Phần 19

Chàm tiếp xúc
Chàm tiếp xúc là một bệnh da dị ứng gây ngứa do tiếp xúc với một chất gây dị ứng (dị ứng nguyên).
Bệnh có thể xuất hiện dưới dạng cấp hay mạn tính. Thương tổn da xuất hiện dưới dạng hồng ban mụn nước như chàm thể tạng nhưng khác biệt ở điểm:
- Giới hạn rất rõ, theo hình dạng của vật tiếp xúc (chàm thể tạng có giới hạn không rõ).
- Xuất hiện ở bất cứ vị trí nào có dị ứng nguyên.
Khi bệnh diễn tiến mạn tính, da sẽ có dạng liken hoá do cào gãi nhiều hay do bội nhiễm. Bệnh xảy ra từ 5-7 ngày sau lần tiếp xúc đầu tiên, đôi khi trễ hơn.
Nếu dị ứng nguyên là chất có hình dạng không đổi như dây đồng hồ, gọng kính, thương tổn sẽ có hình dáng của vật tiếp xúc. Nếu chàm tiếp xúc do thoa kem trang điểm ở mặt, các vị trí như hai gò má, cằm, trán trở lên đỏ hồng, rịn nước trong khi quanh hai mắt, mũi, miệng là những vùng không thoa thuốc có màu da bình thường.
Nếu dị ứng nguyên là chất lỏng, thí dụ dầu thơm, dị ứng có thể lan ra các vùng da kế cận.
Có khi, người bị chàm tiếp xúc ở bàn chân nhưng sau đó lại có những thương tổn tương tự ở bụng, cổ. Y học gọi đây là phản ứng tự thân ("id" réaction) hay phản ứng ở xa (réaction à distance).
Thương tổn tùy theo vị trí:
- Chàm tiếp xúc ở da đầu: Thường khô, có màu hồng, ngứa rất dữ dội. Sau khi ngừng tiếp xúc với chất gây dị ứng, vảy mịn như vảy phấn sẽ tróc ra và có thể gây rụng tóc tạm thời ở vùng da bệnh.
- Chàm tiếp xúc ở da mặt: Rất thường gặp, dưới dạng hồng ban mụn nước, có khi rịn nước. Thường do thoa trực tiếp kem trị bệnh hay kem trang điểm, chất tẩy trắng, tẩy nám; có khi do những chất bay trong không khí như bụi xi măng, phấn hoa, khói nhang...
- Ở mí mắt: Thường mí mắt hay bị sưng. Nếu mí mắt và kết mạc cùng lúc bị sưng đỏ, ngứa thì do dị ứng với thuốc nhỏ mắt. Nếu chỉ hai mí bị thì thường do thoa chất gây dị ứng vào mí mắt (thoa phấn màu vào mí mắt, bút chì kẻ mi, lông mày, xăm môi...)
- Ở dái tai: Thường do dị ứng với nikel trong bông đeo tai. Thương tổn khô, màu hồng, có vảy. Đôi khi có mụn nước, rỉ nước đưa đến trợt da, bội nhiễm vi trùng sinh mủ.
-Ở môi: Chất amalgame dùng trong điều trị răng có thể gây dị ứng trong miệng và lan ra môi. Cũng có thể do thoa son lên môi hay do xăm môi.
- Chàm tiếp xúc ở bàn tay:
+ Ở mặt lưng bàn tay: Rất dễ gặp. Bệnh có thương tổn mụn nước, rỉ nước ở giai đoạn cấp, thương tổn trở nên khô và có vảy ở giai đoạn mạn tính. Các móng tay đều bị hư, có nhiều sọc ngang, không đều, giống như bàn tay thợ hồ.
+ Ở lòng bàn tay: Thường rất khó chẩn đoán vì dễ lầm với các bệnh da gây ngứa khác.
- Chàm tiếp xúc ở bàn chân: Lưng bàn chân hay bị hơn lòng bàn chân. Thương tổn ở lòng bàn chân cũng rất dễ lầm với các bệnh da gây ngứa khác.
- Chàm tiếp xúc ở bộ phận sinh dục: Ở đàn ông, chàm tiếp xúc tại bộ phận sinh dục gây phù nề rất dữ dội (da bìu) trong khi ở đàn bà thì ít hơn (môi lớn). Bệnh thường xảy ra cấp tính, rất ngứa, đôi khi có mụn nước, rỉ nước, đôi khi khô.
Để việc điều trị mang lại kết quả tốt đẹp, cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng
° Điều trị triệu chứng:
- Bác sĩ sẽ cho dùng các loại thuốc kháng dị ứng như Loratadine (Clarityne), Cétirizine (CéFrine-Zyrtec), Acrivastine (Semprex), Astémizole (Histalong) là những loại thuốc thuộc thế hệ mới, ít gây ngủ.
- Có thể dùng thêm sinh tố PP (Nicobion), sinh tố C, thuốc trợ gan mật (Chophytol, Sulfarlem), thuốc giải dị ứng ở gan (Hyposulfène).
- Nếu có rịn nước, có thể dùng thêm kháng sinh phổ rộng (Tétracycline, Erythromycine, Doxycyline, Rulid...) hay Sulfamide như Bactrim...
- Trường hợp bệnh nặng, sưng phù, có thể can thiệp bằng corticoid uống hoặc tiêm (Prednisolone, Bétaméthasone) nhưng cần phải cẩn thận và dưới sự theo dõi của bác sĩ.
° Điều trị tại chỗ:
- Nếu thương tổn khô, có vảy, có thể bôi ít thuốc mỡ hay kem có chất kháng viêm bong vảy nhẹ (Diprosalic). Cần hạn chế dùng corticoid mạnh thoa tại chỗ (Bétaméthasone, Clobétasol...)
- Nếu thương tổn rịn nước, nên đắp ướt bằng thuốc tím pha loãng với nước ấm (nồng độ 1/10.000) hay phun sương với nước cất vô trùng. Và sau đó thoa hồ nước (Pâte à l'eau) để hút bớt nước rỉ ra từ thương tổn.
Phòng ngừa:
Tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng đã được biết; nhất là phải tránh bị lại lần thứ hai vì bệnh sẽ xuất hiện nhanh và rất nặng.
Cần có những biện pháp bảo hộ lao động thích hợp cho công nhân làm ở nhà máy xi măng, cao su, sản xuất dây thun, xí nghiệp thủy hải sản (do tiếp xúc thường xuyên với nước đá, muối...). Sự chăm lo đến những biện pháp an toàn lao động sẽ làm giảm thiểu các trường hợp chàm tiếp xúc do nghề nghiệp (bệnh da nghề nghiệp).
BS Lý Hữu Đức
(còn tiếp)