Chương 26
CUỘC ĐỜI LƯU VONG

Bao nhiêu giận dữ căm hờn. oán hận tức tối, đắng cay, Lệ đều trút cả vào thiên hồi ký. Tuy biết rằng chồng và anh chồng tổng thống không còn nữa, song Lệ vẫn đặt thành nghi vấn để gây sôi nổi, kêu gọi đến Liên Hiệp quốc, tuyên bố ầm ĩ với báo chí rằng anh em họ Ngô vẫn chưa chết.
 
Bản tính của Lệ vẫn muốn được thiên hạ chú ý đến, và không bỏ qua một cơ hội nào để cho dư luận bàn tán, nhắc nhở tới mình.
 
Trong suốt 9 năm qua, dưới chế độ nhà Ngô, Lệ đã kiêu hãnh tự cho mình là ngôi sao ngời sáng trên nền trời miền Nam Việt Nam và mỗi lời nói, mỗi hành động của nàng ở địa vị đệ nhất phu nhân, đều khiến cho chung quanh quan tâm.
 
Mộng cuồng cao cả và bản chất thích gây náo động đã thúc đẩy Lệ làm nên những việc khác người và thốt ra những lời lẽ khác thường lôi cuốn cả sự chú ý của mọi người. Tiếng tăm nàng đã khuấy động dư luận trên báo chí thế giới, đặc biệt là từ sau mấy vụ tự thiêu ở miền Nam và cuộc vận động giải độc qua các thành phố Âu Mỹ, Lệ tự cho mình đã trở thành trọng tâm của thời cuộc.
- Chúng ta hiền lành như giống mèo, nhưng khi cần đến chị em hãy giơ nanh vuốt ra trở thành loại hồ cái!
Lời nhắn nhủ Phụ nữ liên đới của Lệ trước kia, giờ đây là lúc nàng đem ra thực hiện. Từ Hoa Thịnh Đốn sang La Mã, đến Ba Lê, Lệ gào thét, lồng lộn như một ác thú bị thương.
- Người Mỹ mưu hại anh em họ Ngô. Tôi có nhiệm vụ tố cáo những kẻ sát nhân!
Lệ kêu gào đòi níu áo Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc để kiện, xông vào Toà thánh khóc than xin gặp Đức Giáo hoàng để yêu cầu can thiệp cho "hai kẻ tử vì đạo".
 
Trong bộ tang phục voan đen, Lệ xông xáo để gõ cửa các nhân vật quốc tế với hy vọng lời kêu gọi của nàng được sự hưởng ứng, giúp nàng phát động một chiến dịch trả thù cho anh em họ Ngô và cứu vãn những quyn lợi của gia đình còn lại ở miền Nam song đi đâu Lệ cũng chỉ gặp sự từ khước thương hại hoặc im lặng lạnh lùng.
 
Đóng vai "phục thù phu nhân", Lệ chỉ rước lấy những nỗi niềm cay đắng in lần trên đôi mắt thâm quầng và hai nếp nhăn chua chát ở cuối vành môi. Qua ba tháng trời sôi sục trong tình trạng phục hận, Lệ không ngớt tiếng nguyền rủa, đe doạ nhắn gởi về Việt Nam:
- Tôi đang lập hồ sơ danh sách những kẻ phản bội anh em họ Ngô. Những kẻ trực tiếp và gián tiếp nhúng tay vào máu họ Ngô. Tôi sẽ vạch rõ tất cả bộ mặt thật bỉ ổi của những kẻ tiếm vị, sát nhân. Tôi sẽ lôi tất cả những bị cáo ra trước toà án lịch sử.
Một buổi chiều mùa xuân, bốn tháng sau ngày được tin anh em chồng bị giết, Lệ không khỏi giật mình khi nghe Thuỷ, con gái đầu lòng nhận xét:
- Con thấy má già đi nhiều lắm!
Lệ nhìn lại mình ở trong chiếc gương lớn giữa nhà, nhận thấy hai mắt quầng sâu, mệt mỏi. Các nếp nhăn hằn nổi trên khuôn mặt không phấn son. Trên mái tóc bơ phờ thoáng điểm vài sợi bạc.
 
Tham vọng uy quyền đã đưa nàng lên địa vị tột đỉnh của một đệ nhất phu nhân, nhưng đồng thời cũng lôi cuốn nàng theo con đường phiêu lưu, trái ngược bản chất của người đàn bà. Chủ trương đem dục tình phục vụ cho chính trị mà Lệ đã thi hành, dần dà biến đổi cả con người Lệ thành một khí cụ, một phương tiện quái dị. Những chính khách, tướng lãnh, nhân vật ngoại quốc và trong nước, bao nhiêu người đã bị Lệ lôi cuốn vào vòng luyến ái của chính trị, đã góp sức củng cố cho địa vị cầm quyền của nhà chồng ở miền Nam Việt Nam, những người tình mà Lệ đã ôm ấp không phải vì yêu đương, họ đã nghĩ thế nào về nàng? Và, trong sự luyến ái phi yêu đương ấy, Lệ đã ý thức tự biến mình thành một món đồ chơi chuyền tay trong chính trường!
 
Có sự tự hạ phẩm giá nào của người đàn bà đến mức độ ghê gớm ấy? Lệ đã trở nên một thứ "đĩ quốc tế" như dư luận trong nước đã gán cho nàng, vì mục đích giữ vững quyền hành cho họ Ngô!
 
Lệ nghĩ lại quãng đời vừa qua của mình mà đâm ra xốn xang, thẹn thùng. Nàng đã hiến đến cả trinh tiết của người đàn bà để ủng hộ cho uy quyền nhà chồng, và địa vị đệ nhất phu nhân của nàng, nhưng rồi tất cả những điều đó, để bây giờ đi đến đâu?
 
Không khí xa lạ của đời sống chung quanh, đối với Lệ ngày càng thêm sâu rộng. Nàng thấy mình khó lòng hoà hợp, thông cảm với xã hội Ba Lê, không một dây liên lạc mật thiết nào ràng buộc nàng với những người và cảnh vật chung dụng hàng ngày. Lệ thỉnh thoảng lại chợt nhớ đến điệp khúc câu thơ mà nàng đã có dịp nghe hồi mới về nhà chồng trên bờ sông Bến Ngự:
- L'éxilé partout est seul? (kẻ lưu đày ở đâu cũng cô đơn).
Nàng cảm thấy thấm thía tất cả sự cô đơn của đời sống lưu vong và nỗi niềm cay đắng của những ngày tháng xa quê hương. Lệ không thiết tha, nhớ thương gì ở đất nước, ngoài sự luyến tiếc uy quyền đã mất, song không khí xa lạ của đời sống Ba Lê khiến nàng có cảm tưởng mình như một lữ hành cô độc, và tự cõi tiềm thức những tình cảm ấp ủ về xứ sở bỗng nhiên trỗi dậy.
 
Sau thời gian xa lánh những sự tò mò, theo dõi của kiều bào, phần đông tỏ vẻ ác cảm đối với Lệ, nàng dần dà đã xua đuổi được ý tưởng tự xem mình như một con thú bị săn đuổi. Ngày nay mỗi lần đi ra ngoài, Lệ không khỏi nghĩ đến thời kỳ vàng son, mỗi bước của nàng đều được tổ chức tiếp đón rộn ràng, uy nghi, rồi đâm ra ai oán cảm thấy lạnh lùng thui thủi, không dám ngước mắt nhìn thẳng vào mặt mọi người. Mặc cảm của một nữ hoàng bị truất phế, lưu vong cứ ảm ảnh mãi Lệ mỗi khi nàng có mặt giữa đám đông.
 
Giờ đây một mình ngồi đợi giữa đám đông đi La Mã sau khi tự tay xách chiếc va-li của con gái đưa tiễn trao cho, Lệ chua chát nghĩ đến mới hôm nào đây cũng tại phi trường này, các nhân viên sứ quán, ngoại giao còn xúm xít, đon đả tiễn đưa nàng sang Mỹ, lúc này nàng thui thủi tự xách lấy hành lý để lên phi cơ.
 
Trong chuyến qua La Mã lần trước, Lệ đã tìm hỏi mua được một ngôi biệt thự ở một khu yên tĩnh ngoại ô châu thành. Lệ đi lần này để nhận lấy biệt thự. Lệ định dời sang ở La Mã, và thỉnh thoảng qua Ba Lê thăm các con học tại đây, chỉ có đứa con gái út theo nàng.
 
Ngôi biệt thự năm phòng rộng lớn có nhà xe; nhà bồi riêng, kiến trúc theo kiểu cổ, ở giữa một ngôi vườn xinh xắn, có rào sắt chung quanh. Lệ ở đây với mấy người hầu hạ và hai con chó bẹc giê Đức canh giữ, ngăn cách nàng với những người ngoài, nhất là những kẻ tò mò hay dính líu xa gần đến quá khứ của Lệ. Nàng có thể yên trí sống tại ngôi nhà biệt lập này mà cắt đứt hoàn toàn với dĩ vãng, bắt đầu một cuộc sống mới theo dự định mới nhất của nàng.
 
Lệ có đi gặp người anh chồng tổng giám mục, đã được thu nhận làm việc ở Toà thánh, để nói về ý định của nàng. Ngôi biệt thự Lệ vừa mua xong cũng được anh chồng tu hành giúp một phần tiền để thanh toán. Dưới mắt Lệ, tổng giám mục họ Ngô chỉ còn là một hình ảnh già nua tóc bạc phơ, khốn khổ vì những đau thương, ân hận tuyệt vọng sau sự sụp đổ của các em.
 
Trong các anh em nhà chồng, Ngô giám mục là người Lệ có cảm tình hơn hết, và cũng như Ngô Đình Diệm, lo lắng cho Lệ từ khi chế độ nhà Ngô sụp đổ. Chính người anh chồng tu hành đã khuyên nhủ Lệ đến ở La Mã, chia xẻ cho mẹ con nàng một phần số tài sản lớn lao mà Ngô giám mục thu hoạch được trong thời kỳ họ Ngô cầm quyền, và nhờ đặc quyền bất khả xâm phạm của hàng giáo phẩm được xem như là một nhân vật ngoại giao, nên khỏi bị tịch thâu sau ngày đảo chánh.
 
Lệ nhận thấy cái chết bi thảm dồn dập xảy đến cho ba người con trai họ Ngô đã làm cho người anh cả tu hành còn đau khổ hơn nàng nhiều. Hình như trách nhiệm của người anh lớn trong gia đình, kiêm cả người cha tinh thần, đè nặng lên trên tám trí Ngô giám mục.
 
Mái tóc đã bạc càng trắng xoá, lưng như khòm xuống dưới sự sụp đổ tan nát của đại gia đình. Ngô giám mục gặp lại người em dâu trong bộ tang phục đen, chỉ im lặng thở dài. Nghe cháu gái út ngây thơ hỏi:
- Ba cháu ở mô? Bác Tổng thống mô rồi, bác?
Ngô giám mục vuốt ve lên tóc bé Quyên, ngước nhìn lên quãng không rồi im lặng.
Lệ nhìn theo bóng người anh chồng tu hành lặng lẽ cúi đầu suy tư trên con đường vắng ngoài thành La Mã, trong khi tiếng chuông chiu đổ mà chạnh lòng thương xót. Có lẽ chỉ còn có cầu nguyện là nguồn an ủi duy nhất đối với một tổng giám mục đã bắt buộc phải rời bỏ địa phận cai quản ở quê nhà sau ngày chánh quyền họ Ngô bị tiêu diệt.
 
Lệ không khỏi so sánh hình ảnh nghẹn ngào đau khổ của Ngô giám mục với người em trai út nhà chồng. Trước hôm đi La Mã, Lệ đã đến nhà Ngô Đình Luyện ở một ngôi biệt thự nhỏ cách trung tâm Ba Lê mười cây số.
 
Viên cựu đại sứ lưu động nhà Ngô, sau mười năm trông nom các sứ quán Việt Nam ở châu Âu và toà đại sứ ở Luôn Đôn gặt hái được một tài sản lớn lao, với những số tiền quỹ đen và trợ cấp đặc biệt về do thám qua các văn phòng mở tại Genève, La Mã, Born, Ba Lê đặt dưới quyền mình. Lệ nhớ lại là trong năm đầu họ Ngô cầm quyền Luyện đã mở cuộc kinh doanh với ngân hàng Đông Dương về việc mua lại những bất động sản ở nhà băng này tại Sài Gòn và được phép chuyển ngân về vụ này đến 700 triệu quan. Không kể ngân khoản viện trợ để mua sắm một nhà in và máy móc quay phim để tuyên truyền cho nhà Ngô tại Ba Lê không thấy nhắc nhở gì đến nữa, Lệ còn biết rõ em chồng có lần mua một lúc đến 40 triệu quan bàn ghế kiểu Louis XIV để trang hoàng cho sứ quán ở Luân Đôn.
Vợ chồng Luyện cùng đám con 11 gái và một trai út, tiếp Lệ ở gian phòng khách trang hoàng đắt tiền.
Lệ vốn không ưa Luyện vì tính tình không hợp với chồng nàng và nhất là thái độ dè dặt, xa cách của Luyện vẫn tỏ ra mình là con người trí thức lạnh lùng. Thấy chị dâu đến, Luyện lên tiếng than:
- Sống ở Ba Lê, với một lũ con đông đảo như nhà này, chỉ mỗi việc lo cho chúng nó ăn học cũng đủ mệt rồi!
Nhưng câu chuyện hoang đường về Lệ cũng như huyền thoại anh em Diệm còn sống không đứng vững được trước những thực tế dồn dập.
 
Ở La Mã, hoạt động của Lệ chỉ giới hạn trong phạm vi liên lạc thư từ, không đem lại kết quả cũng không gây được ảnh hưởng gì đáng kể. Những bức thư của nàng gởi thẳng cho các nhân vật chính giới, các nhà tôn giáo Mỹ không được hồi âm như nàng mong đợi.
 
Lệ hy vọng rằng tình trạng rối rắm kéo dài ở miền Nam sẽ tạo nên cơ hội, mở đường trở về cho nàng song thời cuộc càng tiến triển, Lệ càng nhận thấy tình thế đã tịnh vô vọng cho nàng.
 
Mỗi sáng thức dậy, soi gương, Lệ không khỏi ngại ngùng thấy vẻ chán chường thấp thoáng trên mặt, hận buồn u ẩn trong mắt.
Trang điểm không xoá nhoà được nếp nhăn của tuổi tác, cũng như đời sống xa hoa không làm cho nàng khuây quên được cảnh lưu vong.
 
Vào dịp nghỉ hè, Trác, con trai lớn của nàng từ Ba Lê sang La Mã, một hôm hỏi Lệ:
- Ở trường học con, có một đứa bạn người Việt. Một hôm, sau giờ lịch sử, hắn bảo con: Sau này, mày học xong rồi có trở về nước không? Con trả lời: Sao lại không về? Tao là người Việt kia mà? Hắn nói: Nhưng họ Ngô nhà mày đã bị lịch sử lên án, chú bác mày, ba, má mày đã bị dân chúng nguyền rủa, mày có can đảm sống giữa xã hội mà người ta thù ghét dòng họ mày không? Con không giận thằng bạn con, vì nó thương con mà nói như vậy, nhưng con buồn không biết trả lời hắn ra sao. Con hẹn hắn để cho con suy nghĩ đã. Má biểu con nên trả lời ra sao?
 
Trước câu hỏi bất ngờ của con trai, đứa cháu đích tôn của họ Ngô Đình, Lệ đâm ra bỡ ngỡ. Đó là câu hỏi nàng tuy không tự đặt ra song bấy lâu vẫn ám ảnh nàng. Lệ đành sống kiếp lưu vong cho đến chết ở nước ngoài hay sao? Còn các con nàng? Nàng không phải bận tâm đến vấn đế tài chánh, thừa đảm bảo cho nàng và con côi một đời sống vật chất đầy đủ, nhưng còn quê hương?
 
Người ta không thể đi đâu mang theo xứ sở theo đó, Lệ đã hiểu thấm thía ý nghĩa này qua những ngày tháng sống ở châu Âu. Nàng có thể sống nốt quãng đời còn lại ở phương trời này nhưng còn các con nàng, có nên để cho chúng mất gốc, đoạn lìa với đất nước không? Chúng còn thơ trẻ, lẽ nào phải mang hận ly hương, sống một cuộc đời lang thang vô tổ quốc?
 
Lệ gằn giọng nói:
- Ai giữ độc quyền yêu nước mà ngăn cản con trở về Việt Nam. Không đợi khi con học hành xong mới trở về, mà chính má sẽ về một ngày gần đây. Nói xong, Lệ có cảm tưởng như mình đã nói dối con và tự dối mình. Bởi nàng mơ hồ thấy rằng, với nàng và có lẽ với con cái nàng con đường trở về với đất nước đã quá xa xôi.
 
Không nên tiếc nuối những gì đã qua. Có ai mà kéo trở lại được mùa xuân khi trời đã sang hạ? Tất cả những gì ở thế gian đểu chỉ là tạm bợ. Chúa đã phán: "Hãy để cho những người chết chôn những người chết!"
 
Lệ chưa hiểu hết ý nghĩa lời Phúc âm, song mùa hè năm 1965, tại một giáo đường gần ngoại thành La Mã, người ta vẫn thấy một thiếu phụ mặc áo dài Việt Nam hở cổ, chiều chiều đến quỳ dưới chân tượng Đức Mẹ, cầu nguyện rất lâu rồi lặng lẽ đi bộ về nhà.
 
Trong hoàng hôn mùa hạ kéo dài, ở khu vườn trước ngôi biệt thự tĩnh mịch của cựu đệ nhất phu nhân, thấp thoáng bóng người đàn bà tưới cho mấy khóm hoa hồng.
 

Hết