BÌNH LUẬN

Vợ Cù Huy Cận
Như Bình
Nguồn: An ninh thế giới cuối tháng, số 57, tháng 4-2006
Trong mường tượng, tôi ngỡ bà sẽ khác hơn nhiều. Không phải là dáng mỏng như một nhánh cây khô mà tôi bất chợt thấy. Không phải là sự nhẫn nhịn pha chút thu mình đến còm cõi của một người luôn thấy mình quá bé nhỏ trong cái thế giới mênh mông của cuộc đời để mà xem sự tồn tại của mình đã là một hạnh phúc quá lớn. Bà đến gặp tôi ở tòa soạn theo lời hẹn. Mái tóc bạc xóa, đôi mắt cười chan chứa và hiu hắt. Dường như bà đã chuẩn bị quá lâu cho cái sự rồi sẽ một mình ở trọ lại cuộc đời này chờ tới khi đoàn viên với ông, thế nhưng trong giọng nói, trong câu chuyện, trong nụ cười nhòa ướt nước mắt của bà, tôi vẫn cảm thấy chút gì đó tựa như là bơ vơ, như là chống chếnh đến ngơ ngác mà đáng ra cuộc sống hiện tại đủ để lấp đầy với bà, sự ra đi của người chồng gắn bó hơn 40 năm nặng tình tri kỷ và ân nghĩa xem ra đã để lại trong bà một khoảng trống quá lớn. Một vực sâu thiếu hụt mà không gì có thể lấp nổi. Thuyết phục mãi rồi bà cũng dẫn tôi trở về ngôi nhà mà trong đó có căn phòng nhỏ ở 24 Điện Biên Phủ nơi bà và ông đã có quãng thời gian chung sống gần 40 năm (hai năm cuối đời, nhà thơ Huy Cận về sống chung với con gái ở Tây Hồ). Bà nói lúc còn sống ở đây, nhà thơ Huy Cận rất ít khi tiếp khách tại nhà. Bấy nhiêu lâu rồi cả bà và nhà thơ quên đi cái nhu cầu ấm áp vui vẻ ấy, vì vậy bà không muốn dẫn tôi về đó. Không hiểu sao, tự dưng tôi cũng trở thành ké rón rén khi cùng bà băng qua căn phòng nhỏ với lối đi cửa sau vòng qua mảnh sân đầy lá rung để tìm lối đi lên căn gác của ông bà. Lần đầu tiên tôi được thở cùng bà trong cái không gian quá nhiều những ký ức của hai thi nhân Việt Nam, Xuân Diệu và Huy Cận nổi tiếng trong mối tình thơ, tình bạn cảm động có một không hai trong lịch sử văn chương.
Tôi bước cùng bà những bước nhỏ, chậm rãi, cố để cảm nhận cho hết khung cánh nơi đây, hồn cốt của thi nhân xưa còn vương lại trên từng đồ vật cũ, cảnh cũ. Rất nhiều lá khô rơi và mục nát dưới lối đi. Chiếc cầu thang cỗ cũ kỹ và ẩm mốc vương đầy lá khô bay nhè nhẹ trên từng bậc thang. Căn buồng của bà và nhà thơ Huy Cận lâu rồi không có hơi ấm của người giờ phủ đầy bụi. Vốn là người ít nói kiệm lời, bà Trần Lệ Thu chỉ vào đống ngổn ngang những bản thảo cũ từ lâu mờ bụi phủ của nhà thơ Huy Cận: "Bây giờ tôi sống bằng tất cả những thứ ấy và vì đó mà sống”. Bà đang tận dụng đến tối đa quỹ thời gian ít ỏi còn lại của mình để hoàn thành trọn vẹn tập Hồi ký song đôi, hồi ký của bà, và nhặt nhạnh, tập hợp lại những di cáo của nhà thơ để lại. Cho dù sự "ra đi" khỏi căn nhà của nhà thơ Huy Cận đã từ trước đó 2 năm và bà dù đến bây giờ hằng ngày vẫn cố gắng cần mẫn lại trở về làm việc và ngủ trên chiếc giường cũ, nơi ngôi nhà cũ thì hơi ấm xưa dường như không bao giờ còn trở lại. Giường chiếu phủ bụi, ngập nhà là ngổn ngang bản thảo cũ, cả những thứ lúc còn sống nhà thơ đã buông đi, cho vào đống tạp pí lù nhưng bà tiếc đã cố công cất giữ lại. Giờ đây mỗi một phong giấy vụn có vài nét chữ của ông, cả những bức thư bè bạn cũ, và muôn thứ ngỡ là tầm phào, vớ vẩn ngày ông còn sống thì với bà là cả một gia tài. Nhìn bà đeo mục kỉnh cặm cụi tỷ mẩn trong căn phòng bừa bộn giấy tờ, toàn bộ con người bà dường như đã thuộc về quá khứ, thuộc về một đời sống của ký ức.
Trong sự cố gắng thu giấu mình đi giữa ngổn ngang đời thực và những “lỗi xót đau nhân tình thế thái", bà chỉ muốn đơn thuần nương tựa vào những câu thơ của ông để lại cho bà. Chút đời sống tinh thần ngớ như là nhỏ nhoi ấy với bà là biển lớn, là cuộc đời, là cả sự nghiệp. Sự nghiệp chính của cuộc đời bà ấy là sống cùng với ông, chia sẻ cuộc đời với ông và giờ đây là thu vén lưu giữ cho hơi thở của ông vẫn mãi mãi nóng ấm giữa những trang viết mà ông để lại.
Mối tình của bà với nhà thơ Huy Cận bước sang năm 2006 này đã tròn 42 tuổi. Bà còn nhớ như in cái ngày định mệnh của ông và bà 4-7-1964, dưới bàn tay sắp đặt của bà Phạm Thị Trường (vợ của nhà văn Nguyễn Đình Thi) ở phố Trần Quốc Toản. Nhà thơ Huy Cận lúc đó 46 tuổi, đã qua biết bao ghềnh thác cuộc đời. Bà Trần Lệ Thu lúc bấy giờ là cô giáo dạy tiếng Nga ở Đại học Ngoại ngữ, đã 28 tuổi nhưng chưa một lần mở lòng mình với tình yêu. Từ đó nhà thơ Huy Cận được tắm táp và bình yên trong tình yêu trắng trong, thuần khiết và rất đỗi dịu dàng của người vợ hiền thảo luôn tôn kính và ngưỡng mộ chồng mỗi lần nhớ lại, bà Trần Lệ Thu không quên được câu nói của nhà thơ Xuân Diệu với bà trong lễ cưới, sau này bà viết lại trong hồi ký: "Anh Diệu nói với em, anh có một nghị lực phi thường, có linh tính báo trước hạnh phúc của đời mình, mà em thì có một tấm lòng kiên trì chờ đợi, nên tất nhiên là hai người phải gặp nhau”.
Thế nhưng, bà Trần Lệ Thu đã rơm rớm nước mắt khi kể cho tôi nghe một “lời đau” của một người thân trong gia đình đã nói rằng bà lấy nhà thơ Huy Cận để được ngồi xe ôtô. Nói rồi bà thổn thức. Ít ai biết rằng thuở nhỏ bà và chị gái của bà đều đi học ở trường tây Félix Faure bằng ôtô riêng của gia đình. Bà Trần Lệ Thu chính là con gái yêu của nhà tư sản nổi tiếng ở Hà Nội thời bấy giờ với thương hiệu hãng dệt Đại Tân nức tiếng ở 40 Lê Lợi, sau này là 124 Bà Triệu. Mẹ bà là con gái Hà Nội gốc, ông bà ngoại làm nghề đăng ten ở làng La Khê - La Cả, năm mẹ bà 19 tuổi đã cùng cha sang hội chợ Đấu Xảo ở Paris một tháng để triển lãm sản phẩm, vì cụ nói tiếng Pháp thông thạo. Trong tuần lễ Vàng năm 1946, cha của bà đã cúng 400 cây vàng cho Tổ quốc. Sau cách mạng, ông được bầu làm Chủ tịch ủy ban Hành chính khu phố Liên Trì, năm 1948 bị giặc Pháp bắt đi mất tích đến giờ. Năm 1961, toàn bộ tài sản gồm mấy ngôi nhà của gia đình bà hiến cho Nhà nước quàn lý, từ một gia đình tư sản, trở thành tiểu thương nhỏ, và cũng vì thế mà bà được kết hôn với nhà thơ Huy Cận - cán bộ cao cấp do Trung ương quản lý (lúc bấy giờ cán bộ cao cấp không được lấy vợ thành phần gia đình tư sản). Nhớ lại những năm tháng mặn nồng hạnh phúc, bà Lệ Thu lại ứa nước mắt. Là một nhà thơ nổi tiếng, nhưng Huy Cận lại là người chất phác, hiền lành, đôn hậu. Không rượu, chè, thuốc lá, ông sống giản dị và chân chất. Với bà Lệ Thu, nhược điểm lớn nhất của ông nhiều lúc làm cho trái tim của bà nhói đau ấy là vì nhà thơ quá đa tình, cả khi ông đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy. Có lẽ, để giữ được tình yêu lâu bền cho một cuộc hôn nhân với nhà thơ, bà phải biết cách chịu đựng và tha thứ. Bà nói, ngay từ hồi đang còn yêu nhau, khi chở bà đi chơi, thấy một cô gái xinh đẹp đi đằng trước, Huy Cận đạp rướn lên nhìn bằng được cô gái đó mới thôi. Bà hiểu trái tim của thi sĩ không hoàn toàn thuộc về bà, mà đã thuộc về thơ ca, ông cần phải có những khoảng tự do, những niềm rung động thì ông mới thăng hoa trong sáng tạo được. Ngay từ ngày đứng trước ngưỡng cửa của hôn nhân, bà Lệ Thu đã nhìn thấy và lường trước được những gì mình cần phải vượt qua khi làm vợ của một thi sĩ nổi tiếng. Bởi lẽ thế mà suốt cả quãng đời sau cuối, cho dù trong một tâm thế "buồn bã và xót đau nhân tình thế thái” nhưng nhà thơ Huy Cận luôn hàm ơn người vợ hiền thục của mình. Nhớ lại cuộc hôn nhân với bà ông đã viết:
Khi anh cưới.
Mẹ em rằng
“Thu nó hiền thôi ít nói năng.
Từ đấy hai sông hòa một biển
Nước gần với nước gắn bằng trăng
Từ đấy lòng anh cứ lắng nghe
Lặng im trong mỗi bước em về
Lời thầm trong mỗi câu em nói”.
Trong mỗi làn tay em vuốt ve
Khi anh mệt nhọc khi anh đau
Công việc anh lo lửa nóng đầu
Anh cứ cảm nghe từ ánh mắt
Tình em ôm toa tựa hương ngâu
Em hỡi đời ai chẳng nửa thầm
Lặng yên mới có được vang âm
Tóc mềm sợi sợi nằm êm lắng
Vạn suối lòng anh chảy trở trăng
Rồi một ngày kia anh với em
Nằm yên trong đất giấc im lìm
Tai xương anh sẽ còn nghe ngóng
Hoa lá hồn em trong lặng im
(Hỡi em yên lặng).
Ngọn lửa thiêng đã về trời. Nhà thơ Huy Cận rời bỏ dương gian từ mùa xuân năm trước. Đến nay đã qua hơn một năm nhưng với bà Lệ Thu, dường như Huy Cận đang làm chuyến công cán xa chưa về kịp. "Những lúc tưởng nhớ tới anh Cận, tôi đều cảm thấy mình được an ủi bởi những năm tháng cuối đời của anh tôi được chứng kiến anh Cận đã sung sướng tắm mình trong nguồn nước ấm được dội từ lòng thương yêu trìu mến của bạn bè tri kỷ ngay từ khi anh vẫn còn tồn tại. Mỗi lần đi đâu, gặp gỡ chuyện trò với bạn tri âm, về nhà anh đều thủ thỉ kể lại cho tôi nghe với một niềm vui sướng nhẹ nhàng, thanh thoát, pha chút ngây thơ, hồn nhiên của tâm hồn trẻ nhỏ luôn thường trực trong con người anh. Tôi có cái sung sướng nhất đời là chuyện gì tôi cũng được anh kể cho nghe. Có những chuyện sống để dạ, chết mang theo anh cũng chia sẻ với tôi, chỉ mình tôi duy nhất”. Bà Lệ Thu lần giở cho tôi xem những di bút những dòng lưu niệm của nhà thơ Huy Cận để lại, nói về mối tình cảm ấm áp và chia sẻ trong những tháng năm êm đềm của hai ông bà. Kể từ sau khi nhà thơ - người bạn tri kỷ của Huy Cận là Xuân Diệu rời bỏ dương gian, thì bà chính là người đầu tiên lắng nghe thơ ông mỗi khi ông vừa thốt viết chưa ráo mực. Một mối tình trọn vẹn như vậy, hẳn khi rời bỏ chốn nhân gian này, nhà thơ Huy Cận đã mãn nguyện lắm thay.
Một nhà thơ làm bộ trưởng
Báo An ninh thế giới cuối tháng, số 6 2.2002
Ông Bộ trưởng 26 tuổi
Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận sinh năm 1919 tại Hương Sơn, Hà Tnh trong một gia đình trung nông lớp dưới. Người cha là một nhà Nho, còn người mẹ chuyên chăn tằm dệt cửi, sau khi lấy chồng cày ruộng. Sau khi đỗ Tú toàn phần ở Huế chàng thanh niên họ Cù dạy tư hai tháng ở Vinh, quyết định thi vào Trường cao đẳng Nông- Lâm (CĐNL). Hồi đó, Trường Nông-Lâm ở ngay Hà nội vị trí của trường đặt tại khu vực Vườn Bách Thảo bây giờ, mỗi khoá chỉ tuyển khoảng 20 sinh nên. Khoá đầu tiên có ông Nghiêm Xuân Yêm học, khoá thứ hai có ông Đào Thiện Thi và Huy Cận học khoá thứ ba... Huy Cận còn nhớ rất rõ: Khi vào trường anh thi đậu điểm cao thứ 5; khi ra trường, thi tốt nghiệp cũng đứng thứ 5
Lý do Huy Cận thi vào Trường cao đẳng Nông-lâm thật đơn giản: Học các trường khác thì phải mất học phí, nhưng học Nông-Lâm thì sinh viên lại được ưu tiên trả học bổng tới 25 đồng tiền Đông Dương mỗi tháng. Hồi ấy, đó là một khoản tiền có giá trị khá lớn, có thể mua được mấy tạ gạo ngon. Chàng sinh viên Huy Cận chi tiêu tiết kiệm, nên cả tháng chỉ hết có... 3 đồng. Số tiền còn lại, anh dùng để nuôi hai người em đi học và gửi về giúp gia đình...
Huy Cận bí mật tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1941. Cuối tháng 7.1945, anh tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân trào và được bầu vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng toàn quốc Huy Cận đã vinh dự được Uỷ ban cử vào Huế để tham gia tiếp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại.
Khi Chính phủ lâm thời nước Việt nam dân chủ cộng hoà được thành lập từ một nhà thơ nổi tiếng lại có bằng kỹ sư Nông nghiệp Huy Cận đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Canh nông. Năm ấy, anh mới 26 tuổi.
Theo Huy Cận nhớ lại thì cả cơ quan Bộ Canh nông hồi đó chỉ có vài chục người. Trụ sở đóng phố Ngọc Hà và số 20 phố Lý Thái Tổ – Hà nội (nay là trụ sở của Viện Văn học). Phương tiện đi lại của Bộ trưởng và Thứ trưởng chủ yếu bằng xe đạp, nhung không khí làm việc thì hăng hái lắm!
Nạn đói năm 1945 đã làm cho hơn hai triệu người Việt nam bị chết thảm. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước lụt vẫn còn mênh mông ở miền Bắc nước ta... Hàng núi công việc đang chờ Bộ Canh nông giải quyết Nhưng việc đầu tiên là phải tăng gia sản xuất để cứu đói. Vận động, tuyên truyền cho bà con nông dân trồng những thứ được nhanh thu hoạch như ngô ba tháng, khoai lang, rau muống... với khẩu hiệu tấc đất tấc vàng” và kiên quyết không để sót một tấc đất bỏ hoang. Vốn liếng lớn nhất của Bộ Canh nông thời bấy giờ không phải là tiền bạc mà là sức lao động của nông dân!
Chú có quyền làm trước, báo cáo sau...
Tuy làm việc ở Bộ Canh nông, nhưng nhiều buổi chiều, Huy Cận vẫn được về Phủ Chủ tịch để giúp việc như một thư ký riêng cho Bác Hồ. Có thời gian anh còn được điều động để làm một nhiệm vụ đặc biệt...
Ngày 23.11.1945. Hỗ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Và cử 2 người tham gia: Cụ Bùi Bằng Đoàn (nguyên Thượng thư Bộ Hình của triều đình cũ) và Cù Huy Cận. Trước khi ký quyết định bổ nhiệm, Bác Hồ cho gọi Huy Cận đến Văn phòng và nói:
- Từ ngày mai, chú có thêm một việc nữa là làm thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Chú nghĩ sao?
Huy Cận lo lắm, vì nghĩ mình còn trẻ chưa đủ uy tín để thực thi một việc quan trọng như thế. Anh đắn đo một lúc rồi mạnh dạn nói:
- Thưa Bác! Bác cho cháu làm Bộ trưởng Canh nông là quá sức rồi. Bây giờ Bác giao cho cả việc “Thanh tra đặc biệt” nữa thì e rằng cháu không làm nổi. Vả lại, chức này phải cần những người có tiếng tăm và tuổi tác mới thuận.
Bác Hồ mỉm cười và động viên:
- Chú vẫn cứ làm Bộ trưởng Canh nông, chỉ kiêm thanh tra đặc biệt thôi. Việc này Đảng và Chính phủ đã cân nhắc kỹ mới cử hai người: Một người già là cụ Bùi rất có uy tín, một người trẻ là chú. Chú là nhà thơ cũng nổi tiếng lắm chứ. Còn nếu chú ngại mình trẻ quá, thì chiều nay chú mang đến một thỏi mực Tàu và một cây bút lông. Chú chịu khó mài mực, tôi sẽ vẽ... râu cho chú!
Đến đấy thì nhà thơ Huy Cận hết lý do từ chối.
Cần phải nói thêm điều này: Sở dĩ có chuyện phải thanh tra đặc biệt là bởi hồi ấy Chính quyền cách mạng non trẻ, cán bộ phần lớn còn trẻ, rất hăng hái nhưng chưa có kinh nghiệm công tác. Một số ít địa phương đã có biểu hiện lạm quyền, bắt người không đúng phép thậm chí còn có cả chuyện tham ô và tiêu cực... Thanh tra đặc biệt chính là để đề cao phép nước và an lòng dân! Muốn đạt được điều đó, Ban “Thanh tra đặc biệt” của Chính phủ đã được trao cho quyền hạn rất lớn:
- Cụ Bùi và chú có quyền... “Làm trước, báo cáo sau” - Bác Hồ nói - Có thể cách chức cán bộ tỉnh tại chỗ, nếu chứng minh được người ấy có tội và trở về báo cáo sau.
Nhà thơ Huy Cận nhớ lại: Đoàn “Thanh tra đặc biệt” đã được Chính phủ cho xe tô đưa về các địa phương. Trước khi đi đến tỉnh nào, họ thường nắm trước thông qua Văn phòng của Bộ Nội vụ về địa phương ấy. Chánh Văn phòng của Bộ N vụ lúc đó là đồng chí Phan Bôi, một người tùng bị mật thám Pháp bắt lưu đày ở đảo Mađagátxca, nhưng đã khôn khéo trở về nước bằng máy bay, rồi nhảy dù xuống Việt nam, tiếp tục hoạt động cách mạng... Phan Bôi đã nhiệt tình cung cấp đầy đủ những thông tin về vấn đề tiêu cực cần giải quyết ở địa phương mà đoàn thanh tra đặc biệt sắp đến.
Về đến tỉnh thì đoàn “Thanh tra đặc biệt” dựa vào tỉnh uỷ và đặc biệt là “Nông hội Nông dân - Lực lượng chủ yếu đã làm nên Cách mạng tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta). Họ thường khôn khéo, tế nhị cho một vị cán bộ có lỗi đến, rồi phân tích, thuyết phục... Cái khó cho “Thanh tra đặc biệt” là, hầu hết những vị cán bộ ấy đều có thành tích trong Cách mạng và bây giờ đang giữ trọng trách của địa phương... Những câu mà đoàn “Tthanh tra đặc biệt” thường nói là “Ban Thanh tra đặc biệt xin chào đồng chí Chủ tịch! Chúng tôi rất hoan nghênh đồng chí đã lãnh đạo quần chúng cách mạng cướp chính quyền nhanh chóng, thành công tốt đẹp và trong những ngày vừa qua đồng chí đã lãnh đạo xây dựng địa phương tốt. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn một số khuyết điểm mà quần chúng nhân dân phê bình, phản ảnh lên trên... Sau khi hội ý thống nhất với Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính và Nông hội... Chúng tôi đề nghị đồng chí giúp đỡ Cách mạng bằng cách: Chuyển đổi công tác, thôi giữ chức vụ hiện nay. Tỉnh uỷ sẽ bố trí cho đồng chí một nhiệm vụ khác, thích hợp hơn...
Nói tóm lại là phải bằng mọi cách để người ấy tự nguyện từ chức một cách êm đẹp. Cứ thế, chỉ trong một thời gian ngắn, đoàn “Thanh tra đặc biệt” đã lần lượt cách chức vài vị chủ tịch tỉnh có lỗi với nhân dân. Những địa phương mà đoàn chưa tới, nhiều cán bộ khác cũng phải tự điều chỉnh mình, cố gắng công tác tốt hơn để “Thanh tra đặc biệt” của Chính phủ không phải về làm việc...
Bị cất chức Bộ trưởng trong gần... 40 năm
Tháng 3.1946, để đối phó với thù trong giặc ngoài, Hồ Chủ tịch cùng Đảng ta đã chủ trương thành lập “Chính phủ liên hiệp kháng chiến” với sự tham gia của nhiều lực lượng chính trị, đảng phái khác nhau... Một hôm, nhà thơ họ Cù được Bác Hồ đến và bảo:
- Từ ngày mai chú thôi làm Bộ trưởng nhé.
Huy Cận không chút thắc mắc, lễ phép nói ngay:
- Thưa Bác, nếu Bác và Cách mạng bảo làm gì, thì cháu xin làm nấy.
- Không, chú vẫn công tác ở Bộ Canh nông, chỉ không làm Bộ trưởng nữa. Nhưng mọi việc chú vẫn làm hết. Chỉ nhớ là khi nào cần ký, thì chú đưa cho ông Bồ Xuân Luật (một nhà yêu nước, người của Cách mạng Đồng minh Hội) ký. Ông ấy được mời làm Bộ trưởng để ký thay cho chú...
Từ đó, Huy Cận làm Thứ trưởng cho đến gần... 40 năm sau và trải qua công việc của 5 Bộ: Canh nông, Kinh tế Văn hoá và Văn phòng Hội đồng Chính phủ...
Riêng ở Bộ Canh nông, tính ra Thứ trưởng Cù Huy Cận đã lần lượt “giúp việc” cho 4 đời Bộ trưởng: Bồ Xuân Luật, Huỳnh Thiện Lộc, Ngô Tấn Nhơn và Nghiêm Xuân Yêm.
Tháng 9.1947, Cù Huy Cận được điều về tăng cường cho Bộ Kinh tế. Hồi ấy, Bộ trưởng Bộ Kinh tế là ông Phan Anh. Huy Cận được bổ nhiệm làm Thứ trưởng phụ trách về sản xuất, còn Thứ trưởng phụ trách Thương mại là ông Bùi Công Trùng. Công việc cụ thể của Thứ trưởng Cù Huy Cận là lo đôn đốc sản xuất những thứ để kịp thời phục vụ kháng chiến: Vận động nông dân trồng dâu nuôi tằm để lấy cái mặc; cố gắng sản xuất gang để sản xuất vũ khí cho bộ đội.
Riêng về chuyện sản xuất gang, vị Thứ trưởng - Nhà thơ đã cho mời một người tên là Vũ Quý Huân, Việt kiều ở Pháp về để làm cố vấn tổ chức cho xây dựng cả một lò luyện gang ở Nghệ An... Nhưng hì hụi nấu quặng mãi mà vẫn không ra được gang, cuối cùng đành phải chuyển phương án tận dụng sắt vụn để nấu lại..
Sau kế hoạch luyện gang Thứ trưởng Huy Cận còn ủng hộ việc sản xuất acide sunfuric ở Chu Lễ (Hà tĩnh) và lãnh đạo việc chuẩn bị tổ chức thăm dò khảo sát nguyên khoáng sản cho đất nước sau này.
Cuối năm 1949, một lần nữa nhà thơ của chúng ta “chuyển nghề”: Ông được điều động về Văn phòng Chính phủ làm Thứ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ (tương tự như Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hiện nay) cho đến năm 1955. Nhưng chuyện về “thâm niên” làm Thứ trưởng của nhà thơ họ Cù thì phải đợi đến năm 1956, khi ông được điều về Bộ Văn hoá. Tại đây, Huy Cận đã đảm nhiệm chức Thử trưởng Bộ Văn hoá liên tục cho tới năm 1978. Nghĩa là ông giữ trọng trách này bền bỉ trong suốt... 22 năm! Đó là một “kỷ lục” mà sau này rất khó có ai vượt qua nổi.
Chưa hết. khi đến tuổi 65, nhà thơ Huy Cận còn được Hội đồng Nhà nước cử làm Bộ trưởng Đặc trách Văn hoá - Nghệ thuật trong 3 năm (1984 - 1987). Như vậy, trong cuộc đời hành chính của mình, Huy Cận đã có hai lần làm Bộ trưởng. Đó cũng chính là quãng thời gian khởi đầu và kết thúc “sự nghiệp quan chức” của ông. Nhà thơ Huy Cận nói rằng: Ông quan niệm chức vụ Bộ trưởng hay Thứ trưởng chỉ đơn giản là “trách nhiệm xã hội”, vì trước hết mình phải là một Con Người, sống và làm việc cho tốt... Bây giờ, rất ít người còn nhắc đến chức danh Bộ trưởng của Huy Cận, nhưng danh hiệu cao quý Nhà thơ của ông thì còn mãi với đời!
Mùa xuân năm con Ngựa này, nhà thơ họ Cù đáng kính của chúng ta đã bước sang tuổi 83. Dù bước đi của ông đã chậm, đôi tai nghe có kém hơn trước, nhưng trí nhớ và sự minh mẫn của nhà thơ lão thành này vẫn thật đáng nể. Vốn tính xởi lởi, ngồi nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng Huy Cận lại ghé sát vào tai tôi bảo: “Khoe riêng với anh nhé, tôi vẫn làm thơ rất đều và hay. Sướng thật!”. Rồi ông bật cười rất tự nhiên và thoải mái.
Tiếng cười của Huy Cận vẫn hào sảng như mỗi lần ông lên đọc thơ và công chúng đang vỗ tay nồng nhiệt chào đón ông...
Hà nội tháng 2.2002
Đặng Vương Hưng
Nguyễn Trọng Tạo
Vĩnh biệt nhà thơ Huy Cận: Giữa sầu đau và bi tráng, thanh cao và hương thơm
21-02-2005
Nhà thơ Huy Cận tên thật Cù Huy Cận, sinh ngày 31-5-1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Trước Cách mạng Tháng Tám, Huy Cận đã theo học hết bậc tú tài ở Huế, tốt nghiệp Cao đẳng Nông Lâm... Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã tham gia hoạt động văn học. Năm 1936, Huy Cận có viết trên Tràng An, Sông Hương (bút danh Hán Quỳ), năm 1938 đăng thơ ở Ngày nay. Năm 1940, xuất bản tập Lửa thiêng được thi đàn đánh giá là người đã đem một phong cách thơ, một hồn thơ mới lạ, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng trong sự nghiệp thơ của Huy Cận.
Từ tháng 7-1945 đến tháng 9-1984, nhà thơ Huy Cận giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957.
Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm thơ: Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời, Hai bàn tay em, Cô gái Mèo, Chiến trường gần đến chiến trường xa, Ngày hằng sống, ngày hằng thơ, Ngôi nhà giữa nắng, Hạt lại gieo.
Ông qua đời tại thủ đô Hà Nội, lúc 20 giờ 53 phút ngày 19-2-2005 (11 tháng giêng năm Ất Dậu), thọ 86 tuổi.
Gần 20 tập thơ đã được xuất bản, dù có tập có bài rơi rụng theo thời gian, nhưng những gì còn lại của thơ ông cũng đủ để làm nên một ngọn Thi Sơn Huy Cận thật đáng trân trọng
Vào năm cuối cùng của thế kỷ XX, trong một cuộc trò chuyện về thơ, tôi có nói với nhà thơ Huy Cận rằng, nếu chọn tốp ten các nhà thơ Việt Nam thế kỷ thì nhất định phải có tên ông, và nếu chỉ chọn thất tinh thi sĩ (7 ngôi sao) thì vẫn có Huy Cận.
Ông không lấy làm ngạc nhiên về nhận xét của tôi, mà còn tươi cười nói thêm: “Nếu rút lại 5, ngũ hổ thơ ca chắc vẫn không loại Huy Cận ra ngoài được đâu!” Ông quả là một nhà thơ đầy tự tin về tài năng thơ ca của chính mình.
Huy Cận xuất hiện trên thi đàn Thơ Mới cuối những năm ba mươi, khi đang là sinh viên của Trường Cao đẳng Nông Lâm và làm xôn xao làng thơ bằng tập thơ đầu tay Lửa thiêng in năm 1940. Hai năm sau, ông xuất bản liên tiếp tập thơ Vũ trụ ca và tập văn xuôi Kinh cầu tự, khẳng định tài năng văn chương khi vừa bước qua tuổi 20. Vừa đi học, vừa làm thơ, vừa bí mật hoạt động cách mạng đến tháng 7-1945, ông được tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng toàn quốc (sau mở rộng thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà) và cùng Trần Huy Liệu vào Huế nhận ấn kiếm của Bảo Đại, chấp nhận sự thoái vị của ông vua cuối cùng triều Nguyễn. Có thể nói, Huy Cận là nhà thơ đầu tiên giữ chức bộ trưởng trong chính phủ mới (Bộ Canh Nông). Từ đó ông luôn là một quan chức cao cấp với nhiều chức danh khác nhau: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thứ trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Bộ trưởng đặc trách văn hoá - thông tin tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Từ hồi ông về làm việc hẳn ở Ủy ban Trung ương LHVHNTVN 51 Trần Hưng Đạo, thỉnh thoảng tôi được gặp ông. Ông sống thật giản dị, chuyên mặc bộ vét tông cũ, và buổi trưa thường ăn bánh mì, cơm nắm muối vừng hoặc bún lá đậu phụ mắm tôm của mấy bà hàng rong ghé cổng cơ quan. Nhưng khi trò chuyện thì ông rất vui. Ông bảo ông sống khỏe và đầu óc luôn minh mẫn vì ông có bí quyết giữ vệ sinh tinh thần, chuyên nghĩ những điều tốt. Câu chuyện của ông thường quay về những vấn đề văn hoá và thơ ca, và phải nói là ông rất am hiểu các nền văn hoá đông tây kim cổ. Đến các địa phương, ông thường nhắc nhở các vị lãnh đạo phải quan tâm tới lực lượng văn nghệ sĩ thiết thực hơn nữa, vì văn nghệ sĩ là những người làm ra sản phẩm tinh thần cao cấp cho xã hội.
Đọc được một bài thơ hay của lớp trẻ trên báo, ông không tiếc lời khen. Có lần, ông thích bài Có một nhà thơ tên là Trịnh Công Sơn tôi viết về tài năng thi ca của nhạc sĩ họ Trịnh, thế là lần nào gặp tôi, ông cũng nói một câu đầy cảm động: “Cảm ơn Trọng Tạo đã cho Huy Cận biết Trịnh Công Sơn là một nhà thơ”. Tôi đùa ông: “Em đã nghe anh “cảm ơn” mấy lần rồi mà!” Ông cười: “Khi mình đã thích thì cảm ơn bao lần cũng không thừa đâu”. Có hôm Huy Cận ghé vào phòng làm việc của tôi và đưa ra một ý kiến khá bất ngờ, ông nói rằng ông muốn đề nghị đuổi hai từ “thông cảm” ra khỏi từ điển tiếng Việt. Chả là khi đó người ta đang xử một vụ án lớn tham ô tham nhũng thất thoát hàng nghìn tỉ đồng và phạm nhân muốn được... thông cảm về trình độ quản lý non kém của họ. Sau ý nghĩ đó, ông lại nói thật vui: “Chỉ tội ăn cắp sách hay là có thể tha thứ được”.
Một con người giản dị mộc mạc như thế lại là một thi sĩ mang tư duy vũ trụ với một ngôn ngữ cao sang, chắt lọc hiếm thấy ở đời. Người Việt Nam không mấy ai không thuộc những bài thơ thật hay của ông như Tràng giang, Đường thơm, Các vị La Hán chùa Tây Phương... Thơ ông có sầu đau và bi tráng, có thanh cao và hương thơm, có phận kiếp và cảm quan vũ trụ. Gần 20 tập thơ đã được xuất bản, dù có tập có bài rơi rụng theo thời gian, nhưng những gì còn lại của thơ ông cũng đủ để làm nên một ngọn Thi Sơn Huy Cận thật đáng trận trọng.
Nguyễn Trọng Tạo
Trần Mạnh Hảo
Huy Cận - Lửa vẫn còn thiêng
Trần Mạnh Hảo
Từ độ Nguyễn Du lục bát hoá đời Kiều để ngự trên ngôi báu thi ca, chừng như long mạch thơ nước Việt đã mấy lần rót về Hà Tĩnh, khơi nguồn cho những dòng thơ lớn khác xuất hiện: Nguyễn Công Trứ, Xuân Diệu và Huy Cận. Sau tám năm từ độ ra đời, Thơ Mới (1932-1945) đang cuồn cuộn chảy như một dòng sông lắm ghềnh nhiều thác, lúc ẩn, lúc hiện, chợt bùng lên rồi lắng lại sững sờ, như ngẩn ngơ, như luyến tiếc cội nguồn? Kể cũng lạ, khi dòng Thơ Mới cuộn chảy, gầm reo tới cao trào với Xuân Diệu thì cũng là lúc nó chợt phình ra giống một cái hồ cho mưa nguồn chớp bể trong hồn sông nước được nghỉ ngơi, trầm lắng, ưu tư mà hoài cổ. Khúc sông giống hồ nước của dòng Thơ Mới ấy chính là Huy Cận với tập Lửa thiêng gồm 50 bài thơ ra mắt năm 1940. Nếu không có khúc sông hoá hồ nước Huy Cận giúp Thơ Mới có cơ hội lắng xuống, thảnh thơi và điềm tĩnh, chùng chình và mênh mông lại, biết đâu nó đã chẳng chảy tuột vào bể thẳm Tây phương? Chừng như hình thức complet, cravate của Phương Tây Huy Cận khoác lên người không mang nổi hồn vía Đông phương u uẩn, thẳm vời trong ông? Sau khi nhà thơ từng thổn thức nỗi Verlaine, cái hồn ấy phiêu du ông về vạn cổ, kéo ông lạc vào Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... ngay giữa lòng thế kỷ 20 ồn ào phố xá... Thành ra, trong dòng thơ mới sục sôi với tầng tầng lớp lớp thi nhân, Huy Cận tuy không khăn đóng áo the như Đông Hồ, không nâu sồng dân dã như Nguyễn Bính, nhưng hồn ông đã ràng buộc với thất ngôn và lục bát xưa. Ông hoá nỗi buồn xưa mà lênh đênh nguồn cội, một mình bơ vơ ngay giữa “Hội trùng dương” Thơ Mới, bơ vơ ngay giữa hồn mình. Có thể nói, Huy Cận cô đơn ngay cả trong niềm nồng cháy ban đầu Xuân Diệu. Vì sao một gã trai mười chín đôi mươi lại có một tâm hồn nghìn tuổi, một niềm thơ vạn cổ rất tân thời như Lửa thiêng?
Ta bắt gặp trong Lửa thiêng một Huy Cận buổi “Tựu trường-Thơ Mới”, tuy không mê đắm đến điên cuồng “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” như Xuân Diệu, nhưng cũng rất tinh khôi niềm yêu đời, một niềm cách tân cả ý tưởng đến hồn vía: “Tủ mới đánh và lòng trai thơm ngát” (Tựu trường). Chiếc tủ-hình-thức-Tây phương vừa đánh verni, tưởng chỉ có thể treo những bộ áo quần tân thời ý tưởng như câu thơ rất Tây trong bài Tình tự: “Sáng hôm nay hồn em như tủ áo / Ý trong veo là lượt xếp từng đôi”. Huy Cận đi giữa tủ, rương như đi giữa những thời đại bảo tàng, những thời đại ngọc ngà dễ vỡ, tưởng chừng ông toan biến đời mình thành chiếc rương cất giữ vẻ tân kỳ hôm nay: “Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc” (Tựu trường). Một cậu trai thuần khiết “Quần áo trắng đẹp như lòng mới mẻ” thuở ấy ai ngờ lại có thể viết được những câu thơ rất mới, rất Tây: “Anh hãy bận hồn em màu sáng chói” (Tình tự)... “Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng” (Đi giữa đường thơm)... hoặc “Bắt gặp mùa tươi lên rún rẩy” (Xuân)... Huy Cận chìa câu thơ thất ngôn truyền thống ra như chìa bàn tay mình để bắt tay ngọn gió mới Tây phương, bằng cách đột ngột gieo một liên từ làm vần cuối câu thơ thứ hai, khiến câu thơ vừa đứt, vừa nối, vừa chênh vênh, hụt hẫng lại vừa an nhiên, tự tại: “Khi bóng hoàng hôn phủ núi xa / Khi niềm tư tưởng vướng chân, và... (Em về nhà). Ta còn có thể bắt gặp trong Lửa thiêng nhiều vẻ đẹp Tây phương mới lạ của Huy Cận, nhất là trong 15 bài thơ 8 chữ khá phóng túng của ông như bài Trò chuyện: “Phố không cây thôi sầu biết bao chừng”, “Buồn vạn lớp trên mái nhà dợn sóng”, “Chiều hiu hiu khêu gợi nhớ nhung hờ”, “Hồn bơ vơ không biết tựa vào đâu / Mây không bay thương nhớ cũng không màu / Nắng không xế và lòng sầu mất hướng”... Huy Cận thậm chí Tây không kém gì Xuân Diệu với nỗi sầu, nỗi chết ban đầu với tận cùng cảm giác kiểu “Tay bồng thân, và tay nữa ôm mồ” (Trình bày)... “Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường”... “Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn” (Ngủ chung)... hoặc “Ôi chiều buồn sao nắng quá mong manh” (Nhạc sầu). Ta có một Huy Cận hướng ngoại tới tận trời tượng trưng Verlaine cả trong buồn, vui, sống, chết, trong thế giới khả giác lúc nào như cũng muốn nổi da gà. Có khi, Huy Cận thử tìm tới tất cả, thử vồ vập tất cả nhưng vì sao ông chưa thoả nỗi rưng rưng, dù khi ông viết về tình yêu thời đi học với những câu thơ hay đến kinh ngạc: “Một hôm trận gió tình yêu lại / Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” (Học sinh). “Trận gió tình yêu” mới mẻ phương Tây rất nồng nhiệt kia đã thổi bay đi tất cả niềm vui mong manh chớm hé. Chỉ còn lại nhà thơ “Đứng ngẩn trông vời...” hiện tại, dù hiện tại kia, tình yêu kia kỳ diệu tới mức, lãng mạn tới mức thần tiên: “Em lùa gió biếc vào trong tóc / Thổi lại phòng anh cả núi non”(Áo trắng). Nhờ “Em”, nhờ ngọn gió tóc kia mà căn phòng anh được nới rộng ra cả đất trời? Hay chính là “Em” đã nhốt núi non, nhốt cái sừng sững cao vời vào căn phòng thi ca anh để vô hạn hoá cái hữu hạn? Niềm vui tình đầu Huy Cận đẹp thế, hay thế nhưng chỉ là gió thổi qua, chỉ là thoáng chốc. Trong thơ, Huy Cận cần một cách giải thoát khác Xuân Diệu.
Huy Cận đi từ “ngẩn” tới “vời”: “Đứng ngẩn trông vời..., đi từ tha nhân đến bản thân mình, từ niềm vui đến nỗi cô đơn, như chiếc thuyền trong bài Mưa sau: “Lòng êm như chiếc thuyền trên bến / Nghe rét thu về hạ bớt mui”. Câu thơ này mới đích thực thần thái Huy Cận; nó hay một cách hoang vắng, se se, tồi tội, khẽ khàng, hiu hắt. Tâm hồn Huy Cận là chiếc thuyền miền sơn cước thi ca, lặng lẽ “hạ bớt mui” khi rét thu về, lặng lẽ rút vào tranh thuỷ mặc xa xưa mà u tịch. Nếu Xuân Diệu nhảy bổ vào tình yêu như nai kia khát nước nhảy bổ vào nguồn suối, lăn xả vào đời sống con người mà choàng ôm tất cả, mà mê cuồng, say đắm tất cả thì Huy Cận ngược lại, cứ một mình thui thủi tìm về nơi hoang vắng, tránh xa nơi phồn hoa đô hội. Huy Cận tĩnh bên một Xuân Diệu động. Huy Cận xưa bên một Xuân Diệu nay. Huy Cận buồn bên một Xuân Diệu vui, dù cả hai đều “Hai chàng thi sĩ choáng hơi men” (Tình trai -X.D.). Những bài thơ hay nhất trong Lửa thiêng là những bài Huy Cận thu hồn về ở ẩn trong một thiên nhiên hoang vắng, thẫn thờ, như thể ông đã bị cuộc đời dồn đến trước lầu “Ngưng Bích”, cùng Thuý Kiều lẫn vào “Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung” (Kiều). Trong 50 bài Lửa thiêng, chỉ có 8 bài thơ lục bát: Buồn đêm mưa, Trông lên, Chiều xưa, Đẹp xưa, Thuyền đi, Xuân ý, Thu rừng và Ngậm ngùi. Nhưng nếu không có 8 bài thơ lục bát này, Lửa thiêng dù có nhiều bài thất ngôn hay ví như Tràng giang thì cũng chưa thể làm nên một Huy Cận vượt thời gian như đã có. Nguyễn Du đại thiên tài lục bát, đã đưa nhịp sáu tám Việt Nam lên tới đỉnh mây trời nhân loại. Nguyễn Du từng ít nhiều ảnh hưởng lục bát ca dao, ảnh hưởng lục bát của Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều để làm ra hàng nghìn câu thiên thu tuyệt diệu riêng mình. Thấm đẫm hồn thơ cha ông, Huy Cận đã hiện đại hoá câu thơ sáu tám Việt Nam. Ông như người kế thừa trung thành của phả hệ lục bát Nguyễn Du rồi phát triển nó về u tịch. Đọc thơ lục bát Huy Cận, cơ hồ như hồn Nguyễn Du phảng phất đâu đây, như thể bút thần xưa được hậu thế cầm lên viết tiếp, như bài Đẹp xưa:
Ngập ngừng mép núi quanh co
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang...
Vi vu gió hút nẻo vàng
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao
Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon
Đi rồi khuất ngựa sau non
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu
Trơ vơ buồn lọt quán chiều
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người...
Câu thơ “Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang” trên của Huy Cận làm ta nhớ đến “Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” của Tố Như xưa. Huy Cận lấy hồn muôn năm trước mà hiện đại hoá câu thơ lục bát bây giờ, như gió xưa vàng đẫm lá thu nay: “Vi vu gió hút nẻo vàng”. Ngọn gió Huy Cận mặc áo vàng nghìn thu mà hun hút, mà nghiêng nghiêng mái chữ, mái-hiên-người, cũng là mái thơ: “Mái nghiêng nghiêng gởi buồn theo hút người”. Cũng như bài Đẹp xưa, bài lục bát Buồn đêm mưa và bài Chiều xưa hay đến từng câu từng chữ. Cái buồn Huy Cận nơi đây đẹp đến rụng rời, đẹp đến ngơ ngác, hoang vu. Viết về nỗi bơ vơ kiếp người, về nỗi buồn bản thể, nỗi buồn xa vắng, mù tăm tưởng không ai bằng Huy Cận: “... Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la / Tai nương nước giọt mái nhà / Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn” (Buồn đêm mưa). Tưởng chừng Huy Cận phải đội trên đầu cả vòm “trời nặng nặng” mà nghe “ta buồn buồn”, rồi thơ thẩn đi hết cõi “Lửa thiêng”, để nghe trọn vẹn trong hư không: “Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi”, “Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ”. Huy Cận gom mình về thành quách xưa mà cô đơn một thuở với trời đất; tuy ông vẫn để ngỏ các cửa thành cho gió ngàn năm bơ phờ cư ngụ: “Gió về, lòng rộng không che”. Thổi hiu hiu, thổi u u trong lục bát Huy Cận loài gió hạc vàng, gió tùng bách, gió khói sóng. Những hồn gió liêu trai từng thổi qua Đường thi, Tống thi, thổi qua sao Khuê ở ẩn Nguyễn Trãi, qua vầng trăng xẻ nửa Nguyễn Du mà thành bờ “lau thưa” Huy Cận:
Buồn veo theo gió bên hồ
Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa
Đồn xa quằn quại bóng cờ
Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về
Ngàn năm sực tỉnh, lê thê
Trên thành son nhạt - Chiều tê cúi đầu... (Chiều xưa)
Nhà ẩn sĩ của nỗi buồn xưa để tâm hồn mình trôi qua hai bờ lục bát như bóng cờ kia quằn quại trôi qua đôi bờ trời chiều và “Thành son nhạt”, càng trôi càng sững lại, càng phải vật vã với gió mà níu lấy hồn xưa ngơ ngẩn. Phải chăng tinh thần của Lửa thiêng là tinh thần của lá cờ quá vãng ăn toàn gió xưa mà tồn tại, mà nghi ngút khói mây: “Phất phơ buồn tự thời xưa thổi về”? Huy Cận mang hồn Nguyễn Du để làm nên giọng điệu lục bát rất riêng, rất mới của mình như bài Thu rừng sau đây:
... Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi lá rụng cành nghe lạnh lùng...
Hai cặp lục bát trên đều đi nhịp đôi khe khẽ, rón rén, thi thoảng, theo kiểu cứ một bước sương lại một bước khói, như trời thu theo nai xuống núi, theo “chim đi” vì không nỡ bay sợ làm động vỡ hồn thu. Huy Cận mượn bút vẽ Tề Bạch Thạch mà vẽ bức thuỷ mặc lục bát Thu rừng có một không hai. Chỉ thấy nai, thấy chim, thấy sắc trời, thấy lá rụng, tuyệt nhiên không thấy người đâu, mà không đâu không ám ảnh hồn người. Cảm giác, ấn tượng của những câu thơ trên mạnh tới nỗi rùng mình, người đọc chợt được hoà tan vào từng câu chữ, khiến bài thơ như chợt vượt ra ngoài trang giấy mà hoá vô biên thu, hoá vô tận rừng, hoá mênh mông hồn thu Huy Cận. Nói đến lục bát Huy Cận, không thể không nhắc tới Ngậm ngùi. Bài Ngậm ngùi tuy không tuyệt bích như các bài Thu rừng, Đẹp xưa, Buồn xưa, Buồn đêm mưa, nhưng nó mang yếu tố mới của thơ tình, trước đó thơ ta chưa có chuyện người đàn ông “hầu quạt” ru người con gái ngủ. Bài thơ mang được phẩm chất sầu mộng của thời đại, được phổ nhạc thành bài hát rất hay, rất quen thuộc nên người ta dễ nhớ hơn những vần lục bát thần diệu trên. Thơ thất ngôn Huy Cận đạt tới tuyệt đỉnh với Tràng giang, với nỗi buồn hoài cổ tầng tầng lớp lớp sóng, lớp lớp mây tâm trạng, như thể nhà thơ đã kéo dài mạch chảy của những dòng sông thi ca Vương Bột, Thôi Hiệu..., những dòng sông thi ca “Trông vời trời nước mênh mang” Nguyễn Du xưa mà trải hồn mình ra nghìn dặm xưa sau. Huy Cận là nỗi buồn tiếp nối ông cha: “Vạn lý sầu lên núi tiếp mây”, như thể ngàn xưa còn vọng mãi nỗi niềm rơm rớm nắng mưa nay: “Nắng đã xế về bên xứ bạn / Chiều mưa trên bãi nước sông đầy”(Vạn lý tình). Hãy đọc thất ngôn Huy Cận lên để nghe không gian chùng xuống đến tận cùng dây tơ thời gian: “Ôi! nắng vàng sao mà nhớ nhung / Có ai đàn lẻ để tơ chùng?” (Nhớ hờ).
Huy Cận với Lửa thiêng còn ở bên trời “đàn lẻ”, là nỗi buồn xưa, hồn xưa lưu lạc tới hôm nay vẻ hiu hắt, ngậm ngùi kiếp người. Ông mang đến cho thi đàn một nỗi buồn đẹp như quê hương, như nước mắt trời xanh. Hình như sự vĩnh cửu từng níu lấy áo Huy Cận mà kéo ông về bất tử thi ca ngay từ thuở vừa ngoài tuổi đôi mươi. Lửa thiêng có lẽ là tập thơ toàn bích nhất trong các tập thơ ra đời từ 1932-1945 trong phong trào Thơ Mới? Cây cổ thụ Huy Cận sẽ còn xanh tươi mãi trong vườn thơ dân tộc như câu thơ ông từng viết trong bài Hoạ điệu: “Cây không đi mà tình cũng nghiêng nghiêng”.