Đêm khóc thương đêm sao đời đen tối quá, Trăng tủi thân mình phận hẫm duyên ôi. Giữa dòng nước bạc cút côi, Sao người nỡ để hoa trôi, hỡi người.Sanh con xong, Hợi không còn là Hợi của những ngày tháng cũ. Cô giống như một con gà mái trải qua một trận cúm rù. Vẫn bới giun bới bọ, nhưng chỉ là một cuộc sống lặng thầm, chán nản, vô vọng. Người ta bảo thời gian có thể chữa đi những vết thương lòng. Rằng thời gian có thể giúp con người nguôi ngoai đi những câu chuyện cũ. Rằng thời gian sẽ giúp con người chôn sâu những kí ức đau buồn vào đáy cốc của tâm hồn.Giống như chuyện giặt áo, màu phẩm nhuộm dầu cho có thẵm cách mấy cũng phai nhạt dần dần theo thời gian. Thím Biện cứ nghĩ là sau khi sinh con xong, rất có thể vợ Ốc sẽ thay đổi. Theo kinh nghiệm của mình, thím biết trái tim của người mẹ bao giờ cũng thuộc về đứa con của chị đã sinh ra. Người đàn bà có thể không thương chồng, có thể không thiết sống, nhưng vì đứa con, vì đứa trẻ mà chị ta đã cưu mang nó hơn chín tháng trời trong bụng, chị ta sẽ có can đảm sống. Ít nhất là chị ta sẽ sống cho đến khi đứa trẻ ấy cứng cáp trưởng thành. Nói thì nói như vậy, nhưng trong trường hợp của vợ Ốc, định luật ấy hình như không đứng vững. Hợi không ghét bỏ con, chỉ là tâm hồn của cô quá đau khổ. Cô gần như không còn bất cứ một chút tỉnh táo bình thường nào nữa. Đứa trẻ sinh ra không phải trong cảnh thương yêu. Nhưng không vì thết mà cô ghét nó. Cô chỉ không đủ tỉnh táo để dành cho nó những tình cảm thân thương gần gũi mà bất cứ đứa trẻ nào cũng đều đáng được hưởng như thế. Hợi không ăn uống nên sữa gần như không có. Nhìn con dâu một ngày một sa sút, thím Biện không dám ép uổng mà cũng không dám nói năng gì đến. Thím chỉ biết lẳng lặng xay bột rồi quấy hồ đun cho thằng bé. Thím chợt chạnh lòng nhớ đến cái cảnh hôm xưa thím cũng đã từng đun hồ, đổ cháo cho Nghêu. Ốc cũng đau khổ không kém. Nhìn vợ bạc nhược xanh xao như thế, trong lòng anh chồng không thể không chất chứa những lo âu khắc khoải. Anh ngồi ngoài sân bồng con. Thằng bé oặt ẹo dật dựa trông rất tội nghiệp. Bản chất nó vốn đã hoài thai trong bụng một người đàn bàn đau khổ vì tình, giờ lại không được bú sữa mẹ. Khuôn mặt nó nhăn nhúm, già cỗi, không bụ bẫm như một đứa trẻ may mắn bình thường khác. Có lúc Ốc rất giận vợ. Tại sao cô ấy không cố gắng tỉnh táo để lo cho con. Nhưng khi thấy khuôn mặt bơ phờ của vợ, Ốc lại chạnh thương. Anh không thể hiểu nguyên nhân vì đâu mà vợ anh sa đà như thế. Anh chỉ nghĩ là vợ không ưng mình ngay từ đầu. Rồi thì anh vụng xử, nên vợ đã sợ và tránh né anh. Rồi thì lại có chửa, bào thai thằng con trai của anh nó đã hành mẹ nó như thế. Cuối cùng Ốc không giận vợ mà anh càng thương vợ mình nhiều hơn. Có hôm thím Biện nghe thấy con trai mắng yêu thằng cháu nội: -Cái ông Sinh này, này. Ông là ông hư lắm đấy! Vì ông mà mẹ ông phải ốm thế kia. Sau này lớn lên ông sẽ làm gì để báo hiếu, nuôi mẹ ông đấy! Thím Biện nghe thấy con trai nói như thế, trong lòng thím dâng lên một nỗi nhớ về Nghêu da diết. Thím muốn nói với Ốc: -Chẳng phải vì thằng cò nên mẹ nó mới đau khổ. Mẹ nó đau buồn là bởi vì mẹ nó đã thương yêu một người. Người đó là bác Nghêu của thằng cò đấy. Có những sự thật con người ta không thể nói ra với người khác được. Chẳng phải ở đời con người ta bao giỡ cũng xấu cả. Cuộc đời vốn chẳng bao giờ có những sự bằng phẳng. Chân thì mềm, đá thì cứng. Làm sao tránh khỏi những câu chuyện vạ gió tai bay. Rồi thì cây muốn đứng im nhưng gió lại không chịu ngừng thổi tốc. Thành ra những chuyện nhân duyên ở đời lắm lúc chỉ khiến con người ta nghê xong rồi càng thêm bực bội. Đấy cũng chính là những sự thật không thể dễ dàng nói ra bằng được. Và con người tuy không xấu nhưng đôi khi vì hoàn cảnh mà họ không thể trở thành người tốt. Có lúc Ốc ngồi lặng lẽ một mình, hút thuốc lào hết điếu này sang điếu khác. Mà trước đây Ốc đâu có hút thuốc lào. Chả là mấy hôm liền trời bão, đi bẩy chim không được, mà vá lưới mãi cuối cùng cũng chẳng còn chỗ nào rách để vá. Thế là Ốc đi qua nhà thằng bạn nghèo bị què chân tên Ký. Gọi là bạn nhưng Ký hơn tuổi Ốc. Xét kỹ, Ký còn lớn hơn cả Nghêu. Nhưng vì bị tàn tật bẩm sinh nên chỉ quanh quẩn ở nhà. Ốc chơi thân với Ký là vì Ký tội nghiệp, đáng thương. Hai người bày cờ ra đánh. Từ xưa đến giờ, Ốc vụn nghĩ nhưng rất giỏi cái khoản cờ quạt. Nhưng bây giờ Ốc không thể nào đánh cờ giỏi như trước nữa. Đã có lúc Ký đánh cờ thắng mãi, đâm nổi cáu: -Ông chơi đểu lắm. Toàn là thả cờ…Như thế ông không coi tôi ra cái quái gì cả. Ốc lơ đãng nói: -Tầm này gia đạo có nhiều chuyện buồn hơn vui, tập trung không được. Nói xong Ốc lại đánh một hơi thuốc lào nữa. Rồi thì lại một làn khói trắng bay lên. Thấy bạn có hôm hút nhiều thuốc quá, Ký lên tiếng: -Thuốc lào chứ có phải lông chim đâu mà ông hút khoẻ thế. Nhà này có một thằng què không làm ra tiền, chứ không phải đây là nơi chùa miếu, để ông muốn hút bao nhiêu thì hút. Tuy là câu nói đùa, nhưng người tỉnh táo đáng lẽ phải xấu hổ. Như Ký nói, thuốc là nhà hắn không phải thuốc chùa. Nhưng Ốc không màn. Anh cứ châm đóm hút hết điếu này sang điếu khác. Bánh thuốc lào to như thế mà chỉ một buổi chiều đã vơi hẳn đi một góc. Có hôm chỉ một ván cờ mà Ốc hút hơn chục điếu thuốc lào. Ký lại phải giục: -Đánh tập trung vào đi chứ. Rậm rờ mãi. Hôm sau Ốc đem sang nhà Ký hẳn mấy bánh thuốc lào. Miệng nói: -Từ nay không ăn thuốc chùa nữa. Ông khỏi lo. Ký vội reo lên: -Đang lúc u già bảo trong vườn chẳng còn cái gì để bán thì chú mày lại đem thuốc lào sang. Đừng là đang buồn ngủ gặp chiếu manh. Mà làm sao dạo này bỗng dưng lại đối xử khách khí thế! Ốc lững thững trả lời: -Buồn. Chán. Không thiết sống nữa. Ký hỏi: -Chắc lại là chuyện con vợ chứ gì. Đàn ông mà buồn thì chỉ có chuyện ấy thôi. Tôi hỏi thật nhé. Vợ ông có thằng nào nó… Cẩu hỏi của Ký khiến Ốc giật nảy người. Thì ra cái lần ân ái đêm đầu tiên, Ốc biết là trên mảnh vải trắng mà bà mẹ cố tình đặt ra không có vết máu nào của cô con dâu. Ngày ấu vì tình còn rất mặn, Ốc không hề nghĩ gì. Đang yêu say đắm, Ốc đâu còn thời gian để tâm vào những chuyện khác nữa. Này thì câu hỏi của Ký khiến Ốc phải nhớ. -Ông im đi. Việc ấy không liên quan gì đến ông cả. Thì ra vại nước bùn đục, khi đánh phèn, sẽ trong, tưởng là yên chuyện. Ai ngờ, chỉ cần người ta thò tay xuống khuấy lên, thế là vại nước đục ngàu như cũ, vẩn những ráng rêu cua, chả làm gì khác hơn được. Sau cuộc nói chuyện hôm ấy. Ốc không còn đi qua bên nhà Ký nữa. Ốc không thiết đến cả cờ quạt. Ốc tránh Ký như người ta tránh một vết thương lòng. Ốc chặt trúc làm cái điếu cày cho mình. Rồi Ốc mua cả rượu về nữa. Thím Biện nhìn thấy con trai ngồi hút thuốc uống rượu một mình, thím chợt nhớ đến lời của bà thấy bói hôm xưa. Nếu quả như thế, cuộc đời của hai đứa con thím ứng vào những lời bói ấy. Chúng sẽ đau khổ, sẽ long đong lận đận suốt đời. Cô đơn…lặng lẽ…Cô đơn… Vì tình gió phụ, trăng hờn tủi trăng. Không chỉ có Ốc là cô đơn. Thím Biện cũng tái tê. Mà Hợi thì là người đau đớn ê chề nhiều nhất. Cả ba người họ sống trong một ngôi nhà. Nhìn xa thì thấy rất yên bình. Nhưng nếu nhìn kỹ vào bên trong, người ta sẽ phải bảo nhau: -Sống như thế, chết có khi lại sướng hơn.