Tôi học khoa Thú y, đại học Nông nghiệp, nơi địa danh có cái tên con vật quỳ. Không rõ tại sao thời gian đại học của chúng tôi phải học kéo dài đến năm năm. Tính ra kiến thức chuyên môn, chỉ già ba năm, còn lại học lao động và tập bắn súng. Tập bắn súng thì phải ra bãi bắn, lăn lê bò toài, ôm súng ngắm đích. Trước đó sinh viên cả tuần nghiên cứu, học tập trên giảng đường phần lý thuyết. Dạy lý thuyết là một anh chàng sỹ quan, cả lớp phải gọi bằng thày. Dạy bắn súng mà rất thích người khác gọi bằng thày. Hồi ấy, vào các trường sỹ quan đa phần là diện học sinh tốt nghiệp phổ thông, không dám thi vào đại học, vì lực học sè sè, họ rẽ ngang sang quân sự. Nay thành thày dạy thiên hạ bắn súng. Anh chàng sỹ quan đứng giảng lý thuyết bắn súng hôm đó, vào giờ ra chơi, để khẩu K44 trên bàn. Có mấy sinh viên vốn là cựu quân nhân, am hiểu súng ống, mò lên, tý toáy nghịch, giương súng lên trần, bóp cò:- Đoàng! Đa phần sinh viên con nhà nông, vẫn phải học cấy lúa, gánh phân, nuôi lợn. Lớp tôi hai tám đứa, được giao sáu sào ruộng. Đầu vụ, lúa má cấy xong, bao nhiều phân tro cấp, đem đổ hết xuống đồng, cả phân đạm, phân chuồng, bón lót, bón thúc một thể. Suốt cả vụ không một ai ngó ngàng ra ruộng. Thỉnh thoảng lớp trưởng Ký, hoặc lớp phó lao động Toại đảo ra ngắm lúa, nhổ cỏ bằng mắt. Đến vụ, cả lớp ra thu hoạch, gánh trĩu về những bông lúa lép. Đào tạo kiến thức lao động và hiểu biết về cây lúa của kỹ sư nông nghiệp chúng tôi đại để như vậy!Dạy một chữ cũng là thày, nửa chữ cũng là thày. Học đại học, tôi học biết bao nhiêu chữ của thày, có biết bao nhiêu ông thày. Qua mấy năm học, trong các thày cô, có thày Nguyễn Bá Hiên dạy truyền nhiễm, thày Lâu Dài dạy triết, thầy Dương Đình Long dạy chăn nuôi, thày Hoàng Văn Năm dạy nội khoa, cô Mây, dạy giải phẫu… Những thày cô, người thì hài hước, người thì nghiêm nghị, nhưng đều nhiệt huyết, được học trò yêu quý.Giải phẫu là một môn quan trọng của ngành học thú y. Giáo viên giảng dạy môn này là cô Mây. Cô là giáo viên rất nghiêm túc, khắt khe, học sinh sợ cô một phép. Ngoài học lý thuyết, môn học dành tới nửa thời gian thực hành. Cơ sở thực hành đặt ở khu nhà giữa cánh đồng, cách ký túc xá trường khoảng hai cây số. Buổi sáng học lý thuyết đến gần mười một rưỡi, ăn cơm xong, sinh viên tranh thủ làm giấc trưa, rồi mắt nhắm mắt mở tới khu nhà thực hành. Sợ cô Mây lắm, nhưng nhiều tiết thực hành, sinh viên vẫn đến muộn. Nếu đến đúng giờ, thì cũng lờ đờ buồn ngủ. Hôm đó chúng tôi mắt nhắm mắt mở kéo nhau đi thực hành. Trong phòng, trên bàn, tiêu bản các bộ phận cơ thể gia súc bày ngổn ngang. Chúng được ngâm trong dung dịch phoóc môn. Phòng thực hành chật chội, trời nóng, nên ngột ngạt mùi hoá chất. Chúng tôi chả ai chú ý đến bàn của giáo viên. Khoảng năm phút sau, cô Mây trong chiếc áo choàng trắng bước vào phòng. Chúng tôi uể oải đứng lên. Lướt một lượt học sinh, cô Mây gật đầu. Thường khi học trò đứng lên chào, cô quan sát kỹ lắm. Cô đang điểm danh đấy. Anh chị nào vắng mặt, hay đến muộn, hãy coi chừng. Sau khi cô gật đầu, học trò vừa lục tục ngồi xuống, đã giật thót cả mình. Tiếng cô Mây quát lạc cả giọng: - Ai... ai làm?Chúng tôi tá hoả nhìn lên, chưa rõ cô giáo quát gì. Đến lúc này học trò mới để ý lên bàn của cô. Cả lớp tái mặt. Trên bàn, hai giáo cụ trực quan sinh học bằng thịt thật, cái bộ phận sinh dục ngựa đực, cái bộ phận sinh dục bò cái... cắm chặt vào nhau. Ngay lúc đó mọi người trong lớp đoán được tác giả của tác phẩm trên là ai. Không ai nói ra. May lớp toàn người biết nghĩ, không thì một suất đuổi học. Cứ nghĩ, bước ngoặt của cuộc đời, lắm khi từ những nguyên nhân dấm dớ. Người thì cho là quan trọng, người lại bảo rằng không. Anh bạn đó, giờ cũng làm ăn được. Chắc rằng, nếu hồi đó phải khoác ba lô rời trường, hoàn cảnh anh bạn nay sẽ khác. Lũ học trò sợ cô Mây lắm. Nhất là sinh viên nữ. Kỳ thi cô Mây mà vớ được cô nàng nào để móng tay dài, cầm chắc là cái trượt. Lúc này lớp tôi đã qua môn giải phẫu của cô Mây, nhưng là cán bộ Khoa, sau này sinh viên bảo vệ luận văn, cô có chân giám khảo, nên sinh viên vẫn hãi. Sợ thì sợ, lũ sinh viên vẫn không chừa được thói trêu chọc cô. Học trò trêu đủ kiểu. Thí dụ, gặp cô, chúng trang nghiêm chào thật to. Tiếng chào réo rắt. Không lẽ cô bắt bẻ, chào gì mà dài và to thế! Cô Mây bị một bữa chúng tôi chào cho, nghĩ đến tức cười. Trường tôi có mấy khu vệ sinh, khu dành riêng cho sinh viên, khu dành cho giảng đường, khu dành cho tập thể cán bộ. Thường các nhà đó nằm biệt lập, cách nơi ở vài trăm mét. Với các nhà vệ sinh của sinh viên, trên bức tường che phía trước, đề rõ to tên các khoa. Thí dụ: Khoa Thú y. Tức là nhà vệ sinh đó do sinh viên khoa Thú y dọn vệ sinh. Đây không phải trụ sở làm việc của khoa.Buổi đó lớp tôi lao động gần nhà vệ sinh khu tập thể cán bộ. Thoáng thấy bóng cô Mây tiến về phía lớp đang lao động, một đứa thì thầm thông báo: Chúng mày ơi, cô Mây đi.... Chú ý, tí nữa, tất cả đồng thanh chào cô nhé. Y như rằng, cô có việc riêng tư ấy. Cô đi tới. Thoáng lúng túng, đi chậm chậm lại, rồi cuối cùng, cô đành phải bước. Để cô tới thật gần, ngay trước chỗ chúng tôi đang lao động, cả lớp đồng thanh:- Chúng em chào cô ạ!Cô Mây lúng túng, nhưng đành đáp lễ. - Chào các em!Đáp lời trò xong, cô vội vã bước vào khu nhà kia. Lại một đứa thì thầm:- Tý nữa, tất cả nhé!Học sinh có đứa bụm miệng cười, đấm lưng nhau thùm thụp. Vài ba phút sau, cô Mây từ trong ấy đi ra. Học sinh đứa cúi xuống giả bốc đất, đứa xắn đất, tất cả đồng loạt dừng công việc, thẳng tắp người lên:- Chào cô ạ!Cô Mây đành phải dừng lại, nói mấy câu cho phải phép: - Lớp hôm nay lao động ở đây à?Tiếng học trò nhao nhao:- Thưa cô, vâng ạ! Cô lại nhà ạ! Khúc khích những tiếng cười. Cô Mây lúc này chả tiện bắt bẻ học sinh. Bất ngờ được trò giải trí, khi cô còn đi chưa xa, cả lớp đã cười rũ rượi. Không ngờ, lát sau chúng được tiếp bữa cười nữa. Được khoảng mươi phút, một đứa lại phát hiện, cô thấp thoáng phía xa. Anh chàng này quan sát, thấy cô vào rồi ra. Cậu ta liền thông báo:- Chúng mày ơi, hình như hôm nay… Tào Tháo đuổi cô Mây. Tao vừa thấy mấy bận cô ấy thập thò,...Cậu kia chưa nói dứt câu, đã có đứa cướp lời:- Đúng! Cô ấy đang ra kia kìa! Mấy đứa ngó lên, nhìn nhanh và vội vàng cúi xuống. Có tiếng thì thầm: - Nhớ nhé... tý nữa nhé! Cô Mây lúc này đã tới gần. Cô bước nhanh, bước như định thoát khỏi lũ trò quỷ sứ của cô. Nhưng cô... không thoát. Mới vượt được nửa chừng, cả loạt học sinh ngừng tay, lễ phép đứng lên: - Chào cô ạ!Đến đận này, thì cô Mây chả còn sức đâu lịch sự, đáp lễ lũ sinh viên trời đánh kia nữa, cứ thẳng cánh cô bước.Đám học trò xanh mắt. Thày Dương Đình Long học ở Tàu về. Thày hóm hỉnh, thâm thuý. Gần như suốt tiết dạy của ông, giảng đường luôn rộn tiếng cười. Có lần đưa sinh viên ra trại thực hành, thầy chỉ lũ lợn lăng quăng trước mặt, xua tay, rồi buông câu: - Toàn lợn đeo kính thế này, thì chăn nuôi nỗi gì!Nghe thày nói, nhiều trò không rõ. Chỉ có mấy đứa rúc rích cười. Ông thày nói lái, lợn đeo kính, tức là lợn kinh đéo. Bây giờ nông dân nuôi lợn, bốn, năm tháng, nặng tới sáu, bảy mươi cân, chúng chưa tới kỳ động dục, đã đủ mức xuất chuồng. Còn hồi ấy, nuôi tám, chín tháng, con lợn mới nặng cỡ xách tay, mà chúng đã tý tởn thành thiếu nữ, hoa đỏ rực. Cám bã nuôi, độc tốn cho khoản động hớn của chúng. Đúng như lời ông thày nói, còn chăn nuôi cái nỗi gì. Một lần lớp chúng tôi ra trại thực hành, đúng vào lúc thày Long đang lúi húi thụ tinh nhân tạo cho con lợn. Anh chàng Thuý, tiến lại, khơi mào: - Thưa thày, thày đang... làm gì đấy ạ?Phản ứng rất nhanh, ông thày thâm nho, hóm hỉnh trả lời ngay: - Ấy là....tôi đang sản xuất thịt cho các cô cậu ăn đấy! Trong số các ông thày hài hước, trước tiên phải kể tới thày Nguyễn Bá Hiên, dạy môn truyền nhiễm. Thày Hiên hơn tôi dăm tuổi. Trò vẫn là trò, sau ngày ra trường cơ mươi năm, tôi rủ cậu em nhà báo Quách Mạnh Đồng sang thăm nhà thày, gặp lại trò cũ, tôi vẫn một điều thày, hai điều thày, còn ông hài hước, gọi lại tôi bằng ông. Chỉ dãy rượu ngâm và rượu Tây bày la liệt trên tủ quanh tường phòng khách tầng ba, ông hỏi: - Ông uống gì? Hôm nay tôi chiều hết. Phải say mới về. - Thày cho chai rượu giả! - Giả là giả thế nào! Bây giờ có phải cái gì cũng giả cả đâu! Đây toàn Tây xịn của người ta đấy. Ông muốn giả, xuống hỏi mấy nhà nghiên cứu về thuốc kéo dài thời kỳ chín của nhãn, vải. Ối giời ơi, có rặng nhãn trong vườn thực vật, các vị nhà ta đem thuốc thí nghiệm ra phun. Hàng nhãn có mười bảy cây, các vị quên phun mất một cây. Đến vụ, mười sáu cây được phun, tịt hoa. Riêng cây quên phun, hoa, quả tràn trạt. May rặng nhãn nó nằm chỗ khuất, không phơi ra, cả nước biết. Đấy, thuốc nghiên cứu thật đấy! Quách Mạnh Đồng quá khoái câu chuyện, về viết luôn tiểu phẩm “Thuốc thí nghiệm” Tếu táo thế thôi, thày giáo Hiên của tôi sống tình ra phết. Ngày ở trường, thường chúng tôi hay kéo ra chỗ ông chơi, vừa tào lao, vừa tắm rửa, giặt rũ ở đây. Sáng ấy trước khi giảng bài, thày Bá bảo có bài thơ, đọc cho sinh viên nghe. Bài thơ Ông lái đò. Câu kết của bài thơ là cảnh khách lên đò hết rồi, mà chẳng ai ngoái lại nhìn ông nhà đò. Cả lớp yên lặng. Thôi rồi, thầy trách, hôm qua không trò nào ra thăm thày, nhân ngày hai mươi tháng mười một. Hồi đó không có lệ phong bì đâu, đến bó hoa cũng không. Thầy chỉ trách là trách cái tình trò. Hồi sinh viên, bọn trò chúng tôi được dự một đám cưới thày. Đó là thày Hoàng Văn Năm. Thày Năm là học trò yêu của thày Phạm Gia Ninh. Thày nào, trò ấy, họ giống nhau đến thế, nghiêm nghị, nhiệt tình và sống rất tình người. Thày Ninh dạy chúng tôi là khoá cuối cùng, trước khi sang nhậm chức Cục trưởng. Trước khi thi môn nội khoa, lớp tôi mời thày phụ đạo, lại đúng vào dịp thày phải chuẩn bị đi nghiên cứu ở Philippin. Thày là người biết nhiều ngoại ngữ, tiếng Tàu thày học ở Trung Quốc, tiếng Nga tự học, tiếng Pháp,... Trước khi sang Philíppin, ông thày ngoài năm lăm tuổi, cấp tốc học tiếng Anh. Sức học của thày kinh dị thật, chỉ thời gian ngắn, mà thày sang nước người, một mình đi không lạc đường, lại còn trao đổi được và đề tài cuối đợt, dày hai trăm trang, trình bày bằng tiếng Anh. Do đề tài xuất sắc, với tư cách là đại biểu Philíppin, thày dự hội nghị khoa học về ung thư, do Nhật Bản tổ chức. Trở lại buổi bồi dưỡng trước khi lớp tôi thi. Đi Tây lúc đó là một cơ hội đổi đời, hoặc chí ít cũng mang về dăm trăm đô la, hay cái xe máy cũ. Chúng tôi tập trung ở giảng đường để chờ thày phụ đạo. Nửa tiếng, một tiếng, không thấy thày đâu. Nghĩ thày không đến, chúng tôi bỏ về ký túc xá. Học trò đâu biết, thày đang phải đánh vật làm thủ tục cho chuyến đi Tây. Bất chợt học trò thấy thày lọ mọ vào ký túc xá sinh viên. Thày bảo, không phải ra giảng đường, phụ đạo luôn tại phòng. Và ngay sau đó, thày ngồi tệt xuống nền nhà, học trò túm tụm ngồi quây quần quanh nghe giảng. Thày lấy luôn nền phòng ký túc xá làm bảng, viết vẽ minh hoạ. Ông thày mồ hôi nhễ nhại, say sưa giảng giải, làm trò rất cảm động. Thầy Ninh hiền lành, kiến thức uyên thâm. Ông là nhà nội khoa số một của ngành thú y Việt Nam. Thày có một cái xe máy con vịt xanh, thường dựa dưới sân giảng đường. Giờ ra chơi, lũ sinh viên nhảy lên, phi lòng vòng quanh sân, còn ông thầy hớt hải, xin trò: - Đừng… đừng các em ơi! Tiếng xin yếu ớt và bất lực của thày, càng làm lũ trò nghịch tợn, và cười rũ rượi. Một lần vào buổi tối, anh chàng Thuấn phòng tôi có việc ra phố. Nhà thày không trong khu tập thể của trường, không rõ hôm đó có việc gì, mà thày vào trường. Về đến quãng gần cổng trưởng, Thuấn xô luôn xe phải xe thày. Trời tối, trò chỉ nhận ra ông thày qua tiếng xin lỗi rối rít: - Xin lỗi ông! Tôi xin lỗi ông! Anh chàng Thuấn buồn cười quá, không dám lên tiếng, vội vàng chuồn thẳng. Khi thày đã làm Cục trưởng, chức to lắm rồi, chúng tôi có chuyến đi thực tập xuống vùng đất Mỹ Văn, Hưng Yên bây giờ. Vớ phải ca bệnh gia súc phức tạp, các trò nghĩ tới thày Ninh. Anh em bàn nhau, hôm nay là chiều thứ bảy, chắc thày về nghỉ, thử đến nhà hỏi và xin một lời khuyên của thày. Tôi và anh Ký lớp trưởng đạp xe đến. Nghe trò trình bày, không những nhiệt tình giảng giải, ông Cục trưởng còn xách luôn xe, cùng trò xuống cơ sở. Đêm đó thày ngủ lại nơi thực tập cùng với sinh viên. Mấy hôm sau bà chủ, nhà chúng tôi trọ, kể và cứ khen ông giáo nhiều chữ. Bà bảo, hôm qua ông giáo mơ, toàn xì xồ nói tiếng Tây. Bà già nhà quê đâu ngờ rằng, ông khách ngủ lại ở nhà mình to và lắm kiến thức lắm. Sáng hôm sau chúng tôi cứ ngượng cho thày. Trò chỉ muốn mời thày tư vấn, còn việc cụ thể, thì phó cho trò làm. Đứng trước cửa chuồng lợn, thấy các trò bắt lợn, thày cũng xắn quần, nhảy ngay vào cùng sinh viên. Một ông Cục trưởng bắt lợn và giảng dạy cho sinh viên ngay trước cửa chuồng gia súc, có là ông thày số một. Thày Hoàng Văn Năm là chủ nhiệm lớp đại học của tôi. Ngày cưới thày, cả lớp xúm vào góp tiền mua đồ mừng, mà chỉ tặng nổi cái chậu thau hoa Trung Quốc. Hôm chúng tôi đến mừng, phòng cưới của thày là gian nhà giáp khu trại thực hành. Bên này là phòng cưới, bên kia trâu bò kêu ò ò. Nay thày Năm đã là Phó cục trưởng. Mới đây Vận, Hoàng và tôi kéo đến thăm nhà thày. Đợi một lúc thày mới ở Cục về. Thày mặt đỏ bừng bừng, vẻ mặt của người có hơi men. Thày giải thích:- Tớ vừa làm mấy cốc bia. Mình vốn có bia bọt gì đâu. Nhưng chiều nay bực quá! Mấy tay nhà báo, hỏi thế mà cũng hỏi! Tôi liền đùa: - Thày ơi, trò của thày cũng nhà báo đây. Không biết đằng nào mà hỏi là nghề của chúng em! - Cậu khác. Thôi, hôm này thày trò mình làm chầu bia nhé. Thày liền vào phòng trong, bê ra két bia và mặc cả, phải uống hết mới được về. Thày và trò chúng tôi là vậy. Nay thày trò tóc đã bạc cả lượt rồi. Khi lũ trò ra về, mới đến cổng, tôi nghe thày bảo, đợi một tý. Rồi thày xách ra chai rượu Tây cho tôi. Nhận chai rượu thày cho, tôi đùa: - Thày ơi, lại chương trình rượu giả phải không ạ? - Giả, giả là thế nào! Rượu biếu ông Cục phó, mà còn giả à! Thày ơi, biết đâu được đấy! Có thật chăng là thật cái cuộc lũ học trò hôm nay đến thăm thày! Một ông thày nữa mà hồi sinh viên tôi hay tha thẩn xuống thăm. Ông là Đặng Thế Huynh, dạy môn truyền nhiễm, một ông thày hom hem, gày yếu. Thể xác gày, nhưng tinh thần, thì tràn đầy nhiệt huyết, truyền đạt kiến thức đời thày cho trò. Xuống chơi mà tôi cứ buồn. Thày có chiếc bếp dầu nhỏ xíu, ba chân kiềng nhỏ như ba cái nan hoa xe đạp. Ngọn lửa vàng nhón nhén, nấu đồ ăn cho thày, như hầm thuốc bắc. Thấy bảo, bữa ăn sáng của thày là xuống khu chợ của trường, mua một quả chay chín. Tôi không dám hỏi ông, chuyện ấy có thật không. Sao khổ đến thế thày ơi!Cuộc đời ông là chuỗi buồn. Dân miền Nam tập kết, chơi đàn hay và say mê khoa học. Một cô sinh viên vì tiếng đàn ghi ta đã đến với thày. Lúc phụ nữ yêu, người ta mộng mơ lắm, sống trong lãng du. Khi bước vào cuộc sống gia đình, họ chẳng còn mơ mộng nữa, không thể yêu những giấc mơ lãng đãng của chồng. Thế là thày đơn độc trên con đường đi tới toà lâu đài khoa học và cả trong mái ấm gia đình của mình.Con đường khoa học lắm chông gai, nó gặm nhấm, tỉa rỉa ông. Thày cũng bị những vụn vặt của cuộc đời, như tem gạo, đậu phụ, nước mắm, phiếu vải năm mét giày vò. Đến thời dạy chúng tôi, thày vẫn nhiệt huyết, cái nhiệt huyết chắt ra của một ông thày mệt mỏi, già nua.Năm ấy lớp tôi tham gia hội diễn văn nghệ của trường. Nhìn cái áo ba đờ xuy của thày, thấy hợp với nhân vật chúng tôi đang xây dựng, một nhà nghiên cứu tâm huyết, hừng hực với khoa học, học trò liền mượn áo của thày. Sau buổi diễn, hể hả về thành công của vở kịch, chúng tôi quây quần uống chén chè nhạt, chúc tụng lẫn nhau. Trong khi đang chén chú, chén anh, thì thày Hiên ghé vào. Chợt nhìn thấy nhân vật diễn vẫn mặc cái ba đờ xuy, thày bảo:- Các em chưa trả áo cho thày Huynh à? Thày chỉ có tấm áo ấy. Cho các em mượn, thày rét đấy!Vì vô tình, chúng tôi không đứa nào biết rằng, ông thày chỉ có mỗi tấm áo chống rét, lũ trò lại mượn.Dù đêm đã khuya, trời lạnh, chúng tôi, những sinh viên nghèo và cũng rét, vội vã mang áo lên khu cán bộ trả lại áo cho thày.Giấc mộng khoa học không thành, chuyện gia đình dang dở, cuối cùng, thày chọn con đường kiếm tiền cứu mình, tức là thi chuyên gia sang châu Phi. Số thày long đong. Chuyên môn, kiến thức dễ dàng vượt qua, nhưng cái cửa tưởng như bình thường, lại không vượt nổi. Khi khám sức khoẻ, bác sỹ phát hiện, thày bị suy dinh dưỡng. Ông giáo đại học bị suy dinh dưỡng. Thày phải vào bệnh viện Việt - Xô điều trị. Ngày thày nằm viện, một xe ô tô năm mươi sinh viên tự nguyện sang tiếp máu cho thày.Những tấm lòng thơm thảo của học trò, không cứu nổi ông thày. Sau vài ba tháng, thày Đặng Thế Huynh vì suy dinh dưỡng, mà ôm lâu đài khoa học về thế giới bên kia. Ngày ấy trò đói, thầy khổ. Kết thúc giờ học buổi sáng, tới mười một rưỡi, đám con trai lên giảng đường thường giắt theo thìa trong túi. Hết giờ là lủi ngay xuống nhà ăn, không phải tốn sức, phí thời gian leo lên mấy tầng cầu thang ký túc xá lấy thìa, bát. Thiếu và đói tới mức, có năm Nhà nước hết gạo, có chính sách, cho sinh viên tết nghỉ sớm và hè kéo dài. Hồi ấy ở khoa Cơ điện, có vụ thách đố, vì đói quá, một anh chàng bạo phổi cởi truồng lồng lộng chạy ra giữa sân để lấy năm cân tem phiếu thách đố. Còn chuyện cắm quán rồi chạy làng, thuổng bánh, thuổng chuối của mấy bà bán quà vặt là bình thường. Chúng tôi ăn cơm sinh viên, sáu đứa một mâm, lũ con trai cứ nháo nhào đổ tuốt thức ăn vào một xoong, xúm lại lấy thìa, xúc. Cái xoong lũng bũng cơm, rau, đậu và xàu xàu bọt, trông phát khiếp. Việc chung đụng làm bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh trong sinh viên và cảnh ăn uống chả văn hoá tý nào, nhà trường phải viết, vẽ khẩu hiệu khắp tường nhà ăn: Cấm ăn cơm bằng thìa. Hồi đó lắm khẩu hiệu và cấm lắm thứ lắm. Cấm ỉa đái bậy lung tung, đặc biệt cấm ỉa đái bậy trên mái thượng, cấm rửa ráy, hắt nước từ trên gác xuống, cấm tụ tập nói chuyện và yêu đương trước nhà sinh viên nữ, cấm hái hoa quả ở vườn thực vật, cấm ra ngoài làng ăn quán, cấm đun điện, cấm chặt bổ giường và lan can gỗ đun, cấm…. Chúng tôi học môn triết năm thứ nhất. Giảng dạy môn này là thày Lâu Dài. Thầy, trán gồ bướng, miệng chẩu ra, cái mũi chun chun, trông rất hề.Môn triết vốn khô khan, nhưng với cách giảng hài hước của thày, lũ sinh viên học không ngán. Dù không chán, nhưng đánh đu với các khái niệm triết học, nào vật chất, cặp phạm trù,... sinh viên vẫn chật vật học. Nhất là cái định nghĩa vật chất của ông Lênin, thuộc như cháo chảy, mà vẫn chẳng rõ ông nói gì.Giảng về tương lai, khi bước vào thời kỳ cộng sản, ông bảo mọi người hưởng theo nhu cầu. Nghe ông nói, tôi hỏi:- Thưa thày, lúc đó muốn hưởng theo nhu cầu thế nào cũng được ạ?- Đúng, như anh muốn mấy đĩa thịt bò xào cũng được. Cứ việc ngửi, cứ việc ăn, thoả thích.Cái món thịt bò xào tỏi, tác giả là thày. Trong các tiết học, thày Lâu thường đưa ra nhiều minh hoạ cho phần nội dung bài giảng. Minh hoạ thày mang ra nhiều nhất là món thịt bò xào tỏi, minh hoạ rõ tới mức, chúng tôi thuộc lòng cách thức xào thịt bò như thế nào, mặc dù đa phần lũ sinh viên chưa một lần được rờ chân đến hàng ăn. Thầy cứ chun mũi, nhíu trán, tả cách thức anh đầu bếp xào thịt bò: - Thịt bò thái mỏng nhé, mỏng tang ra thế này này. Thày giơ tờ giấy minh hoạ. Mỡ... mỡ nhé, tỏi nhé, phi già lên, rồi thả thịt vào. Đảo nhanh. Xèo… xèo, thịt nó xoăn lại. Thơm… thơm là!Ông chun mũi, khịt khịt hít, còn giọng…. dài ra. Buổi trưa học sinh đói, bụng kêu ùng ục, lại ngửi thấy mùi thịt bò thơm lừng của thày Lâu, chị nào anh nấy tứa nước miếng. Có cậu còn thò tay xuống túi quần, sờ cái thìa, vô tình làm nó rơi xuống nền nhà, kêu đánh keng. Thày Lâu Dài nghe thấy, cười: - Đói rồi hả? Thôi không ngửi, không ăn thịt bò xào tỏi nữa. Cho giải tán!Chuẩn bị cho môn thi triết, thày Lâu Dài phụ đạo cho lớp. Ban cán sự lớp chụm đầu lại, xem trong giờ phụ đạo, lớp bồi dưỡng món gì cho thày. Hồi ấy chưa có đoạn trò biếu thày phong bì. Ban cán sự quyết định bồi dưỡng món nước chè đường.Không rõ ai mượn được cái ca nhôm ở đâu ra mà to thế, phải chứa hết cả lít nước. Ca nước chè đặc, hoà cả lạng đường hoa mai, đặt trên bàn của thày. Thày Lâu Dài say sưa tổng kết, tập hợp các kiến thức triết học. Tất nhiên, trong phần minh hoạ về vật chất, ông không thể quên anh thịt bò thái mỏng, xào tỏi thơm lừng. Khoảng gần cuối buổi, học trò thấy thày giờ cao cái ca: - Các em cho biết, đây có phải là vật chất không?Học trò râm ran: - Đúng ạ, đúng ạ! Vật chất đấy ạ!Thày Lâu Dài cao giọng, hỏi tiếp: - Thế vật chất là cái này phải không?Trong khi nói, thày dốc ngược cái ca, giơ lên: Lác đác có tiếng trả lời và vội dừng ngay. Cái ca nước chè to tướng, pha đậm đặc đường hoa mai đã hết từ lúc nào không hay. Đến mức, thày dốc ngược lên, không còn thấy một giọt nước đường nào rỏ xuống. Mấy vị trong ban cán sự vội nháy mắt cho nhau, nhanh tay ra pha tiếp cốc nước chè đường, mang lên bục giảng cho thày phụ đạo triết học. Học nghề thú y sau này giúp khối cho tôi trong nghề báo. Một lần tôi đang ngơ ngơ trước mấy hàng ăn, định lấy tư liệu viết bài vệ sinh thực phẩm vào hè, thì nghe tiếng gọi giật giọng. Hoá ra một ông bạn quen, lâu ngày không gặp nhau. Thế là tôi bị lôi tuột vào bàn nhậu. Bàn nhậu còn có mấy vị nữa. Sau cốc bia trăm phần trăm, tôi liếc xuống bàn, hy vọng có đồ mồi gì, kiểu “dô” thế này xỉn mất. Nhưng chết cha, trên bàn chỉ có bát mắm tôm đỏ au, vắt chanh sủi bọt, cùng đĩa lòng xe điếu vơi nửa, miếng nào miếng nấy tròn căng, trắng hồng. Tôi thở dài, buông đũa, nghĩ bụng, tránh vỏ dưa, gặp vỏ đừa… Chả là gần nhà tôi có anh chuyên nghề chế biến lòng lợn, nên tôi biết và cạch đến già, không nhúng đũa vào móm lòng lợn bán đường bán chợ. Cứ theo sách thì, thức ăn được dạ dày co bóp, rồi chuyển xuống ruột non. Ở đây có quá trình tiêu hoá chuyển thức ăn thành dưỡng chất, đẩy lên phía trên, đoạn ruột sát dạ dày. Quãng ruột đó dài cỡ hai mươi phân. Phần cặn bã thì bị tống xuống ruột già, gọi là phân. Nơi thôn quê, khi giết lợn người ta bắt phèo, tức là túm đoạn ruột dài độ hai mươi phân, luộc ăn ngon. Nay các nhà hàng sáng tạo ra, bắt phèo đoạn lòng dài tới vài mét. Họ không tỉa, ken qua, rồi nhúng tái. Đoạn lòng ấy chứa dưỡng chất, phân non và rất nhiều giun sán. Gặp nước nóng, đoạn lòng căng tròn ra, người ta gọi thứ ấy là lòng xe điếu. Lúc khách xỉn, hay vớ phải khách sành ăn, nhà hàng tính kha khá. Nể lời ông bạn mời và ông ta cứ nắc nỏm khen món lòng xe điếu hôm nay giòn sừn sựt, tôi đành cầm đũa chọn một một miếng, rồi gắp bỏ vào cái đĩa rếch ở giữa bàn. Tôi cẩn thận cầm đũa day day miếng lòng. Thấy hành động lạ, mấy ông cùng bàn bia dừng ăn, uống, đổ dồn mắt vào đầu đôi đũa của tôi. Bất thần từ hai đầu miếng lòng, một khối nhờ nhờ, đùng đục phùn ra, tiếp đấy là một vật hình bầu dục to bằng hạt bưởi tuồn ra tiếp. Tôi khẽ nói, đây là con sán tai hồng, các nhà thú y học gọi là sán lá ruột lợn. Ở miền Bắc, gần như một trăm phần trăm lợn nhiễm loại sán này. Tôi còn giải thích, may là không phải lợn gạo. Nếu ăn phải lợn gạo, thì theo lý thuyết, mỗi người chỉ chứa được một con sán dây, do cạnh tranh sinh tồn mà. Con sán dây dài chừng vài chục mét. Lợn gạo phải huỷ, tức là đem chôn. Nhưng bây giờ có thấy ai đem thịt đi chôn đâu. Mua phải thịt lợn gạo, nhà hàng sẽ tẩm phẩm đỏ xanh, gia vị hành tỏi tra vào. Hỏi vào quán, ai lại cứ nhăm nhăm gắp miếng giả cày, hay miếng thịt bò tái trong bát phở đưa lên mắt xem có gạo không, ăn thế mất ngon, ăn mà toàn nghĩ tới sán, ăn sao nổi. Mà phải ông nhà hàng cao tay, đem xay cho nhuyễn, làm thành… giò chả gạo. Bố ai biết. Ta ăn lợn gạo, không phải là ăn sán, mà chỉ là ăn ấu trùng sán thôi. Vào đến bụng rồi, nó mới nở ra thành con sán dây dài tới vài chục mét kia. Và thỉnh thoảng, nó đứt vài đốt chứa đấy trứng, trứng theo phân thải ra ngoài. Lợn, bò ăn phải trứng sán, nó sẽ chuyển thành ấu trùng, ngụ ở các phần cơ, như cơ đùi, cơ lưng, cơ hoành, đó là gạo, tức ấu trùng sán. Nghe tới đây mấy ông bạn kia há hốc mồm, chẳng hiểu các vị quá ngạc nhiên, hay vì miếng lòng xe điếu còn dang dở trong miệng và lo cho cái bụng của mình, có con sán dây dài tới vài chục mét không.