Phần 26

Chứng đau lưng
Đau lưng là một chứng bệnh thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau lưng, nhưng thường gặp nhất là lao động không đúng cách. Đau lưng do chấn thương hoặc do bệnh của cột sống cũng tương đối hay gặp.
Nguyên nhân:
- Thoái hoá đĩa đệm: Đĩa đệm là phần nằm giữa 2 đốt xương của cột sống, có tính chất mềm và co giãn (nhờ vậy mà cột sống cong, ưỡn được). Các đĩa đệm có tác dụng giảm "xóc" khi có sức dồn nén. Các bệnh của đĩa đệm dẫn đến đau lưng thường lxuất hiện do sự thoái hoá của đĩa đệm, do tuổi tác ngày càng tăng, lao động nhiều khiến đĩa đệm phải chịu nhiều dồn ép lâu ngày, làm giảm đi tác dụng thun giãn.
- Thoát vị đĩa đệm: Khi mang hay vác một vật nặng, cột sống phải chịu sự đè nén của vật đó, và lẽ dĩ nhiên, đĩa đệm cũng phải nhận gánh nặng này. Nếu vật quá nặng, sức dồn ép quá mức, đĩa đệm phải phình ra, chèn ép lên các dây thần kinh, gây ra cảm giác đau. Những đĩa đệm nằm ở vị trí thấp thì sẽ chịu nặng nhiều hơn, điều đó giải thích tại sao người ta hay đau cột sống ở vùng thắt lưng.
Trong một số trường hợp, đĩa đệm còn đủ khả năng chịu đựng và chỉ phình ra có giới hạn, người bệnh đau vài ba ngày là đỡ. Nếu vật nặng quá sức chịu đựng của đĩa đệm, nhân của đĩa đệm phải di chuyển đẩy ra làm vỡ bao gối sụn và lồi ra ngoài đĩa đệm, chèn chặt vào các dây thần kinh, gây đau lưng dữ dội, có thể gây đau thần kinh toạ, nặng hơn có thể bị liệt chân. Trong trường hợp này, bệnh nhân đau thắt lưng cấp do thoát vị đĩa đệm.
- Thoái hoá cột sống: Đây là nguyên nhân thường gây đau lưng nhất. Khi người yếu thì đau càng tăng lên. Bệnh gây đau lưng từng đợt, giảm một thời gian rồi đau lại.
- Gai đốt sống: Thường là gai đốt sống thắt lưng và đốt sống cùng. Nếu có gai đốt sống cổ, bệnh nhân sẽ đau vùng gáy.
- Tư thế trong lao động: Trường hợp này rất thường xảy ra do trong quá trình lao động do không chú ý như cúi lưng để nâng vật nặng quá sức, làm cho lưng cong, ưỡn ra, đĩa đệm dễ bị trượt, gây chứng đau lưng cấp. Một số người có chứng đau lưng kinh niên do phải làm việc trong một tư thế ít thay đổi như thợ may, thư ký ngồi văn phòng, người nông dân đi cày phải cúi liên tục, những công nhân phải đứng máy liên tục, những tài xế xe...
- Bệnh dính các khớp cột sống.
- Bệnh viêm cột sống do nhiễm trùng.
- Một số di căn của ung thư lan đến cột sống: Các trường hợp ung thư phổi, ung thư vú, ung thư tuyến tuyền lập ở nam giới... cũng có thể di căn lên cột sống.
- Bệnh loãng xương: Thường gặp ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Khi có bệnh loãng xương, các xương rất dễ bị gãy, nguy hiểm nhất là gãy chỏm xương đùi.
- Bệnh trượt cột sống do chấn thương: Hay đau ở vùng thắt lưng do trượt đốt sống lưng thứ 5, thường do chấn thương hoặc dị dạng cột sống.
- Bệnh ở một số cơ quan trong cơ thể: Như bệnh về đường tiết niệu và sinh dục, thường gặp là bệnh sỏi thận, viêm thận, bể thận, u ở thận, viêm tiền lập tuyến.
- Rối loạn nội tiết: Một số phụ nữ có rối loạn về kinh nguyệt cũng thường bị đau lưng, viêm tiền liệt tuyến ở nam giới...
- Một số bệnh ở đường tiêu hoá: Thường gặp là loét dạ dày, tá tràng, bệnh viêm tuỵ, bệnh sỏi mật...
- Các bệnh về thần kinh: Thường là các bệnh của tủy sống.
- Bệnh cùng hoá cột sống: Thường gặp ở đốt sống thắt lưng 5 do đốt sống bị lún xuống.
- Các bệnh toàn thân dẫn đến đau lưng: Như các bệnh nhiễm trùng gây sốt cao (sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết...)
- Bệnh vôi hoá cột sống (mục xương).
Ngoài các nguyên nhân kể trên, các yếu tố ảnh hưởng đến tâm thần cũng đóng vai trò gây đau lưng.
Phòng ngừa đau lưng
Để phòng ngừa đau lưng, chúng ta phải luôn luôn chú ý đến tư thế sinh hoạt, lao động đúng. Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất. Những tư thế tuy đơn giản nhưng rất cần được quan tâm giữ đúng đắn là: nằm, ngồi, đứng, đi, nhấc vật nặng, mang xách vật nặng. Sau đây là những tư thế quan trọng cần chú ý.
Nằm
Không nên nằm trên giường quá cứng (như giường gỗ) hay quá mềm và trũng (như giường có lò xo mất độ giãn). Nên nằm nệm chắc đều nhưng mềm, có thể lót một miếng ván cứng dưới nệm nếu cần để tránh giường quá trũng. Không nên nằm gối quá cứng và quá cao khiến cổ gập, vai nhô lên. Nên chọn gối có kích thước nhỏ hoặc mềm vừa đủ lăn trở đầu mà cổ không bị quẹo. Khi nằm phải giữ sao cho đầu, cổ, thân thẳng. Tránh các tư thế vặn vẹo. Tránh nằm sấp vì sẽ gia tăng lực chịu đựng lên cột sống thắt lưng. Nên nằm ngửa ngay thẳng hay nằm nghiêng, ôm một gối dài trong tư thế thoải mái. Tránh nằm với tay lấy vật gì quá xa hay đan chéo tay với lấy đồ khiến thân hình vặn vẹo.
Từ nằm chuyển sang ngồi phải tránh vặn vẹo thân mình. Tránh hẳn tư thế bật ngồi lên thình lình khiến cột sống chịu lực bất thường hay gây đau. Khi phải ngồi lên trong tư thế ngửa, chúng ta nên chống 2 tay ra phía sau lưng, từ từ ngồi lên một cách nhẹ nhàng, không đột ngột.
Thế chuyển từ nằm giường sang ngồi tốt nhất là:
- Gập một chân, lăn theo trục thân. Gập cả hai chân, chống khủyu bên phía lăn và chống bàn tay bên kia để ngồi lên từ từ bên mép giường, nhẹ nhàng thư duỗi hai chân.
- Thế chuyển từ nằm đất sang ngồi và sang đứng dậy tốt nhất là nhờ sức cơ hai tay và hai chân, chậm rãi, tránh đột ngột: Nằm sấp, chống tay ngồi, mông dựa lên cẳng chân. Quì thẳng lên gối, gập một chân ra phía trước. Tì tay vào gối rồi đứng dậy từ từ.
Khi chuyển từ ngồi sang nằm cũng nên nhẹ nhàng, không nên ngã vật xuống giường hay vặn vẹo thân mà nên làm tiến trình ngược lại: Ngồi ngay thẳng bên mép giường, chống tay, nghiêng người dần dần. Nằm nghiêng xuống vừa co gối lại, nằm ngửa ra từ từ. Duỗi chân này rỗi duỗi chân kia ra. Những tư thế thường ngày này lại chính là tư thế chống đau khi bị bệnh.
(còn tiếp)