CHƯƠNG IV - 25
Du xuân lễ chùa

Hồi mới cưới nhau, dịp đầu xuân nào, tôi và vợ bao giờ cũng làm một chuyến vãn chùa, du xuân. Vệt đi là chùa, đền vùng Kinh Bắc, đi bằng xe máy, thời gian trọn một ngày.
 Điểm đầu tiên là đền Đô, thờ tám vị vua nhà Lý. Đền ở làng Đình Bảng, cách Hà Nội khoảng hai mươi cây số. Đường  qua Gia Lâm, cầu Chui, cầu Đuống, đi tiếp đường I là tới làng Đình Bảng. Lễ đền Đô xong, chúng tôi thường tạt sang thăm đình Đình Bảng. Đình chỉ cách đền Đô non cây số. Dưới thời người Pháp đô hộ, họ đánh giá đình có kiến trúc đẹp nhất xứ Bắc kỳ. Nó được xây dựng vào năm 1700, sau ba mươi sáu năm mới hoàn thành. Người chủ trì là cụ Nguyễn Thạc Lượng, từng là Trấn thủ Thanh Hoá. 
 Từ Đình Bảng đi tiếp năm cây số thì đến Chùa Phật Tích. Chùa ngự trên đất huyện Tiên Du, toạ lạc trên sườn núi Lạn Kha. Nằm trong vùng trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, nơi đây nhà sư Ấn Độ Khâu Đà từng dựng chùa, truyền đạo. Vào thời Lý, chùa Phật Tích mới được xây dựng với quy mô lớn.
 Chùa có bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh nguyên khối, một pho tượng Phật cổ và đẹp nhất vùng Bắc bộ. Bên phải chùa có miếu thờ Đệ nhất cung tần của chúa Trịnh Tráng – bà Trần Thị Ngọc Am.  Bên trái chùa là nhà thờ tổ Đệ nhất Chuyết chuyết Lý Thiên Tộ. Ông mất năm 1644, hiện trong chùa còn bức tượng táng của ông. Trước chùa có mười tượng thú đá lớn, sau chùa là vườn tháp xây bằng gạch và đá, hiện còn tới ba mươi tư tháp.
 Từ Chùa Phật Tích, qua sông Đuống, qua bằng đò hay cầu Hồ, ven theo đê đi tiếp năm sáu cây số là tới chùa Bút Tháp. Đây là một ngôi chùa có quy mô lớn và kiến trúc độc đáo ở Bắc bộ. Chùa có hàng lan can đá bao quanh thượng điện và tháp đá. Pho tượng gỗ Quan thế âm nghìn mắt nghìn tay là một tác phẩm phật giáo độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Tượng được tạc vào năm 1656.
 Điều đáng chú ý nữa là chùa có nhiều tượng gỗ: Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, công chúa Lê Thị Ngọc Duyên, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Dung. Sau chùa có ngôi tháp đá năm tầng, cao mười ba mét.
 Từ Bút Tháp đi tiếp khoảng năm cây số sẽ tới chùa Dâu, một ngôi chùa cổ xưa nhất Việt Nam. Gian giữa có bức nữ thần Phong Vân, hai bên là Kim Đồng, Ngọc Nữ, bên trái có tượng Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Giữa sân chùa là ngôi tháp đồ sộ, tháp Hoà Phong. Trước tháp cao chín tầng, này chỉ còn ba tầng, nhưng chiều cao tới mười bảy mét. Tháp có một số tượng, đáng chú ý là con cừu đá, dấu vết duy nhất còn sót lại của nhà Hán tại ngôi chùa này. Chùa được xây dựng năm 187, tức là cách đây hơn mười tám thế kỷ.
 Lần đi vãn chùa đầu xuân năm ấy, điểm cuối cùng, vợ chồng tôi vào lễ  một ngôi đền gần chùa Dâu. Trong khi vợ đang thành kính lễ các ban ở gian điện phía trong, tôi ngồi ở bàn nước gian ngoài. Ngước nhìn lên ban thờ trước mặt, tôi thấy đồ lễ là mấy quả cau, lá trầu.
Thoáng một chút phân vân, rồi tôi tiến lại, chắp tay, lầm bẩm khấn mấy câu lấy lệ và hạ luôn cau trầu xuống, bụng nghĩ, mình hưởng lộc trước, thử xem sao. Lấy con dao bổ quả cau, tôi mới ấn nhẹ một cái, con dao bậm luôn xuống ngón tay tôi. Hoảng quá, tôi vội bỏ dao, đặt ngay quả cau lên bàn, lấm lét nhìn lên ban thờ. Lúc vợ bước ra, tôi giấu vội ngón tay đang nhỏ máu, bảo vợ về thôi. Thấy tôi vội vàng, vợ lại tưởng chiều muộn, phải về cho kịp. Lên xe, tôi cắm đầu phi. Mới được khoảng hai trăm mét, suýt thì đâm vào chiếc ô tô ngược chiều. Trong đầu tôi chỉ còn lùng bùng câu: Thôi, con lạy các Ngài! Tha cho con!