Chương 12 (c)
NHỮNG NGƯỜI TÌNH VÕ BIỀN

Ngày hôm sau, trên các báo có lời đính chánh công khai của họ Trịnh: "Tôi vừa trở về hợp tác với Thủ tướng Ngô Đình Diệm, như vậy tôi không thể hành động trái lại bằng cách gia nhập một tổ chức không ủng hộ chánh phủ của chỉ sĩ họ Ngô".
Trả lời cho Mặt trận, Diệm dùng kế trì hoãn, bảo phải thống nhất các lực lượng quân đội và hứa giúp đỡ tiền bạc.
Nhu bàn với anh:
- Với tình thế này, bọn 8 tên của Cao Đài, Hoà Hảo mà mình đã nhận cho làm tổng trưởng và bộ trưởng thế nào chúng nó cũng từ chức để gây áp lực. Còn những phần tử thân Pháp ở trong chính phủ, quân đội, chúng cũng đang chờ gặp lúc mình khó khăn để rút lui, vậy mình phải tính trước mới được. Cái ghế Tổng trưởng quốc phòng tôi bàn với anh nên để cho thằng Trần Trung Dung, nó vừa là cháu rể nhà mình, vừa là đảng viên Đại Việt, có thể tin cậy được.
Diệm nói:
- Nhưng còn Hồ Thông Minh đã từ chức Tổng trưởng quốc phòng đâu mà chú biểu cho Dung thay.
Nhu lạnh lùng đáp:
- Thằng cha Hồ Thông Minh coi bộ cũng khó tin lắm. Thà "phụ người trước hơn để người phụ mình". Anh cứ ra lệnh cho Hồ Thông Minh phái quân đội đi lấy lại quyền điều khiển và kiểm soát công an cảnh sát đô thành đang ở trong tay Bình Xuyên, để coi hắn có chịu thi hành hay không thì rõ. Hắn chịu làm, thì cho ở lại, mà không thì hắn tự ý xin rút lui. Như vậy là dứt khoát.
Dự đoán của Nhu đã thành sự thật. Tám Tổng trưởng, bộ trưởng của hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo theo nhau từ chức sau ngày 25, khi cuộc hội kiến ở dinh Độc Lập giữa phái đoàn Mặt trận và Ngô Đình Diệm bất thành, và hai bức điện của Bảo Đại từ Pháp gởi về kêu gọi đôi bên không được hưởng ứng.
Hồ Thông Minh cũng xin rút lui, và không làm theo lời yêu cầu của Diệm, lấy lại quyền hành ở đô thành còn trong tay Bình Xuyên.
Ngày 28, đại tá Đỗ Cao Trí chỉ huy đoàn quân nhảy dù, được lệnh Diệm chiếm Nha Cảnh sát đô thành ở đại lộ Trần Hưng Đạo mà quân mũ xanh công an xung phong của Bình Xuyên không chịu rút đi.
Lệ đi gặp riêng người tình đại tá, kích thích Trí hành động quyết liệt, để trả thù cho nàng đã bị Bình Xuyên làm nhục độ nào. Lệ nhắc lại lệnh tấn công của họ Ngô đã đưa ra, hứa hẹn với Trí những giờ phút gặp gỡ say sưa sau khi chiếm xong cơ sở Bình Xuyên đang án ngữ chính giữa trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đại tướng Ely, Tổng tư lệnh quân đội Pháp được tin cuộc tấn công chiếm đóng khu vực Cảnh sát trung ương, vội vàng can thiệp, yêu cầu ngừng hoãn vì lý do sinh mạng tài sản của Pháp kiều ở chung quanh có thể bị nguy hại.
Hộ pháp Phạm Công Tắc đánh điện sang Pháp cho Bảo Đại cầu cứu: "Chúng tôi lo ngại trước sự khiêu khích của ông Diệm đang nắm trọn quyền hành trong tay".
Chiều 29, Lệ một mình lái xe đi gặp Đỗ Cao Trí và Trần Văn Đôn khuyến khích hai người tình trước giờ phút quyết liệt sắp diễn ra. Trong không khí rộn rịp của thành phố về chiều, Lệ đứng trên lầu cao, tựa vào vai Trần Văn Đôn, trỏ Sài Gòn - Chợ Lớn ở phía dưới, thỏ thẻ:
- Đánh đuổi Bình Xuyên ra khỏi, anh sẽ lập một chiến công lớn, chẳng những đối với quốc gia mà eòn riêng đối với em đã tự nguyện hiến dâng cho người anh hùng chiếm lại thủ đô.
Trong khi Lệ ôm hôn đại tá Đôn, ở dinh Độc Lập anh em họ Ngô đang tức giận quanh một bức thư vừa nhận được.
Nhu nói:
- Hồ Hữu Tường nó viết trong bức thư công khai để đáp lời tuyên bố của anh trên Đài phát thanh hôm rồi, nó nói anh là bá đạo, bịt miệng báo chí, lường gạt lực lượng theo ủng hộ, mưu mẹo không trả lương cho họ… Nó lại còn cho tôi dốt nữa. Đây, anh nghe đoạn này: "Thưa cụ, cụ nghe lời một số cố vấn xuất thân các đại học, cụ đặt "vấn đề then chốt". Cụ nói: Vì thực ra, chỉ có một vấn đề duy nhất mà khi giải quyết được xong mới giải quyết mọi vấn đề khác, đó là vấn đề tổ chức quân đội và lập trường của một số đoàn thể võ trang đối với việc đó. Rồi xây dựng "chương trình" không khác nào lập một học thuyết toán Pháp, cụ sang từ định lý này đến định lý khác cho đến cái biện pháp thực tiễn là săn sóc đến "quyền lợi của các đoàn thể võ trang", như cụ đã nói trong lời tuyên bố truyền thanh. Nếu đã đến cái kết luận nọ, trong khi trước toà án, cụ lên án những cuộc hối lộ của kẻ sa cơ, những hối lộ từ dưới lên trên, rồi chính cụ nêu thành "quốc kế" một cuộc hối lộ khổng lồ từ trên xuống dưới, có phải chăng là một học thuyết nọ dẫn đến một tủi nhục lớn cho dân tộc, và có phải chăng là các cố vấn đại học của cụ mới tập tễnh, nên đặt vấn đề không trúng phép chăng?"
Diệm tức giận lớn tiếng:
- Sao chú không cho bắt cổ giam nó lại, nó dám hỗn láo múa mép như vậy?
Nhu quay lại bảo Trần Kim Tuyến, bác sĩ mật vụ đang đứng sau lưng:
- Toa cho người đi mượn nó chưa?
Bác sĩ bước đến gần Diệm, thưa:
- Bẩm cụ, con đã cho người đi lùng Hồ Hữu Tường ngay sau khi nhận được bức thư công khai quay rô-nê-ô của nó phát ra, nhưng nó đã chạy qua bên kia cầu chữ Y rồi.
- Hắn chạy theo Bình Xuyên làm quân sư cho Bảy Viễn hả? Toa để lọt Hồ Hữu Tường mất rồi, phải lo tóm cổ đứa trí thức còn lại muốn sinh chuyện, tụi nó hay lôi thôi lắm!
Trước lời trách cứ của Diệm, bác sĩ Trần Kim Tuyến xoa tay nói:
- Bẩm cụ, con đã có danh sách bọn trí thức chống đối, còn tình cảm với Bình Xuyên cũng chẳng còn mấy đứa. Đám quân sư chính trị của Bảy Viễn, đáng kể nhất là Hoàng Giang Giũ, hiện ở Pháp, Trần Văn Ân thì còn ở trong khu vực Bình Xuyên, còn mấy tên khác không đáng kể. Như Nguyễn Đức Quỳnh, hắn chạy theo Bảy Viễn, song thực ra là người của Cousseaux, thuộc Phòng Nhì Pháp.
Nhu ngắt lời:
- Có phải hắn thuộc nhóm trốt-kit Hàn Thuyên trước đây ở Hà Nội không?
- Vâng, nhưng hắn đã từ bỏ đệ tứ quốc tế lúc ở trong khu mà theo cộng sản đệ tam, rồi khi trở về thành hẳn lại bỏ đệ tam quốc tế mà vào dê nhị phòng. Tôi thấy thứ người hay thay đổi như vậy có thể mua chuộc được dễ dàng để làm tay sai cho mình len lỏi trong hàng ngũ địch.
Nhu gạt đi:
- Tôi không ưa thứ phản bội đội lốt trí thức, văn hoá, vì rồi nó cũng tráo trở với mình?
Tối hôm ấy giữa lúc Sài Gòn - Chợ Lớn chìm đắm trong đêm, đời sống dân chúng tiếp diễn như thường lệ mặc dù không khí nặng nề khác thường của sự bố trí, chuẩn bị giữa quân đội quốc gia và công an xung phong Bình Xuyên, trong khi Nhu đang đắm mình trong khói thuốc phiện, và anh chồng quỳ ở ghế cầu nguyện thì Lệ đang trò chuyện với đại tá Landsdale.
Biết rõ giờ nổ súng vào giữa khuya đêm nay, Lệ cảm thấy trong người xao động lạ thường, như chính tự tay nàng sẽ đứng ra bắn hoả lệnh để mở cuộc tấn công.
Mặc dù ban ngày nàng đã ngả ngớn liên tiếp trong hai tay người tình đại tá chỉ huy chiến cuộc đêm nay, Lệ vẫn thấy xác thịt rạo rực đòi hỏi. Nàng rủ người tình Mỹ đi dạo rồi đưa vào phòng riêng đại tá ở trong dinh.
Trong trận đồ đêm nay, chính đại tá Landsdale giữ một vai trò quan trọng trong chiến thuật.
Lệ lôi cuốn chàng vào trong bão táp của tình dục, trước giờ khai hoả, hai người đang say sưa quên cả trời đất chung quanh, bỗng nghe những tràng súng nổ đầu tiên vẳng lại.
Landsdale vội vã khoác quân phục chạy đi, trong khi Lệ vận lại quần áo trở về phòng riêng.
Nghe ả xẩm nói lại, chồng và anh chồng nàng vừa cho gọi đến, Lệ vội sửa lại mái tóc, tô lại môi son, rồi bước ra.
Đứng trên lầu cao dinh Độc Lập nghe những tiếng súng nổ từ những phía dội đến, nhìn qua đầu những ngọn cây và mái phố xa xa về phía Chợ Lớn, thấy lửa bốc cháy sau các tiếng nổ lớn của trọng pháo, Ngô Đình Diệm quay lại bảo các em, vợ chồng Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Luyện và cháu rể Trần Trung Dung, tân Bộ trưởng quốc phòng đang đứng quanh mình, bằng một giọng đắc chí:
- Phen này chúng nó phải tiêu! Dẹp xong bọn giặc này rồi rảnh tay đối phó với bọn tàn quân giáo phái mất hết tinh thần.
Nhu nói tiếp:
- Đến lượt chúng ta trị vị!
Trần Trung Dung lên tiếng phụ hoạ:
- Chỉ ba hôm là đánh đuổi bọn Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn - Chợ Lớn.
Lệ không giấu nổi hân hoan tràn ngập lòng mình theo nhịp tiếng súng nổ giòn, át cả tiếng chuông nhà thờ Đức Bà ở trước dinh Độc Lập thong thả buông 12 tiếng đều đặn. Mấy quả tạc đạn nổ ầm ở phía vườn Tao Đàn, rồi tiếp đến mấy tiếng trái phá nổ trong hoa viên làm Lệ giật mình, theo anh em họ Ngô đi vào trong, song Lệ vững lòng ngay khi nhớ rằng chính đại tá Trần Văn Đôn giữ nhiệm vụ bảo vệ dinh Độc Lập.
Nhìn người anh chồng Thủ tướng và người chồng cố vấn đang chăm chú trên bản đồ lớn đô thành với những dòng đỏ trải rộng trên bàn, Lệ ngửa người vào lòng ghế bành, toàn thân lồ lộ qua lớp tơ lụa mỏng manh, như một nữ hoàng thời thượng cổ ngự trị trên đám cận thần và tướng tá đang chinh phục đất đai, báu vật và nô lệ để mang về dâng tặng nữ chúa. Giang sơn anh em họ Ngô đang ra công chiếm đoạt há không phải sẽ thuộc về tay nàng, người đàn bà duy nhất có ảnh hưởng chi phối cả gia đình họ Ngô?
Giữa những tiếng súng nổ vang rộn cả châu thành, Lệ bước vào phòng riêng ghi nhật ký của nàng:
"Đêm 29 rạng 30 tháng 3-1955.
Thế là cuộc tấn công Bình Xuyên đã bắt đầu. Chiến thắng lũ cướp này với bọn giáo phái phong kiến cũng không khó khăn gì, vì đã có Mỹ hết lòng ủng hộ, và quân đội dân chúng đang tin tưởng làm hậu thuẫn.
Nhất định họ Ngô phải trì vì nước này, và ta sẽ trở nên một Catherine de Russie, đồng thời là một Marie Antoinette, một Cléopêtre như lòng ta vẫn ôm ấp mong muốn.
Mộng nữ hoàng thời con gái của ta đã bắt đầu thực hiện. Ta sẽ là người đàn bà mà mọi người phải nghiêng mình khi trong đi qua, thiên hạ phải nhắc nhỡ, lịch sử phải ghi nhớ.
Thời đại quân chủ đã qua, song với dòng máu hoàng tộc trong người ta sẽ là nữ hoàng trong các nữ hoàng.
Ta tự thấy có thể chinh phục chung quanh để bước lên địa vị mà bất cứ người đàn bà nào có nhan sắc, thông minh đều ước ao, mơ tưởng đến: Đệ nhất phu nhân!
Dù có trở lực, khó khăn, ta quyết sẽ làm tất cả để vượt qua mà thực hành câu "muốn là được". Những người thân yêu xa hay gần của ta sẽ giúp ta thành công.
Tiếng súng đêm nay mở đầu một trang sử mới cho xứ sở Việt Nam và cũng bắt đầu một giai đoạn mới cho đời ta".
 
Tiếng súng bên ngoài liên tiếp nổ gần đến lúc chuông nhà thờ đổ sáng mới chấm dứt. Dân chúng ở chung quanh vùng giao chiến như vừa qua một cơn mơ hoảng đầy lửa đạn. Sau hơn bốn giờ súng nổ, binh sĩ cả đôi bên lẫn thường dân bị thiệt mạng 26 người và 112 người bị thương.
Trước thảm trạng tang tóc, sáng ngày lại, Ngô Đình Diệm và Bảy Viễn đều lên tiếng đổ lỗi cho nhau đã gây ra cuộc đổ máu.
Phạm Công Tắc nhân danh "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia" gởi điện văn sang Pháp cho Bảo Đại:
"Thủ tướng Diệm đã hạ lệnh tấn công vào cơ sở trong khu vực Bình Xuyên, súng nổ dữ dội hồi 23 giờ 30 ngày 29-3-55 chấm dứt hồi 4 giờ sáng 30-3-55. Có 10 người bị chết và 30 người bị thương bên Bình Xuyên. Mặt trận chúng tôi quyết định phong toả Sài Gòn.
Kính cẩn thỉnh cứu Quốc trưởng thâu lại toàn quyền của Ngô Đình Diệm".
Sau đêm nổ súng, dân chúng đô thành nhốn nháo mua lương thực tích trữ vì những tin đồn phong toả Sài Gòn - Chợ Lớn vì bọn buôn bán lậu tung ra để đầu cơ gạo, cá khô, nước mắm, than củi…
Tại tổng hành dinh Cái Vồn ở miền Tây, tướng Năm Lửa vuốt râu cong trên mép tuyên bố đầy tự hào:
- Tôi hạ lệnh phong toả một cái là Sài Gòn không có một trái ớt mà ăn!
Bộ Tổng tư lệnh Pháp có trách nhiệm bảo vệ an ninh ở phía dưới vĩ tuyến 17 đứng ra can thiệp yêu cầu đôi bên ngưng bắn.
Anh em họ Ngô ngờ Pháp đã ngấm ngầm giúp Mặt trận các giáo phái, trong khi có tin đồn là Bình Xuyên đã nhờ sĩ quan Pháp bày vẽ chiến thuật trong đêm nổ súng, và bộ chỉ huy Pháp đã từ chối không cấp đạn dược cho quân đội quốc gia, không cho mượn xe cộ để chở mấy tiểu đoàn nhảy dù ở Nha Trang vào Sài Gòn tiếp viện.
Đại tướng Collins, đại sứ của Tổng thống Mỹ nhận lời điều đình với tướng Ely, Cao uỷ Pháp, buộc đôi bên ngừng chiến, nhưng đồng thời đòi phải giao quyền cảnh sát công an khắp miền Nam cho Thủ tướng Diệm.
Các thông tín viên báo Pháp có mặt ở Sài Gòn đã đánh điện về Ba Lê, loan tin: Diệm khước từ thoả hiệp với các đoàn thể võ trang, cả chục tổng, bộ trưởng theo nhau từ chức, chính quyền miền Nam do Diệm cùng anh em, con cháu họ Ngô đảm trách. Gia đình cầm quyền này được người Mỹ trợ giúp, đặt ngay trụ sở làm việc tại dinh Norodom. Ngoài ra, còn có sự hợp tác của các đại tá trẻ tuổi trong mấy cơ quan Mỹ.
Trong thời gian ngừng bắn, anh em họ Ngô vận động phá vỡ "Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia" bằng cách mua chuộc, chia rẽ các lực lượng giáo phái. Một trăm triệu bạc được tung ra để nhử các tướng tá đang hoang mang trước thế lực của họ Ngô, được Mỹ ra mặt ủng hộ triệt để, trong khi Pháp lưng chừng đóng vai trung lập ở ngoài, thờ ơ ngay với cả nhóm Bình Xuyên mà họ đã trực tiếp đỡ đầu bấy lâu.
Tại tổng hành dinh Bình Xuyên, bên kia cầu chữ Y, trên con kinh chảy vào Chợ Lớn ngăn cách Sài Gòn với vùng sình lầy hoang vu chạy thẳng ra Rừng Sác, gió từ Vũng Tàu lồng lộng thổi vào không làm loãng được không khí nặng nề đang bao trùm chung quanh Bảy Viễn. Dưới mái tóc hớt ngắn, vẻ mặt lầm lì của thủ lãnh Bình Xuyên càng nặng trình trịch sau làn da đen nám rượu bốc sẫm hứng, đôi mắt đỏ ngầu nhìn xuống, qua những tin bất lợi dồn dập. Nghe tiếng Lại Hữu Tài đi về, Bảy Viễn hất hàm hỏi:
- Năm, sao mậy?
"Cố vấn chính trị" Bình Xuyên vẫn "mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao" như thường ngày, lấy vẻ mặt nghiêm trọng nói oang oang khi bước đến:
- Đ.m tụi nó phản rồi, anh Bảy à?
Rồi Năm Tài hạ giọng khi thấy mấy tay "quân sư" xúm lại:
- Phòng Nhì cho hay Diệm đã bỏ ra một trăm triệu để mua Nguyễn Thành Phương và Năm Lửa rồi. Ngày mai thằng chó chết "phản Trụ đầu Châu" đó đem quân Chợ Lớn bán cho họ Ngô đây. Đ.m, tôi đã nói trước anh Bảy không nghe, không thể tin cái thằng lính khố xanh làm tướng đó được mà!
Bảy Viễn buồn rầu im lặng một hồi lâu rồi nói:
- Có nghe Đức Hộ pháp nói sao không?
Lại Hữu Tài đáp:
- Hay tin thằng Phương nó phản đạo, phản thấy, ông Tắc rầu lắm và sợ anh Bảy phiền, nên tính cử thiếu tướng Lê Văn Tất đại diện cho quân lực Cao Đài trong chủ tịch đoàn Mặt trận.
Tiếng nói của Năm Tài lại oang oang lên:
- Nói cho anh Bảy mừng, tôi đã liên lạc với tướng Nguyễn Văn Thành ở khách sạn Majestic, rủ về phe mình; tướng Thành có vẻ chịu lắm, vì đang bất mãn bị Diệm bỏ rơi. Như vậy, mình có mất tướng Phương, có tướng Thành cũng là tướng Cao Đài, và hiện chức thiếu tướng quân đội quốc gia, anh Bảy đừng buồn nữa.
Ngày 31, hai hôm sau nổ súng giữa quân đội họ Ngô và Bình Xuyên, Nguyễn Thành Phương nhân danh trung tướng Cao đài, rút khỏi Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia mang 50 thuộc hạ vào dinh Độc Lập.
Anh em Diệm tổ chức lễ tiếp đón đám tướng sĩ Cao Đài qui thuận và sát nhập lực lượng võ trang Cao Đài tuỳ thuộc Nguyễn Thành Phương vào hàng ngũ quân đội quốc gia.
Trong khi binh sĩ Cao Đài sắp hàng biểu diễn, thì tướng Trịnh Minh Thế, thủ lãnh Cao Đài Liên minh tuyên bố một lần nữa lòng trung thành với chính phủ họ Ngô.
Lôi cuốn được quân lực Cao Đài và mua chuộc xong Trần Văn Soái nằm yên ở Cái Vồn với lực lượng Hoà Hảo, anh em họ Ngô cùng một lúc đã làm tan rã Mặt trận các giáo phái chống đối, và cô lập hẳn Bình Xuyên, chỉ còn là một nhóm võ trang bị Pháp bỏ rơi.
Trước tình thế nghiêng ngả đó, một Uỷ ban Nhân dân hoà giải xuất hiện, mong làm im dịu không khí căng thẳng cực độ sắp nổ bùng lần nữa hai phe họ Ngô và Bình Xuyên.
Tin tưởng ở lực lượng hùng hậu đã chiếm giữ các vị trí trọng yếu với 4 tiểu đoàn nhảy dù sẵn sàng giao chiến, bốn tiểu đoàn dự bị và binh sĩ tăng cường ở miền Trung có thể đưa vào, cùng sự khuyến khích của các tướng tá Mỹ, anh em họ Ngô quyết định ra tay tiêu diệt Bình Xuyên gồm 2000 bộ hạ võ trang ở Sài Gòn - Chợ Lớn và lối 2000 nữa ở bên ngoài.
Anh em Diệm đã nắm giữ được thế mạnh, không muốn biết đến Uỷ ban Nhân dân hoà giải cũng như Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia không còn đáng kể nữa, mà chỉ thấy có một đối phương cần phải thanh toán là Bình Xuyên.
 
Những tiếng súng nổ lẻ tẻ đêm nay trong đô thành, các cuộc đụng độ giữa Bình Xuyên và quân lực họ Ngô vẫn tiếp diễn, trong khi công an xung phong của Bảy Viễn vẫn bám trụ ở trụ sở đường Catinat, Đakao… kiểm soát sân bay, bến tàu, điều khiển cảnh sát, an ninh ở đô thành.
 
Ngày 24, Diệm ký sắc lệnh bãi chức tổng giám đốc cảnh sát, công an của Lại Văn Sang, cánh tay mặt của Bảy Viễn, và cử đại tá Nguyễn Ngọc Lễ thay thế.
 
Trong 48 tiếng đồng hồ nếu Sang không tuân lệnh bàn giao nhân viên và nhiệm sở, sẽ bị đưa ra toà án quân sự.
 
Quyết định của họ Ngô có tính cách một tối hậu thư buộc Bình Xuyên phải rút ra khỏi châu thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Lại Văn Sang đã chạy về bên kia cầu chữ Y, song đám bộ hạ vẫn còn trấn giữ ở các quận bót rải rác trong đô thành.
Bộ Tư lệnh Pháp đứng ra can thiệp để tránh chiến tranh xảy ra có thể nguy hại đến tính mạng Pháp kiều đang ở Sài Gòn.
Tình thế khẩn trương từng giờ, từng phút, dân chúng đô thành sống trong hồi hộp chờ đợi cuộc xung đột khó tránh khỏi giữa hai lực lượng đã bố trí, hờm nhả đạn vào nhau.
 
1 giờ ngày 28, tiếng súng bắt đầu nổ dữ dội, mở đầu cuộc giao tranh thực sự.
Giữa lúc hai phe họ Ngô và Bình Xuyên quyết liệt thanh toán nhau bằng súng đạn, biến Sài Gòn - Chợ Lớn thành trận địa giao tranh, từ Cannes, Bảo Đại nhân danh Quốc trưởng lên tiếng triệu tập đại diện chủ yếu ở Việt Nam lập tức sang Pháp "ra khỏi nơi xung đột để thảo luận về tình hình trong nước". Đồng thời ký sắc lệnh bổ nhiệm thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ giữ chức tư lệnh quân đội quốc gia, và quân đội tạm cầm quyền thay thế Thủ tướng. Bảo Đại cũng ra lệnh cho tướng Nguyễn Văn Hinh trở về Việt Nam với nhiệm vụ tiếp xúc các thủ lãnh giáo phái.
Những quyết định của Bảo Đại được sự tán đồng của chính phủ Pháp, vẫn còn nuôi hy vọng có thể lay chuyển được lập trường của Mỹ. Trước đó, đại sứ Pháp Couve de Murville đã gặp ngoại trưởng Mỹ rồi sau đại tướng Collins, đại sứ của Tổng thống Eisenhower được triệu về Hoa Thịnh Đốn để tham khảo ý kiến. Ngày hôm sau cuộc chiến tái diễn ở Sài Gòn, thủ tướng Pháp Edgar Faure tuyên bố trong một buổi họp báo là chính phủ Ngô Đình Diệm không đủ sức làm tròn nhiệm vụ, nhưng lại được nhà cầm quyền Mỹ nỗ lực tiếp tục ủng hộ Diệm thay thế Bảo Đại.
Pháp lo ngại cho những ảnh hưởng còn lại có thể tiêu tan trước một chính quyền thân Mỹ trong khi Bảo Đại nhận thấy nguy cơ có thể bị họ Ngô tiếm vị sau khi chiến thắng Bình Xuyên và thu phục các giáo phái. Văn phòng Quốc trưởng liền được lệnh đánh một công điện triệu Thủ tướng Ngô Đình Diệm sang Pháp để Bảo Đại tham khảo ý kiến và dự hội nghị đặc biệt ở Cannes, và một công điện cử thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ làm Tổng tư lệnh quân đội.
Chính giới Mỹ phản ứng sôi nổi qua các báo. Báo "Nữu Ước diễn đàn" loan tin rằng Hoa Kỳ không thể bỏ tiền ra để giúp cho những kẻ thối nát, tay sai thực dân Pháp, võ trang chống lại chính quyền trong sạch, đạo đức, lý tưởng chống Cộng và Công giáo của Thủ tướng Diệm. Lời tuyên bố trước đây của ngoại trưởng Foster Dulles được nhắc nhở: không thể thay thế được Diệm. Các thượng nghị sĩ đầy thế lực Mansfield và Humphrey lên tiếng dứt khoát:
- Nếu không có đủ chỗ cho hai người ở trong chính phủ miền Nam Việt Nam, Bảo Đại phải rút đi.
Ủng hộ cho lá bài Diệm chống lại Bảo Đại, New York Times đăng bài phỏng vấn các tướng Phương, Thế và Nguyễn Giác Ngộ qui thuận họ Ngô, gọi tướng Vỹ là con búp bê của thực dân Pháp giựt dây, mong gây rối loạn để đặt lại thuộc địa ở Việt Nam.
Tại dinh Độc Lập, anh em họ Ngô vừa nhận được báo cáo của đại tá Trần Văn Đôn cho hay kết quả cuộc tấn công trong những giờ đầu đã thu hoạch được thắng lợi: Các ổ công an xung phong của Bình Xuyên ở đô thành đang lần lượt bị chiếm. Tổng hành dinh Bảy Viễn bên kia cầu chữ Y đã bị bích kích pháo bắn trúng phát cháy hồi 23 giờ 40.
 
Lệ hớn hở nhìn thấy người tình trong bộ quân phục chiến đấu kể lại các chiến công đầu, muốn ôm choàng lấy hôn để khen thưởng, song trước mặt chồng và anh chồng, nàng đành giữ vẻ nghiêm trang, chỉ thốt ra một câu khích lệ:
- Chúc đại tá sớm thành công?
- Chúng tôi đã đánh bật Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn - Chợ Lớn trong vòng 48 giờ.
Sau khi vị chỉ huy trưởng hành quân ở đô thành chào ra, người cận vệ mang vào một bức công điện. Nhu mở đọc xong, cười nhạt bảo anh:
- Bảo Đại đòi anh sang Pháp và cử tướng Vỹ lấy lại toàn quyến quân sự của anh đây.
Nhìn thấy vẻ mặt lầm lì của Diệm tức giận nổi cả gân trán, Nhu nói:
- Rõ thằng ngốc thật! Bảo Đại nó tưởng lường được mình như đã triệu tướng Hinh sang Pháp để lột chức chắc?
- Chú tính đối phó ra sao?
- Có khó gì đâu đối với mưu mẹo con nít của thằng ngốc này, Bảo Đại nó đã muốn trở mặt thì mình cho nó biết tay, đừng có trách. Mình chỉ có dịp như vầy để tính sổ luôn cho rồi Bảo Đại đi.
Trước vẻ thích thú bất ngờ của chồng, Lệ thắc mắc hỏi:
- Anh tính sao mà có vẻ vui như vậy?
Diệm cũng không khỏi ngạc nhiên trước thái độ của Nhu nhắc lại:
- Chú có cách gì rồi đó?
Đợi cho chung quanh sốt ruột hỏi dồn, Nhu chậm rãi nói:
- Anh cứ việc trả lời Bảo Đại là tình thế nước nhà không cho phép Thủ tướng vắng mặt bỏ đi đâu được. Rồi trong dịp này, mình mượn người khác truất phế Bảo Đại, lập anh lên.
Diệm không giấu nổi vui mừng, ngỡ ngàng nói:
- Chú biểu lập tôi lên thay Bảo Đại làm vua à? Tôi sợ rồi mang tiếng thí chúa đoạt ngôi, thiên hạ người ta dị nghị cho.
Nhu cười ngắt lời:
- Không phải truất phế Bảo Đại để rồi lập lại chế độ quân chủ, mà tôi tính cho tổ chức một Hội đồng cách mạng phủ nhận uy quyền của Quốc trưởng, giải tán luôn chính phủ thành lập do sắc lệnh của Bảo Đại, rồi uỷ nhiệm cho anh đứng ra thành lập chính phủ lâm thời theo chế độ cộng hoà. Như vậy, chẳng những mình lật đổ Bảo Đại mà còn loại bỏ luôn bọn tay chân nữa.
Nhu nói tiếp trong lúc thấy anh đắn đo suy nghĩ:
- Mình đang đánh thắng Bình Xuyên, lại nắm toàn quyền ở trong tay, muốn làm gì mà không được? Phía quân đội quốc gia còn một số sĩ quan theo Pháp, song Pháp cũng không chuyển lại được tình thế, vì Mỹ đã bỏ tiền trả lương cho binh sĩ, Mỹ đã triệt để ủng hộ mình rồi, còn sợ trở lực nào nữa? Tướng Vỹ mà Bảo Đại muốn bổ làm Tổng tư lệnh quân đội quốc gia, anh để đó tôi xử cho mà coi.
- Chú tính nhờ ai tổ chức Hội đồng truất phế Bảo Đại?
- Tôi giao cho hai tướng Phương và Thế lo việc này phối hợp với mấy phần tử đảng phái quốc gia. Họ đứng ra thì dư luận quần chúng cũng không nói vào đâu được, vì chính những người của giáo phái, phe đảng quốc gia đòi lật đổ Bảo Đại.
Kế hoạch của Nhu thay đổi chế độ được mang ra thi hành ngay hôm ấy.
Từ trưa ngày 30, tin đồn truyền miệng trong các giới là vào lúc 4 giờ chiều sẽ có một cuộc mít tinh lớn lao tại toà Đô Sảnh do các lực lượng dân chủ đứng ra triệu tập với lối 200 đại biểu của tám đảng phái quốc gia, để quyết định một chuyển hướng quan trọng trước tình thế lịch sử.
Mặc dù có sự tuyên truyền vận động của phe họ Ngô phối hợp với các đảng phái ủng hộ Diệm vào "giờ thứ 25" vì những hứa hẹn trợ cấp của Nhu đưa ra, không khí hội họp ở trên lầu toà Đô Sảnh có vẻ gượng ép, giả tạo, trước lối một trăm người tò mò và ủng hộ viên.
Bốn giờ chiều, Hội đồng Cách mạng ra mắt với Nguyễn Bảo Toàn, đại diện Cách mạng Dân xã, Hồ Hán Sơn, đại diện Cao Đài, Nhị Lang đảng viên Việt Quốc.
Sau bài diễn văn của chủ tịch họ Nguyễn, nêu rõ lý do buổi họp, hô hào truất phế Bảo Đại, giải tán chính phủ Ngô Đình Diệm đã thành lập theo lệnh Quốc trưởng Bảo Đại, và tín nhiệm Ngô chí sĩ thành lập chính phủ lâm thời, những tiếng vỗ tay rời rạc hưởng ứng theo các khẩu hiệu "đả đảo" và "hoan hô" có vẻ sắp đặt một cách máy móc, vụng về. Đại tá Sơn tiếp lời, hăng tiết kêu gọi đả đảo Bảo Đại trong khi một kẻ trên ra ban công tháo gỡ bức ảnh Bảo Đại đóng khung quẳng từ cao xuống mặt đường, kính vỡ tan tành. Một số người được tổ chức theo để "hoan hô, đả đảo" như sực nhớ tới phận sự thi nhau gào "truất phế Bảo Đại!"
Mấy phóng viên ngoại quốc ngồi ở hàng đầu, chứng kiến tấn trò truất phế đã dàn cảnh một cách vụng về, ghé hỏi nhau:
- Tấn hài kịch này được trả bao nhiêu?
- Bốn triệu!
- Bằng đô-la hay đồng bạc?
- Bằng đồng bạc. Lật đổ một ngai vàng như thế kể cũng quá rẻ?
Trong khi ấy, để cho đúng với thủ tục, cái hội đồng mệnh danh là cách mạng ấy cử phái đoàn để vào dinh Độc Lập.
Tại đây, thông tín viên báo và các hãng thông tấn ngoại quốc đã được mời đến đông đảo để nghe những lời tuyên bố quan trọng.
Anh em họ Ngô cùng các thuộc hạ có đủ mặt.
Khi ba nhân viên của phái đoàn Hội đồng Cách mạng, Nguyễn Bảo Toàn chủ tịch, Hồ Hán Sơn phó chủ tịch và Nhị Lang, tổng thư ký đến nơi đã thấy thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ và cả tướng Lê Văn Tỵ đang ở vào thế bị bao vây. Cố vấn Ngô Đình Nhu ra lệnh cho hai tướng Phương và Thế đảm nhận việc canh giữ hai nhân vật quân sự cao cấp có thái độ chống đối.
Chủ tịch Hội đồng Cách mạng trình bày công việc truất phế Bảo Đại vừa rồi và tuyên bố uỷ nhiệm Ngô Đình Diệm thành lập chính phủ mới. Đại tá Sơn lên tiếng yêu cầu tướng Vỹ phải tuyên bố phủ nhận Bảo Đại và tán thành quyết định của Hội đồng Cách mạng.
Trước mũi súng sáu của Tổng thư ký Hội đồng Cách mạng kề ngay một bên hông, tướng Vỹ biết không thể ương ngạnh được, đành riu ríu nghe theo, tuyên bố không công nhận sắc lệnh của Quốc trưởng bổ nhiệm mình làm Tổng tư lệnh quân đội quốc gia, đả đảo Bảo Đại và ủng hộ Hội đồng Cách mạng, cương quyết thanh toán thực dân và tay sai Pháp ở Việt Nam.
Giữa lúc tấn hài kịch chính trị quân sự đang diễn ra, một cận vệ đến bảo nhỏ bên tai Diệm có điện thoại khẩn cấp. Ở đầu dây, đại tá Đỗ Cao Trí cho hay là nếu thủ tướng không trả tự do cho tướng Nguyễn Văn Vỹ và Lê Văn Tỵ thì các sĩ quan và binh sĩ Bình Xuyên sẽ nổi loạn tại chỗ.
Cuộc hội họp tại dinh Độc Lập giải tán ngay sau đó, Diệm cùng Nhu và các cố vấn Mỹ họp bàn cách đối phó.
Lệ nghe lén được sự bàn định của chồng và anh chồng thủ tướng, vội về phòng kêu điện thoại riêng cho đại tá Trần Văn Đôn, đòi gặp ngay tình nhân trong hôm đó.
Giữa những tiếng súng nổ dồn dập vào đêm, trên đường vắng, Lệ một mình lái xe thẳng ra phía bờ sông, đậu ở cuối đại lộ Nguyễn Huệ, rồi đi vào khách sạn Majestic.
Đại tá Đôn đã chực sẵn ở bàn rượu cuối phòng đợi nàng. Thấy Lệ bước vào đang đưa mắt tìm kiếm, Đôn vội vã đứng lên, vẫy tay lên tiếng gọi.
Lệ vừa kiểu cách ngồi xuống, Đôn đã hỏi:
- Có việc gì quan trọng lắm mà em bắt anh phải bỏ cả công việc đang chỉ huy mặt trận đi gặp em?
Lệ cười rất lẳng, nhìn thẳng vào đôi mắt người tình, khẽ đáp bằng tiếng Pháp theo thói quen của nàng.
- Thưa thiếu tướng. Em có một tin mừng cho anh…
- Sao em lại gọi anh là thiếu tướng trong khi anh vẫn còn đeo phù hiệu đại tá?
- Đó là tin mừng mà em đích thân mang đến cho thiếu tướng của em dù biết anh đang bận rộn trận mạc.
Đôn sốt ruột hỏi:
- Em hãy nói rõ cho anh nghe đi.
Lệ liếc nhìn quanh các bàn đấy khách ngoại quốc rồi nói nhỏ:
- Ở đây có nhiều kẻ tò mò, chúng mình phải kiếm nơi nào vắng để cho anh còn mừng với em về chức tước mới của anh, phải không ông tướng của lòng em?
Đôn tuy chỉ mới nhấp nửa ly whisky đã cảm thấy say sưa lảo đảo trước người đẹp và tin vui bất ngờ, vội đến quầy bảo dành cho một phòng riêng có máy lạnh và mang sâm banh đến, rồi quay lại đưa Lệ lên lầu.
Giữa lúc Lệ cùng người tình đại tá sắp được vinh thăng thiếu tướng vui say trong hoan lạc thì tại dinh Độc Lập anh em họ Ngô cùng các cố vấn tu sĩ áo đen, áo tím, bàn bạc kế hoạch trị vì.
Nhu nói:
- Việc truất phế Bảo Đại như vậy cũng kể là xong, trong khi chờ đợi mình tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để hợp thức hoá việc loại bỏ Bảo Đại cho được "danh chánh ngôn thuận". Việc thanh toán dứt khoát Bình Xuyên chỉ còn là vấn đề thời gian năm mười bữa nữa thôi. Nhất định chúng nó phải tan rồi? Bây giờ mình chỉ còn lo làm sao quét sạch bọn Hoà Hảo ở miền Tây nữa là yên. Có tin tướng Hình trở về phối hợp với bọn đó, nhất là Ba Cụt, Le Roy… phải coi chừng chúng nó gây rối ở lục tỉnh cũng phiền.
Để lấy lòng quân đội, hôm sau anh em họ Ngô tổ chức một buổi lễ gắn huy chương cho hai đại tá tư lệnh Sài Gòn - Chợ Lớn và chỉ huy phòng vệ dinh Độc Lập thăng chức thiếu tướng Lê Văn Tỵ lên trung tướng.
Vị trung tướng bị dồn vào thế phải hợp tác với Hội đồng Cách mạng đưa ra một thông cáo tuyên bố "Các lực lượng Cách mạng dân chủ và quân đội cương quyết ủng hộ và trung thành với chính phủ Ngô Đình Diệm". Về phần Bình Xuyên, để đối phó lại họ Ngô, Bảy Viễn cũng ráo riết chuẩn bị. Nhưng thật sự quân đội Bình Xuyên sống bằng gá bạc, chứa gái, buôn lậu, cậy thế hống hách bất nạt dân lành, làm tiền những thương gia giàu có, thâu thuế những hộp đêm, khách sạn, tiệm nhảy, đầu cơ lúa gạo, cá thịt, thuốc phiện, cầm đầu chuyên chở xe đò, cho nên khi thủ lãnh Bình Xuyên lên tiếng kêu gọi dân chúng, đòi phong toả Sài Gòn - Chợ Lớn, chống lại chính quyền họ Ngô, không có một hưởng ứng nhỏ nào. Người ta xem cuộc xung đột như là việc riêng của đôi bên tranh giành quyền lợi với nhau, một phe tiếm vị cướp quyền và một phe cướp bóc thất thế.
Bảy Viễn trước khi rút lui về Rừng Sác, tuyên bố với Raymond Cartier, đặc phái viên tạp chí Paris Match:
- Tôi rút quân về chiến khu cũ chỉnh đốn lại binh sĩ để trường kỳ kháng chiến, tiếp tục đánh Diệm ít lắm… cũng mười năm.
Danh từ "kháng chiến trường kỳ" thốt ra ở cửa miệng thủ lãnh Bình Xuyên đã không có một tiếng vang, hay gây được một tin tưởng nào ngay trong đám tham mưu theo Bảy Viễn chạy về Rừng Sác, cũng như đám tàn quân bại tẩu vứt súng bỏ đi.
Bốn hôm, sau buổi trưa nổ súng, quân họ Ngô đã hoàn toàn làm chủ tình thế ở đô thành, chiếm đóng trọn vùng Bình Xuyên, từ cầu chữ Y vùng Hiệp An.
Sáng sớm ngày mồng 3, nhiều cánh quân của Diệm dàn trận từ Phú Lâm.
Tướng Vỹ bị họ Ngô cất khỏi chức Tổng tư lệnh quân đội quốc gia, lặng lẽ rời khỏi Sài Gòn chiều hôm ấy đi Đà Lạt. Ngự lâm quân của Bảo Đại ở cao nguyên cũng trở cờ theo họ Ngô, tướng Vỹ hoàn toàn bị cô lập đành phải tìm đường ra bưng cùng tướng Hình vừa từ Pháp trở về miền Tây, qua ngã Cao Miên.
Họ Ngô giải quyết xong việc truất phế Bảo Đại và loại được tướng Vỹ rồi, liền tập trung lực lượng để thanh toán Bình Xuyên.
Nhu đề nghị với tướng Trịnh Minh Thế chỉ huy cuộc hành quân chặn đường rút lui của Bình Xuyên, mang quân Cao Đài liên minh đóng dài ở bên cầu Tân Thuận.
Bảy Viễn cùng Bộ tham mưu đã rút vào đồn Rạch Đỉa, sau hôm nổ súng Tổng hành dinh ở cầu chữ Y bị bích kích pháo bắn phá.
Các ổ cầm cự của Bình Xuyên ở đô thành dần dần rút bỏ, sau 24 giờ chiến đấu, chỉ còn lại mặt trận cuối cùng ở khu vực đường Pétrus Ký cầm cự trong một tình trạng tuyệt vọng.
Sự tan rã mau chóng của lực lượng Bình Xuyên, về mặt quân sự do kém kỹ thuật chiến đấu, thiếu sĩ quan chỉ huy giỏi, trang bị súng đạn thua sút đối phương. Nhưng nguyên nhân chính yếu là đám võ trang này chỉ là một nhóm ô hợp, mang nặng tính chất cướp bóc, chém mướn đánh thuê theo tinh thần anh chị du côn. Từ xóm Củi, Chánh Hưng dọc theo bờ Kinh Đôi đến Tân Quí Đông, thẳng ra bờ sông Sài Gòn và cầu Tân Thuận là mức cuối cùng trận địa tảo thanh tàn quân Bình Xuyên bị đánh bật khỏi Sài Gòn - Chợ Lớn.
Buổi chiều, tướng Trịnh Minh Thế được lệnh của anh em họ Ngô đi thanh sát mặt trận ở dốc cấu Tân Thuận. Lãnh tụ Cao Đài liên minh vừa xuống xe đi bộ đến dốc cầu, thấy một chiếc tàu nhỏ đang chạy trên sông Kinh Đôi quay mũi ngược lại, toan ra lệnh bắt ngừng, bỗng có tiếng súng nổ. Tướng Thế ngã quay xuống mặt cầu. Một viên đạn lẻ loi từ phía sau bắn tới trúng cạnh vành tai xuyên thẳng ra trước mặt làm bể óc.
Trịnh Minh Thế chết không kịp kêu một tiếng. Căn cứ vào vết đạn chạy xéo, các chuyên viên khám nghiệm tử thi tướng Thế chứng nhận rằng viên đạn chỉ có thể bắn rất gần của kẻ đứng sau lưng vị thủ lãnh Cao Đài liên minh, chớ không phải dưới tàu chạy trên sông bắn lên.
Nhiều người sửng sốt trước tin tướng Thế tử nạn bất ngờ. Nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng (The quiet American) của Graham Greene đã được vài nhân viên Mỹ thầm kín ủng hộ từ mấy năm nay, nuôi tham vọng cát cứ một cõi chống đối bằng phương pháp khủng bố, lãnh tụ "lực lượng thứ ba" Cao Đài liên minh này trở thành nạn nhân của một mưu mô chính trị.
Dư luận các giới thông thạo cho rằng anh em họ Ngô đã áp dụng các phương pháp của mấy giáo chủ La Mã thời Phục Hưng sát hại dần các nhân vật chướng ngại chung quanh để củng cố uy quyền.
Thi hài tướng họ Trịnh được chở ngay về tẩm liệm tại tư dinh đường Eyriaud des Vergnes (sau đổi là Trương Minh Giảng). Ngô Đình Diệm đích thân đến viếng, đứng trước quan tài Trịnh Minh Thế đưa tay làm dấu thánh giá, xong rồi tỏ vẻ xúc động, ngất xỉu đi, khiến mấy sĩ quan đứng cạnh đất phải xúm lại đỡ.
Chứng kiến cảnh tượng này, một nhân vật thuộc toà đại sứ Anh, Donald Lancaster đã ghi lại trong cuốn sử như sau:
"Tấn trò ngất xỉu của Diệm đóng thật vụng về trước quan tài tướng Thế chứng tỏ sự đắc ý của Diệm đã hạ được một đối thủ lợi"(5).
Để dập tắt những dư luận bàn tán nghi ngờ chung quanh cái chết của họ Trịnh, họ Ngô truy tặng thủ lãnh Cao Đài liên minh lên cấp trung tướng và cho đưa linh cữu đến quàn tại toà Đô Sảnh để cử hành theo nghi lễ quốc táng một chiến sĩ trận vong. Tướng Thế có ảnh hưởng lớn đối với Hội đồng Cách Mạng, đang nuôi nhiều tham vọng, sau khi giúp Diệm truất phế Bảo Đại. Họ Ngô đã thủ tiêu được đầu não, liền mời khéo ban lãnh đạo dời văn phòng ra khỏi dinh Độc Lập.
Giữa lúc quân Bình Xuyên theo ngả đồn Rạch Đỉa, đi quanh một vòng lớn phía dưới Nhà Bê để vượt qua sông Sài Gòn chạy ra Rừng Sác thì ở miền Tây, tướng Hinh cùng Bộ tham mưu và đại tá Le Roy, nguyên chỉ huy quân đội Công giáo trong vùng Bến Tre chống đối với giám mục Ngô Đình Thục ở Vĩnh Long, và đại uý Phạm Xuân Giai, đã theo tướng Hinh từ buổi đầu, làm cố vấn quân sự cho các tướng Hoà Hảo, Năm Lửa, Trần Văn Soái cùng Lê Quang Vinh (Ba Cụt).
Binh sĩ của Ba Cụt vẫn đánh phá ở miền Tây, để hưởng ứng lực lượng Bình Xuyên chống lại quân họ Ngô.
Ngày 29 tháng ba, nữ tướng Hoà Hảo ở tổng hành dinh Cái Vồn Lê Thị Gấm - Phàn Lê Huê, tức Năm Lửa phu nhân - triệu tập một cuộc mít tinh lớn đón rước tướng Hinh ở Pháp về, với chỉ thị của Quốc trưởng Bảo Đại, liên kết các lãnh tụ giáo phái chống lại Diệm.
Sự hiện diện của tướng Hinh ở miền Tây đã gây lại tinh thần hăng hái cho quân đội Hoà Hảo. Nhân danh kẻ sáng lập quân đội quốc gia, nguyên Tổng Tham mưu trưởng, và là một chiến hữu chống Cộng, tướng Hinh cho phổ biến một "bức tâm thư" gởi cho "toàn thể anh em trong quân đội quốc gia và các lực lượng quân sự của các đoàn thể tôn giáo" và "chính trị", kêu gọi:
"Có lý nào anh em lại nghe theo luận điệu mị dân của bọn người đa trốn nhiệm vụ trong thời quốc biến để cầm súng bán lại những chiến hữu đã cùng chúng ta kháng Cộng, chống thực dân! Hờn sông Gianh và hận Bến Hải còn in sâu trong tâm trí người Việt Nam sau hơn 10 năm tang tóc đau thương, nhân dân Việt Nam có quyền được hưởng một cuộc đời sống an nhàn dưới một chế độ dân chủ, công bằng, tự do bác ái, và tất cả hình thức đế quốc thực dân, độc tài chuyên chế phong kiến bóc lột cần phải đạp đổ.
Muôn người như một, chúng ta nhất định thành công!
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN VĂN HINH
VIỆT NAM 25-5-55"
Anh em họ Ngô hay tin tướng Nguyễn trở về hoạt động ở miền Tây, một mặt gởi thư cho chính phủ Ba Lê và Bộ Quốc phòng Pháp trao trả vị sĩ quan cao cấp không quân của Pháp là tướng Nguyễn Văn Hinh cho quân đội Pháp, và một mặt ra lệnh chuẩn bị mở mặt trận tấn công các nhóm giáo phái miền Tây, song song với chiến dịch tảo trừ Bình Xuyên ở Rừng Sác. Họ Ngô đã bỏ ra nhiều triệu để mua chuộc Năm Lửa, song binh sĩ Hoà Hảo vẫn nghe nữ soái Phàn Lê Huê và tướng Ba Cụt, rút vào bưng tiếp tục chống đối. Lệ nghe tin tướng Nguyễn Văn Hinh đang làm cố vấn quân sự chống lại họ Ngô, và khi nhìn thấy một tấm ảnh chụp chung tướng Hinh ngồi bên cạnh một thiếu phụ trẻ đẹp người Nam, với hai vị tá trong Bộ tham mưu, nàng không dằn được ghen tức, thốt ra:
- Quăn phản loạn! Phải tiêu diệt mới được!
Lệ nhớ lại những giờ phút trong tay tướng Nguyễn, các cuộc vận động thuyết phục liên tiếp của nàng thất bại mà uất hận. Hơn nữa, giờ đây tướng Hinh lại có một người đẹp bên mình và đang ra mặt chống đối lại phe nàng. Sự tức giận lẫn ghen tuông của Lệ đã nổ bùng với "Chiến dịch Đinh Tiên Hoàng" tảo trừ các toán quân phản loạn ở miền Tây. Một tuấn lễ sau ngày tướng Hinh phát bức tâm thư, anh em họ Ngô ra lệnh mở cuộc tấn công vào sào huyệt các nhóm Hoà Hảo, bắt đầu bằng những đoàn xe lội nước tiến chiếm Cái Vồn, vương quốc của tướng Năm Lửa:
Ông tổng Cái Vồn tức Tổng tư lệnh Trần Văn Soái mang một số quân trung thành cùng phu nhân, biệt danh Phàn Lê Huê, dẫn đám nữ binh chạy về phía Thất Sơn giáp giới Cao Miên. Tại đây, sứ quân vùng Châu Đốc, Lâm Thành Nguyên có dự trữ võ khí và lương thực, và Ba Cụt thoát vòng bao vây của quân Diệm cũng đã về đây. Tướng Hinh rồi tướng Vỹ lần lượt đến nơi nhập bọn, làm cố vấn quân sự.
Hành dinh của Bộ Tổng tham mưu đặt trên một chiếc ghe di chuyển, không ngừng qua các con sông bổ nhánh khắp miền Hậu Giang.
Thiếu tiếp viện Pháp, không có sự ủng hộ của dân chúng thờ ơ, đám quân Trần Văn Soái dần dần tan rã vì sự phân hoá của một số chỉ huy, chán nản hết tiền, mất tin tưởng ở cuộc chiến đấu vô vọng.
Trong khi ấy, họ Ngô tung 30 tiểu đoàn hành quân đại qui mô ở miền Tây lưu vực sông Cửu Long, tấn công thẳng vào sào huyệt đối phương đồng thời kêu gọi qui hàng. Không đầy hai tuần lễ sau ngày khai diễn chiến trận miền Tây, tướng Nguyễn Giác Ngộ đưa năm tiểu đoàn về quy thuận, và trong khi các tướng Nguyễn Văn Vỹ và Năm Lửa chạy sang Cao Miên, tướng Lâm Thành Nguyên tìm đường về Sài Gòn.
Chỉ còn lại một mình Ba Cụt - Lê Quang Vinh, cùng đám quân trung thành, thiện chiến, cương quyết cầm cự, giữa lúc cuộc chiến ở Rừng Sác đang tới hồi kết thúc.
Đang lúc xuất quân mấy mặt tấn công các nhóm võ trang chống đối, anh em họ Ngô tiến hành mặt trận chính trị, cương quyết loại trừ chướng ngại vật duy nhất còn lại: Bảo Đại.
Việc truất phế Bảo Đại, tại toà Đô Sảnh Sài Gòn do Hội đồng Cách mạng thực hiện, chỉ mới là bước đầu. Trong dư luận quần chúng, cũng như về mặt pháp lý, họ Ngô cần phải triệt hạ tận cùng, mới có thể "danh chính ngôn thuận" trị vì được.
Sau khi ra chỉ thị ngầm cho các báo chí đua mở cuộc tấn công lật tẩy bêu xấu "ông vua hộp đêm" chỉ có biết tiền, gái và ăn chơi truỵ lạc, Ngô Đình Nhu với tư cách cố vấn Thủ tướng cho mời ban lãnh đạo Hội đồng Cách mạng đến để nhờ tiếp tục giúp ông việc hạ bệ Bảo Đại.
Trước đó, trưởng ban mật vụ Trần Kim Tuyến đã báo cáo cùng Nhu:
- Giai đoạn này, mình nên dùng Hồ Hán Sơn, phó thủ tịch Hội đồng Cách mạng, để đưa ra Huế tổ chức "truất phế Bảo Đại" vì các lẽ sau đây: Trước hết hắn còn trẻ, đang hăng tiết, ít có rắc rối, mình dễ xúi biểu. Hắn lại là người Trung, đã từng đi kháng chiến.
Nhu ngắt lời hỏi:
- Toa đã lập được hồ sơ Hồ Hán Sơn rõ ràng chưa?
Tuyến trả lời không do dự:
- Hắn tên thật là Hồ Mậu Đề, 29 tuổi, người tỉnh Nghệ An, từ khu Tư về Hà Nội năm 1950, sau đổi tên là Hồ Hán Sơn, khi hắn viết cuốn "Nghệ thuật lãnh đạo chiến tranh".
- Hắn giữ chức gì ở trong khu?
- Sinh viên khoá 3 trường lục quân Trần Quốc Tuấn.
- Hắn là sinh viên, sao lại viết được cả một cuốn sách nói về chỉ đạo chiến tranh?
- Đó là những bài hắn đã học thuộc lòng, chép được của Mao Trạch Đông, Nguyễn Sơn, rồi về thành, hắn chỉ sửa đổi lại chút ít, rồi cho in thành sách, để lòe thiên hạ. Hắn đã học được lối ăn nói của cán bộ Việt Minh nên cũng dễ được lòng người ở thành lắm. Bằng chứng rõ rệt nhất là hắn từ Hà Nội vào Sài Gòn thời kỳ hội nghị toàn quốc, chạy theo Bình Xuyên ít lâu không xong, nhảy vô Cao Đài chẳng mấy chốc thì mang lon đại tá. Hắn vẫn đi lại với tướng Phương.
Nhu trầm ngâm nói:
- Dùng thằng con nít này để hoan hô, đả đảo thì được, song toa cũng nên coi chừng nó còn trẻ quá, dễ biến chứng.
- Cố vấn yên tâm, tôi đã tính trước rồi. Bảo nó đi Huế lấn này để hô hào truất phế Bảo Đại, rồi về cho nó một ít tiền lấy vợ, là thôi.
- Moa giao cho toa lo liệu làm sao nên việc là được.
Sau cuộc hội kiến giữa Ngô Đình Nhu và trưởng ban mật vụ, tại cố đô Huế ngày 15 tháng sáu, tấn trò truất phế cựu hoàng Bảo Đại diễn ra trước mắt Phú Văn Lâu.
Một số công chức, dân chúng ủng hộ họ Ngô được huy động đến, để chứng kiến một thanh niên thấp bé, mặt còn non sữa được giới thiệu là phó chủ tịch Hội đồng Cách mạng, ngỏ lời cùng đồng bào đất Thần kinh.
Đại tá Hồ Hán Sơn trọ trẹ lên tiếng lặp lại bài hô hào truất phế Bảo Đại, và tín nhiệm Ngô chí sĩ đứng ra dìu dắt quốc gia.
Những tràng pháo tay có tổ chức và những khẩu hiệu kêu gào vang lên hưởng ứng.
Rồi người ta thấy một bà cụ bước lên khán đài đến trước máy vi âm. Hai người đàn ông đi kèm theo đó, một tay chân thân tín của cố vấn lãnh đạo miền Trung Ngô Đình Cẩn, và một kẻ hoàng tộc, trường nam của ông Hoàng Chín. Dân chúng không khỏi ngạc nhiên khi nghe giới thiệu bà cụ là Đức bà Từ Cung, thân mẫu Quốc trưởng Bảo Đại, và càng thêm sửng sốt lúc thấy bà mẹ cựu hoàng run rẩy, mếu máo kêu lên:
- Đả đảo Bảo Đại! Truất phế Bảo Đại!
Tưởng chừng như máy vi âm không phát được lớn tiếng kêu yếu ớt của bà thái hậu bắt buộc phải lên tiếng phủ nhận con trai hoàng đế. Vĩnh Phò - con trai của ông Hoàng Chín - gào to lên:
- Đại diện cho hoàng tộc, cho Tôn nhơn phủ, tiếp theo lời Đức bà Từ Cung, tôi yêu cầu đồng bào cựu đế đô hô to: "Đả đảo Bảo Đại! Truất phế Bảo Đại! ủng hộ Ngô chí sĩ!"
Đang lúc tấn hài kịch truất phế diễn ra dưới cột cờ Phú Văn Lâu, thì ở Phú Cam tại tư dinh họ Ngô, bà cụ Thượng, đã ngoài tám mươi, mắc chứng nghễnh ngãng từ lâu, nghe người trong nhà thầm nhắc đến Bảo Đại, mới hỏi con trai:
- Trà của Đức bà Từ Cung ban cho tao còn không? Răng lâu không thấy thằng Thượng về thăm? Hắn có phải sang Tây chầu Đức Bảo Đại không mà ít về nhà rứa?
Ngô Đình Cẩn ậm ừ đáp:
- Dạ, anh con mắc việc nước có con hầu bên cạnh mạ rồi.
Bà cụ Thượng cười móm mém nói:
- Ờ, cha nào con nấy, nhà thật có phước. Thời cha chúng bay làm Thượng thơ cũng hết lòng trung với vua, với nước. Thằng Thượng anh mày ngày ni cũng rứa, tao vui lắm.
Bà cụ Thượng Ngô Đình Khả vẫn nghĩ rằng con mình đang giữ chức Thượng thơ Bộ lại, trung thành với Bảo Đại, và ngưỡng mộ Đức bà Từ Cung bấy lâu vẫn lưu ý đến gia đình họ Ngô hai đời phục vụ nhà Nguyễn, thỉnh thoảng ban cho trà Tàu, quế Thanh, sâm Cao Ly.
Anh em họ Ngô nhận thấy sự lú lẫn của bà mẹ già, đành chịu ý theo mà dặn dò các kẻ hầu cận bà cụ Thượng là những trà, quế, nhung đều do Đức bà Từ Cung gởi biếu, và Ngô Đình Diệm vẫn là kẻ bề tôi trung kiên của Hoàng đế Bảo Đại.
Một người đầy tớ gái sơ ý, lỡ miệng nói đến việc bà Từ Cung đả đảo Bảo Đại ở trong nhà, đã bị Ngô Đình Cẩn nổi xung bạt tai đuổi đi luôn.
°°°
Song song với các chiến dịch tảo trừ Bình Xuyên ở Rừng Sác và Hoà Hảo ở miền Tây, anh em họ Ngô kiên quyết quét sạch những phần tử chống đối còn có thể tồn tại gây rối, là những kẻ dân Tây đang sống rải rác ở miền Nam.
Ngày 6 tháng tám 1955, Ngô Đình Diệm buộc Pháp ký một qui ước về vấn đề quốc tịch liên hệ đến 7.000 người Việt dân Tây bấy lâu vẫn là hậu thuẫn trung kiên cho Pháp ở Việt Nam. Những người Việt có quốc tịch Pháp này phải chọn lựa trong vòng 6 tháng giữa Pháp và Việt Nam. Nếu họ theo Pháp thì không còn có thể ở trong chính phủ Việt nữa. Điều khoản ấy giúp cho Diệm loại bỏ một số tướng tá, sĩ quan, Tổng trưởng, đại sứ, công chức cao cấp dân Tây ở trong chính quyền, mà nước Pháp chỉ còn có cách là đưa họ lưu vong sang Ba Lê, theo chân những chính khách, nhân vật thân Pháp đã lần lượt bị họ Ngô đuổi đi lánh nạn ở trời Táy.
Cùng hôm quyết định loại bỏ những người thân Pháp, Ngô Đình Nhu ra lệnh cho tướng Nguyễn Thành Phương kéo quân lên Táy Ninh để thanh toán những phần tử Cao Đài chống đối còn lại.
300 binh sĩ canh giữ Toà thánh bị tước khí giới, hai người con gái của Đức Hộ pháp bị bất, chỉ có giáo chủ Phạm Công Tắc là thoát khỏi, tìm đường lẩn tránh rồi chạy sang Cao Miên.
Dẹp xong Bình Xuyên, mua chuộc được Cao Đài và dồn Hoà Hảo vào thế qui hàng, anh em họ Ngô còn lại một mình làm chủ tình thế miền Nam, tiếp được điện văn của Bảo Đại từ Pháp đánh sang chấm dứt nhiệm vụ Thủ tướng của Ngô Đình Diệm ngày 18 tháng 10, liền tổ chức ngay năm hôm sau một cuộc trưng cầu dân ý.
Anh em họ Ngô đưa ra hai câu hỏi trong ngày 23-10-1955, với mục đích quật ngã đối phương. Trong hai tấm phiếu in hình người để dân chúng lựa chọn, dưới hình Ngô Đình Diệm có câu: "Tôi suy tôn chí sĩ Ngô Đình Diệm làm Tổng thống với sứ mạng thiết lập chánh thể Cộng hoà Việt Nam". Và dưới hình Bảo Đại: "Tôi bỏ thăm cho Bảo Đại là bằng lòng chế độ phong kiến".
Sau một chiến dịch bôi nhọ Bảo Đại trên báo chí, phô bày những thối nát của chế độ quân chủ phong kiến, rồi phát động một sự ngấm ngầm đe doạ những ai không bỏ phiếu cho mình, họ Ngô còn cho người tổ chức gian lận cuộc đầu phiếu.
Đặc phái viên nhật báo Pháp Le Figaro, Max Clos tường thuật kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở thủ đô, cho biết rõ những con số tố cáo trò bịp bợm trắng trợn của họ Ngô: 450.000 cử tri chánh thức đi bỏ phiếu ở Sài Gòn - Chợ Lớn, đến lúc khui thùng ra, lại có đến 605.025 phiếu, tức là thừa 155.025 phiếu ma, do tay chân họ Ngô đã trung thành quá trớn dồn vào.
Bài báo trình bày sự thật về cuộc trưng cầu dân ý lật đổ Bảo Đại của Max Clos đã khiến cho anh em họ Ngô giận dữ, ra lệnh trục xuất ký giả quốc tế đã lật tẩy Diệm phải lập tức rời khỏi Việt Nam.
Rồi Diệm lên ngôi Tổng thống, tuyên bố thành lập chính thể Cộng hoà, bắt đầu từ 12 giờ trưa ngày 26 tháng mười 1955.
Hợp thức hoá và củng cố xong địa vị, được Mỹ khuyến khích, Ngô Đình Diệm đòi lại Ngân hàng Đông Dương và yêu cầu Pháp triệt thối quân đội viễn chinh.
Một chính khách Pháp nhận định về "số đỏ" của Diệm từ ngày trở về nước cho đến khi nắm trọn mọi quyền hành trong tay:
- Mỗi lần Diệm gặp khó khăn với nhà cầm quyền Pháp, thì Tổng thống Eisenhower, ngoại trưởng Foster Dulles, nghị sĩ Mansfield, đại tướng Collins, Hồng y Giáo chủ Spellman đến cứu trợ, rồi mọi việc lại đâu vào đấy: nhờ gan lì, Diệm đã thắng lợi.
Biết bao nhiêu lấn người ta tưởng Diệm bị lật đổ. Lật đổ bởi tướng Hình, lật đổ bởi cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu, lật đổ bởi Bảy Viễn và các giáo phái ở ngay Sài Gòn, lật đổ bởi chính phủ Pháp chỉ công nhận Ngô Đình Diệm ở đầu môi, lật đổ bởi Bảo Đại, vị hoàng đế điêu toa và hay thay đổi ở xa xứ sở. Gặp hồi phong ba ngặt nghèo nhất, khi những kẻ âm mưu xoa tay khoan khoái vì Diệm bị lung lay, người ta thấy một vị đại tướng hoặc một chức sắc đạo giáo Mỹ đáp máy bay xuống Sài Gòn. Ngày hôm sau, Diệm được vớt lên. Được sự ủng hộ của Mỹ đảm bảo, Diệm trở thành kẻ bất khả xâm phạm(6).
Triều đại họ Ngô thực sự bắt đầu sau ngày Diệm tự phong làm Tổng thống và Lệ trở thành đệ nhất phu nhân.
Đầu năm 1956, trong một cuộc họp gia đình của anh em họ Ngô cùng mấy thuộc hạ thân tín tại dinh Độc Lập, Ngô Đình Nhu bày tỏ ý kiến:
- Đến cuối tháng ba này, quân đội Pháp rút hết khỏi Việt Nam, tôi nghĩ là mình cũng nên giải quyết dứt khoát hấn tình thế quân sự cho xong xuôi đi. Bọn Bình Xuyên đã bị đánh tan ở Rừng Sác, Bảy Viễn với hai anh em Sang, Tài chạy sang Pháp rồi, song mình cần phải cho lập một phiên toà quân sự để xử tử khiếm diện chúng nó và tịch thu tài sản để trừ hẳn hậu hoạ. Đám quân sư và tay chân Bình Xuyên ra đầu hàng, mình cũng phải cho pháp luật kết tội, đưa cả chúng nó đi Côn Đảo cho tiệt hết mầm mống đi. Còn Hoà Hảo ở miền Tây, Năm Lửa và Ba Cụt vẫn tiếp tục quấy rối, mình dùng giải pháp quân sự thì không biết lúc nào mới dẹp xong. Họ không có chương trình chính trị song nhờ sự cuồng tín của tín đồ, nên dù bị quân ta đánh tan đại bộ phận, một số lớn chỉ huy qui thuận, mấy thủ lãnh còn lại vẫn gây được giặc chòm giặc xóm. Tôi thấy mình phải bày kế để dụ họ mới dẹp yên cái nạn sứ quân này được.
Bác sĩ mật vụ Trần Kim Tuyến lên tiếng:
- Tôi đề nghị cử một người làm sứ giả đi gặp Năm Lửa và Ba Cụt để điều đình mời họ về hợp tác.
- Toa định nhờ ai?
- Dạ, thưa cố vấn, tôi thấy người có đủ điều kiện để nhận lãnh việc du thuyết này, hiện không ai hơn là ông Nguyễn Ngọc Thơ đang làm đại sứ ở Nhật. Theo chỗ tôi điều tra, ông ta là người Long Xuyên, có bà con với Ba Cụt và quen biết với Năm Lửa.
Nhu nói:
- Năm Lửa đã già rồi, dụ hàng không khó, mình cứ hứa cho nhiều tiền là có thể lôi kéo được. Còn Ba Cụt, tôi thấy hắn tráo trở hay lắm. Hắn đã 4 lần đầu hàng Pháp, rồi trở lại phản Pháp. Nhưng tôi đã có cách đối phó rồi. Ngày mai đánh điện mời Nguyễn Ngọc Thơ về cho tôi.
Tuyến hỏi:
- Thưa cố vấn, còn với tướng Phương, cố vấn quyết định dứt khoát ra sao?
- Hắn mấy lần xin gặp tôi để nhắc nhở số tiền tôi hứa cho hồi kéo quân về hàng, song tôi không cho gặp. Bây giờ hắn không còn gì đáng kể nữa: quân không còn vì đã sáp nhập vào hàng ngũ quốc gia rồi, hậu thuẫn của tín đồ Cao Đài cũng mất vì người ta cho hắn là phản đạo, bắt hụt Phạm Công Tắc và doạ hắn về Tây Ninh thì bị giết. Như vậy, mình còn dùng hắn được việc gì nữa đâu. Nếu hắn không biết thân, thì toa cứ cho lục soát nhà hắn, thế nào cũng còn một ít súng ống, lấy xe hơi sung công rồi đưa hắn ra toà về tội oa trữ võ khí bất hợp pháp và trộm xe hơi.
Sau hôm ấy, đại sứ Nguyễn Ngọc Thơ ở Đông Kinh được công điện triệu về giao phó công tác làm cố vấn cho chiến dịch miền Tầy.
Hai tháng sau, 30 tháng hai, tại tổng hành dinh Cái Vồn (Cần Thơ) trước mặt báo chí quốc tế và trong nước, sứ thần Nguyễn Ngọc Thơ đại diện họ Ngô và thiếu tướng Dương Văn Minh tư lệnh chiến dịch miền Tây, tướng Năm Lửa, Trần Văn Soái vận âu phục dân sự đưa 4.659 binh sĩ mang võ khí đủ loại, từ các bưng biền Hậu Giang ra hàng phục.
Trái với sự qui phục dễ dàng của Tổng Tư lệnh quân đội Hoà Hảo, mắc mưu hứa hẹn của anh em họ Ngô, Ba Cụt nhận lời gặp sứ giả thương thuyết, song đưa điều kiện yêu sách:
- Phải được thăng lên chức trung tướng và được quyền kiểm soát về hai mặt quân sự và hành chánh trong miền Tây Nam phần.
Nghe sứ thần phúc trình đòi hỏi của Ba Cụt, Ngô Đình Nhu cười gằn bảo:
- Toa cứ trả lời thuận theo hắn đi, mời hấn ra thương thuyết rồi cho quân mai phục vây bắt, nếu cần bắn chết cũng không sao.
Thế rồi ngày 13 tháng tư, gần một tháng rưỡi sau khi thủ lãnh quân đội Hoà Hảo qui thuận, vào lúc 6 giờ sáng, Ba Cụt đi cùng 10 binh sĩ hộ vệ từ chiến khu ra gặp sứ giả Ngô triều.
Chiếc ghe nhỏ từ miền Hồng Ngự đổ xuống Long Xuyên, vừa cặp bến Chắc Cà Đao, ở phía tây tỉnh ly, Ba Cụt cùng toán hộ vệ vừa mới đặt chân lên bờ thì có tiếng súng nổ. Một toán quân bao vây chĩa súng vào người Ba Cụt đang sa cơ thất thế.
Bị bắt trói đưa về Tư lệnh chiến dịch miền Tây đặt tại tỉnh lỵ Long Xuyên, hai tháng sau Ba Cụt bị đưa ra toà Đại hình và bị kết án xử tử vì tội giết người, cướp của, hãm hiếp kể dầy ba bán cáo trạng.
Một tháng sau, vào lúc 5 giờ 40 sáng ngày 13 tháng 7, Ba Cụt, Lê Quang Vinh bị chém đầu tại nghĩa địa quân nhân Cần Thơ, như một tên cướp không hơn không kém.
 
Chú thích:
(1) Dĩ nhiên con số này được phóng đại.
(2) Số tiền này, theo nhựt báo Le Monde số ra ngày 8 Mars 1955 "Tướng Hoà Hảo Ba Cụt tuyên bố Thế đã quyết định về hợp tác với Diệm có nhận số tiền mặt (Le Populaire, 22 mars 1955) vào lối 20 triệu bạc (Joseph Alsop, New York Hreald Tribune 31 mars 1955). Và Bernard Fall đã ghi trong cuốn sử The Two Vietnam.
(3) chữ con, tiếng Pháp, cũng đọc là công, có nghĩa tục.
(4) Bunker tiếng Anh là lô-cốt
(5) The emancipation of French Indochina - Lon don 1963
(6) Hen ri Amouroux, Croix sur l'Indochine.