Chương 13

Trưa hôm Ba Cụt rơi đầu trên máy chém, tại dinh Độc Lập, một bữa tiệc lớn tụ họp anh em họ Ngô nhân dịp lễ thánh bổn mạng đứa con trai đầu của hai vợ chồng Lệ.
Diệm gọi cháu trai đến bên mình vỗ vai nói:
- Cháu lớn lên rồi bác nhường ngôi Tổng thống lại cho.
Lệ cười nói:
- Anh làm như ghế Tổng thống là ngôi hoàng đế truyền tử lưu tôn không bằng.
- Chớ thím nghĩ không phải sao? Tôi ngồi chức Tổng thống hai nhiệm kỳ cũng mười năm, rồi nhường lại cho chú, thêm mười năm nữa thì vừa cháu lớn lên, đủ tuổi tiếp tục ba cháu để trị vì, nối dõi cho họ Ngô. Còn ai vô đó nữa?
Với tâm trạng tự cho mình có sứ mạng thiêng liêng, như một vị thiên tử từ xưa, Ngô Đình Diệm xem địa vị Tổng thống không khác nào ngôi vua dành riêng cho gia đình họ Ngô, với tất cả những quyền tối thượng.
Một cố vấn chính trị Mỹ, giáo sư Bernard Fall, thuộc tổ chức Liên phòng Đông Nam A đưa ra nhận xét:
- Ngày trước, Hoàng đế lãnh sứ mạng của Trời cho dân chúng chỉ có biết tuân theo. Ngày nay Diệm cũng tự cho mình mang trọng trách đó nên không chịu chấp nhận bất cứ một lời phê bình nào. Người Mỹ phải nằn nì gợi ý cho Diệm vài thể thức "dân chủ" bề ngoài để Diệm đóng vai nhân vật trung thành của thế giới tự do. Eisenhower, Collins thỉnh thoảng lại phải thúc giục, nhắc nhở Diệm là ở thời đại ngày nay người ta không thể trị vì mà không có một hình thức mị dân là đặt ra quốc hội và hiến pháp.
Diệm bực mình bất đắc dĩ phải nghe theo Ngô Đình Nhu với tư cách Cố vấn chính trị của Tổng thống, đưa ra một hiến pháp trao cho Tổng thống có quyền chỉ định tất cả Tổng trưởng, bộ trưởng, chỉ có trách nhiệm trước Tổng thống. Ngoài ra, Tổng thống có quyền ban hành sắc luật trong trường hợp khẩn cấp, chiến tranh, nổi loạn, khủng hoảng kinh tế hay tài chính cùng ban bố tình trạng khẩn cấp, báo động và giới nghiêm.
Mọi sự quyết định của quốc hội đều phải có sự chuẩn y của Tổng thống mới được thi hành.
Về tự do, điều khoản 98 ghi rõ: "Trong nhiệm kỳ thứ nhất Tổng thống có thể ký sắc lệnh tạm thời ngừng thi hành các sự tự do đi lại và cư trú, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do nghiệp đoàn và quyền đình công.
Tổng thống có quyền bỏ tù, bắt giam bất cứ ai bị coi như là nguy hại cho sự phóng thủ quốc gia và an ninh chung.
Diệm nhắc lại cho Lệ nghe, rồi đắc chí nói:
- Với những lợi khí hợp pháp này của chú đã có công đặt ra, họ Ngô có thể danh chánh ngôn thuận trị vì đến muôn năm. Thím có để ý đến chế độ Franco ở Tây Ban Nha không? Cũng là một nước đã bị nội chiến. Cộng sản phá phách, nhưng biết trị vì bằng bàn tay sắt thì duy trì mãi được. Franco cũng là người Công giáo, nhưng không có được viện trợ mạnh của Mỹ như mình đây. Chú và tôi khéo phối hợp hai yếu tố này thì chính quyền bất di bất dịch. Thím coi, hiện trong chính phủ có 41 người là Công giáo, chiếm hết hai phần ba số Tổng trưởng, bộ trưởng và các chức vụ quan trọng mà có ai dám phản đối nói gì đâu? Mình đã mượn tay quân đội diệt trừ yên các giáo phái võ trang, dùng bọn chính trị chạy theo mình để truất phế Bảo Đại, dẹp xong ảnh hưởng của Pháp, thâu gồm tất cả về một mối rồi còn lực lượng nào chống đối mình nữa? Như vậy, việc tôi nói với cháu, trong tương lai sẽ nối chí tôi và ba cháu làm Tổng thống không phải là việc nói chơi cho vui đâu. Đức Cha chỉ có một mình, tôi thì không vợ con, tất nhiên con của chú thím có quyền được thừa hưởng chớ còn ai vô đây?
 
Diệm còn nói nhiều, nhiều nữa, trong lúc cao hứng nhấp một ít rượu mạnh, nhưng Lệ không còn tâm trí để nghe, vì nghĩ đến cuộc hẹn hò với tướng Đôn ở Đà Lạt. Lệ lấy cớ cho các con đi Đà Lạt đổi gió mấy hôm, và đã nhắn tin cho người tình võ biền lên trên ấy gặp nàng. Chuyến phi cơ riêng chở Lệ và các con "ông cố vấn" sẽ cất cánh vào chiều nay. Ngồi trên máy bay Lệ lấy cuốn sách mang theo, tiểu sử Marie Antoinette của Stefan Zweig, nhìn bức tranh nữ hoàng danh tiếng thời Cách mạng Pháp, để ý chiếc áo mặc hở cổ rộng của người đẹp, liền bảo với bà dì ruột kỹ sư, bí thư của Lệ:
- Dì xem, tôi mặc áo kiểu này có đẹp không?
Ngắm nghía bức tranh rồi nhìn Lệ, bà bí thư đáp:
- Bà cố vấn hợp với kiểu áo như thế này lắm. Để về Sài Gòn tôi sẽ đưa mẫu này bảo thợ may cắt cho bà cố vấn mặc thử. Bà cố vấn có thể lăng xê mốt áo này cho phụ nữ ta bắt chước theo đó.
Lệ có vẻ hài lòng nói:
- Ừ dì lo sao cho sớm để đến đêm dự tiệc đãi khách ngoại quốc vào tối thứ bảy này tôi kịp có mặc thì hay lắm.
- Vâng, còn hai hôm nữa. Như vậy tôi phải trở về Sài Gòn ngay mới kịp được. Máy bay đến Đà Lạt, tôi sẽ trở về Sài Gòn luôn, bảo thợ may cắt gấp, đến trưa thứ bảy bà cố vấn về, cho thử, đến tối có. Bà cố vấn chọn màu gì?
- Tôi sẵn có mấy xấp tơ lụa thượng hạng người ta biếu để ở dinh, dì về biểu lấy mà đưa đi may. Bảo cắt luôn ba chiếc áo màu khác nhau.
- Vâng, tôi sẽ dặn người thợ may quen cẩn thận theo kích thước đã có sẵn của bà cố vấn.
Lệ hỏi:
- Nên đặt cho kiểu áo này tên gì?
- Sao không lấy tên "kiểu áo của bà cố vấn.
Lệ cười gật đầu bằng lòng, rồi đưa tay lật qua những trang sách.
Nàng bỗng để ý chương hai cuốn Marie Antoinette với tiểu tựa "Bí mật phòng trung".
Lệ lướt mắt qua nhanh những dòng chữ, nhận thấy cuộc đời sinh lý của hoàng đế Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette có những điểm y hệt như nàng với chồng. Nhất là Louis XVI sao giống anh chồng nàng đến thế! Lệ mỉm cười trao cho bà bí thư xem đoạn nói về thực trạng cơ thể của Louis XVI, vì yếu hèn về sinh lý, bị dồn ép, nên thường tỏ ra vụng về, nhút nhát, cả thẹn, tránh những cuộc hội họp đông đảo và nhất là xa lánh đàn bà.
Bà dì kỹ sư goá chồng, tiêm nhiễm Tây học khá nhiều, được Lệ mời vào dinh làm bí thư, xem như là một nữ quan hầu cận công nương ngày xưa ở Âu châu, và thường nhỏ to tâm sự. Lệ vẫn trò chuyện bằng tiếng Pháp và gọi bà là "ma confidente"(1), nhất là về các chuyện tâm tình, riêng tư, và tin cậy vào sự kín đáo, dè dặt của người em ruột mẹ nàng.
Bà bí thư nhỏ nhẹ, khéo léo, luôn làm vừa lòng đứa cháu gái tánh nết ngang ngạnh, kiêu kỳ, động cỡn, và lắm lúc bạo mồm bạo miệng lạ lùng. Bà không còn ngạc nhiên trước những ham thích mới lạ thay đổi của Lệ và thường giữ một thái độ vô cùng điềm đạm đối với những hành vi hay những lời nói của Lệ. Bà cũng không phụ lòng Lệ cậy của Lệ, và đoán trước những sở thích đòi hỏi để làm vừa lòng. Thấy Lệ bỗng nhiên đề cập đến người anh chồng mà dư luận trong nước xầm xì là bất lực, không thể gần gũi đàn bà, mà so sánh với vua Louis XVI bà chỉ mỉm cười đáp:
- Cũng có thể như thế được. Song có gì làm bằng chứng cụ thể trong trường hợp đó được? Nhưng cô (mỗi lần thân mật bà vẫn gọi Lệ bằng cô) so sánh Tổng thống với vua Louis XVI là có ý định muốn nói gì?
Lệ không trả lời thẳng vào câu nói, mà đưa một đoạn sách cho bà bí thư đọc như sau:
"Gần như luôn luôn có một định mệnh bí mật định đoạt số phận những việc rõ rệt ở đời; hầu như những biến cố trên thế giới đều là phản ánh của những xung đột thầm kín.
Một trong những điều bí mật nhất của lịch sử là qui cho các sự kiện thầm kín nhiều hậu quả không lường, và đây không phải là lần cuối cùng mà quái trạng dục tình của một cá nhân làm đảo lộn cả chung quanh".
Đợi bà dì đọc xong, Lệ thân mật hỏi:
- Cô nghĩ thế nào?
Bà bí thư không biết trả lời thế nào trước câu hỏi tinh nghịch và bất ngờ của cô cháu, cười cười nói:
- Cô làm cho mọi sự thêm rắc rối về nhận xét lạ lùng của cô. Có thể là đúng mà cũng có thể là sai. Cô không có đủ yếu tố để quả quyết nên không có ý kiến chắc chắn được.
Lệ nghiêm chỉnh nói:
- Cháu chỉ muốn hỏi ý kiến của cô đối với những lời phân tích của tác giả đối với Louis XVI.
Bà bí thư thoái thác trả lời:
- Ừ việc đời có thể như vậy lắm. "Nếu cái mũi của Cléopatre dài thêm một tí nữa", có lẽ cục diện thế giới ngày nay đã biến đổi khác. Lịch sử nhiều lúc đảo lộn, có khi chỉ vì "bí mật phòng khuê" (secret d’ alcôve) như tác giả nói ở đây. Cô cho tôi mượn cuốn Marie Antoinette này đọc nhé.
Lệ nói:
- Cháu phải giao cho cô cuốn sách này để cô đưa về Sài Gòn cho thợ may theo đó mà cả kiểu áo chứ.
- Cô rõ ngốc thật.
Câu chuyện chiếc áo cổ rộng của Lệ phỏng theo Marie Antoinette chấm dứt khi chiếc phi cơ đảo quanh hạ xuống sân bay Liên Khương.
Trong khi Lệ cùng các con về biệt thự riêng ở Đà Lạt thì bà dì bí thư trở về Sài Gòn để lo đốc thúc may kiểu áo hở cổ cho "bà cố vấn" kịp mặc vào buổi dạ tiệc thứ bảy.
Ngồi trên chiếc máy bay trở về, bà bí thư ngẫm nghĩ về thái độ của cháu gái, nhận thấy Lệ đã dần dà rời xa khỏi con đường làm vợ, làm mẹ của một người đàn bà con nhà gia thế.
Các vụ ngoại tình của Lệ gần đây với các vị tướng tá, bà cũng đều nghe biết, và lấy tư cách của một người dì ruột, đã xa xôi nói cho Lệ biết để phòng ngừa những tiếng tăm nguy hại, nếu không phải là kêu gọi nàng trở về với bổn phận. Nhưng Lệ vẫn làm ngơ và có lần còn tỏ vẻ khó chịu, không muốn cho một ai can dự vào đời tư mình.
Từ sau đó, bà bí thư dè dặt tránh hết mọi sự khuyên nhủ cháu gái, ngoài một bức thư gửi cho Bà Trạng Trần, bóng gió nhờ chị ruột viết về ngăn cản Lệ. Song rồi cũng chẳng thấy gì, bà nghĩ có lẽ bà Trạng ở vào một trường hợp có thể khuyên bảo con gái đừng ngoại tình.
 
Với tư cách bí thư, bà chỉ lo hoàn thành những công việc của Lệ giao phó, đành lòng không biết đến những cuộc phiêu lưu tình ái của Lệ. Thỉnh thoảng Lệ có tâm sự hay hỏi han gì về dư luận bên ngoài đối với nàng, bà giữ một thái độ khách quan trình bày lại những điều nghe thấy không thêm ý kiến riêng hoặc nhận xét của bà, tỏ vẻ hoàn toàn đứng ngoài cuộc đời tư của cháu gái.
Trước sự kín đáo, tế nhị của cô ruột, Lệ càng tỏ ý tin cậy bà hơn và những việc bí mật, quan trọng, nhiều khi Lệ cũng không giấu diếm. Ngoài số lương tháng hậu hĩnh, thừa đủ cho bà ăn ở tại một khách sạn lớn sang trọng cạnh bờ sông Sài Gòn và một chiếc xe hơi riêng có tài xế túc trực, thỉnh thoảng Lệ còn giúp bà một món tiền đáng kể, trích ở số hoa hồng lớn lao của áp-phe.
Goá chồng luống tuổi, bà kỹ sư bí thư cũng không còn đòi hỏi gì hơn, nhất là bà chỉ có một mụn con gái, đang được chu cấp ăn học tại Nhật Bản. Ngoài ra bà không thể lay chuyển được Lệ mà tâm tính càng ngày càng biến đổi theo với quyền hành và tiền bạc quá nhiều ở trong tay.
 
Một hôm, chồng Lệ đã mời bà vào văn phòng riêng để hỏi chuyện. Nhìn thấy vẻ mặt cháu rể hơi nghiêm trọng, bà đã hơi lo ngại, song đến khi thấy "ông cố vấn" đầy quyền hành, kiêu hãnh, tự cao, kể lể bằng một giọng tâm sự về những hành động ngang trái của vợ và ngỏ lời nhờ bà tìm cách khuyên răn, để tránh tiếng chung cho Lệ và họ Ngô, bà đâm ra mủi lòng, rơm rớm nước mắt bảo Ngô Đình Nhu:
- Cháu cũng nên hiểu cho địa vị khó xử của cô. Vợ cháu thì nóng nảy, nông nổi, nhưng dù sao cô cũng hết sức để khuyên nhủ vợ cháu.
Sau đó, bà đem chuyện này kể lại cho Lệ nghe, để gián tiếp khuyên nàng và dò xem phản ứng ra sao. Lệ chỉ cười nhạt nói:
- Tại sao tôi lại đi yêu người khác? Anh ấy cứ tự hỏi lấy mình thì biết chứ! Có phải tôi muốn thế đâu!
Rồi nàng hạ giọng, tâm sự:
- Cô ơi, cô là đàn bà, cô cũng hiểu rằng tại sao người đàn bà có chồng, có con tử tế mà lại ngoại tình. Cháu cũng khổ tâm lắm chớ. Cháu có vui sướng gì mà nay yêu người này mai yêu người khác. Nhưng số cháu như vậy, biết làm sao? Tại sao cháu lại không có được một người chồng đúng như ý muốn?
Nghe những lời của Lệ thốt ra và rơm rớm nước mắt, bà bí thư thấy ái ngại, không còn hiểu thế nào là phải nữa.
Người chồng có vợ ngoại tình đến nhờ bà, người vợ phiêu lưu đưa ra những lý lẽ bào chữa mơ hồ song không phải là hoàn toàn sai. Ở giữa, với địa vị người dì ruột có thể thay mặt mẹ, bà phải nói với Lệ ra sao đây?
Sau nhiều ngày suy nghĩ, một hôm gặp lúc Lệ đang vui, một mình ở văn phòng, bà đến gần, lấy giọng hết sức dịu dàng, thân ái, rào trước đón sau, mở lời hỏi Lệ vì sao mà phải làm như thế, tiền bạc trong tay, muốn gì được nấy.
- Phải, tôi có nhiều quyền hành, nhiều tiền bạc, nhiều thứ mà mọi người đàn bà đều mong ước và lấy đó làm thoả mãn, cho thế là đẩy đủ mãn nguyện lắm rồi, nhưng tôi thành thật hỏi dì, và cũng mong dì thành thật trả lời tôi, là giàu sang, danh vọng có mang lại hạnh phúc không? Địa vị của tôi hiện giờ, đường đường một vị đệ nhất phu nhân, ai cũng cho là sung sướng tột bậc rồi và có lẽ dì cũng nghĩ như thế, chắc hẳn một người đàn bà được đến chỗ cao sang như vậy còn mong muốn gì hơn nữa? Nhưng đối với tôi thì không? Dì muốn bảo là cháu của dì có nhiều tham vọng quá đáng, có nhiều đam mê tưởng tượng, hay tâm hồn quá mơ mộng, lãng mạn… hoặc dì có thể nghiêm khắc buộc tội cháu là hư hỏng, "mẹ nào con nấy" - (telle mère telle fille - nguyên văn lời nói tiếng Pháp của Lệ) - quen thân mất nết đi rồi, thì cháu cũng đành chịu… Song dì bấy lâu ở gần cháu, thân thiết với cháu còn hơn là mẹ cháu nhiều lắm, và dì là người đàn bà mà cháu thật tình mến hơn cả mẹ cháu nữa… dì có học thức khá, từng trải ở đời, đứng tuổi, chắc chắn là dì phải có nhận định hơn những người đàn bà thường tình khác, cháu hỏi thật dì nếu dì ở vào chỗ của cháu thì dì có như cháu không, dì sẽ ra sao?
Những lời nói dồn dập, có vẻ đầy chân thành của Lệ thốt ra không ngớt, như dồn bà kỹ sư - bí thư họ Trần - vào chân tường tình cảm. Bà cũng không dè đứa cháu gái lại quá ác đẩy cô vào một góc cạnh tâm tình éo le như vậy. Trước tâm trạng phô bày không che đậy của Lệ, bà không thể đáp lại bằng lối giả dối né tránh hoặc trả lời qua loa cho xong chuyện là được. Lệ đã quý mến, chân thành tâm sự hỏi han, lẽ nào bà dì ruột mà Lệ đã xác nhận là nàng thấy thân cận hơn mẹ, lại không đối xử thật tình? Dù Lệ có không bằng lòng vì những lời lẽ của bà, hoặc có xảy ra những gì phương hại đến địa vị "bí thư của bà cố vấn" do sự sứt mẻ tình cảm chăng nữa vì thái độ ngay thật của bà, thì bà cũng phải nói ra. Lòng tự ái của một phụ nữ học thức, tình yêu thương đối với cháu, sự khôn ngoan của bà goá phụ kỹ sư và kinh nghiệm sống của một phụ nữ đài các, con nhà thi lễ, nho giáo, đã tiêm nhiễm sâu đậm nếp sống Tây phương, bao nhiêu yếu tố phức tạp ở người đàn bà xuân sắc đã ngoài bốn mươi nhưng chưa phải là già, khiến bà hồi tưởng lại thời còn trẻ trung, tràn đấy nhựa sống và tình yêu của mình.
Nghĩ đến người chồng kỹ sư chết sớm, vì thiếu sức khỏe, bỗng nhiên bà đâm ra ân hận, nghĩ là mình đã có trách nhiệm một phần nào khiến cho người bạn trăm năm nửa chừng lìa bỏ cuộc sống. Trong bao nhiêu nguyên do phải chăng là vì nhiều lúc dường như ông kỹ sư cố vấn để làm thoả mãn những đòi hỏi của bà vợ đầy xuân sắc, rồi do đó mà kiệt sức thành lao đến đỗi mệnh một?
Trong thoáng qua, nỗi ân hận của người đàn bà thương chồng, cương quyết ở vậy không chịu tái giá, dù lắm khi bị những thôi thúc bên ngoài và ở nội tâm, bà góa phụ kỹ sư nghĩ đến Nhu hình như đã phải nghiền chất ma tuý để làm thoả mãn vợ, mà đâm ra thương hại lạ lùng. Bà nghĩ đến bao nhiêu cố gắng đè nén những đòi hỏi xác thịt của bản thân mình, từ sau khi chồng chết, nhất là vào độ hồi xuân mà không khỏi rùng mình.
Ngày nay, đã quá nửa đời người, mái tóc dài đen mướt đã chen lẫn những sợi bạc, mà đôi khi lòng bà còn rung động khác thường, qua vài hình ảnh, đôi ba trang sách gợi nhớ lại thời son trẻ. Trong khi bà thuộc vào thế hệ cũ, câu "tam tòng tứ đức" và khuôn mẫu người đàn bà "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" in sâu vào đầu óc đã khởi sự học vỡ lòng bằng kinh sách chữ Hán "nhân chi sơ tánh bản thiện", đúng theo nền nếp con nhà vọng tộc. Dòng dõi đại gia, quý phái đã kềm giữ, ràng buộc bà trong đường lối nghiêm ngặt đến khắt khe của lễ giáo cổ truyền, từ lúc còn con gái đến về nhà chồng, cho tới sau khi chồng chết. Mặc dù ông cụ thân sinh là Đồng Các Đại Học Sĩ, nho học tinh thông, bà là một người thấu hiểu văn hoá Tây phương, qua bảy năm trời học hỏi và sống tại Ba Lê, có nhiều tư tưởng phóng khoáng, tiến bộ, và sống một cuộc đời rộng rãi, tự nhiên. Nhưng nếp sống nho phong trong gia đình và hoàn cảnh chung quanh đã làm cho bà thuần phục với những hình thức truyền thống từ thời thơ dại. Những năm theo học chữ Pháp, ảnh hưởng của văn hoá Tây phương không biến đổi được con người phụ nữ Đông phương ở bà và đến lúc về làm vợ nhà kỹ sư đầu tiên của Việt Nam mà thiên hạ gọi là "ông bác vật" bà cũng giữ mình như vậy.
 
Tính chất thuần thục, chịu đựng của phụ nữ Á Đông dường như đã ảnh hưởng sâu đậm đến tâm trạng của bà, khiến bà không khỏi kinh ngạc rồi đau xót khi nghe thấy người chị ruột cùng cha, một mẹ, cũng một dòng máu với mình, bà Trạng Trần, lại có thể vượt khỏi lề lối đã vạch sẵn cho người đàn bà phương Đông. Bà đã âm thầm buồn khổ trước những hành động quá lãng mạn của chị ruột, mà không biết làm cách nào ngăn cản, rồi nay đến lượt con gái của chị.
Những lời lẽ bộc lộ của Lệ làm cho bà không khỏi băn khoăn, ngỡ ngàng. Rồi trong thoáng qua, bao nhiêu thắc mắc, kỷ niệm quá khứ hiện ra, bà im lặng suy nghĩ hồi lâu, rồi thong thả nói:
- Trước hết, với tư cách là dì ruột của cháu, dì xin thành thật nói với cháu là dì cũng đã sống qua tâm trạng của một người vợ không được thoả mãn, nhưng dì thuộc vào lớp người đàn bà xưa, bắt đầu đi học bằng chữ nho. Ông ngoại cháu đã cho mẹ cháu với dì đi học chữ Pháp, đến độ nói năng được trôi chảy như dì đang nói với cháu đây, song có hấp thụ văn minh Tây phương dì cũng là thế hệ của phụ nữ Á Đông, do đó mà lối suy nghĩ cũng như tâm hồn, nếp sống của dì khác xa cháu nhiều. Cháu là người của thế hệ sau, gần gũi với đời sống mới, không bị ảnh hưởng ràng buộc của lễ giáo cổ kính xưa.
Lệ ngắt lời, hỏi đột ngột:
- Thế còn mẹ cháu thì sao? Mẹ cháu cũng cùng một thế hệ như dì, tuổi lớn hơn dì nữa, tại sao lại không giống như dì, mà còn có các cuộc phiêu lưu lãng mạn, và vẫn có lẽ đa tình lắm vậy?
Bà goá phụ phân vân một lúc, rồi đáp:
- Mẹ cháu tuy cũng đã học chữ nho như dì, và mẹ cháu còn giỏi hơn nữa, làm được cả thơ Đường luật bằng chữ Hán, song mẹ cháu gặp một hoàn cảnh khác, tiêm nhiễm qua nhiều nếp sống Tây phương, lại không lấy được người chồng theo như lý tưởng mơ mộng của mình, nên mới sinh ra những chuyện này nọ. Dì vẫn thấy thương hơn là trách mẹ cháu, mặc dù không khỏi xót xa vì những lời thiên hạ đàm tiếu đến gia phong nhà họ Trần. Cho nên, vừa rồi cháu hỏi dì mà thật tình dì cũng không biết nói sao cho nó phải. Mỗi người có một hoàn cảnh, một lối sống, có thể nào bắt ai giống ai được đâu? Ở đời, có ai dám tự cho mình là hoàn hảo để lên tiếng chê trách người khác. Dì chỉ lấy tình thân thích ruột rà mà cầu mong cho cháu tránh được mọi tiếng tăm không hay, ngày nay đường đường cháu là mệnh phụ, đệ nhất phu nhân…
Những lời nói khôn khéo, ngọt ngào của bà kỹ sư ngỏ với Lệ như khích động đến yếu điểm tình cảm của nàng khiến Lệ gục đầu thổn thức mà không nói. Một lúc lâu, Lệ ngước lên, đôi mắt long lanh, cương nghị nói:
- Cháu xin cám ơn dì. Dì nên hiểu cho rằng cháu không phải là hạng đàn bà thường tình, và cháu quyết không bao giờ cam chịu số phận nhẫn nhục, hèn yếu. Cháu có những hoài bão, những tham vọng riêng… Tại sao cháu không trở nên một Catherine de Russie, một Marie Stuart cầm đầu thiên hạ?
Bà kỹ sư nhỏ nhẹ hỏi:
- Cháu có tin tưởng ở Chúa không?
Lệ ngẫm nghĩ rồi đáp:
- Dì cũng rõ: cháu theo đạo từ ngày về nhà chồng. Tin ở Chúa hay không, thật tình cháu cũng không đặt thành vấn đề, vì cháu chỉ là người đạo mới. Lúc này cháu chỉ biết rằng gia đình nhà chồng sùng đạo, và Công giáo là cả một lực lượng quan trọng, có thể làm hậu thuẫn mạnh cho chánh quyền, cho địa vị họ Ngô. "Noblesse oblige" (phú quý sinh lễ nghĩa), cháu cũng phải tỏ ra là mình ngoan đạo.
- Dì muốn hỏi cháu có tin ở Chúa không, vì nếu dì không lầm thì lẽ đạo có những điều mà cháu cần phải lưu ý thận trọng.
Lệ bỗng phá lên cười:
- Xin lỗi dì cho phép cháu cười, vì trông vẻ mặt nghiêm trọng của dì cháu sực nhớ đến bộ điệu như thế của một ông cha mà cháu đã xưng tội, và sau đó chính ông ta nhờ cháu để xin áp phe. Dì vì thương cháu mà chân thành nghiêm nghị, còn vị linh mục kia…
Lệ lại cười, rồi nói tiếp:
- Cháu thấy anh chồng sớm tối cầu kinh như là mua "tích-kê" để dành sau này lên thiên đàng, và cứ gặp việc khó khăn quan trọng gì cũng ra ghế cầu nguyện một lúc rồi mới giải quyết… Thật cháu cũng lấy làm khó hiểu quá.
Rồi như thắc mắc điều gì, Lệ bỗng hỏi bà dì:
- Dì có biết lịch sử gia đình Giáo chủ Borgia?
Những giây phút tâm sự giúp cho bà dì hiểu thêm cháu gái, tính nết ngày một biến đổi quá quắt theo những quyền hành càng vững chắc, toả rộng của anh em họ Ngô, mà Lệ có một ảnh hưởng mạnh mẽ.
Trong khi chồng nàng lặng lẽ, kín đáo nắm giữ quyền hành thống trị thực sự bên cạnh người anh Tổng thống với một hệ thống tổ chức chặt chẽ chi phối mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao… đặt tất cả dưới quyền vô hình của Đảng Cần Lao Nhân vị mà không Lệ là linh hồn, thì Lệ cũng thành lập riêng một triều đình nhỏ trong dinh Độc Lập.
Khác hẳn với đạo quân phòng vệ Tổng thống phủ theo kiểu vệ binh hoàng đế La Mã và đạo binh mật vụ theo tổ chức Gestapo thời Hitler của chồng, đạo quân của Lệ chuyên chú hoạt động về kinh tài, với thành phần gồm các nhân vật cao cấp trong ngành kinh tế, ngoại thương, quan thuế, hối đoái… các tay kinh doanh áp phe, đám dược sĩ, nghị sĩ, đại sứ, bộ trưởng, giám đốc… cùng những "bà lớn" tình nguyện đầu quân làm thuộc hạ "bà cố vấn".
Mỗi ngày bà bí thư xếp vào hồ sơ bao nhiêu kế hoạch, chương trình, đề nghị của đạo quân kinh tài trình lên bà cố vấn xét.
Một chữ bút phê trên giấy, một lời nói ở điện thoại của Lệ, không phải chỉ "đáng giá ngàn vàng" như nụ cười của người đẹp kề cận quân vương ngày xưa, mà có giá trị hàng chục triệu đồng.
Cạnh bên Tổng thống, một sự đồng ý, chấp thuận của Lệ để cho một cái môn bài xuất nhập cảng, cũng có thể mang lại cho nàng một số tiền hoa hồng đáng giá bao nhiêu triệu bạc, trong khi kẻ thụ hưởng (phần lớn là ngoại kiều Hoa thương) được lãi gấp bội.
Hoạt động kinh tài chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đã đem lại cho Lệ một số tiền lớn lao ở các trương mục ngân hàng, và phần lớn nàng cho chuyển thành ngoại tệ.
Với sắc lệnh tịch thu tài sản của Bảo Đại và Bảy Viễn, trong khi chồng nàng lấy không 2 tấn thuốc phiện của Bình Xuyên, Lệ chiếm làm của riêng biệt điện cựu hoàng ở Đà Lạt, nhường dinh thự săn bắn ở hồ Buôn Mê Thuộc của Quốc trưởng cho chồng.
 
Phân bì với chị chồng, bà goá phụ Cả Lễ giành độc quyền buôn bán, chuyên chở từ Sài Gòn ra Huế, và đấu thầu khắp miền Trung mỗi tháng có thể kiếm lợi hàng bao nhiêu triệu, Lệ còn đòi anh chồng Tổng thống và buộc chồng phải để cho mình trông nom kinh tài của gia đình. Nghĩa là xem xét tất cả mọi công cuộc về ngoại thương, phân phối tiền viện trợ Mỹ, tìm cách thâu lợi cho gia đình.
Việc cung cấp than củi và rau cải cho hai triệu dân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, Lệ cũng dành cho tay chân của nàng. Mấy thuộc hạ trung thành từ buổi đầu như đại sứ Mai Văn Hàm, dược sĩ Hoàng được Lệ tín nhiệm giao phó các công việc kinh doanh lớn, liên lạc với ngoại quốc.
Đạo binh má chín mới xuất hiện với triều lưu đô-la, đặt dưới quyền chỉ huy của Lệ, hoạt động từ trong nước qua các chi nhánh nguỵ trang dưới các toà tổng lãnh sự, đại sứ khắp nơi từ Vọng Các, Hương Cảng, Đông Kinh qua Ba Lê, Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn…
Để củng cố ảnh hưởng lớn lao của mình, buộc người anh chồng Tổng thống phải hoàn toàn lệ thuộc, cũng như chồng nàng. Một hôm Lệ nhờ đến bà dì bí thư giúp một tay, Lệ dặn dò:
- Tối nay dì ở lại trong dinh, cháu có chút việc cần nhờ đến. Chỉ có dì là có thể giúp cháu được việc nên cháu mới giao phó cho dì, mà cháu biết là tin cậy được.
Bà dì bí thư chưa rõ việc gì song nhận thấy vẻ nghiêm trọng, đắn đo của Lệ, cảm thấy một điều gì khác thường, liền nói:
- Cô đã nhờ đến dì, dù khó khăn dì cũng phải làm. Cô có thể yên trí mà nói cho dì biết.
Lệ mở ngăn kéo bàn giấy lấy ra một chiếc máy ảnh mới, kiểu tối tân của Đức, chỉ bảo cho bà dì bí thư cách chụp rồi nói:
- Máy ảnh này có thể chụp ban đêm cũng rõ như thường, và loại phim đặc biệt này không cần có ánh sáng cũng thu hình rất rõ. Dì đã nhớ kỹ cách thức chụp chưa?
- Rồi. Dì cũng biết chụp ảnh, và cách sử dụng máy ảnh này không khác mấy với máy của dì. Nhưng cháu muốn bảo dì chụp những gì?
- Dì ở lại trong dinh đêm nay, và dì nằm ngủ ở phòng của cháu vào lối khuya, lúc nào cháu ra hiệu thì dì cứ việc hé cửa phòng ngủ của cháu ra để chụp. Dì có thấy những gì trước mắt cũng vậy, dì cứ việc bấm chụp, hết cả cuộn phim càng tốt. Điều cần thiết là dì phải bình tĩnh mà chụp, nhắm vào người cháu mà chụp, dì nhớ rõ chưa?
Bà dì bí thư không dám hỏi thêm, và không khỏi thắc mắc, chẳng hiểu cô cháu gái mình sắp sửa bày trò gì đây.
Chiều hôm ấy, bà thấy Lệ cho gọi máy ả xẩm Hồng Kông chuyên môn sửa sắc đẹp, uốn tóc, đấm bóp cho "bà cố vấn" vào phòng riêng trang điểm cho Lệ.
Tối đến, Lệ lộng lẫy đi ra, mình vận một bộ quần áo voan mỏng màu hồng, nửa kín, nửa hở, như phô bày thêm những đường cong, hình nổi trên người: Mái tóc chải bồng, loã xoã trên trán, hai mắt như lớn đen thêm dưới môi mày tô đậm, làn môi đỏ thắm ươn ướt nồng nàn.
Thường ngày trong dinh Độc Lập, Lệ vẫn trang phục như một vũ nữ Ba Lê (danh từ của Nhu trách vợ) đi qua lại các phòng, mặc các nhân viên cận vệ, phục dịch phải nhìn tránh đi. Ông anh chồng Tổng thống không vợ, thấy cô em dâu lồ lộ qua lớp tơ lụa mỏng manh, có khi ngang nhiên đi vào bàn giấy đứng thẳng trước mặt, khiến Diệm cả thẹn phải quay mặt đi, không biết nói sao.
 
Một lần "Đức Cha" ở Vĩnh Long lên, thấy Lệ tự nhiên trong lớp quần áo bộc lộ mơ hồ khêu gợi đon đả lại gần chào hỏi, ông không dám nhìn thẳng Lệ, tay cầm chặt chiếc thánh giá lủng lẳng trước ngực áo tím.
Từ chồng đến các anh chồng Tổng thống, tổng giám mục không ai lên tiếng quở trách hay chỉ trích, Lệ càng yên trí thêm trong sắc phục khêu gợi, loã lồ kín hở. Chiếc "xì-líp" và hai "coóc-xê" ren thêu hiệu "scandale" ôm sát hai bộ phận cần che đậy của người đàn bà, là còn ngăn Lệ không phô bày toàn vẹn thân xác mình trước mắt chung quanh. Lớp voan trong suốt chập chờn làm cho toàn thân Lệ khi ẩn khi hiện, tạo nên một cảnh khêu gợi hư ảo lạ lùng với mùi nước hoa phảng phất quyến rũ như không khí trong chuyện Liêu Trai với hồn hoa hay hồ ly tinh hiện hình người đẹp cám dỗ đàn ông.
 
Lệ là người đàn bà độc nhất có thể lui tới gần người anh chồng nhút nhát, xa lánh phụ nữ, từ sau khi vỡ mộng yêu đương đầu tiên và những toan khoác áo tu hành.
Từ nhỏ lớn lên trong khung cảnh sùng đạo, chế ngự thể xác, rồi thất vọng vì tình, Ngô Đình Diệm sống trong một khuôn khổ trái tự nhiên, không tu hành mà phải dồn ép những ham muốn tự nhiên, chịu đựng khổ hạnh của hạng người yếm thế, mộ đạo, rồi dần dà đi đến trạng thái khắc khổ, ẩn ức.
Lệ đã ví anh chồng với vua Louis XVI trong buổi đầu thành hôn cùng Marie Antoinette, bà dì bí thư mới nghe còn ngạc nhiên, song đến khi để ý về lối sống quái lạ của Diệm, nhận thấy lời của Lệ là đúng:
- Anh chồng tôi là một người bị dồn ép.
Lợi dụng nhược điểm ấy, Lệ dùng ma lực của nàng để chi phối Diệm. Lối trang phục hấp dẫn của Lệ và những lời thỏ thẻ của nàng sát bên tai, thường làm cho Diệm lúng túng, cuống quít, nhất là mỗi khi Lệ đứng sau lưng, người nàng đụng chạm vào vai anh chồng, khiến Diệm đờ đẫn, đỏ mặt. Lúc ấy Lệ đưa ra giấy tờ gì bảo ký, Diệm cũng không từ chối, hoặc nàng đề nghị xin xỏ gì đều được Diệm gật đầu luôn.
Hơn một lần, bà dì bí thư nhận thấy thái độ tinh nghịch, quái ác của cháu gái đối với anh chồng ẩn sức sinh lý mà thương hại cho vị Tổng thống nhút nhát, ngoan ngoãn trước cô em dâu gợi tình, khêu khích ỡm ờ, nhất là những lúc chỉ có một mình Diệm.
Một bận, người hầu cận Tổng thống kể lại với bà dì: "Có lần con vừa bước đến cửa văn phòng, chợt thấy "bà cố vấn" đang ngồi trên thành ghế bành của ông cụ. Ông cụ quay lưng ra không thấy con vô, nhưng bà cố vấn liếc ra, cau mày lại, quắc mắt như xua đuổi, con sợ hãi vội vàng lui ra".
Sợ bà cố vấn nổi cơn lôi đình, người hầu cận Tổng thống chạy đi tìm bà dì bí thư thuật lại sự việc và năn nỉ, cầu khẩn nhờ xin dùm với bà cố vấn bỏ qua cho. Bà bí thư dặn dò người hầu phải kín miệng, không được kể lại những điều trông thấy với bất cứ ai.
Sau đó, không thấy Lệ tỏ vẻ gì, bà bí thư cũng thôi không nhắc đến lời van xin của người hầu cận. Lệ đã quen đi, hay là bất chấp chung quanh?
 
Những hành động táo bạo của Lệ đối với anh chồng có vẻ quá tự nhiên khiến bà dì bí thư cũng đâm ra ngỡ ngàng khó hiểu, không khỏi ân hận là mình ngờ oan cháu gái, gán cho những cử chỉ cởi mở, hồn nhiên của nàng một ẩn ý ám muội.
Cho đến hôm Lệ yêu cầu ở lại đêm trong dinh và đưa chiếc máy ảnh nhờ chụp, bà bí thư biết không thể viện cớ gì để từ chối và không khỏi hồi hộp trong khi chờ đợi bà sẽ chụp những gì đây?
Suốt tối hôm ấy, bà ngả lưng ở ghế dựa trong phòng Lệ, tay cầm cuốn tiểu thuyết trinh thám của Simenon mà không đọc quá mấy trang, vì đầu óc bấn loạn không biết mình sắp chứng kiến những gì mà Lệ có vẻ bí mật không cho bà hay trước.
Thấy Lệ trang sức lộng lẫy, ngào ngạt mùi nước hoa quyến rũ, rồi khoác kimono lên giường vào lúc mười giờ, bà hơi ngạc nhiên thấy nàng đi nằm sớm khác lệ thường.
Theo lời Lệ dặn, bà để sẵn chiếc máy ảnh trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh, quay ngọn đèn đọc sách lại gần, ngửa người trên ghế vải, lặng yên nghĩ ngợi.
Trong im lặng, bỗng nghe tiếng nói của Lệ cất lên:
- Dì ơi, theo ý của dì, đối với người đàn bà cái gì là đáng kể trước hết? Tình yêu, hôn nhân, tiền bạc, danh vọng, quyền thế chọn cái nào trước?
Bà bí thư chưa kịp trả lời bỗng thấy Lệ ngồi nhổm lên, lặng lẽ đẩy cửa ra ngoài. Các con Lệ đang ngủ ở phòng riêng bên kia, chồng nàng đi Ban Mê Thuộc săn bắn từ chiều hôm qua cùng một cố vấn Mỹ, chỉ còn lại một mình "ông cụ" có lẽ đang còn thức ở văn phòng.
Trong lòng phập phồng, bà bí thư nghi ngại cô cháu quái ác đang sắp đặt một trò oái oăm gì đây, và bắt bà phải chứng kiến, thu chụp vào máy ảnh.
Bà đang thắc mắc lo ngại thì Lệ từ ngoài vào, vặn tắt hết đèn, ngồi ở thành giường im lặng. Tiếng chuông đồng hồ nhà thờ Đức Bà vẳng lại mười hai tiếng ngân nga trong đêm yên vắng. Bà bí thư ngồi yên, lắng nghe tiếng dép lẹp xẹp của "ông cụ" đi đến giữa phòng ngoài ngừng lại, rồi tiếng rầm rì đọc kinh.
Trong im lặng nghe rõ cả tiếng thở của mình, lối mười phút, bà bỗng thấy Lệ đứng lên, hét một tiếng rồi vụt chạy ra ngoài.
Qua cửa phòng hé mở, bà thấy Lệ đang ôm chầm lấy anh chồng vừa đứng lên trước ghế cầu nguyện. Lệ chỉ khoác lên người một chiếc kimono mỏng tanh ghì chặt lấy "ông cụ", gục vào vai người đàn ông luống cuống mà thất ra những tiếng dứt quãng:
- Em mơ… sợ quá… anh ơi…
Bà bí thư đưa máy ảnh lên bấm lia lịa, không còn kịp xúc động phản ứng trước cảnh tượng bất ngờ trước mắt.
 
Dưới ánh sáng mơ hồ từ vách tường hắt ra giữa gian phòng rộng mênh mông bóng láng như một sàn nhảy, "ông cụ" dìu cô em dâu trang phục lộ liễu bám víu lấy người, trông như đôi lứa đang mê man trong một điệu luân vũ.
Bà bí thư chụp gần chọn cuốn phim, vội khép nhẹ cửa phòng lại, đặt máy ảnh lên bàn, rồi ngả người trên ghế, thở ra như vừa trút xong một gánh nặng.
Nằm thiếp đi, bà bí thư không rõ mình chợp mắt được bao lâu, đến lúc chợt tỉnh đã thấy Lệ ở trên giường vẻ mặt tươi tỉnh.
Ngắm nhìn cháu gái mái tóc loà xoà trên trán, bà bí thư tự hỏi không biết những mưu toan gì ở trong đầu óc kia đã xúi Lệ bày đặt ra cảnh dị thường vừa rồi?
Trong lúc Lệ lôi cuốn anh chồng vào cạm bẫy của mình thì ở rừng Cao nguyên, dưới mái lều vải căng dựng bên bờ suối có đám sĩ quan cận vệ canh phòng chung quanh, sau cuộc săn bắn bò rừng hồi chiều, Ngô Đình Nhu cùng cố vấn Lajinsky vừa uống cà phê Rhum vừa bàn luận chính trị.
Cố vấn Lajinsky nhắc lại những lời phê bình của một số báo chí Mỹ gần đây, nói:
- Họ cho rằng nền tảng xã hội và chính trị của chế độ hiện nay, căn cứ vào mấy yếu tố sau đây:
1, Tầng lớp phong kiến, địa chủ, quan lại ở Bắc vào, cộng thêm hàng ngũ phong kiến ở Trung và Nam.
2, Tầng lớp mại bản trước đây chạy theo Pháp và lớp kinh doanh mới chạy theo đô-la.
3. Tầng lớp ô hợp, phiêu lưu, thông ngôn, phát sinh với viện trợ Mỹ, thành bộ máy đàn áp của chế độ.
4. Tầng lớp Công giáo di cư.
 
Tầng lớp phong kiến thì tham lam, chia rẽ, chứa đầy mâu thuẫn, lớp mại bản thân Mỹ giành chiếm mọi công cuộc kinh doanh lớn, đa số giáo dân di cư nghèo, chán nản chính quyền, còn bọn phiêu lưu ô hợp, thông ngôn ngày càng lộng hành, tiền viện trợ Mỹ dùng để nuôi chúng thành một đạo quân trong bộ máy đàn áp, khủng bố lớn lao của chế độ.
Những điểm phân tích và chỉ trích trên đây, không đáng ngại bằng dư luận phản đối trong giới Công giáo ở Sài Gòn. Theo tin tức của cơ quan CIA thu thập được thì các tầng lớp giáo dân ở thủ đô, vốn rộng rãi và cởi mở, thích tư tưởng mới, ghét hệ thống đẳng cấp và không ưa một chính phủ chịu ảnh hưởng nếp phong kiến quân chủ, theo tinh thần thời trung cổ. Họ trách chính phủ ông Diệm như vậy đó ông cố vấn nghĩ sao?
Ngô Đình Nhu trầm ngâm suy nghĩ, rồi hỏi:
- Có bằng chứng gì cụ thể không?
Cố vấn Mỹ đáp:
- Tôi nhận thấy bằng chứng rõ rệt là Cha sở họ Sài Gòn, linh mục Hồ Văn Vui đã nói lên trong một lần giảng tại nhà thờ Đức Bà sau lần than phiền bị chính quyền đàn áp, lên tiếng kêu gọi giáo dân "Cầu nguyện Chúa nhổ những cỏ dại xâm chiếm chúng ta". Cha Vui còn yêu cầu giáo hữu đừng đi bỏ phiếu bấu cử Quốc hội nữa, tôi tưởng ông cố vấn cũng đã biết rõ việc đó rồi. Như vậy mà Tổng thống không khéo thu xếp, lại để cho ông Chủ tịch Quốc hội viết thư phản đối và đưa linh mục Vui ra toà. Do đó phát sinh mâu thuẫn, xung đột giữa Đức Cha Thục với Đức Giám mục Phạm Ngọc Chi, Nguyễn Văn Hiền, Lê Hữu Từ…
Tôi nghĩ rằng ông cố vấn phải can ngăn Đức Cha, kẻo rồi có thể sinh sự lôi thôi ở ngay trong hàng ngũ các chức sắc Công giáo đối với Đức Cha. Như trường hợp Đức Cha Nguyễn Văn Hiền được Toà thánh Vatican phong làm tổng Giám mục Sài Gòn mà bị làm khó dễ, giấy tờ phong chức Đức Cha Hiền bị giữ tại bưu điện ba hôm, báo chí được lệnh không được nói đến tin đó. Đức Cha Thục lại bay đi La Mã để vận động bãi bỏ quyết định của Toà thánh mà không xong. Rồi đến nỗi các Cha phải loan tin cho giáo dân biết ở nhà thờ, và Đức Cha Hiền phải lên tiếng về vấn đề này, nhắc tới việc rút phép thông công, khi ấy chính phủ mới chịu công nhận. Tôi tự hỏi tại sao ông cố vấn lại để cho sự việc xảy ra đến như vậy, làm mất ảnh hưởng và gây mâu thuẫn lớn ngay chính trong hàng ngũ Công giáo, những người đáng lẽ phải ủng hộ chính phủ do một giáo hữu giữ chức Tổng thống.
Ngừng một lúc, cố vấn Lajinsky nói tiếp:
- Ngoài vấn đề tôn giáo, tôi thấy ông cố vấn nên lưu ý đến những hoạt động kinh tài gần đây của một số người tự xưng là nhân viên của bà cố vấn. Tôi nghe cơ quan CIA đã có nắm giữ được một số tài liệu về những vụ đó rồi. Nói cho ông cố vấn rõ để phòng ngừa.
- Dù Công giáo hay không mà đối lập thì phải trừ đi?
Với chủ trương đó, anh em họ Ngô sau khi loại trừ và tịch thu tài sản các Tổng trưởng, tướng lãnh của Bảo Đại hoặc thân Pháp, cùng các thủ lãnh giáo phái và Bình Xuyên xoay qua đàn áp các linh mục có thái độ độc lập đối với chánh quyền.
Cha sở Gia Định, Huỳnh Văn Của bị bắt giam và kết án 18 tháng tù về tội "để cho xe hơi bất hợp pháp đậu ở trong địa phận nhà thờ Gia Định". Linh mục di cư Vũ Đình Trác, chủ nhiệm tuần báo "Đường Sống" cũng bị giải toà, kêu án 18 tháng tù vì đăng một bài báo "làm hại đến tinh thần dân chúng" đã viết: "… nhiều trại di cư có tổ chức các buổi đọc kinh cầu nguyện Chúa ban sức khỏe và duy trì sự sáng suốt cho Tổng thống để dân chúng giữ được tín nhiệm buổi đầu đối với người…".
Đồng thời với công cuộc triệt hạ những phần tử đối lập, anh em họ Ngô đưa ra chiêu bài "Tố Cộng" để trừ khử các môn đồ trung thành của các giáo phái Cao Đài, Hoà Hảo còn ngấm ngầm hoạt động ở Hậu Giang và Tây Ninh.
Các chức sắc Cao Đài có khuynh hướng ủng hộ giáo chủ Phạm Công Tắc đã lưu vong sang Cao Miên, đều lần lượt bị bắt. Hàng ngàn tín đồ bị đưa đi trại tập trung.
Để phản đối chính sách khủng bố của họ Ngô cho binh sĩ chiếm đóng vùng Tây Ninh, hàng vạn tín đồ Cao Đài đã biến một đại lễ ở Toà thánh thành một cuộc biểu tình khổng lồ chống lại phái đoàn chính phủ cùng đoàn quay phim Mỹ.
Mặc dầu bị đàn áp gắt gao, khí thế của giáo phái Cao Đài vẫn mạnh mẽ, khiến đầu năm 1957, anh em họ Ngô phái đại diện đi Nam Vang gặp giáo chủ Phạm Công Tắc để thương thuyết, mời về hợp tác.
Vị giáo chủ Cao Đài đưa điều kiện đòi Diệm phải thả hết những người Cao Đài bị giam giữ chấm dứt chiến dịch gọi là Tố Cộng để dễ bắt bớ những tín đồ các tôn giáo, ngưng hẳn đàn áp chống các giáo phái, ban hành các tự do dân chủ và thành lập một chính phủ Liên hiệp quốc gia.
Không mua chuộc, dụ dỗ được giáo chủ Phạm Công Tắc, anh em Diệm tiếp tục chính sách kỳ thị tôn giáo, song vẫn triệt hạ được sức chống đối ngấm ngầm của các tín đồ Hoà Hảo, Phật Giáo, Minh Nhơn ở miền Tây, và Cao Đài ở miền Đông.
Với chính sách dùng mật vụ, công an và quân đội để củng cố giữ vững chính quyền, anh em họ Ngô đã thành công trong buổi đầu dưới sự che chở của Mỹ.
Vượt qua mọi dư luận trong và ngoài nước, phủ nhận tổng tuyển cử để thống nhất Nam Bắc theo hiệp định Genève, gia đình họ Ngô từ đây một mình chế ngự miền Nam, qua sự ca ngợi hàng ngày của báo chí mà bác sĩ mật vụ đã biến thành những tay sai chuyên môn tâng bốc chính quyền.
Một tháng sau ngày 20 tháng bảy 1956, Ngô Đình Nhu cùng anh đưa ra nghị định buộc những người Hoa kiều ở Việt Nam phải bỏ quốc tịch để xin Việt hoá. Rồi tiếp theo, một sắc lệnh cấm ngoại kiều hành nghề có phương hại cho dân bản xứ.
Nhu bàn tính cùng anh:
- Các biện pháp này vừa nhằm mục đích chính trị và kinh tế. Trước hết là chứng tỏ tinh thần quốc gia của chính phủ, thứ đến nhờ đó mà mình chiếm lại những vị trí thương mại cho bà con tay chân. Theo những số liệu Hoa kiều hiện nay có lối một triệu, riêng ở Sài Gòn - Chợ Lớn có 2.684 hộ công nghiệp, 653 về thực phẩm và 625 về tơ sợi, 3.979 nhà hàng và nhà ăn.
Biện pháp của họ Ngô thi hành vào lúc chính phủ Tưởng Giới Thạch đang gặp khó khăn với Mỹ, vấp phải phản ứng của những thương gia Hoa kiều ở Chợ Lớn. Họ đua nhau lấy hết tiền ở các ngân hàng, ước lượng một tỷ rười bạc, tức là 1 phần 6 số tiền lưu thông hàng ngày trên thị trường Việt Nam. Những Hoa kiều ở Hương Cảng, Tân Gia Ba phản đối theo bằng cách tẩy chay hàng hoá của miền Nam Việt Nam. Đồng thời ngân hàng Hoa kiều dời về Đài Loan, thanh niên Hoa kiều phản đối đi lính cho Việt Nam.
Trước những phản ứng quyết liệt với sự phiền trách của chính quyền Đài Loan đã được Mỹ trở lại nâng đỡ, anh em họ Ngô phải nhân nhượng, để cho Hoa kiều trở lại những tiệm buôn với tên mượn của người Việt.
Chiến dịch kinh tế của anh em họ Ngô nhằm tập trung vào quyền lợi nội thương và ngoại thương ở trong tay gia đình và bọn thủ hạ, đẻ ra thêm mấy sắc lệnh để bóp nghẹt những thương gia ở ngoài.
20.000 cơ sở xuất nhập cảng đã thành lập để tiêu thụ hàng hoá Mỹ theo viện trợ bỗng phải ngừng lại vì một nghị định của họ Ngô buộc mỗi nhà phải ký quỹ 350 ngàn đồng và phải có nhà kho chứa hàng.
Với một sắc lệnh, anh em họ Ngô đã chặn đứng những hoạt động phân chia hàng hoá theo viện trợ Mỹ. 20.000 nhà xuất nhập cảng phải đóng cửa, chỉ còn lại 777 nhà, trong số có 584 nhà thuộc quốc tịch Việt, hầu hết là đám thuộc hạ và các đảng viên Cần Lao, Phong trào Cách mạng quốc gia.
Nguồn lợi lớn lao nhập cảng và bán lại hàng hoá ngoại quốc tập trung vào gia đình họ Ngô và tay chân trung thành, cộng thêm với sự độc quyền nội thương, dưới hình thức hợp tác xã, các tổ chức chánh phủ cho vay mượn… thâu gom về một mối, từ rau Đà Lạt bán về Sài Gòn, gạo miền Nam chở ra Trung, than lục tỉnh đưa về Thủ đô…
Độc quyền chi phối và kinh doanh thương mại, công kỹ nghệ trong tay những kẻ cầm quyền và các đoàn thể, nhân vật thủ hạ của anh em họ Ngô đã biến cả miền Nam thành một tổ chức hoạt động kinh tài lớn lao cho gia đình Tổng thống.
Miến Trung thuộc về "Cố vấn lãnh đạo chính trị" ở Huế và bà chị thầu khoán, miền Nam thuộc về vợ chồng Lệ, cả toàn quốc thì ở dưới quyền khai thác kinh tế của Đức Cha. Uy quyền tối cao của Tổng thống Ngô Đình Diệm với những tổ chức mật vụ đặc biệt, công an, cảnh sát, quân sự… phối hợp công khai bảo vệ cho mọi công cuộc kinh tài của dòng họ và bè đảng.
Ngồi ở địa vị Đệ nhất phu nhân, Lệ ngự trị bao trùm lên tất cả như một vị nữ hoàng, cầm đầu triều đại họ Ngô.
 
Mới ba năm trị vì, những hoạt động kinh tài dưới danh nghĩa "Đức tổng giám mục", "Ông bà cố vấn "Ông cậu" diễn ra một cách bán công khai, trong khi Ngô Đình Diệm hô hào "bài trừ hối lộ, tham nhũng". Bất chấp dư luận trong nước, anh em họ Ngô trái lại sợ tiếng tăm đối với người Mỹ, nhất là các báo ngoại quốc, cho nên khi thấy một tờ báo Pháp đề cập đến những lời đồn đại "Đức Cha" tậu bin-đinh khai thác khách sạn mở mang đồn điền, "Ông bà cố vấn chính trị" gởi nhiều tiền ở ngân hàng Thuỵ Sĩ, mua xí nghiệp tại nước ngoài… thì bỗng dưng ngày 24 tháng 10 năm 1957, người ta đọc thấy lời đỉnh chính của vợ chồng Lệ đăng trên các nhật báo xuất bản ở Sài Gòn:
"Vợ chồng chúng tôi xin thanh minh là không gởi một số tiền nào ở ngân hàng ngoại quốc và tuyên bố phủ nhận không hề để cho ai lợi dụng danh nghĩa chúng tôi để hoạt động kinh tài. Chúng tôi cực lực đính chánh những lời đồn đại vô căn cứ có phương hại đến danh dự Cố vấn chính trị Tổng thống của chúng tôi".
Lời thanh minh của vợ chồng Lệ nhằm chặn đứng các bài báo tiết lộ thực trạng miền Nam của mấy ký giả Mỹ. Tố cáo việc sử dụng ám muội viện trợ Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đòi triệu hồi đại sứ giám đốc viện trợ Mỹ về Hoa Thịnh Đốn để chứng minh những hoạt động của họ tại Sài Gòn trước một Uỷ ban thượng nghị viện, ký giả Colegrove còn vạch trần những sự thối nát và độc tài của chính phủ Diệm và tuyên bố sẵn sàng đưa ra tất cả danh tánh những kẻ trong cuộc.
Loạt bài báo tố cáo có thể làm lung lay, sụp đổ cả gia đình họ Ngô trong trường hợp Mỹ xét lại công cuộc viện trợ, song may nhờ anh em họ Ngô khéo léo vận động nên Tổng thống Eisenhower không chịu đưa những tài liệu tố cáo trước Thượng nghị viện.
Đồng thời với công cuộc ngấm ngầm hoạt động ở Hoa Thịnh Đốn, qua trung gian của ông bà đại sứ Trần Văn Chương, vợ chồng Lệ mua chuộc được thêm một người Mỹ ở Sài Gòn, trao cho trông nom tờ nhựt báo Anh ngữ (Việt Nam Thời báo" (The Time of Vietnam) viết những bài ca ngợi chế độ họ Ngô.
Người Mỹ này trạc 40 tuổi, tên Gene Gregory, cựu tuỳ viên báo chí Sở Thông tin Hoa Kỳ (USIS) ở Sài Gòn, trước đây có phận sự theo dõi và coi chừng những hoạt động của vợ chồng Lệ. Biết được điều ấy, Lệ cùng chồng đã bỏ tiền bạc và quyền lợi ra mua chuộc Gregory, biến thành tay chân đắc lực của mình, đóng vai bênh vực cho anh em họ Ngô trước dư luận của người Mỹ.
Dưới bút hiệu Ngô Nhi, Gregory dùng tờ Time of Vietnam làm diễn đàn bảo vệ chính quyền Diệm.
Đền đáp lại công ơn Gregory, Lệ giao phó cho người vợ Anne Gregory, trông nom về quản lý nhựt báo được trợ cấp trọng hậu, và vào dinh dạy dỗ con cái Lệ học Anh ngữ, dịch các bài diễn văn của Lệ ra tiếng Anh. Trong khi ấy Gene Gregory luôn luôn được mời tiệc tùng trong dinh, thỉnh thoảng được vợ chồng Lệ cấp cho một vài áp phe khá tiền.
Chẳng mấy chốc, Gregory trở nên thuộc hạ trung thành đóng vai mật vụ cho Cố vấn chính trị Tổng thống bên cạnh những người Mỹ, đặc biệt là các ký giả Mỹ tại Sài Gòn.
Cũng nhờ đó, Lệ bắt đầu mua chuộc được một số ký giả ngoại quốc bằng tiền và bằng tình.
 
Chú thích:
(1) Người bạn tri kỷ của tôi.