Phần 57

Lao - Những điều cần biết
Hãy nghĩ đến bệnh lao khi có các triệu chứng sau:
- Ho khạc nhổ kéo dài trên 3 tuần lễ.
- Giảm sụt cân.
- Sốt về chiều.
- Đau ngực.
- Ho ra máu.
Khi có dấu hiệu này cần phải làm gì? Hãy đến ngay phòng khám lao quận, huyện để được xét nghiệm và tìm vi trùng trong đàm, chụp hình phổi và để thầy thuốc chuyên khoa lao khám bệnh.
Khi được thầy thuốc chuyên khoa lao kết luận mắc bệnh lao, bạn sẽ được điều trị miễn phí 6-8 tháng.
Để khỏi bệnh lao, cần phối hợp uống thuốc, uống đúng liều, đều đặn và uống đủ thời gian.
Bạn được coi là đã khỏi bệnh lao khi điều trị đủ thời gian, và trong quá trình xét nghiệm đàm 3 lần không tìm thấy vi khuẩn lao.
Bệnh lao lây qua đường hô hấp, do vi khuẩn lao gây ra, bệnh không di truyền, có thể phòng và chữa khỏi. Hãy tiêm phòng BCG ngừa lao cho trẻ em.
Ta nên đối xử với người bệnh lao như thế nào? Gia đình động viên, hướng dẫn người bệnh vượt qua lo lắng, an tâm sống bình thường. Không nên xa lánh, phân biệt đối xử với bệnh nhân lao. Người bệnh có thể lao động bình thường.
Bệnh lao kháng thuốc
Lao là một bệnh dễ lây lan, và cần kiên nhẫn điều trị trong vài tháng. Nhưng khi thấy hết ho, hết sốt, bệnh nhân tự ngưng thuốc rồi, bệnh tái phát, lại có một số bệnh nhân uống nhiều thuốc điều trị lao nhưng không hiệu quả. Đó là do bệnh nhân đã bị kháng thuốc. Lao kháng thuốc là trường hợp bệnh nhân mang vi khuẩn kháng với một hoặc nhiều loại thuốc chống lao. Theo điều tra về kháng thuốc lao thực hiện toàn quốc năm 1996-1997, tỷ lệ kháng thuốc lao là 33% (kháng 1-4 thứ thuốc). Trong đó, tỷ lệ kháng Streptompicine là 24%, kháng Isoniazide là 20%, kháng Rifampicine là 3,6%, kháng Ethamlentol là 1,1% và đa kháng thuốc (R, H) là 2,3%. Tại TP HCM, tỷ lệ kháng thuốc lao cũng có số liệu tương tự, nhưng nguy cơ cao hơn vì thuốc lao được nhập và bán thoải mái. Mặt khác, dân di cư từ các tỉnh về thành phố kiếm sống rất nhiều, lại nghèo khó và không có nơi cư ngụ ổn định.
Khi mắc bệnh lao, bệnh nhân phải được quản lý và điều trị có kiểm soát. Nhưng vì nhiều lý do, bệnh nhân thường mua thuốc lao và tự uống theo hướng dẫn của nhân viên nhà thuốc, hoặc điều trị tại các phòng mạch không phải của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân thường ngưng thuốc tùy tiện khi thấy hết ho, hết sốt, hết ho ra máu và hết tiền. Và khi nào cảm thấy cần uống thì dùng thuốc. Vì thế, vi khuẩn lao quen dần với thuốc, tạo ra vi khuẩn kháng thuốc lao.
Càng có nhiều bệnh nhân mang và khạc ra vi khuẩn lao kháng thuốc trong hoặc sau quá trình điều trị thì khả năng lây nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc cho người khỏe mạnh và khả năng xuất hiện bệnh nhân lao mới có kháng thuốc, càng cao (tức là kháng thuốc ở những bệnh nhân lao chưa uống thuốc điều trị lao).
Lao kháng thuốc thường là do sai sót trong điều trị như: áp dụng phác đồ điều trị không đúng, không kiểm soát được việc dùng thuốc của bệnh nhân (có đúng và đều không?) hoặc chất lượng thuốc không đảm bảo...
Hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới chưa có một phác đồ hữu hiệu nào để điều trị bệnh lao kháng thuốc, ở nước ta theo qui định của Chương trình Phòng chống lao quốc gia, những bệnh nhân lao kháng thuốc (đã được tái điều trị 5 loại thuốc) chỉ uống Isoniazide đơn thuần. Trên thế giới đã có phác đồ hướng dẫn điều trị lao kháng thuốc nhưng những loại thuốc này rất đắt tiền, ít hiệu quả, nhiều độc tính và có thời gian kéo dài 18 - 24 tháng, chỉ thực hiện được ở những trung tâm y tế có đủ điều kiện kỹ thuật, đủ phương tiện theo dõi, chăm sóc bệnh nhân một cách toàn diện.
Do đó phòng ngừa bệnh lao kháng thuốc là vấn đề hết sức quan trọng và là mục tiêu của Chương trình Phòng chống lao. Biện pháp tối ưu nhất hiện nay để phòng bệnh lao là thực hiện chiến lược DOTS với hoá trị liệu ngắn ngày có kiểm soát tại cơ sở y tế gần bệnh nhân nhất như phường xã, tổ dân phố, tổ đội sản xuất...
BS Hoàng Thị Quý (TT Lao và bệnh phổi Phạm Ngọc Thạch)
(còn tiếp)