Tập 1- K

Khách thương hồ, vai xách nách mang khi đến bến đò trước chùa Bà (Qui Nhơn) rất gần nhà cha tôi, thì được các ông lái đầu quấn khăn bông trắng, mặt đỏ gay vì men rượu, đon đả chào mời:
- Quới (quý) ngài lên Vạn Gò Bồi phải không? Nếu đúng là khách đi Vạn Gò Bồi, xin mời xuống đò nằm và đi ngay. Nếu chậm trễ giây lát là do chờ hàng và đợi khách cho đủ chuyến.
Tôi và anh Huy Cận cũng có lần đi chuyến đò đêm này về thăm quê ngoại tôi.
Bà ngoại tôi, lúc bấy giờ đã gần bảy mươi tuổi, mắt đã mờ, nghe nói ông kỹ sư Huy Cận về thăm rất mừng và tự hào vì mình đã có một đứa cháu làm Tham tá nhà đoan Mỹ Tho, lại thêm một ông kỹ sư trẻ là bạn thân quý củacháu, vui quá!
Con trai ngoại tôi là cậu Thông; cậu Thông tôi là thầy phán sở Lục lộ, sau này chuyển làm quản đốc công trường Đồng Cam Tuy Hoà mà làng xã hết sức kính trọng, nể vì, bởi bà tôi có một người con trai khi về thăm nhà mặc âu phục tề chỉnh đường bệ với danh hiệu ông Thất (hàm Thất phẩm do mua bằng tiền), nên bà tôi rất hài lòng về cậu xếp Thông của tôi.
Anh Huy Cận ở chơi nhà bà ngoại tôi chừng ba ngày; ngoại dặn má tôi là phải cơm nước tử tế, mua cá tôm tươi và nem chả để đãi khách.
Vạn, có nghĩa là làng đánh cá. Nhưng Vạn Gò Bồi không đánh cá nữa, mà nghề chính là làm nước mắm, ngoại tôi để đã mười tám năm, hương vị thơm ngon, nếm thử, cứ muốn nếm hoài, như ta nếm rượu.
Nghề đánh cá đã chuyển về làng Tân Giảng, phía dưới đường đá Gò Bồi, qua một luỹ tre xanh, ghe thuyền đi đánh cá về xếp hàng dài, trù phú, đông vui...
Ở Tân Giảng có một lăng thờ cá ông hàng năm đến tháng 5 âm lịch, có gió lớn, hội hè hát bội và vui chơi đủ trò...
Ở Vạn Gò Bồi lúc bấy giờ, những năm 30, tôi bắt đầu lớn khôn đã thấy những chiếc ghe bầu to lớn từ xa đến cất nước mắm... hoặc trao đổi các đặc sản địa phương cho các chủ vựa, như lu, khạp, mật ong, chiếu bông của Quảng Nam, đường phổi, đường thẻ nổi tiếng của Quảng Ngãi hoặc lãnh, lụa Ngân Sơn của Phú Yên, v. v...
Những chiếc ghe bầu có treo võng, tủ đứng và trai bạn mỗi ghe có vài chục người. Muốn lên bờ Vạn và xuống ghe, chủ ghe bắc một cây cầu gỗ chắc chắn.
Ngày tuổi nhỏ, tôi theo má tôi xuống ghe lấy tiền nước mắm cho ngoại tôi, có ông thầy Năm, người Quảng Nam, cho tôi một phong bánh in rất ngon. Ông cầm chiếc quạt giấy phất phơ, giữa khoảng không, rồi mở nút áo cho mát và hỏi tôi: “Tại sao phải bận áo vạt hò?” (áo vạt hò là loại áo của người xưa thường mặc, gài nút từ bên trái, cổ đứng) và ông tự trả lời luôn: Mặc áo vạt hò để che ngực và che bụng đề phòng gió máy lúc đêm hôm, và rất ấm trong tiết đông hàn. Cháu về thưa má may cho cháu áo kiểu này.
Ngày giỗ từ đường, tôi về ăn giỗ với em trai tôi tại nhà bác Nghè Sáu, bác gái níu tôi vào lòng vừa cười vừa xoa đầu, vừa nói giọng ngọng trẻ em: chầm chờ (cầm cờ) cheo èn (treo đèn) i âu ông quá (đi đâu đông quá).
Bác nói là hồi 2, ba tuổi, tôi tròn như cục bột, mập mạp dễ thương, ai thấy cũng muốn ẵm hôn, nựng nịu. Ngày lễ Kỳ Yên của làng, các hộ ghe chài kết hợp đèn hoa, cúng tế rất long trọng, cầu mong mưa thuận gió hoà, thuận buồm xuôi gió, làm ăn phát đạt.
Bác nghè Sáu gái bỏ thêm một miếng trầu vào miệng, nhai dập dập rồi nói tiếp: - Cháu hồi nhỏ đẻ trong bọc điều, giờ thìn, năm thìn (Bính Thìn) chắc chắc sau này lớn lên cháu sẽ gặp nhiều may mắn, như chức phận cao sang, giàu có...
Theo bà ngoại tôi nói lại thì Vạn Gò Bồi xây dựng từ “những năm đồng bào” (tức là những năm có phong trào chống thuế ở Trung Kỳ (1907-1907), là lúc xuất hiện lần đầu tiên hai tiếng “đồng bào”).
“Đồng bào”, cũng theo ngoại tôi, lànhững năm đồng bào chống đạo Thiên chúa của ngoại bang đem lại.
Còn ông Cửu Cần, cha anh Viên, có họ hàng gần với ông ngoại tôi, trên 60 tuổi, cho biết những tảng đá núi to nặng lát đường hiện giờ là do một nhóm người khoa bảng chống thực dân Pháp mang về lát trong đó có các bô lão và dân tráng địa phương.
Hồi đó, con sông làng Tùng Giản ngày hai lần lên xuống theo nước thuỷ triều, ghe xuồng vào tuốt trong chợ đình, nhà cửa bằng tre lá đơn sơ nằm trên một cù lao, bao quanh là nước xà hai (1) dái cát bồi lên thành gò cho nên người ta gọi là Gò Bồi.
Đá tảng lấy từ hai dãy núi Kỳ Sơn và Phụng Sơn thuộc phủ Tuy Phước, rồi người ta cho xe bò kéo lần về bến sông Tùng Giản.
Con đường được lát đá, ngăn nước, rộng 7 thước, dài 800 thước, chạy từ đầu Vạn đến cuối Vạn Gò Bồi làng Tùng Giản là do công sức của nhân dân lao động ta xây nên.
Còn anh Viên, ngườo đã từng bị tù tội thời đế quốc phong kiến, thêm:
- Roi vọt dữ lắm. Chú biết không, đừng nói hồi phong kiến xưa, đến bây giờ lệ làng vẫn giữ, là khi có đi xâu, có việc gì nặng nhọc cần sức người, bọn hương dịch cầm hèo, cầm roi mây... Đi lùa dân nghèo khố rách áo ôm đến phục dịch. Còn con đường lát đá mà chúng ta thường qua lại hiện giờ, nỗi ức hiếp và bất công đầy rẫy...
Vạn Gò Bồi lúc bấy giờ có lầu Bà Huỳnh cao nhất, chứng tỏ sự giàu sang no ấm, đầy đủ.
Người nghiện thuốc lá chỉ biết có thuốc Quản Chẹt. Tôi đã từng đi mua thuốc lá Quản Chẹt cho ngoại tôi, xỉa thuốc ăn trầu. Tôi thấy quán thuốc ở trong một đường hẻm sâu, tối đen hun hút, bề ngang độ một thước tây, hai người qua lại phải nghiêng vai tránh nhau mới lọt qua được. Bên trong quán thuốc lá từng xấp bề bộn, chồng lên với bàn xắt, với chảo gang thuốc, với mùi thuốc gắt nồng nặc, và người chủ quán là một ông già thâm nmho gầy ốm, râu tóc bạc phơ, suốt ngày chỉ ngồi đọc sách.
Và ông Lư, ông Thi, hai ông này sống bằng nghề vớt rong và câu cá chốt, nghèo túng nhưng lương thiện, chữ nghĩa khá, chẳng hiểu tại sao mà khổ vậy! Hai ông không có nhà, không có một thước đất cắm dùi, bao nhiêu năm rồi ngủ trong lều chợ Gò Bồi, và điếm canh làng Tùng Giản...
Mấy buổi trưa hè oi ả, anh Huy Cận và tôi ra ngồi dưới gốc cây vú sữa, trước sân nhà bà ngoại.
Bên cạnh cây vú sữa, là một hàng đu đủ non xanh. Anh Huy Cận có lần viết thư cho tôi lúc tôi ở Mỹ Tho: Cận nhờ Gò Bồi, nhớ cây vú sữa nhà bà ngoại, trưa hè ngồi trên bệ gạch trước nhà, nhìn đu đủ rụng thì tuyệt...
Mấy buổi chiều, khi hoàng hôn xuống, tôi và anh Huy Cận đi ra phía sau Vạn Gò Bồi, nơi đó bắt đầu làng Lạc Điền, xa xa về hướng biển, có những đụn cát vàng thoai thoải chạm mây xanh, và ruộng đồng bát ngát.
Lúc về, đi ngang qua nhà ông Thủ Thính, một vựa nước mắm lớn nhứt Gò Bồi, cậu Đức con trai ông lúc đó 15 tuổi có học trường Qui Nhơn, thấy tôi và anh Huy Cận thì chạy ra chào, mời vào chơi. Hai tôi dừng lại một lát, và tôi bỗng cười nhẹ, vì nhớ có bận vào nhà ông Thủ Thính, thùng để khít sát nhhau chỉ chừa lối đi cho một người múc nước mắm hay khiêng mắm xác, vây quanh có một mùi hôi thum thủm, dù tôi đã bước vào nhà trong, sát nhà tiếp khách và nhà thờ...
Mới vào mùi mắm rất khó chịu, nhưng ngồi một lát nghe ông Thủ Thính hỏi thăm sức khỏe của thầy mẹ tôi, và sự học hành tiến tới của tôi, tôi quên đi cái mùi mắm... nước mắm... và lúc giã từ, cứ muốn dừng lại để ngửi cái mùi thân quen đó...
Cậu Đức lúc chưa xuống học trường Qui Nhơn, còn học với thầy tôi ở trường Tùng Giản, đã bị bạn bè chế nhạo: “Đức mắm xác”, vì từ quần áo, sách vở đều ngửi thấy mùi mắm xác thật, như một chiếc khăn lược nước mắm, khi giặt sạch rồi, vẫn còn mùi thum thủm...
Tôi cảm ơn Đức, gửi lời thăm bà má Đức, rồi tần ngần nhìn qua bên kia Kim Trì, bến đò làng Kim Trì có một cây đa sống lâu có lẽ trên trăm tuổi thọ, đã gợi ý thơ cho tôi:
Ta ôm bó cánh tay ta làm rắn
Làm cây đa quấn quýt cả mình xuân
Không ai muốn đi ra ở mãi vườn trần
Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất...
Mặt tiền Vạn Gò Bồi ngó ra ông ghe thuyền, san sát, nhà ngói chằng chịt cao thấp không đều. Ông Xã T. giàu và uy quyền nhất làng Tùng Giản. Ông ngang nhiên xổ đề giữa ban ngày ban mặt, con đề để trong nhà, biên đề cũng tại nhà ông, đến chiều ông cho đàn em biết đề xổ con gì đó, loan báo ai trúng tới lãnh tiền, rõ ràng là tay bạc bịp. Vậy mà người có máu mê vẫn chơi đề và cháy túi.
Thầy nghề Bốn có hiệu thuốc Bắc rất đông khách, ông quen thân với thầy tôi là ông Tú Thọ, lâu lâu gặp mặt, hai người bàn chuyện thời thế và ngâm vịnh suốt buổi.
Nghe nói quan trên ra lệnh cho lý hương làng Tùng Giản theo dõi ông, vì trước kia ông có chân trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
Mỗi khi đi ngang qua nhà ông, tôi liếc nhìn thấy ông đăm chiêu... khăn áo chỉnh tề, hai tay chắp phía sau lưng, giấu trong vạt áo dài, thơ thẩn qua lại trong nhà. Thảng hoặc bắt gặp ông nhìn tôi, thì tôi vòng tay cúi đầu kính cẩn chào.
Làng Tùng Giản, Vạn Gò Bồi của tôi có trường hát cải lươngl, hát bội, có nhà chứa... Ôi! Cái phố chợ bề ngoài đông đảo, náo nhiệt, nhưng bên trong những gia đình, cuộc đời mỗi người có những gay cấn đau khổ mà chắc chắn tuổi nhỏ tôi nào có thông hiểu được!
Và những tiệm buôn tàu bán thuốc phiện, bán rượu Công ty môn bài, bán bài tây, bài tứ sắc... những thứ dùng để tiêu sầu nguy hiểm, đã mang vào sẽ làm mất phẩm cách con người!
Rồi nhà bà Ôn, túp lều rách tả tơi, bán bánh canh ngọt, mỗi khi gió thổi mạnh thì những tấm tranh che tạm bợ trên mái nhà tung lên như muốn bay.
Vạn Gò Bồi, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi là như vậy. Song mỗi lần xuống nằm thuyền nhớ Gò Bồi không nguôi.
Anh Huy Cận bạn tôi hẳn chắc là có nhiều ý nghĩ về Gò Bồi. Hôm ra đi, ngoại tôi sờ soạng tiễn hai tôi ra bến. Má tôi theo sau, sụt sịt khóc và má dặn, kèm theo một gói khô mực:
- Hai anh em cầm theo ăn chung với nhau...
Chú thích:
(1) Nước lờ lợ, nửa mặn, nửa ngọt