Phần 67

Theo dõi đường huyết tại nhà
Bệnh tiểu đường nếu được chẩn đoán và điều trị sớm và kiểm soát đường huyết tốt sẽ có diễn tiến thuận lợi, không biến chứng. Nếu không được kiểm soát tốt đường huyết do không sớm phát hiện bệnh (giai đoạn đầu bệnh diễn tiến âm thầm) hoặc không tuân thủ lời bác sĩ, người bệnh có thể bị nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.
Do đó, việc tự theo dõi đường huyết tại nhà giúp phát hiện sớm tiểu đường, kiểm soát tốt đường huyết, giảm biến chứng của bệnh.
Máy đo đường huyết tại nhà hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại, khi mua chúng ta nên lựa chọn những loại máy có các đặc điểm: gọn, nhỏ, dễ mang theo trong người; dễ sử dụng; giá rẻ.
Cách sử dụng máy (thường giống nhau ở các loại máy):
- Rửa và lau khô bàn tay trước khi thử.
- Đâm kim vào ngón tay để chích máu xuống que thử.
- Chờ giấy thử đổi màu và so màu với thang màu có sẵn để biết nồng độ đường huyết (nếu chỉ dùng giấy thử).
- Đưa giấy thử vào máy và chờ đọc kết quả trên màn hình (khi dùng máy). Thời gian cần thiết để đọc kết quả tùy thuộc từng loại máy, có máy chỉ cần vài giây, có máy cần vài phút. Trung bình là 1 phút.
- Ghi lại kết quả vào sổ để theo dõi.
Thời gian đo đường huyết thường là buổi sáng sớm trước khi ăn sáng hoặc 2 giờ sau khi ăn. Ngoài ra, có thể đo đường huyết vào một số thời điểm đặc biệt khác như trước khi đi ngủ, sau khi vận động, sau khi uống rượu...
Nếu đường huyết đang ổn định, có thể thử 1-2 lần/tuần. Nếu đường huyết đang dao động, có thể thử mỗi ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
Trị số đường huyết trung bình là 80-120 mg/100 ml (0,8-1,2 g/l).
Ngoài ra, ở những bệnh nhân tiểu đường, cần có chế độ ăn và vận động hợp lý. Chú ý: Ăn nhiều chất xơ, rau xanh; cữ mỡ, tránh thức ăn, thức uống có đường; đi bộ thường xuyên; tránh tăng cân.
BS Lê Thị Tuyết Nhung
Các biến chứng của bệnh tiểu đường
Nhiều bệnh nhân tiểu đường nhập viện trong tình trạng có những biến chứng nguy hiểm: hôn mê tiểu đường, nhồi máu cơ tim, loét và hoại tử nặng chân, đôi lúc phải cắt bỏ chân để cứu sống bệnh nhân. Nguyên nhân gây ra tình trạng nặng nề như vậy một phần do bệnh nhân đã không có chế độ điều trị và chăm sóc bệnh một cách hợp lý.
Biến chứng cấp tính hôn mê
Biểu hiện lâm sàng là rối loạn tri giác rồi đi vào hôn mê.
Hôn mê do tiểu đường thường gặp ở bệnh nhân có các yếu tố như:
- Không tuân thủ điều trị, tự ngưng thuốc đột ngột, đặc biệt ở những bệnh nhân đang được điều trị bằng insulin chính.
- Có thêm một bệnh lý cấp tính khác như: viêm phổi, nhiễm trùng tiểu, nhồi máu cơ tim, mang thai...
- Dùng thuốc bừa bãi không theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, nhất là các loại thuốc có ảnh hưởng bất lợi đến diễn biến của bệnh như các loại thuốc lợi tiểu, kháng viêm, corticoid...
- Dùng thuốc điều trị tiểu đường quá liều, làm đường huyết giảm quá mức.
(còn tiếp)