CHƯƠNG 23

     rời đã rất khuya, có lẽ phải sang canh tí.
Tùng bước ra từ thư phòng, một tay cắp cuốn sách, tay kia cầm cây đèn đi về phía phòng mình. Khẽ khàng rón rén như thể đó là căn phòng ai khác chứ không phải phòng của chính mình.
 Lấp ló ngoài cửa, ngần ngừ một lúc mới bước vào, nhìn quanh quất rồi đặt cây đèn trên bàn, đẩy ngọn tơ hồng còn lại hơn một nửa vẫn trơ ra đó vào trong góc rồi ngả lưng xuống giường.
Những tấm bọc lót chăn mền đều đã được chị Xuân thay. Chỉ có đôi gối do chính tay chị ấy thêu là vẫn còn. Màu chỉ óng ả, nét thêu khéo uyển chuyển đến nỗi dưới ánh nến đôi uyên ương càng có vẻ quấn quýt khăng khít, những nét chữ thêu “ Chim liền cánh, cây liền cành” cứ lung linh nhấp nháy chập chờn. Lật úp mặt thêu xuống để khỏi nhìn những gì gợi lại đêm tân hôn nhưng vẫn không sao ngủ được cứ trằn trọc mãi.
Cũng là căn phòng này nhưng không làm sao  tìm lại được những khoảnh khắc bình yên như  khi chưa làm đám cưới. Từ hôm về nhà đến nay  mới chỉ nhìn Vân Sa có một lần nhưng Tùng biết mình chưa thể loại bỏ hình ảnh nàng ra khỏi đầu. Tại sao trong cái vẻ mong manh đó lại ẩn chứa một sự cứng cỏi đến nỗi dám vượt qua phép tắc  lễ nghĩa chứ không chịu an phận, không chịu khuất phục? Có thể khi yêu người ta có can đảm làm bất cứ gì? Vóc mềm sao dai dẳng cứ dính chặt vào tâm trí bám riết đeo đuổi mình vậy nhỉ?. Hy vọng mai đây công việc lu bu mới có thể dứt được  hình ảnh Sa ra khỏi đầu.
Nằm trơ vơ trên chiếc giường dưới ánh sáng  của ngọn bạch lạp cháy không đều, bị giằng xé dày vò  trong những cảm xúc rất lạ không thể diễn đạt thành lời, chàng vội cầm cuốn sách  lên nhưng lại bỏ sách xuống vì chỉ có một ngọn đèn,  lại đặt hơi xa, ánh sáng không đủ để nhìn rõ mặt chữ. Xung quanh chàng là sự trống vắng hiu hắt. Bất chợt chàng lăn mình vào khoảng mờ tối rồi lại lăn ra khoảng sáng, cũng không ổn, đành nằm giữa vùng mờ và sáng, hai tay giang rộng như muốn khoả lấp những trống trải trên chiếc giường giờ đây sao bỗng quá thênh thang đến kỳ lạ! Hết nằm dọc rồi lại quay ngang. Chàng giật mình. Tấm mền cuộn tròn thấp thoáng trong ánh nến song song với tư thế của chàng như thể có người nào đang cùng nằm. Vội vàng nhắm mắt lại nhưng thân hình mềm mại duỗi ngang, suối tóc óng mượt đen tuyền của Vân Sa lại hiện ra. Tùng ngồi bật dậym đẩy tấm mền khuất vào trong góc nhưng lại với tay lấy cái gối lấp ngay vào khoảng trống  vừa lộ ra, hai tay ôm xiết,người cong gập lại úp mặt lên gối bất động.
Trên bàn, cây đèn lặng thầm hắt bóng chàng lên vách, bấc đang lụi dần leo lét. Mọi vật bỗng trở nên mờ mờ hư ảo. Bức vách hay khung trời mịt mù? Bóng chàng thẵm đen nhô lên hay bóng núi lạnh lẽo trơ vơ?

 

Tùng đi dọc hàng hiên, khi ngang qua phòng thờ chàng ló đầu vào nhìn nén nhang đang cháy  nhưng không thấy bóng mẹ đâu  nên không vào hướng thẳng đến phòng chẩn mạch. 
Vừa bước lên thềm đã nhận ra Khuyên đứng đợi từ lúc nào. Khuyên nhìn Tùng cười hết miệng:
_A anh Tùng! Em định qua phòng anh gọi cửa đó!
_Anh dậy trễ vì hôm qua thức lu bu những  công việc vặt vãnh cho xong để hôm nay bắt đầu làm việc. Tùng vừa nói vừa đưa mắt khẽ liếc nhìn về phía cuối lối đi, nơi thẳng góc với hàng hoè rẽ ra phía sau, đang ngần ngừ do dự thì Khuyên lên tiếng:
_Anh khỏi phải xem xét nữa! Em vừa ra sau đó! Lão câm đã sẵn sàng hết rồi!
Tùng gật đầu thò tay vào túi lấy khoá loay hoay mở chốt cửa, Khuyên đứng sát lại không nói gì cứ mải miết nhìn Tùng, hai má nàng đầy đặn bỗng hồng lên ánh mắt phơi phới long lanh.
Vừa rút khoá ra Khuyên đã mau mắn đưa tay kéo chốt dùng người đẩy cánh cửa bật rộng
Tùng nói:
_Khuyên này, anh dặn nhé! Đây là phòng khám bệnh. Từ hôm nay hai anh em mình đều chịu trọng trách về những gì trong căn phòng này. Em ghi chép sổ sách cho nên anh sẽ đưa cho em một cái khoá. Ai tới sớm thì cứ mở cửa vào. Đừng chờ anh cũng đừng qua  gọi anh làm gì!
Khuyên chìa tay:
_Dạ anh cho em xin.
Đặt chìa khoá vào tay Khuyên, Tùng nói:
_Em mang sổ ra đây. Sổ mới đó. Chúng ta bắt đầu làm việc ngay. Hồi nãy hình như đã thấy bóng người loáng thoáng trước ngõ rồi đó!
Chàng vừa dứt lời  bên ngoài có tiếng gọi với vào: “Bẩm bà Chánh đã đến giờ khám bệnh chưa xin mở cửa cho chúng tôi vào?
Con vẹt hôm nay được đem ra hong nắng trở lại dưới cây lựu, chưa kịp đem vào hốt hoảng kêu inh ỏi:
_Trình bà nhà có khách! Trình bà nhà có khách!
Cả cái khoảng sân rộng thường ngày vắng lặng hôm nay lao xao, hai hàng cau cũng chói loà rực rỡ ánh mai.
Tùng, Khuyên không ai bảo ai đều vội vàng kéo ghế ngồi xuống trên cái bàn được đặt hướng thẳng ra cánh cửa lớn mở rộng.
Lão câm hấp tấp chạy ra mở cửa. Con Mực chạy theo sau. Một đám chừng hơn chục người đã chờ sẵn chen nhau ùa vào. Lão câm ú ớ chỉ  chỏ. Con Mực sủa ầm lên nhe răng gầm gừ. Đám người thấy nó sủa găng quá toàn thân lại đen bóng, lưỡi hồng thè ra giữa hai hàm răng sắc nhọn, tướng mặt chó quá lạ khiến cả đám chùn lại, đứng sát vào nhau khúm núm sợ sệt.  Cuối cùng họ cũng len lét dắt díu theo hướng chỉ dẫn của lão câm qua hàng cau đến cuối con đường lát gạch thì dừng lại. Lão chỉ hàng ghế dài đặt trước phòng chẩn mạch ra hiệu cho mọi người chờ. Còn con Mực đã thôi sủa, đứng canh tại ngã rẽ đi vào khu nhà chính. 
Khuyên bước ra, tay cầm một bó thẻ tre nhìn mọi người nói:
_Thưa các bác, các anh, các chị bây giờ tôi sẽ phát cho mỗi người một tấm thẻ. Các bác cứ theo cái chấm trên thẻ này, ai tới trước thì ít chấm nhất sẽ vào trước nhé. Trừ trường hợp nguy cấp không cần nhận thẻ cũng sẽ được ưu tiên. Hôm nay ngày đầu dưỡng đường mở lại, vì tiếp nhiều người cùng một lúc nên xin mạn phép được phát thẻ cho ai trông có vẻ lớn tuổi nhất.
Nói xong nàng tiến hành ngay: “Đây là của bác một chấm, bác này hai chấm, anh ba chấm, chị bốn chấm…” Cứ thế Khuyên phát mỗi người một thẻ. Nhìn những khuôn mặt Khuyên biết người bệnh có những người không phải làng Y họ ở đâu xa lắm, nghe đồn ngự y lui khỏi triều  về quê nhà nối nghiệp tổ tông  nên không quản đường xa lộ phí hăm hở tìm tới.
  Bà cụ được phát tấm thẻ trước tiên kéo một thiếu nữ theo mình bước vào. Khuyên giữ lại. Bà cụ kêu lên:
_Tôi đưa cháu tôi tới bốc thuốc chứ có phaỉ tôi đau đâu!
Từ phía trong giọng Tùng sang sảng nói vọng ra:
_Xin cụ cứ ra ngoài tôi sẽ thăm bệnh cho cháu cụ, xin cứ yên tâm
Bà cụ nghe giọng nói chạy tới trước ngữơng cửa trịnh trọng vái chào rồi bước thụt lùi từ từ ra ngồi ở ghế bình tĩnh chờ đợi.
Khuyên ra hiệu cho thiếu nữ được phép bước vào phòng khám, hướng dẫn cô ta ngồi xuống ghế.
Thiếu nữ nhìn Tùng mặt đỏ hồng rồi lí nhí:
_Bẩm em muốn được quan ngự y thăm bệnh bốc cho vài thang dưỡng thai, em ơn quan lắm ạ! Em năm nay mười lăm, có thai lần đầu.
Tùng cười:
_Tôi không mặc triều phục, đừng gọi tôi là quan, giờ tôi chỉ là thầy lang chữa bệnh. Chị không cần nói gì đưa mạch tôi xem tôi kê đơn bốc thuốc chẳng có gì hệ trọng đâu!
Thiếu nữ đưa tay cho Tùng bắt mạch nói như phân bua:
_Dạ tại bà em dặn cặn kẽ như thế ạ!
Nãy giờ theo dõi, nghe tới đây  Khuyên cầm bút mở sổ ra, chỉ một thoáng nàng nghe tiếng Tùng cất lên từ tốn:
_Xuyên khung hai chỉ
_Xuyên bối mẫu ba chỉ
_Xuyên hậu phác hai chỉ
_Xuyên bạch thược ba chỉ
_Xuyên đương qui bốn chỉ
_Diên thảo hai chỉ
_Bắc ngãi điệp hai chỉ
_Đại phục bì ba chỉ
_Bắc kinh giới hai chỉ -  uống mười thang thuốc dùng lúc đi ngủ, hai nước cách nhau non nửa canh giờ. Cơ địa mỗi người một khác, đơn này chỉ dùng cho riêng chị thôi. Ngoài  chị không ai được phép dùng.
Khuyên ghi tất cả vào sổ rồi ra hiệu cho bệnh nhân lại chỗ nàng thanh toán tiền trước khi nhận thuốc.
Thiếu nữ vừa bước ra một người khác hấp tấp bước vào trịnh trọng chắp hai tay vái. Tùng chắp tay chào lại
_Xin mời ông an toạ! Khuyên nói.
Người đàn ông vừa ngồi xuống đã chìa cánh tay ra. Tùng bấm nhẹ mạch. Khuyên lại chăm chú nhìn chàng. Thật ra trước nay Khuyên chỉ biết Tùng giỏi võ, lúc cha còn sống, chàng thường đi biền biệt vui cùng bạn bè nơi núi rừng nhiều hơn ở quê nhà. Ánh nhìn trầm tĩnh, phong thái thanh thoát, làn môi tươi nhuận, sống mũi cao thẳng Tùng hớp hồn Khuyên ngay từ khi còn rất bé lúc đó chỉ qua học việc phụ giúp lão gia và anh cả Bách. Đến khi thông thạo việc nàng xin được truyền đạt thêm về nghề thuốc. Tùng chính là động lực khiến nàng chú tâm học hỏi phụ giúp những việc trong gia trang hết mình. Rồi bất thình lình lão gia và anh Cả mất, Tùng theo nghiệp cha, anh trở về, nhưng đau đớn thay chàng lại về cùng với tin sét đánh ngang tai: “Chàng lấy vợ” Lòng Khuyên tan nát. Bao nhiêu hy vọng một ngày nào đó sẽ được làm dâu nhà này vụt tan biến.
Giọng Tùng lại vang lên, Khuyên giật mình ghi vội tên và lượng các vị thuốc, bốc, cân, gói. Mọi động tác thật nhanh chính xác thuần thục.
Nàng nghe bệnh nhân nói với Tùng:
_Hân hạnh được biết anh. Hồi đó tôi hay vào đây khám bệnh rồi thì quan ngự y, anh Bách mất. Tôi buồn lắm tưởng không bao giờ còn được đặt chân tới ngôi nhà này. Vào tới đây chưa khám đã thấy bớt bệnh nhiều. Không khí thoáng đãng quá! Không ngờ con trai út của quan ngự y giỏi giang tướng mạo lại phi phàm thế!
Tùng lắc đầu:
_Bác khen quá lời. Cha và anh cháu mới là người có nhiều kinh nghiệm trong nghề. Cháu còn thiếu điều đó. Nếu có gì sơ suất xin bác bỏ qua cho.
_Không đâu! Hồi nãy tôi vào đây gặp bà già hồi nãy dẫn cô cháu đứng lơ ngớ tìm dưỡng đường thế rồi trông thấy cái bảng hai bà cháu dừng lại. Nếu là cái bảng lúc trước ghi vỏn vẹn chữ “Dữơng đường” thì chỉ người biết chữ mới tìm được dễ dàng, nhưng cái bảng mới treo tuyệt quá!. Ngoài chữ “Dưỡng Đường” còn vẽ cái siêu thuốc và củ nhân sâm. Hỏi anh có phải không biết chữ vẫn đọc được không? Đây là cách chỉ chỗ hay nhất! Nhà tôi xa lắm, cách đây mấy làng lận. Đi từ tờ mờ sáng lúc bước vào người tôi còn nhọc, run lắm, lo anh không thể bắt mạch liền được rồi phải ngồi chờ cho người bình thản mới được bắt mạch vậy mà anh bắt mạch ngay, bốc thuốc cũng nhanh hơn ông cụ, anh cả Bách nhiều. Gia đình này phúc lớn đây! Có người nối nghiệp xứng đáng rồi! Cả đời tôi hay đau ốm ngặt nghèo nên tôi dễ nhận ra ai đích thực là lương y.
_Đa tạ bác quá khen!
Khuyên gói mấy thang thuốc chồng lên nhau buộc chặt rồi trao cho ông ta nói:
_Bác về sắc uống, mỗi ngày một thang sắc ba lấy một!
Tới đây bằng một giọng nghiêm trang lạnh lùng nàng hỏi:
_Mời người khác vào được chưa anh?
Người đàn ông hiểu ý đứng lên chắp tay cúi chào Tùng và Khuyên rồi lui ra.
Khuyên đưa cắp mắt sắc lẻm liếc Tùng mỉm cười nhắc nhở:
_Thời giờ là vàng bạc. Người ngồi chờ luôn luôn là kẻ sốt ruột, chúng ta không nên làm người bệnh phiền lòng.
Tùng gật gù:
_Khuyên có lý, nhắc anh như vậy quá tốt! Khuyên từng làm việc ở dưỡng đường này quen rồi còn anh chỉ quen không khí thư thả chậm rãi khi làm việc trong triều thôi. Kinh nghiệm khi khám cho dân bình thường, nhiều người cùng một lúc là điều anh còn phải học nhiều ở em.
Thời gian lặng lẽ trôi. Đám người được quy định khám buổi mai thưa dần. Tùng mải miết làm việc. Cuối cùng Khuyên cũng đứng lên cầm cái chuông đồng nhỏ lắc kêu leng keng đoạn bước ra nói với mọi người còn lại:
_Đã đến giờ ngọ mời mọi người lui ra, chiều đầu giờ mùi mới chẩn mạch lại.
Tùng lẩm bẩm: “Giờ ngọ rồi ư? Sao nhanh thế nhỉ?” rồi lật  đật đứng dậy nói:
_Khuyên dẹp sổ sách được rồi đó! Còn về nhà kẻo bố mẹ đợi cơm, chiều lại qua em nhé!
Khuyên nghe Tùng nói thế mặt sa sầm, nàng muốn nhín lại một chút thời gian ở bên chàng. Vừa lúc chị Xuân cắp cái rổ na đi vào vui vẻ hỏi:
_Sao? Buổi sáng làm việc đầu tiên hai em đã mệt chưa?
Khuyên phụng phịu:
__Đói quá chị ơi! Em đang tính vào bếp xem có gì xin chị ăn, hồi sáng hấp tấp lăng xăng đến đây sớm quá quên cả lót dạ.
Xuân kêu lên:
_Chết chửa! Tội nghiệp em quá! Chị tính gởi em ít quả na đưa về bên nhà cho bác thắp nhang nhưng thôi chiều đưa về cũng được.
Xuân quay qua Tùng nhắc:
_Em đóng cửa lại rồi qua bếp mẹ đang đợi cơm. Khuyên ở lại đây ăn trưa luôn thể
Khuyên chỉ đợi có thế reo lên:
_A! chị Xuân đúng là tuyệt! Có ai như cái anh Tùng, làm việc đói mờ mắt mà bị đuổi như đuổi tà, Thấy ghét quá! Chữ “ghét” kéo dài kèm theo cái liếc xéo. Vừa nói Khuyên vừa thò tay nắn mấy trái na.
Tùng bật cười:
_Ai biết đâu là cô đói. Hoá ra chưa có gì lót dạ buổi sáng sao?
Thấy Khuyên bóp nắn mấy trái na Xuân vội kêu lên:
_Ấy đây là những trái đẹp tôi dành thắp nhang đấy! Của thơm của thảo đấy! Có mấy trái na không được đẹp nhưng cũng chín rồi, thằng Tí hái lén chị phát hiện cho mấy cái roi vào mông. Để chút chị lấy cho Khuyên ăn.
Tùng kêu lên:
_À quên mất để nói già tỉa bớt những cành khô của cây na chứ lỡ cháu nó trèo lên cành gẫy sẩy chân ngã xuống thì khốn. Để em dặn cháu khi nào muốn ăn nói người lớn lấy sào khèo cho.
Xuân chép miệng:
_Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con hay trèo. Nó sợ chú chớ sợ gì chị. Lời nói của chị như nước đổ đầu vịt. Con không cha như nhà không nóc
Biết mình vừa chạm vào nỗi đau của chị, Tùng vội lãng sang chuyện khác:
_Thôi em cũng đói rồi, nào đi thôi!
Được vài bước cả ba đụng đầu lão câm đang cầm cái thau đồng bóng loáng đi về phòng thờ. Tùng nán lại hỏi:
_Sắp có giỗ hay sao mà già cầm thau đồng lên phòng thờ lau chùi thế?
Lão ú ớ chỉ chỏ. Nhìn bộ điệu lão Tùng hỏi tiếp:
_À chỉ là ngày rằm thôi phải không? Ăn cơm chưa?
Lão lắc đầu rồi kéo tay Tùng ra bên chỉ về dãy nhà sau đã được lão cọ rửa quét dọn sát trùng bằng nước gừng xong xuôi, các cánh cửa phòng đang mở rộng như đón chào.
Tùng hiểu ý trả lời:
_Già biết không? Chỉ có cái nghề này là không nên mong có người lưu lại mặc dù chúng ta sẵn sàng tiếp bệnh nhân. Phòng càng để trống chứng tỏ sức khoẻ người dân ở đây tốt. Nhưng con cũng báo cho già biết sáng nay đã có năm người được báo phải lưu lại điều trị, vì những vị thuốc của họ khó uống nếu không trực tiếp nấu thuốc, canh thuốc đúng độ, đồng thời phải giúp họ uống được thuốc trọn vẹn tránh không bị thất thoát thì việc chữa trị mới có kết quả. Họ về chuẩn bị sửa soạn chiều nay sẽ tới. Họ là những người nhận phiếu màu đỏ nên già để cho tất cả ở dãy nhà gỗ, chút chiều cô Khuyên sẽ đưa họ qua cùng với những thang thuốc có ghi số thứ tự  trùng với số phòng. Già giúp con già nhé! Trăm sự nhờ già. Lão câm gật đầu lia lịa cúi xuống bưng cái thau đồng lên dợm bước. Tùng nhận thấy khuôn mặt lão tươi rói rạng rỡ lung linh in lên mặt nước trong. Chàng vỗ vai  lão:
_Thôi già mang thau đi đâu thì đi nhanh lên còn vào dùng bữa với cả nhà trễ rồi! Mọi việc để chiều hẵng hay.
Cứ mỗi lần thấy lão câm lui cui với cái thau đồng đựng thứ nước mưa trong vắt lão cẩn thận hứng vào để dành trong những vại sành, chỉ đặc biệt dành cho việc lau chùi gian phòng thờ chàng lại xúc động. Nhớ lại quãng đời thơ ấu êm ấm luôn luôn quấn quýt bên lão, đã từng thần tượng hoá  lão vì những ngón nghề kỳ lạ huyền bí, sau này khi đã hiểu Tùng mới biết là nghề biểu diễn  xiếc, bán  thuốc rong. Tại sao một người như vậy lại chịu dừng chân sống âm thầm lặng lẽ trong phận nô bộc trong gia đình này? Lão nghe được rất rõ ràng nhưng không trả lời vậy lão đâu phải câm bẩm sinh. Lý do gì khiến lão câm? Khi cha còn sống cứ tiếc gặp lão trễ quá không thể chữa được nữa. Lại không biết nguyên cớ gì khiến lão câm, chỉ nghe phong phanh lão vốn là người Việt lai Hoa bị ám hại bằng thuốc độc, may mắn không chết nhưng bị tàn tật suốt đời. Đối với Tùng lão không phải người xa lạ mà là người thân rất quan trọng, trụ cột chính của gia đình đặc biệt khi cha và anh cả đột ngột qua đời. Vóc dáng lặng lẽ âm thầm ấy chứa chất bao điều Tùng luôn trân trọng. Chàng thầm biết có thể dựa vào lão để tiếp nối truyền thống gia đình. Vậy mà Dân nỡ lòng nào nghĩ về già  phũ phàng thế không biết! Sao nó lại cay cú như thế nhỉ? Đang nghĩ lan man giọng Khuyên réo từ gian bếp:
_  Anh Tùng vào đi đừng để mọi người đợi cơm nữa!
Tùng rảo bước.