Phần 83

Sốt rét (tiếp)
Điều trị
Hiện nay tại vùng Đông Nam Á, trong đó có nước ta, ký sinh trùng sốt rét P.falciparum đã kháng lại hầu hết các thuốc sốt rét được sử dụng trước đây như Choloroquine (Delagyl, Nivaquine), Sulfadoxine - Pyrimethamine (Fansidar) với tỷ lệ trên 90%.
Để khắc phục tình trạng đó, Tổ chức Y tế thế giới đã nghiên cứu phác đồ điều trị sốt rét với các loại còn hiệu quả là Artemisimin và các dẫn xuất (là chất chiết xuất từ cây thanh hao Artemisua annua), Quinne, Mefloquine. Tại Việt Nam, chương trình quốc gia phòng chống sốt rét đã ứng dụng điều trị sốt rét bằng phác đồ này. Tỷ lệ trên 95% khỏi bệnh trong đợt điều trị đầu tiên (với thời gian khỏi bệnh từ 3-4 ngày).
Phòng ngừa
Hiện nay, ở ta và trên thế giới, điều trị sốt rét cơn rất đơn giản và hiệu quả; nhưng một khi sốt rét đã biến chứng thì điều trị lại vô cùng phức tạp, tốn kém và tử vong khá cao. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa là rất quan trọng.
Đối với người sống trong vùng không có sốt rét lưu hành - là vùng không có muỗi trung gian truyền bệnh - như ở các thành phố, thị trấn; khi đi vào vùng có nhiều núi rừng đầm lầy như ở các tỉnh Bình Phước, Đắc Lắc, Cần Giờ... cần được tham vấn về các biện pháp phòng chống cá nhân như mặc áo quần dài vào ban đêm, dùng thuốc xua muỗi loại xoa hay đốt, nằm màn, uống phòng ngừa.
Đặc biệt chú ý: khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng để chữa trị kịp thời trong vòng 3 ngày đầu (nhiều bệnh nhân đã tử vong tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới chỉ vì ngủ qua một đêm tại các vùng có sốt rét sau khi bị sốt không đến ngay y tế để được xét nghiệm máu và điều trị mà tự mua thuốc uống).
BS Trần Tịnh Hiền  (Trung tâm Bệnh Nhiệt đới TP HCM)
Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn (Aedes Aegypti) hút máu truyền siêu vi từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Muỗi vằn sống trong nhà, thích hút máu cả ngày lẫn đêm.
Bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra tại các nước trong vùng nhiệt đới. ở nước ta, bệnh tập trung ở các tỉnh Nam bộ (70%) và duyên hải miền Trung (28%). Bệnh xảy ra quanh năm và thường thành dịch lớn vào mùa mưa. Lứa tuổi mắc bệnh thường là trẻ em. Hiện nay, chưa có thuốc đặc hiệu chữa trị và thuốc phòng ngừa bệnh này.
Sốt xuất huyết ở trẻ em
Các triệu chứng khả nghi bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục từ 39 - 40 độ C trong 3 - 4 ngày liền; có dấu hiệu xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng; đau bụng, nôn ói, chân tay lạnh. Khi nghi ngờ sốt xuất huyết, cần đưa trẻ em đi khám bệnh ngay.
Trường hợp nhẹ, được bác sĩ chỉ định điều trị tại nhà, cần cho trẻ nghỉ ngơi, tránh chạy nhảy; cho ăn nhẹ (cháo, xúp, sữa...); cho uống nhiều nước, uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt; hạ sốt với Paracetamol, lau ấm khi sốt cao; tuyệt đối không cạo gió, cắt giác, quấn kín, cữ ăn... Theo dõi bệnh chặt chẽ, khi thấy dấu hiệu: trẻ li bì, vật vã, chân tay lạnh, ói nhiều... cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết cần cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ mùng (kể cả ban ngày), đậy kín lu, hồ, vại... không để chỗ cho muỗi sinh sản, trong nhà dọn dẹp ngăn nắp, sạch thoáng, không để nước đọng.
(còn tiếp)