Cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ timTrường hợp 1: Bệnh nhân nam 61 tuổi nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, ngưng tim, ngưng thở, được cấp cứu rất tích cực nhưng ông ta đã tử vong một giờ sau đó. Khai thác lại bệnh sử, được biết bệnh nhân bị cơn đau thắt ngực ở vùng ngực trái. Hai ngày trước đó, ông tự mua thuốc uống, thấy có đỡ nên không nhập viện. Ngày hôm sau, bệnh nhân lại đau nhói ở ngực khi đang nằm nghỉ, người lạnh toát, da tím tái, ngưng thở. Lúc đó người nhà mới đưa vào viện.Trường hợp 2: Bệnh nhân nam 58 tuổi đang ngồi ăn cơm bỗng thấy đau nhói như có ai bóp chặt vào vùng ngực trái, muốn ngất xỉu. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện ngay và đã hồi phục sau một tuần điều trị.Cả hai trường hợp trên đây đều được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim. Và một trong những nguyên nhân làm tử vong trong trường hợp đầu là do nhập viện quá trễ.Đây là trường hợp cấp cứu nội khoa nặng do động mạch nuôi tim bị tắc lại gây thiếu máu nuôi ở một cùng cơ tim làm hoại tử vùng này. Nguyên nhân thường gặp là do xơ cứng động mạch.Các yếu tố dễ gây nhồi máu cơ tim đã được chẩn đoán là: thiếu máu cơ tim, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ trong máu, nghiện rượu, béo phì, hút thuốc lá nhiều...Biểu hiện của cơn nhồi máu cơ tim chủ yếu là cơn đau thắt ở vùng ngực trái, đau muốn tắt thở, đau như có ai bóp chặt vào quả tim mình, đau có thể lan lên vai, lan ra sau lưng, lan ra cánh tay trái. Cơn đau kéo dài trên 15 phút mà không giảm sau nghỉ ngơi và điều trị giãn mạch đơn thuần. Lúc này nếu được nhập viện, bệnh nhân sẽ được đo điện tâm đồ và trên điện tâm đồ sẽ có những hình ảnh xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Đồng thời, nếu lấy máu làm xét nghiệm sẽ thấy men tim tăng lên rất cao.Thông thường, bệnh nhân nhồi máu cơ tim không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong vì các biến chứng sau đây:1. Chết đột ngột vì ngưng tim, vỡ tim.2. Sốc tim gây ngưng tim, ngưng thở đưa đến tử vong.3. Rối loạn nhịp tim, nguy hiểm nhất là rung thất, vô tâm thu, tỷ lệ tử vong rất cao.4. Suy tim cấp, phù phổi cấp.Như vậy, khi có cơn đau thắt ở vùng ngực trái, đặc biệt ở những bệnh nhân có các yếu tốt nguy cơ kể trên, ta phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra.Đối với các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ, phải có biện pháp phòng bệnh thích hợp hạn chế diễn tiến tới nhồi máu cơ tim:1. Ăn kiêng, chống béo phì, ăn nhiều rau và trái cây, hạn chế mỡ động vật.2. Phải bỏ thuốc lá ngay.3. Điều trị tốt các bệnh cơ bản: cao huyết áp, tiểu đường.4. Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý như:- Không làm việc nặng đòi hỏi sự gắng sức qúa mức.- Tránh tình trạng quá xúc động, vui quá hay buồn quá.- Tập đều đặn các môn thể dục không đòi hỏi sự gắng sức như đi bộ, dưỡng sinh...- Nghiêm cấm những môn thể thao gây nguy hiểm như leo núi, nhào lộn từ trên cao...BS Lê Thị Tuyết Phượng (TT Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TP HCM)(còn tiếp)