Chương 5: Các bệnh xương khớpThoái hoá khớpThoái hoá khớp là một loại viêm khớp, hủy hoại chất sụn ở khớp. Đây là bệnh thường gặp trong số các vấn đề về khớp. Ở Mỹ, có đến 100 triệu người mắc bệnh này. Trước 45 tuổi, thoái hoá khớp thường xảy ra ở đàn ông; sau 55 tuổi, nó hay gặp ở đàn bà. Vị trí thoái hoá thường gặp là hai bàn tay, bàn chân, xương sống và các khớp lớn chịu sức nặng như háng, đầu gối.Bệnh thoái hoá khớp nguyên phát có liện hệ với tuổi già. Tuổi càng lớn, nước trong sụn gia tăng, chất protein sụn bị thoái hoá. Các khớp được dùng quá nhiều năm dễ bị viêm sụn, đau khớp, sưng; nếu tiến triển quá lâu còn làm mất hẳn lớp đệm sụn khớp. Viêm khớp kích thích phát sinh tăng trưởng xương mới, tạo thành các gai quanh khớp. Thoái hoá khớp thứ phát xảy ra sau béo phì, chấn thương nhiều lần hay phẫu thuật khớp, bệnh bẩm sinh về khớp, gút, tiểu đường và một số rối loạn hoóc môn. Thoái hoá khớp chỉ là bệnh về khớp, không ảnh hưởng gì đến các cơ quan khác.Bệnh thường gây đau đớn nơi khớp, nhiều hơn vào lúc chiều tối. Khớp có thể sưng, ấm, khi vận động có tiếng kêu ở khớp. Đau và cứng khớp hay xảy ra khi ngồi bất động lâu. Triệu chứng thay đổi tùy người: có người thấy quá đau, phải đi khập khiễng, khó làm việc được; ở người khác lại có rất ít triệu chứng dù có nhiều hình ảnh thương tổn trên X-quang. Triệu chứng bệnh này có thể không liên tục, nhiều người bị ở khớp gối, tay có thể nhiều năm không đau gì. Do khớp gối bị thoái hoá, bệnh nhân đi khập khiễng, ngày càng tệ hơn khi bệnh tiến triển. Thoái hoá khớp ở xương sống gây ra đau cổ hay đau lưng. Thoái hoá khớp có thể tạo xương cứng quanh các khớp nhỏ ở bàn tay, gọi là cục Heberden, có thể không đau (nhưng giúp chẩn đoán ra bệnh này).Không có xét nghiệm máu nào dùng chẩn đoán bệnh này. Thử máu dùng để loại trừ bệnh khác gây ra thoái hoá khớp thứ phát hay một số bệnh viêm khớp khác. X-quang các khớp giúp nhiều trong chẩn đoán. Thường thấy nhất là mất sụn khớp khiến hẹp khe khớp và thành lập các gai. Chọc khớp đôi khi giúp chẩn đoán phân tích dịch khớp, loại trừ bệnh gút, nhiễm trùng và các nguyên nhân khác. Về điều trị, ngoài giảm cân, tránh mọi hoạt động thái quá ảnh hưởng đến khớp, không có cách nào ngăn chặn được sự thoái hoá sụn hay sửa chữa gì các sụn bị thương tổn. Mục đích điều trị là giảm đau khớp, viêm, cải thiện, gìn giữ chức năng hoạt động.- Có thể dùng biện pháp bảo tồn như nghỉ ngơi, thể dục và giảm cân, vật lý trị liệu hay các dụng hỗ trợ.- Áp túi nóng trước khi tập và túi lạnh sau khi tập thể dục để giảm đau, sưng.- Bơi lội là cách tập thể dục tốt ít làm chấn thương khớp.- Nên dùng vài môn thể dục khác như đi bộ, đạp tại chỗ, tập nâng tạ nhẹ.Chuyên viên vật lý liệu pháp có thể cung cấp các dụng cụ như gậy, thanh nẹp, dụng cụ tập đi, nhằm giảm mọi chấn thương nơi khớp.BS Dương Minh Hoàng(còn tiếp)