Những ngày tháng bám cầu Hàm RồngNăm 1967, Mỹ liên tục đánh phá cầu Hàm Rồng chiếc cầu anh hùng, tượng trưng cho tinh thần kháng chiến kiên cường bất khuất của nhân dân Thanh Hoá của đất Lam Sơn khởi nghĩa, của quê hương của Bà Triệu... Tháng 9, tôi vào Thanh, bám cầu Hàm Rồng một mặt để thay mặt Bộ Văn hoá chỉ đạo riêng, công tác văn hoá ở tỉnh Thanh và ở thị xã, mặt khác đối với tôi là đi thực tế, sống cuộc sống chiến đấu cùng với đồng bào và bộ đội địa phương. Cùng bám cầu Hàm Rồng với tôi có anh Hồ Bông, nhạc sĩ, cán bộ của Vụ Nhạc Múa. Anh Hồ Bông, người Nam bộ, quê ở Đồng Tháp là một người tôi quen đã từ lâu, cũng ham đi thực tế những vùng khói lửa. Hai anh em vào liên hệ với tỉnh uỷ, Uỷ ban và tỉnh đội, thì các đồng chí ở tỉnh muốn bố trí chúng tôi ở một huyện hậu phương, cũng có chiến đấu nhưng không căng thẳng lắm. Nhưng hai chúng tôi khẩn khoản xin được bám cầu Hàm Rồng để được sống cuộc sống chiến đấu khẩn trương hàng ngày với dân và quân trên cầu và hai bên cầu. Sau một tuần chúng tôi ở rừng thông, nơi tỉnh đội đóng, các đồng chí tỉnh không từ chối được nhưng dặn chúng tôi phải hết sức cẩn thận, thỉnh thoảng ra cầu để cho biết không khí chiến tranh không nên có mặt ở đó luôn. Tỉnh đội cũng giới thiệu chúng tôi về một gia đình của xã Hoàng Long, cách cầu Hàm Rồng khoảng 2 cây số. Hai anh em chúng tôi dọn ngay đến ở nhà ông Năng, một gia đình nông dân, có nhà ngói, có sân gạch, đủ ăn. Bà cụ mẹ ông Năng đã già yếu, nhưng thấy cán bộ đến ở thì rất quí và chăm nom bếp nước giúp vợ chồng ông Năng để “nuôi” chúng tôi. Ông Năng người chất phác trạc tuổi 45, ít nói nhưng rất ý tứ, thấy chúng tôi cần giúp đỡ cái gì là tìm cách giúp ngay. Sau hôm chúng tôi đến chúng tôi thấy ông cứ nhìn mãi chúng tôi mà không nói, lại đi quanh nhìn vào đầu chúng tôi... Chúng tôi tự hỏi hay là ông này nghi ngờ mình không phải là cán bộ chăng... Sau cùng tôi hỏi thẳng: “Bác có điều gì băn khoăn phải không? Hay có điều gì muốn hỏi chúng tôi? Hôm chúng tôi đến đã đưa bác xem đủ các giấy tờ... thì ông Năng có vẻ bối rối trả lời: “Không có gì đâu, chỉ có điều là tóc hai đồng chí hơi dài quá tôi muốn xin phép được cắt tóc cho hai đồng chí”. Thì ra ông cụ thân sinh ông Năng đã có nhận xét là cán bộ đi kháng chiến thường để tóc quá lứa, cho nên ông cụ bảo ông Năng đi tìm mua một bộ đồ cúp tóc để khi nào cán bộ đến ở nhà hoặc đi qua thì cúp hộ tóc cho cán bộ. Thế là những tháng chúng tôi ở đó, cứ hai tuần chúng tôi được cúp tóc một lần rất tử tế. Bữa cơm nhà ông Năng không nhiều thịt cá, nhưng theo yêu cầu của chúng tôi thì có cà muối dầm mắm rất ngon. Tuy vậy bà cụ không yên tâm, thỉnh thoảng cụ mua được một ít thịt lợn kho dừa cho chúng tôi ăn, vì vườn nhà có mấy cây dừa, và thỉnh thoảng chúng tôi vẫn được uống nước dừa rất ngọt và rất mát.Hàng ngày, sau buổi ăn sáng, anh Hồ Bông và tôi lại ra cầu Hàm Rồng xem anh em thợ chữa cầu làm việc vì địch đánh liên tục, cầu không sập, nhưng luôn luôn có những thanh thép trên thân cầu bị đạn bắn xuyên thủng hoặc mảnh bom rơi từ xa hàm vạt đi từng khúc... Lại còn một số thợ cầu làm hai bên đầu cầu để củng cố đường cho xe tải và xe con chạy... Mỗi ngày máy bay địch đến đánh phá mấy đợt, súng phòng không của ta bắn lên đan lửa trên trời, nên thường địch ném bom trệch mục tiêu, phần lớn bom rơi vào thôn Yên Vực một thôn nhỏ phía bắc cầu Hàm Rồng, ở bên trái con đường từ trong đi ra. Thôn Yên Vực được bà con gọi là “Xtalingrat của Thanh Hoá”. Rất nhiều lần, máy bay ập đến, anh Bông và tôi đang ở giữa cầu, nhưng cũng chạy kịp vào hang ở đầu cầu bên này. Lần nào cũng hú vía. Mà máy bay Mỹ nó đổi giờ đánh luôn, để bắt chộp ta, không cho ta nắm quy luật tấn công của nó. Anh Bông thường nói đùa với tôi giữa đám anh em công nhân: “Ông Cận ơi, ông có chết thì chết ở đầu cầu tôi còn tha ông về hang được. Chứ nếu ông chết ở giữa cầu thì ông nặng quá, tôi không kéo nổi về hang đâu!”. Chúng tôi còn đòi tỉnh đội cho chúng tôi vào sống vài tuần ở thôn Yên Vực để cho biết cái không khí chiến đấu của quân và dân tại chỗ nhưng tỉnh đội không đồng ý. Chúng tôi bèn đi “chui” vào thôn Yên Vực vào những buồi chiều, sau khi mặt trời lặn, nghĩa là vào cái giờ mà máy bay địch có thể không hoạt động nữa. Thế mà có buổi chiều tôi và anh Bông vừa bì bõm lội vào thôn, và như mọi lần, thôn Yên Vực lại hứng mấy quả bom trệch mục tiêu cầu Hàm Rồng. May mà chúng tôi tụt kịp xuống hầm... Cứ như thế hai anh em chúng tôi trở đi trở lại nhiều lần cái thôn Yên Vực thân yêu của chúng tôi... Đồng chí Bàn bí thư chi bộ Yên Vực lúc đó thấy chúng tôi gắn bó với thôn cũng ái ngại, khuyên chúng tôi không nên về thôn luôn, để tránh nguy hiểm. Có một lúc địch đánh căng thẳng quá đảng uỷ xã và chi bộ thôn chủ trương cho dân sơ tán đi một xã xa, chỉ để lại một trung đội dân quân tự vệ 40 người, phần lớn là nam, cũng có mấy chị em tham gia.Nhiều người tình nguyện ở lại làm đội trực chiến, nên hợp tác xã phải bầu những người được ở lại. Bà con được lệnh sơ tán dọn đồ đạc đi, cố gắng dọn được hết càng tốt... Tuy vậy, trong lúc sơ tán vội vàng, có nhà phải để lại con lợn đang nuôi, để lại con gà mái đang ấp trứng, thậm chí có nhà còn để lại cả con chó không kịp dắt đi... Rồi thì có gia đình không kịp mang thúng ngô đang ướt vì gặp mưa chưa phơi... Sau một tuần mấy bà con kia trở lại để dọn nốt tài sản thì thấy lợn vẫn béo và máng cám vẫn đầy, bầy gà con nở ra vẫn được khoanh trong một cái bu to và được cho ăn tử tế, và cả con chó cũng được nhốt trong buồng với những bát cơm nguội... còn thúng ngô thì đã được phơi khô, gác từ tế lên giàn bếp... Và bà con ngạc nhiên hết sức là con đường đi vào thôn đã được trồng thêm hai dãy dừa non, vì anh em trực chiến đã khám phá ra những quả dừa giống của hợp tác xã đã lên mầm khá cao và vội đi trồng cho “đúng tuổi” dừa. Tình đồng đội, tình đồng chí, rất thực mà nghe như truyện truyền thuyết ấy làm cho anh Bông và tôi hết sức xúc động và nghe chị Tâm kể lại cứ ứa nước mắt. Một đêm trăng, anh Bông và tôi ngồi trên bờ đê của thôn, nhìn xuống dòng sông Mã nghe chị Tâm kể chuyện và tâm sự. Chị là một trong những người trực chiến, người thâm thấp, béo chắc khỏe mạnh, về sản xuất chị là một tay lao động nhiều điểm nhất, về chiến đấu là một tay súng cừ khôi, mà về văn nghệ cũng là một “cây” hát... Người yêu của chị đang ở chiến trường miền Nam, có chuyến xe nào đi ra chị cung đón hỏi tin tức miền Nam, và cứ hy vọng là người yêu gặp xe ra Bắc thì gửi thư về cho chị. Chị chờ đợi, chờ người, chờ thư. Trong lúc chờ thì chị chiến đấu chị sản xuất, chị làm văn nghệ trong đội trực chiến. Chị ham đọc sách, và gặp chúng tôi không xin gì chỉ xin sách, xin báo. Thế rồi, cũng có một lần chị Tâm nhận được thư của người yêu gởi một xe tải từ đường Trường Sơn đem về... Chị đọc đi đọc lại đến mòn cả bức thư, sau chị phải xin một miếng giấy ni lông để bọc bức thư và cho vào túi trong phía ngực. Đội trực chiến của chị 41 người, ban đêm thường tập trung ngủ ở chùa của thôn, tất nhiên là phân tán vào nhiều hầm đào trong vườn chùa. Rồi một buổi tối bom địch đã trúng vào hầm và ba đồng chí hy sinh. Được tin, bà con sơ tán lại xung phong về thay ba người đã mất, lại phải một cuộc lựa chọn của chi uỷ và hợp tác xã, vì nhiều người xung phong quá. Ở Yên Vực tôi còn nhớ câu chuyện: một chiều máy bay địch từ xa bay tới, đội dân quân bắn súng máy bay đã bố trí trận địa sẵn sàng, súng bắn máy bay có đến mấy khẩu, nhưng hôm ấy lại vắng mất một đội viên. Thế là có một đồng chí bộ đội đi nghỉ phép, về qua đường, thấy đội trực chiến đang loay hoay thì xung phong vào bổ sung khẩu đội. Và cuộc chiến đấu diễn ra rất đẹp, tuy không bắn rơi được máy bay nhưng kế hoạch tác chiến hoàn thành đẹp đẽ. Bắn xong, đồng chí bộ đội lại lên xe đạp về quê đội trực chiến cũng quên hỏi tên anh, và trong sổ truyền thống của thôn chỉ ghi: “Anh bộ đội nghỉ phép qua đường bổ sung khẩu đội”. Những ngày tháng tôi và anh Bông bám cầu Hàm Rồng, còn thường ra thăm đội nữ công binh nhân dân xây dựng cầu Tào. Đó là một đội toàn là chị em tình nguyện đi xây cầu, chữa cầu để bảo đảm giao thông, đội cầu Tào, xây cầu toàn bằng gỗ mà rất chắc chắn, xe lửa có thể đi qua được.Bám cầu Hàm Rồng, anh Bông và tôi chết hụt nhiều lần. Chỉ xin kể ra đây một trường hợp. Chiều hôm đó nắng trong, mây tạnh, anh Bông và tôi đã hẹn họp với chi đoàn thanh niên trong thôn Nam Ngạn. Tụ tập rồi sắp họp thì đồng chí bí thư thị uỷ là đồng chí Thi cho người đến gọi tôi về ngay thị uỷ để cùng các đồng chí đón đoàn Liên Xô đến thăm. Anh Bông và tôi vừa đạp xe đạp về đến trụ sở thị uỷ thì máy bay đến và nghe tiếng bom nổ ở đàng sau. Nửa giờ sau, thị uỷ cho người về Nam Ngạn lấy tin thì biết bom trúng vào cái nhà mà đoàn thanh niên và chúng tôi suýt họp ở đó. Thanh niên đã giải tán, không ai việc gì: nhưng gia đình có 9 người thì chết mất 6, trong đó có 2 em bé. Cũng hôm đó, hoặc là sau vài hôm, tôi không nhớ rõ, bom Mỹ đã đánh sập mấy hầm liền, hơn 30 đồng chí dân quân tự vệ và cán bộ xã và thôn đã bị hy sinh. Phải đào suốt hai ngày đêm mới tìm đủ xác các đồng chí. Đồng chí bí thư đã có một sáng kiến rất xúc động là tổ chức một cuộc giao ban giữa những người đã hy sinh và những người còn lại. Trước thi hài những người đã mất, đồng chí bí thư đã phân công những ai phải làm việc thay cho những đồng chí đã hy sinh, sau cuộc giao ban tình nghĩa và đầy sĩ khí ấy mới tổ chức đưa đám những anh em đã mất. Tôi đã ghi cảm tường về sự kiện lịch sử ấy của thôn Nam Ngạn trong một bài thơ: Giao ban.Đào suốt hai ngày đêmMới đủ xác anh emDẫu chết rồi cũng phải cho đủ mặtĐồng chí bí thư giao ban trong nước mắt,Phân công thay những người đã mấtAi làm thêm phần việc của aiNuốt nước mắt, cuộc chiến đấu ngày maiCòn tiếp tục.Ở đâu cái chết ghê rợnỞ đâu người chết vụt biến hư vôỞ đây cái chết có cuộc đời ở cạnhMột cuộc giao ban bi thiết biết chừng mô.Anh Hồ Bông đã phổ nhạc ngay bài thơ này với một giai điệu trầm hùng, có hát thử lên cho anh em nghe thì thấy xúc động, nói được nỗi đau thương nén lại và tình đồng chí keo sơn giữa kẻ mất, người còn. Nhưng cả bài nhạc và bài thơ lúc ấy chúng tôi không cho đăng báo, sợ gợi lên nhiều đau xót quá, sợ nhắc đến những mất mát đau thương quá...Trong chuyến bám cầu Hàm Rồng, khu Nam Ngạn gần 8 tháng ấy anh Hồ Bông cũng đã làm được mấy ca khúc cảm động: Đội gái thuyền nan, Những nữ dân quân tỉnh Thanh, Trực chiến (bài sau này là phổ nhạc bài thơ cùng tên của tôi). Riêng tôi đợt ấy làm được hơn 30 bài thơ mà một số đã đăng báo in sách như: Cầu Hàm Rồng, Giờ trưa, Gió mưa sấm sét, Sông Mã sông Chu, Tháo bom bi, Chào Đông Sơn, Thăm Lò Chum, Bàn tay nữ pháo thủ... Ngoài những bài thơ ngắn, tôi cũng có viết một bản trường ca. Làng thép bên núi Ngọc, ca ngợi sự tích anh hùng của dân, quân thôn Yên Vực. Trường ca này tôi viết bằng thơ ngũ ngôn, còn một chương chưa viết xong, tôi sẽ cố gắng hoàn thành bản Trường ca này để tặng cái thôn Xtalingrát của Thanh Hoá, nơi mà anh Hồ Bông và tôi đã sống những ngày hào hứng và hào hùng với bà con, trong tình đồng chí mặn nồng, thắm thiết.Trở lại cuộc sống và chiến đấu của thôn Yên Vực. Đến mùa cấy lúa, đội trực chiến không thể làm kịp vụ cho nên huyện uỷ đã động viên xã viên các hợp tác xã bên cạnh, hoặc ở xung quanh đến cấy giúp cho thôn anh hùng. Mọi việc nước nôi, phân bón bà con cũng trợ lực cho Yên Vực. Cảm động biết mấy khi thấy những bà, những chị gánh từng gánh phân chuồng đến thôn Yên Vực và rải xuống ruộng sắp cấy. Các bà vừa gánh vừa nói đùa: “Chăm bón cho mảnh đất anh hùng chả mất đi đâu mà sợ!”. Thậm chí, thôn thiếu mạ, bà con xung quanh quẩy mạ tới để cấy kịp thời vụ. Rút cục, thôn Yên Vực lại được cấy xong trước trong vùng...Những ngày chiến đấu căng thẳng hồi đầu năm 1965, lúc Mỹ bắt đầu ném bom khu Nam Ngạn Hàm Rồng, chúng tôi cũng đã đến đó và tiếp xúc với anh chị em dân quân, với các tổ tự vệ thôn xã. Lúc bấy giờ nổi lên hai cô gái chiến đấu dũng cảm là chị Tuyển (sau được tuyên dương anh hùng) và chị Nguyễn Thị Hằng (sau được tuyên dương chiến sĩ thi đua toàn quốc, được bầu vào Quốc hội và vào Ban chấp hành TW của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh). Nhưng có một người nữa cũng rất anh hùng mà báo chí ít nói đến là chị Nguyễn Thị Hiền, người đã vác những hòm đạn nặng chạy qua cầu kịp tiếp đạn cho các đơn vị pháo bắn mảy bay. Thành tích của chị cũng xấp xỉ như thành tích của chị Tuyển, chị Hằng, nhưng địa phương cũng không thể lựa chọn hết để đem vào danh sách anh hùng, chiến sĩ... Nhưng tỉnh và huyện vẫn rất quí chị Hiền, và đã tạo điều kiện cho chị học bổ túc công nông, và giao công tác trong Uỷ ban huyện... Chị Hiền mồ côi cha mẹ, phải một mình nuôi hai em nhỏ ăn học. Lúc đã hơi yên tiếng súng, chị mở một cái quán bán nước chè, chè xôi để kiếm đồng ra, đồng vào nuôi em. Tôi ái ngại trước hoàn cảnh neo túng của chị, và đã đưa giúp chị 50 đồng, chị ngần ngại không muốn nhận tôi đành phải nói là cho chị vay, khi nào có thì chị giả lại cũng được. Chị Hiền sau này đã lập gia đình với một đồng chí giáo viên cấp 2 ở huyện, đã có 2 con... Sau ngày giải phóng Sài Gòn, một hôm tôi nghe người gọi cổng, một chị gánh mấy quả dừa bước vào hỏi thăm tôi. Tôi hỏi chị là ai? Thì chị kia giọng rơm rớm nước mắt: “Anh Cận không nhận ra em à? Em là Hiền ở cầu Hàm Rồng đây mà, chắc là em đã già quá nên anh không nhận ra?”. Quả thật chị vất vả lam lũ nuôi em, nuôi con nên nét mặt cũng đứng trước tuổi... Thiệt thòi chung cho người phụ nữ là vậy. Chị biếu tôi lấy quả dứa gọi là có nhớ những ngày tôi giúp đỡ... Tôi hỏi chuyện con cái, về công việc làm ăn, về công tác của anh chị. Cũng như mọi cuộc đời đời của chị Hiền là một sự can đảm hàng ngày, một sự chịu thương, chịu khó liên tục, âm thầm giữa hoàn cảnh chung của đất nước đang nhiều bề khó khăn. Biết bao nhiêu chị em của chúng ta như thế, rất anh hùng, rất dũng cảm, làm người mẹ tận tuỵ nuôi con, làm người chị cưu mang các em từ tấm bé. Chị Hiền không được tuyên dương anh hùng, tôi xin dành riêng một trang hồi ký này tặng chị, tỏ lòng cảm mến của tôi đối với người con gái đất Thanh anh hùng mà từ tốn.Anh Hồ Bông và tôi bám cầu Hàm Rồng, nhưng thỉnh thoảng cũng đi về các huyện như huyện Hậu Lộc, huyện Yên Định, huyện Tĩnh Gia, huyện Thạch Thành để tìm hiểu sâu phong trào dân quân chống Mỹ. Tại một xã bên bờ sông Chu, lúc bấy giờ trung đội nữ bần máy bay của chị Nguyễn Thị Hằng hàng ngày kéo nhau ra tập gần một bãi sông. Mấy chị đi tập khá sớm và đi qua nhà tôi ở, trẻ con thấy chị Hằng xinh hay chạy theo trêu chị, chị đuổi ngay. Tôi gọi chúng vào và bày cho các cháu mấy câu ca dao:Chị Hằng chẳng ở cung trăngỞ khu Nam Ngạn bắn thằng Mỹ chơiMỹ buồn, Mỹ rụng, Mỹ rơiBên bờ Nam Ngạn cười tươi cô Hằng.Thế là hôm sau các cháu cũng bám theo cô Hằng mà hát lên mấy câu lục bát này, thì chị Hằng chưa đuổi ngay. Nhưng lúc các cháu hát xong thì chị lại đuổi “tụi bay cút đi để cho người ta tập!”. Cái xen này cứ lập đi lập lại mãi mỗi buổi sáng giữa lũ trẻ tinh nghịch với cô đội trưởng xinh đẹp.Đêm đêm trên cầu Hàm Rồng sáng loáng những ngọn lửa xanh của các anh em thợ hàn sì hàn những vết thương cho chiếc cầu. Anh Hồ Bông và tôi đứng cách cầu chừng 500 mét nhìn về phía cầu thấy mà nức lòng, như thấy một mảng trời sao nhấp nháy xuống đậu trên cầu, như một mảng trời đất thức giữa đêm khuya đánh đi bốn phương tín hiệu của lòng dũng cảm. Mà thật thế, đêm đêm trèo lên những thanh cầu, giàn cầu đâu có phải là chuyện thường, là trò chơi thể thao! Mỗi một lần là một thử thách, mỗi ngọn lửa xanh là một mục tiêu sáng rõ cho máy bay đêm của Mỹ bay chớp nhoáng từ biển vào.Đánh Mỹ là chuyện sự sống cái chết đặt lại hànggiờ hàng phútPhải sống anh hùng, không có cách nào hơnĐánh Mỹ là mỗi đêm bước lên cầu Hàm Rồngkhông nhụt không runTay cầm ngọn lửa xanh êm rịt hàn xương thép(Niềm tự hào viết ở Hàm Rồng tháng 9-1967)Anh Hồ Bông và tôi được Ban chỉ huy trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng dẫn đến xem chỉ huy sở cách nhà ông Năng nơi chúng tôi ở có mấy trăm thước. Ra đa bắt mục tiêu rất nhạy, mục tiêu là những máy bay Mỹ từ hạm đội bảy ở Thái Bình Dương bay vào. Trên màn ra đa, những hình máy bay lao tới sở rất đầy đủ. Những bạn lính trẻ, hoặc là sinh viên đại học tòng quân, hoặc là học sinh tốt nghiệp lớp 10 mới nhập ngũ, điều khiển các máy móc rất thạo. Nhìn chỉ huy sở mường tượng như một nhà máy con. Tôi nhớ đồng chí Tiến thượng tá phó chỉ huy đứng trên nắp hầm chỉ huy trận đánh rất nhạy, rất lẹ, tư thế gắn liền với kỹ thuật khí tài mà vẫn rất hiên ngang. Chiều hôm đó hai máy bay bốc cháy lao nhanh về phía biển. Cả đội pháo chỉ tiếc có một điều là không bắt được giặc lái tại chỗ, không nhặt được mảnh máy bay tan xác. Anh Tiến người nhỏ nhắn, quê ở ngoài Bắc, dáng nho nhã mà lúc chỉ huy sao mà oai hùng thế, anh chỉ huy giỏi nên được điều động vào chiến trường miền Nam để diệt máy bay địch trong đó. Sau ít lâu chúng tôi được tin anh đã hy sinh trong chiến trường B, bà con xã Hoàng Long ai cũng thương tiếc, khóc anh như khóc nhớ người thân.Anh Hồ Bông và tôi còn đi vào thôn Đông Sơn sơ tán phía sau, các gia đình ở trong hang đá lởm chởm. Thôn Đông Sơn lúc đó cũng là một thôn chiến đấu rất anh dũng trong tập thể anh hùng là khu vực Nam Ngạn - Hàm Rồng.Chào bà mẹ tạm vào hang với cháuĐể con trai đi đánh giặc chiến trường xaĐể con gái con dâu ra đồng làm lúa gạoHột gửi miền Nam, hột để nuôi nhàĐông Sơn thôn anh hùng đánh MỹNơi sơ sinh nền văn hoá quê nhàTrống đổng vọng từ ba mươi thế kỷLấp lánh trong luồng mắt chớp ra đa.Bám cầu Hàm Rồng, một buổi chiều chúng tôi về rừng Thông để tiễn một số đồng chí tân binh lên đường đi B. Thanh Hoá là hợp điểm của các đoàn tân binh từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng vào, từ các huyện Thanh Hoá dồn về nữa. Một cuộc tiễn đưa lên đường náo nức, xúc động ở dưới những cây thông lực lưỡng mà thanh tao, đoàn tân binh đi nhẹ bước chân không rầm rập như trong các phim ảnh ta thường xem thấy, người thì đi chân trần giầy đeo vào ba lô người thì đi dép cao su đúc. Ngoài các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đồng chí tỉnh đội, còn rất nhiều bà con ở gần rừng Thông ra tiễn đoàn quân đi chiến trường xa. Tôi vừa nhìn, vẫy chào anh em tân binh, vừa nghe câu chuyện bà con trao đổi với nhau. Ai cũng khen tân binh khỏe và trẻ, nhất là trẻ, có cậu khoảng 16 17 tuổi thôi. Bỗng có một bà nông dân trạc 50 tuổi thốt lên: “Các con ơi, chừng ấy đủ đánh giặc Mỹ chưa? Nếu chưa đủ thì các mẹ ráng đẻ thêm một lứa nữa cho đủ con đi bổ sung chiến trường.... Trời ơi! Tôi nghe mà giật mình. Lời bà mẹ nói vui, nói đùa mà sao sâu thấu tâm can. Không, bà không nói đùa đâu! Lời gan ruột của bà mẹ Việt Nam đó chứ, đâu có đùa vui. Sinh con, nuôi con cho khôn lớn để con theo cha lên đường đánh Mỹ. Lời của bà mẹ đứng bên tôi hay là lời của mẹ Tổ quốc thương yêu? Các mẹ bình dị mà gặp ý Bác Hồ, lo nghĩ sâu như Bác: “Độc lập Tự do ta phải làm bằng xương máu của ta. Đời ta đánh giặc chưa xong, thì đời con, đời cháu sẽ tiếp tục cho kỳ giành được tự do, độc lập.... Tối hôm ấy tôi về cầu Hàm Rồng có làm bài thơ Lời Mẹ Tổ quốc để ghi nỗi xúc động của tôi cái buổi chiều tiễn anh em tân binh vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ...Đội bát âm nhà ông TamHồi tôi còn nhỏ, một thích thú của tôi là được nghe đàn, sáo của đội bát âm ở nhà ông Tam. Ông Tam là ông chú của tôi trong họ Cù. Ông là nông dân, cày sâu cuốc bẫm, không được đi học, chữ Hán không biết, chữ quốc ngữ chỉ mon men đánh được vần cái tên của mình. Ông chăm chi làm ăn, nên sống cũng khá sung túc, no đủ với cái mức sống của nông dân Nghệ Tĩnh thời đó. Điều mà tôi đặc biệt nhớ về Ông Tam là ông rất mê đàn, sáo. Ông đi chơi ở các làng phía chợ Thượng, phía Đức Thọ, ông gặp những người thổi sáo hay, đánh đàn hay, ông rất mê, và ông đã mời một số các nghệ sĩ dân gian ấy về nhà ông những ngày rảnh rỗi sau vụ gặt lúa chiêm, lúa mùa, đàn hát ở nhà ông. Và ông cũng tập thổi sáo và kéo đàn nhị, tiếng sáo và tiếng nhị của ông cũng mượt mà, có tình; có nội tâm. Mặt ông Tam hơi rỗ, nhưng mắt ông rất lanh lợi và miệng ông nói chuyện rất tươi và có duyên. Đến lúc ông chúm môi thổi sáo, hay nghiêng đầu kéo nhị thì mặt ông sáng hẳn lên, và như thần nhạc đã nhập vào vẻ mặt của ông làm cho nó trở nên hấp dẫn khác ngày thường. Các nghệ sĩ dân gian và ông Tam hợp lại thành một đội bát âm nổi tiếng khắp làng trên, xóm dưới. Cứ đội bát âm nổi tiếng đàn, tiếng sáo lên là một số bà con trong xóm kéo đến nhà ông Tam để nghe, và mỗi lần như vậy thì bà Tam lại nấu một nồi nước chè xanh và có khi còn luộc cả một nồi khoai lang để tiếp khách không khí rất là đầm ấm, rất là “nghệ thuật dân gian”.Những bà con không đến nhà ông Tam, thì ở nhà cũng lắng tai nghe tiếng đàn, sáo bay khắp xóm. Đời sống của bà con nông dân trong xóm làng hồi ấy có bao nhiêu khổ cực, tủi nhục nữa, nhưng những giờ phút nghệ thuật như sinh hoạt bát âm ở nhà ông Tam cũng đem lại cho họ những giờ phút thư thái, đôi chút ngọt ngào hoạ may an ủi họ một phần nào trong cuộc đời lam lũ, cực nhọc. Cũng nhờ đó bà con theo tư tưởng mê tín nói rằng “cứ vui lắm, rồi buồn lắm cho mà xem” nhất là khi họ nghe tiếng đàn bầu não nùng, gần như ai oán. Chả biết có đúng thế không, mà sau đó một thời gian nhà ông Tam chịu liền mấy cái tang, và ông cũng làm ăn sa sút dần. Rồi đội bát âm của ông cũng chia tan, mỗi người về một ngả. Dù sao tiếng đàn hát ấy đã làm sáng tâm hồn thơ bé của tôi lúc 6, 7 tuổi, khi tôi bắt đầu học a, b, c với bác Thự.Tính tinh nghịch tuổi nhỏHồi tôi 5-6 tuổi, còn ở nhà, ngoài việc cưỡi trâu cho trâu phóng nhanh như ngựa phi, và việc đi thả diều và đi chọi chim với chú tôi, tôi thường có những trò tinh nghịch khác của một đứa bé nông thôn thời đó. Đánh khăng, bắn bóc (bóc là một ống trúc có một thanh tre làm cần thụt để bắn những hạt cây chua me nén chặt ở trong, bóc bắn như vậy khá xa vì có hơi nén và khá đau nếu hạt chua me trúng vào người) là những trò chơi thú vị của các trẻ chăn trâu trong đó có tôi. Nhưng cũng có những sự tinh nghịch không lành mạnh, mang tính quái ác của cái tuổi “chưa biết thương”, của cái tuổi mà tâm hồn đang còn ngẩn ngơ một cách nghịch ngợm. Tôi nhớ lúc 5-6 tuổi, mỗi lúc đi bến ở Bãi Giang về, tôi thường đi qua nhà ông Chắt Nguyện, ở sát nhà tôi. Ông Chắt Nguyện chăm làm vườn, và trước nhà ông trồng một dãy cây mít non, và trong khoảnh vườn phía trước ông đúc rất nhiều hạt chè (tức là ươm chè). Có lần đi tắm về, tôi dừng lại trước hàng mít non, và lấy tay kéo hai cây lên, như vậy là cây đứt rễ non, nhưng không ai biết là cây đã bị nhổ rễ. Thế rồi mấy hôm sau hai cây mít con cứ héo dần dần... Ông Chắt Nguyện rất bực mình, nhưng không hiểu nguyên do của sự chết héo của hai cây mít. Ông cặm cụi lấy hoang (một thứ xẻng dài và hẹp) đào sâu dưới rễ hai cây mít để xem có phải có con sâu nào đục ăn rễ đi không. Nhưng ông không thấy gì và cứ bực mình, ngẫm nghĩ. Rồi ông sang kể hiện tượng cây mít chết héo với bố tôi... Tôi nghe câu chuyện giữa ông và bố tôi, tự nhiên thấy hối hận. Sau đó tôi đã thú thật với ông là chính tôi đã nghịch làm hai cây mít tươi tốt của ông chết oan. Ông nghe tôi thú tội, giận dữ một lúc, mắng tôi sao lại “quái ác” thế, nhưng ông cũng không đánh tôi và cũng không mách với bố tôi. Sau một lúc, ông Chắt Nguyện lại có vẻ hứng thú, vì đã tìm ra được nguyên nhân sự chết héo của đôi cây mít và ông nói: “Từ rày tao sẽ rào những cây mít vào trong những cái rọ tre, thì bay hết phá!”. Từ đó hàng mít của ông lên tươi tốt, và sau này tôi còn được ăn mít của nhà ông mỗi lúc nghỉ hè về nhà. Bây giờ, mỗi khi tôi về quê, ông Chắt Dự, con ông Chắt Nguyện, vẫn nhắc câu chuyện nhổ cây mít non của tôi...Một nỗi thương tâm lớn của anh Xuân DiệuSố phận đau khổ của người em giai: Như đã kể trong chương tuổi nhỏ của Xuân Diệu, Tịnh Hà (tức là Ngô Xuân Sanh) là em ruột cùng cha cùng mẹ của anh Xuân Diệu. Tịnh Hà phải bỏ học sớm, vì gia đình lúc đó (tức là ông cụ thân sinh và bà vợ lớn của ông) cũng không chăm lo đầy đủ việc ăn học của anh. Thế rồi, sau một buổi bị phạt ở trường Qui Nhơn, bị bố đánh túi bụi tại lớp, anh bỏ học luôn và đi hoang. Những năm tháng đầu anh còn sống cầu bơ cầu bất, có lúc gần như đi ăn xin dọc đường. Cái truyện ngắn Thằng ăn mày của Xuân Diệu (trong tập Phấn thông vàng) chính là mô tả đứa em bất hạnh của anh. Tịnh Hà đã sống một cuộc đời lang thang “đi hoang” như anh thường nói, một cuộc đời hoang dại trong nếp sống và trong tâm hồn. Có lúc anh làm thuê trong một hiệu giặt, có lúc anh đi bán báo ngoài đường phố có lúc anh đi ở gánh nước cho một quán ăn... Nhưng dọc cuộc đời đi hoang ấy anh vẫn mơ mộng, vẫn nghiền ngẫm về đời người, và từ năm 1942 trong khoảng vài ba năm, anh đã viết được một tập hồi ký rất có giá trị mà anh đặt tên là Gió cuốn bụi đời, mà anh Diệu về sau đặt lại cho cái tên Đi hoang.Mười mấy quyển vở hồi ký này, viết bằng bút chì anh Diệu và tôi đã xem kỹ, và đã cho đánh thành mấy bản, hiện nay tôi còn giữ cả bản thảo và bản đánh máy ấy, cùng trong một tủ với các di cảo của anh Xuân Diệu. Văn của Tịnh Hà trong tập hồi ký này rất sống, rất hoạt, chứa đựng nhiều chất xúc động trực tiếp toát lên từ cuộc sống, từ những mảng đời mà anh đã sống với cả máu thịt của anh, với cả tâm hồn đau khổ và sâu sắc của anh, giọng văn ở đây như không phải là văn, mà lại như bình thản tự nhiên, lời tâm sự trần trụi của một kiếp người. Anh Diệu và tôi đánh giá cao tập hồi ký của Tịnh Hà, và đang muốn giúp Tịnh Hà sửa sang lại chút ít để cho xuất bản thì anh Diệu đã mất. Bây giờ tôi có nhiệm vụ thay cả anh Diệu giúp đỡ Tịnh Hà hoàn tất tập hồi ký mang đầy tính nhân đạo chủ nghĩa này và tìm nhà xuất bản để xuất bản một quyển sách rất “cuộc đời”, có giá trị nhân văn như thế. Trong cuộc đời đi hoang của anh Tịnh Hà đã tiếp xúc với đủ hạng người, kẻ cao sang có, người bần cùng trong xã hội có, thậm chí anh đã chung đụng, có khi đụng độ với cả những dân trộm cắp với những người “dưới đáy xã hội”. Vậy mà anh vẫn giữ được trong một góc tâm hồn cái trong trắng cái ngây thơ, cái mơ mộng cố hữu của anh. Tôi không sợ nói quá lời, nói đại ngôn, khi tôi cho rằng có những đoạn hồi ký của Tịnh Hà làm cho ta nghĩ đến những tập hồi ký về tuổi nhỏ của Mácxim Goócki. Anh đã sống như vậy ở Bình Định, Qui Nhơn, ở Nha Trang, ở Sài Gòn, và cả ở mấy tỉnh Tây Nguyên nữa. Sau cùng thì anh cũng có được một cuộc đời gọi là yên ổn nghĩa là có vợ và có con tại Nha Trang. Trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng ở miền Nam, anh sống rất cơ cực ở Sài Gòn dưới chế độ Mỹ nguỵ, với bà vợ thứ hai của anh là chị Lệ, người Nghệ An lưu lạc vào trong đó.Hai vợ chồng và mấy đứa con (của bà vợ đầu) sống trong một gian nhà ổ chuột hôi hám, tối mò ở gần bờ sông Sài Gòn, bên cạnh cầu Bông. Ban ngày anh đi bán báo, hoặc vừa bán báo vừa bán kem, cũng có lúc đạp xích lô thuê... Bà vợ thì buôn thúng bán mẹt cả hai vợ chồng sống “trên biên giới của sự đói rách và của sự chết mòn”. Nhưng chính trong hoàn cảnh cơ cực và tủi nhục ấy mà hai vợ chồng đã nuôi giấu một số cán bộ cách mạng nằm vùng, tức là chị Vân đảng viên đảng cộng sản hoạt động bí mật trong nội thành.Cái cảnh đời và cảnh nhà ổ chuột của vợ chồng Tịnh Hà cũng đã giấu cán bộ, bọn mật thám của Mỹ nguỵ cũng không nghĩ tới lùng sục cái ổ chuột làm gì. Đến ngày giải phóng Sài Gòn, chị Vân ra hoạt động công khai và nghiễm nhiên trở thành một cán bộ rất có uy tín và có trọng trách trong quận và trong phường. Chị Vân rất biết ơn vợ chồng Tịnh Hà đã nuôi giấu mình và đã giới thiệu vợ chồng với phường, và giúp cho chị Lệ nhận một công việc thích hợp trong phường chị ở...Còn anh Tịnh Hà thì anh Diệu và tôi đã giới thiệu cho bộ phận thường trực của báo Văn nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh, báo đã giao cho anh việc chữa bài và làm liên lạc với các cơ quan văn hoá và báo chí.Cuộc đời vậy là tạm ổn. Nhưng cái phòng ổ chuột thì tính sao đây? Lúc mới giải phóng Sài Gòn tôi vào công tác trong đó, tìm theo địa chỉ đến thăm ngay Tịnh Hà. Lần đầu tiên tôi nhìn cảnh ăn ở của gia đình anh, không cầm được nước mắt. Tịnh Hà cũng khóc. Lúc bấy giờ anh Diệu chưa vào, giao cho tôi tìm cách giúp đỡ Tịnh Hà có công ăn việc làm. Đồng chí lái xe đi với tôi, có theo tôi vào chỗ ở của Tịnh Hà thì cũng động lòng trắc ẩn mà rơm rớm nước mắt. Nghèo khổ như vậy, mà anh cũng nèo tôi ở lại ăn cơm trùng phùng với anh một bữa. Tôi không thể từ chối, ngồi ăn cơm với vợ chồng, tôi cứ nuốt nước mắt, và không dám nói chuyện nhiều về cái cảnh đời của anh, vì cứ đụng tới câu chuyện là tôi cứ muốn oà khóc. Tôi viết thư ngay cho anh Diệu hoàn cảnh sống cơ cực của em anh, và gợi ý là phải tìm cách giúp Tịnh Hà có một nơi ăn ở tốt hơn. Thế rồi anh Diệu vào, và cho anh Tịnh Hà một số tiền khá lớn (lớn đối với anh Diệu) để tìm mua một căn nhà gọi là ở được trong cái khu phố nghèo ấy. Anh Phạm Hữu Nhuận (biên tập viên của báo Văn nghệ, em kết nghĩa của anh Diệu) và tôi giúp Tịnh Hà, tìm kiếm nhà trong vài tuần, và giúp chạy thủ tục để mua được nhà, vì ngay lúc mới giải phóng thủ tục mua nhà cũng đã khó và phức tạp.Nhưng vì chị Lệ là cán bộ của phường, và được phường giúp đỡ nên việc mua nhà cũng được giải quyết tương đối gọn và sớm. Vậy là anh Tịnh Hà và gia đình với số tiền tiết kiệm của anh Diệu trút gần hết vào đây đã có được một căn nhà khá tươm tất gồm một phòng ở tầng trệt, và một phòng trên gác, bề ngang thì hẹp (2m50), nhưng bề sâu thì khoảng 6-7m. Cửa sổ phía sau nhìn xuống cái nhánh sông Sài Gòn ở gần cầu Bông đen ngòm, nhưng gió sông thổi vào thì mát. Nhà có hố xí riêng, có bếp riêng. Đối với gia đình anh Tịnh Hà đó là một sự đổi đời ghê gớm, một sự hoá kiếp như anh đã nói. Trong nhà không có tủ, chỉ sắm được vài cái ghế và một chiếc bàn con. Còn ở trên gác thượng, thì trải chiếu nằm xuống sàn, về mùa hè thì cũng không trải chiếu nữa mà sàn là giường. Mỗi lúc anh Diệu và tôi vào thành phố làm việc, đến nhà Tịnh Hà ngủ lại vài bữa, thì vợ chồng lại có những bữa chiêu đãi anh Diệu và tôi, có cả rượu nữa, vì Tịnh Hà thường ngày cũng có uống chút rượu thuốc (ngâm sâm đại hành).Anh Tịnh Hà không chỉ viết hồi ký Đi hoang, mà anh còn viết truyện ngắn, và một số truyện của anh đã được đăng trên các báo, trên báo Văn nghệ nữa. Thật ra, nếu có điều kiện thuận tiện thì Tịnh Hà cũng có thể trở thành một nhà văn “chính cống”. Nhưng anh Xuân Diệu thì cứ bảo với Tịnh Hà: “Văn thơ gì cứ lo cho cái đời yên ổn đi đã. Cứ văn chương thơ thẩn thì rồi chết đói?”. Mà có lúc anh Diệu còn thật sự mắng em về chuyện viết lách. Kể cũng lạ! Sự nghiệp văn chương của anh thì như thế, mà anh đeo đuổi cả một đời, bỏ mọi thứ vặt vãnh xung quanh, mà anh lại trách em muốn đi vào con đường văn chương trong khi anh vẫn thấy tập hồi ký của em là rất có giá trị. Ngày anh Diệu mất, được điện của báo Văn nghệ, Tịnh Hà ra ngay Hà Nội để lo tang cho anh cùng với con dâu của tôi (lo về mặt gia đình, còn đám tang thì thật sự Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn lo đầy đủ hết). Lúc tôi ở Pari về, không kịp đám tang anh Diệu, nhưng còn gặp Tịnh Hà ở nhà để hai anh em tâm sự với nhau trước cái tang lớn của chúng tôi. Tịnh Hà nói với tôi với giọng đầy nước mắt: “Anh Diệu mất đi, may mà còn anh Huy Cận. Anh Huy Cận thay anh Diệu làm anh của Tịnh Hà. An ủi ở đời chỉ còn có thế”. Gần đây, hồi cuối hè, Tịnh Hà lại ra Hà Nội để bốc mộ bà má (mẹ của anh Diệu và của Tịnh Hà) đã được chôn ở khu vực cố định của nghĩa trang Văn Điển. Hôm ấy không may gặp trời mưa, mà vợ chồng Tịnh Hà cũng cặm cụi dưới mưa cùng với anh em công nhân ở nghĩa trang bốc mộ, và sau đó đốt thiêu xương của bà má để lấy gio mang về thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay cái bình gio của bà má đã được gởi ở chùa Vĩnh Nghiêm, ngôi chùa lớn nhất thành phố, trên bình gio có gắn ảnh của bà má ảnh mà tôi đã nhờ một bạn nhiếp ảnh chụp lại theo cái ảnh dán trong căn cước. Anh Tịnh Hà làm được việc này, rất yên tâm với hương hồn má và anh.Nỗi thương tâm lớn trong đời anh Diệu là cái số phận đau khổ cùng cực của người em như tôi đã kể.Lúc anh còn sống, anh vẫn nói với tôi: “Cái nghiệp của thằng Sanh là tại gia đình, nhưng cũng một phần tại nó. Mỗi người có một số phận, như đã định trước. Đôi lúc cứ nghĩ rằng không biết con người có tự do đến mức nào trong sự quyết định của số mệnh của mình. Cứ nghĩ đến đời thằng Sanh mà đâm ra bàng hoàng”. Anh Diệu thương má thương em, suốt đời anh day dứt về cái khổ của má và em. Trong một trang nhật ký của anh viết về tuổi nhỏ mà tôi vừa xem lại anh đã ghi bên cạnh bằng bút chì đỏ hai chữ “Đàn ơi” là tiếng thảng thốt thương tâm của anh, Đàn là tên của Tịnh Hà hồi bé ở nhà... Tôi viết hồi ký thay cho cả anh Diệu, còn sẽ kể nhiều về những mối thương tâm của anh.