CHƯƠNG 35

     uổi trưa trời khô hanh, hây hây lạnh, Hải phiêu diêu theo gió  ngủ quên lúc nào không hay. Đang ngon giấc bỗng giật mình  ngơ ngác. Mình ở đâu thế nhỉ?
 Có tiếng gì là lạ?. Nhìn kỹ, hoá ra đây là  cánh đồng mênh mang đã gặt được nửa phần. Phần bên này đã  xong chỉ còn trơ gốc rạ. Cái gì sột soạt vậy nhỉ? Xem nào? Giời! Cặp rắn. Bọn chúng đang lè lưỡi phun phè phè nữa chứ! Doạ ông à? Bây giờ ông nào sợ chúng mày! Có giỏi cứ ngoác họng to ra mà phun đi!. Cho chúng mày phun rách mồm, cắn mòn răng, ông đây nào ngán!
Cách đó không xa có cặp vợ chồng đang ngồi chia cơm, ăn uống hú hí với nhau. Người chồng vừa ăn vừa cù léc vợ. Người vợ rú lên cười sằng sặc. Hải bực mình hét: “ Có im cho người ta nghỉ chút không? Muốn giỡn về nhà mà giỡn. Nhìn gai cả mắt”.
Người chồng vừa nhai cơm vừa nhớn nháo, mặt cứ vênh vênh nhìn về phía Hải như nhìn vào sự trống vắng, hắn ta có vẻ như không biết có chàng.
Thật ra chẳng bao giờ lòng Hải được yên bình. Nhiều khi tự nhiên phẫn nộ vì không ai nhìn ra mình, nghe mình nói gì. Muốn báo cho người ta biết mình hiện hữu chàng phải khuấy động, phải tạo ra sự hỗn loạn, làm được như vậy chàng mới hả hê vì chứng thực được mình đang tồn tại, không những tồn tại mà còn chi phối tất cả, có quyền lực vô biên không ai có thể ngăn được.
Á à cặp rắn giờ đang ngang nhiên tiến lại sát bên chàng.  Con đực cựa mình sáp lại con cái rồi con xoắn con xuýt, con trong con ngoài. Chúng quấn quít lấy nhau hai thân di động, lăn lóc nhưng luôn luôn là một vòng tròn, một thực thể dính liền cùng quằn quại cùng run rẩy hiến dâng. Cả một vùng đồng lúa trơ gốc chết bỗng sinh động hẳn lên bởi vũ điệu và nhịp ca vật chất thể xác càng lúc càng hồ hởi dâng cao.
Tất cả những hồi ức khi chàng còn thân xác cùng những rung động của mối tình đầu lại ùa về, cánh đồng cỏ ngày nào bỗng hiện lên rất rõ. Đôi môi mọng, cái yếm thắm, lồng ngực phập phồng những phút rượt đuổi những cảm xúc ham muốn không đạt được khi  gần bên  Vân Sa lại bùng lên.
Cuồng điên căm hờn khiến chàng thở hắt ra, uất hận cứ tuôn trào không ngừng, biến thành làn hơi dài hừng hực, vô tình thổi bùng ngọn lửa được ủ trong tro nóng dưới nồi cơm của hai vợ chồng. Nồi cơm đổ úp, cái nón của người vợ bay lộn xuống ruộng. Sức nóng lan toả luồn qua các gốc rạ sàn sạt cháy.  Trong chốc lát cả cánh đồng lúa bừng bừng bốn bên là lửa.
Mọi người kêu la cầu cứu lẫn nhau, có kẻ  cuống quít úp nguyên cái nồi cơm lên đầu chạy qua chạy lại như gà mắc đẻ, kẻ nhảy ùm xuống vũng nước bùn gần đó rồi lại lếch thếch bò lên. Nhìn thấy cảnh tượng người ta ra sức dập tắt ngọn lửa Hải ngước nhìn trời cười một tràng hả hê rồi gào lên:  "Vân Sa! Vân Sa! Về làng ngay! Về ngay!"
Bôn  tất tưởi cắm đầu cắm cổ đi về phía cánh đồng mong tới kịp để còn hối bọn thợ gặt làm cho xong công, tính tiền để về kẻo chiều lúc nào không biết, để rồi khi về đến nhà thì lại tối qúa không làm được gì, mà công việc thì cứ ngập đầu.
Đi từ xa Bôn đã thấy lửa phừng phực cháy. Chàng chạy vội lại cùng với một số thợ gặt nhảy xuống những chỗ trũng, vục nước hì hục ra sức dập tắt ngọn lửa, giờ đã lan xa thiêu rụi hết một nửa cánh đồng chưa gặt.
Có một người chạy lại gần Bôn đưa cho chàng một cái cây tươi giục: "Nhanh nhanh lên! Cứ đập vào lửa đi!" Vừa nói xong anh ta bỗng đứng sững lại, Bôn cũng ngừng tay nghiêng tai nghe ngóng, hình như có giọng ai quen quen gọi tên Vân Sa?
Chợt cả hai há hốc mồm nhìn. Qua từng đám cháy bốc lên  ngùn ngụt có một người bình thản trơ trơ ẩn hiện giữa cơn bão lửa, rõ ràng hắn ta đang cười. Ngạc nhiên đến tột cùng Bôn và người đàn ông rú lên ù té chạy nhưng khi nhớ ra đó là Hải, Bôn quay nhìn lại thì chỉ thấy bóng hình như một hơi gió thoáng qua  mất dạng trong đám khói chữa cháy mù mịt.
Cứ thế lửa thiêu rụi cả một cánh đồng mênh mang chưa kịp gặt. Tất cả cháy rụi, cháy đen, cả cặp rắn kia nữa, chúng còn mãi dính vào nhau chưa kịp buông rời, chúng vẫn quấn chặt khét lẹt! Cơn uất ức của Hải cũng từ từ lắng xuống.

 

Dì Lam gắp miếng thịt rim vàng ươm bỏ vào bát cho cu Út nhắc nhở:
_Ăn đi con!
Cu Út lừ đừ trả lời nhát gừng:
_Con vẫn còn ốm mẹ à! Sao miệng  đắng quá! Chút mẹ nấu lại cháo cho con ăn thôi!
Dì Lam dỗ dành:
_Con bị cảm đấy mà! Ăn cháo hoài mất sức. Bây giờ chỉ còn con trong nhà, chị đi lấy chồng rồi con phải ráng ăn uống mới khoẻ được. Là con trai không khoẻ mai này sao giúp cha mẹ được? Bộ con không thương cha thương mẹ à?
Thằng Út mếu máo:
_Vậy chị Sa có thương con thương cha mẹ đâu? Đi lấy chồng gì mà mất tiêu luôn, con nhớ chị quá đi!
Dì Lam  lúng túng chưa biết trả lời sao thì đột nhiên buông đũa trố mắt nhìn ra ngoài cửa. Bôn đang lững thững đi vào quần áo xốc xếch dính đầy bùn đất có chỗ còn bị cháy xém người ngợm khét lẹt mặt mày lọ lem.
Dì Lam kêu lên:_Ơ kìa Bôn! Bị gì vậy? Đi đứng sao mà nhìn thê thảm thế này?
Ông Mạc đang thắp nhang trong phòng thờ nghe tiếng vợ thét hốt hoảng vội chạy ra. Ông há hốc mồm nhìn bộ điệu Bôn rồi lắp bắp:
_Bôn… sao thế?
Bôn ngồi bệt xuống trước ngưỡng cửa  gục đầu vào hai bàn tay không thốt lời nào. Hai vợ chồng ông Mạc đưa mắt nhìn nhau kiên nhẫn chờ đợi. Một lúc sau Bôn mới hoàn hồn, chàng gượng đứng lên  kéo tay ông Mạc vào phòng thầm thì. Dì Lam sốt ruột bám theo, ông Mạc quát:
_Bà ra với cu Út dỗ cho nó ăn đi! Có gì chút tôi nói cho, làm gì mà cứ nhắng bét lên thế?
Ông Mạc chăm chú nghe Bôn kể lại toàn bộ câu chuyện cháy ruộng lúa không hề hỏi lại một tiếng nào. Khi Bôn vừa dứt chuyện chàng hỏi lại ông:
_Bác nghĩ sao? Có thật con bị mê sảng trong lúc chữa cháy rối trí trông gà hoá cuốc không?. Nếu con rối thì người khác đứng cạnh cũng thấy mà! Nhưng vì con biết cống Hải nên nhận ra. Anh kia chỉ nói là cũng thấy một người đàn ông ngồi chễm chệ trên vai thằng bù nhìn bằng rơm đang bắt lửa cháy ngùn ngụt cười nhạo mọi người.
Ông Mạc ngồi cúi mặt trầm tư vẻ rất nghiêm trọng cuối cùng ông ghé tai Bôn thì thầm:
_Thật ra bác tin con chứ Bôn vì lâu nay bác nghe làng trên xóm dưới người ta to nhỏ những chuyện thật lạ về cống Hải. Có lẽ nó chết phạm vào giờ sao ấy, ở bến sông chỗ nó tự tử buổi trưa và chiều không ai dám bén mảng nhất là phụ nữ đi một mình thế nào cũng gặp nó đùa cợt sợ mất vía về nhà thường đau ốm liệt giường một thời gian dài. Vừa mới đây cuối làng mình một loạt nhà những nong tằm đang ăn rỗi khoẻ mạnh mơn mởn chỉ qua đêm bỗng hư hết cả lứa tằm chả hiểu lý do tại sao? Có người bảo thấy cống Hải thấp thoáng đâu đó.
Bôn ngơ ngác:
_Thật vậy sao bác? Vậy mà con chả hay gì!
Ông Mạc thì thào:
_Thì bác cũng nghi ngờ sợ người ta đồn đãi thêu dệt, nhưng qua sự việc con vừa kể mai bác sẽ đi gặp bác Cả xin ý kiến bác ấy xem như thế nào. Những chuyện như thế này đúng là hi hữu! Thôi con đi tắm táp rồi ăn và nghỉ ngơi đi! Ruộng mình bị đốt phá cũng ráng  chịu thôi. Thiên hạ ai sao mình vậy! Hạn xui xẻo, của đi thay người miễn đừng hại đến cái thân là may rồi! Mong ông bà phù hộ cho con cháu tai qua nạn khỏi. Bác không mong gì hơn. Nếu mình có cạn nghĩ hành động hồ đồ thì cũng là do  sơ suất chứ chẳng cố ý hại ai cả! Phải vậy không con?
Bôn gật đầu giọng trầm tĩnh:
_Cống Hải không biết quý trọng mạng sống của mình tự tử chứ ai làm gì anh ta đâu!
Nghe Bôn nói thế ông Mạc cũng thấy được an ủi phần nào. Từ hôm đám cưới Sa đến giờ gần một năm rồi lòng ông có bao giờ yên. Ông thương con gái đứt ruột mà phải cắn răng chịu đựng không dám ho he manh động gì, đó chả phải là hình phạt rồi sao?. Sa ở bên ấy chắc chắn đang khổ sở lắm! Tai hoạ cho gia đình  như thế chưa đủ à?. 

 

Những làn gió rét đang bắt đầu theo mùa ùa từ sau vườn thuốc thổi men qua các liếp tranh mái lá, những bụi tre già cũng uốn mình kẽo kẹt.
Mặc dù lão câm đã bít lại những chỗ hỏng hốc trống trải nhưng làm sao ngăn được hơi lạnh thấm vào. Sa thột dậy,quơ cái chăn mỏng quấn quanh thân úp mặt vào gối, lại thiêm thiếp đi.
Trong không gian trống trải hình như có âm điệu vi vu, lúc đầu mơ hồ rồi cứ rõ dần, Vân Sa từ từ trồi ra khỏi giấc ngủ của mình, mở mắt nhìn bóng tối xung quanh. Hồi đêm qua Sa đọc sách lão gia viết trước khi đi nằm để bảo đảm ngủ cho thẳng giấc khỏi nghĩ vẩn vơ nhưng dạo này trời trở lạnh nên hay giật mình thức dậy sớm vào những lúc lẽ ra phải say giấc nhất.
Có lẽ vì vậy nàng chợt nhận ra điều mới lạ trong gia trang này. Ai đang thổi sáo vào lúc này nhỉ? Sa nghiêng tai nghe ngóng. Mọi lần còn hồ nghi nhưng bữa nay nghe rõ lắm. Nếu không lầm điệu sáo trỗi lên từ dãy nhà gỗ  chính xác hơn tiếng sáo phát xuất  ở cuối dãy đối diện phòng Sa.  Âm điệu lúc đầu thánh thót vui tươi rồi chậm dần lửng lơ đổi nhịp ngắt quãng nức nở than van. Không thể là tiếng sáo của một bệnh nhân nào đó vì dãy nhà gỗ người bệnh đau nặng thở còn không ra hơi nói chi tới thổi sáo? Thôi đúng rồi chắc là lão câm thổi chứ không ai khác?
Tò mò Sa bật dậy đi lại phía cửa định lén nhìn ra xem sao cũng vừa lúc tiếng sáo trỗi lên một đỗi nữa rồi im bặt. Đứng lặng một lúc không thấy động tịnh Sa chui vào chăn cố dỗ giấc ngủ.
Dạo này nàng sợ nhất có những phút giây như lúc này cứ nghĩ lan man không đâu ra đâu. Không  mong gì hơn được ngon giấc một mạch tới sáng rồi đi làm việc. Hạnh phúc giờ thật đơn giản. Ước sao trong ngày có cơ hội nhìn thấy chồng trong chốc lát hoặc tốt hơn nữa được trao đổi với chàng dăm câu. Không ước gì xa hơn thế! Vậy mà hình như chàng cứ muốn lánh mặt. Khi nào có dịp đối diện nhau Sa cũng cố tìm lại chút ánh sáng ấm áp đã từng toát ra từ đôi mắt như khoảng trời mênh mang lạnh lẽo ấy nhưng vô vọng. Nàng cứ tiếc mãi những giây phút ngất ngây kỳ lạ khi cùng ở bên chàng chăm sóc cho bệnh nhân phòng số sáu. Đôi khi nhớ lại thái độ ân cần trìu mến đến kỳ lạ của Tùng ngày hôm ấy Sa cứ ngỡ mình đã nằm mơ chứ không phải thật. Chàng sao thế nhỉ? Hay mình tưởng tượng rồi ngỡ là thật? Sa thở dài thườn thượt lắc lắc đầu, nhắm nghiền mắt lại…

 

Bà Chánh đứng chống nạnh gắng chờ con Sẻ con My xới xong nồi cơm to tướng để chần dần trước lối đi ra phía sau. Đứng một lát thấy hai đứa vẫn loay hoay chưa xong bà quát:
_Chỗ này có phải chỗ để chúng mày  làm không? Bê nồi cơm ra chỗ khác tránh đường cho người ta đi!
Hai đứa líu ríu vội xách nồi cơm nhích qua bên. Bà Chánh mon men đi ra  hiên sau bếp đứng nhìn về phía sân phơi thuốc. Con Sẻ hỏi Xuân:
_Chị ơi! Bác bữa nay lạ  ghê! Thường ngày thấy ai đứng hiên bếp bác đều nhắc nhở đi vào, chỗ đó có luồng gió độc từ sau hay thổi dễ trúng gió vậy mà…
Nó ngưng nói đợi Xuân trả lời.
Xuân đang sắp thức ăn ra mâm đáp:
_Trong lúc đợi cơm mẹ chị tha thẩn một chút có sao đâu! Bà đứng đó rồi vào chứ không đi xa hơn đâu! Bệnh xá không phải là nơi bà héo lánh đến nếu không nói là hết sức tránh xa!
Con My lên tiếng:
_Em cũng thấy thế! Nhưng coi kìa bác đang đi lại phía sân phơi thuốc thì phải?
Xuân, Sẻ và My cùng ló đầu ra dòm. Bà Chánh đi một đoạn rồi đứng lại cắp tay sau lưng nhìn về phía sân. Sa đang gò lưng đẩy cái phên thuốc ra chỗ có chút nắng hiếm hoi để phơi nên không để ý thấy mẹ chồng đang theo dõi mình.
Xuân kéo tay Sẻ, My lôi vào nói khẽ:
_Đừng ló đầu ra, nội Tí quay lại thấy bị nhìn lén bà mắng đấy! 
Sa đi giữa những hoả lò trông chừng những siêu thuốc đang sôi. Thỉnh thoảng nàng dừng lại cời than, mở nắp siêu, đóng nắp, lại đứng lên, trở ngược trở xuôi khắp sân không ngừng.
Dáng vẻ cử chỉ thông thạo thuần thục. Ngày tháng dần trôi cái sân này vườn thuốc kia mới thực sự là thế giới của riêng nàng. Gần gũi thân thiết đến nỗi nàng nhận biết rất rõ tên những cây thuốc, mùi vị cây, phân biệt chúng nếu như chúng bị lẫn trong cỏ dại. Mùi cây khô phơi thế nào là đủ nắng thậm chí nàng vẫn nhận ra từng vị thuốc riêng nếu như chúng có bị nấu hổ lốn với nhau. Tất cả ngấm dần vào người lúc nào không hay.
Sa đang đi bỗng đứng lại. Bà Chánh nãy giờ lặng lẽ quan sát Sa như bị thôi miên giật mình sợ Sa bắt gặp, bà đứng nép vào gốc na tiếp tục theo dõi. Mùi thuốc đã bắt đầu lan toả khắp sân. Sa tiến lại gần một siêu thuốc nhắm mắt lại hít một hơi dài thái độ rất nghiêm trang như người ta sắp sửa ngồi thiền vậy. Nàng lẩm bẩm: “Vậy là người sẽ uống siêu thuốc này bị bệnh về tì vị đây!”. Khứu giác đặc biệt của nàng không những làm lão câm khâm phục sửng sốt mà ngay nàng lúc đầu cũng không dám tin chính mình nữa.
Để xác thực lại, có lần khi lão câm bắt đầu mở những thang thuốc trút vào siêu, Sa giữ lại những mảnh giấy, trên đó Tùng có liệt kê tên thuốc, lượng thuốc cũng như căn bịnh phải chữa, đem cất vào một chỗ.
Khi những siêu đã bắt đầu sôi hàng loạt nàng dừng lại tại một siêu bất kỳ, lẩm nhẩm đọc các vị thuốc được nấu trong siêu đó, đoạn quay lại lục trong đống giấy đã cất đi dò số thứ tự cùng những gì đã được viết ra. Kết quả ít khi sai không những tên thuốc mà ngay cả lượng thuốc cũng đúng nốt.
Đang chăm chú nghiêm chỉnh làm việc bỗng Sa quay nhìn về dãy hoè rảo bước nhanh về phía ấy. Cùng lúc bà Chánh nghe tiếng chuông kêu lanh canh. Lão câm đột ngột xuất hiện tất tả cầm mâm bát đi về phía bếp. Bà Chánh vội quay người đi vào trước vờ như không thấy lão đang đi tới.
Trong lúc mọi người lăng xăng dọn cơm bà lặng lẽ đi dọc hàng hiên khu nhà chính. Con trai bà và Khuyên đang đứng trước cổng nói chuyện với một số người chắc là thân nhân người bệnh. Bà tiến nhanh đến trước phòng chẩn mạch nép mình vào cánh cửa vừa mới được đóng lại nhìn thẳng ra khúc rẽ. Tuy nắng yếu ớt nhưng toàn bộ khu vực phía trước quang đãng nên bà vẫn thấy bóng dãy hoè in xuống sân như một vạch ngăn. Có bóng người đổ dài đứng lại không vượt qua hàng rào cách biệt ấy. Bà quay đi hơi mỉm cười cúi xuống vuốt ve con Mực thì thầm: “ Thôi con ra sau mà chơi với già. Trưa và chiều tối mọi người dùng cơm không có bệnh nhân không cần canh làm gì”
Nói xong bà vỗ đét vào mông chó chỉ ra phía sau. Con Mực như hiểu ý được cho phép tự do nó liếm tay bà sủa vài cái nhè nhẹ rồi ngoắc đuôi chạy vụt ra phía sau. Bà Chánh lấy cái sào khèo lồng chim xuống lững thững xách trở lui vào nhà lâu lâu ngoái nhìn dòm chừng. 
Sa đẩy cái liếp tre quây buồng tắm bước ra. Đang định chạy vào phòng nhưng khi thấy con mực bị trói ở gốc na, nàng đổi ý, định tha thẩn về phía sân rồi mon men ra dãy hoè đứng hong tóc. Trời đã nhá nhem. Sa và lão câm đã dùng cơm tối cùng với các bệnh nhân nhưng nàng biết trong bếp chị Xuân còn đang lui cui nấu chè xôi vì mùi thơm bay ra tận ngoài sân. Bóng bà Chánh còn đi đi lại lại thấp thoáng. Sa để ý khi nào ngày rằm hay mồng một nhà cũng nấu xôi chè thắp nhang cúng tại phòng thờ, sau đó cả nhà mới dùng cơm. Hôm nay con Mực không canh phía trước. Sa đánh bạo vượt ra khỏi dãy hoè nép sát vào một bên tường  phòng chẩn mạch, lấp ló đầu nhìn ra khu vực trước.
Tùng cầm sổ sách bước vào bếp cất tiếng:
_Thưa mẹ con đi qua thím Sinh tính sổ sách vì cuối năm rồi. Mẹ chị và cháu cứ thắp nhang phòng thờ rồi dùng cơm tối chứ con qua đó khó về ngay thế nào thím cũng ép này nọ không ăn thì thím giận mà ăn thì no quá tối khó ngủ. Khuya con về thắp nhang sau mẹ nhé!
Bà Chánh kêu lên:
_Cứ phải ngày rằm mới đi à? Tối mai qua không được sao?
Tùng đáp:
_Dạ tối mai cụ đồ Lương mời ăn rằm tháng chạp nhân thể con cho cu Tí qua chúc tết thầy sớm để cháu nó còn theo chị đem quà về tết bên ngoại chứ! Kẻo cận tết quá, nhà mình lu bu cúng giỗ chị Xuân lại nấn ná không về được bên ngoại như mấy năm trước thì tội quá!. Năm nay có con ở nhà,  phải để chị về bên ấy dăm ngày  rồi hãy về đây lo tết cũng không muộn.
Xuân gật đầu:
_Phải đó em, chị quên khuấy chuyện cu Tí chúc tết thầy. Còn bà ngoại thì  vài bữa chị sửa soạn ít nếp thơm, trứng vịt muối với táo khô mang cháu về bên ngọai ít bữa rồi còn về lo việc nhà nữa kẻo không kịp. Năm nay nhà ta mở bệnh xá nên công việc lu bu quá, bao giờ bệnh xá đóng cửa để còn lo tết hả em?.
Tùng xác quyết:_Ba ngày nữa thôi! Mai em cho về gần một nửa, ngày kia về hết, đóng cửa bệnh xá, tiếp tục khám bệnh thêm chừng ngày nữa, nhưng không cho lưu trú rồi thì nghỉ luôn đến ra giêng mới mở phòng chẩn mạch lại.
Xuân mỉm cười hài lòng.
Nãy giờ hai chị em nói chuyện bà Chánh chăm chú lắng nghe. Khi thấy Tùng dứt lời chào mẹ định quay lưng đi bà hỏi:_Còn gì nữa không? Con nghĩ xem có quên việc gì không?
Tùng đáp tỉnh bơ:
_Dạ con và chị Xuân tính xong xuôi rồi mẹ khỏi lo gì hết! Hôm trước thím Sinh nói để thím nấu bánh chưng, mứt thì đã có chú mua rồi đừng làm, cả nhà chỉ  lo bánh trái rượu cho việc lễ lạc cúng giỗ thôi!
Bà Chánh nhìn Tùng đăm đăm sẵng giọng:
_Vậy à? Xong rồi à? Thôi đi đi!
Không để ý thái độ của mẹ Tùng “dạ” thật vô tư quay lưng rảo bước.
Bà Chánh cầm mâm xôi chè đi vào phòng thờ. Thắp nhang lâm râm khấn vái một lúc rồi bước ra hiên cắm cây nhang phía ngoài định trở lui vào bếp ăn cơm bỗng bà thấy có bóng đen thấp thoáng dưới ánh đèn lồng gần phòng chẩn mạch. Bà quay lưng cất bước nhưng không vào hẳn bếp mà rẽ qua thư phòng sát bên.
Sa để tóc xoã vì chưa khô hẳn, rón rén vượt qua khu vực cấm địa men theo hàng hiên tiến lại phòng thờ. Đưa tay lên ngực như để trấn tĩnh nàng ngập ngừng rồi mạnh dạn bước vào. Sa đứng trước bàn thờ nhìn đăm đăm bức ảnh lão gia qua làn khói nhang bà Chánh vừa thắp còn cháy đỏ. Nàng không dám tiến sát bàn thờ kiếm nén nhang tự thắp mà từ từ quỳ xuống, hai tay chắp lại cung kính cúi lễ nhẹ nhàng, trán chạm mặt chiếu.
Khi toàn thân nàng cúi rạp, ngọn nến như bừng sáng nổ lách tách. Vì tập trung vào bức ảnh lão gia nàng sơ ý không nhận ra ngoài bóng của nàng còn thấp thoáng một bóng khác.
Bà Chánh ngồi ngay đằng sau quan sát từng động tác của Vân Sa. Trong không gian tĩnh lặng của phòng thờ lời khấn của Vân Sa phát ra bà Chánh nghe rõ mồn một: “ Thưa cha, hôm nay con mạo muội vào đây trước hết để cúi đầu tạ tội trước vong linh cha xin cha tha thứ những lỗi lầm con đã phạm phải khi mới về làm dâu, tất cả chỉ vì con ngộ ngận, đồng thời con cũng xin cảm tạ cha đã vô tình hỗ trợ  truyền đạt cho con những kinh nghiệm sống để con có đủ nghị lực vượt qua những nhục nhã khổ đau bám trụ được ở đây. Con nguyện sẽ cố gắng thực hiện một phần dù  rất nhỏ những gì mà cha luôn đau đáu khi sinh thời. Giờ con không mong gì hơn sẽ được nhìn thấy niềm vui trong mắt anh Tùng, xin cha phù hộ độ trì cho con có cơ hội để chứng minh tình yêu chân thành của mình,  hãy giúp con tìm lại những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi con đã từng có được bên anh ấy. Con không hiểu tại sao hạnh phúc lại vụt bay đi nhanh chóng như vậy? Sao đang vui vẻ ân cần chỉ trong một ngày anh ấy lại  trở nên thờ ơ lãnh đạm? Con cảm thấy uất ức vì không nghĩ ra mình đã phạm thêm tội gì?  Cha ơi phải chi con biết ngoài lỗi lầm đã bỏ nơi này ra đi khi mới về ảnh còn hận con điều gì nữa?...”
Nghe tới đây bà Chánh ngước nhìn lên chạm vào ánh mắt chồng trong ảnh, bà cúi xuống không dám nhìn tiếp. Trong lúc Vân Sa vừa khấn vừa xì xụp lạy bà vội đứng lên lùi từ từ ra  cửa rồi biến mất về phía bếp.

 

Tùng đẩy gói tiền về phía thím Sinh nói:
_Giờ thím đếm cho đủ nhé. Vì chú và Dân đi lần này hơi lâu nên con mang tiền qua thanh toán luôn, sắp qua năm mới rồi! Ra tết chú ở nhà đến tháng năm mới đi phải không thím?
Thím Sinh vừa đếm tiền vừa trả lời:
_Đúng thế! Năm nào chả vậy. Mấy tháng đầu năm ở nhà luyện đan chứ!. Bữa nay may mà con ở lại ăn tối với thím chứ không thím ăn một mình tủi thân lắm! Tết nhất ai cũng lăng xăng về nhà sum họp chỉ có thím giờ lại lủi thủi vì chú với em chưa về kịp, có mấy đứa phụ việc lặt vặt thì chiều nay bắt đầu nghỉ rồi!
Tùng trấn an:_Thím khỏi lo còn hai ngày nữa con cũng nghỉ sửa soạn dọn dẹp mồ mả ông cha, lo việc cúng tế, giỗ chạp, nhân thể  năm nay  con ở nhà,  thím có muốn đi đâu với mẹ con thì cứ việc đi! Chú luyện đan năm nay ít quá! Số thuốc viên chú làm chỉ đủ cung cấp  cho những bệnh nhân không có điều kiện để sắc thuốc nước nhưng trong tương lai con sẽ khuyến khích mọi người dùng thuốc loại này cho tiện. 
Đang đếm tiền thím Sinh  dựng hẳn người mắt sáng lên hỏi dồn dập:
_Thật vậy sao? Con nghỉ khám bệnh nay mai rồi à? Phải đó con! Công việc thì lúc nào chả có, ăn thua là phải biết lúc nào làm công việc gì phải không con? Khi nào thì mở cửa phòng khám trở lại?
Tùng đáp:
_ Khuyên tính là qua rằm mở cửa lại! Con cũng chưa tính, chắc cứ ăn tết cái đã. À mà này con muốn nhắc thím, con trả tiền lần này là hết, nhưng nếu chú thím có thiếu hụt vốn mai con mang tiền qua ứng trước luôn cho! Nói cho cùng chú giống như là đi lấy thuốc hộ con vậy mà! Cứ đợi lấy tiền thuốc của bệnh nhân rồi mới trả chú thím e chú thím hụt vốn mất! 
_ Ôi thôi! Con đừng nói thế! Chú thím không tính lời như với người khác nhưng con tiêu thụ gần như ba phần tư số thuốc chú mang về nên vẫn lời! Con cũng tính giá hời quá rồi có để chú thím thiệt đâu!
Nói tới đây giọng thím Sinh nhỏ lại đầy nghi hoặc “ Không phải thiếu hụt tiền mà là thâm hụt mới lạ! Không biết thằng Dân tính làm ăn gì mà tự tiện rút tiền chú để dành trong rương không nói gì với chú trước, chỉ dặn thím là kỳ này nó qua Thượng Hải buôn thêm ít loại thuốc, nó có mối lớn ở Vân Nam gì đó! Khi chú về phát giác ra thì nó đã đi rồi! Chú con bực lắm! Chỉ sợ lần này hai bố con không đụng đầu thôi chứ đụng đầu là thằng Dân không yên với chú đâu!”
Tùng nghe thím nói người lại run lên cố nén giận khuôn mặt trở nên lầm lì không nói gì thêm! Chàng nhớ lại những gì Khuyên kể với mình.
Thím Sinh đặt gói tiền sang bên với lấy cái ấm trà gần đó rót nước mời Tùng uể oải nói:
_Hôm nay phải lo canh mấy đứa thím mướn để dọn dẹp phòng luyện đan cọ rửa mấy cái vại cho sạch chuẩn bị trước, chứ chờ chú về e không kịp tết, lụp chụp đủ thứ chuyện lúc đó muốn cọ rửa e không dễ. Nói tới đây thím đưa tay lên miệng ngáp dài.
Tùng đứng dậy nói:
_Thôi con chào thím con về còn thắp nhang rồi đi nghỉ.
Bà Sinh đưa cháu ra tới cửa dặn dò:
_Nhớ nghỉ sớm cho rồi nhé! Chú về, hai chú cháu còn lo cúng giỗ tế lễ trong nhà ngoài đình đấy! Không thoái thác được đâu! Thím lên đình với mẹ con lúc nào mấy vị chức sắc trong làng cũng hỏi thăm con đấy!. Mỗi năm mới có một lần cũng phải hội họp với người ta cho phải đạo chứ, phải thế không con?
_Dạ con biết chứ! Con cũng đang đợi chú về đây!
Nói tới đây mặt Tùng trầm hẳn xuống, chào thím rồi vội vã quay đi, khẽ thở dài. Chuyện của Dân thật khó biết phaỉ xử sự ra sao?. Chàng đã dặn dò Khuyên không để lộ chuyện Dân và Sa cho ai biết, đồng thời hứa với nàng sẽ có cách xử lý. Khuyên cũng hứa sẽ giúp chàng lật tẩy vụ này. Thật tình Tùng không muốn làm lớn chuyện. Nhưng không thể làm lơ được. Sắp tết rồi không trước thì sau khi Dân về phải có kết thúc rõ ràng. Dù phải đối đầu ê chề nhưng đâu thể làm ngơ, có muốn yên thằng Dân cũng có chịu yên đâu! May Khuyên nói cho biết trước để đề phòng chứ bất thình lình hai đứa dắt díu nhau cuỗm tiền bỏ trốn thì nhục nhã quá!
Tùng nôn nóng đẩy  cổng len vào, rảo bước thật nhanh đến ngã rẽ, vượt qua hàng hoè xăm xăm tiến thẳng tới gian lá cuối dãy. Đứng lặng trong đêm tối, ngần ngừ một lúc, tiến lại ép sát toàn thân vào tấm phên cửa như thể đang dồn toàn sức lực vào đó trong tư thế sẵn sàng và chỉ cần cái hích nhẹ, cửa phòng Sa sẽ bật tung. Bàn tay run run cứ miết lên miết xuống cánh cửa. Bên trong tối đen  không thể nhìn thấy gì.
Đột nhiên Tùng lùi lại, quay gót lặng lẽ đi về khu nhà chính. Cánh  cổng bị gió thối  toang hoác vì khi nãy chàng quên đóng. Tùng kéo cổng cài chốt, thò tay vào túi lấy chìa khoá mò mẩm trong bóng mờ khoá lại. Xong xuôi Tùng quay lưng rút về phòng mình quên luôn thắp nhang ngày rằm. Trời đã rất khuya.