ai anh em ông Cả Khang là những người cuối cùng được phép bước xuống khoang, ngồi chen chúc trên chuyến đò cuối trở về làng Dâu. Một người đàn bà ôm bó chiếu cố tình bám theo nhưng chủ đò nhất quyết đẩy ra càu nhaù:
_Không được! Chị chịu khó chờ đò khác đi nhé!
Biết vô vọng nhưng người đàn bà vẫn năn nỉ:
_Thôi mà bác nhà em toàn con còn dại, cho em lên cho rồi để còn về kịp với con. Bác bảo đò nào khác đây? Dạo này cứ vào tầm khoảng này khó mà kiếm ra đò nữa!
Người lái đò vẫn lắc đầu, sải tay chèo rời bến.
Đò từ từ lướt đi. Trên khoang đầy người nhưng ai cũng lặng lẽ. Chỉ một vài người ghé tai nhau thì thào. Dạo gần đây cứ khoảng chính ngọ hay chạng vạng những con đò qua lại con sông này được chủ dừng đưa khách đẻ neo cột tại gốc cây. Hơn ai hết ông Mạc hiểu nguyên nhân tại sao lại thế.
Đang chèo bỗng người lái đò quay sang ông Khang hỏi:_ Sao rồi bác? Bác đi có được việc không?
Ông Khang gật đầu:
_May quá anh ạ. Chúng tôi tới đó, được bày vẽ đường đi nước bước tận tình nên đã bàn định thu xếp xong. Nhân thể gặp nhau ở đây, chút mời chú ghé qua nhà, tôi kể cho nghe.
Người lái đò hồi hộp gật đầu:
_Dạ bác cho tôi theo về đằng bác đặng còn nghe bác chỉ bảo chứ dạo gần đây tôi chèo đò mà dạ cứ lo ngay ngáy.
Người ngồi bên ông Mạc nghe cuộc đối thoại ghé sát tai ông thì thào:
_ Có phải hai bác đi lo vụ cống Hải không ạ?
Ông Mạc gật đầu. Ông ta lại hỏi tiếp:
_Sự việc ra sao rồi bác?
Ông Mạc ghé tai to nhỏ. Người nghe trợn mắt lên buột miêng kêu “Thế à?”, rồi như chợt nhớ ra ông ta hạ thấp giọng xì xào:
_Hồi hộp quá ông nhỉ? Tôi mong lắm cái ngày ấy. Bây giờ tết nhất tới nơi rồi. Lo ăn tết qua loa cho xong. Năm nay muà màng tằm tơ gì đều thất bát. Bao giờ mới thông báo cho dân làng biết?
Ông Mạc đáp:_Chắc phải qua tết ông ạ!
Nói tới đây ông thở dài nhè nhẹ, mắt đăm chiêu nhìn xuống dòng nước. Con đò chở toàn người làng nên không hỏi người ta cũng đoán anh em ông Mạc vừa đi đâu về. Dạo gần đây liên tiếp những vụ kỳ lạ xảy ra, như ruộng lúa đang vụ thu hoạch bỗng cháy ngùn ngụt không nguyên do, hàng loạt những lứa tằm bị hư mặc dù cũng như mọi năm người ta luôn biết giữ chỗ nuôi tằm thật sạch sẽ tinh khiết. Những con đò được neo chặt cẩn thận trên bờ vậy mà sáng mai đã lửng lơ bập bềnh giữa sông. Người làng không dám rong chơi gần nơi cống Hải tự vẫn vào những buổi trưa vắng hay đêm tối. Câu chuyện cống Hải chết vào giờ thiêng không siêu thoát hiện về phá làng phá xóm làm cho các thầy cúng cao tay nhất cũng chịu thua, được lan truyền ra rất nhanh gây sự khiếp hãi khiến cuối cùng anh em ông hương trưởng phải ra tay. Ông Khang bí mật cho vời những vị chức sắc trong làng bàn bạc rồi hai anh em ông ra đi lo liệu, hôm nay mới về lại làng.
Dì Lam lê đôi guốc tre mở cửa nhìn ra ngõ lần cuối chép miệng thở dài thườn thượt rồi lại đóng cửa đi xuống bếp, đụng Bôn ở phía sau bước vào.
Dì Lam hỏi:
_Đóng cửa nẻo kỹ chưa Bôn?
_Dạ rồi dì! À mà cu Út về chưa con đi đón?
_Thôi khỏi đón, hồi sáng bác Cả gái qua xin đưa nó về bên bác chơi với anh Thừa rồi! Hai vợ chồng anh ấy về ăn tết hôm qua. Lâu lâu mới có dịp hai anh em được gần nhau cứ để em nó ở bên ấy. Nói tới đây dì Lam buột miệng rên rỉ “Bôn ơi! dì sốt ruột quá sao bác mày đi lâu dữ thế không biết, ngày hôm nay là ngày thứ tám rồi!”
Vừa nói dì Lam vừa bưng mâm thức ăn lại để sẵn trên bàn. Bôn giúp dì lấy nồi cơm ra khỏi bếp, dưới lót cái rế, mang lại đặt trên cái ghế đẩu gần bàn nói:
_Hồi chiều bận quá biết dầu thắp gần cạn nhưng lại không đi được, tối nay chịu khó ăn trong tù mù vậy dì nhé! Con để sẵn nồi cơm gần đây chờ chút xem bác có về không con sẽ xới cơm ra thố ăn cho nóng.
Dì Lam ngồi bó gối trên ghế giọng lo lắng:
_Không biết bác đi có được việc không hay chỉ dã tràng xe cát bể đông?
Bôn nói giọng chắc nịch:
_Con nghĩ mấy tên thầy cúng quèn ở đây không trị được cống Hải nhưng đã lên tới Tiên Hương Vân Cát nhờ sự giúp đỡ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh (1) thì phải được thôi!
_Thật à?
_Tại dì không biết đó, chứ năm nào thượng tuần tháng ba, con đều cùng các anh em thân thiết lợi dụng lúc nông nhàn đi chợ Viềng, rồi cơm nắm cơm vắt theo đoàn người lũ lượt đi hội Phủ Giầy xem hát chầu văn coi “lên đồng” thích lắm!
Bôn vừa dứt lời có tiếng cửa mở dì Lam vụt đứng dậy chưa kịp xỏ chân vào guốc thì ông Mạc đã lù lù bước vào. Bôn hấp tấp định ra khoá cổng ông Mạc xua tay:
_Không cần ra nữa bác đóng rồi! Con lại đây bác kể cho nghe, khoan ăn uống đã! Dì Lam nghe thế đẩy mâm cơm xích qua một bên bàn, đỡ túi vải trên tay chồng, cất vội vào góc bếp rồi chạy vội lại bàn ngồi xuống.
Dưới ánh đèn dầu lạc leo lét, ba cái đầu châu lại với nhau. Với vẻ mặt nghiêm trọng ông Mạc từ tốn kể lại:
_ “Tôi với anh Cả hôm đó đến huyện Vụ Bản (2)thì đã tối. Hai anh em kiếm chỗ trọ tạm, đợi sớm hôm sau ra chợ sắm lễ để vào Phủ Chính (3).Bà biết không sáng hôm sau khi mới bước đến trước cái hồ bán nguyệt chưa kịp vào điện thờ thì ông từ coi sóc đền đã chạy ra cúi chào kính cẩn thưa rằng
:_"Chào khách quý tới thăm phủ. Thảo nào hôm qua vừa chợp mắt đã nghe có người báo mai có khách phương xa nên sáng nay dậy sớm mở cửa thắp nhang chứ mọi năm giờ này đền đóng cửa để chỉnh sửa quét dọn chuẩn bị cho lễ rước Mẫu vào đầu tháng ba năm sau. Nghe vậy tôi và anh Cả lấy làm lạ nhưng không e dè nữa, xin được thắp nhang rồi trình bày sự tình. Khi nghe xong ông từ nói rằng thường thì chúa Liễu chỉ giáng bút trong những lúc có biến cố tầm quốc gia hay trong ngày rước kỵ giỗ mùng tám tháng ba …”Nghe tới đây dì Lam kêu lên tiếc rẻ:
_Ôi vậy là không nhờ được rồi phải không ông? Thấy vẻ mặt ông là tôi biết ngay mà!
Ông Mạc nạt:
_Bà có im đi không, chưa gì đã nhắng bét lên!
Bôn sốt ruột:
_Sao nữa bác kể tiếp đi ạ!
Ông Mạc tiếp tục kể: “Ông ta nói làm thủ nhang ở đền đã lâu nhưng hiếm khi nào nghe rõ lệnh Mẫu như hôm qua nên hôm nay ông ta sẽ phá lệ cho con nhang đệ tử ngồi đồng để hai anh em tôi vào trình bày sự việc cống Hải, cầu xin Thánh mẫu giúp đỡ làng mình”.
Bôn nghe tới đây nhịn không được nữa hỏi dồn dập:
_Có phải vì vậy mà bác ở đến hôm nay mới về? Thánh mẫu phán sao vậy bác? Có hy vọng chuyện cống Hải nhiễu nhương làng ta là có thể trị được không bác?
Miệng ông Mạc bạnh ra, mắt hơi quắc lên nhưng ánh nhìn mau chóng đằm xuống ông cúi đầu chắp tay lại như đang nguyện cầu, nói rất nhỏ:
_Lúc hầu bóng Mẫu, tôi và anh Cả mới vỡ lẽ ra nhiều điều. Phải mời Mẫu giáng hai lần mới hiểu hết mọi việc.
_Là sao? Bôn ngơ ngác.
Dì Lam trố mắt nhìn ông Mạc lẩm bẩm:
_Ông nói gì tôi không hiểu?
_Lúc Mẫu giáng lần đầu, hai anh em tôi trình bày mọi sự như đã biết. Nghe xong Mẫu phán hãy chờ đó để Mẫu truy tìm cống Hải xem sự việc ra sao đã. Ba ngày sau khi giáng lần hai Mẫu cho biết cống Hải phép thuật cao lắm, đã dám thách đấu với Mẫu trong khi thương lượng và đòi gọi cho được vợ chồng Vân Sa về làng để đối chất. Sau đó Mẫu hứa sẽ về làng chúng ta chứng kiến phân xử việc này tại Đình vào trung tuần tháng hai. Tuy choáng váng nhưng anh em tôi cũng thấy nhẹ nhỏm đi phần nào, thật hi hữu khi được Mẫu giúp đỡ.
Dì Lam rên lên:
Trời ơi! Cống Hải chết nhằm giờ gì mà dữ dằn quá vậy?
Bôn hỏi tiếp:
_Vậy để chuẩn bị rước Mẫu về làng cần phải làm gì? Có cần thông báo cho dân làng biết trước không? Mẫu có dặn gì nữa không ạ? Nếu làm đám rước như ở Phủ Giầy e rằng không đủ sức sẽ có sơ suất.
Ông Mạc lắc đầu:
_Làm sao rước thế được! Ở tầm mức lễ hội mới rước chứ! Nhưng có lẽ qua tết khi được thông báo không giết, bán hay ăn thịt chó để chuẩn bị đón Thánh Liễu Hạnh, thiên hạ biết sẽ đi nườm nượp, do đó con phải huy động từ lúc này một số thật đông đảo trai tráng không những làng mình mà còn các làng gần đây hầu giữ trật tự khi đình đang hầu bóng Mẫu. Chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra nhưng theo như Mẫu dặn trước là…
Nói tới đây ông Mạc ngưng bặt. Bôn hỏi:
_Là sao bác?
Biết mình lỡ lời ông Mạc ỡm ờ:
_Bác quên có những điều Mẫu dặn phải giữ kín không được tiết lộ tới hôm đó hẵng hay. Giờ con lo việc đó cho bác, mai qua bác Cả xem bác dặn dò gì nữa không thì nhớ làm cho tốt vào!
Dì Lam thút thít:
_Sa ơi! Tội nghiệp con tôi! Sao lại oan nghiệt thế này? Dì bàng hoàng quá con ơi! Con ở bên đó sao rồi? Làm sao có thể cùng chồng về làng mình trong lúc này đây! Khốn nạn thân con quá Sa ơi!
Ông Mạc nhăn mặt nạt:
_Bà cứ quýnh lên thế thì tính sao được việc?
_Ông bảo không quýnh sao được khi ông còn không dám tới gia trang quan ngự y thì làm sao có chuyện hai đứa về đây đối chất.? Đã bao lần tôi bảo để tôi vác cái mặt mo này qua chịu trận bên đó cho rồi xem tình hình tụi nó ra sao ông nhất mực không cho, chỉ được cái “sĩ”. Giờ tự nhiên xách xác tới nói chuyện này không biết người ta có tin không? Thằng Tùng có là quan lớn, nhà cửa gia thế bề bề, rốt cuộc nó vẫn là rể mình, ông ngại gì?. Con Sa không phải là con gái tôi rút ruột đẻ ra nhưng khi thấy ông đánh nó đến bất tỉnh nhân sự lòng tôi quặn đau, không nghĩ tới thì thôi nghĩ đến tôi hận ông quá đi! Nhiều khi chỉ vì sự vô tình của mình mà gây ra oan nghiệt đó ông à!
Lặng thinh nghe đôi co khi thấy sự việc trở nên sôi sục Bôn xen vào:
_Thôi dì đừng khóc nữa! Giờ con tính thế này bác xem có ổn không nhé!
Ông Mạc lườm dì Lam rồi quay sang Bôn gật gù:
_Con cứ trình bày, dù sao con cũng đứng ngoài cuộc sẽ sáng suốt hơn!
Bôn bàn bạc:
_Tính từ hôm nay trở đi chỉ còn mươi ngày nữa là tết. Dì sửa soạn ít quà, đợi đến ngày ba mươi là ngày mà mọi người không ai dám to tiếng ngay cả với những con nợ huống chi nhà ta với họ là sui gia, lúc đó con sẽ đội đồ mừng Tết qua đó, nếu họ không có phản ứng gì bất lợi thì con sẽ báo cho bà Chánh là ra giêng bác sẽ qua thăm gia đình bà được không bác?
Ông Mạc mừng ra mặt:
_Ừ thằng này tính thế mà hay!
Dì Lam tỉnh hẳn ra mỉm cười:
_Đúng đấy! Tính thế là ổn quá rồi!. Chắc thể nào Mẫu cũng thầm giúp cho mọi việc suôn sẻ ông nhỉ?
Ông Mạc nói thêm:
_Mẫu dặn là không thể chần chừ để lâu nếu không cống Hải ngày càng cao tay khó trị đó! Vậy là qua tết tôi và anh Cả sẽ đích thân qua gặp bà sui và Tùng để trình bày. Tôi nghĩ Tùng từng phục vụ cung đình nên không xa lạ với những chuyện về Mẫu Liễu Hạnh trị ma trị quỷ như thế này. Bà sui cũng cùng quê với Liễu Hạnh mà! Lẽ nào không bằng lòng? Chuyện bất đắc dĩ ai muốn thế? Vả lại điều này còn liên luỵ đến quyền lợi của nhiều người chứ có phải chỉ gia đình hai bên thôi đâu! Họ phải hiểu cái gì là riêng là chung chứ! Tôi nghĩ nát óc ra rồi, không thể tránh né được đâu!
Sa sung sướng ngồi bên cạnh thằng Tí trên phản bên cạnh mâm thức ăn đã bày sẵn, đang chờ mẹ nó xới cơm. Thằng bé ngả đầu vào người Sa nói:
_Ngày mai con về ngoại rồi thím Sa ơi! Nội dặn đừng chờ người lớn cứ ăn uống trước còn tắm rửa rồi đi ngủ sớm mai còn đi. Khi nào về con sẽ có quà cho thím.
Sa vuốt cái đầu nó tò mò hỏi:
_Tí mà cũng nhớ mua quà cho thím à?
Thằng bé giương cặp mắt tròn sáng cự nự:
_Sao thím lại nói vậy? Con có kể với mấy anh em họ hàng bên ngoại con là thím đẹp lắm, lại còn siêng năng đau ốm mà vẫn chăm sóc người ốm đau mới lạ! Con nói vậy tụi nó chẳng hiểu gì cả cứ hỏi
:" Thật không? thật không?" Tức cười quá!
Nói tới đây nó cười như nắc nẻ. Xuân gắt:
_Này ăn đi đừng nói ba láp nữa!
Nghe giọng mẹ bỗng nghiêm nghị thằng Tí đón lấy bát cơm lí nhí:
_Thưa mẹ,thưa thím xơi cơm ạ!.
Sa không nói gì thêm, nàng tận dụng những lúc như thế này để ngắm thằng bé. Cứ mỗi lần nhìn nó lòng Sa lại cồn cào khao khát ước gì mình có một đứa con như thế thì có khổ sở điêu đứng hơn như bây giờ Sa cũng sẽ vượt qua.
Bà Chánh cùng với lão câm và Tùng từ ngoài bước vào. Xuân lên tiếng:
_Mời mọi người xơi cơm trời tối quá rồi!
Bà Chánh bước lại sà xuống bên cạnh thằng Tí đang ăn, hôn lên cái đầu của nó âu yếm:
_Ăn đi con rồi còn đi ngủ sớm con nhé!
Thằng bé vừa ăn vừa lúng búng “dạ” trong mồm.
Bà Chánh quay lại nói với Sa:
_Con thắp thêm một ngọn đèn nữa cho sáng rồi nhân thể bữa cơm này mẹ nói vài điều, vì mai chỉ còn hai vợ chồng con và Già ở nhà thôi, mẹ cũng sẽ đi ba ngày với thím Sinh.
Sa nghe mẹ chồng nói khẽ liếc mắt nhìn Tùng. Chàng lầm lì ngồi xuống cùng với lão câm lui cui rót rượu ra chén mời lão uống trước khi ăn, tỉnh bơ như không hề nghe mẹ nói gì.
Bà Chánh nhận chén cơm từ tay Xuân chưa ăn vội, nhìn Sa dặn dò:
_Mai chị Xuân với cháu qua ngoại, nhà chỉ còn ba người, con lo việc ăn uống nhé rồi dòm chừng khi nào trời hơi hửng nắng đem rau cải đã treo sẵn ở chỗ có mái che ra chỗ nắng phơi, với lại mang chăn mền áo bông mẹ để ở căn phòng, thông liền kế phòng chị Xuân đấy ra phơi luôn. Đó là việc của con không phải cái gì cũng để Già làm vì Già còn lo quét dọn trong nhà ngoài ngõ quét vôi cho quang quẽ để đón tết, hiểu chưa?
Sa cúi đầu ngoan ngoãn đáp:
_Dạ mẹ cứ yên tâm đi, con sẽ làm như mẹ dặn.
Xuân chen vào:
_Em khỏi phải nấu đồ mặn, chị đã kho thịt, kho cá để sẵn, cứ vậy mà ăn, thiếu thì mới nấu, chỉ nấu thêm món rau canh gì đó nữa là xong.
Bà Chánh nhăn mặt trách:
_Lần sau con đừng làm thế, để em nó tự lo cho quen, cái gì cũng ôm vào, làm thế sao em nó thông thạo được?
Tùng chợt lên tiếng:
_Thật ra nói là ở nhà nhưng con phải đi ăn tất niên mấy chỗ mời chứ không ăn nhà đâu nên cũng chẳng cần cơm nước chi cho mệt! Mạnh ai nấy lo khỏi phiền ai cả!
Giọng nói đầy bóng gió của chồng khiến lòng Sa quặn đau hụt hẫng. Nàng cố nuốt trôi miếng cơm nhưng họng nghẹn lại, quay mặt cố giấu dòng nước mắt đang lăn trên má.
Bà Chánh thấy Sa quay đi gạt nước mắt bực dọc kêu lên:
_A! Anh này nói lạ nhỉ cứ như cái nhà này là nơi ở trọ không bằng?. Tại tết nhất anh muốn đi đâu ăn uống tiệc tùng gì tùy ý chứ ngày thường thì không chấp nhận đâu nhé! Thử hỏi từ bữa bệnh xá đóng cửa đến nay anh ăn cơm ở nhà được mấy bữa?. Còn chuyện bữa trước tôi dặn, anh lo mà làm đi đừng để tết nhất thiên hạ tới họ cười vào mặt tôi!
Thằng Tí nghe bà nội nói không hiểu gì hỏi lại:
_Thiên hạ không khóc mà cười thì vui chứ ạ!
Bà Chánh bật cười mọi người cũng cười theo rồi tất cả lặng lẽ ăn cho xong bữa. Tùng không trả lời mẹ vì chàng dư biết bà muốn nhắc mình cho Sa về lại phòng
Chú thích:(1) Thánh Mẫu Liễu Hạnh: Một trong bốn vị “Tứ bất tử” của Việt Nam, đạo thờ Mẫu Liễu Hạnh được coi như một thứ tín ngưỡng mang tính Việt thuần tuý. Mẫu có quê quán, mộ phần ngày sinh ngày giỗ rõ ràng.
(2) Vụ Bản: Nay thuộc tỉnh Nam Hà
Còn gọi là Phủ Tiên Hương nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ
Ngày 8 thánh 3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ Mẹ (Mẫu) Liễu Hạnh, ngày lễ chính của Hội Phủ Giày, một lễ hội đông vui bậc nhất nước ta trước Cách Mạng Tháng Tám mở đầu từ Tết kéo dài đến hết tháng ba. Người ta nói cái tên Phủ giày bát nguồn từ sự tích chúa Liễu sau khi giáng trần làn thứ hai đã tặng nhà vua đương thời (triều Lê) một đôi giày khi vua ghé thăm quê hương trần thế của bà.
Những tác phẩm đề cập đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh có tác phẩm cổ là Việt Điện U linh,
Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở miền bắc Việt Nam của Nguyễn Công Trứ và Đoàn thị Điểm.
Nữ thần Liễu Hạnh tác phẩm của Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên viết bằng tiếng Pháp in năm 1944
Ngoài ra ở miền nam trước 75 còn lưu truyền các bài sấm ký tựa như sấm Trạng Trình với bút pháp uyên thâm, lối chơi chữ tài tình tiên đoán về thời cuộc của Thánh mẫu Liễu Hạnh. Những bài thơ sấm ký thường được viết ra khi Thánh Mẫu được các vị vua triều Nguyễn nhân việc ghé Đền Sòng mời Mẫu lên hỏi việc nước bằng cách lên đồng. Thánh mẫu Liễu Hạnh còn có một bút danh khác là Thánh Vân Hương.