Chương 11
QUYỀN HÀNH TRONG TAY

 
Thủ tướng Ngô Đình Diệm về nước được thưa thớt người đón tiếp
Giữa phòng khách vắng vẻ sau giáo đường, ở trong khu nhà thờ Cha Tam, tại Chợ Lớn, vào một buổi chiều vừa dứt trận mưa hè, Giám mục Thục, đầu tóc bạc, cắt ngắn ngồi chính giữa, đưa đôi mắt sáng quắc nhìn qua ba người em trai cùng cô em dâu đang ngồi quanh, rồi gật gù bộ mặt béo hồng, cất tiếng đanh thép:
- Chú Thượng lãnh trách nhiệm ra lập chính phủ. Việc là việc nước, song cũng như việc nhà, anh em mình phải lo đảm đương gánh vác trước khi nhờ đến người ngoài. Anh cả chúng ta đã về chầu Chúa, anh lấy tư cách "quyền huynh thế phụ" mà khuyên nhủ các em. Ít khi anh em hợp mặt đông đủ, chỉ còn thiếu chú út Luyện đương lo công việc ở Genève, mà rồi đây cũng để cho chú ấy hoạt động ở nước ngoài, còn ở trong nước, chú Nhu với chú Cẩn phải cố sức mà giúp cho chú Thượng. Anh vì đã khoác áo tu hành, không thể công nhiên làm việc phần đời, song anh cũng theo dõi để giúp được chừng nào hay chứng ấy. Anh nghĩ lúc này giữa anh em mình nên phân công cho rành rọt. Theo ý anh thì ở gần bên chú Thượng có chú thím Nhu còn ở miền Trung thì giao cho chú Cẩn phụ trách. Còn anh, đứng trong phạm vi tôn giáo, cũng có thể góp sức ủng hộ về mặt tinh thần. Cả khối Công giáo từ Bắc chí Nam là một lực lượng hậu thuẫn mạnh cho chính phủ công giáo đầu tiên ở nước mình. Ấy chưa kể đến sự nâng đỡ của Giáo hội khắp nơi và Toà thánh.
Người anh tu hành vừa dứt lời, Nhu mở cặp đưa ra một xấp chương trình dài gồm những kế hoạch đối phó, mua chuộc, liên kết với các nhóm quốc gia, lực lượng giáo phái rồi chậm rãi nói:
- Lúc này, anh Thượng sắp chính thức ra cầm quyền, họ còn đợi coi sao mới phản ứng. Kể ra thì Pháp cũng còn mạnh, song với áp lực của Mỹ, mình có thể kềm giữ được. Thế Pháp phải nhượng bộ Việt Minh ở hội nghị Genève, mình đòi cho quốc gia được độc lập hẳn hoi, rồi cũng dễ gây ảnh hưởng mạnh. Tôi thấy cần đối phó trước hết là các lực lượng theo Pháp với Bảo Đại. Mình có thể dùng tiền Mỹ để mua chuộc, chia rẽ hàng ngũ các giáo phái đang kết hợp trong cái Mặt trận Toàn lực quốc gia, và cần đến thì tiêu diệt từng dám một. Có một lực lượng đáng kể hiện thời là Cao Đài liên minh của Trịnh Minh Thế, còn ở trong khu chủ trương chống cả Pháp lẫn Việt Minh, được Mỹ giúp đỡ, mình cần liên lạc để lôi cuốn hợp tác. Ở thành, đáng ngại chỉ có bọn Bình Xuyên, chúng có tiền, được Pháp và Bảo Đại che chở hiện nắm giữ công an trong tay, mình phải tính chuyện loại ảnh hưởng bọn này trước. Về phía quân đội quốc gia, mới có một phần theo mình, còn một số đang lưng chừng, nghe theo tướng Nguyễn Văn Hinh, người của Pháp trung thành với Bảo Đại.
Lệ góp lời chồng:
- Em thấy có thể lôi kéo quân đội không khó, khi anh Thượng đã chính thức cầm quyền trong tay. Quân đội phải tuân theo kỷ luật, lẽ tất nhiên phải nghe lời Thủ tướng. Tướng nào dám chống lại mà ngại? Anh Thượng tính bữa mô ra dinh Gia Long, để em lo sửa soạn trước cho gọn.
- Tôi mới về được một bữa, tạm ở đây cho đỡ để bàn tính công việc vài ba bữa thôi, chớ ở trong khu nhà thờ lâu không tiện.
Cẩn nhai trầu bỏm bẻm lên tiếng:
- Rứa anh Thượng tính bữa mô về Huế thăm mạ? Cũng sắp tới ngày kỵ thầy rồi.
- Ừ để đến ngày kỵ thầy anh về thăm mạ luôn. Bấy lâu nhờ có chú ở một bên mạ, anh cũng yên tâm.
Lệ hỏi:
- Anh Thượng xa nhà lâu, có thích món chi để em bới vô đây cho. Anh còn thích ăn mắm tôm chua không?
Nhu ngắt lời:
- Việc gia đình để bàn tới sau. Bây giờ anh Thượng quyết định coi danh sách những người mình mời tham gia chính phủ, giữ ai lại, loại bỏ ai để tiến hành cho mau việc lập nội các đặng ra mắt đi. Trong số các anh em bấy lâu theo ủng hộ mình, giúp đỡ tinh thần hay vật chất, những người có thể tin cậy được ở lòng trung thành của họ, tôi kê riêng ra một bên, với khả năng từng người, và đề nghị cử họ đảm nhận trách vụ gì trong chính phủ. Ngoài số người tin cẩn được còn số người có uy tín, có bằng cấp, có cảm tình với mình, tôi sắp hạng riêng, với đề nghị về mỗi người. Tôi nghĩ rằng lúc đầu, trong nội các giao thời này, mình chỉ giữ các bộ chính do tay chân tín cẩn, còn để cho các đại diện giáo phái chạy theo mình vài bộ, cho có tính cách liên hiệp, rồi sẽ tuỳ cơ đối phó.
Diệm gật gù:
- Tôi đồng ý với chú Nhu. Anh Giám mục nghĩ sao?
- Được chú Nhu có bàn tính với tôi rồi.
Cẩn chen vào:
- Mấy anh nhớ cho người của em đề nghị với nghe.
Diệm mỉm cười nói:
- Chú khỏi lo điều đó. Tuy là việc nước song do anh em mình định đoạt. Tôi đã tính để cho chú làm Cố vấn chỉ đạo ở miền Trung còn chú Nhu làm Cố vấn chính trị ở bên tôi. Anh Giám mục làm cố vấn tối cao cho chính phủ. Còn chú út Luyện chuyên lo ngoại giao ở bên ngoài với ông bà Trần.
- Thím Nhu giúp chúng tôi về mặt ngoại giao ở trong nước. Như vậy cả nhà mình đều nấm giữ mọi trọng trách, lo gì không thành công? Mỹ đã quyết lòng ủng hộ đến cùng, mình không sợ gì thằng Pháp hay Việt Minh cả. Lúc này mình chỉ cần dè dặt đề phòng bọn quốc gia nó phá đám thôi, chớ củng cố đâu vào đó rồi thì không lo nữa.
Lệ bỗng nhiên hỏi:
- Ở ngoài người ta đồn là Ba Lê nhận 80 triệu của Mỹ mới chịu để cho anh về, mình phải nói sao?
- Ở lúc đầu Bảo Đại không chịu giao chức Thủ tướng cho tôi, mặc dầu ông Bidault, lãnh tụ mặt trận Thiên Chúa giáo Cộng hoà Bình dân lấy tư cách ngoại trưởng mà đế nghị, rồi đến Mỹ yêu cầu, đòi phải có một chính phủ quốc gia thực sự mới chịu đảm bảo viện trợ. Mỹ đã thúc giục Pháp trao trả quyền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam, chịu nhìn nhận Việt Nam có thể tách ra khỏi Liên hiệp Pháp, rồi ông Donald Heath đại sứ Mỹ đến Cannes hôm 16, nằn nì mà ông Bảo Đại cũng cứ lưng chừng không nhận lời. Tôi cho ông Bảo Đại muốn kéo dài ngày giờ để yêu sách, trong khi thấy nội các Laniel Bidault đổ vì cuộc thương thuyết ở Genève bế tắc, Mendès France được lên làm Thủ tướng nhờ cam kết đem lại hoà bình trong vòng một tháng. Hơn nữa, ông Bảo Đại thấy Mỹ hết lòng ủng hộ tôi, lại sợ tôi không bảo vệ quyền lợi riêng của ông ta sau này, nên mới nhùng nhằng đề buộc Mỹ phải trả giá cao.
Nhu chen lời nhận xét mỉa mai:
- Như vậy là Bảo Đại đã buôn chiếc ghế Thủ tướng Việt Nam lấy đô la Mỹ ở trên đất Pháp, cũng là một hành động lịch sử lắm!
Diệm tiếp tục kể:
- Sau ba ngày điếu đình, trả giá, đến 19, ông Bảo Đại mới chịu uỷ nhiệm cho tôi thay thế Bửu Lộc, và chỉ mấy giờ sau khi Pháp tân phong Thủ tướng Mendès Franee. Không đầy một tuần lễ trước khi về đây, tôi chỉ vừa đủ thì giờ với chú Luyện để sắp đặt phái đoàn mới qua Genève thay bọn cũ.
- Chú Luyện giữ chức cố vấn, đại diện cho tôi, với bác sĩ Trần Văn Đỗ(1) mà tôi tạm cử làm ngoại trưởng và luật sư Nguyễn… Mấy người chủ chốt toàn chỗ bà con tin cậy được cả.
Nhu thắc mắc hỏi:
- Anh liệu hội nghị Genève có đi đến đâu không?
Diệm suy nghĩ rồi đáp:
- Mendès France thay thế Bidault, muốn tìm một lối thoát cho Pháp ở Đông Dương tại hội nghị này, có thể nhượng bộ, thoả hiệp với Việt Minh, hy sinh phe quốc gia. Vấn đề chia cắt nước mình tôi nghe họ đặt ra thành giải pháp cho cuộc thương thuyết hiện thời.
Mỹ cũng đã thấy rõ như vậy rồi nên tôi mới về đây để liệu bề đối phó trong trường hợp Việt Nam trở nên Cao Ly, Đức, thì có một chính phủ quốc gia mạnh, được Mỹ hết lòng ủng hộ mà đương đầu với cộng sản.
Đối với Pháp, do hiệp ước nhìn nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập Mỹ sẽ thay thế đảm nhiệm huấn luyện, đào tạo cho quân đội quốc gia và sẽ viện trợ trực tiếp cho Việt Nam. Ngoài ra Mỹ đang xúc tiến một hiệp ước phòng thủ chung ở Đông Nam Á, và đã triệu tập bí mật ở Hoa Thịnh Đốn hồi đầu tháng này, năm nước Mỹ, Anh, Pháp, Úc và Tân Tây Lan. Hiệp ước này sẽ giúp mình chống lại áp lực của Việt Minh cộng sản. Cho nên, ở Genève, dù Pháp với Việt Minh có liên kết với nhau, mình cũng đã có thể đối phó, và Mỹ không để cho Cộng sản lấn lướt quá được.
Nhu tỏ vẻ lo ngại:
- Tôi sợ không tránh khỏi việc chia cắt nước mình, căn cứ vào cái hội nghị Yalta trước đây, giữa Roosevelt, Churchill và Staline, Mỹ dù có muốn giúp mình, song thế Pháp về mặt quân sự hiện thời chỉ lo chống đỡ, và chỉ muốn rút chân cho khỏi sa lầy thêm nữa, sợ rồi phải làm compromis(2) với Việt Minh, mà Mỹ cũng phải nghe theo. Anh từ giã Ba Lê hôm 25, vậy anh có được tin tức chi về bữa 23 tại Berne, giữa Mendès Franee với Chu Ân Lai, Molotov ở toà đại sứ Pháp không?
Diệm lắc đầu:
- Không, tôi không được Pháp chính thức thông báo chi cả. Song chú Luyện có nghe ngóng là giải pháp "chia cắt quân sự" đã được các giới quan sát chính trị coi như giải pháp duy nhất để chấm dứt chiến tranh, và Pháp đang cố bám lấy. Nghe đâu, trước đó, Tạ Quang Bửu, thứ trưởng quốc phòng Việt Minh đã bí mật gặp riêng tướng Pháp Delteil liên tiếp mấy lần để bàn về việc này.
Giám mục Thục tỏ vẻ lo lắng:
- Họ tính chia cắt Việt Nam, vậy còn mấy giáo khu Phát Diệm, Bùi Chu chú có nghe định đoạt ra sao không?
- Không, chưa có gì chính thức cả, song hình như Pháp họ muốn trung lập hoá hai vùng Công giáo này.
Nhu tiếp lời:
- Tôi sợ về mặt quân sự Pháp không còn đủ sức mà giữ mấy nơi này nữa, và dường như Bộ Tư lệnh Pháp ở đây đang tính chuyện rút bỏ cả miền trung châu Bắc Việt, để tập trung về giữ Hà Nội và con đường Hà Nội - Hải Phòng. Nhiều người ở Phát Diệm, Bùi Chu đã lo chạy đi Hải Phòng và Hà Nội, đủ biết tình thế tại đó ra sao rồi.
Diệm nói:
- Chú bi quan quá, chớ hôm kia đây, tôi cũng có nêu vấn đề các giáo khu ở Bắc ra, mấy người Pháp trong Bộ quốc gia liên kết cả quyết với tôi rằng "Không bao giờ quân đội Pháp lại bỏ rơi mấy vùng Công giáo lọt vào tay Việt Minh".
Giữa lúc cuộc hội họp chính trị gia đình họ Ngô đang diễn ra ở phòng khách nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn, sau hôm Diệm trở về, thì tại Bắc Việt những binh sĩ đoàn quân viễn chinh được lệnh rời bỏ ngay các vùng Phát Diệm, Bùi Chu, tập trung về dọc theo đường Hà Nội - Hải Phòng, theo các toán quân đóng rải rác ở trung châu đã rút lui về trấn giữ chung quanh thủ đô miền Bắc.
Bộ Tư lệnh Pháp mở chiến dịch Auvergne, theo quyết định hồi giữa tháng năm của Hội đồng Quốc phòng thời chính phủ Laniel, trước tình hình nguy ngập của trung châu sau ngày mất Điện Biên Phủ.
"Vị Tổng tư lệnh phải coi chừng tránh cho Hà Nội khỏi trở nên một Điện Biên Phủ mới, và phải tự quyết định tại chỗ tuỳ theo biến chuyển quân sự. Chính vị Tổng tư lệnh phải chọn lấy ngày giờ và phương tiện rút lui về Hà Nội nếu tình thế bắt buộc".
Dân chúng ở hai vùng giáo khu sáng sớm mở mắt dậy, kinh hoàng thấy bao nhiêu đồn trại của quân đội Liên hiệp Pháp trống rỗng, mấy chuyến tàu cuối cùng rút lui còn vướng víu với những gia đình muốn theo chồng con binh sĩ chạy đi. Những tiếng kêu gào, khóc lóc nguyền rủa, uất hận của giáo dân vang dậy trên bờ, bất lực, tuyệt vọng nhìn theo các chuyến tàu chở quân Liên hiệp Pháp bỏ rơi họ.
Trong các nhà thờ những hồi chuông đổ dồn, tiếng kinh cầu nguyện rì rào như sóng biển dâng lên, trong lúc cờ đỏ sao vàng bay phất phới trên các cứ điểm giáo khu.
Tại Sài Gòn, tin điện của các thông tín viên ngoại quốc đánh đi:
"Pháp đã rút quân khỏi nam trung cháu Bắc Việt, Phát Diệm, Bùi Chu, quê hương Thiên Chúa giáo lọt vào tay Việt Minh".
Ngô Đình Diệm đang ngồi uống trà ở tư phòng nhà thờ cha Tam thấy Giám mục Thục cùng Lệ vào báo tin, không dằn được tức giận, dập mạnh tách nước xuống bàn, hầm hừ:
- Pháp nó phản, nó đâm vào sau lưng tôi!
Vào lúc ấy tại Ba Lê, tân Thủ tướng Mendès France cũng kinh ngạc bất ngờ trước tin bất lợi cho nước cờ ngoại giao đang tiến triển, do quyết định của nội các trước. Tuy lo âu về chiến sự Đông Dương, Mendès France không dè tình thế suy sụp như phúc trình của các tướng Guillaume và Blanc vừa cho hay: "Quân đội bị đe doạ thảm bại thực sự trong mấy tuần lễ trước đầu mùa mưa. Hà Nội về mặt thực tế không thể chống giữ được, con đường Hải Phòng nguy ngập, một trận giao chiến khốc liệt và đẫm máu để rút lui sắp xảy ra… Và quân đội Pháp bị tan tành rối loạn đến độ phải mất không biết bao nhiêu năm nữa mới tổ chức lại được thành một đạo quân quốc tế ".
- Thật là không thể tưởng tượng được… Tân Thủ tướng Pháp bàng hoàng lẩm bẩm rồi bảo với nhà ngoại giao Jean Chaùvel:
- Trong khi chúng ta đòi trung lập hoá các giáo khu, bọn nhà binh lại rút quân đi, thế nào Việt Minh chẳng bảo chúng ta định "bán" những nơi không còn thuộc về mình nữa.
Trong lúc này, ở Genève, giữa không khí trầm tĩnh như mặt hồ lớn Thuỵ Sĩ, các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Pháp và Việt Minh bên lề hội nghị bỗng mắc nghẽn vì đề nghị phản đối của Việt Minh trong việc qui định vĩ tuyến chia cắt Việt Nam.
Ở biệt thự Bella Việt, trụ sở của phái đoàn quốc gia, Ngô Đình Luyện thâu nhận những tin tức chung quanh vấn đề Pháp và Việt Minh bàn tính chia đôi Việt Nam, làm báo cáo gởi theo lối ngoại giao về Sài Gòn.
Tấn kịch phân ly Việt Nam đã diễn biến ra sao?
Ngày 25 tháng năm, trong một phiên họp thu hẹp, trưởng phái đoàn Việt Minh, Phạm Văn Đồng đưa ra đề nghị giới hạn các khu vực để ngừng bắn, căn cứ trên việc trao đổi lãnh thổ chiếm đóng giữa đôi bên. Đại biểu Pháp, ngoại trưởng Bidault và Jean Chauvel vội ghi lấy rồi cử đại tá Brébisson gặp riêng đại tá Việt Minh Hà Văn Lâu sau một phiên họp của tiểu ban quân sự, để bàn về nghị định này.
"Trao đổi lãnh thổ", theo lời của Phạm Văn Đồng, có nghĩa là thế nào, và những sự trao đổi này có thể áp dụng thêm ở ngoài phạm vi chiến lược và chiến thuật không" Đáp lại ý muốn của đại biểu Pháp, một cuộc gặp gỡ bí mật đã diễn ra ban đêm tại một biệt thự xa vắng ở ngoại ô Genève giữa Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Minh và đại tá Hà Văn Lâu cùng tướng Delteil và đại tá Brébisson.
Mở tấm bản đồ Việt Nam trải trên bàn, Tạ Quang Bửu đặt cả bàn tay trùm lên nửa phía trên bán đảo chữ S, nói giọng quả quyết:
- Phần này phải thuộc về chúng tôi… Chúng tôi phải có một quốc gia, phải có một thủ đô cho quốc gia của chúng tôi, phải có một hải cảng cho một thủ đô của chúng tôi… với miền Trung gồm cả Huế…
Tướng Delteil nhìn theo cử chỉ của đối phương đang rạch ngang Việt Nam đến vĩ tuyến 13, ngắt lời:
- Đề nghị của các ông như thế có nghĩa là phán Việt Nam ra làm đôi?
- Đây chỉ là một sự phân chia tạm thời, có tính cách quân sự, vì sẽ có tuyển cử trên khắp Việt Nam để thống nhất, và chúng tôi đòi phải có tổng tuyển cử.
- Đổi lại quân đội Liên hiệp Pháp rời bỏ Bắc Việt, các ông sẽ đền bù cho chúng tôi những phần lãnh thổ nào?
- Chúng tôi sẽ trả lời sau.
Trước sự dè dặt của đại biểu Việt Minh, tướng Pháp nói:
- Ba Lê cũng như Sài Gòn chỉ có thể chấp nhận đề nghị của các ông với điều kiện, quân đội Pháp Việt giữ trọn phần dưới vĩ tuyến 18.
Đôi bên trao đổi, mặc cả đến quá nửa đêm mới chia tay. Tạ Quang Bửu nói:
- Chúng ta họp bàn tay đôi kín đáo như thế này tốt hơn thảo luận trước hội nghị, với sự can thiệp của 9 nước. Các ông có đồng ý là cần phải giữ bí mật cuộc tiếp xúc này không?
Tướng Delteil cười đáp:
- Lẽ tất nhiên, chúng ta phải giữ bí mật cho nhau.
Đại tá Brébisson đưa đại biểu Việt Nam ra tận cửa, nói nhỏ:
- Các ông cần hoà bình hơn chúng tỏi, vì nếu hội nghị Genève bết thành thì chiến cuộc Đông Dương sẽ quốc tế hoá. Mỹ sẽ nhảy vào tham chiến.
Thấy Hà Văn Lâu mỉm cười, Brébisson nói thêm:
- Không phải tôi nói thế để doạ các ông đâu, mà thật tình cầu nói giữa chúng ta với nhau.
Rồi không ngại khuya khoắt, hai đại biểu quăn sự Pháp đến biệt thự của đại sứ Chauvel và tổng trưởng quốc gia Liên hiệp đang có mặt tại Genève, đập cửa vào lúc ba giờ sáng, báo cho biết đề nghị của Tạ Quang Bửu mà mọi người đều nhìn nhận là mới mẻ và táo bạo nhất từ khi bắt đầu hội nghị Genève. Liên tiếp năm cuộc tiếp xúc bí mật giữa bốn đại biểu quân sự đã mở đường cho Pháp và Việt Minh thoả hiệp với nhau chính thức hoá chia cắt Việt Nam tại hội trường Vạn quốc để ngừng chiến ở Đông Dương.
Chung quanh Genève không khí phập phồng trong chờ đợi, và "một tháng để mang lại hoà bình" của Thủ tướng Pháp đánh cá tại Quốc hội cũng đã đến ngày cuối cùng.
Mendès France đã cùng Eden khôn khéo thuyết phục, lôi cuốn Foster Dulles đồng ý với chủ trương của Pháp, cũng không khác mấy kế hoạch "bảy điểm" của Mỹ đã đưa ra. Anh và Mỹ không muốn chiến tranh lan rộng vì Việt Nam, Chu Ân Lai và Molotov cũng muốn chấm dứt chiến cuộc ở Á Đông.
Những khó khăn đã vượt qua, những mặc cả đã xong, ngày thứ ba 20 tháng bảy, Medès France còn phải tranh đấu đòi đối phương nhượng bộ về đường giới tuyến phân chia, kéo dài ngày tổng tuyển cử ở Việt Nam, thời hạn triệt thoái binh sĩ.
Chiều ngày cuối cùng, tại biệt thự Bocage của phái đoàn Pháp, trong gian phòng khách rộng lớn, đồng hồ trên tường chỉ gần năm giờ ghế bày ngấn ngang quanh một chiếc bàn lớn, các ông Eden, Mesès France, Molotov và Chu Ân Lai vây quanh Phạm Văn Đồng, ướt đẫm mỗ hôi nghiêng mình trên tấm bản đồ Đông Dương.
Chung quanh điểm đen chỉ thành phố Huế nhiều đường vạch ngang dọc trên và dưới cố đô Việt Nam, vằn vện cả mặt bản đồ. Mấy chính khách đứng quanh bản đồ Việt Nam có vẻ như là đám y sĩ giải phẫu đang bàn tính mổ con bệnh.
Trưởng phái đoàn Nga Molotov vẫn lạnh lùng chờ đợi đến lúc cần thiết để can thiệp, làm trọng tài phân xử cho đôi bên: Việt Minh đòi đến vĩ tuyến 13 hay 14, Pháp nằn nì ở vĩ tuyến 18, Molotov đề nghị ở vi tuyến 16, ranh giới đã qui định thành hai khu vực cho quân đội Anh và Trung Hoa đến tiếp thu Nhật đầu hàng.
Chu Ân Lai ở sát cạnh Molotov, có vẻ mặt bình thản, nhưng không chú trọng lắm đến sự giằng co tranh giành từng cây số trên bản đồ trải ở trên bàn. Thực ra, trong cuộc thương thuyết ở Genève, ngoại trưởng Trung Cộng lần đầu tiên góp mặt với chính trường Tây phương không bận tâm đến một lãnh thổ Cộng sản rộng hẹp đôi chút ở phía Nam, mà chỉ muốn sát cạnh biên giới không có một căn cứ quân sự nào của Mỹ, Pháp, đã làm vừa lòng họ Chu bằng các điều khoản có vẻ như trung lập hoá các quốc gia Đông Dương, và Hoa Thịnh Đốn đến giờ chót đã thôi phản đối.
Chiếc đồng hồ treo từ từ buông năm tiếng, như giục giã mọi người đi đến quyết định cuối cùng: Vĩ tuyến 17.
Trong khi ở Genève những cuộc trả giá cuối cùng diễn ra chung quanh đường chia cắt, mấy điện văn cuối cùng của tướng Ely từ Sài Gòn đánh đi yêu cầu Pháp thoả hiệp cấp tốc với đối phương vì tình hình quân sự ở Việt Nam nguy ngập: ở Bắc 120 tiểu đoàn trang bị đầy đủ của Việt Minh có thể tung ra đánh 80 tiểu đoàn Liên hiệp Pháp đang hoang mang.
Quân đội viễn chinh có thể tập trung về Hải Phòng với một giá máu rất đắt; chính thống chế Juin đã đề nghị rút khỏi Hà Nội ngày mồng 6 tháng 7. Ở Trung Việt đối phương vừa thắng một trận lớn tại An Khê, khắp miền Nam, du kích nổi lên hoạt động ác liệt.
Ở Sài Gòn, Ngô Đình Diệm đi gặp đại sứ Mỹ, cho hay:
- Nếu có được sự ủng hộ của Mỹ, tôi sẵn sàng chống lại những hiệp ước đang mưu tính ở lời cam kết của Việt Nam đối với Pháp.
Đồng thời Diệm bảo bí thư Bùi Xuân Đệ đánh điện cho phái đoàn Việt Nam trong Uỷ ban Quân sự ở Genève: "Đòi Việt Minh phải rút hết quân khỏi trung châu, chỉ để cho họ chiếm đóng miền thượng du Bắc Việt thôi".
Giữa lúc đó, các thông tấn viên quốc tế ở Genève đánh điện đi khắp thế giới: đêm nay, 20 tháng bảy, tại Toà Vạn Quốc sẽ ký hiệp ước đình chiến và chấp thuận bản tuyên bố cuối cùng của 9 quốc gia.
Vào giờ chót, kim đồng hồ ở điện Vạn Quốc ngừng lại ở con số 12, rắc rối cuối cùng do trưởng phái đoàn Cao Miên thu xếp xong. Tại phòng lễ ký hiệp ước, đồng hồ đã quá 8 giờ sáng, song Mendès France đã sẵn sâng để ký kết, Phạm Văn Đồng rảo bước đến, trán đẫm mồ hôi, vẻ mặt căng thẳng dừng bước lại ở ngưỡng cửa cho các nhiếp ảnh viên chụp, đi vào bên trong rồi lại trở ra liền.
3 giờ 20, chỉ còn các đại diện quân sự ở lại, các chính khách sẽ họp ngày mai để bế mạc hội nghị.
Tạ Quang Bửu, đại diện Việt Minh, đặt bút ký xong hiệp ước ngưng bắn cùng tướng Delteil, đứng lên, tươi cười nói với đại biểu Pháp:
- Bây giờ thiếu tướng có thể nhận lời uống với chúng tôi một ly rượu sâm banh chứ?
Trưởng phái đoàn Uỷ ban Quân sự Pháp đứng lên theo, tái mặt đáp:
- Xin ông hiểu cho, tôi không thể nhận lời được.
Ở hành lang, tiếng nổ sâm banh trào bọt trước những nét mặt đăm chiêu và vui vẻ. Bên ngoài, trời bắt đầu hừng sáng.
Ngày 21 tháng bảy 1954, tiếng súng sẽ không còn nổ ở Đông Dương sau chín năm chiến tranh, 400.000 người chết, ba tháng thương thuyết, một quốc gia chia đôi.
Các nhân vật phái đoàn Việt Nam quốc gia theo dõi cuộc điều đình như đứa con ghẻ đứng ở nhà ngoải có cuộc tranh chia gia tài người chết.
Sau một đêm thức trắng, trưởng phái đoàn quốc gia Trần Văn Đỗ đã khóc chống đối việc chia xẻ đất nước tại hội nghị ba hôm trước, còn đủ nghị lực ra mắt báo chí chiều ngày 21, phát một bản tuyên ngôn phản đối Pháp và Việt Minh đã ký kết với nhau mà không đếm xỉa đến phái đoàn quốc gia.
Giữa lúc ấy, Quốc trưởng Bảo Đại vẫn an nhiên ở lâu đài Thorence trên bờ bể Cannes, tỏ ý lo ngại với một đại biểu trong đám chính khách giáo phái sang "trợ chiến tinh thần" cho phái đoàn quốc gia ở hội nghị Genève trở về:
- Không biết Pháp có lo giữ cho miền Nam với Hoàng triều cương thổ được yên để cuối năm ta về đi bắn chơi không?
Tại Sài Gòn, sau hai tuần lễ chính thức cầm quyền, ngày hôm ấy, ở dinh Gia Long, Diệm đang ngồi cùng bàn ăn với vợ chồng Nhu và Giám mục Thục, người hầu cận đưa bản "Tin mật" vào. Diệm đọc thấy lời tuyên bố của Tổng thống Eisenhower bình luận về hiệp ước Genève trong cuộc họp báo ở Hoa Thịnh Đốn: "Tôi không có gì chỉ trích chống lại sự việc đã xảy ra ở Genève vì tôi không có giải pháp nào để đề nghị thay vào đó".
Tiếng nói của Diệm bỗng trở nên gay gắt:
- Mỹ không phá hiệp ước Genève thì mình cũng khó mà chống đối ra mặt được, song chúng ta không thể tha cho Pháp ở miền Nam này. Một tuần trước khi tôi chấp chính, Pháp rút khỏi Phát Diệm, Bùi Chu, bỏ giáo dân ủng hộ tôi rơi vào tay Việt Minh rồi mười lăm ngày sau chúng nó lại đi đôi với những kẻ đã giết anh cả nhà mình mà chia hai lãnh thổ, để lại cho tôi nửa phần này, với đám tay chân của chúng…
Nhu bình tĩnh nói:
- Mình có kế hoạch đối phó, không ngại, miễn là được sự ủng hộ vững vàng của Mỹ. Tôi chủ trương lúc này phải mở ra ba mặt trận:
1. "Chống phong kiến", nhằm tiêu diệt các giáo phái, tổ chức tay sai của Pháp và Bảo Đại.
2. "Chống thực dân", loại dần ảnh hưởng của Pháp và đòi quân đội viễn chinh rút về, theo hiệp ước Pháp đã nhìn nhận Việt Nam là một nước hoàn toàn độc lập.
3. Chống Cộng sản, tức là phá đổ uy thế của Việt Minh trong dân chúng, củng cố chính quyền mình với lực lượng hậu thuẫn căn bản là Công giáo. Phát động phong trào di cư ở miền Bắc, lôi cuốn dân chúng vô Nam, ủng hộ cho mình. Việc phải lo trước là vấn đề di cư.
Giám mục Thục tiếp lời:
- Chú thủ tướng lo với Mỹ về phương diện tàu bè, máy bay chuyên chở, còn tôi liên lạc với các đức Cha ở Bùi Chu và Phát Diệm, đức Khâm Mạng ở Hà Nội, Hội truyền giáo ở Ba Lê, Thiên Chúa giáo Mỹ và Toà thánh…
Lệ lên tiếng:
- Anh thủ tướng nói có bàn với Mỹ để mượn tiền viện trợ trước, họ hứa ra sao?
- Thím nhắc tôi mới nhớ, Mỹ đã nói với nhà băng Đông Dương ứng cho mình trước 500 triệu bạc để lo công việc rồi. Trong vòng 24 giờ nữa sẽ có số tiền đó.
- Hôm nay có chuyến tàu đầu tiên chở dân chúng Phát Diệm di cư đi từ ngoài ấy bữa 17, cách 4 hôm nay, sắp cập bến Sài Gòn, em đã biểu tổ chức đón rước, anh có đi gặp họ một chút không?
- Thôi, thím liệu sắp đặt giùm, tôi có hẹn lát nữa gặp mấy ông Mỹ. Thím thay mặt giúp cho tôi, đi với anh Giám mục…
Lệ vội trở về phòng sửa soạn trang điểm lại, thay quần áo, để lần đầu tiên đại diện Thủ tướng ra mắt dân chúng.
Trên đường Catinat, chiếc xe hơi đen bóng cắm cờ quốc gia chạy ra phía bờ sông chở Lệ ngồi một mình, đi sau chiếc xe Giám mục Thục ngừng lại ở bờ sông Sài Gòn, trước nhà hàng Majestic.
Chuyến tàu chở dân cư vừa cập bến, Lệ tiến lên trước hàng máy ảnh và quay phim, nghe tiếng nói từ phía đám phóng viên ngoại quốc vẳng đến, trầm trồ về mình:
- The first Lady! (Đệ nhất phu nhân).
 
Chú thích:
(1) Em ruột Trần Văn Chương, tức là chú Trần Lệ Xuân.
(2) Thoả hiệp.