Chương 24
THAY NGỰA GIỮA DÒNG

Đồng hồ nhà thờ Đức Bà thong thả buông mười tiếng. Yên lặng ngoài giờ giới nghiêm bao trùm lên Sài Gòn.

Trong dinh Gia Long, Ngô Đình Diệm đang quỳ ở ghế cầu nguyện lầm rầm đọc kinh trước khi đi ngủ. Các phòng của vợ và con Ngô Đình Nhu đều đóng cửa tắt đèn, vì tất cả đi vắng. Ngô Đình Nhu lặng lẽ nằm đài trên đi văng ở phòng làm việc, tay cầm cuốn sách Ils arrivent (1) của tác giả Đức Canel nói về cuộc đ bộ của quân đồng minh đến giải phóng Châu Âu.
Trên chiếc bàn con bên cạnh, một đĩa gạt tàn thuốc lớn bằng pha lê, một hộp thuốc lá Caraven A tẩm á phiện, một bật lửa ga Ronson. Nhu bấm chuông, người hầu cận rón rén bước vào.
- Lấy cà phê và chai Rhum đây.
- Dạ.
Mấy phút sau, người hầu cận mang rượu và cà phê đến rồi lặng lẽ ra, sau khi xé tờ lịch lớn đề ngày 31 tháng 10. Tiếng máy điều hoà không khí rì rầm rất nhẹ nhàng càng làm nổi rõ sự vắng lặng chung quanh viên Cố vấn chính trị họ Ngô, một mình với người anh Tổng thống không vợ con, giữa đám binh sĩ phòng vệ dinh Gia Long.
 
Hồi trưa, ba đứa con đã đáp máy bay đi Đà Lạt. Lúc chiều, vợ và con gái lớn từ California gọi điện thoại về, và Nhu hẹn sẽ đi Đông Kinh đón vợ trên đường về ghé qua thủ đô Nhật Bản.
 
Trong lúc Ngô Đình Nhu đang âm thầm một mình với cuốn sách trên tay giữa khung cánh tĩnh mịch của dinh Gia Long thì ở Beverly Hills, Lệ cùng con gái đến bệnh viện của bác sĩ Maury - Parks, một nhà chuyên môn giải phẫu và cắt lớp da thịt nặng dưới hai mắt, tăng vẻ trẻ đẹp của bộ mặt lên.
 
Cũng giờ này, từ tổng hành dinh quân khu thủ đô đặt tại thành Lê Văn Duyệt, thiếu tướng Đính hạ lệnh cấm trại toàn thể kể từ 0 giờ ngày 31 tháng 10 năm 1963.
 
Trong lúc ấy trên đường từ đèo Prenn đến ngã ba Finnom, rẽ trái đi Bắc Hội, một đoàn xe đi săn 20 chiếc đang lướt qua bóng đêm, đến pha chiếu sáng cả quãng rừng núi.
Trên chiếc xe săn của cố vấn chính trị, ba đứa con họ Ngô: Trác, Quỳnh, và Lệ Quyên ngồi cùng viên thị trưởng Đà Lạt, một bà vú già và hai hộ vệ, một sĩ quan. Chiếc xe đặc biệt dùng cho việc săn bắn của cố vấn họ Ngô thuộc vào loại bọc sắt, đạn thường bắn không thủng, có đèn rọi, có ghế quay tứ phía để có thể ngồi bắn về phía nào cũng được. Ngoài ra, có chỗ ngồi riêng cho người chỉ đường và ghế đặc biệt dành cho quan khách. Ba đứa nhỏ họ Ngô đêm nay đóng vai thượng khách trong việc săn bắn được tổ chức riêng cho chúng vui chơi theo lệnh của cố vấn từ Sài Gòn đã đánh ra hôm trước.
 
Sau bữa ăn tối tại nhà viên thị trưởng, đoàn xe đi săn khởi hành từ Đà Lạt lúc 20 giờ. Hai mươi chiếc xe nối đuôi nhau, ngoài chiếc xe đặc biệt dành cho cô cậu con ông cố vấn đến xe chở cận vệ, xe thiết giáp, xe truyền tin, xe chở dụng cụ săn xe nhà bếp, xe chở bồi nấu ăn, mấy xe lớn chạy không để chở thú bắn được.
Đại uý Thạp và đại uý Hữu ngồi trên hai chiếc xe Jeep chạy đầu dẫn đường và mấy xe chở đầy lính theo sau đuôi đoàn săn bắn để hộ tống.
Viên thị trưởng Đà Lạt có trách nhiệm tổ chức mua vui cho các "cô cậu", sợ xảy ra nguy hiểm, lên tiếng khuyên nhủ:
- Chỉ nên cho xe chạy dọc theo các con đường lớn gặp nai thì bắn, chứ đừng vô sâu trong rừng.
Cuộc săn nai không có kết quả, nhưng vì lần đầu tiên được dự cuộc săn đêm, hai đứa nhỏ Ngô Quỳnh và Lệ Quyên tỏ vẻ thích thú lắm, mỗi lần bắn được con thỏ rừng đứng dương mắt nhìn sáng đèn chúng lại reo mừng vỗ tay, đòi xuống xe để lượm.
Đoàn tuỳ tùng và ông thị trưởng vui vẻ lây khi thấy "cô cậu" cười nói luôn miệng. Mọi người đều nghĩ đến ông cố vấn sẽ ban khen họ, khi nghe các con kể lại sự chiêu đãi của họ đặc biệt dành cho chúng trong chuyến đi săn này.
Bé Lệ Quyên ngồi trong lòng vú Thu đã ngủ tự bao giờ. Quỳnh đang gà gật bên vai Trác và tựa vào viên thị trưởng.
Cuộc đi săn kéo dài tưới tờ mờ sáng, đoàn xe lướt qua trong đêm lạnh núi rừng Lâm Viên.
Quay về Đà Lạt lúc 9 giờ sáng hôm sau ngày 1-11. Trác gọi điện về dinh Gia Long kể lại cho cha nghe chuyến đi săn đêm qua.
- Chiều mai ba nhớ lên Đà Lạt để chủ nhật cho con theo ba đi săn cọp nghe.
- Mai chưa chắc ba đi lên trên đó được.
- Mẹ con với chị Thuỷ chừng nào mới về?
- Có lẽ đầu tháng này chưa về được. Mẹ con có gọi điện cho ba, nói còn đi viếng một vài chỗ ở bên Mỹ nữa. Ba có dặn mẹ con khi về, tiện đường ghé qua Tokyo. Ba tính qua đó rước mẹ con về luôn.
- A, ba có thể cho con đi qua Nhật được không? Con muốn đi cho biết.
- Con còn phải học chớ. Thôi, chuyện đó tính sau.
Ngừng lại, tiếng nói của Ngô Đình Nhu trầm hẳn xuống nghiêm trọng:
- Tình hình lúc này không yên đâu. Con đi đâu phải cẩn thận. Nói với chú Thạp, chú Hữu coi chừng cho kỹ, chớ ba thấy hết biết tin ai, tụi nó phá quá. Con lớn rồi, con có bổn phận nặng nề đối với các em con.
 
Trong lúc cố vấn chính trị họ Ngô nói chuyện qua máy điện thoại với các con, thì ở phòng khách dinh Gia Long, Diệm đang tiếp đô đốc Harry Felt, tư lệnh quân lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương và đại sứ Cabot Lodge.
Sự có mặt bất ngờ của vị tư lệnh tối cao quân lực Mỹ tại Á châu ở Sài Gòn từ hai hôm nay, đúng vào lúc một số tướng lãnh âm mưu lật đổ chánh quyền đang mâu thuẫn với Hoa Thịnh Đốn đã khiến anh em họ Ngô không khỏi ngờ vực. Hơn nữa đại sứ Hoa Kỳ đến từ giã trở về nước, cũng đúng vào lúc có tin đồn đảo chánh của quân đội.
Ngô Đình Diệm hỏi hai vị đại diện quân lực và ngoại giao Mỹ:
- Người ta lại nói đến một cuộc bạo hành của quân đội. Có phải mấy sĩ quan cấp dưới của CIA các ông phóng ra tin đồn đó không?
Cabot Lodge vắn tắt đáp:
- Tôi cũng có nghe những tin đồn về một cuộc nổi dậy của quân đội.
Cuộc hội đàm tay ba kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Đô đốc Felt và đại sứ Lodge cố gắng thuyết phục Diệm một lần cuối cùng, nên thay đổi chánh sách và rời người em cố vấn, song vẫn gặp thái độ ngoan cố cứng cỏi của họ Ngô.
Ngày N là ngày thứ sáu 1-11 đã đến, giờ nổ súng là mười ba giờ ba mươi.
Mười một giờ ba mươi, khi Cabot Lodge ngỏ lời từ biệt để ngày mai lên đường đi Hoa Thịnh Đốn, Ngô Đình Diệm mỉm cười đưa đà một câu nhận xét:
- Mỗi lần có một đại sứ Mỹ ra đi là một lần người ta thúc đẩy một cuộc bạo hành.
Giữa lúc này, bên ngoài thành phố dân chúng không khỏi ngạc nhiên thấy những đoàn quân di chuyển rầm rập trên khắp nẻo đường đưa về thủ đô suốt đêm hôm qua và từ sáng hôm nay, các đơn vị trực tiếp tham gia đảo chánh đã lần lượt đột nhập Sài Gòn theo một lộ trình quanh co.
 
Vào lúc gần một giờ, dưới nắng trưa nồng nực, những con đường vắng ở khu vực phi trường Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh quốc gia, Thành Cộng hoà, Bộ Tư lệnh hải quân, Nha Tổng giám đốc cảnh sát bỗng rầm rập xuất hiện những chiếc GMC chở đầy quân võ trang bằng đủ loại súng. Những binh sĩ thuỷ quân lục chiến quần áo tác chiến, đội mũ sắt, ôm súng từ trên xe nhảy xuống vội vã kiếm các vị trí thuận tiện đặt súng máy, họng chĩa bên phía các cơ sở, hoặc đến núp sau những gốc cây, mũi súng chĩa vào bên trong.
 
Tại dinh Gia Long, hai anh em họ Ngô vừa ăn cơm xong, mỗi người về phòng riêng nằm nghỉ. Ở phòng sĩ quan tuỳ viên cố vấn chuông điện thoại bỗng reo vang. Trung uý S., đến cầm lấy ống nghe, mặt tái đi, bỏ máy xuống chạy vào gõ cửa phòng Ngô Đình Nhu.
- Thưa ông cố vấn, bên Lữ đoàn phòng vệ có báo động. Hình như thuỷ quân lục chiến làm đảo chánh.
Nhu đang nằm nhắm mắt mơ màng choàng dậy, khoác vội chiếc áo ngoài, cau mày hỏi:
- Sao? Đảo chánh à?
Rồi tỏ vẻ bình tĩnh, bước sang phòng Diệm. Diệm cũng vừa được tin, sĩ quan tuỳ viên Tổng thống báo. Hai anh em trao đổi mấy câu vắn tắt rồi cùng bước ra ngoài, đi thẳng xuống hầm.
 
Ngoài dinh Gia Long, binh sĩ rộn rịp lo bố trí. Đại tá L. chỉ huy đại đội cận vệ có trách nhiệm bảo vệ Tổng thống ra lệnh báo động.
Các binh sĩ ôm súng chạy ra các ổ tác chiến.
Phía ngoài vòng rào sắt, các cổng dây kẽm gai ngày thường vẫn hé mở cho ra vào dinh Gia Long được binh sĩ trú phòng đóng chặt lại, các chiến xa nằm sẵn quanh dinh bắt đầu nổ máy ì ầm chạy đi án ngữ tất cả các ngả đường đưa vào dinh, họng súng chĩa vào các ngã tư Công Lý, dinh Độc Lập, đường Pasteur, đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi…
Bên hông trường Đại học Văn khoa, sát cạnh dinh Gia Long ở trong khu nhà tiền chế, đại đội truyền tin do đại uý L. chỉ huy, rộn ràng hoạt động, tiếng máy điện thoại, tiếng người đối thoại từng lúc vang lên giữa những tiếng morse không ngừng.
 
Trong hầm dinh Gia Long bài trí như một đại bản dinh, hai anh em họ Ngô ngồi trên hai chiếc ghế bành rộng, trước một cái bàn lớn đặt cả chục máy điện thoại. Trên tường treo những bản đồ lớn loại quân sự. Vùng Sài Gòn và phụ cận nổi bật trên bản đồ trước mắt.
Cạnh phòng Tổng tư lệnh là một phòng phát thanh. Nơi đây được trang bị những máy cực kỳ tối tân, công suất truyền thanh mạnh không kém đài quốc gia ở Quán Tre.
 
Anh em Diệm vừa xuống hầm thì thấy trung tá Lê Như, biệt Bộ tham mưu phủ Tổng thống từ ngoài vô mặt mày tái mét. Viên sĩ quan này đang ngủ trưa ở nhà, nghe điện thoại báo tin đảo chánh, vội vã chạy vô dinh. Theo sau trung tá Lê Như đang đứng cạnh Diệm để chờ lệnh, lần lượt các sĩ quan tuỳ viên của Tổng thống (Diệm có 4 sĩ quan tuỳ viên thay nhau phục dịch bên mình), tuỳ viên của cố vấn, chỉ huy trưởng cận vệ và các nhân viên thường ngày làm việc tại văn phòng anh em họ Ngô đều tề tựu đủ mặt.
 
Những số điện thoại 23.126 và 21.581 ở dinh Tổng thống không ngớt reo. Ở đầu dây, viên cảnh sát trưởng đô thành lên tiếng báo động cùng Ngô Đình Nhu:
- Thưa ông cố vấn, tổng nha cảnh sát đang bị quân đội bao vây, chúng tôi xin chỉ thị của ông cố vấn.
- Tôi biết rồi, cứ yên trí.
Nhu trả lời một cách bình thản và tiếp tục hút thuốc lá, nối điều này đến điếu khác.
Diệm bảo trung tá Lê Như.
- Kêu điện thoại cho thiếu tướng Đính, tư lệnh quân đoàn III hỏi coi có việc gì xảy ra?
Viên sĩ quan biệt Bộ tham mưu điện đàm nói một hồi rối thưa:
- Bẩm Tổng thống, thiếu tướng Đính không có ở nhà, sĩ quan đại diện trả lời rằng thiếu tướng đang mắc họp trên Tổng tham mưu và tình hình vẫn yên tĩnh, không biết tại sao lại có thuỷ quân lục chiến ở các ngả đường, viên sĩ quan nói đang cho người đi xem xét rồi sẽ trình lại.
 
Diệm ra lệnh cho gọi các sĩ quan cao cấp có trách nhiệm phòng thủ Thủ đô.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Là tư lệnh biệt khu Thủ đô, đại tá Lê Quang Tung, tư lệnh lực lượng đặc biệt, đại tá Huỳnh Hữu Hiền, tư lệnh không quân, đại tá Hồ Tấn Quyền tư lệnh hải quân, và điện thoại liên lạc với thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu.
 
Các sĩ quan có mặt trong hầm tới tấp gọi điện thoại đi các nơi, nhưng nhiều nơi không liên lạc được hoặc không thấy trả lời. Các nơi liên lạc được, chỉ thấy có sĩ quan cấp dưới, người thì nói không biết gì kẻ thì xin trình lại cấp chỉ huy và trả lời sau.
Nói chung, không thấy một nơi nào trả lời được rõ ràng về tình hình quân sự đang xảy ra bên ngoài.
Ngô Đình Diệm quay lại hỏi người em cố vấn:
- Chú có đoán biết việc gì xảy ra không? Trưa nay có họp gì ở Tổng tham mưu mà tôi không biết.
- Tôi có nghe nói họp như mấy tướng bàn về hành quân gì đó.
Trung tá Lê Như nói:
- Bẩm Tổng thống, trưa thứ sáu nào các tướng cũng họp ăn uống ở tổng tham mưu, rồi vô dinh gặp ông cố vấn.
Điện thoại từ hầm dinh Gia Long vẫn không ngớt gọi đi các nơi, bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, nhảy dù… Bộ Tư lệnh, Tổng tham mưu và nơi nào cũng trả lời "không rõ việc gì", hoặc đáp lại một cách mơ hồ.
 
Trong giờ phút này, tại phòng Bộ Tổng tham mưu gần phi trường Tân Sơn Nhất có mặt đông đủ những vị tướng tá quân đội Cộng hoà, đã theo lời mời của trung tướng Tổng Tham mưu trưởng, đến dự bữa tiệc chung thường lệ ngày thứ sáu trước khi vào dinh Gia Long. Đại tá tư lệnh lực lượng đặc biệt cùng một số sĩ quan cao cấp có tiếng trung thành với họ Ngô cũng được mời đến.
Trung tướng Trần Văn Đôn đi tiễn chân đô đốc Harry Felt lúc gần 12 giờ vừa từ sân bay trở về Câu lạc bộ sĩ quan họp mặt.
Không khí trong phòng Tổng tham mưu bỗng trở nên khẩn trương. Bên ngoài các cửa vô ra đều có binh sĩ võ trang đứng gác nghiêm ngặt. Các tướng tá không tham gia kế hoạch đảo chánh, thắc mắc, lo ngại đưa mất nhìn nhau. Tất cả mọi người đều đặt ngồi trước bên tiệc. Kim đồng hồ chỉ đúng 13 giờ.
Trung tướng Dương Văn Minh bỗng đứng lên nhìn qua một lượt những tướng tá hiện diện rồi lên tiếng kêu gọi tham gia cuộc đảo chánh lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm:
- Các anh em cũng biết, chúng ta làm cuộc đảo chánh này để cứu quốc để xây dựng lại một quân đội hùng mạnh không bị chi phối bởi những cán bộ bất tài, tay sai của gia đình họ Ngô. Chúng ta không có tham vọng về chính trị, chúng ta hành động cũng không phải vì danh lợi, chúng ta hành động để cứu vãn tổ quốc thân yêu của chúng ta đang nguy khốn.
Tướng Minh gằn mạnh:
- Việc làm của chúng ta có tính cách bất đắc dĩ, bởi lẽ nếu chúng ta không hành động, bản thân chúng ta sẽ bị hy sinh lần lần một cách vô ích…
Những tiếng vỗ tay hưởng ứng nồng nhiệt của phần đông tướng tá có mặt trong bữa tiệc vang động rồi im bặt khi thấy đại tá tư lệnh lực lượng đặc biệt đẩy ghế, bỏ phòng họp đi ra. Mấy sĩ quan cấp tá nháp nhỏm định đứng dậy ra theo bỗng nghe tiếng súng nổ chát chúa ngay ngoài cửa phòng họp.
Viên tư lệnh Lực lượng đặc biệt, đại tá Lê Quang Tung đã nằm sóng sượt ở bậc thềm câu lạc bộ sĩ quan. Cái chết chớp nhoáng trước mắt của đại tá chống đối đảo chánh khiến các sĩ quan muốn tỏ thái độ trung thành với họ Ngô đều chùn chân ngồi trở lại.
 
Đại tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh hải quân đang ở Bộ Tư lệnh tại bến Bạch Đằng, bỗng được tin báo động liền ra lệnh cho hai chiến hạm nhổ neo ra phía giữa sông, trọng pháo sẵn sàng tấn công. Đồng thời đại tá ra lệnh cho một đơn vị hải quân đóng ở Vũng Tàu lập tức nhổ neo chạy về Sài Gòn rồi đại tá Quyền một mình lái chiếc trắc-xông rời Bộ Tư lệnh hải quân, dự định đi theo lối xa lộ đến Thủ Đức, phối hợp với một đại tá trung thành với họ Ngô.
 
Một sĩ quan trực thuộc tư lệnh hải quân, đại uý Y đứng về phía đảo chánh, có nhiệm vụ coi chừng đại tá Quyền và bắt giữ lại trước giờ nổ súng. Khi đại uý Y cùng với mấy quân nhân thân tín lái xe Jeep vào tư dinh đại tá Quyền để bắt sống ông này thì vừa gặp ông lái xe ra khỏi Bộ Tư lệnh.
 
Một cuộc chạy đua sôi nổi diễn ra trên xa lộ, chiếc xe trắc-xông của đại tá Quyền bị chiếc xe Jeep của đại uý Y săn đuổi theo ráo riết.
Gần tới ngã rẽ vào lối Thủ Đức chiếc Jeep bám sát chiếc xe của đại tá Quyền, rồi một tràng đạn tiểu liên nổ vang. Viên tư lệnh hải quân trung thành với họ Ngô chết gục trên tay lái.
 
Hình
Đại tá hải quân Hồ Tấn Quyền
 
°°°
Giờ G đã đến. Kim đồng hồ chỉ 13 giờ 30. Thiếu tướng Đính lãnh trách nhiệm chỉ huy cuộc hành quân, quàng khăn đỏ ở cổ, ra lệnh khai hoả.
Tiếng súng bắt đầu nổ ở gần Bộ Tổng tham mưu quân đội Cộng hoà; quân của thiếu tướng Mai Hữu Xuân từ Quang Trung kéo về, ngay từ phút đầu đã đè bẹp một lực lượng đặc biệt đóng tại Tân Sơn Nhất, tiến chiếm bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt, làm chủ phía Tây Sài Gòn và phi trường.
 
Cùng một lúc, các đơn vị quân đội đảo chánh tràn chiếm đóng tổng nha cảnh sát quốc gia, nha cảnh sát Đô thành, sở truyền tin, bộ nội vụ, Đài phát thanh Sài Gòn, không gặp một sức kháng cự nào đáng kể.
 
13 giờ 40, tiếng súng bắt đầu nổ dữ dội về phía thành Cộng Hoà sau khi quân đội đảo chánh kêu gọi lữ đoàn liên binh phòng vệ Tổng thống phủ hạ súng, nhưng không kết quả. Điện thoại từ thành Cộng Hoà gọi về dinh Gia Long báo cáo. Đài phát thanh Sài Gòn và tổng nha cảnh sát quốc gia đã bị chiếm, thành Cộng Hoà bắt đầu bị tấn công.
 
Bên ngoài dinh Gia Long bỗng xuất hiện nhiều chiến xa chạy ầm ầm đến. Một cận vệ chạy xuống hầm báo cáo:
- Bẩm Tổng thống, thành Cộng Hoà mới gởi một đoàn chiến xa tới tăng cường phòng thủ dinh Gia Long.
Mặt anh em họ Ngô sáng lên, vẻ mặt tươi vui và mọi người xung quanh có vẻ vững lòng. Nhu tin tưởng bảo Diệm:
- Quân của tướng Đính giữ vững tình thế mà. Hành quân chống đảo chánh theo kế hoạch dự tính đang diễn ra đó. Anh yên tâm.
Diệm trở lại bình tĩnh, bảo trung tá Lê Như.
- Kêu điện thoại ra lệnh cho Lữ đoàn phòng vệ đưa thêm quân ra giữ nhà bưu điện và nhà đèn, rồi gởi công điện đi khắp các vùng chiến thuật, khu chiến, tiểu khu, tỉnh trưởng, quân đoàn, sư đoàn, báo cáo cho các nơi đó biết.
 
Một công điện được thảo ngay: "Sài Gòn đang có lộn xộn, một số thuỷ quân lục chiến làm loạn đang tiến chiếm các cơ sở trọng yếu trong đô thành. Tổng thống vẫn bình yên. Yêu cầu các nơi lo giữ gìn an ninh và tập trung quân sẵn sàng chờ lệnh".
Công điện đánh đi, anh em họ Ngô có vẻ yên trí, bình tĩnh nói chuyện với nhau về tình hình bên ngoài. Ngô Đình Nhu bỗng gọi một sĩ quan tuỳ viên, ra lệnh:
- Anh kêu điện thoại lên Đà Lạt nhắc trung tá Huyền lo an ninh trên đó, biểu ông ta trông chừng mấy đứa nhỏ của tôi.
15 giờ, số điện thoại 23.126 lại reo lên, Bộ Tư lệnh Lữ đoàn phòng vệ ở thành Cộng Hoà báo tin, đã lấy lại được Đài phát thanh và quân của lữ đoàn đang tảo thanh "phản loạn".
Không khí trong hầm dinh Gia Long bỗng nhiên vui vẻ, trên mặt mọi người đều lộ vẻ tin tưởng. Người ta nhắc đến cuộc binh biến ngày 11-11 ba năm trước đây, và tin chắc lần này đến hồi kết cuộc cũng giống như lần trước. Vài sĩ quan trở lên mặt đất quan sát chung quanh dinh. Dưới hầm Ngô Đình Diệm gọi đại uý L. sĩ quan truyền tin đem máy ghi âm đến để thu băng lời "Hiệu triệu Quốc dân". Diệm đọc xong những lời của Nhu viết, rồi ra lệnh cho một sĩ quan cầm cuốn băng ghi âm đưa sang thành Cộng Hoà để đem đến đài Sài Gòn cho phát thanh ngay.
 
Bên ngoài, tiếng súng đã ngưng từ sau khi điện thoại của thành Cộng Hoà báo tin tái chiếm Đài phát thanh bỗng nổ trở lại dữ dội.
 
Nhiều tiếng trọng pháo bắt đầu vang dội, tiếng ấm ì của phi cơ, khu trục xuất hiện trên thành phố và các khẩu súng phòng không đặt lên các lầu cao chung quanh dinh Gia Long, cao xạ hải quân ở bến Bạch Đằng thi nhau nhân đạn.
Điện thoại trong hầm lại reo, viên sĩ quan chỉ huy phòng thủ thành Cộng Hoà báo cáo với Diệm:
- Thưa Tổng thống, chúng tôi mới chiếm lại được có tầng dưới Đài phát thanh, còn phía trên vẫn còn do phản loạn chiếm. Vì vậy không thể phát thanh cuốn băng nhựa, xin trình Tổng thống rõ. Hiện giờ phản loạn mới có thêm lực lượng tăng cường, đang tấn công trở lại dữ dội. Có cả không quân trợ chiến oanh tạc thành Cộng Hoà. Tình hình có vẻ nghiêm trọng lắm, xin Tổng thống định liệu.
 
Nét mặt Diệm trở nên lo lắng, ông tóm tắt lại tình hình vừa nghe cho người em cố vấn hay. Hai người yên lặng, trong khi các sĩ quan rộn rịp lo liên lạc với các nơi. Nhu ra lệnh gọi điện thoại thẳng đến các vùng, khu chiến thuật, các quân đoàn, sư đoàn, dân quân về ứng viện thủ đô. Trung tá Lê Như thảo vội mấy công điện hoả tốc đưa sang truyền tin đánh thêm đi các nơi gọi đem quân về cứu. Một bức điện tối khẩn đánh cho toà đại biểu Huế và chuyển lại Ngô Đình Cẩn báo tin có đảo chánh ở Sài Gòn.
 
Diệm lại gọi sĩ quan truyền tin đem máy ghi âm và cuộn băng khác đến ghi lời "Hiệu triệu của Tổng thống". Rồi Diệm ra lệnh cho mở Đài phát thanh viên đặt dưới hầm dinh Gia Long để truyền thanh cuộn băng mới.
 
Các chuyên viên phụ trách đài này vắng mặt từ khi có tiếng súng nổ, không ai sử dụng được máy móc tối tân của Mỹ quốc viện trợ, nên đành bó tay. Diệm nổi giận, lớn tiếng rầy viên sĩ quan truyền tin khiến ông này hoảng sợ, vội lấy chiếc máy truyền tin thuộc loại quân đội vẫn đem dùng lúc hành quân để phát thanh lời hiệu triệu của Diệm. Loại máy này chỉ phát thanh trong một phạm vi ngắn, đường kính 10 cây số nên "Lời kêu gọi của Tổng thống" không đến tai những thuộc hạ trung thành ở các nơi.
Dinh Gia Long bỗng bắt được đài Huế loan tin: Thiếu tướng Đỗ Cao Trí tư lệnh vùng I chiến thuật đã ban bố tình trạng giới nghiêm và mọi quyền hành tập trung trong tay quân đội. Nghe đài Huế vẫn kêu gọi dân chúng vẫn bình tĩnh "Trung thành đứng sau lưng Ngô Tổng thống", Diệm gật gù nói với em:
- Ở Huế có Đỗ Cao Trí, khỏi lo cho chú Cẩn rồi.
Một sĩ quan tuỳ viên của Diệm nhắc ống điện thoại lên rồi nói:
- Thưa Tổng thống, có thiếu tướng Trần Thiện Khiêm ở Tổng tham mưu muốn nói chuyện với Tổng thống.
Diệm cầm lấy ống nghe, nghiêm hẳn nét mặt giận dữ nói:
- Để tôi nghĩ lại đã. Đợi một chút.
Rồi Diệm bịt ống nói lại, quay sang bảo Nhu:
- Các tướng lãnh nổi loạn yêu cầu tôi từ chức và cùng chú rời khỏi Việt Nam lập tức. Họ đòi tôi phải lên tiếng tuyên bố từ giã trên Đài phát thanh. Chú nghĩ sao?
Nhu trả lời không do dự:
- Anh cứ nói nhận lời, để làm kế hoãn binh đã rồi liệu sau.
Diệm lại cầm ống điện thoại lên:
- Được tôi nhận lời yêu cầu của các tướng lãnh. Hãy cho người xuống dinh nói chuyện.
Rồi Nhu giục các sĩ quan kêu điện thoại tìm cách liên lạc với thiếu tướng Đính để hỏi xem bao giờ ông này bắt đầu phản công đảo chánh. Câu trả lời cho hay tướng Đính không ở văn phòng mà ở tổng tham mưu. Có lẽ ông ta bị bắt rồi.
Diệm vẫn tin tưởng ở viên tướng "hữu dũng" không bao giờ chống lại mình nên nói với em:
- Kế hoạch của chú bàn với Đính, có định bao giờ khởi sự chiến dịch Bravo II không?
- Bốn giờ chiều nay.
Nhìn lại đồng hồ thấy kim chỉ 16 giờ kém 5 phút, Diệm gật gù nói:
- Cũng gần tới 4 giờ rồi. Mà sao không bắt được liên lạc gì với Đính cả? Hay là hắn bị mấy tướng phản loạn giữ lại ở Tổng tham mưu thì nguy?
Giữa lúc ấy Cao Xuân Vỹ Tổng giám đốc thanh niên và trung tá Kiều Quang hớt hải chạy vào. Điện thoại lại reo. Anh em họ Ngô lắng nghe; Thiếu tướng Văn Thành Cao trình báo đã ra lệnh cho các tỉnh miền Tây đem quân về cứu viện thủ đô nhưng mà thuyền qua sông đã bị quân đảo chánh tóm thâu.
Trung tá Nguyễn Hữu Phước, phó đô trưởng nội an trình xin chỉ thị Tổng thống và cố vấn. Dương Văn Hiếu, phụ tá giám đốc cảnh sát đặc biệt trình hiện đang lo lắng từ lúc Nha Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia bị chiếm.
 
Diệm thở dài chán nản. Không khí trong hầm im lặng nặng nề.
 
Những tiếng súng nổ dồn dập bên ngoài vẳng lại. Mọi người tỏ vẻ lo âu Thiếu tá chỉ huy đại đội cận vệ chạy vào báo cáo vừa được tin nhiều toán biệt động quân đến chiếm đóng nhà bưu điện, nhưng không rõ họ theo bên nào.
Các sĩ quan có mặt tại dinh Gia Long từ đầu lần lượt biến đi đâu mất, trong khi những binh sĩ cận vệ vẫn cố thủ quanh vòng rào.
16 giờ 30, viên sĩ quan truyền tin chạy vào trình với Diệm:
- Thưa Tổng thống, đã bắt được Đài phát thanh Sài Gòn có tiếng nói của Hội đồng Tướng lãnh.
Một sĩ quan lấy một chiếc radio transitor đặt lên bàn trước mặt anh em họ Ngô. Tất cả những người có mặt đều xúm lại lặng nghe.
Tiếng nói của trung tướng Dương Văn Minh đọc bản hiệu triệu của "Hội đồng tướng lãnh" dõng dạc vang lên:
"Đồng bào thân mến.
Kể từ giờ phút này quân đội nhất quyết đứng lên để giải thoát đồng bào ra khỏi ách thống trị độc tài.
Ngày mà đồng bào chờ đợi đã đến. Toàn thể quân đội nhận định: với chế độ hiện hữu, công cuộc chống Cộng và cứu quốc của toàn dân sẽ không có hiệu quả…"
 
Trong khi nghe, Ngô Đình Diệm cúi đầu im lặng. Ngô Đình Nhu mím chặt hai môi, vẻ mặt đanh cứng lại, hai mắt nghiêm lạnh nhìn vào chiếc máy phát thanh để trước mặt.
"Với chủ trương tuyệt đối chống đổ máu, Hội đồng Tướng lãnh đã chấp nhận cho Ngô Đình Diệm từ chức và rời khỏi Việt Nam ngay lập tức. Đồng bào sẽ nghe lời từ giã của Ngô Đình Diệm, nay chỉ là một công dân thường trên Đài phát thanh".
 
Điệu nhạc hành quân rộn rã tiếp theo những lời tuyên bố của quân đội đảo chánh càng tăng thêm không khí khẩn trương bao trùm khắp trong hầm. Mọi người im lặng nhìn nhau.
Diệm bảo sĩ quan tuỳ viên gọi điện thoại đến đại sứ Hoa Kỳ, rồi điện đàm bằng tiếng Pháp với Cabot Lodge.
- Tôi báo cho đại sứ hay là quân đội đang nổi loạn.
- Tôi có nghe thấy tiếng súng nổ. Tôi rất quan tâm đến sự an ninh của Tổng thống và báo tin cho ngài hay là quân đội đảo chánh bằng lòng để ngài yên lòng rời khỏi Việt Nam.
Diệm ngừng một lát rồi tiếp:
- Tôi sẽ cố gắng lập lại trật tự.
Lodge nói thêm:
- Nếu tôi có thể làm gì để bảo đảm an ninh cho Tổng thống, xin Tổng thống cho biết.
Diệm bỏ máy xuống, quay sang nói nhỏ với Nhu về những lời vừa trao đổi với đại sứ Hoa Kỳ. Nhu lạnh lùng im lặng trề môi.
 
Chuông điện thoại lại reo. Diệm nhắc máy nghe rồi thốt giọng cáu kỉnh:
- Nói gì, nói lớn lên tôi không nghe gì cả.
Ở đầu dây, tiếng nói của thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, đại diện Hội đồng Tướng lãnh ra điều kiện cho anh em Ngô Đình Diệm, và ra lệnh cho Lữ đoàn phòng vệ bỏ súng để tránh đổ máu giữa anh em. Đáp lại, Hội đồng Tướng lãnh chấp nhận bảo vệ sinh mạng cho hai anh em họ Ngô và để cho hai người rời khỏi Việt Nam trên một chiếc phi cơ riêng, đi ra một xứ ngoại quốc nào mà hai người muốn.
 
Diệm trả lời:
- Tôi muốn nói chuyện thẳng với các tướng lãnh. Yêu cầu các tướng lãnh xuống dinh rồi nói gì thì nói.
Nhu bắt lấy máy Diệm trao cho, nghe thiếu tướng Trần Thiện Khiêm nhắc lại điều kiện vừa rồi tức giận ngắt ngang:
- Tôi không thể chấp nhận đề nghị như vậy.
Rồi bỏ máy xuống, Nhu quay sang bảo Diệm:
- Dù sao ta cũng không thể chấp nhận điều kiện của họ. Chắc họ cho rằng ta đã chịu bó tay rồi chắc?
Nghe cố vấn nói một cách cương quyết, các sĩ quan hiện diện dưới hầm đưa mắt nhìn nhau không rõ Ngô Đình Nhu tin chắc vào đâu mà tỏ thái độ cứng như vậy. Nhu còn hy vọng ở sự quật ngược tình thế của thiếu tướng Đính theo kế hoạch chống đảo chánh của chiến dịch Bravo II do mình thảo ra. Ngoài ra còn lực lượng Thanh niên cộng hoà mà Ngô Đình Nhu là tổng thủ lãnh, và Cao Xuân Vỹ, thủ lãnh Đô thành vừa tuyên bố tin tưởng:
- Xin ông cố vấn yên lòng, tôi đã cho huy động 5.000 Thanh niên cộng hoà có vũ trang. Lực lượng này sẵn sàng chiến đấu và chết cho chúng ta.
Diệm như lây sự tin tưởng của người em cố vấn, quay sang hỏi trung tá Lê Như:
- Có đơn vị nào trả lời chưa? Tới giờ nào họ về đến Sài Gòn?
Trung tá Lê Như báo cáo bằng một giọng yếu ớt:
- Thưa Tổng thống, chúng tôi đã liên lạc với tất cả mọi nơi hầu như không có đơn vị trưởng nào có mặt. Sư đoàn 7 trả lời đại tá Đạm đau, Sư đoàn 5 thì nói đại tá Thiệu đi đâu không rõ, còn Sư đoàn 9, đại tá Dinh trả lời hiện đang hành quân tại Kiến Hoà không về được vì không có phà để sang sông, không biết rồi có lên Sài Gòn kịp không" Còn các nơi khác thì trả lời úp mở quá, e không hy vọng gì được họ.
Vẻ lo ngại và thất vọng bộc lộ trên mặt các sĩ quan hiện diện.
Điện thoại liên lạc với các nơi bắt đầu bị cúp. Dinh Gia Long chỉ còn liên lạc với các nơi bằng máy truyền tin nhưng viên đại uý sĩ quan phụ trách cũng đã biến đâu mất rồi.
Trong khi anh em họ Ngô cảm thấy có sự trục trặc gì về kế hoạch chống đảo chánh đã giao phó cho Đính, thì đoàn thiết giáp của Lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ đang tấn công dữ dội vào Đài phát thanh Sài Gòn. Các binh sĩ cọp biển của tiểu đoàn 1 thuỷ quân lục chiến cố sống chết bám lấy tầng trên đài, đẩy lùi mấy lần xung phong của đối phương.
 
Viên đại uý chỉ huy đoàn thiết giáp gọi quân đảo chánh phải đầu hàng không thì sẽ pháo kích tan đài Sài Gòn. Trước tình thế nguy ngập, đại uý Nhật, tiểu đoàn trưởng thuỷ quân lục chiến thấy không thể mất đài và cũng không thể đ đài bị phá, bèn nghĩ ra kế điều đình giao cho trung uý Châu, cùng hai người lính xung phong đi gặp đối phương.
Đại uý chỉ huy đứng trên xe thiết giáp vội hỏi:
- Các anh đã định đầu hàng chưa?
- Chúng tôi đến để điều đình với đại uý.
Trung uý Châu nói vừa dứt câu, bất thình lình nhảy phức lên xe, dí ngay súng lục vào bụng đại uý thiết giáp quát lớn:
- Chúng tôi đã làm chủ tình thế khắp nơi. Yêu cầu đại uý ra lệnh cho tất cả binh sĩ xuống xe. Tôi đếm đến tiếng thứ ba, nếu đại uý không nghe thì tôi bắn liền. Một...
Đồng thời hai sĩ quan Cọp biển theo trung uý Châu cũng rút súng lục chĩa vào binh sĩ ở trên xe. Đại uý chỉ huy đoàn thiết giáp đành ríu rít ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền nhảy cả xuống xe, trò chơi "cao bồi" của thuỷ quân lục chiến đã quật ngược tình thế.
 
Đài Sài Gòn phải ngưng phát thanh tiếp tục hoạt động lại, 18 giờ 35. Qua làn sóng điện của chiếc radio transito đặt trên bàn dưới hầm dinh Gia Long anh em họ Ngô nghe tiếng xưng tên họ của 4 trung tướng, 10 thiếu tướng, 3 đại tá và 5 thiếu tá đứng trong Hội đồng quân nhân cách mạng kêu gọi các binh sĩ trong quân đội, bảo an, dân vệ, lực lượng nhân dần đứng lên lật để chế độ độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm. Không khí nặng nề bao trùm căn hầm.
 
Các sĩ quan còn lại lo lắng nhìn nhau. Điện thoại từ thành Cộng Hoà gọi về báo cáo bị máy bay oanh tạc, bị đại bác tấn công, sợ khó đương đầu với thuỷ quân lục chiến và nhảy dù bao vây. Đường điện thoại duy nhất còn lại với bên ngoài reo lên, đại sứ Hoa Kỳ gọi nói chuyện với Tổng thống. Viên sĩ quan nghe rõ câu chuyện, thấy Diệm trả lời bằng tiếng Pháp vỏn vẹn có một câu:
- Je refuse, mais merci quand même de votre chaité. (Tôi từ chối, nhưng cũng xin cám ơn lòng bác ái của ông).
Diệm bỏ máy, nói nhỏ với người em cố vấn:
- Cabot Lodge vừa kêu điện thoại đ nghị chúng ta đi ra. Ông hứa đảm bảo với các tướng lãnh cho chúng ta an toàn. Họ để sẵn cho chúng ta một phi cơ. Tôi đã từ chối.
Tiếng súng bên ngoài mỗi lúc một nổ thêm dữ dội với trời sắp tối. Đạn trái phá bắt đầu rớt xuống gần dinh Gia Long rung chuyển dội đến trong hầm. Nội dịch dọn cơm cho hai anh em họ Ngô ngồi ăn dưới hầm.
Nhu tỏ vẻ lo âu, không muốn ăn, Diệm chỉ cầm đũa và qua loa mấy miếng rồi bảo người nội dịch:
- Thôi dọn đi, rồi dọn cơm cho anh em ăn.
19 giờ 30, Đài phát thanh truyền đi quân lệnh số 1 ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hoà từ 20 giờ đến 7 giờ sáng. Thông cáo của Bộ Tư lệnh liên quân quân đội Việt Nam Cộng hoà cho biết sáng ngày 2-11-1963, thứ bảy, công chức các cấp phải đến nhiệm sở tiếp tục làm việc.
19 giờ 40, bản tin đầu tiên truyền đi từ đài Sài Gòn: "Hiện nay, quân đội Cách mạng đã hoàn toàn làm chủ tình thế ở đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn, đã chiếm đóng Đài phát thanh và bắt đầu truyền đi những tin tức thắng lợi của cách mạng. Các cơ sở hải quân chuẩn bị chiến đấu. Dinh Gia Long đang bị bao vây và sẽ tiến chiếm trong cuộc tấn công sắp đến, Lữ đoàn phòng vệ phủ Tổng thống cũng đã đầu hàng, chỉ còn một số nhỏ sẽ bị thanh toán đêm nay.
"Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao, tư lệnh quân đoàn 4, kiêm tư lệnh vùng bốn chiến thuật đã đánh điện đến Hội đồng các tướng lãnh đ hưởng ứng cuộc cách mạng và đặt quân lực vùng bốn chiến thuật dưới quyến điều khiển của Hội đồng".
Nghe xong, Ngô Đình Diệm tỏ vẻ mệt mỏi quay sang nói với Nhu:
- Tôi thấy tình thế nguy lắm. Khỏng thấy tin gì về quân cứu viện. Chú tính sao đây?
Nhu trầm giọng nói:
- Anh đừng thối chí để đó tôi lo. Tôi tính rời khỏi đây ra ngoài, chúng ta tổ chức tiếp tục chiến đấu. Chúng ta còn Thanh niên cộng hoà, thanh niên chiến đấu, anh nghĩ sao?
- Thôi, chú tính sao thì tính.
Diệm quay lại hỏi những thuộc hạ còn lại: trung tá Lê Như, trung tá Kiều Quan, thiếu tá Lê Châu, ba sĩ quan tuỳ viên (đại uý Bằng, đại uý Thọ, đại uý Hùng), và Cao Xuân Vỹ.
- Các ông có cách gì ra khỏi nơi đây không"
Người bàn nên ra Khánh Hội vượt qua sông rồi xuống miền Tây, người đề nghị vào một toà Đại sứ tạm lánh…
Nhưng Diệm đều lắc đầu:
- Không được?
Trong khi Diệm đang bàn tính cùng mấy sĩ quan trung thành, Nhu kéo Cao Xuân Vỹ ra một góc nói nhỏ với nhau. Một lúc, Nhu quay lại bảo anh:
- Thôi đừng bàn cãi nữa, tôi đã có kế hoạch rồi. Anh sửa soạn sẵn, rồi chúng ta đi.
Tiếp theo lời Ngô Đình Nhu, tiếng của xướng ngôn viên ở chiếc radio nổi lên đọc bản thông cáo của Bộ Tổng tham mưu liên quân quân đội Việt Nam Cộng hoà kêu gọi các Bộ trưởng của chánh phủ Ngô Đình Diệm phải liên lạc với Bộ tham mưu bằng điện thoại, và ra trình diện thời hạn đến 24 giờ đêm ngày 1-11-1963. Quá hạn này, quân đội sẽ không bảo vệ sinh mạng.
Nhu vừa ngoắt Cao Xuân Vỹ theo, dừng bước ở tầng cấp hầm, nghe xong bản thông cáo nhìn đồng hồ chỉ 20 giờ 08 rồi trở lên văn phòng. Trung uý S. sĩ quan hầu cận trung thành vẫn ngồi cầm súng gác ở phòng giấy của cố vấn từ hồi trưa, thấy Nhu xuất hiện vội đứng lên chào. Nhu khoát tay, đi trước, thẳng đến bàn giấy thường ngồi làm việc, bấm chuông gọi người cận vệ vào:
- Lấy cho tao một cái va-li không, thứ lớn, đem ngay vô đây.
Người cận vệ chạy đi, rồi trở lại ngay với một chiếc va-li lớn.
Ngô Đình Nhu tự mở lấy tủ sách ở văn phòng, lấy ra từng bó giấy bạc 500 đồng còn mới tinh xếp đầy ắp va-li rồi lấy từng chiếc hộp nhỏ đựng kim cương ở trong tủ sắt bỏ vào cạc-táp da cùng mấy xấp đô-la giấy hai mươi và giấy trăm.
Trong khi ấy, Cao Xuân Vỹ gọi điện thoại cho trung tá Phước ở Toà đô chính:
- Anh tìm cho một chiếc xe hơi để chờ sẵn ở Toà đô chính.
Nhu thu vén vàng, bạc, kim cương và ngoại tệ, khoá va-li lại cả hai đầu, bấm chuông gọi người cận vệ xách ra để trên chiếc xe của Cao Xuân Vỹ đậu ở dinh Gia Long rồi ôm chiếc cạc-táp trở xuống hầm, trong khi Vỹ chạy qua Toà đô chính. Dưới hầm, Ngô Đình Diệm cũng đã sửa soạn xong, hai sĩ quan tuỳ viên xếp quần áo cho Diệm trong một va-li lớn mang theo, và Diệm ôm một chiếc cạc-táp đen lớn.
 
20 giờ 30, Cao Xuân Vỹ trở lại, lái một chiếc xe hai mã lực loại chở hàng, đậu ở sân dinh Gia Long. Anh em họ Ngô đã sẵn sàng dưới hầm. Vỹ chạy xuống nói với Nhu:
- Mọi việc xong xuôi cả rồi. Tôi đã liên lạc báo cho Mã Tuyên biết trước. Y đã lo sẵn một chỗ rất kín đáo. Xin ông Tổng thống và cố vấn lên đường.
Thấy sĩ quan hầu cận, đại uý Thọ xách chiếc va-li lớn đựng quần áo của Diệm, Vỹ nói:
- Xe chật lắm, để chiếc va-li lại, sẽ trở lại lấy sau.
Ngô Đình Diệm bước lại dặn mấy sĩ quan có nhiệm vụ phòng thủ dinh Gia Long:
- Các ông cứ ở đây, ai lo phận sự nấy, sẽ có lệnh sau.
Giọng nói của Diệm hơi run run, lộ sự xúc động qua nét mặt trong khi Nhu vẫn lạnh lùng, dí diếu thuốc lá đang hút dở dưới mũi giầy.
Hai anh em Tổng thống bước ra khỏi hầm dinh Gia Long, mỗi người khoác một chiếc áo ngoài. Nhu kéo cổ áo che gáy, Diệm đội chiếc mũ sụp xuống tận mắt.
 
Trời tối, sân dinh Gia Long chỉ mờ mờ ánh đèn phía ngoài đường chiếu vào. Chung quanh dinh, những chiến xa án ngữ ở các ngã tư vẫn sừng sững chĩa họng súng về phía trước. Tiếng súng nổ lẻ tẻ phía thành Cộng Hoà, từng lúc ầm lên tiếng đạn móc chê. Các đám cháy trong thành Cộng Hoà hắt lên nền trời đen tối một màu đỏ thẫm rực máu.
 
Hai anh em họ Ngô bước vào ngồi trong chiếc xe chở hàng hai mã lực của Trung tâm Sinh hoạt thanh niên vừa chở bánh mì đến Toà đô chính cho Thanh niên cộng hoà, được gác ở đây, theo lệnh của phó đô trưởng nội an trung tá Phước. Cao Xuân Vỹ lấy chiếc xe này đưa qua dinh Gia Long và một đại uý của Trung tâm Sinh hoạt thanh niên cầm tay lái thay tài xế vừa đi ăn cơm tối.
 
Đi theo Tổng thống và cố vấn có hai sĩ quan tuỳ viên của hai người. Đại uý Đỗ Thọ ngồi phía sau xe với anh em Diệm, đại uý Bằng ngồi cạnh người lái xe để chỉ đường. Một chiếc xe Jeep chạy theo sau hộ tống. Đường phố giờ này vắng vẻ, thấp thoáng bóng các binh sĩ thuộc Lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ đứng gác cạnh các gốc cây.
 
Chiếc xe chở anh em họ Ngô rời khỏi dinh Gia Long theo lối cửa mở ra đường Pasteur rẽ vào cửa hông sau Toà đô chính và tr ra trước, cạnh kho tiết kiệm, nhìn thẳng vườn hoa ở đầu đại lộ Nguyễn Huệ.
 
Xe chạy qua trước rạp chiếu bóng Rex, theo đại lộ Lê Lợi, qua chợ Bến Thành, theo đường Phạm Hồng Thái lên Lê Văn Duyệt đến ngã tư Phan Thanh Giản thì quặt ngã tay trái chạy về phía Chợ Lớn.
Trong khi Diệm ngồi thu mình lầm rầm đọc kinh, Nhu mở rộng đôi mắt sáng quắc nhìn qua hai bên đường. Chiếc xe vẫn chạy mau mỗi khi gặp một ngã tư đèn đỏ thì lại rẽ qua con đường khác, không ngừng chạy…
Xe ngừng lại trước cửa nhà thờ Cha Tam, ngôi nhà thờ sừng sững giữa một khu phố người Trung Hoa. Lễ nhất buổi sáng đã chấm dứt. Trong nhà thờ chỉ còn thưa thớt vài người còn nán lại cầu nguyện.
 
Anh em Diệm xuống xe, đi thẳng vào nhà thờ. Một vài người qua đường nhận ra Ngô Đình Diệm, đứng lại nhìn vào trong. Lối mười người tò mò đứng lại phía ngoài cửa nhà thờ bàn tán chỉ trỏ.
 
Hai anh em bước lên hàng ghế trên, quỳ xuống trước bàn thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp lâm râm khấn nguyện.
 
Đọc kinh xong, Diệm gặp cha Sở xin được xưng tội chịu lễ. Cha cai quản nhà thờ chấp thuận giải tội và ban mình Thánh cho hai anh em sau đó, Diệm bảo sĩ quan tuỳ viên kêu điện thoại về Bộ Tổng tham mưu báo tin cho Hội đồng tướng lãnh đem xe vào rước.
 
Dọn mình chịu lễ xong, anh em họ Ngô ra đi quanh nhà thờ, đến trước hang đá Đức Mẹ cầu nguyện, rồi vào văn phòng Cha Sở chờ đợi. Cả hai đều tỏ vẻ nóng ruột, thỉnh thoắng lại hỏi sĩ quan tuỳ viên:
- Xe đón đã tới chưa?
Sau khi biết tin anh em Diệm, Nhu ẩn náu tại nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn. Hội đồng tướng lãnh cử đại tá Dương Ngọc Lắm, Tổng giám đốc Bảo an đi đón về; có hai thiếu tá đi theo: Nguyễn Nhung, người của tướng Big Minh và Phan Hoà Hiệp thuộc binh chủng thiết giáp:
-Thấy mặt Lắm, Diệm đi ra, còn Nhu thì cau mày mím môi. Lắm vẫn giữ lễ độ - vì dù sao cũng không thể trở mặt với một người mình đã coi như cha nuôi - mời hai anh em Diệm ra xe sau đó, ông ta lánh mặt luôn.
Vừa lúc ấy, một chiếc thiết giáp lùi đuôi vào cổng nhà thờ.
Thiếu tá Nhung và thiếu tá Hiệp xuống xe mời hai kẻ chiến bại bước lên.
- Sao lại đưa xe này đi đón chúng tôi? - Nhu hỏi.
- Không đón bằng thứ xe này, dân chúng sẽ giết chết hai ông! - Hiệp quắc mắt lên đáp.
Trong khi hai anh em Diệm dùng dằng, Hiệp hất tay ra hiệu cho quân lính ào tới trói giật cánh khuỷu hai người lại rồi đẩy lên chiếc M-113.
Hai thiếu tá Nguyễn Nhung và Phan Hoà Hiệp cùng ngồi trên chiếc xe ấy và áp dẫn Diệm, Nhu trở về. Tất nhiên là họ đã có lệnh giết cả hai anh em nhà này để diệt trừ hậu hoạ.
Ảnh: Anh em Diệm Nhu cầu kinh tại bàn cầu nguyện này tại nhà thờ Cha Tam, trước khi bị giết chết. (Nguồn: Mõ Hà Nội)
Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại ngày 2-11-63(Nguồn: Mõ Hà Nội)
 
Các tướng lãnh đảo chính giết chết TT Ngô Đình Diệm(Nguồn: Mõ Hà Nội)
 
 
 Mộ Ngô Đình Diệm đơn giản nằm gần như vô danh (dưới tên GIOAN BAOTIXITA HUYNH) trong nghĩa địa Lái Thiêu (Nguồn: Mõ Hà Nội)