Tập 2- Q

Một mối tình dang dở vì kháng chiến (Huy Cận)
Cuối năm 1944 tôi gặp N.M. ở Đại học xá ở Hà Nội. Lúc đó tôi đang hoạt động mạnh ở trong Tổng hội sinh viên cùng với anh Dương Đức Hiền và một số bạn sinh viên hoặc cựu sinh viên như đã kể một đoạn trên. Hồi đó có một dạ hội do Tổng hội sinh viên tổ chức, mục đích cốt cổ vũ phong trào yêu nước của sinh viên và thanh niên, và cũng để quyên một ít tiền cho việc truyền bá quốc ngữ, và công tác y tế bình dân. N.M. lúc đó đang học năm thứ 3 ban thành trung của một trường tư thục ở Hà Nội. N.M. không đẹp lộng lẫy, nhưng có cái đẹp khá hấp dẫn, và nhất là cái duyên toả ra từ mỗi nét mặt, từ dáng đi, từ nụ cười kín đáo. Dáng thon thon, bước đi lanh lẹ, với mớ tóc rủ xuống quá vai, tôi còn nhớ rõ mồn một... Hôm ấy N.M. bận chiếc áo lụa hồng đứng ở cuối phòng, tôi đi ngang là tự nhiên dừng lại, bị luồng mắt nhìn của N.M. làm tôi hơi sững. Tôi nói chuyện bâng quơ, tìm cách bắt chuyện. N.M. cũng trả lời tôi một cách tự nhiên, chưa phải là mặn mà gì, nhưng cũng không lạnh nhạt. Lúc ra về tôi hỏi muốn gặp lại N.M., thì gặp ở đâu. Thế rồi một buổi chiều tôi đón N.M. ở trường ra, đạp xe theo đến cầu Long Biên, và còn đạp sang bên kia cầu nữa vì N.M. nhà ở trong một khu vườn nhỏ bên bờ sông Nhị, cách đầu cầu Long Biên chừng nửa cây số. Gió chiều cuối năm hơi lạnh, tà áo của N.M. bay trong gió, tôi cứ đạp theo mà thấy tâm hồn lâng lâng, ngây ngất. Thế rồi đến đầu cầu bên kia N.M. dừng lại, và chào tôi, ý nói tôi nên trở lại.
Tôi hồi hộp, nhưng cũng mạnh dạn trao cho N.M. bức thư đã viết sẵn từ đêm hôm trước. Thế là mấy hôm sau tôi nhận được thư trả lời đằm thắm, chưa hứa hẹn gì, nhưng trong thư nói những mơ ước của N.M. về một cuộc sống tình cảm đẹp đẽ, lâu bền: Tôi thấy rằng tín hiệu đầu tiên như vậy là đã quá khẳng định.
Thư đi từ lại suốt cả năm 1945, rồi cách mạng tháng Tám đến, lúc ở Tân Trào về tôi lại viết thư cho N.M.
Trong một bức thư, N.M. có nói rằng rất tiếc là chưa đủ tuổi để đi bầu quốc hội và để được bầu tôi. (Sự thực nếu N.M. đủ tuổi cũng không bầu tôi được vì tôi ứng cử ở Hà Đông, mà N.M. thì trong danh sách cử tri ở Hà Nội). Trong một bài thơ, tôi có phản ảnh điều tiếc ấy của N.M., bài thơ lạc mất, nay tôi chỉ còn nhớ hai câu:
Trong thư em nói tiếc vô chừng,
Thiếu tuổi bầu anh vào quốc hội...
Đến ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chúng tôi không kịp liên lạc với nhau, mà các thư của N.M. gởi cho tôi thì cũng bị dìm đáy sông cùng bao nhiêu văn thơ trong tủ sách quý. Tôi từ Hà Đông lên Quốc Oai (Sơn Tây) rồi lên Tuyên Quang ở An toàn khu, tôi hỏi dò tin tức xem N.M. sơ tán về hướng nào, nhưng hỏi mãi không biết được tăm hơi. Đến gần kết thúc kháng chiến, năm 1953, mới có người bạn cho tôi hay tin rằng N.M. đã lấy chồng “sau mấy năm chờ đợi”.
Thì ra N.M. cũng tìm cách liên lạc với tôi mà không bắt được mối.
Năm 1955, sau một năm đã về thủ đô Hà Nội một hôm tình cờ tôi gặp lại N.M. Ở phố Hàng Gai. Hai người bồi hồi một lúc, nhưng không hề ngỡ ngàng.
Tất nhiên N.M. không còn là cô gái phơi phới mà tôi gặp trong buổi dạ hội ở Tổng hội sinh viên, nhưng những nét đẹp định hình gần cái tuổi 30 càng làm cho vẻ đẹp vốn kín đáo của N.M. càng đằm thắm, càng có sức hút từ bên trong, như cái sức hút của lửa ngún, của than hồng dưới trấu. Sau đó N.M. có hẹn tôi gặp lại vài lần nữa. Tuy hai bên gặp nhau không thật ngỡ ngàng, vẫn thấy mối tình buổi trước như còn nồng cháy, nhưng thật ra chuyện đời cũng như chuyện lòng không còn đứng yên một chỗ... Sau một buổi gặp ấy tôi có viết mấy dòng thơ sau đây gởi đến cho N.M.:
Trưa nay anh lại bồi hồi
Trời thu buổi ấy xanh ngời mắt em
Ba tuần duyên đã bén duyên
Ra đi kháng chiến hai miền cách nhau.
Mấy mùa man mác hương cau
Thu đông chiến dịch trung châu khó tìm...
“Tìm nhau như thể tìm chim”
Em ơi! Năm tháng lỗi niềm hẹn xưa...
Mười ba năm ấy bây giờ
Gặp nhau những tưởng mới vừa hôm qua.
Hôm qua đầu bến Nhị Hà
Thư anh trao vội, gió xoà tóc mây.
Hôm qua anh nhận thư dày
Em mơ hạnh phúc từ rày có anh.
Hôm qua trong buổi bình minh
Lòng ta chung một ân tình sáng trong.
Hôm qua... nước đã chia dòng
Thuyền không gặp lại bến sông thuở đầu.
Gặp em hồi hộp xót đau
Trời xanh đầu hạ nhìn nhau mỉm cười.
Trưa nay anh lại bồi hồì
Trời thu buổi ấy xanh ngời mắt em
Sau khi trao đổi bài thơ để nói lòng hoài niệm của mình, hoài niệm có phần tiêu tao, da diết, tôi không tìm gặp N.M. nữa, vì nghĩ rằng không nên khuấy động lại tro tàn quá vãng, huống chi tro cũng chưa thật tàn, mà nhất là tro còn nóng này là do hai ngọn lửa đốt cháy... Thỉnh thoảng, ngoài đường phố tôi lại xáp mặt N.M. hai bên chào nhau mỉm cười, có lần tôi thấy N.M. sau khi chào tôi thì ngoảnh mặt đi.
Có phải còn chút gì xao xuyến từ ngọn gió của sông Nhị Hà thổi từ buổi chiều xưa đó chăng? Nếu một ngày kia N.M. có đọc tới trang hồi ký này, thì cũng thứ lỗi cho tôi đã không kể lể hết những niềm say sưa của hai chúng tôi ngày xa nhau vì kháng chiến bùng nổ. Tôi tiếc đứt ruột đã để mất những bức thư say đắm mà trong trẻo N.M. đã viết cho tôi trong gần hai năm trời. Những dòng hồi ký này có trữ tình, tiếc nuối đến đâu cũng không bù đắp lại những dòng thư đẹp và say, và ngây ngất của N.M., lúc bắt đầu yêu mà lại là yêu tôi. Nhưng thôi, nước đã chảy dưới cầu; tôi níu lại cũng chẳng được, nhưng mong rằng mấy dòng hồi ký này trong muôn một, tạ tấm lòng yêu say của N.M...
Xuân Diệu đi thi vào ngành thương chính
Đầu năm 1940, phủ toàn quyền mở cuộc thi tuyển một số tham tá ngành thương chính (nhà đoan), bằng cấp phải có để thi là bằng tú tài, hoặc bằng cử nhân.
Anh Xuân Diệu bàn với tôi: “Ta cứ đi thi xem sao, nếu đậu có được đồng lương để yên thân về cuộc sống, thì làm thơ mới thoải mái được, mới theo lý tưởng văn chương của mình được”. Anh Diệu có câu thơ được nhiều người nhắc đến:
Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ.
Thế rồi anh nộp đơn và anh đi thi. Đến ngày thi đến Sở đoan Trung ương (tức là trụ sở của Bảo tàng cách mạng Việt Nam) để thi thì anh gặp nhà thơ Vũ Đình Liên. Anh em vui gặp nhau, và hơi ngỡ ngàng có chút bùi ngùi. Hai anh mượn lời trong vở kịch Le Cid của Coócnây mà nói với nhau: “Xuân Diệu ơi có ai đó có thể nói là như thế này! - Vũ Đình Liên ơi có ai có thể ngờ là như thế này” (Qui l’eut -Qui l’eut cru?)
Về sau đó anh Vũ Đình Liên và anh Xuân Diệu đều trúng tuyển, anh Liên được bổ nhiệm làm tại Sở thương chính Hà Nội, còn anh Diệu thì phải đi làm tham tá tại Sở thương chánh Mỹ Tho (ngày nay là tỉnh Tiền Giang). Anh Diệu phải xa rời Hà Nội là một nỗi đau buồn, cho hai chúng tôi, nhưng cũng đành phải ra đi, vì “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Về sau tôi mới hiểu ra rằng, sở dĩ chính quyền thực dân Pháp lúc đó bổ nhiệm anh Diệu đi xa là vì chúng nghi rằng nhóm Ngày nay là một nhóm hoạt động cách mạng chống Pháp, chúng nó tách chia nhóm này được chừng nào hay chừng ấy cho chúng. Mà rõ ràng là ý đồ của chúng như vậy, vì chúng yêu cầu lệnh bổ nhiệm phải được thi hành ngay lập tức, không cho trì hoãn việc nhậm chức. Vừa rồi sau khi anh Diệu mất tôi có gặp lại anh Vũ Đình Liên và nhắc câu chuyện hai nhà thơ đi làm “Tây đoan”, anh Liên vẫn còn cười chua chát, và nói thêm “Nhưng cũng may có Cận, nên Diệu được sớm thoát cái cảnh khổ cực làm “tây đoan” này. Đau khổ của một thời cho kiếp nhà thơ!”.
Xuân Diệu đối với u Khang
Sau khi má anh Diệu mất, anh có nhờ một u già giúp việc tên là u Khang. U Khang có mấy người cháu làm việc ở Hà Nội, có thể nuôi dưỡng u, và do đó cũng nhờ u giúp đỡ trong việc gia đình. Nhưng sau khi tiếp xúc thì u Khang quyết định ở lại giúp anh Diệu trong việc bếp núc, trông coi chốn ăn ở cho anh. Công việc giúp anh Diệu chỉ là đi chợ, nấu ăn, quét dọn cái phòng anh làm việc. Mà ngay việc đi chợ, thì nhiều khi anh Diệu cũng đỡ phần cho u Khang, vì thỉnh thoảng anh cũng trực tiếp đi mua rau và nhất là đi mua thịt chó ở chợ Hàng Bè, hoặc ở phố Sinh Từ.
Còn giặt áo quần thì những áo mỏng như sơ mi, may ô anh mới nhờ u giặt, còn quần và áo dày thì anh tự giặt lấy, không nỡ phiền u. Anh Diệu đối xử với u Khang như là đối xử với mẹ đẻ, chăm lo từ miếng ăn cho đến chỗ ngủ, chiếc chiếu, cái chăn, chiếc khăn len trùm đầu, đôi tất ấm... Anh lại còn đưa tiền đều cho u Khang mua trầu, mua thuốc lào, vì u thỉnh thoảng cũng hút điếu thuốc lào, hoặc cho thuốc lào cùng nhai với trầu. Có được thức ăn gì ngon do bạn yêu thơ biếu trong những chuyến anh đi nói chuyện thơ, anh đều để phần cho u Khang. Mỗi khi u ốm đau, mà u cũng hay ốm vặt, anh lại lo thuốc thang chu tất, và dỗ u uống thuốc, như anh đã từng dỗ má anh. Anh có định làm một bài thơ đầu đề là “U Khang”, mà anh chưa kịp làm xong thì anh đã mất. Ý bài thơ anh có nói cho tôi biết: cuộc đời kiên nhẫn, chịu thương chịu khó tích luỹ từng chút an vui như u Khang. Anh thấy nơi u Khang một biểu hiện của sự sống, của cuộc sống trăm nghìn kiên nhẫn, trăm nghìn âu lo, trăm nghìn chăm chút cho hạnh phúc đơn sơ của con người. U Khang đã mất đi mấy năm trước khi anh mất, vậy mà đến lúc anh mất bài thơ vẫn chưa làm xong. Trong vô vàn ân hận của anh khi mất đi, chắc chắn có điều ân hận này. Khi u Khang đã đến ngày cải táng, thì anh cùng các người cháu của u chăm lo việc bốc mộ của u rất chu đáo, và anh cùng tôi đã đem tiểu sành của u về chôn tại quê nhà của u, bên cạnh những ngôi mộ của gia đình, trong tỉnh Hà Nam Ninh. Tấm lòng của anh Diệu đối với u Khang thật là như con đối với mẹ.
Vì sao anh Xuân Diệu phải đi làm tham tá Nhà đoan
Trong một trang nhật ký đề ngày 27-9-1939, anh có ghi “tôi đã đỗ tham tá tập sự ngành Đoan. Thoát dạy tư! Thoát những lo âu về cuộc sống hàng ngày”.
Nhưng trong quyển nhật ký viết ở Mỹ Tho, ở trang đề ngày 18-5-1940 anh lại ghi:
“Một bạn thân vừa trách tôi trong thư, những lời làm tôi sung sướng. Anh trách tôi sao lại đi làm, thiếu can đảm thì mới đi làm. Anh muốn tôi đừng bao giờ bỏ làm thi sĩ. Tôi sung sướng vì có một người nói thật, nói thẳng, họ nhắc cho tôi cái mệnh lớn của tôi.
Sao tôi lại đi làm? Nhiều cớ lắm.
Ở nhà bắt buộc, thúc giục, than thờ. Nếu nhà có tiền, tôi không cần nghe. Nhưng đây là một gia đình đã 50 năm quay trong cái vòng đau khổ, những người trong gia đình ấy, cha mẹ, má, em,... đều là những vai trong truyện “Cái vòng”. Tôi đi làm: có một ít tiền để cho những người đời ấy khỏi hèn mọn; có một ít tiền để cho họ bớt lo tính; họ là người đời, họ cần những của cải thông thường của đời. Nếu tôi không may đậu đi làm, thì hiện giờ họ còn khổ sở, chứ có đâu cái vui!
Những người ấy tôi thương yêu hết lòng, tội nghiệp cho mẹ, thầy, má, em; tôi phải chịu khó vì họ ít nữa là trong 5-6 năm đã. Không phải vì yếu, nhưng vì nhân đạo vì tôi thương những con người; những con người ấy mà thân thích tôi, nên tôi biết rõ cái khổ mà càng thương thêm.
Cớ thứ hai: Không làm việc ngoài thì phải làm văn, nghĩa là rút cục: làm báo. Cái tiền ấy khó ăn lắm. Được nó, cũng trải bao cái nhục. Lại còn cái khổ kéo cày. Tôi đã được biết một ít cái mặt trai của báo, của văn. Tôi muốn sổng cái văn, nhưng không muốn chen vào cái “đời văn”, có nhiều bỉ ổi. Bây giờ, tôi “ngoài vòng cương toả” kia, để trong vòng cương toả” này. Thà vậy, cái xấu trong đời, chịu được; chứ cái xấu trong ăn không nên chịu và không chịu được.
Chẳng qua cũng vì tình thế nước ta, nó ảnh hưởng luôn đến số phận của một thi sĩ. Nếu ở nước ta, viết văn chứ không làm báo mà sống đủ, thì tôi đã viết văn như văn sĩ Pháp, ra sách, rồi đủ ăn, nhưng ở nước ta, độc giả ít, cái bè đảng lại cần có lắm. Mà bè đảng nào - Tự lực văn đoàn, cái hội cao nhất ở nước Việt (về mặt văn chương) lại cũng là một cái hội báo. Tôi chen chân vào chỗ nào? Cái tiếng thì được, chứ cái miếng, đó là chuyện khác. Thôi, tôi cũng tại trời gởi tôi vào chỗ này. Gởi tạm để rồi tôi sẽ ra. Cũng vì sợ cái đời văn ở nước mình sống lăn sống lóc, viết bạ viết bừa, mà tôi vào cái đời bó buộc; tuy nó bó buộc, nhưng trong sạch, không có mánh khoé, không có lừa độc giả, không chạy theo sờ thích thiên hạ, cạnh tranh để mà sống.
Ở đời có toàn vẹn bao giờ! Tôi sợ chen vào làng báo thì chết cái hồn thơ, lẽ nào cái làng gãi giấy lại cũng giết được cái hồn thơ nữa. Thế thì tôi biết đi ngả nào để cứu hồn tôi? Rút cục, cái đáng phàn nàn, là tôi đi làm lại làm vào Nam Kỳ. Nêu ở Hà Nội hay Hải Phòng xứ rét, tôi quả quyết rằng tôi hoạt động hơn”.
Những năm tháng anh làm tham tá nhà Đoan ở Mỹ Tho cũng có những giờ phút tủi cực, có thể nói là tủi nhục nữa. Thỉnh thoảng thằng chủ Sở đoan tên là Soulage lại doạ đổi anh đi nơi khác, vì anh làm việc hơi tài tử, không vừa ý nó lắm.
Ngày 26-4-1940 anh lại ghi trong nhật ký:
“Làm việc suốt đời? Thế thì bao giờ mới sống. Tôi định làm đến 30 tuổi, cả tôi và Cận đều làm việc nhà nước, thì một người có thể xin thôi. Người nào khổ nhất chắc là tôi. Làm 6 năm, tôi gắng góp tiền; được bao nhiêu? Vào xứ này, nghe nói người ta tiêu một trăm ngàn như không, mà tủi quá! Mình cặm cụi một năm được chăng là một nghìn đồng! Mà chịu bao nhiêu ràng buộc.
Trong hai tháng nay, hầu như tôi quên là Xuân Diệu. Tôi ít được dịp ký cái tên chọc trời chữ ký của tôi ngắn lại cho tiện trên giấy má của Sở. Tự quên mình là thi sĩ, văn sĩ nghệ sĩ. Lẽ nào đến thế, ai ơi! Ở đây một thân mình, không kẻ đồng loại, không ai có một hoài bão với mình.
Hà Nội! Muôn lần thân yêu! Ngươi là nước, ta là cá, xa nước ta sống sao đặng. Nếu tôi không ra được cái vòng này. Làm sao trở về được Hà Nội. Tài tôi chưa cạn. Nhưng tâm trí không thư thái, thì biết làm sao! Hay là sự sáng tạo cần có trở lực. Tôi viết Thơ thơ lúc ở Huế đang phải học tú tài phần thứ hai. Bây giờ... còn hai bài trường ca, bao giờ viết xong. Nếu trong năm 1940, mà không xong thì nhục nhã lắm; thế sẽ tỏ rằng tôi bị thua cảnh ngộ.”
Ngày 10-5-1940, trong nhật ký anh lại ghi:
“Ông chủ lại doạ: đổi tôi đi. Thì đổi đi! Ai cần. Bây giờ chỉ có một cái va ly, và một cái hòm gỗ; dễ khuân lắm; đây lại muốn đi cho biết đó biết đây!
Mà tại tôi: cộng sai một con số, thành ra sai những mười ngàn lít rượu! Mỗi lần làm báo cáo về việc làm của cá nhân là mỗi lần tôi bị càu nhàu; hai tháng bị hai lần rồi, chắc còn những lần khác nữa.
Người khó tính thì bao giờ bằng lòng ai! Ngoài ra, chẳng có việc gì to lớn. Bây giờ nghèo, phải tòng quyền. Ít lâu có vốn, tôi sẽ liệu chứ! Thực vậy lòng tôi không yên một nơi nào cả; chỉ muốn lăn đi, dù không bám rêu cũng được.
Sống trong lo lắng, chết vì yên vui, nói cho đúng hơn: Lo lắng thì làm cho ta sống một trình độ cao, yên vui thì ta sống mà chết tinh thần. Phải có bị những cái nhăn nhó của bà mẹ chồng khắc nghiệt, tôi mới biết rằng nghề này chẳng vinh gì; tôi mới nhớ cảnh tôi mới tính bàn khôn dại”.
Tôi ít muốn tiêu tiền, càng đi làm, càng ít muốn tiêu. Thấy đi làm bằng cách nào mà đỡ thân. Vui sướng gì, vinh hạnh gì là tiêu pha! Cái tiền bị người ta cau có, ra mặt mới được, cái tiền ấy ta nên thu góp nó lại, đúc nó ra thành thuốc súng, thành sức mạnh, để sau này giúp ta. Bọn tiêu sài tiền lương, rút cục mắc luôn vào cái cùm; tháng nào xào tháng ấy, đã lúc hết nửa đời, vẫn còn tôi mọi. Khi có tiền thì dù không xin thôi cũng có thể vững chãi, kiêu hãnh, vì có thể thôi lúc nào cũng được. Không tiền phải bám cái khổ nhục mà sống!”
Trong nhật ký của anh Diệu không chỉ ghi những lời đau xót về cái cảnh đi làm công cho nhà Đoan. Mà phần chủ yếu là anh ghi những cảm nghĩ về cuộc đời những suy ngẫm về văn thơ của cha ông, của anh, của bạn anh. Nhiều trang rất hào hứng viết về những cảm nghĩ và suy ngẫm ấy. Trên đây tôi trích mấy đoạn nói về cái đau khổ, cái tủi nhục phải đi làm “Tây đoan” để nói lên cái việc anh đi làm tham tá là một việc vạn bất đắc dĩ đối với anh. Cho nên lúc tôi đậu kỹ sư canh nông và bắt đầu đi làm, có tiền lương (trong lúc đó tôi vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng bí mật), thì tôi mời anh về sống với tôi tại Hà Nội. Anh Diệu đánh điện cho tôi: “Diệu từ chức được chưa?”. Thì tôi trả lời tức khắc: “Từ chức ngay, và về ngay Hà Nội”. Vậy là đầu năm 1943 anh Diệu thôi làm Tây đoan, về Hà Nội cùng sống với tôi ở số nhà 61 Hàng Bông, hai người chung một đồng lương của tôi.
Thằng Soulage chủ sở đoan của anh Diệu, hay càu nhàu nhăn nhó với anh Diệu như vậy, mà anh cũng rất bực mình nó, có lần anh cãi to tiếng với nó, nên nó doạ đổi anh đi một nơi xa. Nhưng một mặt khác, anh lại thương hại nó, mà không phải chỉ thương hại mà có phần thương xót nó... Số là, thằng Soulage này sống không vợ con, hình như nó đã có một đời vợ mà sau đã li dị... Ở Mỹ Tho nó sống cô độc, ngoài công việc Sở, và thỉnh thoảng đi bắt rượu lậu ở các quận xung quanh, thì nó chỉ còn một trò tiêu khiển là chăm sóc con khỉ của nó. Con khỉ nó đặt tên là Nana. Nó chăm sóc con vật này như chăm sóc một con người, một con người thân thích. Có thể nói con Nana là đối tượng tâm sự, tâm tình của ông chủ Soulage. Anh Diệu đã nhận xét rất tỉ mỉ, rất sâu sắc cuộc sống của con vật này bên cạnh ông chủ, hay nói cho đúng hơn là bên cạnh người nhà của nó. Anh đã định viết một truyện ngắn lấy tên là “Thân em”, em đây là con khỉ Nana. Truyện ngắn không viết xong, nhưng còn lại hai trang trong di cảo của anh, tôi xin trích ra đây một đoạn để nói lên chủ nghĩa nhân đạo trong mạch văn của anh:
“Mỗi lần tôi nhớ đến con Nana, tôi lại thương đến thân liễu bồ của nó. Tôi lại tương tượng nấm mồ nho nhỏ nó nghỉ dưới gốc cây dừa ở Sở nhà đoan Mỹ Tho. Con Nana thoạt nhìn rất dễ sợ. Nó là một con khỉ đặc biệt, không biết đến từ rừng nào, núi nào. Ông Soulage người Tây già chủ nó mua ở đâu tôi chẳng biết. Người con Nana dong dỏng cao, mồm nó giô ra, hàm dưới nở, cái cằm to lắm, chẳng trách nó hét nhiều. Hai tay của Nana dài lòng thòng, gần chấm đất. Con Nana lông đen như mun vậy, dài và thưa hơn lông mèo. Người nó thấp nhỏ, nhưng mình dài, chân dài, hai cánh tay thật dài, cái gì cũng dài, cái ngón chân nó dài; còn tay nó thật là tay ngòi bút. Dáng người nó có thể nói là thướt tha.
Loài vật trong tiếng Việt Nam đều là giống cái hết. Bò, trâu, chim, ngựa tất cả đều gọi bằng “con”. Cho nên nghe gọi là con Nana, tôi chỉ biết nó là con khỉ mun. Một con vật, chứ nào có để ý nó là giống gì. Ai gọi con Nana là khỉ. Nó không có cái gì là khỉ cả. Nó là một con vật đi hai chân; chẳng có lúc nào nó chịu hạ mình mà đi bốn cẳng. Nó mặc một cái áo gi-lê bằng dạ xanh nước biển cài khuy phía trước sau cho ấm ngực, nó nhẹ nhàng một cách lạ. Nana nó có một tâm hồn... người Tây già chủ nó khi nói đến nó dùng ngôi thứ ba thì dùng “giống cái”. Nó là cô Nana; nó là thiếu nữ Nana. Cái tên dịu dịu xinh xinh; thật là tên con gái.
Cô Nana thật là xinh. Ừ, ừ Nana đẹp lắm, Nana đáng yêu lắm. Nana nó vuốt cái áo của nó với những ngón tay mềm mại. Nhưng tại sao lần đầu tiên gặp nó tôi sợ nó thế. Trông nó rất kinh. Tính hay sợ loài vật là một tính xoàng. Sợ loài vật tức là không biết cái địa vị của mình là con người, cái địa vị của người anh phải thương yêu những giống đàn em, là loài vật. Ông Soulage người chủ nhà đoan già là hiện thân của hồn thuộc địa. Người ông to lớn, hai hàm răng cằn khít lại. Ông ta nức tiếng là ông ác trong làng thương chính. Cả Sở nhà đoan run sợ khi ông ta đổi xuống Mỹ Tho. Tính ông già còn mạnh mẽ này là tính của một người không muốn cho ai hơn mình. Ông không thích cho người khác vui sướng. Có vui sướng thì phải vui sướng thua ông, hay là do ông ban cho cái sướng. Những biển Đại Tây dương Địa trung hải, Ấn Độ dương, Thái Bình dương đã từ làn sóng này đến làn sóng khác lăn một hình người xa lạ đến ở một tỉnh nhỏ này. Mặt trời nhiệt đới đã bạc tóc ông, ông đến đây để ngửi trên cát những cái gì là nhà đoan ở tỉnh này và các tỉnh lân cận. Ông Soulage không có ai ưa hết. Ngày ngày xong giờ làm việc ông lại lên trên lầu lủi thủi một mình. Ở bàn giấy ông làm vương làm tướng nhưng khi Sờ đóng cửa rồi, ông già lại trở lại là một người già. Xa nhà xa nước không vợ không con, không có gì giải trí ông lấy sự nanh ác làm một cái vui”
Sau đó anh Diệu định tả cái niềm an ủi duy nhất của ông là cái tình của ông đối với con Nana, và cái tình của con Nana đối với ông...