Phần 16

Áp xe răng
Nếu răng có một lỗ sâu mà không trám ngay, lỗ sâu này sẽ lớn dần và ngày càng đi gần đến tủy răng. Vi khuẩn từ lỗ sâu sẽ đi theo ống tủy chân răng đến vùng chóp gốc răng và có thể tạo mủ, thành áp xe. Khi mủ nhiều, nó sẽ tạo nên một áp lực lớn ép vào dây thần kinh và gây đau dữ dội.
Triệu chứng:
- Đau liên tục ngay cả khi đi ngủ.
- Cảm thấy răng dài ra và hơi lung lay.
- Đau khi gõ dọc răng.
- Có bọc mủ ở trên nướu, gần chân răng.
- Sưng nướu quanh răng hay sưng mặt bên cùng phía với răng đau.
Điều trị:
- Nếu mặt không sưng, cần nhổ răng ngay (trừ trường hợp có khả năng chữa được ống tủy răng) để giúp cho mủ thoát ra từ ổ răng và làm giảm đau. Dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, kèm thuốc giảm đau.
- Nếu mặt có sưng: Dùng kháng sinh, đồng thời nhổ răng ngay để nhanh chóng loại trừ nguyên nhân.
Cần lưu ý là khi sưng, thuốc tê ít tác dụng. Có thể dùng Erytromycin 250 mg (12 viên), uống 3 ngày, ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên.
- Trường hợp nhiễm trùng nặng có thể dùng kháng sinh lâu ngày hơn: Erytromycin 250 mg (20 viên). Uống 5 ngày.
- Khi nhổ răng rồi, có thể dùng thuốc kháng sinh thêm 3 ngày nữa. Nếu bọc mủ đã hình thành nhiều, có thể rạch thoát mủ bằng dao vô trùng hay đầu thám châm đã tiệt khuẩn kỹ lưỡng:
 + Đắp một khăn nhúng nước ấm trên mặt.
 + Ngậm nước ấm trong miệng, gần chỗ sưng.
 + Dùng thêm thuốc giảm đau: Paracetamol (12 - 18 viên). Uống 2 - 3 ngày, ngày 3 lần, mỗi lần 2 viên. Đối với trẻ em, phải giảm liều lượng và không dùng Tetracillin vì làm đổi màu răng.
Dùng:
  ° Erytromycin 250 mg (6 viên), uống 3 ngày, ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên.
 ° Paracetamol 500 mg. Trẻ em 8-12 tuổi: 1 viên x 3 lần/ngày; 3-7 tuổi: 1/2 viên x 3 lần/ngày; 1-2 tuổi: 1/4 viên x 3 lần/ngày.
Viêm nướu do cao răng
Viêm nướu do vôi răng (cao răng) là một bệnh khá phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào từ thiếu nhi cho đến người già do vệ sinh răng miệng không đúng cách (không đúng kỹ thuật, không đúng lúc...). Thức ăn đóng quanh cổ răng không được chải sạch sẽ kết hợp với muối vô cơ và vi trùng trong miệng tạo thành vôi răng. Sự kết hợp này tạo cho vôi răng có mùi hôi riêng. Vôi răng thường đóng nhiều ở mặt trong răng phía trước hàm dưới và mặt ngoài răng hàm lớn hàm trên vì là nơi có lỗ tiết của tuyến nước bọt. Tùy theo mức độ đóng vôi, vôi răng có thể là dạng mủn dễ lấy nhưng cũng có khi đóng thành mảnh cứng, phải dùng dụng cụ chuyên ngành mới lấy sạch. Nếu vôi răng quá dày hoặc chịu tác dụng của lực nhai mạnh, nó có thể tự bong ra. Khi ấy, người ta thường tưởng nhầm là răng bị vỡ. Vôi răng càng nhiều thì nướu viêm càng nặng, có khi sưng đỏ mọng, dễ chảy máu, đôi lúc có mủ làm cho miệng rất hôi. Trên thực tế khám bệnh, chúng tôi thấy có 95% trường hợp viêm nướu và viêm quanh răng là do vôi răng, chỉ 5% là do nguyên nhân khác. Như vậy, phòng ngừa vôi răng là điều quan trọng hàng đầu đối với bệnh ở vùng nướu.
Để ngừa vôi răng, chúng ta nên lưu ý các điểm sau:
- Phải chải răng đúng phương pháp và đúng lúc; nhất là trước khi đi ngủ, răng phải được chải sạch và nên súc miệng bằng nước muối pha loãng như nêm canh.
- Định kỳ 6 tháng một lần nên đến phòng nha khám răng và lấy vôi răng. Với người dễ đóng vôi răng, định ký tái khám có thể rút ngắn lại 3-4 tháng 1 lần.
- Mỗi khi súc miệng nên dùng ngón tay xoa nắn nướu.
- Ăn vừa phải những thức ăn có sinh tố C.
- Ngoài ra, nên tránh các điều sau: Hút thuốc (làm tăng vôi răng), thở bằng miệng (làm nướu khô và dễ viêm hơn), dùng tăm chọc vào nướu, chọc xuyên từ trước ra sau răng,dùng tăm to và tăm không vệ sinh.
Chúng ta nên phòng ngừa vôi răng và điều trị viêm nướu ngay từ đầu, vì nếu chờ đến khi nướu viêm rõ rệt mới chữa trị thì đã muộn. Nếu để lâu, viêm nướu sẽ tiến triển thành viêm quanh răng rất khó trị (thường xảy ra ở người trên 40 tuổi): mô quanh răng lỏng lẻo, nướu tụt, răng lung lay, người bệnh có cảm giác răng trồi lên rất khó chịu và mỗi khi trở trời hoặc cơ thể yếu thì răng đau, có mủ, thường phải nhổ bỏ.
BS Lâm Hữu Đức (ĐH Y dược TP HCM)
Bệnh nha chu
Đó là loại bệnh lý tấn công vào một trong các thành phần mô nha chu, gây phá hủy và làm mất chức năng của răng. Bệnh nha chu xuất hiện và diễn tiến từ nhẹ đến nặng, từ giai đoạn điều trị dễ dàng, đơn giản đến khó khăn, phức tạp và có khi không điều trị được, phải đi đến nhổ bỏ răng.
Nguyên nhân chính gây bệnh là vi khuẩn (tập trung dưới hình thức mảng bám). Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như bệnh tiểu đường, tuổi dậy thì, thai nghén hay đặc biệt là HIV.
Bệnh nha chu chia làm 2 giai đoạn
- Nhẹ: Được gọi là viêm nướu, dấu chứng bệnh lý chỉ xảy ra ở phần nướu. Dấu chứng cơ bản nhất là nướu bị chảy máu, có thể là tự phát hoặc do kích thích (đánh răng va chạm).
- Nặng: Phá hủy các thành phần bên trong của mô nha chu. Nướu, dây chằng, xương ổ răng bị phá hủy nhiều lần, dẫn đến răng lung lay hoặc có thể bị áp xe nha chu với những bọc mủ, phải nhổ bỏ răng.
Để đề phòng bệnh nha chu, nên khám răng định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện kịp thời và điều trị có hiệu quả. Cạo vôi răng theo định kỳ, có thể 6 tháng một lần. Điều trị, phẫu thuật túi nha chu.
(còn tiếp)