Tập 1-Q
Phụ lục: Xuân Diệu & tôi

Chúng tôi cùng chung một hoài bão thiết tha về văn hoá dân tộc, tâm niệm góp phần khiêm tốn của mình bồi đắp cho văn hoá nước nhà. Chúng tôi cùng một hoài vọng và quan niệm về thơ, là đi trên “con đường lớn của thơ: thơ của cuộc đời, thơ của con người”.
Huy Cận
Tôi cảm tạ cuộc đời đã độ lượng cho tôi một cuộc sống tình cảm đầy đủ, có cả tình yêu và tình bạn. Tình bạn chân chính thường hiếm, nó là thứ hương trầm toả từ những tâm hồn đồng điệu.
Anh Xuân Diệu đột ngột từ giã chúng ta ra đi ngày 18-12-1985, lúc chỉ còn mấy tháng nữa thì tròn năm mươi năm của tình bạn chúng tôi. Đã 10 năm không còn thể phách Xuân Diệu trên đời này, tôi xin ghi vi65i những chặng đường chính của đôi bạn Huy - Xuân.
Tựu trường năm 1936, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở trường “tú tài” Khải Định, Huế (Trường Quốc học cũ), anh Diệu (ở Hà nội về) học năm thứ ba, tôi vào học năm thứ nhất. Hai đứa đọc thơ cho nhau nghe, và “đồng thanh tương ứng”, kết bạn với nhau gần như tức khắc. Tình bạn của chúng tôi, ngay từ lúc đó, không chỉ đóng khung trong địa hạt văn chương. Tháng 4-1937, trong trường có cuộc vận động đón Gôđa đại diện của Chính phủ mặt trận Bình dân Pháp đến Huế. Anh Diệu cầm đầu đám học sinh ba lớp tú tài đi đón. Tôi còn nhớ rõ anh Diệu bảo người gác cổng trường khoá cổng lại, không cho những kẻ nhút nhát rút lui về. Sau cuộc đón ấy, anh Diệu, tôi và một số anh em khác bị cắt học bổng, suýt nữa thì bị đuổi học.
Tựu trường năm 1937 anh Diệu ra Hà nội học trường Luật và viết báo “Ngày nay”, tôi học năm thứ hai ban tú tài, làm gia sư ở một nhà hàng tuần và tôi gửi cho Diệu những bài thơ tôi vừa làm xong.
Tết năm Dần 1938, bài “Chiều xưa” của tôi được đăng cùng trong một khung với bài “Cảm xúc” của Xuân Diệu trên báo “Ngày nay”. Tết đó tôi từ Huế ra chơi với Diệu ở Hà nội, lần đầu tiên tôi làm quen với đất nghìn năm văn vật, và lúc trở về Huế mang theo một cành đào. Hè 1938, tôi ra sống với Diệu ở chân đê Yên Phụ. Ở đó Diệu viết truyện “Cái giường”, một số bài thơ, còn tôi thì viết “Buồn đêm mưa”, “Trông lên”, “Đi giữa đường thơm” và mấy bài khác. Hè 1939, Diệu viết bài giới thiệu thơ Huy Cận: sau một năm, tôi đã có thơ đăng đều đều trên báo “Ngày nay”. Tựu trường năm 1939, sau khi đậu tú tài toàn phần, tôi dạy tư hai tháng ở Vinh và tháng 10 ra Hà nội học Trường cao đẳng Nông Lâm. Diệu tiếp tục học Luật và dạy văn ở trường Thăng Long. Hai chúng tôi cùng sống ở căn gác nhà số 40 Hàng Than (“Phố không cây thôi sầu biết bao chừng”), ở tầng dưới là anh Lưu Trọng Lư. Chúng tôi dành dụm tiền học bổng và tiền lương dạy học để cho tái bản tập “Thơ thơ” và chọn dòng chữ “Huy - Xuân xuất bản” lên sách.
Đầu năm 1940, Diệu đi làm tham tá thương chánh ở Mỹ Tho, vì kế sinh nhai (“Cơm áo không đùa với khách thơ”), cũng như tôi học cao đẳng Nông Lâm là cốt để có nghề tay trái. Chúng tôi tạm sống xa nhau, buồn đứt ruột, hằng tuần viết thư cho nhau, có tuần hai, ba lá thư. Từ cuối năm 1941, tôi đã tham gia hoạt động Việt Minh, nhưng chưa có dịp cho Diệu biết. Diệu thì chờ tôi đậu kỹ sư là “cuốn gói” trở về Hà nội. Hè 1942 tôi đậu kỹ sư canh nông và cuối năm bắt đầu đi làm ở Sở Nghiên cứu Tầm tang. Diệu điện hỏi tôi: “Diệu từ chức được chưa?”, tôi điện trả lời: “Từ chức ngay! Về ngay Hà nội!”. Chúng tôi sống trên gác phố Hàng Bông (số nhà 61), tiếp tục làm thơ, làm “Nhà xuất bản Huy - Xuân”. Thời kỳ này (cuối năm 1942), tôi hướng dẫn anh Diệu vào con đường hoạt động bí mật (trong Việt Minh và trong Đảng Dân Chủ). Cuối năm 1944, Diệu về thăm quê ở Can Lộc (Hà Tĩnh), về thăm gia đình tôi ở xã An Phú. Anh rất bí mật nói với mẹ tôi: “Anh Cận hoạt động cách mạng rồi bà ạ. Nếu cách mạng thành công thì không nói làm gì; nếu có điều gì chẳng may, thì con sẽ thay anh Cận cùng bà lo việc gia đình”. Mẹ tôi ứa nước mắt và anh Diệu đã giúp mẹ tôi một số tiền để trả nợ. Cuối tháng 7-1945, tôi đi dự Quốc Dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), thì Diệu ở lại Hà nội, “giữ nhà”. Cách mạng tháng Tám thành công, chúng tôi chuyển về ở nhà số 50 phố Hai Bà Trưng (đằng sau Thư viện Quốc gia), Diệu hăng say hoạt động trong Hội Văn Hoá cứu quốc, tôi thì phụ trách công tác ở Bộ Canh nông và ở Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chúng tôi vào Hà Đông rồi lên Việt Bắc, tôi ở ATK (An toàn khu) của Chính phủ, Diệu ở Lục Giả, rồi ở Thanh Cù, làm báo Văn nghệ, nhưng cứ khoảng một tháng một lần, Diệu vai mang ba lô đi xe đạp và đi bộ về gặp tôi ở ATK. Lại những buổi thơ giữa sương đêm của rừng Việt Bắc. Cũng ở trong rừng Việt Bắc những năm đầu kháng chiến cả hai chúng tôi được kết nạp Đảng. Giải phóng miền Bắc chúng tôi về Hà nội, được bố trí ở nhà số 24 đường Cột Cờ, nay là phố Điện Biên Phủ. Chúng tôi lại hăng say công tác, hào hứng làm thơ, “đi thực tế”. Những năm chống Mỹ, cứu nước, hai đứa hơn mười lần đi Khu Bốn khói lửa, nhiều lần suýt chết dọc đường vì bom Mỹ. Dọc đường, chúng tôi đọc thơ cho bộ đội, cho dân công nghe, sống cuộc đời chiến sĩ, trong không khí hào hùng của đất nước. Giải phóng Sài gòn, Giải phóng Miền Nam, chúng tôi lại hăng say “đi thực tế” ở đồng bằng sông Cửu Long, ở Tây Nguyên, ở Khu Năm “Khúc ruột miền Trung”, nhất là Xuân Diệu ham đi miền Nam mà anh đã hiểu biết và mến thương nhiều từ trước. Và Diệu đi bình thơ, có tới gần một nghìn cuộc bình thơ cho đến ngày Diệu mất. Còn ở ngôi nhà số 24 Điện Biên Phủ thì:
“Đêm đêm trên gác đèn chong,
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay.
Dưới nhà bút chẳng rời tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ.
Bạn từ lúc tuổi còn tơ,
Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong.
Ánh đèn trên gác, dưới phòng.
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời”.
Chúng tôi cùng chung một hoài bão thiết tha về văn hoá dân tộc, tâmniệm góp phần khiêm tốn của mình bồi đắp cho văn hoá nước nhà. Chính theo tinh thần ấy mà gần suốt 30 năm, anh Diệu đã cặm cụi viết bộ sách đồ sộ “Các nhà thơ cổ điển Việt nam”. Chúng tôi cùng một hoài vọng và quan niệm về thơ, là đi trên “con đường lớn thơ: thơ của cuộc đời, thơ của con người”. Chúng tôi dùi mài học thơ cha ông, tiếp nhận chủ nghĩa nhân bản sâu sắc của cha ông, đồng thời học văn hoá cổ của phương Đông, Trung Quốc, Ấn Độ, và học văn chương phương Tây từ thời cổ cho đến hiện đại, đặc biệt là tâm đắc văn học thời Phục hưng và văn hoá thế kỷ 20. Không chỉ học văn hoá Pháp, mỗi chúng tôi đều có hai quê hương. Anh Diệu thì quê nội ở Hà Tĩnh, quê ngoại ở Bình Định (“Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong”). Tôi quê ở Hà Tĩnh, nhưng học 10 năm ở Huế (từ 10 đến 20 tuổi) nên Huế là quê hương thứ hai của tôi. Hai quê hương của Xuân Diệu, Huy Cận bổ sung cho nhau và cho mỗi chúng tôi hồn thơ đa dạng trong cái hồn thơ chung bám gốc dân tộc.
Cuộc sống và thơ đã cho tôi người bạn thân thiết nhất, cho tôi tâm hồn tri kỷ, tấm lòng tri âm nơi Xuân Diệu. Chúng tôi sống giữa đời như anh em sinh đôi, nhưng bản lĩnh và phong cách văn chương thì rất khác hẳn nhau, khác nhau mà bổ sung cho nhau thành một “quả đôi”. Anh Diệu ra đi mà chưa kịp viết hồi ký, chỉ để lại cái tên “Tôi cảm tạ cuộc đời” cho tập kỷ niệm đang chuẩn bị viết. Xuân mất đi, còn lại Huy. Tôi đang viết hồi ký chung cho cả hai người với nhan đề là “Hồi ký song đôi”. Anh Tịnh Hà (em ruột Xuân Diệu), các anh Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân sanh, Tế Hanh và nhiều bạn thân khác của chúng tôi giúp tôi viết đầy đủ về đời và đời thơ của anh Xuân Diệu.
Tôi nhớ lại: một tháng trước khi Diệu mất, một buổi chiều, Diệu ngồi trệt giữa phòng nói với tôi: “Trong hai đứa mình, đứa nào chết trước là sướng, đứanào ở lại sau chắc khổ lắm”. Tôi nghe, lặng người đi, không dám nói câu gì. Tôi cảm thấy nỗi đau trong lòng Diệu khi thốt ra câu đó. Nào ngờ đó là lời trối trăng của Diệu cho tôi. Quả thật, sau đám tang của Diệu, liền trong nửa năm, tôi nghe trong người tôi, trong tâm hồn tôi như hẫng đi, và thấy như cuộc đời hư lãng. Và rất nhiều lần Diệu về gặp tôi trong chiêm bao, cả lúc tôi ngủ trên máy bay đi công tác xa. Ngày Diệu mất, lúc 7 giờ 40 phút ở Hà nội thì đúng lúc ấy ở Dakar (Sénégal) là 12g40’ trưa, tôi bị xuất huyết nặng. Thần giao cách cảm: nhân điện của Diệu truyền thông cho tôi giây phút ấy. Ngày 19-12-1985, về đến Paris được Sứ quán ta báo tin Diệu mất, tôi sửng sốt, bàng hoàng, máu vẫn chảy vì xuất huyết nặng ở mũi. Tôi và con tôi (cháu Vũ) trong cơn đau đớn, cố trấn tĩnh để đi đổi vé máy bay về cho kịp đám tang, nhưng ngày 23 tôi về thì đã chôn Diệu ngày 21 rồi. Từ Paris tôi đánh 10 bức điện về Hà nội (cho Hội nhà văn, cho Liên Hiệp văn học nghệ thuật, cho Bộ văn hoá, cho anh Tố Hữu..) đề nghị chờ tôi về hãy chôn bạn tôi, nhưng không kịp.
Nửa thế kỷ tình bạn, nói sao cho xiết! Diệu ơi, ở thế giới bên kia Diệu có còn nghe chăng Cận kể chuyện Huy - Xuân trong hơi thở ấm nồng của tiếng Việt, tiếng Việt mà chúng ta đã yêu tha thiết, yêu da diết như chính hồn của dân tộc, như chính hồn của mỗi chúng ta...
Xin tặng độc giả bảy bài thơ về tình bạn Huy - Xuân của tôi.
DIỆU ƠI, DIỆU ĐÃ VỀ YÊN TỊNH
Diệu ơi, Diệu đã về Yên tịnh
Cận hãy còn đây trăm xốn xang
Cận mới về thăm quê Nghệ Tĩnh
Gặp tuần trăng sáng ngẩn ngơ trăng.
Cận ra Thanh hoá nằm bên bờ biển
Biển lại dồn xao không phút ngưng
Diệu đã đi xa về tới bến
Cận đang biển động sóng lừng dâng.
“Hồi ký song đôi” đang viết dở
Hai chương tuổi nhỏ chép xong rồi.
Đời ta trang khép, còn trang mở
Cận viết đầy trang, tay mới xuôi.
Biển lớn băng qua ấy biển đời
Biển vào vũ trụ ánh sao mời
Diệu dò thế giới bên kia trước
Khỏi lạ đường khi Cận tới nơi.
(Sầm Sơn 27-7-1986)
BÀI THƠ MẢNH VẢI
Diệu ở Mỹ Tho gửi thư cho tôi nói sẽ mua vải gửi ra cho tôi may bộ quần áo mùa hè. Tôi đáp lại bằng thư - thơ sau đây:
Cảm lòng ôm ấp phương xa
Nỗi niềm thương nhớ vì ta trải bày
Vải cầm mảnh nhỏ trong tay
Lòng kia dệt ấm trời mây mấy trùng.
Mở thư một sáng lạnh lùng
Hai chiều vải dệt tao phùng Huy - Xuân.
Dọc ngang tơ chỉ sát gần
Đi về mấy dạo hai thân một hồn.
Một mai ta chết xin chôn
Hai ta sát cạnh xương luồn qua xương
Đất già lạnh toát đêm trường
Huy - Xuân nằm dệt tấm thương muôn đời.
Mắt này gửi liễu đâm tươi.
Môi này lại mượn chim cười giao duyên.
Huy Cận
(Hà nội mùa thu 1942)
VIẾNG MỘ DIỆU
Lạnh lắm trời ơi! lạnh lắm không?
Cận về không kịp, chỉ còn trông
Đất vàng một nấm hoa vừa héo
Nằm một, giờ đây Diệu lạnh lùng.
Năm mươi năm trước thuở ra đời
Thơ của Huy Xuân trái kết đôi
Tình bạn Huy Xuân đời ấm áp
Tiếng ai thăm hỏi: Xuân đâu rồi?
Xuân vẫn còn đây, Xuân ở đây
Xuân đi, Xuân lại cắm đời này
Dọc đường tiễn Diệu về an nghỉ
Nghìn vạn bà con mắt lệ đầy.
24-12-1985
Huy Cận
Chiêm bao thấy Diệu
Trên đường công tác phương xa
Nửa đêm gặp Diệu, lại là chiêm bao!
Diệu rằng: “Tuyển tập ra sao?
Phải tay Diệu chọn cho dào mạch thơ”
Diệu ơi! Mới đó, đôi bờ
Âm dương đã cách, bao giờ lại chung?
Huy Xuân một cuộc tao phùng
Nửa trăm năm chửa thoả lòng tri âm
Hẹn cùng trời đất ta nằm
Bên nhau cho khỏi lạnh dằm Xuân ơi!
Bấy giờ liễu sẽ đâm tươi
Môi tàn lại mượn chim cười giao duyên
.
(Trên máy bay từ TP. Hồ Chí Minh đi Paris, đêm ngay 13, rạng ngày 14-2-1986).
Huy Cận.
Nằm bệnh viện, gửi Diệu
Tập đi tập đứng lại yên ngồi
Số một thân ta báo động rồi
Cận hứa từ đây thôi ỷ sức
Gắng theo hết thế kỷ hai mươi.
Cái dạ yêu đời không thể can:
Đàn bầu dây đã vặn lên cần
Hễ đời chạm đến liền vang động
Một tiếng vê là vạn tiếng ngân.
Hai đứa rồi ra nghĩ cũng kỳ
Thương nhau hơn ruột thịt dường ni
Mà đàn mỗi đứa riêng âm sắc,
Cuộc sống muôn màu lặp lại chi!
Không lặp trùng nhau, nhưng cảm nhau
Tử Kỳ xưa chết, Bá Nha sầu.
Nhưng ta hai đứa cầm đàn vững,
Xã hội tri âm, đàn lắng sâu.
Yêu bạn, Mông-te tự giải lời:
“Bởi vì là bạn, vì là tôi”
Vì là Diệu, Cận nên ta đã
Quyện với nhau làm một trái đôi.
Bệnh viện Việt Xô, Ngày 5-12-1974
Tặng khăn
Chiếc khăn đầm lệ cho Xuân
Lệ non sông, lệ trầm luân một nguồn
Mắt Huy trút một kiếp buồn
Xuân cầm mảnh vải sờ khuôn mặt sầu
Vải sờn từng ấp xương đau
Lòng tan trăm bận khăn nhàu là đây
1942
Huy Cận