CHƯƠNG 31

     ừa khởi đầu làm việc Khuyên nhìn ra ngoài phòng mạch thấy  cái đầu lấp ló nhận ra người đàn bà đã gởi đứa con gái tâm thần không ổn, nàng đứng dậy nói nhỏ với Tùng:
_Bây giờ em đưa người ta ra sau trả thân nhân lại cho họ, anh cứ thăm mạch kê đơn, em vào bốc thuốc sau.
Tùng gật đầu.
Khuyên vừa bước ra, người đàn bà đã níu áo năn nỉ:
_Thưa cô, tôi cảm tạ mọi người ở đây đã hết lòng chăm sóc con tôi, nó đã chịu uống thuốc, xem ra mười phần lành cũng đến bảy phần rồi nhưng tôi muốn gởi nó ở đây thêm một tuần trăng nữa được không cô?
Khuyên nhìn bà ta ngạc nhiên vừa đi vừa giảng giải:
_Ơ cái bà này mới kỳ. Chính bà lúc đầu có vẻ lo con bà sẽ không chịu uống thuốc do đó sẽ không lành bịnh được. Vậy thì nay cô ấy đã chịu uống thuốc và theo tôi,  bà có thể yên tâm đưa cô ấy về nhà chăm sóc. Bởi vì bệnh xá chỉ có hai chục gian nên đặc biệt dành cho những bệnh nhân trầm trọng cần điều trị tại chỗ.
Nói tới đây  Khuyên và người đàn bà đã ra đến dãy hoè. Khuyên dừng lại chỉ  hai dãy nhà của khu bệnh xá nói:
_Bà thấy đấy, khu vực này thường vắng vẻ có thấy người bịnh nào đâu là vì khi đã có đủ sức để dạo ở sân thì phải về nhà mình thôi! Chúng tôi chỉ để lại những người ở tình trạng nguy cấp. Hôm nay bà đưa cô ấy về nhà là vui rồi chỉ cần tránh không để cô ấy bị hốt hoảng buồn bực tìm chỗ nào yên tĩnh cho cô ấy ở một thời gian cô ấy sẽ tỉnh hẳn không sao đâu.
Người đàn bà phân bua:
_Ấy tôi muốn nói thế đấy! Nhà tôi đâu có được như ở đây, ồn ào sợ nó lại chịu không nổi.
Khuyên quát:
Bà là thầy thuốc hả? Cứ mang về đi! Có gì quay trở lại, đừng có lảm nhảm nữa tôi không có thì giờ đâu!
Đang nói bỗng Khuyên khựng lại khi thấy Sa dìu người phụ nữ tiến tới trao cho người đàn bà. Người đàn bà chạy lại  bên Sa cúi xuống chắp tay vái lia lịa:
_Đa tạ cô đã hết lòng chăm sóc. Cái ơn này tôi ghi tạc không bao giờ quên!
Vừa nghe xong những lời ấy mặt Khuyên tái lại.  Giận quá mất khôn, nàng hét lên kéo xềnh xệch hai mẹ con ra phía dãy hoè chỉ tay ra ngoài ngõ nói:
_Thôi hai mẹ con làm ơn về ngay đi! Làm như bệnh xá này mọi người chỉ phục vụ mẹ con bà không bằng.
Quát xong  Khuyên quay đầu lại ném về phía Sa cái nhìn hằn học trước khi ngoe nguẩy đi mất.
Sa cứ đứng nhìn theo không nói một lời, nét mặt bình thản như không có gì xảy ra.

 

  Bà Chánh đứng nhìn Xuân trộn nộm hoa chuối một lúc rồi hỏi:
_Món này ăn khi trưa tốt hơn con ạ!
Xuân đáp:
_Dạ con biết thế nhưng hồi trưa lúc ăn cơm nghe Tùng nhắc đến món này nên con sốt ruột chịu không được, chiều phải làm ngay!
_Vậy à? Sao dạo này mẹ thấy Tùng ăn uống ít lắm! Nếu làm việc mệt nhọc quá thì phải sắp xếp sao cho hợp lý giữ gìn sức khoẻ cho tốt mới phục vụ bịnh nhân được chứ! Hay là chỉ chẩn bệnh buổi sáng thôi! Chiều đóng cửa không làm!
Khuyên ở ngoài bước vào hỏi:
_Chuyện gì mà bác bàn đóng cửa vậy bác!
_Thì bác đang bàn xem hai anh em chúng mày có nên nghỉ một buổi làm một buổi không, chứ kéo dài kiểu này chịu sao thấu!
_ Làm cái nghề này phải vậy thôi! Chữa bệnh cho dân thường vất vả hơn chữa cho vua chúa nhiều! Không sao đâu bác! Để anh Tùng làm cho khuây khoả chứ ngồi không lại nghĩ vẩn vơ, phải vậy không chị Xuân?
Xuân ậm ừ:
_Có lẽ vậy.
Khuyên không nói gì nữa rót hai chén trà bỏ vào khay bưng lên, cúi chào bà Chánh rồi quay lại Xuân nói:
_Em đi đây!
Xuân nhắc Khuyên:
_Chút nữa xong việc Khuyên ở lại ăn nộm hoa chuối rồi hãy về!
Khuyên hớn hở kêu lên:
_Ôi nộm hoa chuối sướng quá! Nhất chị đấy! Chiều xong em ù về tắm một phát rồi qua ngay vì hôm nay có người khi khám bị bệnh ghẻ lở tùm lum, ghê quá!  Chị nhớ chờ em nhé chị!
Xuân gật đầu.
Bà Chánh nhìn theo Khuyên chép miệng than:
_Phải chi bố con chấm Khuyên thì bây giờ mẹ cũng thảnh thơi rồi, đâu có lo ngay ngáy như thế này! Mẹ để ý thấy Khuyên nó lanh lẹ tháo vát cứng cỏi, mọi việc đâu ra đó chứ để mình thằng Tùng lo liệu chưa chắc khu bệnh xá này yên ổn trật tự  như thế này đâu!. Mẹ đương bảo khi nào thư thả con sửa soạn ít đồ làm quà cho mẹ qua thăm, cảm tạ ông bà đồ Lương chút cho phaỉ phép. Mẹ chịu không hiểu sao bố chúng mày lại chấm cái con hồ ly đó mà không chấm Khuyên!  Không nghĩ thì thôi chứ nghĩ là cứ tức uất lên.
Xuân chợt nhớ lại những lời thổ lộ của Tùng bữa trước, khẽ kêu lên:
_Ôi mẹ! Duyên phận khó nói lắm! Sa  là con dâu nhà này rồi, mẹ nói thế lỡ Tùng nghe được sẽ buồn dù gì cũng là người em nó cưới mà!
Bà Chánh biết mình lỡ lời thở dài rồi câm lặng. Dạo này thỉnh thoảng có dịp quan sát Sa bà thấy hình như con dâu thứ hai của bà không có vẻ gì bệnh hoạn nữa! Nó phơi thuốc quét sân. Trông cũng ngoan ngoãn nhưng không biết lòng dạ thế nào, khéo chừng nó đánh lạc hướng, chờ lúc mọi người chểnh mảng bỏ trốn nữa thì khốn! Nếu nó không có ý đồ đó,  từ từ bà cũng bỏ qua cho, chứ cưới thiếp cho con trai là chuyện bất đắc dĩ, bởi chính  bà cũng thấy ngượng, khó ăn khó nói, ậy, vì trước đây thời còn xuân sắc bà đã từng tuyên bố với chồng không bao giờ cho ai  vào làm thiếp, sẽ không để cho cái cảnh thê thiếp lằng nhằng lộn xộn hiện hữu trong cái nhà này mà!
Buổi chiều, Tùng không vào thư phòng như mọi ngày sau khi hết giờ chẩn bệnh chàng rẽ bước, vượt qua rặng hoè đi ra khu bệnh xá.
Lão câm đang xắt thuốc thấy chàng định đứng dậy nhưng Tùng ra dấu cho lão cứ tiếp tục làm việc còn chàng đi một lượt vòng quanh khắp các phòng, đứng lại trước gian lá cuối cùng,  nhìn cánh cửa đóng im ỉm, ngần ngừ một lúc rồi mon men theo con đường nhỏ  vòng ra  sau dãy nhà lá đưa mắt tìm kiếm.
Sa đang đứng trong vườn thuốc. Quanh nàng cỏ cây dạt dào. Dáng Sa chơi vơi, tóc và áo bùng lên giữa khung trời lộng lộng, trong lênh láng ánh chiều.
Ráng hồng dần lùi xa, đỏ rực lên, trước khi khuất hẳn sau dãy núi. Tùng cứ đứng  lặng, nhìn Sa không chớp mắt cho đến khi bóng nàng thẫm lại tan vào đêm tối. 
_Tùng ơi! Vào ăn cơm, mẹ đang đợi!
Tiếng chị Xuân gọi với ra làm Tùng giật mình quay lưng cất bước, lòng nghĩ thầm mình sẽ tìm cơ hội nói chuyện với Sa nhưng không phải lúc này dù sao thì tối nay cũng khó ngủ rồi!.
Xuân đứng ở cửa bếp chờ. Tùng bước vào, Xuân hỏi:
_Em đi đâu nãy giờ vậy?
_Em ra sau chứ có đi đâu đâu! Hôm nay mới thảnh thơi để mắt tới khu bệnh xá một chút!.
_Lúc nào chả tinh tươm, có già rồi em lo gì! Cứ lo việc ở phòng mạch cho tốt cũng mệt đứt hơi, mỗi người một việc, đa mang làm gì phía sau nữa!
_Chị nói vậy chứ hai khu vực này tuy hai mà một, đâu thể tách bạch ra hẳn, phải phối hợp nhịp nhàng chứ! Bỏ lơ cho người ngoài quán xuyến sao được!
 Tùng nói rất có lý, Xuân câm lặng nhưng trong thâm tâm nàng biết Tùng đang muốn tìm hiểu Sa. Thế cũng được! Từ hôm Sa làm cháy chảo tới nay đã khá lâu dường như Tùng ít lai vãng ra phía sau. Chuyện của hai người cứ để hai người giải quyết lấy! Tùng là người mạnh mẽ quyết đoán, nếu muốn Tùng cũng chẳng cần ai làm nhịp cầu. Cũng chẳng biết ý Tùng và Sa ra sao mà giúp!
Bà Chánh đang bẻ bánh đa chia cho cháu, thấy Tùng bà vẫy lại chỉ mấy đĩa nộm hoa chuối bày trên mâm trước mặt hối:
_Ngồi xuống ăn đi con! Hôm nay chị Xuân làm nộm hoa chuối có bánh đa để xúc nữa chắc chẳng còn bụng đâu mà ăn cơm. Thôi kệ ăn gì cũng được miễn ngon miệng!
Tùng xuýt xoa:
_Ái chà! Chị Xuân ơi! Em mới ước hồi trưa là chiều có ngay rồi! Chị của em tuyệt quá!
Thằng Tí đang nhai bánh đa rạo rạo bỗng bật cười rinh rích nói leo:
_Như vậy là chú khen mẹ con đảm đang đó phải không ạ?
Bà Chánh gật gù nói đùa:
_Đúng đó! Mai mốt lớn lên lấy vợ nhớ kiếm người nào như mẹ cháu mà lấy!
Thắng Tí hí hửng mắt sáng rỡ huyên thuyên:_ Chắc chắn rồi nội! Nấu ăn thì ngon như mẹ mà đẹp là phải như thím Sa cơ nhưng lại khoẻ mạnh chứ không được đau ốm rồi cứ phaỉ ở khu bệnh xá hoài đâu!
Bà Chánh và Xuân trố mắt nhìn thằng Tí đoạn đưa mắt nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. Bà Chánh buột miệng:_Ông tướng này bé tí mà đáo để nhỉ!. Dành hết phần của thiên hạ!. Phải chi học hành mà cũng tinh xảo thế có phải tốt không?. Đằng này …toàn tính chuyện ba láp thì nhanh thôi!
Tùng bật cười xoa đầu cháu không tỏ vẻ gì là khó chịu. Khuyên ở bên ngoài ùa vào sà xuống phản hít hà, luôn miệng xuýt xoa: Thơm quá! Thơm quá! Mùi rau thơm lạc rang đi ngoài ngửi thôi đã chảy cả nước miếng!
Bà đẩy đĩa nộm lại sát Khuyên giục:
_Ăn đi Khuyên bữa nay cho ăn chán chê luôn.
Khuyên cầm đũa lên quay lại mọi người mời:
_Con mời bác, mời chị mời anh! Rồi Khuyên gắp nộm vào bát, bẻ bánh đa xúc thật tự nhiên ăn ngon lành.
Nãy giờ Tùng chưa ăn miếng nào quay lại hối Xuân:
_Chị Xuân gọi già vào ăn luôn thể nhanh lên!
_Già còn mắc cho bệnh nhân uống thuốc. Thôi cứ ăn đi! Chị để phần rồi!
Tùng hỏi lại:
_Chị để đâu vậy?
Xuân chỉ cái đĩa để trên chạn bếp được đậy cẩn thận  bằng một cái tô.
Tùng đứng dậy mở ra xem rồi nói:
_Chị phải để ra hai đĩa chứ! Sao đây chỉ có một phần? Hai người kia mà!
Xuân phân trần:
_Cái đĩa nộm đó to lắm một người ăn sao hết! Chút nữa mới san ra hai đĩa, giờ để vậy cho gọn ấy mà!
Khuyên nhìn cách Tùng cự nự với chị Xuân hiểu ra tất cả. Hơn ai hết Khuyên rất nhạy bén, đi guốc trong bụng Tùng.
Bà Chánh nhìn con trai ngạc nhiên. Có bao giờ nó để ý đến việc ăn uống đâu kia chứ! Thằng này bữa nay lạ thật! Nó hói thế có ý gì? Hay con Sa lại tỉ tê rồi xiêu lòng? Coi bộ nó muốn chăm sóc cho con kia chứ nào phải lo cho lão câm. Hôm nay trông mặt vui vui  không rầu rỉ như mọi khi. Thôi kệ, chuyện đâu còn đó! Cha nó lú có chú nó khôn! Con trai cứ vui như vậy làm bà cũng vui lây. Cảnh giác hoài với con cái trong nhà cũng tổn thọ mất thôi! Nghĩ vậy bà giục Tùng:
_Tùng ngồi xuống mà ăn đi! Sao cứ đứng xớ rớ hoài thế?
Chị Xuân trao đĩa nộm cho chàng nói:
_Ăn đi Tùng đừng để thừa ngày mai thiu đó! Uổng lắm!
Tùng lặng lẽ ăn không nói gì thêm. Khuyên thỉnh thoảng liếc nhìn Tùng. Nàng cười gượng, cố kiềm chế  sự uất ức làm ra vẻ tự nhiên bắt chuyện hỏi han mọi người liên tục nhất là Tùng để đầu óc chàng không có khoảng trống nào nữa mà dành cho Vân Sa.

 

Tùng vừa ngồi xuống mới bắt tay vào làm việc chưa nóng chỗ, bỗng bên ngoài phòng chẩn mạch  lao xao náo động hẳn lên. Tùng đưa mắt nhìn Khuyên. Hiểu ý Khuyên chạy vội ra, đụng đầu ngay với một người đàn ông  ăn mặc tươm tất sang trọng đang chạy lên bậc cấp. Khuyên giang rộng hai tay chận ngang  ngưỡng cửa kịp ngăn ông ta lại.
_Xin ông ra ngoài ngồi đợi.
Vừa nói Khuyên vừa rút thẻ tre trong túi áo trao cho ông ta
Người đàn ông mất bình tĩnh chỉ tay về phía  hai người đang khiêng võng đứng sẵn đó gào lên:
_Cô ơi! Con trai tôi nguy tới nơi rồi, chờ cái gì nữa mà chờ! Tránh ra cho tôi vào gặp quan ngự y!
Nói xong ông ta đẩy mạnh Khuyên  sang một bên. Thấy vậy Tùng đứng bật dậy định dùng vài thế võ hất người đàn ông ra khỏi phòng để cho ông ta biết thế nào là phép tắc, cũng nhân thể cảnh cáo dằn mặt  cho bất cứ ai dám làm náo loạn gia trang.  Thế nhưng chưa kịp phản ứng  ông ta đã phục xuống dưới chân Tùng kêu van:
_ Bẩm quan, xin quan ra tay cứu mạng đứa con trai duy nhất bảo bối của gia đình dòng họ, nó có mệnh hệ gì vợ chồng tôi sẽ không thể sống được đâu!
Nói xong ông ta dập đầu xuống đất nhiều lần đến trầy cả máu trán sì sụp lạy Tùng không ngớt. Nãy giờ đứng nhìn cảnh tượng Khuyên chưa biết tính sao thì Tùng đã cúi xuống đỡ ông ta đứng lên rồi nói:
_Để tôi ra xem sao đã!
Khi chàng bước ra, bệnh nhân đang ngồi chờ đồng loạt đứng dậy chắp tay vái chào. Chàng tiến lại gần  cái võng được hai người đứng cáng hai đầu. Chàng cúi xuống nhìn người bệnh. Đó là một thiếu niên đang nằm thiêm thiếp.
Người mẹ ngồi bệt xuống đất sát đó, tóc tai dã dượi ôm mặt khóc rưng rức. Tùng quan sát thấy người bệnh nằm sấp, mặt quay về một bên, một chân gập cong lại.  Chàng dùng tay lôi mạnh  nhưng chân vẫn cứng đờ không duỗi thẳng ra được, chỗ lắc lè có một ổ mủ chỉ nhìn thoáng với con mắt y thuật chàng biết nó đang bị sừng hoá.
Tùng cất tiếng hỏi:
_Em nó bị lâu rồi phaỉ không ạ? Chữa sớm một chút thì đâu đến nỗi để bây giờ trở thành nan y.
Người cha thiểu não kể:
_Lúc đầu chỉ là một vết sớt ở gót chân nhưng nó khinh thường sau bị làm độc sưng mủ. Tôi đưa đi chạy chữa khắp nơi, hết đông y lại tây y nhưng không lành, càng dùng thuốc chân càng đau nhức và càng ngaỳ chân càng cong lại, lắc lè sưng cứng tựa sừng bò, mủ màu trắng đục như quan ngự y đang thấy đó. Tôi biết giờ đã quá trễ, những nơi tôi đưa con tới đã bó tay. Chuyện con tàn tật đã rõ ràng. Nhưng tôi van  ngự y làm sao để giữ được tính mạng cho nó. Tôi chỉ mong có thế thôi! Nếu được tôi chấp nhận cắt bỏ phần ung thối ngăn không cho bị lan thêm ra.
Người vợ nãy giờ khóc rưng rức nghe chồng nói với Tùng như thế nhào lại ôm con rú lên:
_ Ôi! Con ơi là con ơi! Sao con dại thế! Vì một sớt da nhỏ mà khinh thường để rồi ra nông nỗi này! Huỷ hoại cả một cái chân thế này hả? Con ơi là con!
Nhìn hai vợ chồng cuống cuồng thất thần Tùng mủi lòng an ủi:
_Tôi không dám chắc nhưng có thể chữa trị đựơc. Chỉ xin một điều hai bác đừng quá thương tâm làm rối lên em nó nằm đây tinh thần sẽ không yên được.  Vậy hai bác cứ về đi tôi sẽ cố gắng giữ lại cái chân nguyên vẹn để em khỏi tàn tật. Xin cứ bình tĩnh.
Chàng quay lại Khuyên ra lệnh:
_Em nói mọi người đừng chờ nữa,  về đi mai tới, hôm nay anh chỉ lo trường hợp khẩn cấp này thôi!
Nói rồi Tùng chỉ tay ra ra phía sau bệnh xá nói với hai người cáng võng:
_Hãy theo tôi, nhanh lên!
Hai vợ chồng định đi theo nhưng Khuyên ngăn lại giảng giải:
_Nội quy bệnh xá này là thế! Xin hai bác hiểu cho bây giờ hai bác cứ về đi sáng mai đến giờ thìn tới thăm em. Anh ấy đã nói thế tức là có hy vọng hai bác đừng quá lo!
Hai vợ chồng nghe vậy mừng rỡ gạt nước mắt nhìn nhau rồi ngoan ngoãn dắt nhau ra khỏi gia trang.  Các người khác cũng lục tục kéo đi.
Nhìn ngõ trước giờ đã vắng teo không còn ai hết Khuyên hấp tấp chạy lên định khoá cửa rồi chạy ra sau cùng với Tùng nhưng khi sắp đóng cửa nàng khựng lại chăm chú nhìn vào cái áo khoác ngoài Tùng vắt trên thành ghế ánh mắt loé lên,  vội chạy lại thò tay lục túi áo lấy ra chùm chìa khoá rồi hấp tấp chạy sang thư phòng rất thản nhiên không hề do dự, để cửa nẻo mở toang. Nàng biết bà Chánh, chị Xuân lúc này còn đang lễ chùa cùng với mẹ nàng và thím Sinh, còn thằng Tí hẳn giờ này cũng đang ê a bên nhà nàng…
Để ý Tùng lâu nay, Khuyên biết chàng sử dụng chìa nào để mở phòng nào. Tuy nói  thư phòng nhưng khi bước vào Khuyên hiểu ra nàng đang đứng trong một phòng ngủ dành cho khách quý tới trọ vì có giường nệm, gối, bàn đàng hoàng.
Khuyên đảo nhanh mắt nhận ra một cửa chìm nằm sát vách có dán mảnh giấy hồng với những chữ sắc nét “ NHÀN NHÂN MIỄN TIẾN”– ai không phận sự miễn vào –.
Khuyên nhún vai vẻ bất cần,  đẩy cửa bước vào gục gặc đầu. Đây mới là thư phòng vì có nhiều sách. Nhưng cái Khuyên tìm không phải sách. Cuộc cãi vã giữa Tùng và Dân hôm nào đã làm nảy trong đầu Khuyên ý đồ muốn lấy ít độc dược, phòng có khi phải dùng đến nếu như tình nàng với Tùng cứ thế này mãi không có kết quả, thì đây là biện pháp cuối cùng. Tình địch của mình, sự ngăn trở không ai khác hơn là Sa. Nếu lỡ mình không được chàng, con kia phải chịu hậu quả. 
Nghĩ vậy Khuyên tìm cái chìa khoá có kiểu dáng khác lạ nhất chưa hề thấy Tùng dùng bao giờ dúi vào lỗ khoá xoay nhẹ mấy vòng trơn tru.
Nàng vội vã kéo ngăn tủ có ghi chữ Có độc dược xin tránh xa!” Là người am hiểu các vị thuốc, chỉ một loáng nàng đã lựa cho mình ít thuốc, gói  cẩn thận giấu vào túi rồi xếp lại mọi thứ y như cũ, khoá tủ, lẻn ra ngoài êm thắm, chạy về phòng mạch bỏ  chùm khoá vào lại túi áo Tùng. Hành động suôn sẻ nhanh đến không ngờ! Đúng là cơ hội vàng! Nhìn ra thấy con Mực vẫn ngồi chồm hổm  trên thềm canh nhà, nàng mỉm cười đắc chí rồi thở phào nhẹ nhõm.
Đã mấy lần nàng nghĩ đến việc kiếm độc dược nhưng ở đây không dễ kiếm mà nếu có cũng không dám mua, người ta sẽ nghi ngờ. 
Một lát sau thoáng thấy bóng Tùng  chạy vào, Khuyên giả vờ cúi xuống bàn dọn dẹp lau chùi chứ không ngước lên nhìn Tùng, nàng hỏi:
_Xong xuôi chưa anh? Em về đây! Nhân dịp hôm nay mẹ đi lễ chùa, em về nấu cơm, nói con Sẻ con My cứ ở bên này giúp việc chờ mẹ anh và chị Xuân về coi có cần gì không rồi hãy về sau, có em lo liệu ở nhà rồi!.  Anh khoá cửa nhé!
Tùng lấy áo mặc vào cuống quýt  chạy ra nói:
_Thôi em khoá luôn đi! Ở phía sau già cũng có đủ các vị thuốc cần rồi!
Nhìn bộ điệu Tùng hấp tấp Khuyên bĩu môi nhếch mép lẩm bẩm:
_Chắc gặp con Sa hay sao mà cái mặt tự nhiên hí hửng thấy bắt ghét! Nhưng thôi hôm nay phải rút về nhà giấu thuốc đi đã, để trong người lỡ lộ ra thì khốn.

 

Sa đứng giữa sân bên cạnh những siêu thuốc đang sôi ngước nhìn Tùng thoáng bối rối, mỉm cười dè dặt.
Giữa không gian thoáng rộng Tùng ngỡ ngàng như nhìn thấy một người hoàn toàn khác với nàng Vân Sa man dại liêu trai vật vờ trên giường tân hôn hôm nào.
Thời gian trôi lúc nào không hay bây giờ trước mặt chàng là một Vân Sa trong màu áo tro, đẹp đằm thắm quyến rũ gần gũi hơn. Ánh mắt không còn lạnh lùng kênh kiệu như ngày ấy.
Khi Tùng lại gần sát, nàng khẽ cúi xuống vân vê tà áo. Vạt áo  dính đầy những vết bám của nhựa cây và than củi. Mồ hôi ướt hai bên thái dương. Những ngón tay thon thả trắng mịn nổi gân xanh hằn những vết xước dao cắt chưa lành. Có cái gì đó cam chịu nhẫn nhục.  Cái gì làm Sa thay đổi đến vậy? Đang chưa hết ngạc nhiên Sa bỗng lên tiếng trước:
_Anh tìm già phải không? Già ở ngoài vườn thuốc. Để em gọi già về nhé! Anh đợi chút!
Tùng gạt đi:
_Thôi em ạ! Mà em làm gì ở đây? Chiều rồi lo tắm gội chứ để tối gió lạnh đấy!
_Dạ em quen rồi khoảng tối tối mới tắm chứ giờ tắm sớm quá, với lại em đang canh thuốc hộ già.
Tùng trố mắt:
_Canh thuốc? Thật không? Vậy em lấy siêu thuốc số sáu ra đây hộ anh thử xem.
Sa mau mắn lấy siêu thuốc số sáu hôm qua đã được rửa sạch phơi trên phên tre trao cho Tùng  nói:
_Đây anh! Vậy là phòng số sáu trống được hơn một ngày giờ lại có bệnh nhân khác rồi. Anh kê đơn chưa để em bốc thuốc bỏ vào cho?. Ở kia có cái cân rồi! Bệnh nhân mới đưa vào có vẻ trầm trọng phải không anh?
Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác Tùng mãi quan sát Sa quên cả trả lời. Một lúc sau chàng mới à lên một tiếng rồi giải thích:
_Đúng rồi! Anh phải ngưng việc chẩn mạch để điều trị gấp đấy! Để coi đây có sẵn thuốc cần dùng không nếu không phải lên phòng chẩn mạch.
_Anh đưa đơn thuốc đây em xem. Nếu đây sẵn, em sẽ cân rồi nấu luôn thể cho tiện được không anh?
Tùng lắp bắp:
_Em rành mọi thứ thế sao? Thảo nào già vốn tính cẩn trọng mới dám ung dung trao cả cái sân này mà đi dâu mất tiêu lâu vậy chứ!
Tùng lục túi đưa đơn thuốc cho Sa. Nãy giờ tuy nói chuyện nhưng lòng Sa rộn rã tim đập thình thịch cố gắng giữ bình tĩnh để khỏi phạm sai lầm như hôm nào. Sa đọc đơn thuốc rồi tiến lại chỗ phơi thuốc lấy cái sào móc những bao thuốc treo lủng lẳng trên xà,  mở ra chỉ từng vị thuốc đọc tên vanh vách:
_Ở đây có xích thược, bạch hoa xà, sài hồ, hồng hoa, uất kim còn các vị khác anh phải trở lại phòng mạch thôi anh ạ, ở đây không có!
Tùng lặng người đi tưởng mình mơ, cứ ngớ người ra nhìn Sa không chớp mắt, một lúc mới buột miệng khen:
_ Em thật tài tình. Già làm việc này lâu lại được chỉ bảo cẩn thận đôi khi vẫn lộn tên thuốc thế mà em …(Chàng bỏ dở câu nói…), à mà thôi đợi chút nhé, anh trở lại ngay đây!
Nhìn khuôn mặt Tùng rạng rỡ hẳn lên Sa cảm thấy nhẹ nhỏm nhìn theo bóng Tùng cuống quýt chạy ra phía trước.
Khi Tùng quay trở lại, hoả lò số sáu than vừa bén bắt đầu hồng. Tùng trao cho Sa số thuốc còn thiếu. Sa mở gói thuốc nhìn một hồi rồi chỉ một vị thuốc hỏi:
_Anh à em thắc mắc tại sao vị thuốc này lại gọi là phụ tử.
_Vì loại thảo dược này có bộ rễ là những củ con con nhìn như một người đa mang con cái, vậy thôi.
  Chỉ  loay hoay một thoáng Sa đã đặt siêu thuốc lên bếp, bắt đầu nấu. Mãi làm khi ngước lên bắt gặp Tùng đang nhìn mình đăm đăm, Sa e thẹn hai má đỏ ran vội cúi xuống. Thấy Sa mộc mạc tự nhiên Tùng không giữ kẽ nữa chàng tiến sát lại bên Sa thì thầm:
_Em canh thuốc nhé, giờ anh phải vào trông bệnh nhân, khi nào thuốc được rồi em mang đến phòng số sáu cho anh. Anh chờ ở đó!
Sa dạ thật ngoan ngoãn.
 Sa đứng nhìn theo cho đến khi bóng Tùng khuất hẳn. Lâu nay Sa hay lén nhìn Tùng, những lúc thảnh thơi nhất là đêm tối hình bóng chàng cứ lởn vởn trong đầu nên khi đối diện lúc nãy tuy có bối rối nhưng vẫn cảm thấy như đã thân thiết mặc dù đây là lần đầu tiên hai người mới thực sự đối đáp nói chuyện với nhau kể từ hôm cưới đến giờ.
Sa không rời mắt khỏi siêu thuốc số sáu đang sôi bốc khói nghi ngút. Nàng kề mũi đón làn hơi bốc lên lẩm nhẩm đọc lại trong đầu những vị thuốc cũng như lượng thuốc rồi nhắm mắt lại như để dồn mọi giác quan vào đó cố gắng loại bỏ tất cả những mùi thuốc bốc ra từ những siêu khác  nàng từng đã làu đã quen để nhận biết những vị thuốc mới lạ đang nấu trong siêu thuốc số sáu. Lúc đầu khi thuốc sôi sùng sục nàng gắp bớt than ra để sôi âm ỉ. Ngồi một lúc Sa mở nắp thăm dò buột miệng than “Sao lâu quá!”. Sốt ruột nàng lại gắp than bỏ vào nước thuốc lại bùng lên. Nghĩ sao lại gắp than ra cho sôi liu riu như cũ. Một cái bóng lướt qua. Sa giật mình nhìn lại. Lão câm đang hốt hoảng nhấc vội những siêu thuốc trên lò xuống trừ siêu thuốc số sáu. Sa chợt nhớ ra kêu lên:
_Chết rồi! Nãy giờ mãi canh siêu thuốc mới nấu sau nên quên mấy siêu đã nấu trước đó. Có sao không già?
Lão câm không tỏ ý gì chỉ  tay làm hiệu cho Sa rót thuốc ra chén.
Sa nói:
_Già mang thuốc cho bệnh nhân đi. Còn siêu số sáu con sẽ canh rồi đưa lên sau.
Lão câm đưa mắt nhìn về phía dãy nhà gỗ. Tùng vừa ló đầu từ phòng số sáu nhìn về phía sân. Lão câm tủm tỉm cười gật đầu.
Khi thuốc được rót ra  tất cả các chén đều hơi cạn hơn mọi ngày. Sa ngượng ngùng nói:
_Hôm nay con hơi chểnh mảng thật đáng trách!
Lão câm phác một cử chỉ ra ý không sao đâu! Sa trao khay thuốc cho lão kèm theo cái nhìn biết ơn.
Một lúc sau siêu thuốc số sáu cũng đã được. Sa cẩn thận nhấc khỏi lò dồn hết tâm trí rót vào chén chăm chút hơn mọi khi rất nhiều. Không một giọt nào bắn ra ngoài. Quá tốt! Cầm cái khay trên để chén thuốc Sa từ từ đứng lên dợm bước hăm hở định tiến thẳng đến phòng số sáu bỗng nàng giật thót người khiến thuốc trong chén sánh ra ngoài. Nhíu mày thở dài Sa đặt cái khay lại trên phên tre ngồi xuống giả vờ cời than. Bà Chánh xuất hiện từ lúc nào đang chống nạnh nhìn về phía Sa. Lão câm cũng vừa trờ tới Sa không ngước lên nhìn nhưng nói với lão:
_Già mang chén thuốc lên phòng số sáu dùm con. Con canh lượt nước thứ hai cho xong còn đi tắm rửa nghỉ ngơi, mệt mỏi quá!
Giọng nàng nghèn nghẹn run run. Lão câm khẽ liếc về phía bà Chánh rồi lật đật mang thuốc đi ngay. Bà Chánh đợi lão câm rồi cùng đi lên phòng số sáu. Tùng ra mở cửa ngớ ra ngạc nhiên khẽ liếc nhìn xuống sân. Thấy thái độ của con bà Chánh tỏ vẻ bực mình sẵng giọng:
_Con làm gì đó?
_Dạ có người đau trầm trọng cần được theo dõi sát sao nên phải đóng cửa phòng mạch dồn tâm sức chữa cho người ta.
Bà Chánh tiến lại gần giường bệnh nhìn một lát rồi quay sang lão câm dặn:
_Già cho người bệnh uống thuốc nhé! Còn Tùng làm việc như vậy là quá giờ rồi, vô dùng cơm với mẹ! Chị Xuân và cháu cũng đang đợi, mau lên con, ăn uống xong chị con còn dọn dẹp, mọi người đi nghỉ buồn ngủ quá! 
Tùng nghe vậy vội vàng thì thầm dặn dò lão câm trước khi quay gót bước theo mẹ.