Chương 15
CỦNG CỐ CHẾ ĐỘ GIA ĐÌNH TRỊ

Người cận vệ hớt hải mang bức điện mật mã từ phía dinh Độc Lập chạy vào văn phòng cố vấn chính trị, thấy Ngô Đình Nhu đang chăm chú trước chồng hồ sơ trên bàn giấy, vội dừng lại lên tiếng:
- Bẩm ông cố vấn, có bức điện thượng khẩn vừa nhận được từ Buôn Mê Thuộc đánh về, Tổng thống bị ám sát hụt.
Nhu chụp lấy bức điện xem qua, rồi bảo người hầu cận:
- Đi mời bà cố vấn ngay cho tao!
Mấy ống điện thoại màu trắng đều lần lượt nhấc lên, Nhu gọi bác sĩ Trần Kim Tuyến, trưởng phòng nghiên cứu chính trị, trưởng cơ quan an ninh quân đội, ra lệnh đến gấp.
Lệ tất tả đến cùng Ngô Đình Lệ Thuỷ, đứa con gái đầu lòng, lo sợ hỏi chồng:
- Anh Tổng thống có làm sao không? Quân nào dám cả gan như vậy?
- Ám sát hụt! Không can chi!
Phòng mật mã đặc biệt của phủ Tổng thống hoạt động rộn ràng, liên tiếp văn phòng cố vấn nhận được những bức điện về vụ ám sát Ngô Đình Diệm ở Buôn Mê Thuộc. Nhu lặng lẽ đọc qua các tin điện, trao cho vợ xem, rồi vuốt tóc nói với con gái:
- Bác Tổng thống bị bắn hụt, không sao cả. Chiều nay bác về tới, con biểu mấy em cứ đi học như thường. Không có chuyện chi hết. Để ba làm việc.
Cô gái đầu lòng Lệ Thuỷ, ngoan ngoãn dạ rồi thoăn thoắt đi ra.
Các bộ hạ thân tín của Nhu lần lượt kéo đến vừa thấy mặt cố vấn và xuýt xoa:
- Tổng thống vẫn bình yên vô sự. Thật là nhờ ơn trên phù hộ.
Nhu bảo bác sĩ Tuyến:
- Toa phải đi ngay lên Buôn Mê Thuộc để nhận định cho rõ nội vụ rồi báo cáo liền cho "moa" đặng liệu cách đối phó với bọn tổ chức cuộc mưu sát này. Thủ phạm đã bắt được tại chỗ, "toa" khéo khai thác thì ra hết bọn chủ mưu.
 
°°°
 
Sáng hôm ấy, trong lúc Ngô Đình Diệm đi khánh thành cuộc triển lãm canh nông tại thị xã Buôn Mê Thuật, một thanh niên trà trộn giữa đám đông, đứng cách bốn thước xả súng tiểu liên nhắm bắn vào người Diệm. Loạt đạn đầu chỉ nổ mấy tiếng, một viên trúng cánh tay mặt một nhân vật tuỳ tùng, ông Đỗ Văn Công, Bộ trưởng cải cách điền địa, kẻ ám sát toan bắn loạt thứ hai thì bị kẹt đạn, vội rút khẩu tiểu liên MAS49 ra khỏi áo bờ-lu-dông, liền bị nhân viên hộ vệ Tổng thống và cảnh binh nhào đến bắt khoá tay và tước ngay khí giới.
 
Thủ phạm khai tên: Hà Minh Trí, 21 tuổi, từ Tây Ninh lên Buôn Mê Thuộc cùng hai người bạn trước khi Ngô Đình Diệm lên một ngày. Theo kế hoạch của Trí, y mang khẩu tiểu liên MAS49 giấu trong chiếc áo bờ lu-dông, còn hai đồng bọn thủ lựu đạn, trà trộn vào đám đông công chúng chực đón Diệm dọc theo đường đưa đến khán đài để chờ dịp ra tay. Khi Diệm cùng đoàn tuỳ tùng đi ngang thì Trí chỉ mũi súng về phía Diệm mà bóp cò cho hết một loạt đạn 25 viên nổ liên hồi, rồi hai đồng bọn tung hai quả lựu đạn tấn công để gây xáo trộn mà cùng nhau tẩu thoát. Cuộc mưu sát bất thành vì Trí không quen sử dụng tiểu liên MAS49, khi gắn gắp đạn vô sạc-dơ không đóng mạnh nên chỉ có mấy viên đạn nằm ngoài nổ thôi.
Bị quân bảo vệ và cảnh binh bắt tại trận, đánh tơi bời, bể mặt và áo quần rách tả tơi, rồi đem về nhốt ở hành dinh liên khu Buôn Mê Thuộc để tra hỏi. Hà Minh Trí khai là y đã nhận mạng lệnh của Cao Đài ly khai để ám sát Ngô Đình Diệm.
 
Ảnh: Hà Minh Trí (chụp 2006) (Nguồn: Mõ Hà Nội)
 
Trong một tuần lễ liên tiếp ngày đêm bị tra tấn bằng đủ mọi hình thức tinh vi của đám thuộc hạ nhà Ngô, thanh niên đã khai là Hà Minh Trí, quê quán ở Bình Định lại xưng tên họ khác, khi là Phạm Văn Điều, lúc Đinh Văn Phúc. Trước hai câu hỏi của điều tra viên đặt ra cho Trí trả lời:
1. Ở trong tổ chức nào?
2. Ai xúi bảo ám sát Tổng thống?
Hà Minh Trí đã không đáp đúng như ý muốn của họ Ngô. Ngô Đình Nhu ra lệnh áp giải Trí về Sài Gòn bằng máy bay, đưa thẳng vào Sở thú nhốt riêng tại phòng bí mật P.42, rồi vị cố vấn chính trị đích thân đến chỉ huy cuộc tra hỏi.
 
Trong khi Trí chết đi sống lại nhiều lần trước kỹ thuật tra tấn khoa học gồm có "liên hoàn thẩm vấn". Nạn nhân dù có xương đồng da sắt gan lì đến đâu cũng phải cung khai, thú nhận theo ý muốn của kẻ khai thác.
Từ cơ quan mật vụ có tin truyền miệng loan rằng "thủ phạm ám sát hụt Tổng thống đã khai cho một vị tướng trong quân đội cộng hoà chủ mưu". Ngô Đình Nhu muốn mượn vụ ám sát hụt này để thanh toán một số sĩ quan cao cấp trong quân đội, cùng vài nhân vật trong chính trường mà anh em họ Ngô đã nghi ngờ, liệt vào hạng ngấm ngầm chống đối chế độ. Nhu đưa tên những người này ra để hỏi Trí, mớm dụ Trí khai cho họ, nhưng anh chàng vẫn một mực nói là chỉ theo lệnh của Cao Đài ly khai đi ám sát Diệm.
 
Thiếu tướng Mai Hữu Xuân mà Ngô Đình Nhu muốn trừ khử, đã biết rõ những hành vi mưu toan của anh em họ Ngô trong công cuộc thiết lập và củng cố chế độ gia đình trị, có thể gây nên những phản ứng bất ngờ nguy hiểm trong trường hợp bị thanh trừng ức hiếp, do đó mà Nhu vẫn phải dè dặt trước đối thủ lợi hại.
Giữa lúc ấy, Lệ bỗng nhận được một phong bì lớn chứa đầy những tấm ảnh chụp nàng chung với các tình nhân tướng tá, trong nhiều dáng điệu nồng nàn ngồi đùi, bá cổ, hôn hít âu yếm… các hành vi diễn ra trong phòng kín, mà chỉ có con mắt tò mò của mật thám theo dõi nổi.
Lệ bàng hoàng, nghĩ ngay đây là vụ "săng-ta"( sự tống tiền)  nàng, của địch thủ tài tình đã nắm giữ được những yếu điểm nhất của nàng mà đem phô bày trên báo chí ngoại quốc thì địa vị đệ nhất phu nhân của nàng, cũng như vai trò cố vấn chính trị Tổng thống của chồng sẽ chỉ còn là trò cười cho thiên hạ.
Ngô Đình Nhu không hay biết gì về việc này, lấy làm lạ khi thấy vợ có thái độ ôn hoà bảo chàng đừng quyết liệt với vị thiếu tướng mà chàng muốn loại trừ.
- Hắn chỉ thân Pháp, vì đã do Pháp tạo ra, mình chưa có những bằng cớ rõ ràng là hắn chủ mưu ám sát anh Tổng thống, mà chỉ nghi hắn không có bụng trung thành. Anh cũng không nên làm quá, cứ thuyên chuyển hắn cho giữ một chỗ không có thực quyền, không thể tính chuyện lôi thôi gì là được rồi. Từ chức cảnh sát viên thời Pháp mà lên đến địa vị tướng ngày nay, qua các ngành công an, tình báo, an ninh, quân đội, hắn là người biết quá nhiều chuyện L’ homme qui en savait trop: (Người đã biết quá nhiều việc - nguyên văn lời của Lệ), mình trừ khử ngay đi không tiện, bất lợi nữa là khác, mà nên tìm cách mua chuộc, thu nạp tốt hơn. Trước sự im lặng, phân vân của chồng, Lệ nói tiếp:
- Bây giờ không có chứng cớ rõ ràng là hắn phản, mình không thể ngang nhiên cất chức thiếu tướng của hắn đi. Hơn nữa, chính hắn đã có nhiều công trạng giúp mình trong hồi diệt trừ bọn Bình Xuyên. Nếu xô đẩy hắn vào chân tường hắn trốn ra ngoại quốc rồi bêu xấu chế độ mình, xuyên tạc lăng nhăng có phải là phiền không? Tự dưng mình mắc thêm oán thù vô ích. Em nghĩ tốt hơn cả là anh chỉ nên đẩy nhẹ hắn bằng cách cầm chân khéo ở một địa vị hữu danh vô thực cho hắn không đến nỗi mất mặt mà cũng không sinh sự phá được mình.
Nhu nghe lời vợ, xuống lệnh thuyên chuyển tướng Mai Hữu Xuẩn đi trông nom một trại huấn luyện tân binh.
Vụ ám sát Buôn Mê Thuộc xảy ra sau ngày tết, Ngô Đình Diệm vừa ngỏ lời cùng quốc dân: "Chúng ta đã tiêu diệt quân phiến loạn phong kiến, chặn đứng hoạt động phá rối của cộng sản ở nông thôn, đem lại hoà bình và an ninh khắp trong nước". Những viên đạn bắn hụt nhằm vào người Diệm làm cho anh em họ Ngô tỉnh choàng trước nguy cơ ngấm ngầm thù hận chế độ gia đình trị, mà những kiến nghị trung thành với "Ngô Tổng thống lãnh tụ anh minh", những lời nịnh hót "ơn trên đã phù hộ Ngô chí sĩ, cứu tinh dân tộc" của đám nô bộc Bộ trưởng, dân biểu, tướng tá, tỉnh trưởng, đại sứ, chính khách… không đánh tan được không khí chống đối trong dân chúng.
 
Ngô Đình Nhu triệu tập liền một cuộc họp đông đủ anh em họ Ngô. Tổng giám mục lãnh đạo tối cao tinh thần của chế độ, cố vấn chỉ đạo chính trị miền Trung, đặc sứ lưu động các nước Âu châu, Cố vấn chính trị Tổng thống và Tổng thống, rồi Lệ cũng hiện diện trong buổi họp mặt gia đình quan trọng này, tham dự những bàn tính, sách lược củng cố chế độ, tập trung quyền hành trong tay anh em họ Ngô và thân quyến, mở cuộc thanh trừng sâu rộng trong chính giới và quân đội, đề phòng mọi hình thức đảo chính.
Với tư cách Cố vấn chính trị, Ngô Đình Nhu đứng ra thuyết trình, nêu lên các kế hoạch củng cố Đảng Cần Lao và chính quyền rồi kết luận:
- Chúng ta cầm quyền thực sự chưa được mấy năm, lẽ tất nhiên là còn sơ hở và cán bộ chưa đầy đủ, nên từ trung ương đến các cấp còn có sự lỏng lẻo, song những khuyết điểm ấy đều có thể lần lần khắc phục được. Việc cần thiết trước nhất lúc này để củng cố chế độ đối nội cũng như đối ngoại, là anh Tổng thống nên đi viếng thăm nước Mỹ để vận động tăng cường sự ủng hộ của chánh quyền Mỹ đối với chúng ta. Tôi đã ra chỉ thị cho đại sứ ở Hoa Thịnh Đốn ngỏ ý với Chính phủ Mỹ và sắp đặt cho cuộc công du này càng sớm càng hay.
Giám mục Thục gật gù nói:
- Y kiến của chú cố vấn hay lắm. Tôi sẽ viết thư riêng trình Đức Hồng Y Spellman để nhờ người vận động thêm với Giáo hội Hoa Kỳ làm hậu thuẫn cho Tổng thống. Chú đại sứ nay mai trở qua Anh, nên ghé sang La Mã để cám ơn Toà thánh về bức điện mừng Tổng thống đã được ơn trên che chở.
Lệ lên tiếng:
- Có một lực lượng hết sức lớn lao mà chúng ta chưa khai thác, để làm hậu thuẫn cho chế độ, đó là phụ nữ. Riêng phong trào Phụ nữ liên đới chưa đủ, vì chỉ có tính cách xã hội thôi, cần phải huy động tất cả lực lượng tiềm tàng của phụ nữ trong mọi từng lớp nữa. Tôi đề nghị thành lập tổ chức thanh nữ Cộng hoà và phát động phong trào phụ nữ bán quân sự, để khi hữu sự có thể động viên hàng mấy trăm ngàn người, thành một lực lượng đáng kể của chúng ta.
Ngô Đình Diệm đắc ý hưởng ứng:
- Sáng kiến của thím giỏi lắm, nhờ thím đứng ra thi hành luôn. Có cần tiền hay chi thì thím biểu tôi, phụ nữ bán quân sự, hay lắm. Chuyến này qua Mỹ tôi sẽ đưa đề nghị này ra để xin thêm cố vấn huấn luyện cho thím.
Ngô Đình Cẩn ngồi im bỏm bẻm nhai trầu, phẹt vào ống nhỏ, nói chen vào:
- Phụ nữ bán quân sự hay bán chi cũng được, nhưng ở miền Trung thì xin miễn cho. Tui không có nội tướng để cầm quân mô.
Câu nói phá ngang của lãnh chúa miền Trung, vẫn thường không giấu điểm ác cảm đối với chị dâu mà Cẩn gọi là "con quỉ cái" làm cho Lệ nổi tức, đáp lại:
- Có ai dám động đến giang sơn của chú mà chưa chi chú đã lo!
- Ai muốn gãy răng cứ đụng đến miền Trung đi?
Lời qua tiếng lại xung khắc giữa Cẩn và Lệ ít khi tránh khỏi trong mỗi lần gặp mặt nhau, không còn làm cho anh em Ngô lấy làm lạ nữa. Nhu muốn bênh vợ liền cất ngang:
- Thôi mà chú!
Rồi tuyên bố chấm dứt buổi họp, đến tối sẽ tiếp bàn tới vấn đề thanh trừng người trong chánh quyền và quân đội.
Một tháng sau buổi họp của anh em họ Ngô, Ngô Đình Diệm lên đường đi Hoa Kỳ.
Tại Hoa Thịnh Đốn, trong lúc Diệm tuyên bố "nước Việt Nam hiện thời đang sống trên một hòn núi lửa, vì những đe doạ bên ngoài của cộng sản quốc tế và những nguy cơ khuynh đảo bên trong", thì ở Sài Gòn, Ngô Đình Nhu bắt đầu thanh trừng nội bộ.
Người đầu tiên bị ảnh hưởng trong việc xét lại trong hàng ngũ quân đội của Cố vấn chính trị Tổng thống là tướng Đôn, người tình cưng của Lệ trong giới võ biền, được lệnh thuyên chuyển ra Huế. Nhu muốn nhờ tay em Cố vấn chỉ đạo miền Trung, coi chừng và ngăn chặn vị tướng lãnh tiếp tục ân ái vụng trộm với người vợ ngoại tình.
 
Lệ thầm hiểu chồng muốn đưa tình nhân vào vòng kềm toả của cậu em chồng nghiệt ngã đối với chị dâu, ngăn cách nàng gặp gỡ người yêu từ đây. Huế với Sài Gòn - tuy chỉ cách nhau vài giờ máy bay, song Lệ không thể dễ dàng ra thủ đô miền Trung mà qua mắt được em chồng và nàng cũng không dám một mình đi Huế, về xứ sở gia đình chồng để gặp tình nhân, Tướng Đôn cũng không thể từ Huế vô Sài Gòn được theo ý muốn mà không có sự chấp thuận của lãnh chúa, Lệ đành cam chịu kế ly gián của chồng, hẹn gặp tình nhân một lần cuối trước khi chia tay.
Nàng đi Đà Lạt trước bằng máy bay, hôm sau tướng Đôn sẽ lái xe hơi lên theo.
Lệ ở tại biệt điện cựu hoàng Bảo Đại, súng sính trong bộ áo ngủ khêu gợi, đợi chờ tình nhân đến ái ân từ biệt. Mấy người lính bồng súng đứng canh gác ngoài cửa biệt điện, tăng phần cẩn mật, uy nghiêm của chốn này.
Trời Đà Lạt dịu dàng trong không khí cuối xuân ấm áp câng thêm hoà hợp với tâm trạng nồng nàn của vị đệ nhất phu nhân đang khao khát mong chờ người tình.
Tướng Đôn cũng mong gặp người yêu trước lúc chia ly nên cho xe mở tốc lực trên đường Sài Gòn - Đà Lạt.
Vào quãng mười giờ, Đôn ngồi xe vượt cửa biệt điện qua người lính gác bồng súng chào, chạy vòng quanh trên đá sỏi rào rạo, ngừng lại trước thềm. Lệ từ trong chạy ra, tươi cười bắt tay, rồi bá cổ đưa vào trong.
Gian phòng ngủ của biệt điện cựu hoàng Bảo Đại trang trí mới lại theo ý của Lệ, chứng kiến cảnh luyến ái cuồng say của đôi tình nhân sắp phải chia ly.
Đang lúc hai người mê ly quên cả trời đất, thì bên ngoài một chiếc xe hơi gắn bảng đỏ hai sao lao nhanh qua cửa biệt điện, tung cả cây chắn ngăn ở cổng. Người lính gác không kịp chặn hỏi, đã thấy chiếc xe phóng vào tận thềm, một thiếu phụ sang trọng mở cửa xe hấp tấp bước ra, tay xách một chiếc ví lớn đi thẳng vào nhà.
 
Mấy phút sau bỗng nghe mấy tiếng súng nổ bên trong biệt điện, rồi thấy thiếu phụ tay cầm súng lục tay xách ví chạy ra xe, giục tài xế nhấn mạnh ga thoát đi.
Người lính gác cổng biệt điện lo ngại chạy vào trong, đến cửa phòng ngủ, thấy một cảnh tượng bất ngờ: bà cố vấn chính trị gần như loã lồ, một tay ôm bên vai bê bết máu, còn tướng Đôn thì mặt tái mét, đầu tóc rối bù, đang gọi điện thoại kêu bác sĩ đến. Chợt trông thấy người lính gác, tướng Đôn bước ra dặn dò:
- Anh có nghe thấy những gì cũng không được nói lại với ai nghe. Bất cứ ai hỏi, anh phải trả lời không biết gì hết. Đây là một mệnh lệnh: phải tuyệt đối giữ bí mật. Nếu không tôi bắn chết anh lập tức nghe không?
Người lính gác đứng nghiêm vâng dạ rồi chào lui ra, trong khi tiếng còi rú của xe hồng thập tự chở bác sĩ đến.
 
Tướng Đôn đã mặc lại quần trong, quần ngoài và nịt ngực lại cho Lệ, rồi khoác áo ki-mô-nô, đặt nàng nằm thẳng trên giường. Lệ vừa đau đớn nhăn nhó vì vết thương bị đạn, vừa tức giận vì bị phá ngang cuộc hoan lạc và suýt bỏ mạng dưới tay người vợ tình địch.
Khúc phim đánh ghen theo lời bà tướng Đôn kể lại, đã diễn ra như sau:
- Biết thóp ông tướng nhà tôi thế nào cũng hẹn hò gặp con mụ trước ngày đi Huế, tôi để ý dò chừng, rồi thấy ông lấy xe nhà đi, tôi đoán chừng mụ ta đợi ở Long Hải hay Đà Lạt để du dương, quả nhiên không sai. Tôi liền cho xe đuổi theo, đến nơi bắt tại trận hai người đang trần truồng ôm nhau ở biệt điện. Tôi quyết phen này trị cho mụ ta một trận nên thân. Khi tôi tung cửa buồng ra, con mụ đang rên rỉ say sưa không biết, ông tướng nhà tôi nhìn vào tấm gương lớn đầu giường thấy bóng vợ hiện ra, liền gỡ hai tay con mụ đang ghì chặt, lồm cồm bò khỏi giường, lấy khăn choàng lên người trần như nhộng, đứng chết sững một chỗ. Con mụ mở choàng mắt ra, thấy tôi hoảng hốt vớ lấy áo choàng, toan bỏ chạy. Tôi đã rút sẵn súng lục mang theo ở ví, lăm lăm cầm ở tay, chĩa thẳng vào người mụ quát lên:
- Muốn sống thì đứng yên!
Mụ ta nhìn thấy mũi súng thì hoảng sợ ra mặt, đứng nguyên một chỗ, còn ông tướng thấy tôi có vẻ quyết liệt quá, sợ nổ súng bất tử mới tiến về phía tôi định can ngăn, để cho con mụ có dịp thoát thân. Tôi giận quá, không tự chủ được nữa, bấm cò súng nổ, mụ ta ôm lấy một bên vai gục xuống. Thấy máu tôi hoa cả mắt lên, bỏ mặc mụ ta với ông tướng, trở ra xe phóng đi luôn. Tôi định bụng nhắm bắn vào chỗ kín của mụ ta, cho bõ thói lang chạ dĩ thoã, nhưng run tay để mũi súng chếch ngược, đạn trúng vào vai. Số mụ ta cũng còn may lắm, đạn chệch xuống phía tim thì đi đời.
Trước mặt bác sĩ quân y được mời đến, tướng Đôn chỉ vắn tắt cho hay:
- Bà cố vấn cỡi ngựa tập bắn bị tai nạn.
Bác sĩ khám xét một lúc rồi nói:
- May mà vết thương không nguy đến tánh mạng, song đạn bị kẹt ở đầu xương vai, phải mổ lấy ra. Cần phải có nhà giải phẫu chuyên môn để tránh cho bà cố vấn khỏi phải mang tật.
Tai nạn bất ngờ của Lệ được đánh điện báo ngay về văn phòng cố vấn chính trị phủ Tổng thống, thoạt tiên Ngô Đình Nhu ngỡ là vợ mình bị rủi ro trong lúc tập bắn, vì từ ngày phát động phong trào phụ nữ bán quân sự, Lệ vẫn thường tập luyện bắn súng cỡi ngựa cùng cô con gái đầu lòng Lệ Thuỷ.
 
Nghe lời khai bệnh trạng của bác sĩ, Nhu ra lệnh đưa ngay một phi cơ đặc biệt lên Đà Lạt chở vợ bay thẳng qua Manille, nhờ một y viện tối tân của Mỹ tại thủ đô Phi Luật Tân cứu chữa. Bà dì bí thư tháp tùng theo để cho bà cố vấn sai bảo.
Ngay hôm sau Lệ đáp máy bay riêng đi Manille để mổ viên đạn ở vết thương vai. Nhu được thuộc hạ mật báo cáo đầy đủ chi tiết về tai nạn bị bắn ghen của vợ.
Qua những lời truyền miệng của bà tướng Đôn, và những miệng lưỡi bắn tin ở nhà hàng Ngôi Chùa (La Pagode) đường Tự Do - được mệnh danh là Radio - Catinat Sài Gòn và Huế đều hay việc bà cố vấn bị bà tướng Đôn bắn tại biệt điện ở Đà Lạt, trong lúc bị bắt quả tang đang ân ái với ông tướng.
Người ta còn nói thêm rằng chỗ xảy ra tai nạn, là phòng ngủ của Bảo Đại trước kia đã bị một tình địch bác sĩ Pháp bắn què chân, vì gặp hoàng đế đang nằm với vợ mình.
Đắng cay trước hành động loạn tình của vợ, Ngô Đình Nhu không khỏi chua xót, đau đớn khi nghe các con hỏi han về sức khỏe của người mẹ, mà chàng giấu diếm không cho chúng hay biết gì chung quanh tai nạn của Lệ.
Tướng tá, binh sĩ, cũng như những nhân vật trong chánh quyền, các giới, họ sẽ nghĩ ra sao khi hay biết thực trạng bất lực của vị cố vấn tối cao lãnh đạo họ? Nhu làm thế nào để khỏi kéo dài mãi tình trạng đáng thương và buồn cười trong tấn bi hài kịch muôn thuở của người chồng mọc sừng mà Lệ đang dìm dằm chàng một cách quái ác.
 
Chàng cố vùi đầu vào công việc để khuây lãng, nhận chìm đau khổ, xấu hổ trong khói thuốc phiện, nhưng vết thương do người vợ ngoại tình gây nên như một chứng ung thư nội tâm ngày đêm ray rứt, hành hạ tâm hồn không nguôi. Con người đầy mưu chước, có trăm phương ngàn kế như Nhu, không hề nao núng trước mọi khó khăn thử thách, trên trường chính trị, lại đành phải bó tay thất bại trong việc đối phó với người vợ ngoài tình quá quắt. Nhu nát óc, rối trí nghĩ cách giải quyết dứt khoát để cho mình, cho gia đình, cho chánh quyền họ Ngô không còn bị ô nhục, mất thể diện vì sự động cỡn dâm loàn của Lệ.
 
Chàng không thể ngăn ngừa được tình địch, vì chính Lệ lôi cuốn họ. Chỉ còn cách ly dị hoặc thủ tiêu, nhưng vì lẽ đạo, Nhu không thể thi hành hai hình thức quyết liệt này, hơn nữa chàng vẫn si mê không xa rời được Lệ, dù biết rõ nàng không chung thuỷ.
Trong lúc Nhu giả ngơ giả điếc, không có phản ứng gì sau việc vợ bị bắn ghen ở Đà Lạt, người em lãnh chúa miền Trung từ Huế vào, giận dữ đòi phải triệu tập hội nghị gia đình để từ bỏ người chị dâu dâm loạn đã làm ô danh nhà họ Ngô.
 
Diệm vừa ở Mỹ về, người anh đầu tổng giám mục tại Vĩnh Long được vời lên Sài Gòn và Ngô Đình Cẩn gom thành phiên toà xử án vợ Ngô Đình Nhu, trước sự im lặng đau khổ của người chồng mọc sừng.
Cẩn gay gắt buộc tội người chị dâu vắng mặt:
- Không thể để cho một người đàn bà tác yêu tác quái, bôi tro, trát trấu vô mặt tất cả anh em mình được. Cầm quyền cả một nước, mà không trị nổi một người làm loạn trong gia đình, làm nhơ nhuốc cả dòng dõi họ Ngô, dân chúng thiên hạ người ta nhổ vô mặt cho mà các anh cứ để yên được à? Anh Nhu sợ vợ đã đành, còn Đức Cha, còn anh Tổng thống cũng sợ nữa sao chớ? Hay là chị nớ có bùa mê, thuốc lú làm cho ai nấy mụ người, mê mệt cả rồi? Các anh không nhớ lúc mới cưới chị nớ về, mồ ma anh cả tổng đốc đã xét tướng nói là: "Thứ đàn bà ni rồi về sau phá hại gia cang họ Ngô cho mà coi". Chừ cơ sự như rứa, mấy anh tính răng, chớ chịu thua à?
Thấy không ai nói gì, lãnh chúa miền Trung tức tối nhổ vung bã trầu ra nhà, nói tiếp:
- Các anh có nghe ở ngoài người ta nói ra sao không? Tụi lực lượng đặc biệt miền Trung báo cáo với tui rằng bà cố vấn muốn làm đệ nhứt phu nhân Việt Nam, nên quyến rũ cả Tổng thống luôn, có loạn không?
Diệm đỏ mặt lên tiếng:
- Hơi mô mà nghe thiên hạ nói!
- Hừ? Thì có mần răng thiên hạ mới nói được chớ! Loạn từ trong nhà loạn ra, không tề gia thì làm sao mà trị quốc? Trụ vương sụp cũng chỉ vì nghe theo Đắc Kỷ?
Cẩn càng nói càng to tiếng, đỏ mặt tía tai, khiến người anh giám mục ngắt lời:
- Thôi chú Cẩn đừng nóng, làm cho chú Nhu khổ thêm. Chuyện đã như vậy, để cho chú Nhu tự ý thu xếp lấy thì hơn.
Nhu im lìm đứng lên buồn rầu bước đi, Cẩn nhổ bừa bãi nước trầu ra nền, nhìn theo lắc đầu nói:
- Anh ấy sợ vợ như trời, rồi mô lại vô đó cho mà coi!
Sau hội nghị gia đình, Nhu viết bức thư dài cho Lệ, kể lại những lời lẽ đã bàn bạc của anh em họ Ngô, và kết luận để vợ tuỳ lòng quyết định… Lệ đã được mổ lấy đạn trong vai, vết thương bắt đầu khá, Lệ đọc cho bà dì bí thư viết cho chồng, tỏ ý muốn đi Pháp một thời gian tĩnh dưỡng lấy lại sức, và có thì giờ suy nghĩ rồi trả lời sau.
 
Từ Manille, Lệ đáp máy bay thẳng qua Ba Lê. Sự vắng mặt của Lệ trong gần một tháng trời khiến Nhu nguôi ngoai căm giận người vợ ngoại tình, rồi một bức thư khá dài từ thủ đô Pháp giao tay cho bà dì mang về, với những lời thiết tha hối hận, van xin tha thứ của Lệ, có hiệu lực thoa dịu vết thương lòng của Nhu.
Bà dì bí thư dò xét thấy ông cố vấn chính trị đã có vẻ sẵn sàng quên những lỗi lầm của vợ, liền đánh điện cho vợ trở về tái hợp cùng chồng.
Lệ có vẻ trắng, đẹp, trẻ ra sau thời gian nghỉ ngơi ở Pháp và sửa chữa sắc đẹp ở những mỹ viện tối tân Ba Lê. Ngô Đình Nhu không giấu được xúc động khi thấy Lệ vừa bước chân vào nhà đã nhào đến gục vào vai chồng mà khóc oà lên.
Bao nhiêu đau khổ của người chồng mọc sừng đều tiêu tan qua những giọt nước mắt nóng thấm vào sơ mi, như đốt ấm lại lòng Nhu. Chàng đưa tay lên ve vuốt tóc vợ trong cử chỉ âu yếm tha thứ.
 
Gia đình suýt tan vỡ như tưởng chừng sẽ tìm được lại hạnh phúc từ đây, với đám con quấn quít bên bà mẹ hối tâm, tỏ vẻ trìu mến chồng, và nét mặt lạnh lùng thường ngày của ngài cố vấn chính trị trở nên tươi cười rạng rỡ.
Ngô Đình Nhu nghĩ là mình đã cứu vãn được tình thế nguy ngập trong gia đình, chỉ cần lo củng cố thêm con đường chính trị, làm cho nàng bận rộn không còn thì giờ rảnh mà sinh chuyện rắc rối nữa. Đồng thời Nhu có thêm một người hợp tác đắc lực trong công cuộc huy động phái nữ để làm hậu thuẫn cho chế độ họ Ngô.
Trong thời gian ở Pháp tịnh dưỡng, Lệ đọc sách gặp cuốn nói về tiểu sử Võ Hậu, vị đệ nhất phu nhân đã trị vì cả lục địa Trung Hoa trên nửa thế kỷ, Lệ tìm thấy hình ảnh gần gũi qua người đàn bà đã dùng nhan sắc và mưu chước quỷ quyệt để chiếm đoạt ngai vàng, chế ngự nếu đại nhân Đường.
 
Cuốn Lay Wou(1) của nhà văn Trung Hoa Lâm Ngữ Đường viết bằng Anh ngữ, trở thành sách gối đầu giường của Lệ: Những sách lược chính trị của hoàng hậu Võ Tắc Thiên, từ thùng thơ dân ý đến tổ chức mật vụ, thủ tiêu những kẻ đối lập, lợi dụng đạo đức để cầm quyền đều được Lệ mang ra bàn luận cùng chồng, bổ túc thêm vào hệ thống của Ngô Đình Nhu, mô phỏng theo lề lối của các bạo chúa La Mã, của các nhà độc tài.
Lệ không thể biến dinh Độc Lập thành một cung điện riêng để hưởng lạc, vì còn có mặt chồng và anh chồng. Nhưng nàng cũng không thể hãm mình được lâu giữa không khí ngột ngạt của gia đình với người chồng bất lực, nên sau nửa tháng ở Pháp về, Lệ trở lại ngựa quen đường cũ.
 
Nhu biết mình không làm thoả thích được vợ, và nhận thấy Lệ trở nên gắt gỏng, khó tính, dễ giận dữ, sinh sự trong khi tự giam hãm tại dinh Độc Lập, nên phải đành chiều ý để cho Lệ thỉnh thoảng đi đổi gió ở Long Hải hay Đà Lạt.
Những chuyến đổi gió của vợ, Nhu ngầm hiểu là Lệ đều đưa nhân tình theo để giải quyết ám ảnh nhục dục, song chàng cũng làm ngơ vì biết rằng không trị nổi người vợ bất kham, để mặc sức cho lồng lộn, rồi rốt cuộc cũng quay về chồng cũ. Miễn là Lệ khôn khéo, đừng để cho những vụ ngoại tình của nàng sinh tai tiếng ồn ào như vụ bắn ghen của vợ tướng Đôn ở Đà Lạt.
Từ ngày đi sâu vào con đường chính trị, Lệ hướng cả hoạt động tình dục củng cố cho chế độ chống bằng cách bắt tình với các yếu nhân, chánh khách ngoại quốc.
Trong khi Ngô Đình Diệm tuyên bố: "Biên giới của Hoa Kỳ chạy đến vĩ tuyến 17. Từ sau khi ký hiệp định Genève, viện trợ Mỹ trung bình lên đến 250 triệu đô-la mỗi năm. Ở Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng không có một công dân Mỹ nào tiếc rẻ về những sự tiêu pha đó và công cuộc bô tiền này đã thực hiện có ý thức". Và tờ báo của tổ chức Scripps Howard nổi lên công kích việc sử dụng viện trợ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, ký giả Colegrowe tố cáo về những sự thối nát và độc tài của chế độ họ Ngô, tuyên bố rằng sẵn sàng đưa ra tất cả những danh tánh liên hệ. Đại sứ Hoa Kỳ và viên giám đốc viện trợ Mỹ bị triệu về Hoa Thịnh Đốn để chứng minh về những hoạt động của họ ở Sài Gòn, Trong dư luận các giới cầm quyền ở Hoa Kỳ, người ta đặt vấn đề tìm kiếm một nhân vật Việt Nam có hình thức dân chủ hơn để thay thế cho vị cựu quan lại họ Ngô, đã thất nhân tâm.
Trước sự nứt rạn công khai đầu tiên giữa gia đình họ Ngô và chính giới Mỹ, do bài của một ký giả Mỹ ở Sài Gòn vạch ra những hoạt động hối lộ, kinh tài của vợ chồng cố vấn chính trị tổng thống, và người anh tổng giám mục, Lệ bàn với chồng:
- Để em mời nhà báo ấy vô dinh rồi em thuyết phục hắn cho anh coi.
- Anh đã điều đình đưa bạc triệu ra mà cũng không xiêu lòng được hắn.
- Thì để rồi coi em có mua chuộc được hắn không? Em tin thế nào cũng làm cho hắn thay đổi thái độ.
Lệ cười một cách tự nhiên khiến Nhu đồng ý, để cho vợ ra tay.
Hôm sau, trên các báo xuất bản tại Sài Gòn, người ta không khỏi chú ý tới lời đính chính đóng khung ký tên cả hai vợ chồng Cố vấn chính trị Tổng thống, thanh minh không có tiền gởi ở ngân hàng ngoại quốc, và cảnh cáo những kẻ lợi dụng danh nghĩa của họ để làm tiền áp phe.
 
Tối đến, tại dinh Độc Lập, một bữa tiệc thân mật được tổ chức tại tư phòng bà cố vấn để mời ký giả Mỹ đã tấn công gia đình họ Ngô.
Các chuyên viên uốn tóc, sửa sắc đẹp, xoa bóp, mấy ả xẩm Hồng Kông bận rộn cả ngày bên cạnh bà cố vấn để trau dồi từ mái tóc, bộ ngực đến móng tay, móng chân người đẹp.
Sau nhiều giờ trang điểm, Lệ trẻ hẳn lại trong chiếc áo hở cổ nửa ngực để trần nâng cao, uyển chuyển thướt tha ra đón ký giả Mỹ vừa đến.
Bữa tiệc dưới ánh nến, giữa anh chàng ngoại quốc cao lêu nghêu, trẻ tuổi và bà cố vấn, kéo dài từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng trong tư phòng kín đáo.
Khi Ngô Đình Nhu bước vào, thấy vợ lồ lộ sau lớp áo quần voan đang nằm đong đưa chân trên đi văng, còn anh chàng ký giả ngồi ở chiếc ghế thấp bên cạnh, tay cầm ly rượu sâm banh, trông như một thanh niên si tình đang tán tỉnh.
Tiếng đằng hắng của Nhu khiến ký giả Mỹ quay lại, có vẻ ngượng nghịu, Lệ liền cất tiếng nói:
- Tôi xin giới thiệu với anh: chồng tôi. Như tôi đã nói với anh, nhà tôi bận hội họp nên bữa tiệc này chỉ có hai chúng ta thôi.
Rồi Lệ hỏi chồng bằng tiếng Anh:
- Anh dùng chi?
- Cô nhắc (Cognac). Để anh tự rót lấy.
Ký giả Mỹ quay lại nói chuyện với Nhu:
- Bà vừa nói cho tôi được hiểu những khó khăn của ông, cũng như của Tổng thống. Tôi đã thông cảm hoàn cảnh của một chính phủ ở một quốc gia chậm tiến, lại phải dương đầu với Cộng sản ở bên trong.
Nhu cười gượng:
- Tôi vẫn tin là các bạn Mỹ hiểu sự khó khăn của chúng tôi.
Lệ chen vào:
- Ông bạn chúng ta đã thông cảm thấu đáo hoàn cảnh khó khăn của chúng mình rồi, và đã hứa với em là sẽ có một thái độ khác hẳn trước.
Ký giả ngoại quốc gật gù tiếp lời:
- Vâng, tôi sẽ tìm đủ mọi cách để ủng hộ chế độ họ Ngô.
Lệ tiễn đưa khách ra tận thềm, và trong cái bắt tay từ giã, còn nắm giữ tay anh chàng viết báo trẻ tuổi hồi lâu, tình tứ nhìn vào mắt như còn nuối tiếc, bịn rịn chưa muốn rời:
- Chúng ta đã trở thành bạn bè. Tôi mong sẽ còn nhiều dịp gần gũi để trao đổi ý kiến, hiểu biết nhau hơn.
Chàng trai Mỹ đã ngà ngà say, lặp đi lặp lại một câu:
- Rất hân hạnh, với tất cả thích thú.
Lệ mời đưa:
- Thứ bảy tới, nếu không có gì ngăn trở, mời anh ra Long Hải tắm biển chơi ở biệt thự của tôi.
Trong khi Lệ theo khách ra ngoài, Nhu nhìn qua những dấu vết trên đi văng, với nệm xô, gối lệch, mà không khỏi cau mày uất hận.
Vợ chàng đã ngang nhiên rước trai về nhà dù bởi lý do vận động ngoại giao để củng cố cho chánh quyền của gia đình, lòng tự ái của người chồng cũng không vì thế mà khỏi tổn thương. Nhu đi đi lại lại trong phòng, như mỗi lần bực tức điều gì, Lệ hớn hở bước vào, tươi cười nói:
- Đó anh thấy chưa? Em nói không sai mà, em mà ngoại giao thì nhất định thành công. Anh và anh Tổng thống phải thưởng công cho em cái gì đây?
- Em đã ngoại giao bằng cách nào mà hắn chịu khuất phục mau vậy?
Câu hỏi bất ngờ chứa đầy hậu ý của chồng khiến Lệ đang vui bỗng sầm ngay nét mặt, giữ thế thủ:
- Anh hỏi như vậy là nghĩa gì?
- Nghĩa gì thì tuỳ em trả lời đó.
- Anh muốn cho em trả lời thế nào?
Giọng Lệ có vẻ gây gổ khiến Nhu dịu xuống:
- Em muốn trả lời thế nào, tuỳ ý.
- Vậy anh còn hỏi làm gì nữa? Có phải tự ý em muốn mời người ta đến đâu. Em đã bàn trước với anh, và chính anh có bằng lòng để cho em tiếp xúc, thuyết phục người ta thì em mới làm chứ! Bây giờ được việc rồi, đã không một lời gọi là cám ơn, anh còn lại định sinh sự lôi thôi gì nữa?
Nhu thấy đuối lý trước người vợ quá quắt nhưng cũng gượng nói:
- Anh chỉ muốn rõ em đã làm được việc bằng cách nào?
Lệ ngẩng mặt lên nhìn thẳng chồng, điệu bộ thách thức:
- Bằng cách nào à? Miễn là cho được việc, bất cứ bằng cách nào. Tất cả mọi phương tiện đều tốt, đó không phải là chủ trương của anh thường vẫn thực hành hay sao? Anh đã muốn rõ, thì em cũng không việc gì mà giấu, em đã…
- Thôi! Im đi!
Nhu vội ngắt ngang, khi thấy Lệ bừng bừng hơi rượu bốc say, hai tay đập vào ngực, ưỡn người ra trước… Chàng không muốn nghe thêm những lời trắng trợn trong khi đã nhìn thấy sự thật trước mắt, với các cử chỉ sỗ sàng của vợ. Quả tình Nhu cũng không ngờ Lệ đã đi quá xa như vậy, và cũng không khỏi thắc mắc là vì công việc chung của gia đình mà Lệ tự hiến dâng cho anh chàng ký giả Mỹ, hay là vì thích thú riêng muốn hưởng lạc. Nhưng dù sao chăng nữa, kết quả vẫn là bà Cố vấn chính trị Tổng thống, vị đệ nhất phu nhân Việt Nam đã đem thân xác làm mồi cho vai trò chính trị nhà chồng.
Lệ ngầm hiểu những ý nghĩ thầm kín của chồng, không muốn giày vò thêm, tự tay rót rượu mạnh vào ly Nhu và ly nàng, uống cạn một hơi, rồi nói:
- Thôi, chúng mình đừng cãi nhau vì những việc không đâu nữa. Còn phải để tâm lo đại sự chớ. Tôi nghe ký giả Mỹ hỏi: "Có phải chánh phủ Việt Nam quá lo sợ các cuộc cách mạng và đảo chánh sau những biến cố ở IraqCuba nên Tổng thống mới lấy sự khủng bố làm nguyên tắc để cai trị không?". Đó, người Mỹ đang nghĩ như vậy, anh liệu mà đối phó để đánh tan dư luận ấy đi. Theo ý em, mình phải tính cách lấy lòng các ký giả ngoại quốc ở Sài Gòn để nhờ họ giải độc dư luận quốc tế, nhất là tại Mỹ. Anh chàng Thomas vừa rồi có cho hay là bọn thông tín viên và ký giả ngoại quốc sắp thành lập một tổ chức có tính cách nghề nghiệp, mình nên gây cảm tình, mua chuộc họ. Em có thể đảm nhận công việc ấy được, anh nghĩ sao?
Nhu bỗng trở nên vui vẻ bất ngờ:
- Phải, ý kiến của em hay lắm. Còn có việc này, coi em có làm được không? Mới đây, ông Nehru viếng thăm Hà Nội, có xác nhận trong một bản thông báo chung với ông Hồ Chí Minh, tỏ ý mong uỷ hội quốc tế nỗ lực duy trì và tăng cường hoà bình ở Việt Nam bằng cách thi hành hiệp định Genève để tiến tới thống nhất sau tổ chức tổng tuyển cử khắp nước, dưới sự kiểm soát của CIC. Về vấn đề này ông Nehru và ông Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh sự cần thiết giúp cho hai miền Nam Bắc hiểu nhau, căn cứ theo hiệp ước Genève. Em cũng nhớ rằng Hà Nội đã mấy lần gởi thông điệp chánh thức cho mình mở hội nghị thảo luận về tổng tuyển cử, thiết lập quan hệ bình thường giữa Nam Bắc, giảm bớt quân số, cấm chỉ tuyên truyền chiến tranh, chia rẽ giữa đôi bên. Mình đã cương quyết từ chối, viện cớ là không thể nói chuyện với cộng sản được. Hà Nội vận động với Ấn Độ lấy uỷ hội quốc tế làm áp lực cho mình, tại sao mình không phản công lại bằng cách lôi kéo Ấn Độ để làm nghiêng cán cân ảnh hưởng về phía mình? Trong 3 nước đại biểu, Gia Nã Đại dĩ nhiên là đứng trong hàng ngũ tự do, mình mà kéo được Ấn Độ là phía cộng sản chỉ còn Ba Lan. Em nghĩ sao?
Lệ trả lời:
- Được em nhận công tác vận động uỷ hội quốc tế cho. Mà anh không được quyền ghen bóng ghen gió đó nghen!
Con người tình cảm của Nhu đã nhường bước cho con người chính trị khi ngỏ ý muốn dùng vợ làm một lợi khí để vận động ngoại giao. Tất cả mọi phương tiện đều hay. Miễn là đạt được mục đích củng cố chế độ họ Ngô. Tham vọng ngự trị đã thắng mọi mặc cảm phức tạp của người chồng bất lực. Từ đây Lệ đã hướng con đường ngoại tình vào mục tiêu phục vụ cầm quyền.
Sau khi quyến rũ được ký giả Mỹ trẻ tuổi vào mê hồn trận tình dục, lay chuyển kẻ đối thủ vào ban liên minh, Lệ không thể không tự hào về sự thành công của nàng, và tiếp tục việc giao du thân mật với các yếu nhân ngoại quốc, lôi cuốn họ đứng về phía ủng hộ chánh quyền họ Ngô.
Trong lúc vợ lui tới cùng các ký giả và nhân viên uỷ hội quốc tế kiểm soát đình chiến, Ngô Đình Nhu triệu tập đám thuộc hạ Cần Lao để củng cố ứng phó với tình thế mới. Vai trò Tổng thống Diệm giống như một kẻ thừa hành, ngoan ngoãn làm theo sự chi phối của em trai và em dâu cố vấn.
Tư tưởng ngắn ngủi, kiến thức thiển cận với bản chất chậm chạp, bảo thủ của vị quan lại phong kiến chỉ có thể đảm nhận cai trị một địa phương nhỏ theo lối trấn áp cũ, nay lên ngồi ở địa vị nguyên thuỷ, phụ trách cả một quốc gia với bao nhiêu vấn đề phức tạp, khó khăn trong hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam, Ngô Đình Diệm đâm ra ngỡ ngàng bối rối, thấy công việc quá tò tát đối với mình.
Ngô Đình Nhu trong vai trò Cố vấn chính trị Tổng thống đã thay thế anh giải quyết hết mọi vấn đề lớn nhỏ. Diệm chỉ là một hình bóng long trọng viên, để gật đầu, bắt tay, chủ toạ, khai mạc, đọc diễn văn hay những lời tuyên bố do văn phòng cố vấn thảo trước, đã học thuộc lòng và trên thực tế người cầm quyền thực sự là Ngô Đình Nhu cùng vợ.
Một tay Ngô Đình Nhu chỉ huy mọi lớp lang vở kịch chế độ họ Ngô, mà Diệm được cố vấn tô son điểm phấn, nhắc tuồng cho để thủ vai Tổng thống.
Lắm lúc Diệm tỏ ra lúng túng, vụng về trong vai trò Tổng thống khiến Lệ phải lên tiếng nhắc nhở anh chồng:
- Hôm nay tiếp đại sứ Mỹ mới qua, anh nhớ tươi tắn nét mặt một chút, chớ có lầm lầm, lì lì đưa đám như thế kia. Cũng đừng giành nói một mình như đọc bài học thuộc lòng, không để cho khách chen vô câu nào. Anh phải thay bộ quần áo lôi thôi đang mặc đó, cho có vẻ lịch sự, xứng đáng với chức vị Tổng thống chứ!
Diệm ngoan ngoãn nghe theo, như một ấu chúa tuân lời vị nhiếp chính, từ lời lẽ ăn nói đến cách đối xử chung quanh, hoàn toàn bị sự chi phối chặt chẽ của vợ chồng Nhu.
 
Chỉ có sở thích uống nước trà Tàu và xem phim Mỹ bắn súng, cưỡi ngựa của Diệm là không bị kiểm soát thôi. Có lẽ những lúc ngồi uống trà Tàu, hoặc ngồi coi xi-nê với các cháu là những lúc thảnh thơi và hồn nhiên nhất của con người Ngô Đình Diệm trong suốt vai Tổng thống.
 
Trái lại, Ngô Đình Nhu tích cực và quyết liệt trong cương vị của linh hồn chế độ. Muốn củng cố vững chắc nền tảng chánh quyền, Nhu bắt đầu thanh lọc hàng ngũ quân đội, thay thế các tướng tá nghi ngờ, lớn tuổi bằng các phần tử trẻ trung.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ không còn ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, sát công an Bình Xuyên. Vị đại tướng Tổng tư lệnh quân đội quốc gia bị dồn vào chỗ chỉ còn hư vị. Đại tá chỉ huy sư đoàn Nùng đã từng lập chiến công đặc biệt trung thành với họ Ngô cũng bị Nhu cho về nghỉ và tịch thu tài sản, vì tình nghi là có đầu óc cục bộ địa phương. Ngoài ra, thiếu tướng Dương Văn Đức giữ chức đại sứ Đại Hàn (Nam Hàn), không chịu nổi chánh sách độc tài họ Ngô phải lưu vong sang Pháp.
 
Một số tướng tá khác, không chứng tỏ một lòng một dạ cùng chế độ đều bị Nhu ra lệnh thuyên chuyển đi giữ các chức vụ không quan trọng, và cô lập hoá từng người, phòng ngừa họ tụ tập mưu mô tạo phản.
Đồng thời, Nhu quân sự hoá bộ máy chánh quyền bằng cách đưa sĩ quan thay thế các tỉnh trưởng dân sự, phân chia trong nước thành nhiều vùng chiến thuật. Vững tin về phương tiện quân sự, hậu thuẫn chủ yếu bảo vệ chế độ Nhu chú trọng cải tiến về mặt chính trị, triệu tập đại hội cán bộ cao cấp đảng Cần Lao.
Những đảng viên thuộc hạ thân cận của vị Cố vấn chính trị Tổng thống được vời vào dinh Độc Lập. Trong gian phòng khánh tiết rộng thênh thang khói trầm toả nghi ngút trên bàn thờ nến đốt sáng trưng, trước hai lá cờ lớn, quốc kỳ và đảng kỳ Cần Lao, Ngô Đình Nhu vận y phục đại lễ, thắt nơ đen, tay cầm gươm tuốt trần, tự trích máu đầu ngón tay cái nhỏ vào bình pha lê lớn, sóng sánh rượu trắng, rồi long trọng tuyên bố:
- Tôi, Ngô Đình Nhu, Tổng bí thư trung ương đảng bộ Cần Lao nhân vị cách mạng đảng, tự trích huyết ăn thề, nguyện đồng sinh đồng tử cùng các đồng chí, hy sinh đấu tranh cho lý tưởng. Trước khi có quyết định quan trọng tôi yêu cầu các đồng chí hãy cùng tôi thề nguyền tuyệt đối trung thành phục vụ cho đảng, để lãnh đạo chánh quyền vượt qua những sự khó khăn trong giai đoạn mới.
Trên hai mươi nhân vật có mặt, những thành phần đầu não của Cần Lao, lần lượt bước đến trước bàn thờ, tự tay trích huyết vào bình pha lê, và trang nghiêm lớn tiếng thề nguyền cùng đảng trưởng.
Những cán bộ trung ương Cần Lao có mặt trong buổi trích huyết ăn thề cùng Tổng bí thư, thuộc phòng Nhứt, chuyên trách quản lý hành chánh, quản trị cán bộ có: Phạm Văn Nhu chủ tịch Quốc hội, Trần Văn Trai, Lê Thành Cường: dân biểu; phòng Nhì đặc trách về tình báo và điều tra, có: Võ Như Nguyện, đại tá Lê Quang Tung; phòng Ba, công tác đảng vụ có kỹ sư Lê Văn Đồng, Bộ trưởng Canh nông Thái Mạnh Tiến, dân biểu Lương Duy Vỹ; thuộc phòng Tư, công tác kinh tài có Huỳnh văn Lang, Tổng giám đốc Viện Hối đoái, Cao Xuân Vỹ, Tổng giám đốc Thanh niên, Đỗ La Lam, chủ nhiệm nhật báo cách mạng quốc gia, Hoàng Bá Vinh, thầy xuất dân biểu, Bùi Tiến Thành; thuộc phòng Năm, phụ trách Tuyên Nghiên huấn, có bác sĩ Trần Kim Tuyến giám đốc nghiên cứu chính trị và xã hội phủ Tổng thống, Hà Đức Minh, ký giả, bác sĩ Lý Trung Dung, dân biểu, tổng thư ký hội bác sĩ Công giáo Việt Nam, Chủ tịch mặt trận bảo vệ văn hoá tự do, phó chủ tịch hội Văn hoá bình dân, Đặng Hiếu Khẩn, dân biểu.
Giữa lúc Ngô Đình Nhu hội họp cán bộ đảng Cần Lao thì Lệ đang ở Long Hải du dương cùng người tình đã soạn giúp bộ luật gia đình, trạng sư Trương Lịch.
Lịch đã nhờ em trai Lệ, luật sư tập sự Trần Văn Khiêm, tiến dẫn giới thiệu cùng bà cố vấn, đề xuất luật gia đình làm bậc thang danh vọng.
Rồi từ địa vị một nhà hùng biện, luật sư Lịch đem miệng lưỡi ra để phục dịch làm vừa lòng Lệ, được chung quanh mệnh danh là "tiến sĩ ngôn ngữ học" của bà cố vấn.
Đối với Lịch, cũng như một số bạn trai khỏe mạnh, sáng sủa, Lệ chỉ xem là loại phương tiện để thoả mãn dục tính của nàng, chẳng khác nào Võ Hậu trước kia tuyển chọn một số đàn ông, trai tráng giỏi thuật phòng kín để phục vụ bà.
Lệ chấm luật sư Lịch, giống như các dân biểu Hà Như Chi, Nguyễn Phương Thiệp, không ngoài mục đích sai bảo làm công việc hầu hạ khoái lạc cho nàng, như nô lệ da đen đối với các nữ hoàng thời xưa.
Các dân biểu Quốc hội, một số bác sĩ, nhân vật chánh quyền họ Ngô, dò biết được dục vọng của đệ nhất phu nhân, có kẻ đã biên thư tự giới thiệu sức khỏe của mình hoặc tìm cách tiến thân bằng con đường làm đĩ trai, tình nguyện phục dịch dưới trướng bà cố vấn.
Lịch được gọi ra Long Hải cũng như một cung nữ được nhà vua vời đến hoàn toàn lệ thuộc theo ý muốn của Lệ, thích đổi thay người tình, cũng như người sành đổi món ăn.
Tại phòng khách biệt thự của bà cố vấn ở trên bờ biển nước ngọt, khung vải màn ảnh tài tử đang phản chiếu những hoạt cảnh trần truồng của mấy cuốn phim khiêu dâm mà sở quan thuế đã tịch thu để gởi hầu đệ nhất phu nhân.
Lệ nằm sấp, trên người không một mảnh vải che thân, ngước nhìn những hình ảnh hoạt động kích thích thú tính, rồi ra lệnh cho luật sư Lịch tái diễn trò vừa chiếu trên màn ảnh.
Lời nói của Lệ như là một mệnh lệnh mà Lịch phải tuyệt đối thi hành, mang hết sức bình sinh ra để làm vừa lòng nữ chúa.
Tương lai, địa vị của luật sư được dìu dắt đưa vào chánh quyền họ Ngô một phần lớn là do Lệ. Bác sĩ Trần Đình Đệ leo lên được ghế Bộ trưởng, há chẳng phải đã vừa ý Lệ, trong việc cung cấp khoái lạc, làm cho Lệ hồi xuân với những món y dược kích thích tố đy Đại tá Đôn vinh thắng trung tướng cũng bằng con đường tình ái với đệ nhất phu nhân.
Một số dân biểu được đắc cử liên tiếp mấy khoá vào Quốc hội đều nhờ ơn mưa móc của bà cố vấn đã chiếu cố.
Bao nhiêu nhân vật tai to mặt lớn ngày nay, giữ những chức tước cao sang, phần lớn đều do tay Lệ cất nhắc, đưa lên. Viễn ảnh rực rỡ của chiếc ghế Bộ trưởng khiến luật sư Lịch quên hết tự ái, liêm sỉ của kẻ trí thức, mà nhắm mắt úp mặt làm theo lời bà cố vấn. - Dưới mắt Lệ, luật sư Lịch cũng chẳng khác nào thứ gái một đêm đối với khách làng chơi. Lệ không khỏi khinh thường lớp người mà nàng chỉ xem như trò hoan lạc nhất thời. Không thể là tình nhân lưu luyến được nàng, họ chỉ bám tựa vào nàng để cầu xin địa vị, quyền lợi. Qua cơn khoái lạc, Lệ nhìn người đàn ông vừa làm đủ mọi cách để thoả mãn đòi hỏi dục tình của nàng như món đồ chơi chóng chán sẵn đem vứt vào một xó.
Luật sư Lịch thuộc vào hạng đồ chơi vứt đi của Lệ, mà không ý thức được thân bị rẻ rúng mà trái lại, cho việc phục dịch bà cố vấn là vinh hạnh, rỉ tai khoe mình đã được đệ nhất phu nhân mời đi Long Hải, đáp công ơn tác giả soạn Luật gia đình.
Đám thuộc hạ, mật vụ văn phòng cố vấn mang tin bép xép của luật sư Lịch đến tai Lệ. Vốn rất ghét những sự tiết lộ bí mật chung mình, Lệ giận dữ ra lệnh cho bọn tay chân tìm cách phá luật sư Lịch, từ đấy Lịch bị liệt vào hạng bị bà cố vấn thù nghịch.
Luật sư Lịch bị mất ngay chức trong Hội Phù Luân (Rotary Club), đồng thời bị lôi thôi về một vụ tiền bạc, phải cởi cả áo luật sư.
Ngoài việc danh tiếng và của cải bị tổn hại, luật sư Lịch còn bị mất luôn cô vợ trẻ đẹp, do em trai bà cố vấn, Trần Văn Khiêm phỗng đi.
Đòn thù của Lệ khiến mấy anh chàng có dịp được hầu hạ bà cố vấn không dám rỉ hớt, sợ phải rước lấy hậu quả tày đình một khi đã xúc phạm đến đệ nhất phu nhân.
 
  °°°
Mặc dầu anh em họ Ngô củng cố chế độ bằng cách thanh lọc trong hàng ngũ quân sự và chính trị, không khí chống đối chánh quyền vẫn ngấm ngầm khắp nơi.
Lệ phải khó nhọc giao thiệp cùng mấy thông tín viên Mỹ có ảnh hưởng lớn trong dư luận Hoa Kỳ, và nổi tiếng là bướng bỉnh, khó lay chuyển nổi.
Trong khi ấy, ở Nam Hàn, vị Tổng thống được Mỹ tận tình ủng hộ, Lý Thừa Vãn bắt buộc phải từ chức, trước áp lực mạnh mẽ của sinh viên và quần chúng nổi lên đả đảo độc tài. Các giới chung quanh anh em họ Ngô đang rộn rịp, lăng xăng trong một niềm lo ngại, thì được tin từ Ba Lê, vị tướng lưu vong Dương Văn Đức lên tiếng kêu gọi binh sĩ và dân chúng Việt Nam nổi loạn chống chế độ họ Ngô.
Trước làn sóng bất bình khắp các tầng lớp, từ nông thôn đến thành thị, cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu ngày đêm hội họp các thuộc hạ thân tín để tìm kế hoạch đối phó. Căn cứ vào những tin mật, cùng các cuộc giao thiệp của Lệ, Nhu biết rằng có vài giới người Mỹ, đặc biệt là các giáo sư Michigan, từng ủng hộ họ Ngô, đã thay đổi thái độ, và đang tìm kiếm một ê kíp để đưa lên thế gia đình Ngô Đình Diệm. Tổ chức mật vụ Mỹ cũng đang làm hậu thuẫn cho một đảng phái đối lập, mệnh danh là tự do dân chủ, tập hợp vài chánh khách và tướng tá muốn tranh quyền họ Ngô.
Sau khi ban hành đạo luật 10-59 đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, Diệm tuyên bố thành lập những khu trù mật, theo con đường nhân vị và cộng đồng, đồng tiền của người em cố vấn chính trị.
Những cuộc hành quân phá huỷ làng mạc để dồn dân vào sống trong những khu trù mật, mở đầu một giai đoạn chống đối mới ở nông thôn. Người dân quê, bất luận giàu hay nghèo, không muốn nhìn thấy nhà cửa vườn tược bị phá, tự do bị mất, đều phản đối chính sách tập trung dân vào những khu mà họ có cảm tưởng là những trại giam.
Nhiều binh sĩ đâm ra do dự, ngần ngại trước chánh sách dồn ép dân, trong khi mầm phẫn uất ở nông thôn bành trướng.
Các ký giả Tây phương ở Sài Gòn đánh điện đi những tin tức báo động:
- Ngày 25 tháng giêng 1959, một đồn lớn ở gần Tây Ninh có 1.500 lính trú đóng bị phá huỷ, do quân bên trong làm nội ứng.
- Ngày 3 tháng 2, tân binh ở trại Quang Trung nổi loạn, tiếp đến hàng trăm quân bỏ trốn.
Có báo viết rõ thêm: Họ Ngô không còn làm chủ được tình thế, mặc dầu có 350.000 binh sĩ trong tay.
Phòng báo chí phủ Tổng thống hoạt động tới tấp, tìm cách ngăn cản, mua chuộc các ký giả ngoại quốc bộc lộ thực trạng về tình hình Việt Nam.
Đáp lại những áp lực, vận động, đòi hỏi anh em họ Ngô phải chia sẻ quyền hành, Nhu cương quyết không nhượng bộ và siết chặt lại hàng ngũ bảo vệ chế độ bằng cách thanh lọc một lần nữa. Hàng trăm sĩ quan, công chức bị ngưng chức hoặc thuyên chuyển, và Diệm buộc các Bộ trưởng trung thành từ buổi đầu như Lâm Lễ Trinh, Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, Nguyễn Văn Sĩ, phải từ chức, để thay vào những phần tử đắc lực hơn.
Đây là ln thay đi nội các thứ 12, và 35 Bộ trưởng đã phải rời bỏ chánh phủ từ ngày thành lập chánh quyền họ Ngô.
Giữa lúc anh em Diệm mở cuộc thanh trừng nội bộ thì một bức điều trần của 18 nhân sĩ, gồm 11 cựu tổng trưởng và tám nhân vật, bác sĩ, linh mục… gởi Tổng thống Diệm.
Bức thư điều trần này đã được công bố trong một cuộc họp báo do 18 nhân sĩ triệu tập tại nhà hàng Caraven, như một quả bom làm chấn động dư luận trong nước và ngoài nước.
Ngô Đình Diệm giận run trong khi nghe cố vấn chính trị đọc những lời điều trần như moi đúng tim gan của họ Ngô.
… Về mặt chính trị… dưới chế độ cộng hoà được xây dựng, người dân chưa thấy được sống đảm bảo hơn. Một Hiến pháp lấy lệ, một Quốc hội luôn luôn xuôi một chiều, những cuộc bầu cử, phản dân chủ, tất cả thủ đoạn và dàn cảnh độc tài. Rồi những cuộc bắt bớ liên miên làm cho trại giam, khám đường không lúc nào đày chật như lúc này, rồi dư luận bị bưng bít, rồi báo chí không tự do, cho đến ý dân đã được biểu lộ trong những cuộc bầu cử công khai cũng bị chà đạp khinh rẻ, như trong cuộc bầu Quốc hội khoá II vừa qua, làm cho người dân không sao không chán nản. Những chính đảng, giáo phái bị tiêu diệt, thì những "đoàn thể", "phong trào" đến thay thế để áp bức nhân dân…
Chánh quyền, đem đảng phái chi phối quốc gia, chia rẽ bề trên cấp dưới, gieo nghi ky giữa kẻ "trong phong trào" người "ngoài đoàn thể" ngờ vực lẫn nhau, thực quyền không trong tay kẻ hữu trách, lệnh phát ra từ đâu đâu do quyết định của người quyền tộc vô chức nhiệm, làm đình trệ bộ máy hành chánh, tê liệt sáng kiến, chán nản thiện chí, trong lúc không tháng nào mà báo chí không phanh phui những vụ nhũng lạm công quỹ không thể che đậy, hết triệu này đến triệu khác, hết "hạm" nọ đến "hạm" kia…
… Cần phải cấp bách bỏ tư tưởng đảng trị, đầu óc gia tộc, trừng trị những kẻ đầu cơ quyền thế, đưa ra ánh sáng những việc mờ ám, nhũng lạm, lộng quyền, thì mới cứu vãn được tình thế phục hồi nhân tâm, đem lại sự tin tưởng ở nơi một chánh quyền minh trực.
… Về mặt kinh tế xã hội… bao nhiêu điều kiện thuận lợi để biến miền Nam thành một vùng sung túc thịnh vượng, thế mà hiện nay: dân nghèo thất nghiệp, của hết tiền khan, lúa đầy đồng bán không đặng, hàng đy chợ không người mua, mọi nguồn lợi tức vào tay nhóm đầu cơ, lấy đảng phái, đoàn thể làm bình phong che đậy độc quyền tư lợi, trong lúc bao nhiêu vạn người bị huy động, khổ cực vất vả, bỏ công ăn việc làm, xa nhà cửa vườn ruộng, lìa cha mẹ vợ con, đem thân đi sống tập đoàn tập thể để xây dựng những khu trù mật hữu hình thức vô công dụng, làm mệt mỏi nhân dân, mất cả nhân tâm, thêm thù thêm oán, nhất là thêm cơ hội tuyên truyền cho đối phương.
Ngô Đình Nhu ngừng lại, trao bức thư điều trần cho bác sĩ mật vụ Trần Kim Tuyến đọc tiếp:
- Có lẽ lần này là lần đầu tiên mà cụ nghe những lời phê bình gắt gao, chướng tai phật ý như thế này. Nhưng thưa cụ, đây toàn là những lời lẽ của sự thật, một sự thật chua cay đau xót mà cụ không bao giờ đặng nghe biết, vì vô tình hay cố ý người ta che đậy nó quanh cụ và vì chính bản chất chức vụ cao cả của cụ không cho cụ biết được cho đến khi mà sự thật ấy sẽ nổ bùng ra bằng những lượn sóng căm thù oán hận, không sao ngăn cản nổi của cả một dân tộc quá đau khổ đứng dậy để bẻ xiềng xích đã kìm hãm họ, để quét sạch thối tha, tẩy trừ nhũng lạm bất công đã bóc lột, hà hiếp họ.
Ngô Đình Diệm dằn mạnh tách nước trà, tức tối nói:
- Thôi! Ngưng lại. Coi những đứa nào ký tên trong đó mà dám nói phạm thượng như vậy?
Bác sĩ Tuyến thưa:
- Dạ, bẩm cụ, đứng đầu nhóm 18 người này là Phan Khắc Sửu…
Diệm hất hàm hỏi người em cố vấn chính trị:
- Sao chú không cho bắt giam lão cho yên chuyện.
- Lão ta hiện là đại biểu Quốc hội.
- Đại biểu Quốc hội mà không bỏ tù được sao?
Nhu lạnh lùng nói:
- Đối với bọn này, mình không nên dùng lối bắt giam, thủ tiêu âm thầm, mà phải lấy pháp lý để trị chúng nó, cho danh chính ngôn thuận, để tránh tai tiếng với dư luận quốc tế. Chúng nó mở cuộc họp báo ở nhà hàng Caraven, dựa vào thế công khai để đối lập. Mình phải khôn khéo đối phó mới được. Không nên nóng mà hư việc, lúc này mình đang phải đối phó với một dư luận quốc tế bất lợi, do mấy tờ báo Pháp gây nên.
Diệm hỏi:
- Hôm nọ, thím có đưa giấy cho tôi ký trục xuất Lucien Bodard của báo "France Soir", với thông tín viên hãng "Reuter", vậy mà bọn kỳ giả ngoại quốc ở đây không sợ gì, còn dám viết bậy hay sao?
Nhu im lặng đưa cho anh một xấp bản chụp những bài báo ngoại quốc do những sứ quán Việt Nam gởi về văn phòng cố vấn chính trị qua Bộ Ngoại giao.
Diệm đưa mắt đọc lướt qua, trong khi Nhu cùng bác sĩ Tuyến nghiên cứu danh sách 18 nhân vật đối lập thuộc nhóm Caraven.
- Quân chó chết, nó dám chơi tôi như vậy, chú nghe có tức không?
"Tổng thống không dám ra khỏi dinh mà không có quân phòng vệ một bên mình: độ sau này ông Diệm hay đi nhiều qua Hoa Kỳ, Thái Lan, Úc, Cao Ly, vì ông ta tự cảm thấy an toàn hơn khi ở nước ngoài."
Ký giả nào của báo "Aurore" viết bài này, chú có biết tên, tôi tống cổ nó ra khỏi nước mình, không cho ở đây mà xỏ xiên tôi như vậy được. Lại còn tờ báo Anh này nữa, chú thử nghe có lộn ruột không?
"Ông Diệm dùng nguyên tắc khủng bố để cầm quyến. trung uý Hồ Văn Tâm, được huấn luyện về ngành phản gián ở Mỹ, đã thành công trong việc giết hại bi thảm bằng cách đầu độc trại giam Phú Lợi: 1.000 người chết, 40.000 người ngắc ngoải trong số có 6.000 người chính trị phạm. Giới cầm quyền cho là dịch tả trong khi dân chúng bảo là chủ mưu tàn sát". Sao việc này xảy ra tôi không hay biết gì cả, hở ông bác sĩ Tuyến?
- Bẩm cụ đó là lệnh ông cố vấn…
Nhu cười nhạt:
- Dù có giết đến một triệu đối thủ chính trị cũng khòng sao, chứ báo chí mới thổi phồng có bao nhiêu đó mà anh đã ngại!
- Nhưng chú làm sao cho kín đáo, chứ để báo chí, Hạ nghị viện Anh, rồi các tổ chức quốc tế người ta lên tiếng đòi điều tra lôi thôi lắm.
- Anh hơi nào mà để tâm đến những việc đó cho mệt. Tôi đã thu xếp đâu vào đó, không sợ ai bới phá nữa"
Diệm tiếp tục xem xấp báo cắt, bỗng đỏ mặt nói:
- Thím đã hay chưa không biết. Báo France Soir nó viết như vầy: "Khắp nơi trong cảnh sát và quân đội, đâu có những nhóm người bất mãn. Họ vẫn chống cộng, nhưng họ chống tất cả những gì tượng trưng cho bất công, những người cầm đầu do Tổng thống bắt buộc, và nhất là gia đình Tổng thống, với một sự tập trung vào con người bà cố vấn, em dâu Tổng thống: Lucrèce Borgia của chế độ.
Không thấy Nhu nói gì, Diệm tiếp theo:
- Đúng là báo chí họ mở chiến dịch phá rối mình. Báo Le Figaro có nói là: "Chế độ đưa chúng ta đến chỗ suy sụp chính là chủ nghĩa phát xít. Càng ngày càng tệ hại. Đó là những điều tôi nghe nói hàng ngày ở Sài Gòn. Trừ ra các nhân vật chính thức. mà cũng chưa chắc nữa. Tôi chỉ toàn nghe những lời lẽ thù nghịch, những nhà tư sản và trí thức đều công khai chống đối. Đối với các nhà tư sản ở Sài Gòn cũng như các nông dân, chế độ Ngô Đình Diệm là một phương tiện đàn áp mà tất cả mọi người đều mong cho sụp đổ… " Chú Nhu này, chú đã liệu cách đối xử với bọn ký giả nó phá mình đó chưa? Không thể để cho họ tự do muốn nói gì thì nói.
Ngô Đình Nhu đáp:
- Làm sao bịt miệng họ cho hết được?
- Vậy thím lãnh công tác vận động họ không có kết quả chi à?
Lệ hiện ra ngay lúc ấy, tươi cười đáp:
- Em đã bỏ ra hai triệu mới mua được hai ký giả gộc quốc tế, nhận loạt bài công kích mình trên hai tờ báo Mỹ. Ấy là chưa kể em đã mất công giao thiệp, gây cảm tình lôi kéo họ. Bắt đền anh phải trả lại những tốn kém mà em đã xuất ra đó.
Trước giọng nũng nịu của em dâu, Diệm hỏi:
- Thím đòi bao nhiêu?
- Em lấy ba triệu thôi, nhưng em chỉ cần bằng ngoại tệ. Tuần tới nhân chuyến đi Nam Mỹ, em tính sẽ ghé Hoa Thịnh Đốn để bàn với toà đại sứ vận động một sẽ báo chí ủng hộ mình. Anh Tổng thống nghĩ sao?
- Thím lo cho được thì còn chi hay bằng!
Nhu tiếp lời anh:
- Em qua Mỹ nói với ba là quỹ đen toà đại sứ ở Hoa Kỳ sẽ được tăng thêm để dùng vào việc vận động báo chí và chính khách. Em dặn ba là cần phải ngăn ngừa, đừng để cho báo chí lên tiếng rồi mình mới lo điều đình. Dư luận quốc tế lúc này đang bất lợi cho mình, phải hết sức mua chuộc lấy vài tờ làm hậu thuẫn ở Mỹ.
Lệ nhíu mày:
- Mua chuộc ký giả Mỹ không phải là dễ dàng như anh tưởng đâu Không phải chỉ tung đô-la ra là họ chịu tin theo mình, viết bài ủng hộ như bọn nhà báo xứ mình, chỉ cần biểu lộ thông tin ra lệnh là họ ca hết mình. Đối với ký giả quốc tế, chỉ mua lấy sự im lặng của họ không thôi đã là khó khăn rồi. Trong đám mười mấy người đang có mặt ở Sài Gòn em mới gây được cảm tình với chừng phân nửa. Họ phức tạp lắm, cứ muốn bới móc những bí mật mà mình muốn giấu, có ác không.
- Thím đã thuyết phục được một số, vậy là giỏi lắm rồi; thím cứ tiếp tục tiến hành, và cần chi thì biểu chú hay tôi.
Lệ đưa đề nghị:
- Anh để sẵn cho một quỹ đặc biệt chừng năm triệu đô-la, em sẽ cố gắng xúc tiến công việc.
Diệm quay sang hỏi Nhu:
- Chú có ý kiến gì không?
Nhu đáp:
- Tiền bất thành vấn đề, nếu cần tốn hàng triệu đô-la mà được việc thì mình cũng không tiếc. Công tác mua chuộc báo chí ngoại quốc khó lắm chứ phải chơi đâu, nhà em đã nhận thì cứ để thử coi.
Rồi hỏi vợ:
- Vợ chồng Gregory có giúp được gì cho em trong việc này không?
- Bọn ký giả họ dè dặt đối với vợ chồng Gregory lắm, họ coi như là một thứ Collabo(2) của chánh quyền, làm công việc dò xét những người Mỹ ở Việt Nam để báo cáo lại cho mình. Do đó mà em không dám nhờ gì lão ta mấy, ngoài việc giao cho rông coi tờ Times of Vietnam hay đóng vai liên lạc mấy ký giả mà em muốn gặp, thế thôi.
Nhu trầm ngâm, chậm rãi nói:
- Chiến dịch vận động báo chí ngoại quốc rất quan trọng đối với việc củng cố chế độ. Nhất là ở Mỹ, dân chúng cũng như chánh quyền hết sức chú ý đến dư luận các báo. Mình gặt được ảnh hưởng tốt đối với các ký giả Mỹ, tức là nắm vững được sự ủng hộ của chánh phủ Mỹ, không sợ gì ai phá phách này nọ.
 
Chú thích:
(1) Võ Hậu
(2) Hợp tác.