CHƯƠNG 8

     uốt cả tháng nay nhiều đường dẫn đến trường thi ở kinh đô trông thật nhộn nhịp.
Cảnh vật, nhà cửa, cây cỏ tất cả như đang sửa soạn bộ mặt mới chào đón các sĩ tử từ mọi phương về đây ứng thí. Các quán xá mọc lên san sát hầu cung ứng kịp thời vật phẩm, dịch vụ cho các sĩ tử trong thời gian đợi thi.
Dọc hai bên đường, hoa phượng bắt đầu nở rộ đỏ thắm như đón chào khách thập phương. Hải lững thững đi dạo,nhìn ngắm cảnh vật con người nơi đây lòng dạ bồi hồi nô nức. Chàng tiếc đã hấp tấp thuê trọ ở một quán xa đây, mãi tít cuối đường. Biết thế thuê ở đây, vừa gần lại vừa sạch sẽ, lịch sự yên tĩnh. Không hiểu sao mình lại đâm đầu vào cái quán mụ The. Chắc tại mụ chèo kéo quá, có buông áo mình ra đâu!. Rút cuộc có phải mụ bảo rằng quán mụ tuy xa  nhưng phong thuỷ tốt, ai trọ ở đây đều đậu cao nên mới thuyết phục được mình? Nghĩ thế chàng lại chép miệng lẩm bẩm tự an ủi “ Thôi cũng chả sao, tốt quá rồi!. Kỳ thi Hội được coi như nguồn cung ứng nhân tài phục vụ vương quyền, trường thi chắc chắn sẽ không sơ sài, đông đúc lộn xộn nhơ nhớp như khi thi Hương.”.
Chàng vừa xem qua trường thi và đã thuộc nội quy thi dán trước cổng trường.
Trường thi là một khu nhà xây trên bãi đất rộng với những dãy lợp ngói chia thành từng khu riêng biệt dành cho giám khảo, cho quân lính bảo vệ và một dãy toàn những gian nhỏ đều nhau, đó là nơi các sĩ tử sẽ làm bài thi. Kỳ này không phải vác lều chõng, chẳng cần mượn ai gồng gánh theo hầu. Với xâu tiền kẽm và một lạng vàng phòng thân, tiền bạc cả đời cô Huệ gom góp được, đều dồn cho chàng làm kinh phí đi thi. Chút nữa ghé lại quán mua bút mực, và một mảnh chiếu là xong. Ngày mốt sẽ đi lấy thẻ tre nhận số thứ tự, nhận phòng vào thi, thật đơn giản!
Mụ The cầm cái quạt phẩy ruồi mắt lim dim nhìn ra ngoài ngõ thỉnh thoảng lại ngáp dài. Quán mụ nằm hơi thụt vào so với đường chính nhưng hầu như lúc nào cũng đông khách. Đây là nơi hội tụ của giới “giang hồ tứ chiếng”. Quán mụ tuy xập xệ nhưng nói trắng ra là quán nhậu, không phải quán nước bên đường thường thì khách chỉ dừng chân uống vội chén chè, nhai vài miếng trầu, rít vài hơi thuốc. Quán mụ nhìn vậy chứ đầy đủ những thức ăn thức uống khách cần. Nếu khách cần các ả đào để hát hò cho vui mụ The sẽ đáp ứng ngay.
Thế nhưng dạo này mùa thi, quán mụ có phần nghiêm trang hơn. Mụ sẵn sàng cung cấp những bữa ăn lành mạnh, rượu cũng ngon hơn, như một chút lòng tỏ sự kính trọng đối với những nho sĩ, những bậc hương cống đã vượt qua giai đoạn thi Hương “trần ai” để được có mặt tại đây dự khoa thi Hội.
Bữa nay phòng trọ nhà mụ đã kín. Mấy hôm trước có một nho sĩ thần thái đẹp đẽ, hào hoa phong nhã tới mở hàng. Biết đâu đây có thể là bậc đại khoa không chừng?. Còn vinh hạnh nào hơn cho cái quán của mụ.
Thức ăn ngon, rượu ngon tất nhiên giá phải cao cho nên hôm nay bọn thợ thuyền, chài lưới, giang hồ ít lui tới. Quán ăn vắng khách. Nhưng mụ không lo. Tiền thu được từ các sĩ tử ở trọ mụ cũng đã lời lắm rồi! Lâu lâu mới có dịp không thể bỏ qua. Nếu khoa này quán trọ mụ có người đậu thì khi mãn khoa quán mụ sẽ tưng bừng lắm. Ăn nên làm ra phải biết, còn được tiếng cho những mùa thi sau nữa ấy chứ!
Mà nếu lỡ ra các sĩ tử không đậu mụ cũng không lỗ đâu mà lo! Đa số sĩ tử ở xa. Vì ở xa lâu lâu mới được dịp đến kinh đô, đang sẵn bất mãn đời bon họ cũng sẽ vơ vét những đồng tiền cuối cùng nâng chén tiễn đưa nhau, ăn chơi xả láng trước khi trở về quê nhà. Đang ngồi uể oải suy nghĩ lan man bỗng mụ dựng hẳn người toét miệng cười nói với ra ngoài:
_Chà cống Hải về sớm thế! Cơm nước gì chưa để tôi còn lo?
Hải bước vào ngồi phịch xuống ghế đẩu tì tay lên bàn, thở hắt ra:
_Kinh thành đẹp quá! Đi xem trường thi rồi loanh quanh chỗ nào cũng thích. Đi mỏi chân chợt nhớ từ sáng tới gìơ bụng chưa có gì.
Mụ The ngắt lời:
_Được rồi để tôi bảo tụi nhỏ nấu cơm cống Hải xơi!
Hải lắc đầu:
_ Thôi đừng làm gì, cho dĩa lạc rang ít lòng gà, vài ba cái bánh tẻ nhâm nhi với chút rượu được rồi!
Mụ The gật đầu:
_Ừ phải đấy! Nhìn cống Hải gọi thức ăn tôi lại nhớ quê nhà. Quê tôi đàng ngoài ấy! đồng hương có khác cái gì ở cống Hải tôi cũng mến cả!
Thức ăn được bày ra, Hải vừa nhâm nhi vừa lơ đãng nhìn ra ngoài đường. Chàng mong cho tới ngày thi, còn những một ngày nữa, mai mình làm gì đây?. Ôn thi cũng không vào nữa rồi! Vừa hồi hộp không biết thi ra sao vừa nhớ nàng quá. Không biết Sa giờ làm gì? Chút nữa vào phòng hít tấm lụa cho đỡ nhớ. Chàng lấy tay nắn xâu tiền giấu trong người suy nghĩ vẩn vơ. Ngày mai có thể đi lang thang mua thứ gì cho nàng làm quà như vòng xuyến, hoa tai chẳng hạn, có thể thành quà cưới cũng nên.
Hải ăn vài ba cái bánh tẻ gắp ít lòng gà bỏ vào chén bụng đã lưng lửng, chàng uể oải hớp chút rượu đế, lừ  đừ nhìn ra con ngõ. Trời nắng quá cái cây gì có hoa vàng nở chói chang loang loáng khiến chàng vừa ăn vừa nheo mắt lim dim…
Hải mặc triều phục rất trang trọng đi qua một khoảng sân rộng, tiến lên tam cấp, đi giữa hai hàng người sắc phục rực rỡ đang quỳ phục, có hai người cầm lọng vàng dẫn đường. Tiếng kèn tiếng trống khua vang  theo nhịp bước của chàng.
Rồi tất cả bị bỏ lại phía sau chỉ mỗi mình chàng ung dung đi qua những phòng dài hẹp được thắp sáng bởi vô số những ngọn đèn dầu.
Cuối cùng hoàng đế xuất hiện lờ mờ trên ngai vàng. Khói toả từ cây nhang lớn cắm trên hương án khiến cho không thể nhìn rõ Ngài, sao tất cả cứ chập chờn mông lung?.
Hải quỳ phục xuống cái gối dựa màu vàng đặt trên manh chiếu vàng trải ra trước mặt. Cạnh đó bày nghiên mực.
Bỗng nhiên Hải thấy Hoàng Đế  phất cánh tay áo rộng ra hiệu thời gian thi tính theo giờ cháy của nén hương bắt đầu.
Chàng đọc đề thi. Cầm cây bút chấm vào nghiên mực, cán bút lớn dần lên như cái gậy nhọn đầu, nhưng bàn tay chàng có một sức mạnh lạ lùng khiến quơ cây bút  lên không trung cứ nhẹ tênh, rồi giáng bút. Những nét như rồng bay phượng múa, ý tưởng tuôn tràn suôn sẻ đầy ắp như nước chảy mây trôi, miên man như thể không dứt được. Mảnh giấy chàng viết từ từ mở rộng đến bao la vời vợi? Mảnh giấy sao thành bầu trời?.
Bỗng dưng không đâu làn chớp xẹt ngang rạch nát cả vùng trời bình yên phẳng lặng.
Hằn lên khoảng mênh mông ấy một lời phê nhiễu mực đỏ như máu, sắc như dao “Quỷ văn”. Lạ lùng thay, giữa những đổ vỡ xao động ấy  trỗi lên giọng cười ngạo nghễ kéo dài thành một chuỗi liên kết bất tận. Giọng cười đầy thoả mãn nghe quen quen. Không lẽ lại là giọng của chính ta sao?. Bỗng dưng âm thanh nheo nhéo "meo..meo.".vang lên rõ mồm một làm cho mọi thứ đột ngột biến mất
. Con ngõ nhỏ từ từ hiện ra, hoa vàng loá mắt đu đưa trên cành. Cái bao đựng rượu bèo nhèo của mụ The rõ dần, bàn ghế xiêu vẹo lố nhố. Cái gậy có gắn lá chuối đuổi ruồi của mụ The vẫn quơ đi quơ lại đều đều. Con mèo đang lia cặp mắt sáng quắc láo liên đầy thèm thuồng, hết nhìn con gà luộc tươm mỡ vàng ươm đang chổng cái phao câu tròn ủng lại đến khúc dồi béo ngậy. Tất cả hai món này cứ treo toòng teng trên không, đu đưa nhè nhẹ như trêu ngươi. Nó tiếp tục buông ra những tiếng kêu "meo meo" tuyệt vọng thê lương vì không thể tiếp cận được những thứ khoái khẩu đó.
Hải ngồi nhổm dậy nhìn chung quanh. Bà chủ nhìn chàng nở một nụ cười bỡn cợt:
_Cống Hải ngủ ngon quá! Chắc tối qua thức khuya học bài à?
Hải ngơ ngác:
_Hoá ra tôi thiếp đi? Sao bà không gọi tôi?.
Bà chủ đùa:
_Tại bữa nay vắng khách, để cống Hải ngồi trong quán cho vui đâu có sao?
Hải lại hỏi:
_Tôi ngủ lâu không?
_Cũng chừng nửa canh giờ thôi!
Hải ngồi thừ người nhớ lại giấc mơ. Tại sao lại mơ kỳ lạ quá! Sao lại gặp vua? Chả lẽ đây là điềm báo mình được vào thi Đình ư? Sao lại “quỷ văn”?. Hải lại tiếp tục suy ngẫm về giấc mơ. Từ lâu chàng biết mình học nhưng không bao giờ chịu câu nệ vào những quy tắc, cứ hứng lên là viết. Có lần cụ đồ Bỉnh, thầy dạy của chàng có phán một câu là văn phong suy  tưởng của chàng lạ lùng bạo dạn ngỗ ngáo quá, không chịu vào nề nếp như mọi người, sợ đi thi sẽ bị đánh hỏng. Thầy bảo cứ làm văn thơ cái kiểu quái quỷ này không đậu được đâu! Được thầy uốn nắn đe nẹt mấy năm liền nên thi Hương mới đỗ đầu! Nhưng phải công nhận từ khi ôn thi một mình ở làng Dâu hình như cái thói ấy đang trở lại thì phải? Có lẽ “quỷ văn” ứng vào loại văn chương tự do không theo lề lối quy tắc gì ráo của mình ư? Nhưng mình vẫn vào thi Đình? Có thể  đây là điềm lành chăng?
Nghĩ vậy chàng hớn hở đứng dậy vào phòng trọ chuẩn bị vài thứ lặt vặt quay trở ra nói với bà chủ quán:
_Bà ơi! Tôi có việc phải đi gấp. Tôi để ít đồ dùng tại đây. Ngày mốt tôi mới thi, ngày mai tôi đi thăm dò mấy vùng xung quanh mua ít quà cho vị hôn thê chứ thi xong rồi chưa chắc có thời gian.
Mụ The xuýt xoa:
_Ôi chao! Tiếc quá cống Hải có nơi có chốn rồi sao?. Biết ngay mà! Đẹp trai tài hoa như thế làm gì con này có cơ hội để mai mối. A mà này! Nếu muốn mua đồ cho đáng đồng tiền bát gạo thì nên đi đò qua bên kia sông, đi vài dặm có một chỗ làm nữ trang, hàng rất đẹp tha hồ lựa, cứ qua đó dò hỏi khắc biết.

 

Hải nhìn người thợ kim hoàn tỉ mỉ mài dũa chăm chút đôi hoa tai, lòng nóng như lửa đốt. Trời bắt đầu tối dần. Ngoài kia còn bao dặm dài mới tới bến sông.
Sự thích thú nhìn ngắm đôi hoa tai nho nhỏ xinh xinh đang được người thơ nhận thêm hai miếng ngọc thạch xanh nhìn đến mát mắt giờ đây đã vơi đi rất nhiều. Chàng nghĩ thầm, biết vậy mình mua đôi hoa tai bằng vàng đeo cho rồi còn bày trò đi lùng mua cho được ngọc thạch riêng rồi mới đưa về mướn thợ làm cho vừa ý chi cho thêm rắc rối như thế này kia chứ!
Chàng lo lắng hỏi dò:
_Nhanh lên được không ông?. Chừng nửa canh giờ nữa tôi phải đón đò qua sông về cho kịp.
Người thơ kim hoàn ngước nhìn Hải:
_Ôi! Sao giờ anh mới nói. Nếu biết anh phải về ngay tối nay, tôi đã khuyên anh mang nữ trang về, ngày mai hay khi nào rộng rãi thì giờ mang tới đây làm mới vừa ý và đẹp được. Còn bây giờ tôi báo cho anh biết anh không thể về tối nay. Trong người anh có tiền và vàng đi bộ ra bờ sông giờ này quả là nguy hiểm. Thôi lỡ rồi, anh ráng chờ lấy nữ trang rồi mướn phòng trọ gần đây mai đi sớm vậy!
Hải kêu lên:
_Chết chửa! Không được đâu! Tôi phải về thôi bằng mọi cách dù phải về khuya.
_Anh không hiểu ý tôi rồi! Dẫu anh có ra tới bến sông thì vùng này người ta không đi đò đêm hôm đâu! Mai đi sớm là được chứ gì?
Không thể cứu vãn được nữa Hải ngồi thừ người chờ đợi. Cả ngày lùng mua ngọc thạch, xế chiều mới tìm được thợ kim hoàn vừa ý. Bây giờ quá trễ không về được, người quá mệt mỏi, thôi đành tìm chỗ trọ qua đêm, nghỉ ngơi lấy sức mai còn thi.

 

Trước khi bước vào phòng nghỉ Hải nhắc nhở dặn dò chủ nhà trọ:
_Bác à! Khoảng đầu giờ dần bác đập cửa gọi tôi dậy  nhé!
Ông chủ gật đầu:
_Được rồi! Anh cứ nghỉ đi. Anh đi sớm nhưng giờ đó đã tỏ mặt người, sẽ có nhiều người cùng đi ra bến sông chứ đi sớm quá thì không nên vì cũng phải đứng chờ thôi!
Hải khẽ dạ rồi cúi đầu chào, lui vào phòng. Chàng thổi tắt ngọn đèn đang cháy, buông mình xuống cái chõng tre nhắm mắt lại. Cả ngày mệt mỏi vì đôi hoa tai cho Vân Sa bây giờ chàng muốn ngủ ngay để sớm mai còn có sức tỉnh táo làm bài thi. Vậy mà cứ trằn trọc mãi. Cái chõng tre  kêu kẽo kẹt thật khó chịu mỗi khi chàng trở mình. Bây giờ chàng hối hận đã quá hấp tấp. Để thi xong thư thả không được sao? Trong khoảng thời gian chờ treo bảng kết quả mình đi cũng được mà! Chắc taị cái giấc mơ quái đản đó làm mình nổi hứng đi không tính toán kỹ.
Tiếng đập cửa bên ngoài rầm rầm tiếng la ơi ới:
_Anh ơi! dậy! dậy! Trễ rồi anh ơi anh à!
Hải vùng dậy quơ tay nải, không kịp vuốt lại áo quần đầu tóc vội vàng mở bung cửa.
Ông chủ quán đứng đợi ngay cửa:
_Tôi gọi mãi. Phải mấy chục tiếng, ông ngủ say quá!
Hải hấp tấp lục những đồng tiền kẽm trong túi trao nhanh vào tay ông ta rồi lao ra ngoài. Ông chủ cuống quýt gọi với theo:
_ Anh ơi chưa thối tiền mà!
Hải đã biến dạng sau lùm cây bên đường. Người đàn ông nhìn theo lẩm bẩm:
_ Trời, sao vội đến vậy! Thật tội nghiệp!
Trên đường đi, chàng có thêm vài người đồng hành. Khi ra bến sông tất cả đều nuối tiếc, chuyến đò đầu tiên trong ngày vừa rời bến đang từ từ lẫn vào làn sương mờ để qua bên kia sông. Đành đợi đò quay lại. Chạy trên đường dài chưa kịp ăn bây giờ đứng trong sương lạnh buổi sớm lại vô cùng lo lắng người Hải cứ run lên bần bật hai hàm răng va nhau lập cập. Mắt Hải mở to nhìn đăm đăm ra phía trước, hai vai thõng thượt như muốn buông xuôi đầu hàng số phận. Một lúc sau ở phía xa xa có con đò đang lướt tới. Đò này rất nhỏ mỗi lúc một hiện rõ đang từ từ cập bờ. Hải nhảy bổ xuống chui vào khoang thuyền nói với người lái đò:
Đừng chờ ai nữa. Tôi trả bao luôn con đò này. Nhanh lên kẻo tôi trễ thi mất.
Nghe vậy người lái đò quay ngoắt mũi thuyền sải tay chèo cho thuyền lao nhanh ra trước.
Khi đò qua được tới nơi, Hải nghe có tiếng trống hiệu, dường như của trường thi. Người lái đò vội vã giúp Hải lên bờ thật nhanh rồi bảo:
_Tui không lấy tiền mô! Đi đi! Đi đi!
Hải cắm đầu cắm cổ chạy. Không thể ghé mụ The lấy chiếu và bút nữa. Chaỵ thục mạng  một lúc, trường thi hiện ra. Bốn bề vắng lặng như tờ. Cửa trường đã đóng. Hải bủn rủn cả người, chạy về phía người lính canh hớt hải hỏi:
_Thi rồi hả anh?
Người lính trả lời:
_ Nội bất xuất ngoại bất nhập. Anh không nên lai vãng ở đây. Nếu không cả tôi và anh sẽ phạm quy.
Hải điếng người lắp bắp:
_ Xin anh cho tôi vào. Tôi là thí sinh ứng thi mà!
Người lính nhìn Hải lắc đầu:
_Trễ rồi! Anh về đi, hồi nãy có mấy người đi trễ nhưng tới trước anh cứ nằn nì nên bị lôi đi rồi! Anh còn trẻ quá mà! Thôi để khoa thi sau rút kinh nghiệm dầy dạn rồi thi cũng còn sớm chán!
Bỗng có tiếng hô vang, tiếng vó ngựa dồn dập, người lính cuống quýt:
_Anh đi đi! Đội quân cảnh vệ đang tuần hành quanh trường thi đó!
Hải chạy lại núp sau một thân cây. Chàng đưa tay lên ngực nắm chặt cái túi đựng đôi bông tai,uất ức nhìn lên trời lẩm bẩm:
_Đôi bông tai? Thi Hội? Chỉ được chọn một. Hụt thi Hội vì đôi bông tai. Quà cưới chỉ có một lần. Đám cưới phải kịp thời. Thi Hội sẽ còn nhiều dịp. Không van xin nữa! Anh sẽ về ngay với em đây Vân Sa!
Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt hốc hác bàng hoàng Hải từ từ khuỵu xuống bên gốc cây.