵch toẹt lên "Times of Vietnam", họ bị lật tẩy rồi tất nhiên là phải dẹp đi.
- Để em viết bài ấy cho, rồi đưa Anne Gregory dịch ra tiếng Anh.
Hôm sau, trên mặt nhật báo Times of Vietnam, Lệ lên tiếng buộc tội CIA và các cơ quan Mỹ ở Sài Gòn bằng những lời lẽ gay gắt:
"Đài tiếng nói Hoa Kỳ dưới sự điền khiển của Sở Thông tin Mỹ (USIS) vẫn tiếp tục tỏ thái đã chống đối chính phủ Việt Nam trong các bài tường thuật về cuộc khủng hoảng ở đây và lên tiếng kêu gọi một cuộc nổi loạn của quân đội vào vòng cuối tháng…
Có tin nói nhóm ủng hộ đảo chánh trong CIA nghi ngờ cả đại sứ Mỹ Nolthing và đại sứ Pháp Lalouette đã tiết lộ bí mật của họ…"
Đồng thời với việc tố cáo nhân viên tình báo trung ương Mỹ, Lệ mở một cuộc họp báo tại dinh Gia Long để "trả miếng" Kennedy - vị Tổng thống Hoa Kỳ đã lên tiếng đòi vợ chồng nàng phải rời khỏi chánh phủ.
Trong chiếc áo dài màu cánh sen trang sức cực kỳ chải chuốt, tóc vấn uốn kiểu cách, Lệ như một nữ kiểu mẫu lấy dáng điệu để cho phóng viên nhiếp ảnh của Paris Match chụp.
- Các ông có chịu lối đánh phấn thoa son của tôi không?
- Có hợp với lối chụp ảnh màu không?
Lệ soi đôi môi vào gương trong chiếc hộp phấn khảm vàng, hỏi lại ký giả Pháp.
- Vâng, bà cố vấn hoá trang khéo lắm. Trông bà rất tươi, không ai có thể nghĩ là bà cố vấn đã có 4 mặt con.
- Bây giờ đến cuộc phỏng vấn. Các ông đặt câu hỏi đi! Tôi phải hết sức thận trọng trong lời lẽ tuyên bố với các ông hôm nay. Tôi họp báo như vầy là trái ý với gia đình tôi.
- Bà cố vấn nghĩ gì cuộc tấn công chùa chiền vừa qua?
- Tôi chưa bao giờ sung sướng như lúc này, kể từ vụ bắn phá Bình Xuyên năm 1955 đến nay.
Phóng viên báo "New York Heraldo" nói:
- Yêu cầu bà cố vấn bình luận về lời tuyên bố mới đây của Tổng thống Kennedy về việc "chính phủ Việt Nam cần phải thay đổi chánh sách và có lẽ cần phải thay đổi người nữa".
- Chính phủ nào? Người nào? Tôi không muốn chỉ trích Tổng thống Kennedy. Nhưng nếu ông Kennedy không chịu nói rõ hơn một chút thì người ta có thể hiểu lầm được.
Ký giả Mỹ rút ở túi áo ra một tờ báo, đọc lại lời tuyên bố của ông Kennedy: "Chính phủ Việt Nam đã mất hết ủng hộ của dân chúng".
Lệ ngồi chồm người lên, múa tay nói:
- Ồ tôi không đồng ý chút nào cả. Tại các ấp chiến lược, dân chúng phá cổng để chống Cộng và tự vệ lấy mình. Tôi đủ chứng cớ về việc này. Còn Tổng thống Kennedy có chứng cớ gì không? Tổng thống Kennedy đã lầm to nếu ông cho rằng chánh phủ Việt Nam không được dân chúng ủng hộ. Nếu thật Tổng thống Kennedy nói như vậy thì chuyện này rất trầm trọng vì chứng tỏ rằng chánh phủ Hoa Kỳ không hiểu gì về tình hình Việt Nam cả. Nếu dân chúng Hoa Kỳ tin lời Tổng thống Kennedy thì sao họ không gởi một phái đoàn nghị sĩ sang đây quan sát?
Không có một chứng cớ gì để có thể nói rằng chánh phủ Việt Nam đang thua và cần phải thay đổi. Chính sách chúng tôi là chính sách thắng. Chỉ có bọn phá hoại mới quấy rối chúng tôi, không để chúng tôi áp dụng chánh sách ấy?
Lệ càng nói càng giận dữ gay gắt thêm:
- Tôi nói mãi, kiệt cả sức, nhưng báo chí các ông có đời nào chịu đăng cho đúng những lời tuyên bố đâu. Báo chí toàn nói sai lệch cả Chính phủ Việt Nam đang bị một âm mưu quốc tế làm hại. Họ đã nói đi nói lại rằng chánh phủ Việt Nam đã bắn chết chín người ở Huế. Kỳ thật thì chín người này chết vì plastic, một thứ chất nổ chỉ có Việt cộng mới dùng đến.
Một bằng chứng khác của âm mưu này là các cơ quan cứ nhắc mãi việc chồng tôi "điều khiển công an mật vụ". Sai! Chồng tôi có dính líu gì đến công an mật vụ đâu?
Lệ ngừng lại, lắc đầu một cách ngao ngán:
- Hoa Kỳ, một tay vỗ về chúng tôi, còn một tay đâm chúng tôi sau lưng. Chúng tôi không hiểu nổi. Tôi cố gắng hiểu nhưng thật không hiểu nổi.
Ký giả Mỹ lại hỏi:
- Bà cố vấn nghĩ sao về việc yêu cầu tổng thống Diệm cho vợ chồng bà ra khỏi Việt Nam?
Lệ cười gằn đáp:
- Nếu có ai yêu cầu chúng tôi rời bỏ nước Việt Nam thì thật là một chuyện vô lý. Nước Việt Nam là nước chúng tôi thì không ai lại có quyền đuổi chúng tôi ra khỏi nước chúng tôi được! Tôi không khi nào đuổi ai ra khỏi nước họ đâu! Và nếu Hoa Kỳ có yêu cầu như vậy là một điều sai lầm của Hoa Kỳ?
Sự uất hận chất chứa trong lòng như được dịp bung ra, Lệ cau mày nói luôn:
- Nếu phải yêu cầu thì chúng tôi đề nghị chánh phủ Hoa Kỳ nên rút bớt chuyên viên viện trợ về, vì tôi có cảm tưởng một số đông những người này chỉ làm việc cho cơ quan CIA.
- Yêu cầu bà cố vấn nói rõ thêm về điểm nhiều chuyên viên Mỹ làm mật vụ?
- Tôi không chắc chắn về điểm này lắm. Nhưng tôi có cảm tưởng như vậy. Trước hết là đông người quá, đông chuyên viên quá. Các cố vấn quân sự Mỹ thì ít thật, và thường thì họ đàng hoàng lắm. Chúng tôi chỉ cần cố vấn quân sự, vì chúng tôi không giỏi về ngành đó. Còn các chuyên viên dân sự, chúng tôi có cần đến họ đâu, chúng tôi không cần ai đến cai trị giúp chúng tôi cả.
Tiếng ồn ào từ phía chợ Bến Thành mỗi lúc một thêm sôi động vẳng vào trong dinh Gia Long. Tiếng súng, lựu đạn nổ lẫn tiếng rú của xe cứu thương rất gần khiến các phóng viên đưa mắt nhìn nhau.
Ký giả Mỹ lại lên tiếng:
- Hình như sáng nay có biểu tình của sinh viên?
Đôi mắt Lệ bỗng quắc lên:
- Chúng nó đáng tuổi con tôi, bị xúi giục, đầu độc, cần phải sửa trị.
- Bà tính sửa trị họ bằng cách nào?
- Phải dùng roi mây, như ngày xưa các cụ đã dùng roi mây để dạy học trò, đánh cho vài roi vào đít thật đau thì chúng lại đâu vào đấy ngay. Chẳng những đối với bọn thanh niên mà ngay đối với những người lớn ở xứ này, những kẻ tự xưng là nhà sư cũng cần phải có một chánh sách roi mây để lập lại trật tự.
Bốn hôm, sau cuộc tấn công chùa chiền, giữa lúc đệ nhất phu nhân tuyên bố đầy tự tin với chủ trương bạo lực, thì tại công trường Diên Hồng một cuộc biểu tình khổng lồ đang bị đàn áp ác liệt. Từ tám ngã, sinh viên nam nữ học sinh kéo đến tràn ngập cả khu bùng binh, dân chúng từ trong chợ Bến Thành đổ ra hưởng ứng cùng thanh niên Phật tử và các phần tử Phật giáo biến trung tâm này thành một biển người sôi động biểu dương ý chí chống chánh quyền khủng bố Phật giáo. Ngay chiều hôm thiết quân luật, trung tâm kỹ thuật Phú Thọ đã bãi khoá, sinh viên các phân khoa đại học biểu tình, vận động các khoa trường, giáo sư từ chức. Bác sĩ Phạm Điều Tâm, khoa trường y khoa gởi đơn xin từ chức, sáng hôm sau liền bị bắt giam, hàng ngũ sinh viên xôn xao như biển động khiến chánh quyền phải thả bác sĩ giáo sư 24 giờ sau. Đám người biểu tình bị đàn áp tán loạn, trong khi lực lượng cảnh sát chiến đấu siết chặt vòng vây, lùa bắt lên xe. Hai ngàn nam nữ học sinh sinh viên bị đem đi nhốt ở trại trung tâm huấn luyện Quang Trung.
Trong khi những cuộc đàn áp, ruồng bắt đại qui mô của công an, mật vụ, lực lượng đặc biệt dìm đắm miền Nam trong một không khí khủng bố man rợ, xe thiết giáp, các đơn vị phòng vệ được điều động bố trí chặt chẽ chung quanh dinh Gia Long.
Phủ Tổng thống giống như một pháo đài giữa biển sôi sục phản đối của Phật giáo đồ bắt đầu lan tràn qua các tầng lớp dân chúng khác.
Bây giờ mới là lúc chánh quyền thực sự dẫm trúng vỏ chuối do bọn Phật giáo quăng ra.
Ngô Đình Nhu đang cười nhạt với lời báo cáo của Ngô Trọng Hiếu thuật lại dư luận bên ngoài, gằn giọng:
- Cho chúng nó tự tin, chúng ta sẽ dẫm lên trên những cái đầu trọc mà tiến bước!
- Bẩm ông cố vấn, Cam-bốt đoạn giao với mình, triệu hồi đại diện ở Sài Gòn về xứ, xin ông cố vấn cho chỉ thị để đối phó.
Đáp lời Bộ trưởng Công dân vụ, Nhu thong thả nói:
- Mình cũng chẳng cần gì giao thiệp với họ, song phải lo đối phó với việc nó vận động đưa ra Liên Hiệp quốc. Tôi đã bàn với ông Vũ Văn Mẫu lấy cớ hành hương sang Ấn Độ mà lôi kéo nước này lên tiếng giúp mình.
- Dạ, cái khổ nhục kế của ông cố vấn bày ra hay quá, đến con cũng phải lầm. Nhưng tại sao ông Vũ trước khi đi lại đem vợ con vô chào Tổng thống, làm cho dư luận bên ngoài người ta nghi ngờ tại sao đã cạo đầu, từ chức để phản đối rồi lại còn làm như vậy?
Ngô Đình Nhu. im lặng nảy ra ý kiến:
- Đó là chỗ hở cha ông Mẫu "giấu đầu lòi đuôi". May là tới ngày mai ông ta mới lên máy bay. Vậy phải monter (bày trò) chặn đường làm khó dễ ông ta, cho người ngoài tưởng thật là chánh phủ ghét bỏ ông ấy mới được.
- Dạ, như vậy khổ nhục kế mới được vẹn toàn.
Paulo Hiếu ngừng lại rồi mạnh dạn nói:
- Bẩm ông cố vấn định cho ai lên thay ông Vũ làm Bộ trưởng Ngoại giao lúc này.
Nhu nhìn bộ mặt thịt hau háu của thuộc hạ thân tín, hỏi lại:
- Toa thấy có ai xứng với chức đó?
Paulo Hiếu dè dặt nói:
- Con đang bận với bộ công dân vụ không thì xin ông cố vấn ban cho chức đó.
- Toa kiêm nhiệm quá nhiều rồi, moa tính giao cho Trương Công Cừu, vì thấy hắn trung thành, có thể tin cậy được. Hắn đã xin rửa tội sau khi làm dân biểu Quốc hội, và mới đây trong buổi họp của hội nghị giáo sư đại học ở suối Lồ Ồ, với tư cách Bộ trưởng văn hoá hắn có tuyên bố: "Nếu ông cố vấn có sai tôi nhảy vô lửa, tôi cũng không ngần ngại làm theo ý ông ngay". Moa còn nghe thuật lại là Trương Công Cừu đã nói với chung quanh rằng: "Nếu Ngô Tổng thống sai tôi đi quét cầu tiêu, tôi cũng thi hành ngay". Hắn đã tỏ lòng thành như vậy, nên trọng dụng hắn.
Theo chủ trương chỉ dùng những kẻ tay sai không phản phúc, còn khả năng chỉ là vấn đề thứ yếu, cố vấn chính trị nói thêm một cách đắc ý:
- Tôi chỉ cần người hợp tác trung thành thôi, còn công việc khó khăn thì đã có tôi lo liệu.
Paulo Hiếu tuy không ưa Trương Công Cừu, đã phụ trách bộ văn hoá, nay lại kiêm nhiệm cả ngoại giao, song thấy chủ nhân đã quyết định, cười phụ hoạ:
- Dạ, ông cố vấn đã xét để chọn người thì khó mà nhầm được.
- Công việc giao cho toa tổ chức "Uỷ ban Liên hiệp Phật giáo thuần tuý" đi đến đâu rồi!
- Dạ, thưa cố vấn, con đã mua được Thích Nhật Minh tức là sư Đại Giác, để cho đứng đầu Uỷ ban Liên hiệp bảo vệ Phật giáo thuần tuý đặt trụ sở tại chùa Ấn Quang. Đám thày cúng Cồ Sơn Môn thì ở chùa Xá Lợi, con vẫn lui tới mang chỉ thị của ông cố vấn cho họ. Một số cán bộ công dân vụ và nghiên cứu chính trị của Tổng thống phủ được cạo đầu, mặc áo cà sa lẩn trá vào hai tổ chức này để coi chừng và điều khiển họ. Nhưng vì số sư mới không biết việc Phật sự, nên Uỷ ban Liên hiệp có đề nghị xin chánh quyền thả bớt một số tăng ni hiện đang bị giam, xét ra vô sự, để cho họ về lo việc trong chùa, che mắt Phật tử vẫn lui tới.
- Được cho thả bớt tăng ni về, xong phải xét kỹ đừng để lọt mấy lão thầy chùa hoạt động mà thả cọp về rừng?
Ngô Đình Nhu tổ vẻ thắc mắc:
- Không rõ lão Thích Trí Quang trốn thoát đêm hôm tấn công chùa Xá Lợi hay được ai giấu mà sao chẳng thấy tăm hơi ở đâu cả? Chưa tóm cổ được nó là còn phiền đó.
Bốn chiếc máy phóng thanh gắn ở góc sân khu cù lao Rạch Cát, phía nam khu Chợ Lớn vang lên những lời giảng của một viên công an nói về sự tu hành chân chính là tinh thần từ bi của Phật tổ. Gần một ngàn tăng ni tập hợp ngồi nghe « Ma nói Pháp » giữa vòng vây kẽm gai và súng cắm lưỡi lê canh giữ chưng quanh.
Sau đêm tấn công các chùa ở thủ đô, những nhà sư và ni cô bị bắt chở về giam tại đây, chia ra làm hai khu riêng biệt, mỗi ngày đều phải tập hợp để lập danh sách, khai lý lịch, chụp hình, học tập. Kẻ điều khiển buổi học tập "giải độc" là cán bộ công dân vụ, nhân viên mật vụ hay công an sau buổi học tập, các tăng ni đều phải làm tờ "thành khẩn", cam kết sẽ mãi mãi tu hành chân chính theo giáo lý chân truyền…
"Uỷ ban liên hiệp bảo vệ Phật giáo thuần tuý" do bộ công dân vụ và mật vụ tổ chức để hợp tác với chánh phủ, đứng ra cấp giấy "phóng thích" lần lượt cho các sư ai đã được gạn lọc. Trà trộn trong số một ngàn người bị giam ở Rạch Cát con người có sắc diện xương xương, đôi mắt sâu thẳm dưới vầng trán rộng, linh hồn của cuộc đấu tranh, Thích Trí Quang đã kín đáo tránh được những con mắt xoi mói của mật vụ nhờ sự che giấu của bạn đồng đạo.
Trong khi bên ngoài có dư luận Thích Trí Quang đã trốn thoát khi chùa Xá Lợi bị bao vây, con người mà anh em họ Ngô coi là đối thủ lợi hại nhất đã đổi tên họ ra Tỳ Kheo Thích Thiện Tuệ, và cùng với tóc râu mọc ra vẻ mặt thêm hốc hác Trí Quang lần thoát ra, theo đám sư được "phóng thích" trở về chùa Ấn Quang, trụ sở của Uỷ ban Liên hiệp.
Nơi đây đã biến thành một trưng tâm mật vụ với những tên mật vụ cạo đầu giả sư. Trí Quang ra khỏi trung tâm Rạch Cát trà trộn giữa hàng trăm sư, lọt khỏi lưới bao vây ở Ấn Quang, thoát ra ngoài đường. Một chiếc xe hơi của một ký giả ngoại quốc chờ sẵn, qua liên lạc và tổ chức của Phật tử nhiệt thành, đã đưa thượng toạ Trí Quang vào tị nạn ở toà đại sứ Hoa Kỳ tại đại lộ Hàm Nghi.
 
Tin điện của các thang tấn xã ngoại quốc từ Sài Gòn đánh đi loan báo việc nhà lãnh đạo Phật giáo miền Nam xin tị nạn chính trị ở toà đại sứ Mỹ như một luồng sinh khí kích thích tinh thần Phật giáo đồ đang hoang mang, giao động qua cuộc khủng bố trắng trợn liên tiếp của chánh quyền họ Ngô.
- Để cho thằng Trí Quang thoát được, tụi bây là đồ bất lực!
Ngô Đình Nhu hầm hầm đi lại trong văn phòng như một ác thú bị thương, nhiếc mắng không tiếc lời đám thuộc hạ đang cúi mặt nhận lỗi gồm trưởng đoàn mật vụ họ Dương, Bộ trưởng Công dân vụ Paulus Hiếu, giám đốc cảnh sát đõ thành Trần Văn Tư.
- Bây giờ nó ở trong toà đại sứ Mỹ, trừ ra tấn công vô đó mới bắt được nó, chớ đời nào Cabot Lodge chịu trả?
Tư lệnh lực lượng đặc biệt đại tá Tung lên tiếng:
- Bẩm cố vấn. Năm ngàn cái phù hiệu đã đặt xong rồi.
Cố vấn chính trị họ Ngô lạnh lùng đồi giọng.
- Cứ để sẵn đó. Tiên vi lễ, hậu vi binh, để chánh phủ công khai đòi không xong hẵng hay. Đợi coi thái độ của Mỹ dứt khoát ra sao đã. Nếu họ làm tới thì mình mới ra tay. Cho năm ngàn quân lực lượng đặc biệt đội mũ gắn huy hiệu "giải phóng" để đảo chánh chơi Mỹ trong một đêm, kế hoạch đó chưa phải lúc dùng đến. Lúc này còn đang giai đoạn chơi nhau bằng áp lực tinh thần.
Ngày hôm sau, một công hàm của chánh phủ Ngô Đình Diệm gởi đại sứ Cabot Lodge đòi trao trả Thích Trí Quang, đồng thời, Ngô Đình Nhu ra lệnh cho viên tướng tổng trấn mở cuộc họp báo phản công Mỹ.
- Vụ Phật giáo thì kể như đã giải quyết, nhưng vẫn còn những phần tử Cộng sản và phiêu lưu quốc tế tiếp tục âm mưu chống chánh phủ Việt Nam Cộng hoà!
Lời tuyên bố của tướng Tôn Thất Đính, tổng trấn đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn trước một trăm ký giả quốc tế và trong nước như một sự thách đố đối với đa số phóng viên Mỹ có mặt bên cạnh các tuỳ viên báo chí ngoại giao. Một ký giả Mỹ vội lên tiếng:
- Tổng trấn có nói những tay phiêu lưu quốc tế âm mưu đưa nước Việt Nam vào tay Cộng sản, nhưng nếu những tay ấy muốn lập một chánh phủ dung nạp được sự ủng hộ của toàn dân để chống Cộng thì tổng trấn nghĩ sao?
Tôn Thất Đính từ chối trả lời thẳng vào câu hỏi:
- Việc này ở ngoài quyền hạn của tôi, tôi tiếc không thể làm vừa lòng ông được.
Thông tín viên hãng UPI hỏi:
- Thiếu tướng nói những phiêu lưu quốc tế là muốn ám chỉ ai?
Tổng trấn đáp:
- Quý vị xét lấy thì rõ.
Ký giả Mỹ vặn lại:
- Có phải vì sợ mà tổng trấn không dám trả lời rằng Hoa Kỳ âm mưu lật đổ chánh phủ không?
Tôn Thất Đính cố giữ bình tĩnh:
- Tôi không nói rằng Hoa Kỳ âm mưu lật đổ chánh phủ.
Thông tín viên Liên xã Hợp Chủng Quốc UPI bèn dồn đối phương:
- Thế thì tổng trấn không phải ám chỉ Hoa Kỳ. Vậy tổng trấn có thể cải chính là không phải ám chỉ Hoa Kỳ không?
- Tôi không nói Hoa Kỳ thì làm sao tôi cải chánh được!
- Vậy xin tổng trấn nói thẳng là Hoa Kỳ đi. Hoặc tổng trấn nói rằng những tay phiêu lưu quốc tế không phải là người Mỹ.
- Tôi không nói là ai hết?
- Ai trong phòng này cũng nghĩ là tổng trấn ám chỉ Hoa Kỳ. Nếu không ám chỉ thì tại sao lại không cải chính cho Hoa Kỳ?
Trong khi ấy ở dinh Gia Long, tại văn phòng bà cố vấn, Lệ đang chăm chú đọc những bài báo ngoại quốc của phòng báo chí phủ Tổng thống vừa trình. Nàng lẩm bẩm đoạn gạch bút chì đỏ trên tờ Washington News dưới đầu đề "CIA bướng bỉnh không tuân lệnh ở Việt Nam":
"Đã hai lần CIA không chịu thi hành những chỉ thị của đại sứ Henri Cabot Lodge… CIA đã làm hỏng kế hoạch ông Lodge đa mang theo từ Hoa Thịnh Đốn vì họ không đồng ý với kế hoạch đó. Người ta thắc mắc rất nhiều về sự liên lạc giữa cố vấn chính trị, chánh quyền Ngô và viên giám đốc CIA Richard vừa bị gọi về Mỹ".
Lệ ngước lên bảo bà dì bí thư.
- Dì có biết không? Kế hoạch của Cabot Lodge là đảo chánh chúng tôi đó, nhưng may mình có tay trong nên phá được. Lão Lodge ức nên mới vận động đẩy Richard về Mỹ.
- Mình không khảo mà báo chí họ cứ khai ra hết. Để tôi đi gặp hỏi coi còn chối nữa thôi?
- Bà cố vấn tính đi gặp hỏi ai?
- Cabot Lodge chớ còn ai vô đây nữa?
Bà bí thư nhìn Lệ đầy vẻ tự tin, liền nói:
- Tôi nghe nói ông Lodge không chịu tiếp khách phụ nữ ở toà đại sứ và trước văn phòng ông ta có treo bảng là không tiếp các bà, các cô. Chẳng rõ ông ta sợ gì?
Lệ cười bảo:
- Tôi có đến văn phòng ở toà đại sứ đâu mà lo ông ấy không tiếp. Tôi cũng không đến nhà riêng, thì ông ấy có muốn tránh mặt cũng không được với tôi. Tôi sẽ đến nơi mà ông ta vẫn lại mỗi ngày, làm như là gặp gỡ tình cờ vậy thôi.
Lệ mở ngăn kéo, rút ra một tấm phiếu nhìn qua rồi đọc:
- 7 giờ 45, ăn sáng, 8 giờ đến toà đại sứ: Buổi sáng đọc những điện tín nhận từ đêm trước và giải quyết các việc, 12 giờ 20, bơi ở hồ tắm Cercle trước bữa ăn. Chiều, tiếp khách. Tối thường ăn tại nhà, rất ít dự tiếp tân, 10 phút bóng bàn trước khi ngủ.
Sinh hoạt trong 24 giờ của Cabot Lodge tôi được báo cáo như vậy đó. Tôi sẽ gặp lão ta ở hồ bơi sân Cercle. Nhờ dì giúp cho một việc rồi mới đi gặp lão ta được. Chắc dì cũng đoán ra rồi!
Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên bối rối của bà dì bí thư, Lệ cười nói tiếp:
- Dì không nghĩ ra sao? Đi Hạnh thông tây tìm ông thầy Ngải.
- Chuộc "ngải nói".
- Cả "ngải nói lẫn ngải yêu", tôi cần cả hai thứ, dì đi lấy cho, ngay hôm nay…
Lệ tin tưởng là nàng đã chinh phục được một số nhân vật chính khách, đại sứ ngoại quốc, biến họ thành những kẻ ngoan ngoãn phục vụ cho chánh quyền nhà chồng, một phần nhờ thứ ngải mê, mạnh sức lôi cuốn ma mị về nghệ thuật luyến ái của nàng.
Bà bí thư nhìn cô cháu gái, bỗng có cảm tưởng như đang đứng trước một nữ phù thuỷ lợi hại với những quyền phép quyến rũ, sắc dục, tiền bạc, có thể thu hút, lung lạc được mọi người đàn ông yếu bóng vía.
- Tôi phải thuyết phục được đại sứ Mỹ rồi còn phải giải độc dư luận quốc tế nữa!
Câu nói đầy tin tưởng của Lệ như một lời thử thách tung ra, với tiếng cười nhả nhớt, kiêu kỳ.
 
°°°
Con đường vắng vẻ Võ Tánh gần phi trường Tân Sơn Nhất càng trống lạnh trong đêm giới nghiêm.
Lối vào sân bay đã đông kín khi giờ thiết quân luật bắt đầu. Biệt thự màu vàng lẻ loi nằm trên đường đưa đến phi trường cửa đóng kín mít, thỉnh thoảng một chiếc xe hơi đen chạy xả tốc lực đến ngừng lại trước sân, sau tiếng phanh rít hãm bánh xe rào rát trên đá sỏi.
Tiếng giày đinh lộp cộp trên nền xi măng, tiếng lách cách của lưỡi lê bóng đen mấy người lực lưỡng lôi kéo người bị bịt mắt trên xe xuống đẩy vào nhà, tiếng cửa đóng sập, toà biệt thử trở lại lặng im trong vắng lặng khác thường khi chiếc xe hơi đen lại rồ máy chạy về phía Sài Gòn.
Toà biệt thự xa vắng này là một trong những nơi tra tấn và giam giữ của mật vụ, hầu hết các yếu nhân của Phật giáo ở thủ đô đều bị đưa về đây.
Trong một phòng thẩm vấn, ngọn dèn 1000 nến xỉa xói ánh sáng nóng rực vào mặt một nhà sư bị lột trần nằm ngửa, chân tay trói chặt vào ghế.
- Từ ngày được tha về Ấn Quang, mày đã làm những gì chống chánh phủ?
Sau tiếng quát hỏi hống hách của nhân viên tra khảo nhà sư điềm nhiên nói:
- Tôi chẳng làm gì hết ngoài việc tiếp tục đấu tranh cho tự do tín ngưỡng.
- A mày muốn nói tự do làm loạn hả? Cho nó uống nước đi!
Hai tên lực lưỡng đè đầu nhà sư xuống múc nước cống và xà bông ở chiếc thùng lớn đổ vào mũi. Qua 5 lần đổ nước, nhà sư sặc sụa ngất đi.
- Nó ngất thì đánh cho nó tỉnh?
Những cái tát liên tiếp đập vào má nhà sư đến những lằn roi cá đuối quất mạnh lên người, khiến nạn nhân quằn quại kêu la đau đớn.
Bị đánh không ngừng, nhà sư không kêu la nữa, lâm râm niệm Phật, thì một roi giáng ngay vào mặt, in một lần ngang đỏ sẫm vắt lên chiếc đầu không tóc.
- Niệm Phật hả? Phật vô đây tao cũng đập chết luôn? Để tao cho nếm kiểu tra tấn này coi Phật có cứu nổi mày không?
Tên mật vụ xoay lại bảo bộ hạ:
- Đem búa với đinh ra đây! Thằng trọc này đã muốn theo Phật thì tao cho đóng đinh, nhưng không phải đóng đinh trên thập ác đâu mà tụi bây đóng đinh vào xương sống nó cho tao!
Nhà sư bị lật sấp người lại, một tên ngồi lên vai giữ chặt, một tên lấy đinh dài nam phân đóng dọc theo xương sống, mỗi nhát búa đập xuống, một tiếng thét hãi hùng vang lên, nạn nhân ngất đi.
Mấy tên mật vụ như say máu với trò cực hình man dại này. Nhà sư Thanh Tùng, sau những trận tra điện, uống nước xà bông, nước mắm, nước ớt, đánh đập bằng roi cá đuối, chày vồ… đã ngất lịm vì 10 chiếc đinh dài đóng vào xương sống.
- Nó không chịu ký nhận là Cộng sản là cho nó chết!
Qua một hồi tra khảo bọn mật vụ hình như cũng mệt bỏ mặc nạn nhân nằm trơ giữa nền kéo nhau sang phòng bên cạnh để giải khát.
Tiếng xe hơi dừng lại ở ngoài. Bước chân đi dồn dập, rồi có tiếng hỏi:
- Thi hành công tác nhân vị đã về đó hả?
- Dạ, chúng tôi đã làm xong nhiệm vụ và đem tài liệu về đây.
- Tốt lắm, hãy dẫn nó vô coi?
Hai tên mật vụ đang cầm tay một cô gái lôi đến. Gã mặt thẹo vừa đóng đinh nhà sư chòng chọc nhìn mặt thiếu nữ, cười khả ố nói:
- Chà, người đẹp! Ngộ quá ta! Mời người đẹp vô đây nghỉ một đêm.
Cô gái bị dẫn qua phòng bên, cửa sập khoá cửa lại. Một giọng nói vẳng lại:
- Con nhỏ này coi bộ ngon lành, mai đại ca mặc sức mà khai thác!
Toà biệt thự trở lại cảnh im lặng ẩn trong bóng tối. Trong những đêm giới nghiêm, mật vụ công an và cảnh sát dã chiến ngồi xe rầm rập khắp châu thành, lùng bắt những Phật tử, sinh viên, học sinh chống đối chánh quyền họ Ngô, khòng khí khủng bố tràn ngập theo bóng tối phủ lên Sài Gòn. Nhiều nhà giam mới của mật vụ được nguỵ trang sau các biệt thự kín đáo, hiền hoà ở giữa thành phố và ngoại ô. Những người bị bắt trong đêm hoặc bị mật vụ ở ngoài đường bắt cóc lên xe đưa về các nhà giam giữ để chịu cực hình tra tấn.
°°°
 
Tại dinh Gia Long, sau bữa ăn tối, Ngô Đinh Nhu nói với anh bằng một giọng tự tin:
- Quần chúng là một bầy trâu, phải trị chúng bằng roi gậy. Anh thấy chưa, không dùng biện pháp mạnh thì làm sao im được. Bọn Phật giáo muốn chơi chiến thuật nhu thắng cương thì mình đã trả lời đích đáng cho chúng nó, bằng cách làm trái ngược lại? Trong một nước chậm tiến như mình, tôi thấy chỉ có một phương pháp "mạnh". Chánh quyền phải dựa trên võ lực mới đứng vững được.
Vị cố vấn Ngô đắc ý nhìn vợ, nói tiếp:
- Thấy mình làm chủ tình hình, bọn Mỹ cũng ngán không còn lôi thôi gì nữa. Đài BBC hôm nay cũng phải nhìn nhận mình đã nắm vững tình hình sau khi quét sạch bọn thầy tu và Hoa Thịnh Đốn đã nhượng bộ không yêu cầu vợ chồng mình đi nữa.
- Trưa nay em có gặp Cabot Lodge ở hồ tắm nhà Cercle, lão ta đang bơi, em nhảy ùm xuống, bất ngờ không thể lẩn đi đâu được, lão phải bả lả chào em.
Diệm hỏi:
- Sao, lúc này thím hay tắm ở hồ Cercle à?
- Em mới đến đó lần đầu, vì muốn gặp Cabot Lodge. Nghe nói trưa nào lão ta cũng bơi ở đấy.
- Lão ta có nói gì với thím không?
Lệ cười, hỏi lại anh chồng:
- Đế anh đoán lão ta nói gì với em nào?
- Thím không nói thì tôi với chú làm sao biết được?
Lệ liền nói:
- Lão ta coi bộ e ngại em lắm, chỉ nói bâng quơ mấy câu xã giao và hỏi em có hay tin điềm này điềm nọ hay không? Em trả lời có, và hỏi lại tại sao hỏi em như vậy, thì lão ta kể là hôm vừa rồi lão vào Sở thú đến chỗ chuồng cọp nhìn vào thì thấy một con cọp đến đái ngay trước mặt lão ta. Rồi lão ta hỏi đó là điềm tốt hay xấu? Em nghĩ là một đại sứ mà đem câu chuyện ấy ra để nói, thật không lấy gì là lịch sự về ngoại giao lắm, nhưng em cứ bảo rằng theo người mình đó là điềm tốt. Lão ta có vẻ yên trí như vậy, cám ơn em, rồi hỏi em bao giờ đi? Em hỏi đi đâu, thì lão nói là nghe tin em sắp xuất ngoại đó thôi.
Lệ ngừng lại, thắc mắc hỏi chồng:
- Việc em sắp đi sao lão ta lại biết được?
Nhu đáp:
- Nhân viên CIA thiếu gì mà không biết? Hay lão ta vẫn muốn vợ chồng mình ra đi, theo ý muốn hiện thời của Kennedy.
Đột nhiên Nhu nói bằng giọng khó chịu:
- Em đi gặp Lodge làm gì? Lão ta muốn chơi lá bài chống mình tới cùng, tính chuyện đảo chính không xong, rồi muốn đòi vợ chồng mình ra khỏi xứ này, còn tử tế tình nghĩa gì được nữa!
Lệ đáp một cách tự tin:
- Tại sao mình không muốn lôi cuốn lão như đại sứ trước?
Nhu cười nhạt:
- Em cứ chủ quan không chịu thấy rõ là Lodge sang đây với một nước cờ mới của Kennedy. Bao nhiêu người Mỹ mà Lodge cho là có chút cảm tình với mình, đều đẩy về cả. Chẳng những người ở sứ quán mà cả CIA và tướng Hawkins nghe nói cũng sấp phải về nước nữa.
Lodge còn gây áp lực với Tổng thống để vợ chồng mình đi khỏi Việt Nam, sau khi cúp hết viện trợ Lực lượng đặc biệt. Rồi đến lượt lão ta không chịu trả tên Thích Trí Quang, như vậy quá đủ thái độ chống mình rồi. Mình cũng không thể lấy tiền lung lạc được lão vì lão ta là con nhà tỷ phú sang đây để làm đại sứ, chỉ lấy lương tháng một đô-la làm tượng trưng.
Nhu hạ giọng nói tiếp cùng Ngô Đình Diệm:
- Tôi chỉ ngại Lodge đi đôi với Trí Quang, có nghĩa là Mỹ đi đôi với Phật giáo để lật anh em mình suy theo những việc đã xảy ra, có lẽ là Kennedy định chơi lá bài Phật giáo thay lá bài Công giáo, để lấy cảm tình các nước Đông Nam Á, đa số theo đạo Phật. Hiện nay mấy nước Phật giáo đang vận động đưa vấn đề Việt Nam ra Liên Hiệp quốc, cho là có kỳ thị tôn giáo trong nước mình. Lẽ tất nhiên Mỹ muốn tránh trách nhiệm đã nâng đỡ một chánh phủ Thiên chúa giáo là mình, nên mới tính việc "thay ngựa giữa dòng".
Diệm lo ngại hỏi:
- Chú tính đối phó ra sao?
Nhu thong thả nói:
- Từ đây cho tới cuối năm 1963, là mấy tháng quyết định số mạng của mình. Mỹ muốn lấy con cờ Phật giáo chiếu tướng mình, thì mình phản công lại một lúc mấy thế mới khỏi bí, mà thắng nước nữa. Nó muốn dùng báo chí, Đài phát thanh, vô tuyến truyền hình để đầu độc quốc tế là có việc đàn áp Phật giáo ở Việt Nam, thì mình phải phản công lại bằng một chiến dịch "giải độc quốc tế" để biện hộ cho mình với dư luận quốc tế.
Nhu nhìn vợ nói tiếp:
- Em chịu khó đảm nhiệm công việc này, đi một vòng Âu châu qua tới Mỹ, bắt đầu bằng hội nghị Liên Hiệp nghị sĩ quốc tế ở Belgrade nay mai đây.
Lệ ngắt lời chồng bằng một giọng tự đắc:
- Em sẽ làm cho thế giới mở mắt ra!
Nhu lại nói:
- Mặt khác, mình gián tiếp cho Mỹ biết là họ không muốn mình thì mình sẽ đi với Pháp, mình sẽ thoả hiệp với Hà Nội, nếu cần đến. Như vậy nó muốn bắt chẹt mình, cũng không dám liều. Nó muốn đảo chánh, thì mình đã đề phòng rồi. Cả mấy mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, mình đã nắm vững, nếu nó muốn chơi về kinh tế cắt viện trợ thì mình chỉ tự túc ít lâu là ổn định được tình hình, theo đường lối mới, không có Mỹ ở xứ này.
Diệm tỏ vẻ lo lắng nhìn em:
- Chú đã tính kỹ chưa?
- Anh yên trí. Bề ngoài Mỹ nó doạ gây áp lực vậy thôi, chớ mình đã làm chủ tình hình trong nước, nó không dám phiêu lưu làm bậy đâu.
- Theo lời chú bàn thì nay mai thím đi thiệt sao?
- Dạ, phải để cho nhà em đi thì mới được việc.
Diệm nghĩ ngợi rồi nói:
- Ừ mọi việc tuỳ chú sắp đặt, lo liệu cho yên đừng để thím mệt nhọc quá.
Lệ cười đầy kiêu hãnh:
- Anh tổng thống khỏi lo. Em đủ sức đối phó với thiên hạ mà. Phải vào hang cọp mới bắt được cọp con chớ!
Lệ vừa dứt lời thấy bà dì bí thư bước vào, trao một bức điện, vội mở ra coi, rồi nói với chồng:
- Điện bà Trần khuyên em nên đi khỏi Việt Nam ngay, đem theo tất cả các con, kẻo ở lại thì nguy hiểm đến tính mạng.
Nhu cau mày suy nghĩ, rồi nói:
- Như vậy là bà nghe Mỹ doạ sắp có đảo chánh đến nơi ở Sài Gòn mới hốt hoảng đánh điện cho em như vậy. Thật rõ là bà cũng khéo nghe theo lời thiên hạ?
Lệ nghiêm nghị quay lại bảo bà dì bí thư.
- Dì cho đánh điện trả lời giùm cháu, bảo mẹ cháu như vầy: "Rất tiếc là mẹ đã bị đánh lừa!"
Bà bí thư vừa quay ra, Lệ hỏi chồng:
- Chắc Hoa Thịnh Đốn đánh đòn cân não nên mới đánh điện tín này, sau khi ông bà từ chức, lôi cả nhân viên toà đại sứ nghỉ việc nữa.
Nhu lạnh lùng nói:
- Như vậy chẳng khác nào họ tuyên chiến với mình, đòi vợ chồng mình phải ra khỏi nước? Dù muốn hay không, mình cũng nhận lời tuyên chiến, chỉ còn chọn lựa một trong hai việc: đầu hàng hay chống lại.
Đêm 9-9, trước ngày đệ nhất phu nhân lên máy bay đi Âu Mỹ "giải độc dư luận quốc tế" đài Sài Gòn truyền thanh "bức tâm thư của Lệ nhân danh chủ tịch phong trào Phụ nữ liên đới lên tiếng kêu gọi phụ nữ:
"Chiến dịch đê hèn mà kẻ thù tay sai đang nhắm vào tôi - đặc biệt riêng tôi mà đả phá - vì tôi là người đầu tiên tố giác những kẻ đã dám làm ô nhục Phật giáo bằng cách lợi dụng Phật giáo. Vì hiểu rằng tôi bất khuất trước những sự phi lý, trước thủ đoạn bêu xấu và doạ nạt, người ta hiện nay đang cố gắng cô lập tôi… Không có gì triệt hạ được tôi, ngay cả tử thần!
"Chị em đừng hoang mang trước những lời đồn đại ngu xuẩn, trước bất cứ một việc gì nhất là cô liên quan tới tôi, vì tôi biết rằng trong chuyến công du mà tôi sắp khởi hành những tin đồn đại điên rồ mà chị em bắt đầu quen thuộc sẽ gia tăng gấp bội. Tôi đã có một giải pháp hữu hiệu để chống lại mọi sự lộng hành xảo trá mà chúng ta vừa là mục đích vừa là nạn nhân mặc dù xảy ra trong những hàng ngũ có tiếng là tôn trọng tự do dân chủ nhất…"
Chiếc xe hơi bóng lộn chở ông bà cố vấn chính trị vừa ngừng ở phi trường Tân Sơn Nhất thì đám nam nữ dân biểu Quốc hội tranh nhau chạy đến mở cửa xe:
Lệ bước ra vẻ mặt hớn hở trong chiếc áo không cổ bó sát lấy người, tay ôm một bó hoa hồng lớn dừng bước hướng về các nhiếp ảnh viên cười rất tươi sau những ánh đèn thay nhau chớp liên tiếp, Lệ tiến đến các phóng viên ngoại quốc tỏ vẻ sẵn sàng trả lời những câu phỏng vấn.
- Bà cố vấn cho biết về chương trình cuộc công du?
- Tôi sẽ đến Belgrade để dự Hội nghị Liên hiệp Nghị sĩ quốc tế. Chánh phủ cử tôi đi để trình bày quan điểm của chánh phủ về vụ Phật giáo. Tôi có sứ mạng giải độc thế giới đã có những quan điểm sai lầm về Việt Nam. Tôi sẽ ghé vài thủ đô ở Âu châu.
Lệ ngừng lại cười duyên rồi tiếp:
- Có người đã gọi tôi là Rồng cái. Trong mấy tuần lễ tới đây tôi muốn làm chuồn chuồn trong bài hát Việt Nam "Khi vui thì đậu, khi buồn thì bay…".
Một ký giả Mỹ hỏi:
- Bà có dự định sang Mỹ không?
Lệ đắn đo trả lời:
- Tôi biết sang Mỹ lúc này cũng như vào hang cọp vậy. Nhưng có vào hang cọp thì mới bắt được cọp con, như câu ngạn ngữ đã nói, có phải không? Tôi chưa biết nói gì với dân chúng Mỹ. Một nhóm các báo Mỹ và vô tuyến truyền hình muốn mời tôi sang bên ấy.
- Thế bà có muốn định đại diện cho Việt Nam tại Liên Hiệp quốc trong phiên họp đặc biệt gần đây xét về vấn đề kỳ thị tôn giáo tại Việt Nam do đề nghị của các nước trong khối Á Phi không?
- Không, tôi có dính líu gì đến Liên Hiệp quốc đâu? Tôi cũng không định ghé thăm Liên Hiệp quốc. Tôi đã đến đó một lần rồi.
- Bà sẽ trở lại Việt Nam?
Trước câu hỏi bất ngờ của phóng viên thông tấn xã Anh, Lệ bỗng cất tiếng cười khanh khách rồi nghiêm giọng đáp:
- Sao tôi lại không trở về nước tôi? Mặc dù có kẻ không muốn cho tôi đi khỏi Việt Nam, nhưng tôi nói rằng họ sẽ thất vọng. Cuộc công du của tôi chỉ trong vài tuần lễ thôi, và trong sự vắng mặt ngắn ngủi của tôi, người ta đừng hòng tìm cách đẩy tôi ra khỏi xứ này?
- Có phải là bà cựu đại sứ Việt Nam ở Mỹ đã đánh điện khuyên bà cố vấn đem tất cả các con theo trong chuyến đi này không?
Lệ cười nhạt cau mày trả lời ký giả Mỹ:
- Có mẹ tôi còn bảo rằng ở lại Việt Nam sẽ nguy hiểm đến tánh mạng. Nhưng tôi đã trả lời rằng rất tiếc mẹ đã bị đánh lừa? Tôi hiểu rằng người ta muốn doạ đảo chánh để làm áp lực với tôi, như doạ ma với con nít. Tiếc thay, họ gõ lầm cửa rồi: tôi xin xác nhận để trả lời những ai đó là tôi không bao giờ chạy trốn khỏi xứ sở tôi đâu?
 
Trả lời các phóng viên ngoại quốc xong, Lệ quay sang đám các bà các cô Liên đới đang xúm xít chờ đợi. Nàng vừa bước tới thì bao nhiêu thuộc hạ lớn, nhỏ vội vã vây quanh hỏi han tới tấp, muốn nói lên sự có mặt của họ trong giờ phút tiễn đưa, để được vinh hạnh đón nhận một cái nhìn, một lời nói của đệ nhất phu nhân.
Ý thức về tư thế và uy quyền tối thượng của mình, Lệ kiêu hãnh nhìn qua đám đông tay chân lố nhố những đôi mắt hướng cả về phía nàng, chờ đợi. Nàng tỏ vẻ bận tâm đến đám Phụ nữ liên đới, phân phát cho bà này một lời nói, cô kia một cái mỉm cười hay gật đầu, và lên giọng kẻ cả:
- Nhân danh là người lãnh đạo chị em, tôi tự cho rằng bổn phận của tôi, chiếu theo luật liên đới, là chỉ dành cho tôi những phần nhỏ của niềm vui vừa đủ để có thể đem lại cho tôi nghị lực và can đảm để tiếp tục tranh đấu, và ngược lại, tôi phải gánh vác tối đa mọi nỗi ưu phiền và gian khổ. Tôi sẽ về kịp lúc để cùng vui với chị em trước sự xuất hiện vô số:
Đèn dầu liên đới đầy dầu,
Sẵn sàng hợp ngọn rạng màu núi sông.
Một bà đứng gần Lệ nghe nàng nói ra hai câu thốt vịnh của phong trào liên đới, lên tiếng phụ hoạ mong được đẹp lòng Đệ nhất phu nhân:
- Cả một cuốn Kiều nổi danh của Nguyễn Du em đã thuộc lòng mà cũng không thể nào tìm được một câu có thể so sánh với giá trị của hai câu thơ của bà cố vấn đọc!
Tiếng phóng thanh ở phi trường cho hay đã đến giờ máy bay sắp cất cánh, Lệ vội vã bước ra sân, đưa tay chào những kẻ tiễn đưa, đi thẳng lên thang máy bay. Đến nửa chừng nàng đưa mắt lại nhìn quanh trong đám đông, tỏ vẻ tìm kiếm ai. Viên phi công Pháp đứng ở đầu cầu thang thấy vậy, liền hỏi:
- Bà tìm ai?
Lệ sực nhớ đến chồng mà nàng không thấy đâu và nàng đã quên từ giã, trong khi Ngô Đình Nhu ngồi ở phòng khách sân bay, đang mải chuyện trò với mấy nhân vật cầu cạnh xúm xít chung quanh.
- Tôi đã lạc mất chồng tôi rồi.
Lệ vừa thốt ra câu trả lời, thì đã đến lúc cầu thang được gỡ, nàng vội đi vào trong máy bay. Con gái đầu lòng và mấy dân biểu tháp tùng nàng đã lên trước.
Chiếc phản lực cơ của hãng Air France rung động lướt gió, bỏ lại Sài Gòn trong đêm tối giới nghiêm.
Trên đường trở về dinh, người chồng cố vấn chính trị nghe nhắc lại lời nói cuối cùng của vợ, không dè là một câu nói gở ứng nghiệm sự chia ly vĩnh viễn giữa hai người.
 
Chú thích:
(1) ăn miếng trả miếng