Chương 2.
RỪNG SÁC TỬ LỘ

Chiến cuộc tiếp diễn ở phía Đông bắc Sài Gòn, dọc từ sông Sài Gòn đến Vũng Tàu. Bảy Viễn cùng các thủ hạ thân tín chỉ huy cuộc cầm cự, kiểm lại số tàn quân chỉ còn lối một nghìn năm trăm người, với những vũ khí nhẹ, và một tinh thần hoang mang cực độ.
Hôm qua chạy đến núi Thị Vải, tinh sương sáng nay băng sình, đạp bần đi sâu vào. Rừng Sác, thủ lãnh Bình Xuyên như một ác thú bị săn đuổi, thấy nhiều bộ hạ biến mất trên đường bại tẩu, không giấu được vẻ lo âu, e ngại sự phản trắc chung quanh, có thể sát hại hay bắt mình nạp cho đối phương để lãnh thưởng. Vẻ mặt lầm lỳ của tay anh chị trùm sòng bạc và nhà chứa nhuộm đầy sát khí miệng không ngớt chửi thề, khẩu súng ru-lô mạ kền đeo một bên lưng (tặng vật của Quốc trưởng khi Bảy Viễn được Pháp phong chức thiếu tướng), sẵn sàng nhả đạn vào bất cứ ai nói đến tiếng về đầu họ Ngô. Bảy Viễn đã hạ ngay Sáu Tình ở bìa Rừng Sác, vì đàn em nhớ vợ con ở lại Sài Gòn đã ngỏ ý muốn quay về. Lãnh tụ Bình Xuyên không tin ở đám quân sư chính trị, để họ đi tách riêng một phía và chỉ đi cùng Lại Hữu Tài, cố vấn chính trị Bình Xuyên, đại diện của Phòng Nhì quân đội Pháp và anh ruột Tài là Tư Sang, nguyên Tổng Giám đốc Công an Sài Gòn - Chợ Lớn. Một trung đội cảm tử đã thế "sống chết với anh Bảy" theo hộ tống bộ ba đầu não Bình Xuyên và khiêng vác bốn bao chất đầy giấy bạc cùng hai ba lô vàng, kim cương và của cải quý giá của Bảy Viễn đã chạy được.
Trong cảnh thất thế, biết mình đã bị quân Pháp bỏ rơi, hàng ngũ tan rã thưa thớt dần, không có dân chúng ủng hộ, Bảy Viễn cố giữ cho chung quanh khỏi chán nản rút im, đồng thời cũng tự dối tinh thần bại vong của mình nữa, gượng gạo kêu gọi em út "đánh tới cùng" cho mình là "cọp đã về rừng, phe họ Ngô phải chặt hết cây Rừng Sác mới tìm ra thủ lãnh Bình Xuyên".
Ngày 20-9 năm 1955, năm tiểu đoàn bộ binh phối hợp với hai tiểu đoàn nhảy dù và một sư đoàn thuỷ quân lục chiến mở cuộc tấn công bao vây mấy mặt khu Rừng Sác. Đồng thời máy bay lượn rải truyền đơn kêu gọi binh sĩ và những kẻ theo Bình Xuyên về hàng.
Tại một túp lều giữa khu Rừng Sác, mấy cố vấn chính trị của Bảy Viễn đã bất đắc dĩ theo tướng Bình Xuyên, nhận thấy tình thế tuyệt vọng, bàn tính tìm lối thoát. Hồ Hữu Tường là nhà văn hoá bấy lâu làm chính trị, theo phe Bảy Viễn vào giờ phút chót, vì tính lầm nước cờ là Pháp không bỏ rơi xứ này nhường lại cho Mỹ, và muốn thừa cơ hội lợi dụng thế Bình Xuyên được mưu đồ, rồi miễn cưỡng phải chạy theo đám quân dao búa bại tẩu ngao ngán nhìn con nước rừng đục ngầu phô gốc cây bần, cây đước ở lạch sình trước mắt, buồn bã quay sang nói với Trần Văn Ân. Cố vấn chính trị bên ngoài của Bảy Viễn đang ngồi bó gối nhai mấy con cá lòng tong đuôi dài bò lên rễ cây, sát mặt bùn.
- Chúng mình đi vào tử lộ mất rồi! Tưởng lấy thế bá đạo để chuyển thành vương đạo tung hoành một phen, không ngờ Ba Lê lại đi đôi một chính sách chung với Hoa Thịnh Đốn mà ủng hộ triệt để lá bài Ngô Đình Diệm, khiến người Pháp ở Sài Gòn phải bóp bụng bỏ rơi Bình Xuyên, như vậy mình mắc phải cảnh Hoa Dung tiểu lộ, chết cửa tứ rồi!
Ngừng lại một lúc, Hồ Hữu Tường bỗng đứng lên, với điệu bộ và giọng nói sôi nổi như độ nào diễn thuyết lôi cuốn quần chúng, đóng vai thuyết trình viên để thuyết phục chung quanh:
- Sở dĩ đến hôm nay tôi mới lên tiếng, vì sợ làm mất tinh thần anh em, và không khỏi mang tiếng là chủ bại, song tình thế đã dồn dập bất ngờ tới một độ quá mức; nếu tôi không nói ra, sau này anh em sẽ buộc tội cho là biết mà không nói, cho nên bất đắc dĩ lúc này, trong cảnh tiến thoái lưỡng nan, tôi tự thấy có bổn phận trình bày tất cả sự thật đã xảy ra, để tuỳ anh Bảy và anh em định liệu, rút lấy một kết luận để đối phó với tình thế hiện thời.
Một đại uý Bình Xuyên, phụ trách lò heo Chánh Hưng, Tư Cóc, vốn không thích diễn thuyết, nghe những lời rào đón dài dòng của Hồ Hữu Tường lớn tiếng nói:
- Đ. m, nói gì thì nói phứt đi cho rồi cứ vòng vo Tam quốc mãi! Đương rầu thúi ruột đây!
Hồ Hữu Tường vờ như không nghe thấy và nhằm thuyết phục các thuộc hạ thuộc thành phần trí thức của Bảy Viễn, bình tĩnh đưa ra những sự việc và tin tức ghi chép trong một cuốn sổ tay để làm hậu thuẫn cho luận cứ của mình:
- Trước hết, tôi xin trình bày việc Pháp sang tay lại xứ này cho Mỹ. Pháp phải trút gánh nặng cho Mỹ vì thực dân Pháp không còn đủ sức theo đuổi nữa.
"Tướng Navarre, nguyên Tổng tư lệnh ở Đông Dương đã từng chua cay với người Mỹ trong thời kỳ họ chỉ mới giữ vai trò cố vấn bên cạnh Bộ chỉ huy Pháp, người đầu tiên lên tiếng nói thẳng với Ba Lê rằng ông ta càng ngày càng có cảm tưởng kẻ chỉ huy thực sự ở Đông Dương là phái bộ Mỹ. Người Mỹ mỗi ngày một lấn bước người Pháp, qua sự trung gian của tướng O'Daniel". Đó là sự tiết lộ mới đây của tướng Navarre khi tình cờ biết được những sự cam kết của Bộ Ngoại giao Pháp với Mỹ.
"Kế đến tướng Ely hiện thời thay thế tướng Navarra làm Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp, vừa đã tuyên bố rõ với Pháp tấn xã là mặc dù ký kết hiệp ước Genève với chính phủ Hồ Chí Minh, Pháp chỉ nhìn nhận có một chính phủ hợp pháp trên toàn cõi Việt Nam là chính phủ Diệm. Sự nhượng bộ chính trị ấy đi liền với việc Pháp ký tên vào Hiệp ước Liên minh phòng thủ Đông Nam Á. Rồi một phái đoàn cao cấp của Pháp sang Hoa Thịnh Đốn để bàn với Mỹ chính sách chung của hai nước đối với miền Nam Việt Nam. Chính Tổng trưởng Bộ quốc gia liên kết Guy La Chambre mới đây đích thân qua Sài Gòn để báo cho Diệm và các nhà hữu trách Pháp hay về những quyết định ở Hoa Thịnh Đốn. Pháp đã chấp nhận nguyên tắc triệt hồi quân đội viễn chinh và trao lại những trách nhiệm chính trị cùng quân sự cho Mỹ".
Như vậy, thoả hiệp tối cao giữa Pháp và Mỹ, qua các hiệp ước ký kết giữa Ba Lê và Hoa Thịnh Đốn đã đảm bảo vững vàng cho địa vị của Diệm. Hôm rồi, tướng Collins, đặc phái viên của Eisenhower mang một bức thư riêng của Tổng thống Mỹ gởi cho Diệm đến Sài Gòn tuyên bố rằng ông qua đây để đảm bảo sự ủng hộ tới cùng cho chính phủ Diệm, và chỉ cho một mình Diệm thôi.
Tiếp đó là tướng Nguyễn Văn Hinh bị cắt chức, do thông báo của văn phòng Quốc trưởng Bảo Đại, rồi tướng Ely ký hiệp ước với tướng Collins xác nhận việc Pháp từ bỏ vai trò quân sự ở Việt Nam.
Trong khi ấy, đài VOA phát lời tuyên bố của chính phủ Eisenhower nói rằng nếu Mỹ không hành động cương quyết để ủng hộ Diệm, Mỹ sẽ mất cả Đông Dương.
Căn cứ vào những việc tôi vừa kể lại đó, theo tin tức của các đài ngoại quốc BBC, VOA, Úc Đại Lợi, tôi đã nghe được và ghi lại thì Pháp đã nhường trọn cả miền Nam về tay Mỹ rỗi, nghĩa là Diệm đang giữ ưu thế tuyệt đối.
Những sự thật tuôn ra từ miệng Hồ Hữu Tường như những thùng nước đá dội thẳng xuống lưng mọi người khiến cả Bộ tham mưu của Bảy Viễn đều thấy toát mồ hôi lạnh, im lặng nhìn nhau lo sợ.
Một giọng phản đối bỗng vang lên:
- Đ. m, thây kệ tụi nó có công ký với nhau, mình cứ đánh tới cùng. Chết bỏ!
Nguyễn Đình công tử, quân sư xa lông của Bảy Viễn gượng hỏi:
- Vậy còn Đức Quốc trưởng Bảo Đại?
Hồ Hữu Tường trả lời bình thản đến lạnh lùng:
- Anh, Pháp và Mỹ vừa họp hội nghị ở Ba Lê, đài BBC cho hay bản thông cáo chung kết luận rằng: Pháp chấp nhận chủ trương của Mỹ, nghĩa là ủng hộ Diệm vô điều kiện và bỏ rơi Bảo Đại. Ở Sài Gòn, ba ông tướng Việt trước đây theo Pháp có quốc tịch Pháp đã nghe theo Diệm đánh điện cho Bảo Đại tuyên bố là chỉ nhìn nhận có Diệm. Rồi sau đó Diệm vừa tổ chức một Hội đồng Cách mạng truất phế Quốc trưởng Bảo Đại.
Ngoài ra, tướng Ely sang Hoa Thịnh Đốn trở về đến Cannes thông báo cho Bảo Đại hay ý định của chính phủ Pháp bỏ rơi ngài. Bởi quyền lợi kinh tế ở miền Nam, Pháp buộc cả Bộ Tư lệnh Pháp tại Sài Gòn phải trao lại quyền chỉ huy huấn luyện binh sĩ Việt Nam cho Mỹ, bỏ mặc cho phe Diệm đốt bỏ những phù hiệu quân đội Pháp để thay thế vào những phù hiệu Mỹ, đồng thời công kích lăng nhục Bộ Tư lệnh Pháp ở Việt Nam, khiến cho tướng Ely chịu hết nổi phải đòi từ chức.
Mỹ chẳng những ép buộc được Pháp phải ủng hộ Diệm triệt để, mà còn phá luôn cả phái bộ Sainteny ở Hà Nội, và Pháp cũng chịu nghe theo Mỹ bỏ luôn những hoạt động kinh tế và văn hoá Pháp tại Bắc Việt.
Đại uý Tư Cóc không hiểu được tính cách nghiêm trọng qua nhận định của Hồ Hữu Tường, thấy nóng mắt trước lối trình bày dài dòng của "mưu sĩ mới của anh Bảy", ngắt ngang:
- Đ.m, muốn gì thì nói đại ra cho rồi, cứ diễn thuyết lôi thôi hoài, nghe không vô. Thiệt rầu mấy cha mưu sĩ quá!
Chỉ huy quân sự Bình Xuyên, nguyên Giám đốc Công an Sài Gòn Chợ Lớn, Tư Sang quắc mắt nhìn Tư Cóc, mắng đàn em:
- Tư im đi mấy, nói bậy hoài. Đ.m phải kỷ luật chớ, mấy còn phá ngang, tao "khía" mầy à? Đ.m?.
Hồ Hữu Tường không chú trọng đến sự càu nhằn, gấu ó giữa mấy sĩ quan Bình Xuyên, hướng về dám cử toạ đang lo âu chờ đợi, nói tiếp:
- Như tôi vừa trình bày và dẫn chứng, tình hình chính trị đã tiến triển bất lợi cho cuộc chiến đấu của chúng ta, còn tình hình quân sự của "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia" chống lại Diệm, thực trạng hiện giờ ra sao? Mỹ đã tung ra nhiều đô-la mua chuộc một số tướng chỉ huy các giáo phái về theo phe Diệm: ở miền Tây, quân của tướng Năm Lửa án binh bất động, các tướng Nguyễn Giác Ngộ và Lâm Thành Nguyên cũng theo nhau im hơi lặng tiếng. Chỉ còn một mình tướng Ba Cụt hoạt động quấy rối. Ở miền Đông, hàng ngũ Cao Đài chia rẽ nội bộ, tướng Nguyễn Thành Phương theo Diệm ngay từ lúc đầu rồi đến tướng Trịnh Minh Thế cũng đem quân về theo, để bị anh em Diệm ám hại, chỉ còn hộ pháp Phạm Công Tắc và tướng Lê Văn Tất với mấy trăm quân đã rút qua bên kia biên giới Cao Miên.
Như vậy, trên chiến trường, chỉ còn có binh sĩ Bình Xuyên đương đầu với phe Diệm. Kiểm điểm lại lực lượng, bên ta đã khuyết mất 20.000 quân của tướng Năm Lửa, 5.000 của tướng Lâm Thành Nguyên, 2.000 của tướng Nguyễn Giác Ngộ và 25.000 của tướng Nguyễn Thành Phương và Trịnh Minh Thế. Dù đó chỉ là những số quân trên giấy tờ và thực tế không quen chiến đấu, song chúng ta thiệt mất hậu thuẫn để quấy phá ở các nơi, mở thêm mặt trận, buộc phe Diệm phải phân tán lực lượng đối phó chớ không tập trung được để đánh vào một chỗ.
Về lực lượng bạn có thể tiếp tay với chúng ta để xoay đổi lại thế cờ thì không hy vọng gì nữa: tướng Nguyễn Văn Hinh bị văn phòng Quốc trưởng ra thông báo cất chức rồi, tướng Nguyễn Văn Vỹ được Bảo Đại cử làm Tư lệnh Quân đội quốc gia đã bị Diệm gạt đi, những tướng tá thân Pháp đều bó tay, và cả đến Pháp cũng hết mong lật được Diệm vì Mỹ nhất quyết ngăn cản. Còn Quốc trưởng Bảo Đại ở bên Pháp lúc này thì không còn vấn đề nữa.
Hồ Hữu Tường ngừng lại, nhìn qua mọi người trong im lặng nặng nề điểm tiếng chim vịt kêu chiều giữa khu rừng bần, thong thả kết luận:
- Thưa toàn thể anh em, trước tình hình vô cùng khó khăn đó, tôi thấy chỉ còn có một giải pháp là điều đình, hưu chiến với Diệm.
Mọi người nhìn nhau và sự im lặng như có ý nghĩa là tán thành.
Không thấy ai phản đối, Hồ Hữu Tường nói luôn:
- Bây giờ chúng ta cần cử người đóng vai sứ giả hoà bình đi về Sài Gòn gặp đối phương.
Không ai muốn tranh lấy công việc hiểm nghèo này. Cố vấn chính trị Lại Hữu Tài đề nghị:
- Anh Hữu Tường đã có sáng kiến thì để anh đóng vai sứ giả luôn.
Hồ Hữu Tường nhìn Trần Văn Ân, cựu Bộ trưởng, đại diện ngoại giao của Bảy Viễn:
- Tôi tình nguyện đóng vai du thuyết, chỉ cần thêm một người nữa, theo tôi thấy, anh Trần Văn Ân xứng đáng đại diện chính thức cho anh Bảy để làm trường đoàn, có đủ danh chính ngôn thuận mà điều đình.
Sau đó, Hồ Hữu Tường và Trần Văn Ân được liên lạc đưa đi gặp Bảy Viễn nhận sự đồng ý của thủ lãnh Bình Xuyên và bàn tính các điều kiện thương thuyết.
Sáng hôm sau, một chiếc ca nô nhỏ cắm cờ trắng chở hai đại diện Bình Xuyên lướt qua các con lạch Rừng Sác, ra sông Bassac nhắm hướng Sài Gòn. Hồ Hữu Tường kéo cổ áo lên trước làn gió lạnh ẩm ướt trên sông âm thầm nói với Trần Văn Ân đang co ro buồn bã:
- Ngờ đâu ngày nay anh em mình sa cơ bị kẹt giữa vòng vây bá đạo: Bình Xuyên muốn khoác áo anh hùng nghĩa hiệp Lương Sơn Bạc song không giấu được cái đuôi thảo khấu; anh em họ Ngô thì mượn danh nghĩa quốc gia dân tộc nhưng không che được cái cốt phong kiến độc tài, nên đều không có hậu thuẫn dân chúng, còn ngoài kia thì Cộng sản đảng trị, trí thức lúc này chỉ đóng vai tri kỷ gượng.
Trần Văn Ân ngó theo làn nước rẽ sóng ca-nô lướt đi, trả lời giọng lo lắng:.
- Có tri kỷ gượng với anh em họ Ngô cũng khó làm. Tôi biết họ rất đa nghi và hẹp hòi, thù dai. Lại có nhiều mặc cảm với những ai có thế hơn họ. Tôi lo chuyến đi này khó thành. Mà điều đình không xong, chúng mình cũng dễ bị lôi thôi, vì họ dám bắt sứ lắm. Chúng mình gặp phải thế liều thì cũng đành liều vậy thôi.
Rồi như để đánh tan nỗi lo ngại đang đè nặng lên lòng mình, Trần Văn Ân cất cao tiếng ngâm:
- Thế Chiến quốc, thế Xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Lời thơ cổ và giá lạnh trên sông Sài Gòn khiến Hồ Hữu Tường bỗng liên tưởng đến cảnh tráng sĩ Kinh Kha và Tần Vũ Dương qua sông Dịch ngày xưa. Cảnh huống "tráng sĩ một đi không trở về", Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân không ngờ thành ra sự thật: anh em họ Ngô không nhìn nhận vai trò sứ giả thương thuyết mà cũng không dung cho hai nhà văn hoá bị sa lầy chính trị quy thuận (theo lời kêu gọi của chính quyền họ Ngô) và bắt giữ Hồ Hữu Tường cùng Trần Văn Ân như hai kẻ trọng tội nguy hiểm để kết án tử hình.
Trần Văn Ân linh cảm cuộc đi sứ lần này đầy khó khăn, nhục nhã, và không khỏi nghĩ đến chuyến du thuyết thành công mới đây, trước ngày xảy ra chiến cuộc: Ân đại diện ngoại giao cho Bình Xuyên cùng với cố vấn chính trị Lại Hữu Tài đi Pháp gặp Quốc trưởng, đã trở về với một sắc lệnh đề cử Lê Văn Viễn làm Thủ tướng, lập một Nội các liên hiệp với các đại biểu giáo phái để thay thế chính phủ Ngô Đình Diệm. Nhưng không thực hiện được vì đó chỉ là ý định của vị cựu hoàng đã không được cả Ba Lê và Hoa Thịnh Đốn chấp thuận.
Rồi thời cuộc dồn dập biến chuyển xô đẩy Trần Văn Ân giờ đây phải bắt buộc đóng vai sứ giả trong một cuộc điều đình chênh lệch, giữa lúc đối phương đang hoàn toàn thắng thế.
Nhìn thấy chiếc tàu tuần tiễu của đối phương bố trí đầy súng chĩa về phía mình đang rẽ sóng tiến tới, Trần Văn Ân ngồi cạnh Hồ Hữu Tường bỗng tự thấy mình như cành cây vật vờ trên dòng sông Sài Gòn đục ngầu chảy mạnh, buông trôi cho số phận đẩy đưa.
Tại dinh Gia Long, tiếng điện thoại ở văn phòng cố vấn reo lên, Ngô Đình Nhu nhấc ống nói nghe một hồi rồi lạnh lùng ra lệnh:
- Họ xưng là đại diện của Bình Xuyên muốn điều đình hả? Không có điều đình gì với họ. Bắt cả hai đưa về Sài Gòn giam lại. Sao? Họ xin quy thuận, theo lời kêu gọi trong tuyền đơn của chánh phủ à? Không thương thuyết được rồi mới hàng, cứ bắt giữ lại, coi như giặc cướp bị ta bắt, chớ không đối xử như tù binh hay hàng binh. Phải trị bọn chúng nó mới được? Hai người xưng tên là Trần Văn Ân và Hồ Hữu Tường nói từng quen biết chúng tôi? Họ phản đối là ta bắt sứ giả hoà bình à? Mặc kệ! Bảo các cấp cứ theo lệnh của tôi phải quyết liệt với đối phương. Ta mạnh thế, không cần nhân nhượng tử tế chi cả!
Nhu bỏ ống điện thoại xuống, rút một điếu thuốc "Con mèo" tẩm á phiện trong chiếc hộp lớn để trên bàn, đốt diêm, rồi quay bảo người lính cận vệ đang ngồi ở góc phòng đi lấy cà phê.
Cửa phòng bỗng mở, Lệ hiện ra lộng lẫy tươi cười, đi lại phía chồng, ngồi lên thành ghế, cúi sát mặt Nhu âu yếm nói bằng tiếng Pháp như thói quen thường ngày:
- Chúng mình đã chiến thắng bước đầu. Anh sẽ là hoàng đế của em.
Mộng trở thành Đệ nhất phu nhân của Lệ bắt đầu thành sự thật, nàng nhìn thẳng vào mắt chồng, hồi tưởng đến độ nào mới về làm dâu họ Ngô.
Cả một quãng đời đã qua như một cuộn phim quay ngược lại trong trí óc mơ màng của Lệ.