CHƯƠNG 24

     à Chánh ngồi với cháu trên cái phản rộng ngay giữa căn bếp.
Xuân khe khẽ đặt cái mâm thức ăn  trước mặt bà, lui cui sắp chén đũa.
Đang cầm chiếc đũa cả xới cơm trong cái nồi vẫn còn đặt trên bếp  nghe tiếng Khuyên gọi Tùng, Sa quay đầu lại nhìn. Tùng chưa bước vào còn đứng ở ngưỡng cửa nhưng quay lưng ra ngoài. Đây là bữa ăn đầu tiên Sa có dịp được ngồi với tất cả mọi người trong nhà.
Nàng vội đơm cơm  vào cái thố sành  ghé tai  chị Xuân vừa trờ tới thầm thì:
_Nhà ta ngồi quây quần trên cái phản dùng cơm ấm cúng quá chị à!
Chị Xuân gật nhẹ nói:
_Tại nhà ít người,nếu nhà có khách hay giỗ chạp sẽ ăn ở phòng bên có bàn ghế đầy đủ.
_Dạ nhưng em thích không khí đây hơn.
Chị Xuân dặn khẽ:
_Đợi Tùng và già vào rồi chị sẽ mang thố cơm, còn em bưng canh  lại phản nhé, thế là đầy đủ xong xuôi!
Sa không nói gì. Nàng không tỏ ý phản đối nhưng những lời chị Xuân dặn Sa quyết không nghe nữa! Nàng sẽ tự tìm cách để gần gũi với mẹ chồng và chồng.
Bà Chánh thấy bóng Sa thấp thoáng nơi góc bếp nhưng làm như không thấy, dửng dưng lạnh lùng, lâu lâu liếc nhìn con trai đang đứng ở ngưỡng cửa chưa chịu vào. Chắc nó ghét nhìn mặt con Sa. Không ngờ Tùng phản ứng còn mạnh hơn bà. Tống vợ ra tuốt dãy sau. Phải thế thôi! “Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” Mới chửi nó với thằng Dân hôm qua, hôm nay đã nhơn nhơn cái mặt. Coi bộ con này không biết xấu hổ là gì?
Một lúc sau Tùng thân mật quàng vai lão câm bước vào. Thằng Tí nhõng nhẽo:
_Chú ơi! Chú ngồi gần con đi. Con ăn cá hay bị hóc xương chú vẽ cá gắp cho con nhé!
Bà Chánh nghiêm giọng:
_Tí, im đi! Con nít sao hay nói leo quá!
Sa nghe bà Chánh nạt cháu lòng bỗng xót xa nghĩ thầm “Nó đáng yêu quá có gì đáng trách đâu!”
Bà Chánh cầm đũa lên nói:
_Thôi tất cả cơm nước rồi nghỉ ngơi chút chiều còn làm việc.
Tùng ngồi xuống phản hôn nhẹ lên cái đầu trọc của thằng Tí nói:
_Tí ăn đi! Đợi người lớn làm gì. Mời mẹ xơi cơm, mời gìa, Khuyên nữa, ăn đi em! Làm khách cứ ngồi đợi, đói thì khổ.
Bà Chánh nói:
_Mẹ cho phép Khuyên ăn trước mà cổ cứ chần chừ không chịu ăn. Thằng Tí này cũng vậy.
Tùng đưa mắt nhìn mâm thức ăn rồi kêu lên:
_Chị Xuân ơi cơm đâu?
Chị Xuân đáp:
_Cơm đây! Cơm đây!
Vừa nói chị vừa chạy lại định cầm cái thố cơm nhưng Sa nhanh tay nhấc lên trước. Chị Xuân hơi ngớ ra, vẻ mặt thoáng lo lắng, cầm tô canh đi liền theo sau. Sa đặt nhẹ thố xuống phản khẽ khàng nói:
_Mời cả nhà xơi cơm.
Nói xong nàng lấy cái bát xới cơm trước trịnh trọng dâng bằng cả hai tay về phía mẹ chồng:
_Con mời mẹ!
Bà Chánh chẳng đặng đừng  miễn cưỡng đón lấy bát cơm. Khuyên nhìn Tùng dò xét. Chàng đang rướn người đưa hai tay về phía chị Xuân đỡ tô canh từ tay chị hớt hải:
_Chị đưa đây em đỡ cho, coi chừng phỏng tay.
Ngỡ ngàng choáng ngợp khi thấy thái độ lạnh lùng hờ hững của Tùng với vợ,  Khuyên cố giữ bình tĩnh sợ để bật lên một tràng cười khoái trá. Sa đăm đăm nhìn Tùng quên cả xới cơm, Khuyên chọc tức Sa:
_Cô Sa sao vậy? Xới cơm đi chứ!
Sa giật mình xới vội cơm đưa cho Khuyên. Khuyên bồi thêm:
_Xới luôn cho già đi, già chờ mãi kìa!
Trong lúc Sa loay hoay xới cơm cho mọi người, Tùng múc canh vào bát lặng lẽ ăn chứ không ăn cơm. Nhìn chồng húp canh Sa chưng hửng hụt hẫng. Điều nàng muốn là từ nay về sau được tự tay chăm sóc mẹ và chàng để có cơ hội nhận được sự thông cảm thứ tha. Nàng ngượng ngùng xới tí cơm lùa ít hạt vào miệng nhưng không thể nuốt trôi.  Mọi người ăn lặng lẽ không ai nói gì với nhau chỉ có thằng Tí lâu lâu thỏ thẻ:
_Chú ơi! Chú ơi! Gắp cái này cho con… múc canh chú ơi!
Mặc cho bà và mẹ trừng mắt nó phót lờ như không. Rồi như chợt nhớ ra điều gì nó nhìn Sa kêu lên:_A bữa nay thím Sa hết đau rồi, đã ra dùng cơm rồi, mặt hết bầm rồi, thím Sa đẹp ghê!
Bà Chánh đang ăn bỗng sặc cơm quay ra sau ho sù sụ liền mấy tiếng. Xuân trừng mắt nhìn con. Nó biết mình lỡ lời nín khe nhưng vẫn nhìn lén Sa cười cười.
Bỗng giọng Tùng cất lên phá tan bầu không khí ngột ngạt:
_Già ơi! Hôm nay con muốn bàn với già việc này. Chả là trước kia còn bố và anh nên già giúp thêm việc quét dọn ngoài việc canh thuốc cho bệnh nhân cũng được đi. Nhưng bây giờ sự tình khác trước. Con biết già rất sạch sẽ cẩn thận nhưng con không muốn già làm nhiều việc một lúc. Con đã nhờ Khuyên mướn thằng Đơm thằng Đó ở làng này cứ sáng sớm đến quét dọn cọ rửa thu gom chất thải rác rến đưa ra cuối vườn nơi có mấy cái hố luôn được đào sẵn đó, chôn đắp tro rắc vôi từng lớp một cứ tuần tự đầy hố thì vùi sâu đắp kỹ đất chuyển sang hố khác. Già lo canh thuốc  đã mệt lắm rồi! Còn cơm có hai em của cô Khuyên, My và Sẻ  tới nấu phụ nếu hôm nào đông bệnh nhân lưu trú. Quá lắm cũng chỉ hai chục người thôi! Không thể hơn được. Thực ra bệnh hoạn  phải ở lại điều trị đặc biệt tại chỗ không nhiều đâu! Thân nhân người bệnh chỉ được thăm họ mỗi ngày nửa canh giờ vào sáng sớm thôi!
Xuân góp ý:
_Nhưng không phải lúc nào cũng thế, nếu chục người trở xuống chị lo được em à. Riêng phần nấu ăn để chị lo. Hai chục người với năm hay sáu người ngồi đây đâu khó khăn gì? Em đừng lo!
Bà Chánh nãy giờ vừa ăn vừa dò xét Tùng và Sa nên không để ý những gì mọi người bàn. Bà phải để ý dò chừng nếu thấy tình hình không xong bà còn tính chuyện tương lai cho Tùng. Nếu con bà cứ dửng dưng như thế này chắc bà phải tính cưới thiếp về cho Tùng, điều khi tính kỹ suy xét thiệt hơn bà không muốn chút nào vì ai mà chả biết chính bà đã từng phản đối kịch liệt không cho chồng được thực hiện ý muốn cưới thiếp về.  Thật khó nói! Nhưng giờ còn sớm quá chưa cần thiết!
Tùng đưa bát hướng về Xuân:
_Chị xới em bát cơm
Sa ngước lên nhìn. Chị Xuân đỡ lấy bát vừa đơm cơm vừa nói:
_Tùng ăn đi! Nãy giờ ngồi nói không ăn rồi chiều lại đói, mất sức! Giờ đến lượt chị có chuyện nói đây!
Tùng hỏi:
_Chuyện gì vậy?
_Chiều nay chị và cháu về ngoại, ăn đám cưới thằng em con dì chắc phải ngày kia mới về. Chị để sẵn nồi cá kho khô và nồi thịt đủ ăn đến khi chị về
Khuyên sốt sắng:
_Chị cứ đi đi. Có gì để em xuống nấu một loáng là anh Tùng có cơm ăn lo gì!
Sa nhíu mày khó chịu. Khuyên là ai mà được gia đình nhất là Tùng tín nhiệm thế? Sa bỏ đũa xuống.
Bà Chánh nãy giờ yên lặng bỗng xen vào:
_Vậy thằng Tí đi, bà nội cũng đi lễ phật cầu an với thím Sinh chứ ở nhà làm gì!
Thằng Tí hỏi:
_Cầu an là gì vậy nội?
_Là xin trời phật phù hộ cho gia đình  con cháu được yên ổn không gặp nguy hiểm bất hạnh.
Thằng Tí láu táu hỏi tiếp:
_Nhà mình gặp nguy hiểm không yên hả nội?
Xuân gắt lên:
_Ăn xong chưa? Đi về phòng sửa soạn ít đồ chiều còn đi. Thằng này lộn xộn quá đi mất!
Bà Chánh bỏ đũa liếc xéo Sa nói trống không:
_Nội không đi cầu an sớm thì cái nhà này không những gặp nguy mà còn suy nữa kìa!
Nhận thấy tình hình căng thẳng cực điểm Khuyên lợi dụng cơ hội đứng dậy nói nhỏ với Tùng nhưng cũng đủ để  Sa nghe rõ:
_Anh ra chỗ ao đá,em pha trà rồi đưa ra đó anh em mình uống trà nghỉ trưa chút còn làm việc! Để em xem mấy cái bông súng nở được nhiều chưa? Hôm qua thăm chừng thấy nụ he hé nhiều lắm anh à!
-Vậy à? Vậy anh ra trước đây! Chút có trà mang ra sau nhé!
Nói rồi Tùng đứng dậy đi thẳng ra ngoài.
Chị Xuân nhìn theo lắc đầu thở dài nhè nhẹ rồi lại hướng về Sa tuy không nói ra nhưng ánh mắt ngầm trách nàng.
Khi chỉ còn một mình ngồi bên chái bếp múc nước rửa bát Sa phân vân tự hỏi không biết chị Xuân là người thế nào?. Mọi cố gắng muốn thể hiện đã hoàn toàn vô ích. Không những không gây được thiện cảm cứu vớt tội lỗi của mình mà còn làm tình thế xấu hơn. Những gì chị Xuân khuyên mình là chân tình? Chị ấy thâm trầm kín đáo, khó hiểu hết được những gì chị nghĩ. Thái độ lúc nào cũng một mực cung kính đến nỗi có cảm tưởng như gượng ép không thật.  Chị làm việc quần quật miệng hay giữ nụ cười nhưng đôi lúc Sa thoáng nhận ra nỗi buồn trong mắt chị. Từ khi Tùng về, chàng chăm sóc chị dâu rất kỹ. Sa ước có thể khám phá những gì chứa đựng trong con người mà Tùng hết lòng ân cần trân trọng. Ngoài phận chị dâu em chồng hình như cả hai đang cùng chia sẻ điều gì đó rất đặc biệt?. Mỗi lần Tùng xuất hiện hỏi han giúp đỡ những việc lặt vặt chị ấy có vẻ hăng hái hơn, hay nhoẻn miệng cười, ánh mắt long lanh niềm vui, thái độ không bao giờ có nếu người đó không phải là Tùng.
Còn Khuyên nữa! Là ai mà thân thiết tự nhiên đến vậy? Ủa mà họ có liên quan gì tới mình để phải quan tâm quá thế này? Mấy ngaỳ nay sao có cảm giác đang bị tra tấn làm nhục, bị bỏ rơi mặc dù chưa bị hành hạ về thể xác, chưa bị ai đánh đập. Từ khi Tùng về ra lệnh  cho mình vào ở gian nhà lá, mình lại nghĩ đáng bị trừng phạt sẵn sàng chấp nhận là sao?. Hình như mình đã đổi thay? Những rung động nông nỗi của mối tình đầu không còn nữa? Cảm xúc hiện tại đau đớn khắc nghiệt hơn lúc còn ở bên làng Dâu rất nhiều. Lúc nãy đã cố giữ bình tĩnh mới có thể chịu được sự hững hờ của chồng, những lời nói mỉa mai khinh ghét của mẹ, cái nhìn xoi mói như thể mình là con quái vật của Khuyên, bẻ bàng nhất  khi Tùng trao bát cho chị Xuân xới cơm.
Tất cả như gáo nước lạnh dội vào cõi lòng đang ấm dần lên. Tại sao lại ấm dần lên trong cái tình huống bi đát này?. Chả hiểu!. Lẽ nào ý nghĩ phản kháng  muốn vùng thoát hoàn toàn tiêu tan?. Lẽ nào mình sợ? Không! Mình hiểu rẩt rõ mình không sợ ai.  Mặc dù mục đích của việc bỏ trốn trước đây là Hải nhưng Hải không còn nữa.  Điều đó không bắt buộc phải ở lại đây như thế này! Hay tại tiền bạc vòng vàng lộ phí rất cần cho cuộc trốn chạy đã không còn? Bố đã tước hết rồi! Cũng có thể, nên mình an phận rồi thấy ấm lòng?. chắc thế! Sa tự nhủ.
Nàng ngước lên bầu trời, nhìn quanh nhà, những hàng cây dần trơ trụi, làn khói lam toả ra mờ mịt từ những đụn lá khô đang cháy. Tất cả đang nhạt dần màu sắc. Tự nhiên Sa lại nhớ làng nhớ xóm, nhớ chị Lạc nhớ Thu nhớ khung cảnh hãi hùng nơi sân đình nhớ cả hình ảnh ghê rợn của Hải mà hình như đã gặp trong cơn mê khi đang trốn về làng băng qua vườn cải, lướt mình trong sương gió.  Đêm tối đi tìm chàng rồi lãnh hậu quả như thế này sao? Ấm ức chịu không nổi, nước mắt Sa ràn rụa, mọi vật xung quanh lại nhạt nhoà.
(còn tiếp)