Phần 55

Bệnh suyễn (hen)
Suyễn là một bệnh đường hô hấp thường gặp ở mọi lứa tuổi, thường kéo dài nhiều năm, có tính chất di truyền nhưng không lây. Nhiều nước trên thế giới có 4-5% dân chúng bị suyễn, trong đó hơn nửa khởi bệnh trước 10 tuổi và chừng 1/3 khỏi trước 40 tuổi. Ở trẻ em vài tháng tuổi, bệnh rất khó nhận biết.
Yếu tố gây cơn suyễn
Cơn suyễn xảy ra do sự co thắt cơ trơn cuống phổi, có sưng phù trong đường thở cùng nhiều chất đàm dãi gây tắc nghẽn hô hấp. Các nguyên nhân thường gặp là: lông thú, khói thuốc lá, khói than củi, bụi trong nhà, những mùi nồng và mùi thuốc diệt côn trùng, phấn hoa, thời tiết, hoạt động nhiều như chạy nhảy, chơi thể thao hay làm việc nặng nhọc... Bệnh thường nặng thêm do tình trạng nhiễm trùng khác đi kèm.
Dấu hiện nhận biết: Người bệnh ho nhiều về đêm, thở có tiếng rít cảm thấy nặng ngực. Suyễn có nhiều dạng: nhẹ, nặng, vừa; khi rất nặng có thể dẫn đến tử vong.
Bệnh suyễn rất khó phòng ngừa, tuy nhiên ta có thể tránh cơn suyễn bằng cách:
- Tránh xa các nguyên nhân dễ làm khởi phát bệnh.
- Mọi người không hút thuốc trong nhà và nhất là không hút gần trẻ nhỏ. Nên dùng tấm trải phủ lên nệm của bé để tránh bụi, không nuôi thú có lông như mèo, chó trong nhà, không để những chất nặng mùi trong nhà tránh xa mùi nhang khói. Không dùng xà bông, thuốc gội đầu hay những loại nước hoa; nhớ mở cửa sổ khi trời nóng; nếu nấu ăn bằng củi hay dầu lửa. Cần mở cửa thông thoáng và đóng cửa khi không khí bên ngoài đầy chất thải của khói xe, chất ô nhiễm nhà máy, bụi, phấn hoa...
- Cần thường xuyên lau chùi, vệ sinh nơi ở, nhất là những chỗ chứa nhiều bụi bặm. Nên bọc giường ngủ và gối bằng một bao có khoá kéo hoặc tốt hơn nên dùng chiếu; thường xuyên giặt tấm trải giường và gối chăn bằng nước nóng, phơi khô ngoài nắng.
Vì suyễn là một bệnh phức tạp, rất khó điều trị nên ngay khi có triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân cần đến bác sĩ để được hướng dẫn đầy đủ cách phòng ngừa, theo dõi và dùng thuốc tại nhà như thế nào cho an toàn và có hiệu quả.
Các dấu hiệu nhận biết tình trạng nặng cần đến bệnh viện ngay
- Khi thở, cánh mũi nở rộng ra, co kéo các xương sườn và dưới cổ, nói năng khó khăn, tím đầu móng tay, móng chân, môi tái, đi lại thấy mệt.
- Đã dùng thuốc cắt cơn đúng theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng không thấy có tác dụng hay tác dụng quá ngắn, vẫn còn thấy khó thở và thở nhanh.
- Khi phải dùng thuốc tác dụng nhanh trên 4 lần một ngày để cắt cơn, vì tuy thuốc giúp ta đễ chịu hơn trong một thời gian ngắn nhưng nếu dùng quá liều, đường thở sẽ sưng phù thêm, cơn suyễn càng nặng lên, có thể gây tử vong...
- Nếu bị suyễn, bạn cần phải chú ý luôn mang theo thuốc suyễn khi ra khỏi nhà và dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn.
- Đến bác sĩ 2-3 lần mỗi năm, ngay cả khi không có vấn đề lưu ý về đường hô hấp.
- Cần dùng thuốc phòng ngừa nếu mỗi ngày phải cắt cơn bằng thuốc có tác dụng nhanh.
- Có thể dùng thuốc suyễn trước khi chơi thể thao hay lao động nặng, nếu cần.
- Dùng lưu lượng đỉnh kế (peak flow meter) hàng ngày tại nhà đúng theo hướng dẫn có thể giúp chẩn đoán bệnh xác định độ nặng nhẹ và nhất là để biết được khi nào cần thêm thuốc.
Hiện nay, y học đã có thể giúp kiểm soát được cơn suyễn. Người bệnh vẫn có thể sống bình thường yên tâm vui chơi, làm việc, học hành, du lịch xa cũng như ngủ ngon giấc về đêm... Suyễn là một bệnh cần điều trị lâu dài, với tỷ lệ khoảng 50-80% bệnh nhân sẽ lành bệnh.
BS Phan Quý Nam (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương)
(còn tiếp)