Tập 1- O

Truyền đơn cộng sản
Một buổi tối dạo chơi trước nhà, tôi lượm được một tờ giấy trắng khổ vở học trò, in thạch, gấp làm tư nằm vệ đường. Tôi cầm tờ giấy chạy vội vào nhà la lên: Anh em ơi, có cái này lạ lắm!
Các bạn học trò ăn cơm tháng nhà tôi có anh Vi Cam học lớp đệ nhị, người Quảng Nam, dựt lấy tờ truyền đơn và mở ra đọc:
“Hỡi quốc dân đồng bào.
Thợ thuyền công nông đoàn kết đánh đổ bè lũ đến quốc thực dân Pháp và phong kiến thối nát...
Học trò xúm lại. Ai cũng nghe. Tôi cũng nghe và rất khoái. Có anh T. Đang làm bài., tay run bẩy bầy, mặt tái lét.
Thầy tôi nghe ồn ào phía trong phòng học, chạy ra, khi biết rõ sự việc, thầy tôi dựt lấy tờ truyền đơn kê vào bóng đèn dầu đốt liền. Nghe nói tờ truyền đơn do tôi đưa ra, thầy tôi nắm tay tôi lôi vào nhà sau quát mắng, rồi quật cho tôi một trận đòn cháy da bằng dây nịt, căn dặn từ nay không được lượm “cái gì” ngoài đường đem về nhà.
Nhân vụ này, tôi bỗng nhớ lại, tôi có người anh họ tên là Trần C. học năm thứ ba thành chung trường Qui Nhơn bị bắt và đã đi tù vì có dính líu đến vụ ném truyền đơn trong nhà trường.
Vụ nữa, là anh Nguyễn X. V. cháu nội bà tôi, cũng bị bắt đi tù vì tội theo cộng sản phá rối trị an... Tôi có gặp anh V. Một lần tại Gò Bồi, ở nhà bà nội. Lúc đó nghe nói anh vừa đi tù về và đang bị quản thúc ở làng Tùng Giản, đầu tóc anh rụng gần hết, da mặt bủng rè. Anh mặc áo dài trắng, chân đi guốc gỗ trắng, gầy guộc, nhưng đôi mắt rất sáng, nhìn thẳng, miệng lúc nào cũng cười... Các cậu tôi không ai dám lên phủ Tuy Phước bảo lãnh nhận anh về, vì sợ liên luỵ gia đình, buộc lòng bà tôi phải lên phủ nhận anh về.
Quan phủ hỏi: “Sao bà bá hộ lại đi nhận?”
Bà ngoại tôi là bá hộ duy nhất Vạn Gò Bồi, vì bà ngoại có ghe bầu, vựa nước mắm và ruộng đất. Bà tôi lấy trầu ăn, bình tĩnh đáp:
- Bẩm quan phủ, nó là cháu nội tôi. Cha mẹ nó chết hết, vậy tôi xin quan phủ cho phép tôi được nhận nó về, tôi xin chịu trách nhiệm về việc làm của nó sau này...
Quan phủ gõ gõ cây bút lông trên bàn... rồi cho lính ra gọi xã trưởng làng Tùng Giản vào. Xã trưởng nói vòng vo một chặp. Đoạn, Nguyễn X. V. Được mời từ lao xá lên. Quan phủ đăm đăm nhìn người tù chính trị, suy nghĩ một lúc, chậm rãi nói:
- Thầy về (vì anh V. là hương sư trường làng). Bà bá hộ đã nhận lãnh. Thầy về nghỉ ngơi, an dưỡng và đừng nghe lời xằng bậy của bọn khiêu khích...
Lúc ra về, bà ngoại tôi không quên đặt một phong bì dày cộm trên bàn Quan phủ để đền ơn về việc nhận lãnh anh V., người hoạt động cộng sản những năm 1930.
Tôi xa anh V. Một thời gian dài. Chấm dứt cuộc kháng chiến chống Pháp, anh V. Được lệnh đi Qui Nhơn xuống tàu tập kết ra Bắc. Còn anh T. C. Thì nay đã chết rồi...
Bài học cuối cùng của em tôi
Lúc tôi ra Huế học ít lâu, bỗng một hôm nhận được một bức thư của em tôi. Địa chỉ: XD Lycée Khải Định, Huế.
Em tôi viết thư dài đến tận bốn tờ giấy lớn. Nó nói nó đã thôi học luôn. Không hy vọng trở lại trường. Lý do: giờ địa lý. Vì nó không có tiền mua quyển Géographie Foncyn (Địa lý do Foncyn biên soạn) nên thường bị điểm không. Thầy Phạm Trường Xuân chú ý, nên tới giờ thầy Xuân là bị kêu lên bảng rồi đi phạt suốt những ngày chủ nhật. Nó bị phạt thì không ai làm việc nhà. Mẹ tôi la. Thầy tôi đánh mắng, khiến em tôi lo sợ. Buồn quá nó không biết tỏ nỗi lòng cùng ai. Rồi có một hôm ông Tú Thọ, thầy tôi dạy chữ Hán tại trường Qui Nhơn, tới dạy giờ tiếp mở sổ ra xem, thấy em tôi bị zéro, liền cáu tiết gọi lên bảng, rồi không hỏi gì, ông cầm ngay cái giẻ chùi bảng đánh và mặt em tôi một cái rất mạnh, tấm giẻ rớt, mặt mày em tôi lem luốc như một thằng hề, học trò thương hại không ai cười, nhưng em tôi xấu hổ quá lấy vạt áo dài lau mặt qua loa, rồi chạy ra phía sau cổng biến mất. Nó vĩnh viễn xa trường Qui Nhơn từ đó...
Tôi biết nó sẽ bị đói rách dài ngày vì còn nhỏ quá, sức đâu lao động nổi để kiếm cơm sống qua ngày, khiến tôi buồn suốt mấy tuần lễ, giận nhà, tức em tôi, nhưng rồi vì lo bài vở học thi nên nguôi dần...
Cách đó vài tháng, tôi lại được một thư nữa, nó nói đã có việc làm, hàng ngày nó đội cá ngoài biển cho những người dân chài, người ta trả công bằng cá, nó đem vô chợ bán có tiền đủ mua cơm ăn, - nhưng nó đặc biệt, khuyên tôi đừng buồn, cứ tin hoàn cảnh nào anh em Diệu cũng sống được...
Rồi tôi may mắn gặp được Huy Cận, kết bạn, để chia sẻ nỗi buồn, tôi có viết một truyện ngắn đăng báo Ngày nay: Thằng ăn mày.
Tội nghiệp! “Thằng ăn mày” là em tôi. Không hiểu “Thằng ăn mày” bấy giờ còn ở Qui Nhơn hay lưu lạc phương nào. Một trưa hè, tôi đứng trong sân trường cảm thấy nhớ Qui Nhơn và em tôi một cách lạ lùng:
Rưng rưng hoa phượng màu thương nhớ...
(Thơ Huy Cận trong Lửa Thiêng)
Trong thư nó cho tôi biết rằng: Núi Xuân Quang có rừng thông có rất nhiều cây thị. Vào đó không sợ chết đói, vì thị chín rất nhiều. Nó ăn Tết trong rừng thị, rồi “tịch”(1) luôn ở đó.
Xuân Quang cách thành phố Qui Nhơn chừng mười cây số đường chim bay.
Thảm cảnh của em tôi là nằm ăn trái thị đón xuân sang rồi chết luôn ở đấy ư?
Chú thích:
(1) tiếng nhà Phật là chết
Người bạn tâm giao của thầy tôi
Ông Tú Huế, người ta gọi ông như thế. Ông từ Huế vào Qui Nhơn đã năm năm, làm nghề bốc thuốc nam và dạy trẻ em học chữ nghĩa. Lúc bấy giờ, cha mẹ thích cho con học tiếng Pháp, để may ra học giỏi, đậu cao thì làm thầy thông, ông phán, quan tham, tệ ra cũng làm được một chú long-toong (planton) hoặc người đưa thư trong thành phố.
Phần nhiều, người ta đã vứt chiếc áo dài, khăn xếp, để mặc tây, duy chỉ ông còn giữ lại cái áo the thâm tàn, cái khăn xếp, và đôi giày hạ đã vẹt gót.
Tôi học đệ tứ thành chung cũng là bạn gái áo dài với ông, nhưng khác ông là cái mũ và đôi guốc gỗ trắng nhẹ. Thầy tôi thì có lúc mặc tây, lúc mặc ta, nhưng mặc áo quần tây hay ta, thầy tôi vẫn sang trọng.
Ông Tú Huế đến ở nhà tôi đã trót năm. Lý do: dạy em Như tôi học chữ Hán. Thầy tôi đối xử với ông rất tử tế, trà, thuốc, cơm nước đàng hoàng.
Số là trước đó, luc tôi lưu trú trong trường tôi bị cảm thương hàn nặng, thầy tôi sợ tôi chết, vì tôi thường bị ướp nước đá, ướp nước đá có nghĩa là suốt ngày treo bịch đá trên trán người bệnh. Tôi nằm được năm ngày, thầy tôi xuống nhà thương đem tôi về. Bệnh đã bắt đầu trầm trọng. Người ta mách với thầy tôi rằng trong xóm Động có một ông thầy người Quảng Trị chữa bệnh thương hàn rất hay, khắp nơi người ta mời ông vì ông bốc thuốc cho thân chủ chỉ năm mười thang là khỏi bệnh. Thầy tôi xem toa thuốc của ông thì chỉ thấy độc vị “Phụ Tử” là chính, vì vậy mà người ta đồn ông là thầy “Phụ tử”.
Uống thuốc ông, tôi ngày một thuyên giảm bệnh. Ông bốc thuốc cho mười thang nữa là tôi lành bệnh hẳn. Tôi đã bắt đầu ăn cháo và bạn bè đến thăm, tôi đã ngồi dậy tiếp chuyện được.
Thầy tôi trọng đãi ông “Thầy phụ tử” như một vị khách. Khi khỏi hẳn, tôi trở lại trường học ôn bài để chuẩn bị thi thành chung.
Chủ nhật trở về thăm gia đình, tôi thấy thầy tôi vác về cả đống sách thuốc và thầy tôi bắt đầu nghiên cứu các vị thuốc...
Ngày thi lấy bằng thành chung đã đến. Thi viết tại Qui Nhơn, thi vấn đáp phải ra Huế. Tôi đậu Thành chung rất mừng. Cả nhà vui. Thầy tôi rất hãnh diện với bà con thành phố.
Thế là sau đó, thầy tôi chính thức làm thầy thuốc bắc, ban đầu bốc thuốc cho những người thân quen biết, sau lan truyền cả thành phố và nông thôn vùng phụ cận, nhà ai có người đau đầu rước thầy tôi xem mạch và cho toa. Tiếng tăm ông Tú Thọ thầy thuốc bắc, nổi như cồn.
Những lúc bưng nước lên nhà trên cho ông Tú Huế, tôi thường nghe em Như tôi vừa tập viết chữ Hán vừa lẩm nhẩm đọc:
Hoàng kỳ tánh ôn
Thâu hàn cố biểu
Thúc sản sanh cơ
Khí hư mạc thiểu...
Mùa hè năm ấy, vợ ông Tổng giám thị trường Qui Nhơn mất. Học trò lớn, nhỏ được nghỉ một ngày để chuẩn bị đưa người quá cố đến nơi yên nghỉ cuối cùng.
Thầy tôi được các giáo sư trường tới nhờ cho câu đối phúng diếu. Nhiều và vô cùng vất vả. Tôi và các bạn tôi mài mực cho thầy tôi viết câu đối đến mỏi nhừ cả tay...
Đến lượt mấy bà bạn của bà Tổng Gíam thị, gồm vợ các giáo sư, vợ công chưa các công sở trong thành phố đến nhờ thầy tôi cho chữ một câu đối phúng điếu.
Đã xế trưa, thầy tôi thấm mệt đang dùng trà giải lao, bỗng nghĩ ra một ý hay, thầy tôi mỉm cười và vỗ đùi nói:
- Thầy trợ, nhờ thầy nghĩ hộ một câu đối cho mấy bà...
Ông Tú Huế khoan thai vuốt chòm râu mép, xốc lại áo dài, kéo một hơi thuốc lào thật kêu, lúc thả cần thuốc, nét mặt ông rạng rỡ, vỗ trán mấy cái nhè nhẹ, ứng khẩu đọc lên câu đối nôm:
- Mới đây một mảnh gương trong
Bầu bạn chị em đều mến đức.
- Chi vội ngàn năm bóng khuất
Bà con bác mẹ luống đau lòng”.
Thầy tôi khen hay, cô giáo dạy trường nữ học Qui Nhơn, lấy khăn lau nước mắt...
Rồi ông Tú Huế giục ông đưa nghiên mực Tàu sang phía phải, ông đưa ngòi bút lông cỡ bự (thức dùng viết liễn) lướt trên khung vải trắng chúc bâu; nét chữ rồng bay phượng múa thật sắc, và dáng vẻ tự hào, nét mặt ông Tú Huế rạng rỡ hả hê chưa từng thấy...
Cái nghề không bao giờ khá được
Thầy tôi thuê nhà ông Chín Cưỡng, mỗi tháng trả sáu đồng.
Ông Chín Cưỡng lai Tàu, lúc bấy giờ độ trên bốn mươi tuổi, không làm gì, ông chỉ ở nhà đánh bài, cho thuê nhà, cầm vàng và hút thuốc phiện.
Anh của ông là ông Bảy Cu, khoảng 60 tuổi, cao lêu đêu, gầy ốm, làm nghề gá bạc. Ông Bảy bán thuốc xác cho dân nghiền cùng cực, và cũng đặt bàn đèn hút.
Ông Chín Cưỡng có trồng trong vườn một cây khế ngọt của ông. Tôi ghét ông, nhưng rất thích những trái khế ngọt của ông. Độ mười một giờ đi học về, tôi hay ra vườn hái khế. Phải thật thà mà nói rằng, nhà ông không ai thèm ăn khế; nhà giàu, ông cũng không thèm hái khế bán. Khế rụng đầy gốc. Bữa nào ra vườn xui xẻo gặp ông, ông không nói gì, nhưng cái nhìn của ông thật đáng sợ, hai con mắt sâu đầy tròng trắng chăm chú nhìn tôi, khiến tôi đang cầm trái khế trong tay mà run lên cầm cập như phát sốt.
Và ông Bảy Cu khó tánh, đến nỗi ai đến xách nước nhà ông, vô ý để gàu thiếc va vào thành giếng, là ông ỷ thế giàu chửi mắng thậm tệ. Trẻ con thì khỏi nói, cấm tiệt lảng vảng trước cửa ông. Trong xóm có thằng Kèn lại ra dùng ná thun bắn vào cửa ông, rồi biến mất. Ông đội mũ, mặc áo vào, tức giận đi tìm... nhưng không đứa nào chịu chỉ “chính danh thủ phạm”, dù nhiều khi ông ta cầm hào bạc giơ lên, tay huơ huơ dụ bọn trẻ con tìm hộ.
Tụi bạc bịp tay em của ông Chín Cưỡng rất đông, Sáu Gạo, Hải Tiểu... là những tên cò mồi nguy hiểm. Mấy ông nhà giàu, lý hương các xã miệt An Nhơn, Thiều Quang... xuống Qui Nhơn nạp thuế hay cất hàng, chẳng may sà vào các sòng bạc do ông và tay em tổ chức, thì có nước xách dù nhịn đói về không.
Nó là thế này: Dân các vùng quê tôi có máu mê đánh bong đôi. Bong đôi là hai đồng tiền bong vụ, lấy bát úp lại, mở bát ra chẵn hay lẻ là ăn thua. Đó là nói đánh ngay thật, đỏ đen. Còn bọn cò mồi bạc bịp, bong đôi là cặp tiền mài, cạnh của mỗi đồng tiền trét a dao, chẵn là tiền đi êm, còn lẻ thì tiền hai tiếng kêu trong bát không đều.
Sở dĩ tôi biết được việc này là do anh Chúc, người ở lâu năm nấu ăn tín cẩn của ông Chín Cưỡng nói lại.
Còn ông Bảy Cu thì gá bài, cù rủ mấy bà, mấy cô, mê bài bạc đánh tứ sắc, lắm người bán cả vàng vòng, đem thân dâng hiến cho người giàu có vì thua bạc.
Sáu Gạo và Hai Tiểu đi vòng ngoài coi lính và câu mồi cho ông Chín Cưỡng. Rồi đêm đến, tại nhà ông, các công chức có máu mặt như bác sĩ K., giáo sư T., trợ giáo L., thừa phái S... Đánh xì phế suốt đêm, thua bài bạc mặt... và sau đó những trò gì sẽ xảy ra ở bệnh viện nhà nước, ở công trường, ở các trường học trong ngày...
Sáu Gạo những ngày không tổ chức sòng bạc thì vào nằm với những bọn gái điếm xóm Động, Hai Tiểu đi chạy hàng lậu cho các thương gia thành phố.
Họ làm ăn hốt tiền như vậy, mà không hiểu sao, khi Nhật tới làm ăn buôn bán với Nhật thế nào mà bị sạt nghiệp. Bọn con buôn từ Hà nội vào tráo tiền giả. Sau đó họ buôn vàng lại vớ phải hàng giả từ Thượng Hải đem qua. Hiến binh Nhật nổi cáu vung gươm ra, vậy là bè lũ Chín Cưỡng đi đời.
Thầy tôi vẫn thường nói: “Cái nghề không lương thiện, bóc lột, dối trá, nghề này xưa nay có khá được bao giờ!”.