Phần 80

Bệnh giun đầu gai
Thời gian gần đây, có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện là những người thường xuyên ăn đồ tái sống. Đã có bệnh nhân do ăn cá nhúng giấm, gỏi cá, cá lóc nướng trui, mắm Thái,... sau đó xuất hiện nhiều triệu chứng đau bụng, buồn nôn, sốt. Đặc biệt là sự xuất hiện kỳ lạ của nhiều khối u di động khắp nơi trong cơ thể, thường tập trung ở mặt, miệng và tay chân. Thủ phạm gây ra những triệu chứng đáng sợ như vậy? Chính là giun đầu gai.
Loại giun này có tên khoa học là Gnastostoma spinigerum, sống chủ yếu ở các động vật như chó, mèo... Người chỉ là ký chủ trung gian mang ấu trùng hoặc giun non, chúng di chuyển dưới da và cơ quan nội tạng của người để gây bệnh. Giun đầu gai trưởng thành, con đực dài 11-25 mm, con cái dài 25-54 mm, thân mình được bao phủ bởi các gai ở phía trước, đầu phình to có 4-8 hàng móc, do đó giun được gọi là giun đầu gai.
Giun trưởng thành sống ở vách bao tử của các động vật ăn thịt sống như chó, mèo, chim, chúng đẻ trứng ở đây và sau đó trứng theo phân của các động vật này đi ra ngoài. Phân ở môi trường ngoài sẽ bị các lăng quăng đỏ nuốt vào và biến thành ấu trùng. Sau đó lăng quăng đỏ bị cá, tôm, ếch, lươn, rắn... nuốt, chúng phát triển ở cơ bắp các động vật này trở thành ấu trùng giai đoạn 3. Nếu người ăn gặp các ấu trùng giai đoạn 3 này mà không được nấu chín, khi vào dạ dày những ấu trùng này do có tính di động rất cao sẽ chui qua vách dạ dày và đi lang thang khắp nơi trong cơ thể như da, gan, phổi, mắt, nguy hiểm nhất là ở não. Đi đến đâu, đầu và mình nhiều gai của giun tiết dịch gây viêm, hoại tử, xuất huyết ở vùng đó, bệnh nhân sẽ có những cơn đau nhói, đau như xé thịt ở các cơ quan tương ứng.
Giun đầu gai hay gặp ở Đông Nam á và các vùng lân cận. Đặc biệt ở miền Nam nước ta hay bị nhiễm giun do ăn những món ăn đặc sản như cá lóc nướng trui, mắm Thái...
Biểu hiện bệnh của giun rất đa dạng, tùy thuộc cơ quan nào mà giun đi ngang qua. Khi giun từ dạ dày xuyên qua vách dạ dày đi đến:
- Gan: Gây sốt, đau vùng gan dễ chẩn đoán nhầm với viêm gan, Abces gan...
- Bụng: Gây đau bụng, rối loạn tiêu hoá đôi khi rất dữ dội có thể nhầm với cơn đau bụng cấp tính, nguy kịch, nhầm với triệu chứng của bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm tuỵ cấp...
- Mắt: Gây viêm mống mắt, viêm màng bồ đào, xuất huyết trong mắt. Biểu hiện lâm sàng là tình trạng đau nhức trong mắt, mắt viêm đỏ, mí mắt sưng phù.. Đã có bệnh nhân đến bệnh viện khám vì các triệu chứng ở mắt và được bác sĩ gắp ra từ mắt một con giun đầu gai.
- Da: Thường biểu hiện bằng nhiều khối u di động dưới da, đôi khi sưng phù và đỏ ở nhiều vùng da dễ lầm với dị ứng da, dẫn đến sai lầm trong vấn đề điều trị, kéo dài thêm tình trạng bệnh.
- Phổi: Gây viêm phổi, tràn dịch màng phổi...
- Rối loạn thần kinh: Gây nhức đầu, khó tập trung, hay quên...
- Tủy sống: Gây viêm tủy có thể dẫn đến liệt tứ chi.
- Não: Gây viêm não, xuất huyết não, có thể làm tàn phế hoặc tử vong người bệnh.
Những triệu chứng này có những đợt bùng phát, có những lúc lắng dịu và kéo dài trong cơ thể.
Khi có những triệu chứng nghi ngờ kể trên, đặc biệt ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ cao như thường xuyên ăn đồ thủy hải sản tái sống, cần đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Tại đây bác sĩ sẽ thăm khám kết hợp với các xét nghiệm để định bệnh.
Hiện nay việc điều trị tương đối hữu hiệu nhất là phát hiện để rạch và gắp giun ra từ các vùng trong cơ thể. Tuy nhiên, để định vị được nơi giun trú ngụ là điều không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đồng thời do đặc tính rất di động của giun, đôi lúc gây khó khăn cho việc điều trị.
Để phòng ngừa nhiễm giun đầu gai, cần lưu ý các vấn đề sau đây: Nên ăn thực phẩm được nấu chín (đặc biệt các loại thủy hải sản như tôm, cá, rắn, lươn...); nếu cần phải ăn những món ăn tái sống thì phải ngâm thức ăn vào giấm đậm đặc từ 5 tiếng rưỡi trở lên; thật cẩn thận khi ăn những món ăn có nhiều nguy cơ: mắm Thái, gỏi cá, cá lóc nướng trui...; quản lý, không để chó, mèo... đi tiêu bừa bãi; không nên dùng phân tươi làm phân bón; tiêu diệt lăng quăng đỏ.
BS Lê Thị Tuyết Phượng
(còn tiếp)