Phần 29

Vẹo cột sống
Vẹo cột sống là một tật, một triệu chứng lâm sàng, không phải là một bệnh. Sự phân biệt bước đầu này rất quan trọng giúp chúng ta hiểu đúng đắn loại biến dạng này của cột sống.
Vẹo cột sống nơi thanh thiếu niên có thể từ nhẹ đến nặng. Các trường hợp nặng có thể đưa đến biến dạng lồng ngực, ảnh hưởng chức năng phổi, chức năng tim mạch và ảnh hưởng đến tính mạng. Vẹo cột sống là loại biến dạng khó chữa nhất trong các bệnh cột sống.
Nhìn thẳng cột sống từ sau ra trước, ta có thể quan sát các biến dạng cột sống, gọi là vẹo cột sống. Tất cả các loại vẹo cột sống đều kèm theo sự mất đối xứng của hai thân người khi chú ý đến nếp cổ, vai, đỉnh xương bả vai... Có hai loại vẹo cột sống là vẹo cột sống chức năng và vẹo cột sống cấu trúc.
Vẹo cột sống chức năng là những ca vẹo cột sống xảy ra thoáng qua, tự sửa chữa, khi nguyên nhân gây ra được điều trị thì vẹo cột sống biến mất... Các nguyên nhân thường thấy của vẹo cột sống chức năng là: Hai chân dài ngắn không đều; tư thế ngồi xấu của các cháu học sinh; co rút cơ vì đau do tổn thương thân đốt, đĩa đệm hay cơ học. Vẹo cột sống chức năng không phải là tật nguy hiểm. Khi giải quyết nguyên nhân thì vẹo cột sống sẽ khỏi.
Vẹo cột sống cấu trúc là vẹo cột sống có kèm theo biến dạng các đốt sống. Các biến dạng thân đốt sống gồm: nghiêng bên, hình nêm, xoay. Biến dạng này do khiếm khuyết trong sự cấu tạo cột sống trước khi sinh gây ra hoặc do bệnh lý trong thời kỳ tăng trưởng của cháu bé.
Biến dạng xoay là biến dạng khiến thân đốt sống hướng về bên lồi; từ đó sinh ra sự mất đối xứng lồng ngực của trẻ. Sự mất đối xứng thấy rõ với lõm sườn bên lõm và nhô sườn bên lồi là dấu hiệu của vẹo cột sống cấu trúc. Cho bệnh nhân đứng thẳng gối, cúi lưng, hai tay buông xuôi đều nhau, ta càng dễ thấy hơn. Đó là triệu chứng đơn giản, dễ tìm nhưng có tính quyết định. Các bà mẹ nên lưu lý nhận biết và thỉnh thoảng xem xét lưng của các cháu.
Nhiều bệnh lý khác nhau có thể làm xuất hiện vẹo cột sống. Vài bệnh lý thường thấy là: dị tật bẩm sinh cột sống lúc mới sinh: bệnh lý não, tủy; nhiễm trùng gây liệt; bệnh lý cơ... Ngoài ra còn có các bệnh lý phối hợp vẹo cột sống và các triệu chứng khác của bệnh đặc thù của bộ xương hay hệ thần kinh cơ. Những trường hợp vẹo cột sống này đặt ra vấn đề điều trị chuyên biệt theo nguyên nhân bệnh lý.
Trong nhiều trường hợp, ta không biết rõ nguyên nhân vẹo cột sống. Vẹo không rõ nguyên nhân chiếm 80% các ca vẹo cột sống. Đây là một bệnh bí ẩn, thường có tiềm căn gia đình, yếu tố di truyền.
Vẹo cột sống không rõ nguyên nhân xuất hiện trong thời kỳ tăng trưởng của cột sống. Vẹo cột sống xuất hiện càng sớm càng có nguy cơ tiến triển. Tuy nhiên, các đường cong vẹo cột sống có thể gia tăng ở tuổi trung niên do lún xẹp hay thoái hoá, đặc biệt sau mãn kinh hay sau khi sinh. Sự tăng trưởng cột sống có thể được theo dõi đều đặn bằng cách đo chiều cao trong tư thế ngồi.
Sự trầm trọng của vẹo cột sống không rõ nguyên nhân tùy thuộc vào phần lớn vào tuổi xuất hiện của sự vẹo lệch.
Có ba thể lâm sàng thường thấy:
- Thể ấu nhi: xuất hiện trước ba tuổi.
- Thể thiếu nhi: xuất hiện ở trẻ từ ba tuổi đến dậy thì.
- Thể thiếu niên: thể này ít nguy hiểm sau tuổi dậy thì vì giai đoạn tăng trưởng còn lại ngắn.
Vẹo cột sống lưng thường cho di chứng và biến chứng lồng ngực, tim phổi trầm trọng nhất. Nếu thiếu điều trị thích ứng, sự phát triển liên tục đến khi trưởng thành cuối thời kỳ phát triển xương sống sẽ tạo ra những hậu quả nặng nề trên các mặt hình thái, chức năng và tâm lý người bệnh.
Phòng ngừa vẹo cột sống cho trẻ em
Điều trị bệnh vẹo cột sống rất phức tạp và khó khăn, nhất là bằng phẫu thuật, vì thế mục tiêu của xã hội không phải chỉ là theo dõi điều trị các ca đã gặp mà còn phát hiện càng sớm càng tốt các cháu mới bắt đầu vẹo cột sống để phòng ngừa tật vẹo cột sống.
Trong hơn hai mươi năm qua, hơn 2% các cháu ở tuổi học sinh bị vẹo cột sống và hơn 10% trong số này có vẹo cột sống tiến triển. Phần lớn là loại vẹo cột sống không rõ nguyên nhân.
Sự phòng ngừa luôn luôn cần thiết và quan trọng hơn là điều trị đặc biệt đúng cho vẹo cột sống. Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, nhân viên y tế cần lưu ý tìm kiếm định kỳ sự biến dạng gù nhô của lồng ngực và cột sống vẹo bằng động tác đơn giản là bảo trẻ cúi lưng và xem từ phía sau. Sự quan tâm này giúp khám phá càng sớm càng tốt các ca vẹo cột sống có nguy cơ tiến triển ngay từ khi góc vẹo mới hơn 100. Tất cả các ca này cần được lập chương trình theo dõi định kỳ suốt trong thời kỳ tăng trưởng của các cháu đặc biệt các cháu có yếu tố nguy cơ (tuổi, vị trí, biến dạng cấu trúc). Khi phát hiện sự yếu tố rõ ràng của sự gia tăng độ vẹo trên X - quang, ta phải lập tức điều trị phòng ngừa ngay không chờ đợi. Nên nhớ rằng các ca có độ vẹo nặng trên 900 bắt đầu bằng góc vẹo nhỏ 10-200 khi bị bỏ qua. Vài biện pháp chọn lọc có giá trị trong thời gian đầu tiến triển bệnh như kéo giãn ban đêm, kéo giãn động cột sống, mang áo nẹp Milwaukee, kích thích điện v.v... có thể phòng ngừa tiến triển vẹo cột sống rốt nếu áp dụng sớm. Phải thiết lập ngay biểu đồ theo dõi tăng trưởng của các cháu định kỳ và theo dõi sát sự tiến triển vẹo để can thiệp kịp thời.
Nên lưu lý một số điểm sau đây:
- Luôn luôn theo dõi định kỳ sự tăng trưởng cột sống của cháu, các bà mẹ dễ dàng nhận ra sự mất cân đối của lồng ngực các cháu khi bảo các cháu cúi lưng và nhìn từ phía sau lưng ra trước.
- Khi nghi ngờ nên chụp X quang để phát hiện sớm vẹo cột sống. Đây là phương pháp duy nhất hữu hiệu để chẩn đoán chính xác, do đó các bà mẹ đừng ngần ngại thực hiện.
- Tất cả các ca vẹo cột sống cấu trúc có góc vẹo trên 100 đều cần được theo dõi.
- Mỗi ba tháng phải chụp kiểm tra một lần, nhất là trẻ trong độ tuổi tăng trưởng từ 9 đến 14 tuổi.
- Nếu phát hiện sự gia tăng vẹo cột sống thì phải bắt đầu áp dụng điều trị ngay.
Thông thường có hai cách điều trị:
- Điều trị chỉnh trực bằng áo bột được thay đổi lặp đi lặp lại theo sự tăng trưởng thường gây phiền toái về mặt tâm lý lẫn thể chất, khiến sự hợp tác điều trị ở tuổi thiếu niên kém.
- Điều trị phẫu thuật thường kèm theo sự bất tiện là sẽ giới hạn một số chức năng vận động của cột sống.
Không có thần dược nào dựng cột sống thẳng lên. Việc điều trị phải nghiêm túc, chặt chẽ, liên tục và đầy kiên nhẫn. Càng sớm phát hiện điều trị càng có hiệu quả.
PTS Võ Văn Thành, Sức Khoẻ & Đời Sống