Chương 21
GIAI ĐOẠN QUYẾT LIỆT

Lệ lật đọc qua mấy đoạn nhật ký viết bằng Pháp văn của con gái đầu lòng bỏ quên lại trong khi đi Đà Lạt. Thấy một tờ giấy rơi ra. Nàng cầm lên, liếc thấy một bức thư in rô-nê-ô: "Một nhóm thanh nữ thân gởi các chị em thanh nữ toàn quốc".
Lệ giận run lên khi đọc đến đoạn nói đến nàng:
… "một phụ nữ bản thân quá lố bịch, thiếu lễ độ đối với các nhà đạo đức, bất hiếu đối với cha mẹ, tự kiêu đối với bạn đồng phái, không trinh tiết đối với chồng con, ỷ thế lạm dụng quyền hành doạ nạt chà đạp kẻ khác, người ấy không xứng đáng là một người phụ nữ gương mẫu mà còn làm tổn thương đến danh dự và giá trị của người phụ nữ Việt Nam. Xuyên qua bài hiểu thị bán quân sự và lời công bố vừa rồi trên báo chí của bà cố vấn, thanh nữ chúng ta ý thức được thái độ của bà cố vấn đã đi ngược lại chủ trương của chánh phủ, không hợp với nguyện vọng của thanh nữ chúng ta và trái hẳn tính chất truyền thống đạo đức dân tộc mà phụ nữ chúng ta cần có. Ngay ông đại sứ, thân phụ của bà cố vấn, cũng phê bình bà là thiếu lễ độ của một người phụ nữ Việt Nam đối với các vị Thượng toạ.
Chúng ta tự hỏi: Từ lâu nay bà cố vấn có còn đủ tư cách một phụ nữ để hướng dẫn chúng ta nữa không? Chúng ta cần đoàn kết tranh đấu chống lại hạng người có hành vi bất nhã, thiếu liêm sỉ, làm ô nhục quốc thể và không để họ lợi dụng phụ nữ chúng ta một cách trắng trợn được…".
Lệ như bị điện giật, run người tức giận, đôi mày dựng ngược xồng xộc bước qua văn phòng hỏi bà bí thư.
- Vừa rồi có một bức thư ký tên một nhóm thanh nữ phản đối tôi sao không thấy Uỷ ban hanh tra của phong trào liên đới báo cáo gì cho tôi hay. Kêu người phụ trách thanh nữ biểu điều tra coi xuất xứ từ đâu hay là từ chùa Xá Lợi tung ra.
- Bẩm bà cố vấn, bên văn phòng Tổng thống vừa đưa sang một hồ sơ để trình bà.
Lệ lột cặp bìa "Kính đệ bà cố vấn" liếc mắt đọc qua văn thư đề Tổng hội Phật giáo gởi Tổng thống, bỗng tái mát lại, gằn giọng nói:
- Bọn thầy chùa này lại cả gan phạm thượng, dám bảo bài diễn văn tôi đọc bữa khai giảng khoá II huấn luyện phụ nữ bán quân sự đô thành là những lời lẽ thô lỗ, vu khống, kém phong độ và huênh hoang tự đắc, không thể có được trong bất cứ một người đàn bà nào có tư cách gương mẫu cho phụ nữ Việt Nam.
Tức giận làm cho Lệ nghẹn ngào trong khi đọc bức thư nàng gạch bút chì đỏ mấy đoạn vừa nhắc lại, bảo bà dì bí thư:
- Bọn phản quốc đê tiện nó muốn khiêu khích chọc đến tôi, rồi chúng nó sẽ biết tay! Cô bảo văn phòng báo chí Tổng thống theo mấy chỗ tôi ghi đỏ ở bức thư, biểu trả lời từng điểm một rồi trình gấp lên coi. Chúng nó muốn công khai tuyên chiến với tôi, tôi sẽ cho chúng nó nếm mùi vị khác tương chao của nhà chùa!
Trong khi ấy tại chùa Xá Lợi, trước mười mấy ngàn tăng ni Phật tử tề tựu ở chánh điện dự lễ cầu siêu cho nhà sư trẻ tuổi Thích Nguyên Hương vừa tự thiêu ở Phan Thiết.
Rừng biểu ngữ viết bằng các chữ Việt, Anh, Miên với đủ các màu từ trong hàng ngũ các đoàn sinh viên Phật tử, thanh niên bảo vệ Phật giáo, liên đoàn học sinh Phật tử, Phật giáo.
Tối hôm ấy, vào lúc 10 giờ sau buổi lễ đêm, các tín đồ lần lượt ra về, chùa Xá Lợi trở lại cảnh yên tĩnh. Chánh điện vắng lặng trong mùi hương trầm phảng phất. Ngoài sân chùa các ngàn đèn đã tắt, các cành liễu phất phơ ẩn hiện trong ánh sáng xanh nhạt từ Phật đài toả ra.
Giữa không khí u tịch chìm trong bóng đêm từ trong chánh điện bỗng có tiếng kêu rên. Hai ni cô dọn dẹp ở nhà sau thoáng nghe, hoảng hết gọi các chú tiểu đi tìm nơi có tiếng rên rỉ phát ra.
Bên cầu thang chính điện dưới bóng Phật đài một thiếu nữ áo dài màu xanh nhạt loang máu tươi tay phải cầm chiếc rìu con đẫm máu tay trái bị chặt nhiều lát nát cả cổ tay. Cô gái đau đớn run run đang nói với mấy nhà sư đang nhìn cảnh tượng bất ngờ:
- Con tự chặt tay để cúng đường Tam Bảo.
Các ni cô vội vã bồng thiếu nữ vào phòng để băng bó tạm vết thương trào máu. Mấy ký giả được tin ùa tới, chụp ảnh quay phim quan sát.
Thượng toạ Giác Đức bước vào với một máy ghi âm lên tiếng hỏi thiếu nữ.
- Có thầy nào hoặc ai xúi con làm việc này không?
- Con tự ý chặt tay con, chẳng phải cha mẹ hay ai xúi giục con cả. Con rất đau lòng khi thấy lý tưởng thiêng liêng của con bị chà đạp.
Thiếu nữ chặt tay đã đuối sức vì máu ra nhiều. Một vị sư gọi điện thoại nhờ chánh quyền cho mượn xe cứu thương, bị từ chối phải nhờ xe tư nhân chở cô gái vào bệnh viện Grall hai giờ sau.
Quận trưởng cảnh sát Quận ba đến làm biên bản, một thượng toạ mở chiếc cặp da của thiếu nữ để lại trên thượng điện, đọc thấy tên Mai Tuyết An, 18 tuổi, nữ sinh trung học đệ nhất cấp. Có ba bức thư để lại một bức gởi Hoà thượng Hội chủ Phật giáo, hai bức gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm và đệ nhất phu nhân.
°°°
 
- Bây giờ chúng lại xui khiến trẻ con doạ tôi. Tôi mở miệng thì các trẻ tự tử. Vậy chị em nghĩ sao? Nếu ai không đồng ý với tôi sao không nói công khai các lý lẽ của họ đi, sao lại mạt sát tôi sau lưng, rồi nếu tôi đối đáp thì lại xúi các kẻ tự tử phản đối? Quan niệm gì lạ vậy?
Lệ lên tiếng hiểu thị trước 1000 thanh nữ trong cuộc lễ tuyên thệ của phụ nữ bán quân sự và đại hội phong trào Phụ nữ liên đới tỉnh Ba Xuyên, gián tiếp tố cáo các hành động vừa rồi của Phật.giáo.
- Chị em đừng có để cho sự đe doạ, sự mê tín mê hoặc chị em. Có thể nói tất cả gia đình của tôi là theo đạo ông bà. Riêng thân mẫu tôi theo Phật giáo, thân sinh tôi theo đạo Khổng. 20 năm về trước tôi cũng rất chú ý tới Phật giáo và cũng có đi chùa niệm Phật. Vì lý do đó tôi có hiểu phần nào về Phật giáo.Chỉ vì tôi hiểu được mục đích chính của Phật giáo nên tôi nới ghét thậm tệ những người dám lợi dụng Phật giáo để lợi dụng chị em.
Tôi rất lấy làm lạ khi thấy các người tự xưng là theo giáo lý Phật giáo mà lại mê tín, dị đoan hoặc tệ hơn nữa, dùng mê tín đi đoan để mê hoặc thiên hạ. Việc đó chúng ta không thể chấp nhận được.
°°°
 
Trong khi đài Sài Gòn truyền thanh lại những lời hô hào của đệ nhất phu nhân, thì ở Huế, tại giảng đường đại học, tổng giám mục họ Ngô đứng ra diễn thuyết về "Thái độ của người Thiên Chúa giáo đối với năm nguyện vọng của Phật giáo".
Đồng thời, cách thành phố Huế sáu cây số, tại chùa Thiên Mụ một tăng học sinh, 17 tuổi, Thích Thanh Huệ, tức Bùi Huy Chương, tự thiêu để lại bức thư gởi Ngô Đình Diệm "những nguyện vọng độc nhất trước khi về cõi Phật"
1. Hãy chấm dứt tình trạng khủng bố và đàn áp Phật giáo cùng thả tất cả những Phật tử bị giam.
2. Hãy giải quyết thoả đáng những nguyện vọng của Phật giáo đồ.
3. Triệt để không để cho bà cố vấn dùng Đài phát thanh để nhục mạ Phật giáo.
Thi hài của tu sĩ thanh niên tự thiêu bị nhân viên công lực Huế giành giựt mang đi mất tích, sau cuộc bao vây chùa Thiên Mụ, đàn áp 30 Phật tử bị thương nặng.
Tại chùa Xá Lợi, sau lễ tưởng niệm vong linh các tử vì đạo, 400 tăng ni biểu tình diễu hành từ đây ra chợ Bến Thành.
Hàng rào dây kẽm gai dựng lên ngăn cản. Các đội công lực tìm đủ mọi cách dùng võ lực đẩy lui, song các lớp áo vàng vẫn liều mình vượt qua đến tập hợp ở địa điểm bùng binh trước chợ Sài Gòn.
"Đừng lừa dối chúng tôi!"
"Hãy thực thi thông cáo chung!"
Biểu ngữ căng lên, vòng đai 200 cảnh sát chiến đấu siết chặt, vây hẹp đoàn áo vàng biểu tình lại thành một khối, buộc hạ biểu ngữ và cờ Phật giáo xuống. Nhiều tăng ni phản đối bằng cách ngồi xuống mặt đường niệm Phật. Dân chúng từ trong chợ đổ ra, khắp các ngả Phật tử ùa kéo đến.
Giám đốc cảnh sát, Cò Tư, chửi thề ra lệnh cho nhân viên:
- Thi hành biện pháp thích nghi!
Tức thì những chiếc dùi bọc cao su trắng giáng mạnh xuống đầu, những báng súng thúc vào lưng, song đám tăng ni vẫn không nao núng.
Hàng trăm cảnh sát, công an, cảnh sát chiến đấu, lực lượng đặc biệt, mật vụ, từng bầy hùng hổ xông vào bắt quăng các nhà sư lên xe.
Vừa ngã vật xuống sàn xe, tăng ni lại ngồi lên để tuột xuống đường, giữa đám đông Phật tử đang vây kín các xe cảnh sát không chuyển bánh được.
Giữa lúc đôi bên xô xát, giằng co thì một ngàn tăng ni khác tập trung tại chùa Giác Minh đang bắt đầu đi dọc theo đường Phan Thanh Giản hướng về chùa Xá Lợi để hưởng ứng cuộn biểu tình tại chợ Bến Thành.
Đánh đập lôi kéo không xong, vì các đoàn tăng ni vẫn siết chặt lại để bảo vệ nhau, Cò Tư xuống giọng năn nỉ:
- Tôi lấy danh dự cá nhân và tư cách đại diện chính phủ thề với các ông rằng chúng tôi sẽ đưa các ông về chùa Xá Lợi!
Những người áo vàng lần lượt lên xe, đoàn xe cảnh sát liền mở tốc lực chạy thẳng về phía Chợ Lớn. Tăng ni bị gạt, la ó phản đối liến bị cảnh sát chiến đấu bóp cổ, bóp hạ bộ các sư và giở trò bỉ ổi vào người các ni cô. Ba nhà sư nhảy xuống trong khi xe đang chạy, rồi nhiều người lao theo xuống đường, họp thành vòng tròn để bảo vệ mấy người bị thương nặng.
Cò Tư lại ra lệnh cho nhân viên đấm đá nhắm vào chỗ hiểm khiến tăng ni chết giấc rồi quẳng lên xe chở đến một nghĩa địa giữa cánh đồng chung quanh đã rào sẵn dây kẽm gai có binh sĩ lực lượng đặc biệt võ trang canh gác. Chốn an dưỡng địa, nghĩa trang của giáo hội Tăng già Nam Việt đã biến thành một trại giam sư sãi biểu tình.
Trong khi ấy trên đường Phan Thanh Giản gần chùa Giác Minh từng bầy võ trang, hung hãn tấn công cả ngàn tăng ni ngồi niệm Phật giữa mặt đường, bắt một số lên xe chở đi trại giam an dưỡng địa, và dồn trên 600 sư sãi, tín đồ vào hai chùa Giác Minh, Từ Quang, đem dây kẽm gai chắn kín phong toả và cô lập hai nơi này.
Đồng thời với các cuộc đàn áp dữ dội hai cuộc biểu tình của tăng ni trên đây… Tại Sài Gòn hơn một trăm thanh niên Phật tử bị mật vụ bắt đi mất tích và một cuộc khủng bố đại qui mô ở vùng ngoại ô Bảy Hiền đã lùa 700 Phật tử.
Điện tín của các ký giả, phóng viên ngoại quốc chứng kiến phục ảnh và quay phim những cảnh khủng bố ác liệt tại Sài Gòn đánh đi khắp thế giới, khiến Ngô Đình Diệm vội vàng lên tiếng hiệu triệu trên Đài phát thanh hôm tối đêm ấy, tỏ ý muốn hoà giải với Phật giáo để xoa dịu tình hình căng thẳng trong dân chúng.
Hai hôm sau, 400 tăng ni được thả về với thương tích và dáng dấp tiều tuỵ qua ba ngày đêm giam cầm đói khát ngoài nghĩa địa. Tại chùa Xá Lợi, một cuộc họp báo được triệu tập để tố cáo những mưu mô của chánh quyền nhằm hãm hại Phật giáo.
°°°
 
Ngô Đình Nhu chắp tay sau lưng đi lại đăm chiêu trong khi Ngô Đình Diệm ngồi thừ người nghĩ ngợi, sau khi nhân viên kỹ thuật Đài phát thanh vừa đến thu băng lời hiệu triệu thứ ba kể từ lúc bùng nổ vụ Phật giáo ở Huế.
- Bọn Phật giáo quyết một còn một mất liều mạng đòi mình nhượng bộ, chú tính sao?
- Chúng nó nhằm mục đích lật đổ chánh phủ, mình không còn có cách nào khác hơn là phải dùng đủ mọi thủ đoạn để đối phó, khi cương khi nhu, tạm hoà hoãn bên ngoài, rồi bất thình lình đánh cho một đòn nhừ tử là chúng nó phải yên. Đối với bọn Phật giáo tôi thấy là một chuyện dễ, mình chỉ còn lo đối phó với thái độ của Mỹ, đang bị ảnh hưởng của báo chí họ thôi. Nếu Kennedy đối với mình vẫn như thường, dù cho có một trăm vụ tự thiêu cũng không làm chi nổi mình đâu!
Nhu thốt ra một cách tự tin trong lúc viên trưởng phòng báo chí phủ Tổng thống bước vào, tay ôm một cặp bản tin tức điện báo.
- Bẩm Tổng thống, bẩm cố vấn, con vừa nhận được télétype về cuộc họp báo hôm nay của Tổng thống Kennedy, liên quan đến vấn đề Phật giáo, vội mang vào trình để Tổng thống và ông cố vấn tường.
Ngô Đình Cẩn hỏi:
- Kennedy nói sao?
- Bẩm cố vấn, Tổng thống Kennedy tuyên bố rằng thật là không may tại Việt Nam Cộng hoà lại có xảy ra cuộc tranh chấp tôn giáo trong khi cuộc chiến tranh chống cộng sản tại đây đang diễn tiến một cách tốt đẹp. Ông ta bày tỏ hy vọng rằng một thôi hiệp có thể đạt được giữa đôi bên. Tổng thống Kennedy nói rằng mặc dầu những khó khăn hiện giờ giữa Phật giáo và chánh phủ có làm trở ngại đến sự viện trợ của Mỹ để chống Cộng, song Mỹ không có ý định ngưng viện trợ cho Việt Nam vì hy vọng là sẽ có ảnh hưởng đến chính phủ Việt Nam trong một chuyến quyết định tối hậu đạt đến một thoả hiệp với Phật giáo.
Nghe viên trường phòng báo chí tóm tắt dịch bản tin điện, Ngô Đình Cẩn cười nhạt:
- Để bản télétype đó cho tôi coi lại. Báo chí ngoại quốc hôm nay có nói chi lạ không?
- Bẩm cố vấn, các báo chí Mỹ vẫn một luận điệu ủng hộ Phật giáo có tờ "Temoignage Chrétien" viết một bài dài con có đánh dấu các đoạn chính để trình cho ông cố vấn xem…
Nhu cầm lấy tờ báo của phe Thiên Chúa giáo Pháp ngồi xuống đọc.
"Các biến cố trong những tuần vừa qua chỉ là sự kết tinh của tình trạng bất an âm ỉ từ lâu. Nhiều năm rồi, Phật tử bị nhà cầm quyền đàn áp, bạc đãi. Những sự khó khăn mà Phật giáo gặp, nhiều nhất tại Huế, pháo luỹ của gia đình tổng thống Ngô. Trái lại, tín đồ Thiên chúa giáo thì thừa hưởng đủ mọi sự dễ và mọi sự ưu đãi.
Phe chánh phủ và một vài đại diện của giáo hội mà đứng đầu là đức cha Ngô Đình Thục, anh ruột của Tổng thống đã cố tình đem chính trị hợp nhất Thiên Chúa giáo, trộn lẫn hai vấn đề làm một.
Vì chế độ đã lợi dựng Thiên Chúa giáo làm một khí cụ chính trị tín đồ Thiên Chúa giáo không thể không tự đặt một câu hỏi khác. Câu hỏi ấy là: Liệu Diệm có kéo giáo hội Thiên Chúa giáo để theo không?
Nếu hôm nay chúng ta yên lặng về vấn đề này để ngày mai anh em Thiên Chúa giáo chúng ta ở Việt Nam phải chịu cái cảnh tủi cực của giáo đường thầm lặng, chúng ta sẽ không đủ nước mắt để khóc, nhưng dù khóc những giọt lệ của chúng ta cũng không làm giảm bớt trách nhiệm của chúng ta những giọt lệ ấy cũng không làm giảm nhẹ gánh nặng tội lỗi đè lên lương tâm chúng ta. Vì lúc ấy cũng quá muộn rồi".
Đọc xong mấy đoạn gạch bút chì xanh trên tờ báo, Ngô Đình Nhu bảo anh:
- Tôi biết tác giả bài báo này, Aimé Svani đã học cùng một lớp với tôi hồi ở trường Chartres: Lão ta rập theo đúng luận điệu của Hội Truyền giáo ngoại quốc ở đây. Như vậy là giáo quyền ra mặt chống lại mình đó. Chính họ đã vận động với La Mã nên đức Giáo hoàng Paul VI vừa rồi mới gởi lời kêu gọi cho anh "lưu tâm đến quyền lợi nhân dân" rồi Toà thánh Vatican trực tiếp liên lạc với Đức Cha ở Huế về việc Phật giáo. Tôi vẫn không ưa giáo hội, nhưng hiện thời mình phải dương đầu với Tổng hội Phật giáo, không lẽ đi gây thêm một kẻ thù nữa?
Ngô Đình Nhu hạ giọng nói tiếp:
- Chính Trung tâm công giáo người Âu ở đây đã báo cáo không hay cho mình với Toà thánh. Tôi tính bàn với Đức Cha nên đi La Mã để bào chữa ở Vatican.
- Chú liệu sao cho phải thì làm…
Diệm tỏ vẻ lo âu đứng lên, đi về phía bàn thờ, quỳ xuống ghế cầu nguyện.
 
°°°
Lệ cầm bản sao những điện tín của những phóng viên ngoại quốc từ Sài Gòn đánh đi hôm nay, đọc kỹ từng trang:
AFP SÀI Gòn.
Ông Ngô Đình Diệm với những anh em của ông ta, với người em dâu bất khả xa lìa đang chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu sắp tới. Những người cuồng tín nhất trong bọn đã nhận được vũ khí và tất cả đều phải tức khắc ra tay trước khi Phật giáo đồ thực hiện chủ trương tạo một đêm Saint Barthélém như của Thiên Chúa giáo. Nói riêng tập đoàn này không thể vì cớ gì lùi bước được nữa: Những tin này thâu lượm được từ các thông tin Thiên Chúa giáo người Âu ở Nam Việt Nam.
Chính những người này đã tỏ ra rất lo ngại nên họ đã phải gởi lời kêu gọi với Toà thánh Vatican mà chỉ tại nơi đó theo lời họ nhấn mạnh mới là nơi quyền hành cao cả nhất có thể hoá làm dịu cơn điên cuồng làm phạm trọng tội của gia đình đầy quyền thế họ Ngô.
UPI DAVID HALBESTAM gởi NEW YORK TIMES
Tình hình Sài Gòn đã giống hệt giai đoạn như những ngày cuối cùng của Lý Thừa Vãn tại Hán Thành. Cùng một lúc bùng nổ của dân chúng đang bị đàn áp bằng cùng một loại tàn bạo của cảnh sát tại Hán Thành những người biểu tình là sinh viên, ở Sài Gòn những người biểu tình là Phật giáo đồ và phong trào chống đối của Phật giáo đang mở màn cho một niềm căm phẫn toàn diện chống lại một chế độ độc tài áp bức.
Vấn đề lật đổ Tổng thống Diệm đã trở thành một vấn đề then chốt trong nước và có một ý nghĩa rất sâu xa.
Giữa các yếu tố khác, những lời tuyên bố chống Phật giáo của người em dâu Tổng thống Diệm làm cho các cuộc hoà đàm với Phật giáo sụp đổ và lòng căm phẫn đối với chế độ gia đình trị càng tăng thêm một cách ngấm ngầm mãnh liệt.
Khi cuộc chiến đấu đánh bại sự xâm nhập của quân du kích Cộng sản đã đến một giai đoạn nguy hiểm nhất mà phải đặt vào hàng thứ hai để nhường chỗ cho sự giải quyết vấn đề riêng tư của một gia đình độc tài thì thiết nghĩ đã đến lúc cần phải có một cuộc thay đổi.
- Đúng là lời lẽ của bọn phiêu lưu quốc tế!
Lệ tức giận cầm xấp điện tín báo chí xồng xộc bước vào văn phòng của chồng.
Nhu vận sơ mi ngắn tay, đang nghiêng đầu tóc đã bạc muối tiêu trên đống giấy tờ ở bàn, nét mặt đầy lo âu, vẻ người mệt nhọc, cầm bút chì đỏ phê viết không để ý đến vợ đang bước lại gần.
- Bọn ký giả Mỹ càng ngày càng tệ, chúng nó ra mặt bênh Phật giáo hoàn toàn loan tin tai hại cho mình. Mỗi ngày đọc điện tín của họ là em tức lộn ruột lên. Em tính là họ không tốt với mình, thì mình phải cho họ biết tay mới được.
Nhu ngắt lời vợ:
- Lúc này mình không nên trục xuất họ, thế giới sẽ cho là mình muốn bưng bít.
- Em có nói trục xuất họ như mọi lầu đâu! Em muốn làm cho họ hết nghênh ngang ở trên đất nước mình. Em sẽ cho cảnh sát dã chiến ăn mặc thường dân vây đánh họ mỗi khi họ săn tin, chụp ảnh, quay phim các cuộc biểu tình hay tự thiêu. Họ đã tấn công mình thì mình tấn công lại, không hành nghề được cho bõ ghét! "Oeil, pour oeil, dent pour dent"(1) cho họ biết là mình không chịu lép về họ đâu!
- Ừ, để biểu Dương Văn Hiếu với Lê Quang Tung chúng nó thi hành.
- Em nghe có hai phóng viên Mỹ thay phiên nhau túc trực mỗi ngày ở chùa Xá Lợi để lấy tin mới quái gở chứ?
Nhu ngẫm nghĩ rồi nói:
- Các thông tấn xã Mỹ cũng như báo chí Mỹ họ dìm mình, với âm mưu thâm độc gây ra đảo chánh. Họ chĩa mũi dùi tấn công anh Tổng thống qua vợ chồng mình là nhằm mục đích sửa soạn dư luận bên Mỹ để khỏi ngạc nhiên, nếu có xảy ra cuộc đảo chánh lật đổ chánh phủ này.
- Hèn chi mà đặc phái viên của tờ New York Times gởi điện tín đi nói rằng "vấn đề lật đổ Tổng thống chỉ còn là vấn đề thời gian".
Nhu cười nhạt bảo vợ:
- Họ còn nói là ngửi thấy mùi đảo chánh trong không khí Sài Gòn, rồi mình cho họ ngửi thực sự, nhưng không phải là đảo chánh theo ý họ mong muốn đâu!
Nhu trỏ vào cuốn sách để trên bàn:
- Mưu mô của CIA mình không cần phải là tiên tri hay thần thánh cũng đoán biết được họ muốn diễn lớp lang gì ở Sài Gòn, chỉ cần suy luận theo những sự đã xảy ra gần đây.
Lệ cầm cuốn sách lên đọc thấy tên: CIA Oul'histoire révélée du contre espionnege Américain (CIA hay lịch sử về ngành phản gián Mỹ) không khỏi giật mình, hỏi lại chồng:
- Anh có được John Richard cho hay gì không?
- Không. Nhưng anh có thể suy tính không sai về kế hoạch của Mỹ phản công mình như vầy. Đầu tiên cho báo chí tấn công mở đường dư luận về một cuộc thay đổi có thể xảy ra, giai đoạn thứ hai là triệu hồi đại sứ có cảm tình với mình để gây áp lực. Gây áp lực không được thì thay đổi đại sứ mới, đồng thời doạ cúp viện trợ và cho CIA tổ chức đảo chánh, là giai đoạn thứ ba.
Lệ ngắt lời chồng:
- Nhưng giám đốc CIA, John Richard là bạn của anh mà!
- Richard cũng sẽ bị thay thế, nếu lão Nolthing bị gọi về Mỹ. Mình không chịu nhượng bộ, là thế nào sự việc cũng xảy ra như vậy. Người Mỹ muốn cho vợ chồng mình ra đi để một mình anh Tổng thống cho họ dễ giựt dây. Nhưng họ ép mình không được đâu! Đời nào mình chịu thua trí bọn phiêu lưu quốc tế?
°°°
 
- Bẩm tổng thống, nội vụ xảy ra trước chùa Phật giáo người Miên ở đường Trương Minh Giảng.
- Sao không ai cho tôi hay biết chi hết? Vậy ai ra lệnh vây đánh các thông tín viên ngoại quốc và tịch thu máy chụp ảnh, quay phim của họ?
- Dạ, bẩm lệnh của bà cố vấn.
Ngô Đình Diệm lặng người nhìn đốc phủ Võ Văn Hải.
- Qua mời bà cố vấn sang đây có việc.
Một phút sau, Lệ lộng lẫy trong chiếc áo hồng hở cổ bó sát người, run rẩy trên đôi giày cao gót, theo viên đốc phủ bước vào.
Diệm không nhìn thẳng em dâu gằm mặt xuống bàn nói luôn một hồi:
- Tôi vừa được điện thoại của Toà đại sứ Mỹ phản đối về vụ hành hung thông tín viên ngoại quốc sáng nay, có một phóng viên Mỹ bị đánh lỗ đầu. Họ còn cho hay là 5 đại diện của các hãng thông tấn UPI, AP, vô tuyến truyền hình CBS và nhật báo New York Times đã đánh điện cho Tổng thống Kennedy để yêu cầu can thiệp chấm dứt sự tự do hành hung, ngăn trở ký giả tự do thông tin. Thím đã ra lệnh đó bây giờ đổ bể lôi thôi như vậy thím tính sao?
- Còn tính sao nữa, đối với bọn ký giả bới móc gây sự với mình thì phải đập cho một trận rồi tống khứ ra khỏi nước mình là xong.
Diệm không khỏi kinh ngạc trước lời ngổ ngáo của cô em dâu, lắp bắp nói:
- Sao? Thím lại muốn cho tôi ký giấy trục xuất để ầm ĩ tai tiếng lớn nữa à?
- Thế anh cứ muốn để họ ở đây như là khỉ dòm nhà nuôi ong tay áo, cho họ mỗi ngày chửi lại mình sao? Em đã bàn với nhà em rồi, bây giờ mình phải đổ cho họ hành hung cảnh sát trước mới sinh ra ẩu đả, rồi lấy cớ đó mà trục xuất. Trong bọn ký giả Mỹ lắm chuyện nhất là hai tên Makolm Brown và Peter Arnett, giám đốc cùng nhân viên hãng thông tấn Associated Press ở Sài Gòn. Đã mấy lần em muốn tống khứ hai đứa bép xép này đi mà chưa có cớ, chừ thì sẵn dịp để cho mình "danh chính ngôn thuận" mà tống cổ đi. Em đã biểu Bộ trưởng nội vụ làm đủ thủ tục để trục xuất hai tên đó rồi, khỏi phiền tới anh.
Ngô Đình Diệm nhìn lại em dâu, gượng cười thốt ra:
- Thím ngồi ở chỗ tôi đây mới đúng.
Không để ý đến vẻ chịu đựng của người anh chồng tổng thống, Lệ kiêu hãnh nói:
- Không "cao tay ấn" với bọn ký giả ngoại quốc thì chúng nó nhai mình như ăn gỏi, anh hiểu không? Lúc này báo chí quốc tế muốn đổ xô tới mình để săn tin, mình phải làm cho họ kiềng mặt mới được. Em đã ra lệnh không cấp chiếu khán nhập nội cho những ký giả tình nghi… Như Jean Lacouture, Georges Chaffard của Le Monde, Trumbull của New York Times, Francois Sully của NEWS WEEK… Em có báo cáo đầy đủ của vợ chồng Gregory ở Times of Vietnam đặc trách theo dõi các ký giả ngoại quốc chứ không phải làm việc thiếu căn cứ đâu mà anh lo.
Vẻ mặt bực tức của Diệm biến đổi dần sang tin cậy, Diệm gật gù tán đồng những lời lẽ của em dâu:
- Thím với chú liệu mà sắp xếp công việc sao cho thích hợp là được.
Bộ trưởng Công dân vụ Ngô Trọng Hiếu hối hả bước vào dinh Gia Long đi thẳng đến phòng riêng của cố vấn chính trị đang nằm dài trên bàn đèn á phiện với Bộ trưởng lao động Huỳnh Hữu Nghĩa đối diện nâng dọc tẩu.
- Bẩm cố vấn, bọn Phật giáo đã biết được những dự định mật của mình, vừa báo tin cho các ký giả ngoại quốc hay để đánh điện đi nói rằng: Bộ công dân vụ cho 300 cán bộ cạo đầu, mặc cà sa, giả làm sư để hoạt động phá Tổng hội, một số đông công an, mật vụ, dân vệ cũng cải trang làm nhà sư đi tuyên truyền và thuê may cờ cho Mặt Trận Giải phóng miền Nam, trung tá dân vệ Trần Thanh Chiêu sửa soạn cho một cuộc biểu tình phế binh và dân vệ chống Phật giáo…
Ngô Đình Nhu thở khói ra, ngắt:
- Tụi toa làm ăn sao mà chưa chi đã để cho đối phương hay cả thì hỏng bét kế hoạch, còn hoạt động ăn thua gì nữa?
- Thưa cố vấn, để con cho ra tay sớm vậy…
- Tụi toa lơ mơ như vậy thì làm sao mà chơi nổi họ? Phải đánh bất ngờ, chớp nhoáng, chớ để cho họ biết trước mà đề phòng thì phí công vô ích. Thiếu bảo mật phòng gian, thiếu kiểm soát nội bộ, thành thử bao nhiêu việc gì bí mật của mình định làm, bên Phật giáo họ đều hay trước, như vậy là nghĩa lý gì?
Paulo Ngô Trọng Hiếu gãi tai nói:
- Thưa cố vấn, con nhìn nhận những sơ hở khuyết điểm đó vì không nắm vững hết những cán bộ… chỉ có giải pháp của cố vấn là giải quyết gọn vấn đề Phật giáo thôi.
Nhu lặng im nhớ đến lời vừa tuyên bố sáng nay với thông tín viên hãng Reuter:
- Nếu cuộc khủng hoảng về tôn giáo không giải quyết thì sẽ đưa đến một cuộc đảo chánh. Cuộc đảo chánh này sẽ chống phật giáo và chống chính phủ nhu nhược.
Hơi khói từ từ nhả ra, tiếng nói trầm trầm của Nhu gần mạnh:
- Phải phá tan chùa Xá Lợi mới yên được!
Rồi bỗng hỏi Ngô Trọng Hiếu:
- Vụ xử nhóm Caravelle và bọn phản loạn qua nay ra sao?
- Thưa cố vấn, bọn cách mạng xa lông bị trung tá Thất Phu chửi cho thậm tệ trước tòa, chỉ có im mà nghe. Lão Phan Khắc Sửu vẫn còn cứng đầu, cứng cổ, còn thằng cha Phan Quang Đán bác sĩ thì năn nỉ quá xá.
- Tôi đã ra lệnh biểu phải kêu án hai đứa này thiệt nặng về tội tham gia đảo chánh 11-11-1960 cho chúng nó ra Côn Đảo mà đối lập ngoài đó…
Ngô Trọng Hiếu cười hềnh hệch nói:
- Dạ, cố vấn chơi đòn này bọn Mỹ cũng cay lắm đây: bầy gà nòi đối lập bị vặt lông sạch. Bọn còn lại hết dám ngo ngoe!
Người cận vệ hé cửa thưa:
- Bẩm cố vấn, có ông Dương Văn Hiếu xin vào gặp cố vấn có việt khẩn.
- Cho vào.
Viên trưởng mật vụ vội vã bước vào, đến gần Ngô Đình Nhu nói bằng một giọng báo cáo:
- Thưa cố vấn, Nguyễn Tường Tam vừa uống thuốc độc tự tử, mật vụ có bắt được di bút của ông ấy để lại đang được đàn em Quốc dân Đảng chuyền tay phổ biến…
Nhu cầm lấy mảnh giấy in rô-nê-ô đọc:
"Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả sự bắt bớ và xử tội tất cả những phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm nước mất vào tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp lên những thứ tự do.
Nhất Linh Nguyễn Tường Tam".
Tiếng cười nhạt mở đầu cho câu nói lạnh lùng của Nhu:
- Tưởng làm chi, chớ lãnh tụ của một đảng tự xưng là cách mạng mà chống đối bằng cách tự vẫn thì cũng nên chết đi cho rồi!
Im lặng một chút, Nhu thốt ra một cách kiêu hãnh:
- Làm chính trị, làm cách mạng như vậy mà đòi đương đầu với moa thì cũng dễ tức cười thiệt nhưng nảy… Các toa hãy coi chừng chúng nó lợi dụng việc Nguyễn Tường Tam tự tử mà tổ chức đem về chùa Xá Lợi rồi đưa đám diễu hành để phản tuyên truyền mình.
Hai hôm sau từ chi nhánh Trung ương tình báo Mỹ ở Sài Gòn, một bức điện đánh về Ngũ giác đài ở Hoa Thịnh Đốn:
"Cái chết của nhà văn Nhất Linh là những cái đinh đóng vào quan tài Ngô Đình Diệm.
 
°°°
"Một mụ đàn bà đầu đít thước rưỡi năm phân thuộc thứ đồ xài qua đường, tuổi 38, tóc uốn lộn ngược, khẩu xà tâm độc, khôn ngoan quỷ quái và tin Chúa chi ở đầu môi chót lưỡi, đang làm mưa làm gió ở miền Nam hiện nay. Chính mụ hung bạo cố chấp, cuồng tín, tự phụ gian ác này đang đào thêm cái hố giữa phe Diệm và dân chúng và nhất là giữa đa số Phật tử và chánh phủ Thiên Chúa giáo của ông Diệm.
Cô em dâu quá trời của Diệm đã trở thành đệ nhất phu nhân ở miền Nam Việt Nam nhờ ông Diệm độc thân, do đó mụ ta cặp ông Diệm dưới vế của mình và bắt ông ta vâng lời mụ như một đứa con nít".
- Anh phải tìm cho ra tên Jean Vesmorend viết bài này trên tờ Paris - Presse Intransigeant để tôi xé bọng đái nó ra nghe không?
Viên Tổng giám đốc thông tin, cựu tri huyện Phan Văn Tạo run sợ trước cơn thịnh nộ của bà cố vấn.
- Tôi hẹn cho anh trong vòng 24 tiếng đồng hồ mà không xong thì tôi đuổi anh về xua gà cho vợ nghe không?
Họ Phan đành vâng dạ, sợ sệt vái chào rút lui, chỉ sợ ngần ngại chần chừ thêm, không khéo lại bị ăn bạt tai của bà cố vấn như độ nào vì đã vô tình trái ý đệ thất phu nhân.
Viên cựu tri huyện tổng giám đốc trở về Sở, phập phồng lo sợ, bỏ cả bữa ăn và giấc ngủ trưa, gắt gỏng lên với nhân viên buộc họ phải tìm cho ra tông tích tác giả bài báo quái ác đã xúc phạm đến đệ nhất phu nhân, song rốt cuộc đành bó tay vì tờ báo xuất bản tại Ba Lê. Hỏi Sở Ngoại kiều cũng như Phòng chiếu khán Bộ Ngoại giao không thấy có tên nào là Jean Vesmorend cả.
Sợ quá hoá liều, Tổng giám đốc họ Phan tìm đến thượng cấp, Paulo Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng Công dân vụ than thở để vấn kế.
Ngô Trọng Hiếu tuy là kẻ tin cậy và đắc lực của gia đình Ngô Đình Nhu, song nghe nói đến bà cố vấn cũng đâm hoảng, lắc đầu lo ngại bảo họ Phan:
- Toa cứ đóng vai lỳ là yên. Bà cố vấn có giận dữ bất quá cũng chỉ bạt tai, nói nặng vài ba câu là cùng, ăn thua gì. Toa chịu khó một chút mới giữ vững cái ghế Tổng giám đốc Thông tin chớ không thì moa cũng không làm sao bênh cho toa được.
Nhìn vẻ mặt khốn khổ của viên cựu tri huyện họ Phan mày râu nhẵn nhụi, đang đưa tay sờ một bên má như chống đỡ một cái tát vô hình trong một phản ứng tự nhiên của bản năng kẻ bị đe doạ, Paulo Hiếu nói vỗ về:
- Phó Tổng thống, các Bộ trưởng còn bị bà cố vấn bạt tai là thường thì Tổng giám đốc như toa việc gì mà ngại? Việc gì mà lấy làm phiều? Đến Tổng thống, ông cố vấn mà còn phải chịu bà cố vấn nữa là mình.
- Vâng, tôi xin tuân lời ông Bộ trưởng.
Thấy đã thuyết phục được thuộc hạ, Paulo Hiếu cười hềnh hệch:
- Bà cố vấn mà tát má bên phải thì moa chìa má bên trái cho tát luôn. Cứ nghĩ là bà cố vấn tát yêu thì mọi việc êm đẹp. Toa đã viết văn, đã là tác giả cuốn "Cái bong bóng lợn" toa phải có nhiều tưởng tượng mới được chứ!
°°°
 
- Nếu chánh phủ không trả thi hài của hai vị sư đã tự thiêu ở Phan Thiết và Huế, tôi sẽ không ngần ngại hy sinh để phản đối. Tôi đã phát nguyện tự thiêu để cảnh cáo chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.
Sư bà Diệu Huệ người mẹ tu hành đau khổ của nhà Bác học Bửu Hội lên tiếng ngỏ cùng các ký giả ngoại quốc và mấy trăm Phật tử sau buổi cầu kinh tại chùa Xá Lợi.
Trước chiếc bàn đặt máy micrô của các hãng vô tuyến truyền thanh nước ngoài, ni cô Diệu Không ngồi cạnh tiếp lời chị, tuyên bố.
- Tôi sẵn sàng hy sinh tại Huế nếu hoàn cảnh đòi hỏi.
Tin mẹ và dì ruột sửa soạn tự thiêu khiến Bửu Hội cuống cuồng lo sợ. Nhà bác học đang giữ chức đại sứ tại Phi châu được chánh phủ Sài Gòn mời về gấp để hợp sức đối phó với Phật giáo về mặt quốc tế.
- Với tư cách là một nhà bác học nổi tiếng ở quốc tế, ông lại là người theo đạo Phật, bà cụ thân sinh của ông về Phật giáo tất nhiên sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với quốc tế. Chúng tôi cử ông làm trưởng phái đoàn Việt Nam ở Liên Hiệp quốc để đối phó với việc tổ chức này sắp can thiệp về vụ Phật giáo. Để cho ông có phương tiện rộng rãi mà hoạt động, tôi đưa trước ông 5 triệu, và số tiền này được chuyển thành Mỹ kim, đặc biệt dành cho ông làm quỹ riêng.
Trước những lời lẽ tin cậy của Ngô Đình Nhu và tấm chi phiếu đầy những con số; nhà bác học thoáng nghĩ ngay đến ba bà vợ Pháp, Đức Anh đang chờ đợi ở phía bên kia trời Âu với cuộc sống bảo đảm lâu dài đầy đủ tiện nghi vật chất, Bửu Hội nói:
- Ông cố vấn đã có lòng thương mà giao phó công việc, tôi xin hết lòng hết sức.
Nhìn nhà bác học nhận tấm chi phiếu bỏ vào túi áo trong cẩn thận, Ngô Đình Nhu không giấu nổi nụ cười đắc ý tiễn đưa ra đến tận cửa, rồi trở vào bảo vợ:
- Mình chỉ dùng một con bài này cũng đủ lật ngược tình thế ở Liên Hiệp quốc.
- Anh cho 5 triệu nhiều quá!
- Mình còn ngồi đây thì 5 triệu ăn thua gì. Tiền của Mỹ mà. Dùng gậy ông đập lưng ông, tiếc gì?
Nhà bác học ra khỏi dinh Gia Long đang khấp khởi mừng rỡ vì được một số tiền lớn bất ngờ, bỗng nhận được tin oái oăm về bà mẹ tu hành.
Ngay tối hôm ấy, Bửu Hội tìm đến chùa Xá Lợi xin gặp mẹ.
Nhìn vẻ mặt buồn khổ trên thân hình gầy còm của mẹ già súng sính trong chiếc áo màu khói hương, nhà bác học nài nỉ van xin:
- Nếu trong vòng 48 giờ mà mẹ tự thiêu thì con cũng đến chết mất. Con xin lạy mẹ, mẹ hoãn lại để con có đủ thì giờ mà thu xếp tìm một giải pháp yên thân.
Lòng dịu hiền thương con của bà mẹ khơi dậy trong lòng người đàn bà tu hành khắc khổ, sư bà cố đè nén tình cảm nói như khóc:
- Bây giờ ông là nhà bác học còn tui là kẻ nương nhờ cửa Phật, nếu ông còn nghĩ đến tình mẹ con đã mang nặng đẻ đau nuôi ông khôn lớn được địa vị danh giá như ngày nay thì hãy làm sao cho khỏi tủi hổ đến người đã sanh ra ông, đừng để người ta mua chuộc mà chống lại chùa, phản lại Phật. Bằng không thì đừng nói chuyện mẹ con nữa, vì tui cũng không có mặt mũi nào mà nhìn nhận ông là con nữa.
Những lời thiết tha của bà mẹ tu hành như đè nặng lên lương tâm nhà bác học: bà sẽ tự thiêu hay không, một phần lớn tuỳ ở thái độ của con trai.
Cái chết của bà sẽ có nghĩa là để cúng đường và đồng thời cũng là để phản đối chế độ tàn bạo mà nhà bác học tình nguyện phục vụ.
Bửu Hội từ chùa Xá Lợi đi thẳng đến dinh Gia Long gặp Ngô Đình Nhu nhắc lại cuộn tiếp xúc với mẹ vừa rồi và tỏ ý hoang mang hỏi:
- Trước tình thế ấy, ở vào địa vị của tôi, ông cố vấn quyết định ra sao?
Ngô Đình Nhu bình thản nói:
- Việc tuyên bố dự định tự thiêu của nhà chùa là để uy hiếp ông và để tuyên truyền với quốc tế mà thôi. Phật giáo họ muốn dùng bà cụ gây áp lực ngăn ông đừng hợp tác với chánh phủ. Đó là một thủ đoạn như lời tuyên bố của phát ngôn viên Uỷ ban Liên phái Phật giáo mới nói đây: "Chúng tôi vứt vỏ chuối ra để cho các ông trượt". Chẳng lẽ chúng ta thua trí những kẻ đội lốt thầy chùa hay sao?
 
°°°
- Tôi tiến, anh em tiến, tôi lùi, anh em hãy giết tôi đi, tôi chết anh em hãy trả thù cho tôi!
Lời tuyên bố quyết liệt của Ngô Đình Diệm như đổ thêm dầu vào không khí sôi bỏng của những cuộc đàn áp đẫm máu tại Huế, Nha Trang trước các cuộc tự thiêu và biểu tình của sinh viên, Phật tử đòi chánh quyền trả lại các thi hài tăng ni tử vì đạo bị cướp đi.
Cựu đế đô Huế sôi sục trong tổng đình công bãi thị, bãi khoá.
Lập tức lệnh giới nghiêm và thiết quân lực toàn diện ban hành, phong toả nhốt chặt hàng ngàn Phật tử trong các chùa lớn Từ Đàm, Diệu Đế, Linh Quan sau những vòng dây kẽm gai lưỡi lê của cảnh sát chiến đấu được gởi từ Sài Gòn ra tăng cường. Xe tăng, súng đạn, lưỡi lê tử khí bao trùm cả kinh thành tê liệt, suốt ngày đêm không một ai được ra đường. Thượng toạ Thích Tiêu Diêu tự thiêu ngay tại chùa Từ Đàm tiếp theo cuộc tự thiêu ngày hôm trước của ni cô Diệu Quang tại Nha Trang.
5000 Phật tử ngày đêm túc trực bên cạnh nhục thân vị Thượng toạ quàn tại chùa Từ Đàm đề phòng lực lượng đặc biệt và cảnh sát chiến đấu đến cướp xác mang đi như thi hài ba vị tu sĩ tự thiêu vừa rồi ở Phan Thiết, Huế, Nha Trang.
Tại Sài Gòn, vị lãnh đạo tối cao Phật giáo, Hoà thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết lên tiếng cấp báo qua một bức thư gởi Ngô Đình Diệm và nhờ các thông tấn xã ngoại quốc truyền đi:
"Chúng tôi đã đến nước không còn nghĩ đến sự yêu cầu nhân đạo, công lý, chúng tôi chỉ mong bao nhiêu tội ác của một chế độ xem dân như cỏ rác được thực hiện ngay để chúng tôi có thể chết an hơn sống nhục, và cũng để cho chân tướng của nền Cộng hoà Nhân vị do nhà chí sĩ xây dựng được phô bày trước mắt đồng bào và thế giới".
Đồng thời Uỷ ban liên phái đánh điện kêu cứu cùng Tổng thống Kennedy, tổng thư ký Liên Hiệp quốc và các hội Phật giáo trên thế giới yêu cầu can thiệp chấm dứt "sự ngược đãi đã trở thành dã man" đối với Phật giáo đồ Việt Nam, đang ở trong tình trạng vô cùng nguy ngập.
Hưởng ứng cuộc đấu tranh của Phật giáo, linh mục Cao Văn Luận viện trưởng đại học Huế bị bãi chức vì đã nói thẳng với chánh quyền họ Ngô:
- Các ông vô đạo, Phật giáo có chánh nghĩa.
Toàn thể các khoa trường, các giáo sư đại học Huế lên tiếng từ chức và bất hợp tác với chánh quyền.
Ở Sài Gòn, chùa Xá Lợi sôi nổi không khí đấu tranh, suốt ngày Phật tử tràn ngập con đường đưa đến chùa.
Hàng ngàn thanh thiếu niên tuyệt thực ngồi giữa trời mưa, nắng trên mặt đường, trước cửa chùa. Trong sân Xá Lợi biến thành nơi tập trung đông đảo Phật giáo đồ biểu tình tại chỗ, phản đối chánh quyền. Những biểu ngữ căng lên bao kín hai mặt chùa, tố cáo và đả kích những hành vi của gia đình họ Ngô. Máy phóng thanh đặt giữa chùa không ngớt vang lên những lời chống đối lên án ông Cố vấn chính trị Tổng thống, vạch trần những âm mưu thâm độc của chung, đã đảo thái độ phỉ báng thâm độc của vợ.
"Đối với những con người mà lương tri bị danh lợi che lấp thì khi nhìn về đâu và bất cứ việc gì, họ cũng chỉ thấy tiền tài và quyền thế hiện ra trước mắt, khiến họ phải cuồng loạn, mê sảng. Vì thế, họ đã coi những đức hy sinh của chúng ta như những hành động gian trá để che đậy một cái gì mờ ám bên trong. Họ đã phát cuồng đến độ đã dám mỉa mai những tấm gương cao cả mà toàn thể đã ngưỡng mộ tôn thờ, bằng những lời lẽ thô bạo nhất. Thật không có thái độ và ngôn ngữ hồ đồ và vô lễ hơn thế nữa.
Đứng trước những cái chết vô cùng bi đát ấy có lẽ họ đã không xúc động, không ngồi yên suy nghĩ mà còn vỗ tay hỉ hả. Ghê rợn hơn thế nữa, người ta đã huy động lực lượng bạo tàn để cướp giựt xác nạn nhân. Man rợ nọ chồng chất lên man rợ kia! Thú tánh tham tàn nổi lên khiến họ không còn biết gì là lễ giáo nữa!"
Lệ nghe Paulo Ngô Trọng Hiếu nhắc lại những lời đả kích phát thanh ở chùa Xá Lợi, rít lên:
- Bọn Việt gian! Việt gian! Luận điệu Cộng sản, tay sai Cộng sản! Bọn phản quốc, đê tiện này muốn chết thì cứ việc sủa bậy ông cho phổ biến ngay bức thư của tôi trả lời cho họ đây.
Ngô Trọng Hiếu đưa hai tay kính cẩn nâng bức thơ 20 trang đánh máy.
Ngày 20 tháng 8 đệ nhất phu nhân với tư cách là bà cố vấn chánh phủ, dân biểu Quốc hội và chủ tịch sáng lập phong trào Phụ nữ liên đới Việt Nam, lên tiếng trả lời những chỉ trích của Phật giáo qua một bức thư ngỏ được công bố ầm ĩ trên Đài phát thanh và các nhật báo xuất bản tại Sài Gòn.
Giọng chua nồng, đanh đá của Lệ vang lên qua làn sóng điện, xác nhận thái độ quyết liệt của đệ nhất phu nhân đối với những kẻ tử thù:
"Tôi xét thấy các phần tử phản loạn và những hành động của chúng mà tôi tố giác không liên hệ gì hết với các danh từ ấy.
… Có chuyện lạ là các "sư" không biết dựa vào đâu mà tự nhận định rằng tôi "nhục mạ Phật giáo". Tôi kịch liệt phản đối nhận định ấy vì những lời và những hành động mà tôi tố giác nhất định không có một sự liên hệ gì với Phật giáo cả. Ngoài ra, nói rằng tôi đã xâm phạm đến cả sự hy sinh cao cả của cố Hoà Thượng Thích Quảng Đức, thì tôi xin hỏi: có gì trong đời tệ hơn là đi lừa, và bị lừa?
Vụ ám sát sư Thích Quảng Đức, sau khi đầu độc sư, bịa đặt một cách trắng trợn rằng "phải bảo vệ tín ngưỡng lâm nguy" khi thật sự không có vấn đề ấy là một vụ lừa bịp xúc phạm thần thánh vì đã lợi dụng tín ngưỡng để gây một án mạng ghê rợn.
Thật vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử thế giới mới xảy ra những mưu mô đen tối, man rợ và độc ác đến thế.
Không lẽ chúng ta cứ để vài phần tử phản loạn đã dám khoác áo cà sa bây giờ còn đi xúi trẻ con và bô lão tự mổ bụng, xẻo tai, chặt tay, tự thiêu, rồi còn gì nữa tôi không hiểu, để ngăn chúng ta phơi bày bộ mặt của chúng?
Phụ nữ chúng tôi phải nhận định rằng tại các nước nào có nhiều người tu hành mà lại đi làm chính trị, là tại nước ấy phụ nữ không sao ngoi đầu lên nổi, mà chỉ biết tiêu hết tiền đi cúng vái tại các chùa chiền để cầu xin trời Phật một sự bảo vệ quyền lợi và hạnh phúc mà đáng lẽ luật lệ phải bảo đảm cho họ.
Ngoài số phụ nữ quá ngây thơ hay quá mê tín, khờ khạo đi theo mẹ mìn không biết là ai, hay đi nhận thờ là thánh thần những gì thật ra chỉ đáng thương hại mà thôi, đa số đã biết tránh và tẩy chay các chúa chiền nào…"
°°°
 
Chiếc trực thăng chở Ngô Đình Nhu và Nolthing vừa từ ấp chiến lược bay lên, bỗng một tràng đạn liên thanh nổ bất ngờ chĩa về phía dân chúng tiễn đưa, tiếng kêu la, máu chảy, đám đông nhốn nháo kinh hoảng chạy tán loạn phía dưới đất. Nhân viên phi hành bất cẩn đã chạm phải ổ súng khạc đạn trúng một em bé thiệt mạng và năm người lớn bị thương tại ấp chiến lược vừa khánh thành.
Để kỷ niệm mối cảm tình lưu luyến đối với vị đại sứ ân nhân trước khi trở về nước, cố vấn chính trị họ Ngô lấy tên Nolthing đặt cho ấp chiến lược ở tỉnh Khánh Hoà, nơi Ngô Đình Nhu đã chọn làm đơn vị ứng cử dân biểu Quốc hội và đã dùng nhà ngoại giao nước bạn đến đấy làm một khai sanh? Tai nạn bất ngờ khiến Nhu cho là một điềm gở, trên đường về tỏ vẻ không vui. Vị đại sứ sau khi tuyên bố sẽ bỏ số tiền ra bồi thường cho gia đình các nạn nhân, hỏi Ngô Đình Nhu:
- Ông cố vấn có thể cho biết giá một mạng chết là bao nhiêu?
- Cũng tuỳ lòng tốt của ông đại sứ…
Nolthing buột miệng nói:
- Mạng người ở đây không đắt mấy nhỉ?
Rối tiếp:
- Cứ xem các nhà sư đua nhau tự thiêu, thú thật với ông cố vấn tôi không quan niệm nổi là người ta coi sinh mạng như thế nào!
- Đang còn nhiều vụ dự định tự thiêu nữa, nếu chúng tôi không sớm dứt khoát vụ Phật giáo.
Ngô Đình Nhu không để ý đến viên sĩ quan cận vệ lắng nghe, nói luôn:
- Sau khi ông đại sứ về nước và trước khi ông Cabot Lodge qua đây, tôi sẽ cho ra tay trước. Người đến thay thế ông sẽ đứng trước một sự việc đã rồi, dù có muốn đi ngược lại chánh sách của ông, cũng khó mà thực hiện được.
- Tôi rất tiếc là không còn ở lại được để hợp tác chặt chẽ với gia đình ông cố vấn… nhưng tôi mong rằng về bên ấy, tôi cũng sẽ lên tiếng để bênh vực cho đường lối chung của chúng ta theo đuổi.
Nhu lấy ở túi áo trong ra một cuốn sổ tay, liếc đọc qua và nói:
- Kể từ khi Phật giáo phát động phong trào đến nay trong vòng 100 ngày họ đã tổ chức 159 cuộc biểu tình, 25 lần ở Huế, 32 lần ở Sài Gòn, 10 lần ở Đà Nẵng, 8 lần ở Quảng Trị, 7 lần ở Quảng Nam, 18 lần ở Quảng Ngãi, 13 lần ở Nha Trang và mới hôm kia đây từ tổng hành dinh chùa Xá Lợi kẻ cầm đầu Phật giáo đã gởi một tối hậu thư cho chánh phủ…
Nolthing ghi chép những con số của Nhu cho hay rồi hỏi:
- Ông cố vấn sẽ tính sao trong trường hợp bị áp lực bên ngoài buộc chánh phủ nhượng bộ Phật giáo?
- Nếu Tổng thống Kennedy tính như vậy thì đã nghĩ lầm về chúng tôi. Chánh phủ Mỹ cần phải chọn lấy: hoặc Phật giáo, hoặc chúng tôi. Không thể có hai lực lượng chống đối lẫn nhau trong một quốc gia chậm tiến đang có chiến tranh.
Ngô Đình Nhu cười một cách khó hiểu, nói tiếp:
- Có phải chỉ có Hoa Kỳ là nước bạn duy nhất mà chúng tôi trông cậy giúp đỡ đâu.
Chiều tối 20 tháng 3, sau ngày đại sứ Nolthing rời Sài gòn, và có tin Cabot Lodge đang lên đường sang Việt Nam, chùa Xá Lợi sống trong phập phồng chờ đợi.
Tình trạng căng thẳng giữa chánh quyền Ngô Đình Diệm và Phật giáo đó chưa biết bùng nổ giờ phút nào.
- Tôi sẽ cho xây thêm trại giam ở Côn Đảo, đủ chỗ để giam giữ sư sãi sinh viên trí thức 40.000 người. Họ cứ việc chống đối. Tôi sẽ tận diệt họ!
Lời tuyên bố của vị cố vấn chánh phủ Tổng thống bao trùm các ngôi chùa trong một không khí đe doạ.
Từ nửa tháng nay Uỷ ban liên phái thường nhận được tin cấp báo là vợ chồng Nhu dự định huy động lực lượng đặc biệt và mật vụ đánh phá các chùa, nhưng rồi vẫn không thấy gì xảy đến.
Hôm nay, bóng tối vừa sụp xuống, tiếng chuông mõ, tụng kinh lại trỗi lên đều ở các ngôi chùa như thường lệ.
Tại chùa Giác Minh, sư Quảng Độ sửa soạn lên gác để cầu kinh, bỗng nghe chuông điện thoại reo từng hồi dưới nhà, vào lúc 19 giờ 20.
Thầy Quảng Độ nhận ra tiếng nói của một nữ Phật tử, vợ một nhân viên cao cấp phụ trách về an ninh trong chánh phủ run run báo tin:
- Thưa thầy, thầy báo cho quý vị trên Xá Lợi biết ngay đi. Đêm nay thế nào họ cũng đánh.
- Tại sao bà biết - Sư Quảng Độ hỏi gặng.
- Thưa thầy, - người đàn bà đáp - anh con vừa được trong dinh kêu đi họp lúc 7 giờ tối. Con được biết thêm là các nhân viên cao cấp của cảnh sát dã chiến. Lực lượng đặc biệt và mật vụ đã được kêu đi họp gấp, còn binh linh thì được phát mỗi người một khẩu "tôm xông", hai đôi còng và sửa soạn thừng chão.
Giọng thiếu phụ ngừng lại rụt rè:
- Thưa thầy…
Sư Quảng Độ đáp:
- Vâng tôi cám ơn bà. Tôi sẽ báo ngay cho Thượng toạ biết.
- Thưa thầy, con muốn đề nghị với thấy một điều. Lát nữa con sẽ cho người lái xe đến, mang thầy và các vị khác đi trốn. Họ mà bắt được thì thế nào cũng giết các thầy.
- Cám ơn bà, tôi không thể đi được. Thôi chào bà, và cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho bà.
Sư Quảng Độ đặt ống nói lên giá, rồi quay số gọi chùa Xá Lợi.
Trong khi ấy sư Đức Nghiệp cũng được tin của một thông tín viên ngoại quốc gọi điện thoại cho hay:
- Mật vụ đang sửa soạn đánh chùa Xá Lợi các vị hãy tạm lánh khỏi chùa đi.
- Cám ơn ông, tôi cũng vừa được tin của đạo hữu cho hay. Uỷ ban liên phái đã quyết định ở lại, nếu chúng tôi bị bắt hoặc người ta giết chúng tôi xin quý vị cầu nguyện cho chúng tôi.
Được tin chẳng lành, các thượng toạ, đại đức và ni cô có mặt ở chùa Xá Lợi họp lại bàn cách đối phó. Hoà thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết bị mệt, uỷ quyền định đoạt lại cho một Thượng toạ khác phó hội chủ. Thượng toạ bảo các đại đức khuyên tín đồ nên ra về hết sau khi lễ Phật xong, không được ở lại chùa như mấy đêm trước.
Từ 22 giờ chùa Xá Lợi trở lại yên tĩnh, các cửa đều đóng kỹ.
Bên trong các sư thuộc ban trật tự lo chuẩn bị sẵn những dụng cụ cần thiết đợi chờ…
Ba vị sư ở chùa Gia Lâm kéo đến:
- Nghe nói tối nay chúng lùng bắt chùa hẻo lánh nên chạy xuống đây trốn.
Sư Tiềm Nhân cười lớn nói:
- Tưởng trốn ở đâu lại chui vào đây. Thôi cứ ở đây rồi nó tóm cả lũ cho vui, chôn chung một mồ càng có bạn.
Một ni cô vào lục trong tủ lạnh đem ra một đĩa nhãn lồng Huế, sư Tiềm Nhân lại có dịp để đùa:
- Thượng toạ Thiện Minh đi Huế rồi, mình toàn quyền sử dụng nhưng nên để dành một ít nhỡ lúc nữa họ đến thì có quà mà đãi.
Thời gian nặng nề lặng lẽ trôi qua. Ánh trăng non mờ nhạt chiếu xuống ngôi chùa tĩnh mịch đèn điện trong chùa tắt hết, vài cái bóng của các sư trong ban trật tự thấp thoáng qua lại dưới lầu. Trên gác các thượng toạ đã về phòng riêng an nghỉ.
Dưới nhà hậu còn vài ni cô lom khom, im lặng lát mấy bậc thang đá. Tiếng giấy sột soạt, tiếng máy rô-nê-ô sè sè vẳng trong đêm khuya, giữa những hình bóng tu hành lặng lẽ đang bận rộn sắp xếp các bản tin tức để phân phối vào hôm sau.
12 tiếng ngân dài của đồng hồ ở thư viện đếm nửa đêm.
Trên đường phố vắng lặng bỗng xuất hiện mấy bóng người mặc áo sơ mi bỏ ngoài quần tây, đi xe đạp từ từ lượn quanh nhìn vào chùa Xá Lợi dò xét.
Đoàn mật vụ vừa biến dạng thì một hồi còi ré lên, hàng trăm người mặc đồ trận rằn ri, đội nón sắt, lăm lăm cầm súng ngắn cắm lưỡi lê tiểu liên và lựu đạn cầm tay ào ào kéo tới vây kín, phá hai cổng chùa bật tung ra, hùng hổ tràn vào phía trong. Tiểu đoàn võ trang này chạy lùi nhanh núp vào gốc cây, bờ tường, dàn thành mặt trận bao vây xung quanh.
Trong chùa, chuông điện réo liên hồi giữa những tiếng la ó kinh hoàng của tăng ni đang vội vã leo cầu thang rút lên thượng điện. Từ máy phóng thanh nhà chùa giọng kêu cứu vang lên: "Bọn chúng đã tràn vào rồi! Quân khủng bố vào đàn áp chúng tôi…"
Tiếng nói đứt nghẹn trong khi tất cả đèn điện vụt tắt đúng vào lúc 0 giờ 20 phút.
Mấy thượng toạ gấp rút gọi điện thoại cho các thông tín viên ngoại quốc, sứ quán, song đường dây đã bị cắt đứt cùng một lúc với điện trong chùa. Lờ mờ qua ánh đèn ngoài đường, sân chùa tràn ngập những bóng người võ trang hùng hổ xông vào chánh điện, đập phá tung cửa.
Những tiếng kêu cứu, hô hét, đánh trống, động chuông, gõ mõ, đập bàn ghế, khua thùng vang lên inh ỏi giữa những tiếng súng và tiếng nổ của lựu đạn cay.
Trong khi lực lượng đặc biệt và cảnh sát dã chiến đột nhập chánh điện bên dưới, điên cuồng phá phách đạp đổ bàn thờ hoà thượng tự thiêu Thính Quảng Đức, chặt cánh tay tượng Phật, cướp phá hộp đựng tiền của thập phương… thì trên thượng điện những thanh niên tăng sĩ trấn đóng hai đầu cầu thang sau hai lớp bàn ghế chất đầy làm chướng ngại vật ngăn cản bọn hung dữ xông lên. Ấm chén, độc bình, bát đĩa xếp thành một đống lớn được dùng đến để cầm cự phản công.
Kẻ nào nhô đầu lên từ phía chân cầu thang lập tức bát đĩa bay xuống xối xả đẩy lui. Lựu đạn cay từ dưới liên tiếp tung lên sân thượng điện, nổ chát chúa, bao trùm cả trăm tăng ni trong khói cay sặc sụa, nước mắt nước mũi ràn rua. Một số yếu sức hoặc bị lựu đạn nổ ngay bên mình hoặc bị miếng vỏ thuỷ tinh cắt đứt da thịt máu ra nhiều, nằm vật xuống. Trong vùng khói cay mù mịt, hàng tiền đạo tăng sĩ phải dùng khăn ướt bịt trên mặt để đối phó.
Trong khi trận chiến diễn ra ác liệt bên dưới lầu thì bọn võ biền quyết xông lên, tung lựu đạn cay mở đường hết lớp này đến lớp khác bám sát lấy trận địa xung kích, còn trên lầu thì tăng sĩ phản công bằng mọi thứ vật dụng, hết độc bình đến chậu cảnh, vỏ chai, bình thuỷ… bất chấp những tiếng nổ liên hồi inh tai nhức óc của lựu đạn cay. Một số ni cô ngã gục, họ sặc sụa phải chạy vào phòng tắm đóng chặt cửa còn một số vẫn tìm vơ vật dụng tiếp viện cho các tăng sĩ ném xuống.
Từ các cửa sổ lầu cao của hãng USOM ở cạnh chùa, những bàn tay đàn ông lẫn đàn bà đưa ra vẫy, đấm vào không khí, tỏ vẻ tán trợ và cổ võ các nhà tu hành đang kháng cự trong tuyệt vọng. Nằm trên máng xối nóc lầu cơ quan viện trợ Mỹ, phóng viên điện ảnh của hãng vô tuyền truyền hình N.B.C chĩa ống kính viễn vọng chụp những cảnh diễn ra trước mắt.
Một chiếc xe Háp-tờ-xắc chạy đến ngừng trước cổng chùa Xá Lợi. Một người đàn ông vận đồng phục xanh và một người đàn bà mặc quân phục rằn ri nhảy xuống. Ông bà cố vấn chính trị tối cao của Tổng thống đến chứng kiến cuộc tấn công đại bản doanh Phật giáo tại Thủ đô.
Hai tay chống nạnh đứng giữa đường nhìn vào trong chùa Xá Lợi đang tiếp diễn cuộc bao vây đánh phá, Lệ cau mày quay lại phía đại tá Lê Quang Tung, chỉ huy lực lượng đặc biệt vừa chạy đến đứng nghiêm chờ lệnh.
- Sao chưa xong, lâu vậy?
- Bẩm bà cố vấn, chúng nó ở trên lầu chống trả dữ lắm!
- Phải giải quyết gấp đi, cứ việc thẳng tay với chúng nó! Lục kiếm cho được bức thư của đại sứ Trần Văn Chương gởi cho Thích Tịnh Khiết rồi đem thẳng vô dinh đưa tôi nghe!
Lê Quang Tung khúm núm đáp:
- Bẩm bà cố vấn yên trí, chúng tôi xin tuân lệnh.
Ngô Đình Nhu tiếp theo lời vợ:
- Đừng để cho Thích Trí Quang thoát khỏi nghe không?
- Dạ, có cánh cũng không thoát khỏi đâu!
Vợ chồng cố vấn lên xe đi thẳng, viên tư lệnh lực lượng đặc biệt đến chiếc xe chỉ huy, ra lệnh qua máy truyền tin:
- "Nhân vị đâu, ra lệnh cho tháo cổng để nước lũ tràn ngập" mau đi!
Bên trong chùa, giám đốc cảnh sát đô thành Trần Văn Tư, thiếu tá Nguyên Văn Dần chỉ huy cảnh sát dã chiến, Dương Văn Hiếu trưởng đoàn mật vụ nghe được lệnh bèn đốc thúc thuộc hạ tấn công quyết liệt. Đèn pha xe cam nhông tám bánh của nhà binh từ ngoài đường chiếu những luồng sáng chói vào phía trong chùa, vách tường phản chiếu từng mảng sáng rộng rọi vùng tối ở cầu thang đưa lên thượng điện đang diễn cảnh chiến đấu hăng say. Những binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt dùng ghế lam mộc xông lên tung lựu đạn cay mở đường, và đám tăng sĩ ở trên lầu quăng chén bát và độc bình xuống để ngăn chặn.
Tiếng la hét càng lúc càng kinh khủng theo từng đợt xung kích, lựu đạn nổ vang ầm, khói cay mù mịt cả phía trên lầu, các đợt tấn công ào ạt xông lên đều bị đẩy xuống. Một cái mũ sắt đạn vừa ló ra, một đĩa bàn tay vèo tới… hai kẻ nấp sau chiếc bàn con dùng làm mộc che toan vọt lên, thì cả một chậu cảnh lớn từ trên xàng xuống…
Những pha xung đột tiếp diễn hơn một tiếng đồng hồ, trong âm thanh náo loạn hỗn độn tiếng chuông trống kêu cứu, hò hét, tiếng súng nổ, lựu đạn vang vọng cả một khu vực thành phố. Mấy trăm tăng ni rút cả lên lầu, kêu la cầm cự trong tuyệt vọng trước một tiểu đoàn binh sĩ thiện chiến từng đợt xông lên, vây chặt bốn phía chùa.
Bên dưới bọn mật vụ rọi đèn pin khắp các ngõ ngách, bầy cảnh sát dã chiến chĩa súng cắm lưỡi lê sáng loáng đưa qua đưa lại, hợm sẵn đám tăng ni nhảy qua đường phía lầu cơ quan viện trợ Mỹ.
Lựu đạn nổ dồn dập phía thượng điện bao trùm đám thanh niên tăng ni trong một không khí ngạt thở, cay mắt, mặc dù mỗi người đều có một chiếc khăn ướt ở mặt!
- Thế này thì chết ngạt trước khi mù mắt mất!
Những vật dụng của tăng ni dùng làm vũ khí kháng cự đã vơi dần. Các bàn, ghế, đôn sứ chất làm chướng ngại vật ở đầu cầu thang cũng đã quăng xuống hết. Lực lượng võ trang được lệnh "tháo cổng cho nước lũ tràn ngập" hùng hổ tràn lên lầu.
Từ tứ phía những tiếng la hoảng thất thanh, kêu thét kinh khủng nổi dậy. Ấm! Tiếng lựu đạn phá hoại nổ lên giữa những tiếng súng đua nhau nổ. Các cửa kính trên lầu vỡ toang, thuỷ tinh rơi xuống như mưa rào. Đèn trong chùa tắt bỗng nhiên sáng lại.
- Mở cửa ra! Bật đèn lên! Đi ra! Mau!
- Mở cửa ra hết nếu không tao liệng thêm trái nữa! Đ.m quân Việt cộng cứng đầu?
Tiếng quát tháo oang oang lên giữa im bặt đột nhiên, những tiếng kêu la, tiếng lựu đạn cay, tiếng súng nổ đã tắt nhường chỗ cho những tiếng ra lệnh đánh đá huỳnh huỵch, tiếng khóc rên, tiếng sục sạo, rương tủ, tiếng chửi thề tục tĩu…
Những mũi lưỡi lê sáng nhọn lao tới chĩa tiếng vào ngực, vào lưng các tăng ni tay không, quần áo tả tơi cháy sém bị dồn vào một góc, tiếng đập cửa thình thịch, tiếng báng súng động vào ổ khoá át cả tiếng khóc thút thít của các ni cô.
- Thầy ơi! Thôi, thầy ra cho rồi kẻo tụi nó vào đánh chết mất, thầy ơi?
Sau tiếng kêu nho nhỏ của một ni cô nước mắt ràn ruạ, một vị sư lách cửa phòng bước ra dừng lại trước ba thân hình mặc áo cà sa nằm sóng sượt ở bậc bước lên Điện Phật. Một gã cảnh sát dã chiến lăm lăm khẩu súng Colt 12 ở tay xỉa xói tứ tung quanh mình, hét:
- Tên kia không giơ tay lên hả?
Tiếp đến những câu cộc lốc đầy đe doạ của bầy hung hãn thốt ra:
- Con kia không giơ tay lên hả? Thằng kia…?
- Tụi nó ra hết chưa?
- Hết rồi!
- Cho ra đằng trước!
- Đi! Mau lên! Cứng đầu tao đập chết!
- Đ.m, đồ Việt cộng đội lốt tu hành!
Đoàn tăng ni bị dồn đi giữa hai hàng lực lượng đặc biệt và cảnh sát chiến đấu đằng đằng sát khí, lùa đến tập trung ở sân thượng, trước điện Phật. Tất cả những nhà tu hành, từ Hoà thượng Hội chủ đến Thượng toạ, Đại đức tăng sĩ, ni cô bắt buộc phải ngồi chồm hổm, hai tay đưa lên khỏi đầu theo kiểu tù binh bị lùng bắt trong một trận càn quét.
- Đ.m tụi bây tu gì mà tu! Tu mà làm chính trị! Tao cũng Phật tử đây nè, tao biết chớ? Tu gì mà thằng Giác Đức nói chính trị cái miệng dẻo quẹo?
Câu chửi rủa phát ra từ bầy võ trang hung hãn thúc báng súng và lưỡi lê xua đuổi mấy trăm tăng ni xuống lầu ra cổng chùa.
- A… thằng trùm đâu rồi… cả thằng Thích Giác Đức nữa… còn thằng Thích Trí Quang đâu?
Đoàn trưởng mật vụ Dương Văn Hiếu xoi mói nhìn mặt các nhà lãnh đạo Phật giáo, hỏi đến Thích Trí Quang nhà sư mà ông cố vấn đã dặn dò phải tóm cho kỳ được - không thấy trả lời, bèn gắt lên:
- Phải lục xét khắp các phòng cho kỹ coi Thích Trí Quang nó trốn ở đâu? Không được để cho nó trốn thoát? Ai bắt được Trí Quang thì sẽ được trọng thưởng!
Thực ra, Hiếu cũng không biết rõ mặt mũi nhà sư lãnh đạo phong trào Phật giáo mà Ngô Đình Nhu coi là kẻ tử thù đã từng tuyên bố: "Có thể tha tội tất cả các nhà sư trong uỷ hội liên phái, trừ một mình Thích Trí Quang" nên viên đoàn trưởng mật vụ chẳng để ý đến một nhà sư khổ mặt xương xương, hai mắt sáng quắc với đôi lông mày chữ mác đậm lẫn giữa đám người mặc áo cà sa.
Hai tăng sĩ bên cạnh nhà sư hơi gầy và quắc thước, chính là Thích Trí Quang làm ra vẻ thản nhiên để khỏi mỉm cười khi thấy một nhân viên mật vụ bước ra trình với chỉ huy:
- Dạ, trong khi lộn xộn có hai nhà sư nhảy qua bên khu lầu của USOM kia. Chắc chắn là có Thích Trí Quang trong đó.
Nóng lòng muốn lập công, Hiếu cầm máy truyền tin liên lạc với Lê Quang Tung, chỉ huy lực lượng đặc biệt:
- Thiếu tá cho lục soát khu lầu USOM ngay đi, Thích Trí Quang vượt tường trốn sang bên đó rồi! Không bắt được nó thì ông cố vấn rầy chết!
Cò Tư, giám đốc cảnh sát nghe viên phụ tá tổng giám đốc công an kiêm đoàn trưởng mật vụ nói vậy, bèn lên tiếng:
- Ông phụ tá à, tôi e rằng không có phép của toà đại sứ Mỹ mà mình cứ xông vô lục soát toà USOM này thì phạm luật ngoại giao, sinh chuyện lôi thôi đó. Ông liên lạc với ông cố vấn hỏi xem sao? Còn từ đây tới sáng, tôi cho nhân viên bao vây chặt khu lầu này, lục soát tất cả xe vô ra, Thích Trí Quang có mọc cánh mới mong thoát khỏi!
Tiếng rú của xe cứu thương chạy đến ngừng lại trước cổng chùa Xá Lợi bên một dãy xe cam nhông bít bùng. Binh sĩ lố nhố đông đảo mang đầy khí giới lâm trận có dây thừng còng tay: lính lực lượng đặc biệt, lính thường lẫn lộn với cảnh sát chiến đấu, cảnh binh, công an, mật vụ… cả một lực lượng hùng hậu hàng mấy trăm người bao vây xô dẩy, quát tháo lùa tất cả tăng ni trong chùa ra đường.
- Lên xe hết đi!
Lưỡi lê, báng súng thúc vào lưng, những tiếng mắng chửi tuôn ra khi thấy các nhà tu hành tay bị còng bước đi chậm chạp, các ni cô yếu sức sau một trận hít hơi ngạt loạng choạng ngã dồn lên nhau.
Hoà thượng Hội chủ một bên mặt xây xát, mắt sưng quầng vì bị ngã cố lên thân già trên tám mươi tuổi lên một chiếc xe riêng của mật vụ.
Tiếng khóc rưng rưng phát ra từ đám tăng ni xót xa lo ngại nhìn theo vị thầy tuổi tác.
Những người mặc áo tu hành lần lượt bị dồn lên xe bít bùng chở đi trong đêm tối.
Chùa Xá Lợi, trung tâm Phật giáo ở thủ đô trở nên vắng tanh trong cảnh tan hoang, ngổn ngang đồ đạc gãy nát, tượng Phật bị phá, bàn thờ bị đổ, máu loang thấm trước sân chùa.
Cũng trong giờ Xá Lợi bị đập phá, trên 400 tăng ni ở chùa Ấn Quang, giữa đường Sài Gòn - Chợ Lớn cũng bị quân sĩ đặc biệt của họ Ngô lục soát, bắt hết lên xe chở đi Rạch Cát, giam giữ tại một trại hẻo lánh ở ngoại ô Chợ Lớn.
Các ngôi chùa khác ở thủ đô và khắp trong nước, Quảng Trị, Huế, Quảng Tín, Quảng Nam, Nha Trang, Phan Thiết vào giờ này cũng đều bị binh sĩ võ trang nhà Ngô xông vào bắt bớ khám xét.
Tại chùa Từ Đàm ở Huế, vị lãnh chúa miền Trung phải huy động đến hai ngàn binh lính chiến đấu để tấn công trung tâm đã phát động phong trào Phật giáo. Năm ngàn Phật tử túc trực canh gác nhục thân nhà sư Tiêu Diêu biến thành một sức mạnh cầm cự từ một giờ khuya đến tám giờ sáng hôm sau. Trong những phút cuối cùng cuộc chống trả tuyệt vọng trước hai ngàn quân sĩ thiện chiến võ trang vây chặt đám đông phóng hoả đốt chùa để cùng nhau tự thiêu trong vòng vây nguy khốn, quyết không chịu khuất phục. Lực lượng đàn áp mạnh mẽ tràn vào tấn công ác liệt, dập tắt ngọn lửa, đánh bạt những Phật tử còn lại tay không, sặc sụa trong vòng lựu đạn cay, rồi bắt trói từng người lôi đi.
Sáng hôm sau dân chúng Sài Gòn thức dậy ngạc nhiên nhìn thấy trên các ngả đường binh lính mang sắc phục chiến đấu, cầm súng cắm lưỡi lê đứng gác. Các cuộn dây kẽm gai đứng sững ở các ngã tư, xe tuần tiễu chở đầy lính võ trang chạy rầm rập khắp trong châu thành. Dưới nền trời vần vũ mây xám mùa mưa, không khí nặng nề đe doạ chết chóc bao trùm thủ đô.