CHƯƠNG 22

     ùng chăm chú nhìn vào cuốn sổ mở trên bàn, bắt đầu nghe Dân vừa đọc tên thuốc vừa ném những gói về phía Khuyên đang cố bắt cho kịp để bỏ vào những ô ngăn  đã được đánh dấu thứ tự của những tủ gỗ dựng sát quanh bốn bức tường. “A giao, a nguỳ, long diên hương, nhục quế, nhục thung dung, bạch thựơc, mã tiền thảo, phục linh,hương nhu, bạch truật, địa phu tử, bạch phu tử, nhân sâm phấn…”(1)
Tùng ngửng lên nhíu mày nhìn trân trối Dân miệng đọc lung tung, tay ném hối hả, mắt liếc nhìn ra khung cửa mở. Tùng đập mạnh tay xuống bàn quát:
_Dân! Em làm gì vậy?
Dân ngừng lại lắp bắp:
_Dạ…dạ…em đang chuyển thuốc cho Khuyên phân phối vào các ngăn chứ còn làm gì nữa?
Tùng mắng:
_Đọc tên thuốc không thứ tự, “bạch” thì “ bạch” hết đi, đương “ bạch” lại nhảy sang “mã” chưa  tới  “địa” đã đọc “phục”, rồi lại trở về đọc “bạch” là sao?
Tung quay lại Khuyên ra lệnh:
-Em kiểm lại những gì vừa bỏ vào các  ngăn đi. Đừng chủ quan mình rành mọi thứ. Nhất định có sự lầm lẫn rồi. Làm nghề thuốc mà sơ suất láo lếu như thế này thì con cháu về sau trả mạt kiếp cũng không hết đó!. Sai một ly đi một dặm. Kiểu này về thái bèo cho lợn ăn may ra còn được việc!. Lại còn ném luôn nhân sâm, phục linh hổ lốn vô đó là sao?. Nhà này giàu lắm sao mà coi những thứ này thường thế?.  Đây là hai loại thần dược quý nhất phải tách riêng ra, lẫn lộn mất mát đi cũng phiền lắm. May đây là thuốc bổ chứ độc thì nguy to!. Đó là lý do anh không muốn nhận bất cứ loại độc dược nào do em mang về. Nếu anh muốn, anh có thể ghé làng Minh Hương (2) lấy hàng ngay từ các thuyền buôn cập bến vừa rẻ lại dồi dào. Nhưng anh tin kinh nghiệm của chú. Anh vẫn muốn chú làm đan sĩ, luyện đan mua bán  thuốc và là nguồn cung cấp thuốc cho khu y viện nhà ta. Nhưng chỉ chú thôi!. Còn em không được đâu! Nãy giờ nhìn lại thái độ em làm, anh nghĩ không lấy những nguồn thuốc quý hiếm từ tay em là đúng. Bao giờ chú về? Sao chú không về với em? 
_Dạ em mang thuốc về trước vì lần này khu dưỡng đường nhà ta mở lại nên dự trù số thuốc tăng gấp bội. Em phải mang về trước một ít. Bố em ở lại thu mua tiếp. Chắc mai kia bố về thôi. Phần độc dược bố gói cẩn thận đánh dấu ghi chú dặn như thế nào em trao anh thế đó nhưng anh không nhận nên em đâu có đưa qua nữa!
Tùng cằn nhằn giải thích:
_Có những đơn thuốc cần độc dược “dĩ độc chế độc” nhưng chỉ cần tí xíu sai lệch khác biệt của vị và lượng là chết người như không! Hoặc cũng có thể giả nên hiệu quả gây nên khó lường nếu nấu cùng với các vị thuốc khác.Ai dám lấy từ tay cậu? Mở y viện cần có đủ mọi loại mới có thể kê đơn bốc thuốc hữu hiệu được.
Đang nói Tùng lại bắt gặp Dân nhìn trộm ra ngoài miệng vẫn đáp trả:
_Thôi mà! Chịu khó vài hôm nữa. Không phải ai cũng có bệnh cần loại hiếm đó đâu anh! Hồi xưa bác làm em biết mà1
Tùng không đôi co nữa ra lệnh:
_Khuyên kiểm lại chưa? Xong thì tiếp tục. Còn Dân cẩn thận vào. Làm mà đầu óc để đâu đâu.
Nãy giờ nghe Tùng trách Dân, Khuyên vừa kiểm lại thuốc vừa cười tủm tỉm. Nàng biết tỏng Dân, đi guốc vào bụng hắn ta. Đầu óc đâu nữa mà làm việc?. Từ hôm hắn ta về tới nay ngày nào chả gặp Khuyên hỏi dò về Vân Sa. Hôm nay được phép vào khu vực “cấm địa” phải tận dụng săn lùng bóng người đẹp chứ!. Kể cũng tồi tội Dân sao ấy? Xét cho cùng Dân chẳng là giải pháp bất ngờ tìm ra, khai thông những bế tắc đến gần như tuyệt vọng của mình đó sao? Đối với riêng mình, Dân là vị cứu tinh. Mình thấu hiểu và thông cảm với hắn. Đã yêu là không nhừơng nhịn nể nang gì cả! Phải tìm cách chiếm hữu ngay! Nếu Dân thành công  trong việc tiếp cận chinh phục Sa thì chuyện mình với Tùng có thành gia thất không chỉ còn là thời gian!. Có điều Dân xốc nổi nóng nảy quá! Mình phải âm thầm giúp hắn ta mới được. Giúp người cũng là giúp mình. Lợi cho cả hai bên. Không biết chừng lợi cả bốn bên nữa ấy chứ! Tùng  phải khinh ghét Sa lắm mới tống cổ cô ta ra ở cuối dãy mái lá đó, chứ theo như thím Sinh kể bữa trước, cô ta ở đầu dãy nhà gỗ này mà!. Hóa ra bác gái còn vị tha hơn Tùng!.
_Xong chưa? Tùng hỏi lại
Khuyên giật mình đáp:
_Dạ xong rồi đây! Tiếp đi anh Dân
Dân tiếp tục vừa đọc vừa ném những bao thuốc, Khuyên đưa tay ra đón. Cả hai đều làm với nhịp độ chậm từ tốn hơn lúc đầu rất nhiều. Tất cả diễn ra dưới cặp mắt quan sát nghiêm ngặt của Tùng.
Làm liên tục không ngơi nghỉ suốt buổi cánh tay Khuyên như rã rời nhưng nàng không muốn thôi lúc này vì đây là lần đầu tiên trong đời từ khi cả hai bước ra khỏi thiên đường tuổi thơ nàng được tự do chiêm ngưỡng Tùng lâu và thoải mái đến thế! Dân cũng đang bắt đầu uể oải mồ hôi lấm tấm trên trán. Tùng nhìn cả hai rồi cười nhẹ nói:
_Thôi! dừng tay nghỉ nào! Phần còn lại trong bao chưa kiểm đem xếp gọn vào gốc kia kìa. Khuyên qua bếp nhờ chị Xuân pha hồng trà lấy thêm ít mứt sen qua đây anh em mình thư thả chút, chứ ngày mai bắt đầu mở cửa khám bệnh không biết có thì giờ rảnh rang sum họp không nữa!
Khuyên dạ thật to rồi ngoan ngoãn đi ngay.
 Khi Khuyên đi rồi Dân kéo ghế ngồi đối diện Tùng hỏi:
_Anh à! Em muốn hỏi anh chuyện này hơi tế nhị anh đừng giận nhé!
Tùng gật:_Cậu cũng có chuyện nghiêm trọng vậy sao?. Tôi tưởng với cậu cái gì cũng đơn giản chứ! Nói đi, người nhà cả chứ ai đâu mà ngại.
Dân đánh bạo hỏi:
_Em nghe nói vợ anh đau. Em muốn thăm mà bác nhất quyết không cho. Anh thấy có lạ kỳ không? Cũng may là em chứ bố em muốn thăm cháu dâu mà bác như thế  bố sẽ nghĩ sao? Hôm anh chưa về em được biết chị Sa nằm ở sát phòng này. Bây giờ anh về, lại đày chị ấy tuốt cuối dãy nhà lá là sao? Chuyện đã lỡ dù gì cũng tình nghĩa phu thê. Hoá ra anh còn nhỏ mọn hơn bác gái nữa à? Anh miễn thứ cho em đã phải nói ra điều này. Trước đây em kính phục sự kiên nhẫn và phóng khoáng của anh nhưng giờ thì hết rồi!
Tùng hất hàm hỏi giọng lạnh băng:
_Cậu nói chuyện gì “lỡ” tôi không hiểu?
_Có thật anh không hiểu?
_Tính anh thẳng lắm, nói gì phải cụ thể nói cho rõ ra!
_À vậy anh nghe đây! Có phải vì chị Sa có người yêu rồi bị ép lấy anh? Người yêu chị ấy ức quá tự vẫn, làng xóm đồn ầm lên gia đình biết được nên đã ghẻ lạnh với chị ấy!
Tùng hỏi tiếp:
_Xong chưa? Chỉ có vậy thôi à?
_Đúng thế! Em muốn nói thế đó!Chỉ có thế mà giam lỏng con người ta trong gian nhà lá ấy à?
Khuyên cầm khay trà định bước vào nghe  to tiếng  nên vội lùi lại lắng nghe.
Tùng chồm người ra trước sát mặt Dân dằn từng tiếng một:
_Dân này! Anh là người rất trọng danh dự gia đình. Em biết điểm yếu đó của anh chứ gì?  Nhưng anh không đến nỗi vì thế mà lấp liếm mọi thứ. Hôm nay anh em mình ngồi với nhau anh không ngại gì mà không nói tất cả. Nếu cô Sa có người yêu rồi lấy anh, người yêu tự vẫn anh sẵn sàng bỏ qua. Nhưng chuyện không dừng tại đó! Cổ lén trốn về làng lúc đêm hôm tìm người yêu bị trúng gió người ta phải trùm bao tải vác về trả lại đây trong tình trạng nửa điên nửa dại.
Nghe tới đây Dân mở to mắt nhìn Tùng:
_Thế nữa sao anh? Thảo nào không thấy người nhà cổ tới thăm.
Cái khay trên tay Khuyên cứ run bần bật nàng phải vội đặt xuống đất rồi ép tai vào vách hồi hộp nghe tiếp,giọng Tùng nhỏ lại hổn hển:
_Anh biết cổ có người yêu ngay trong đêm tân hôn, lúc đó anh cố gắng để những chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra thêm nữa, nhưng khi chuyện đã xảy ra rồi thì anh không giấu cái gì cả hiểu chưa? Nếu anh cố tình giấu cứ để cổ trong phòng riêng của mình chăn êm nệm ấm liệu thiên hạ có biết không?. Nếu em có người mẹ như mẹ anh, phải chịu cùng một lúc hai cái tang lớn, mất chồng mất con lại thêm con dâu mới về làm chuyện tầy trới như vậy làm sao chịu nổi? Bà phải giấu, bà không muốn không đủ can đảm để chấp nhận sự thật. Hơn ai hết em phải hiểu bác mình chứ!
Thái độ  Dân không còn hùng hổ mạnh bạo nữa! Có lẽ vì quá bất ngờ Dân hơi lúng túng không biết phải đối đáp Tùng ra sao? Nhưng niềm hy vọng sẽ có  được người đẹp lại loé sáng hơn. Rõ ràng bây giờ tình trạng của Tùng và Sa là không thể cứu vãn được nữa! Nước đã đổ không thể hớt lại được. Thế nhưng mình cũng cảnh giác Tùng trước để nếu sau này mình và Sa có cao chạy xa bay cũng bớt tội loạn luân. Tùng cứng miệng không thể oán trách ai được. Nghĩ vậy Dân hỏi mớm:
_Thì dù chị có tội với anh, anh cũng nên thông cảm. Nhà có thiếu chỗ đâu mà hành hạ trừng phạt ghê thế?. Nói cho anh biết đằng sau gian nhà lá ấy có cả ổ rắn đó! Lỡ nó bò vào cắn chị ấy hối hận không kịp đó!. Còn cái lão câm nữa!Dẫu sao lão cũng là giống đực. Đực gần cái như mèo thấy mỡ tin nỗi gì! Mà có thật chị ấy bệnh không để phải ở khu sau?
Tùng  đứng bật dậy điểm mặt Dân quát:
_Dân! Em ăn nói gì mà vô đạo thế! Già tuổi còn cao hơn bố em đó! Nhà mái lá thì sao? Khối kẻ vào đây có bệnh không tiền, cho uống thuốc cây nhà lá vườn, có mái lá che mưa nắng là phước bảy mươi đời rồi! Em không biết à? Chính bố anh đây, đường đường là quan nhất phẩm như thế mà về đây nhiều đêm người bệnh đông quá còn phải nhường giường tốt ra ngủ tạm ở cái gian lá chót bẹt ấy nhân thể trông chừng bệnh nhân luôn. Bố anh còn thế chị Sa bệnh nhẹ ra đó ở dành chỗ cho những người bệnh nặng sẽ tới đây nay mai không được sao?
Dân rướn cổ lên:
_Thế em hỏi có đúng chị ấy bệnh không? Nhà hết chỗ ở rồi à? Còn biết bao chỗ trống đó chứ! Sao lại cô lập cô ấy vậy?
_Vậy tôi cho cậu cứ ra hỏi cô ấy. Xem cô ta trả lời ra sao muốn gì rồi vào đây tôi giải quyết.
-Em nói là nói vậy thôi! Em dặn dò trước, sau này rủi có chuyện gì xảy ra lại bảo không nói trước, không ngờ, khỏi phải ân hận hay trách cứ ai nữa!
_Ân hận hay không liên quan gì đến cậu? Chuyện riêng của tôi mà!
_Thôi cho em xin! Em đi đây!
Nãy giờ nghe hai anh em cãi nhau kịch liệt nhưng lòng Khuyên lại như đánh trống mở cờ.  Đối với nàng cuộc cãi vã thật vô giá! Nàng nhấc vội cái khay lên bước vào giả vờ kêu lên:
_Ôi! Hai anh em có chuyện gì sôi nổi thế! Đi ngoài còn nghe đấy nhé! Vậy uống trà ăn hạt  sen cho thấm giọng là vừa rồi đó hỡi những “bao công xử án”.
Nói tới đây nàng bật cười ha hả không còn giữ ý tứ gì nữa, đánh bạo nhón một hạt sen nhét vội vào miệng Tùng nhanh như chớp khiến chàng ngớ ra chưa kịp phản ứng thì hạt sen đã lọt tỏm vào rồi. không thể nhả ra Tùng đành miễn cưỡng nhai nhân thể có cớ không phải đôi co với thằng em ngổ ngáo bất thường này!
Dân tợp vội mấy hớp trà nhìn Tùng và Khuyên hơi nhếch mép liếc xéo rồi đứng lên nói:
_ Thôi em đi đây! Ra thăm chị Sa chút rồi còn phải về luyện đan kẻo mai mốt bố em về công việc chưa xong ổng lại mắng mỏ đau đầu lắm!
Dân bước ra cửa Tùng bồi thêm một câu:
_Đúng rồi đó! Đừng có việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng.
Ngồi trên cái ghế đẩu trước ngưỡng phòng mình, Sa đăm đăm hướng về lối tắt dẫn vào phía sau bếp. Nàng chờ mãi xem có khói bếp chưa để có dịp lấy cớ giúp chị Xuân một tay. Lúc nãy nàng có thoáng thấy bóng Tùng cùng với một  nam, một nữ nhưng họ biến dạng ở khúc rẽ dãy hoè. Nàng đoán họ vào phòng chẩn mạch. Đó là căn phòng đầu tiên thuộc dãy nhà gỗ nhưng lại nằm ở khu vực giao nhau giữa phần trước và sau, phía hông nhìn thẳng ra dãy hoè nên chỉ duy nhất căn phòng chẩn mạch ấy được coi như ở khu trước, ngồi đây chỉ thấy căn phòng thứ hai nơi bữa trước Sa ở chứ không thấy những hoạt động của phòng chẩn mạch.  Lúc người phụ nữ bước ra rồi quay lại với khay trà Sa nhận ra đó là người ngồi với nội Tí và thím Sinh hôm trước. Chắc họ hàng thân thích gì mới ra vào tự do vậy!
_Chào Sa. Chà lâu quá mới thấy mặt nhé! Làm gì ngẩn người ra thế? Có nhận ra tôi không nào?
Nghe có người chào mình quá tự nhiên Sa ngước nhìn trố mắt ngạc nhiên. Một thanh niên đứng trước mặt. Khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười quen quen …Sa kêu lên:
_Á hình như anh có mặt trong đám cưới phải không?
_Giời ạ! Nhận ra rồi nhé! Quý hoá quá! Hân hạnh được người đẹp nhớ mặt. Phù rể đây!
Giọng điệu vồn vã niềm nỡ của người thanh niên khiến Sa như tươi hẳn lên. Đã từ lâu chỉ nhận những cái nhìn khinh khi hoặc đỡ hơn một chút là sự xót xa thương hại của chị Xuân nên thái độ của Dân làm Sa mạnh dạn hơn nàng hỏi:
_Phù rể tên gì tôi quên rồi?
_Tôi là Dân em họ Tùng con chú Sinh đây mà!
_Tôi biết chú Sinh biết em nhưng không biết tên.
Nghe Sa kêu mình bằng em Dân hơi ngượng nhưng rồi cái tánh háo sắc làm Dân không giữ ý tứ được lâu. Chàng hỏi:
_Sa ốm ra sao? Có cần gì không? Nhà tôi điều chế thuốc không thiếu thứ gì, có cả vải khô, táo khô, nhãn nhục khô ngon lắm! Để tôi mang qua cho Sa nhai đỡ buồn. Dân chỉ đống thuốc nam lão câm phơi trên sân trề môi nói:
_Đừng uống  mấy cái loại thuốc nam, thực chất chỉ là mấy cái loại cây cỏ vớ vẩn nhẹ hều này! Không hiệu quả đâu! Đồ đó chỉ để cho người nghèo khi bệnh có cái nuốt thôi! Sa đừng dùng chi cho mất công. Sa bệnh gì để bữa nào tôi đưa sang ít thuốc bắc cho mà dùng.
Sa ấp úng:
_Hình như tôi đâu có uống thuốc nam. Vì thuốc chị Xuân sắc cho tôi dùng là thuốc bắc đấy!
Vừa lúc đó Sa thoáng ngửi thấy mùi khói nhen nên vụt đứng dậy xăm xăm hướng về bếp. Dân bám theo nàng.
Bà Chánh đang ngồi trong phòng mình nhìn loáng thoáng qua bức rèm khung cửa phía sau thấy Dân đi với Sa, bà đứng bật dậy mở toang cánh cửa quát:
_Dân đi đâu đó? Đây có phải là nơi đồng không mã quạnh đâu mà mấy người đi nhơn nhơn ra thế hả? Có còn coi tôi ra gì nữa không thì bảo?
Nghe tiếng bà Chánh nạt, Sa khựng lại, run lên không thể tiến  được nữa. Dân cũng đứng lại. Câu đó ám chỉ mình là phường mèo mã gà đồng? Chỉ nghĩ được tới đó Sa quay đầu chạy trở lui vào phòng mình đóng cửa lại. Bà Chánh đã ra tới nơi. Bà lôi Dân đi một mạch vào phòng bà, nắm chéo áo cháu lôi tuột ra phía cửa trước đẩy chàng ra ngoài hiên khu nhà chính rồi nói:
_Về đi! Mày làm tao chướng mắt quá! Đừng để tao thấy cảnh này một lần nữa nhé! Không qua mặt được tao đâu! Chuyến này bố mày về tao sẽ bàn chuyện với bố mày, liệu hồn đó!
Nói rồi bà đóng sầm cửa lại. Dân nhún vai, bĩu môi nhổ toẹt bãi nước bọt lững thững đi. Khuôn mặt vóc dáng Vân Sa choáng ngợp. Dân không màng để ý đến những lời rủa của bác gái nữa!  Chàng phải về lo liệu thu xếp gom góp một số tiền lớn, một phần qua Vân Nam có vốn mua bán nhân dịp tết, phần tìm cách gởi Vân Sa để làm tin với nàng. Qua sự đôi co với Tùng chàng chắc chắn Sa là người rất can đảm dám mạo hiểm không nhút nhát, lại ăn nói tự nhiên dễ gần và một điều tiên quyết nữa,nàng không muốn ở đây nên mới liều trốn đi như vậy! Sa thật đặc biệt nhìn cứ mê tơi đi, khó hiểu đầy bí ẩn chứ không giống như cái bọn con gái làng này nhát như thỏ đế nhưng lại ỏng ẹo làm bộ làm tịch động hỏi đến thì “em chả, em chả” nhưng đem trầu cau qua là gật cái rụp, thế là xong một đời! Chán bỏ xừ! Nhạt như nước ốc. Thật hạnh phúc cho ai chinh phục được nàng. Người đó hy vọng là mình. Thật bất hạnh cho ai đã không thể lấy được nàng như cống Hải uất ức tiếc nuối đến phaỉ tự vẫn, cũng như Tùng đã bỏ tiền ra cưới nàng nhưng lại để vụt mất. Nếu nàng yêu mình thì cũng chưa chắc đã dám mạo hiểm lần thứ hai, trừ phi trong tay nắm một số tiền bảo đảm cho sự trốn thoát. Có tiền có tình nữa càng tốt, nàng sẽ ra đi với mình. Chẳng ai muốn bị giam lỏng hắt hủi trong cái xó tồi tàn đó! Giờ Dân thấy mình quyết đoán hơn rất nhiều so với lúc chưa cãi nhau với Tùng, chưa gặp lại Sa, chưa tận mắt nhìn thấy sự cư xử phũ phàng của bà Chánh đối với nàng.
Chú thích:
(1) Tên các vị thuốc đông y
(2) Tên cũ của thành phố Hội An