CHƯƠNG 28

     ấy ngày nay đêm nào trời cũng mưa. Đêm nay cũng không ngoại lệ. Nhưng tiếng mưa nghe hơi khác, Sa nghĩ có lẽ trời sắp giông.
Nàng kéo cái mền mỏng lên đắp ngang ngực cho khỏi lạnh, cố dỗ giấc ngủ nhưng vừa nhắm mắt bỗng giật thót mình  hình như có nước bắn vào mặt. Nhìn kỹ thì ra nước mưa từ trên mái lá nhỏ xuống cái bàn kế bên.
Sa ngồi dậy đặt cái đèn xuống đất tìm cách kéo cái bàn xuống một chút chứ phòng chật quá không thể đẩy bàn ngang qua bên được. Vừa lấy tay cố đẩy bàn, nàng nghe như có tiếng gỗ bị gẫy kêu răng rắc, nhìn lại cái hộc bàn phía dưới bị tụt ra, lòng thòng sắp rơi. Vài đồ vật từ hộc bàn rớt lịch bịch. Cúi xuống lượm thấy một cuốn sách và cái hộp dài cỡ hai gang tay bề dầy khoảng  hơn đốt ngón tay.
Tò mò Sa lần lượt mở những cái hộp dài. Nằm gọn bên trong là những quạt xếp. Quạt  được làm bằng những thanh gỗ ép mỏng te kết lại không biết bằng gỗ gì nhưng khi xoè ra phảng phất mùi thơm thật dễ chịu. Trên mỗi thanh có ghi số thứ tự kèm theo tên một loài dược thảo. Đếm được tất cả chục cây quạt. Thật kỳ kạ! Sao trong căn phòng xập xệ lại có những thứ này?
Sa đặt tay lên cuốn sách, tưởng sách nhưng mở ra chỉ là những tập giấy được đóng lại thành một xấp dày. Lật trang  đầu đã có chữ viết. Nàng cắm cúi đọc  những dòng chữ, đọc được một lúc mới vỡ lẽ ra là mình đang đọc những dòng tâm sự của một người.
“ Thật hạnh phúc hôm nay được trở về đây, nhà có khách đông người, đây cũng là cái cớ để ta lưu lại căn phòng đơn sơ này!. Chỉ có ở đây, tại dãy nhà lá này, trong khi canh chừng những bệnh nhân dùng thuốc nam, để lấp đầy những giây phút trống trải của đêm dài ta mới cảm thấy tự tin, trải lòng mình trên những trang giấy.
Mặc dầu giờ còn khoẻ tỉnh táo, ta luôn có cảm giác lo lắng. Con trai cả của ta hiền lành năng nổ nhưng lại không có trí nhớ tốt. Phải làm gì đây để giúp nó, để ta đỡ ân hận về sau nếu như một mai ta qua đời, khi chưa thu xếp xong những việc còn dang dở?” Sa đọc mải mê từng dòng, lật từng trang, dần làm quen, dần thấu hiểu một cõi lòng mà chỉ vừa mới đây thôi hoàn toàn xa lạ. Đọc những dòng chữ mà ngỡ ai đang thì thầm trò chuyện với mình trong đêm  cô đơn. “Gió rít từng hồi qua liếp tre, trời lạnh gió bấc, lại bắt đầu viết.
Về thăm gia trang được có hai hôm. Đêm đầu không ra ngủ ở phía trước, quyết ngủ  tại đây, tận hưởng sự thư thái mộc mạc mà những ngày ở kinh thành chẳng ai ngờ nó đã làm tâm trí ta quay quắt nhớ thương.
Hôm nay vừa về, được ăn món gỏi cá do chính già làm, chao ôi điều này cũng thoả được nỗi lòng canh cánh của ta những lúc ở xa nhưng hồn vọng về đây, ngậm ngùi thương phận mình sao như con sáo sổ lồng nhớ quê.  Mùi Đinh Lăng cùng với Vọng cách hai thứ gia vị của gỏi cá, già chế biến thật tuyệt diệu. Đinh Lăng là loại cây cảnh còn Vọng Cách thuộc loại dân dã nhưng khi kết hợp sao lại trở thành một thứ gia vị tuyệt vời không thể thiếu được vậy nhỉ? Già tuy không nói được nhưng chỉ với món gỏi cá đãi ta, già đã thể hiện được cả tấm lòng, đã hiểu ta biết nhừơng nào.
Cây cỏ có thể giúp ta được mọi thứ, nó có thể gián tiếp cho ta của cải, tình yêu, danh vọng.
Cỏ cây có đủ loại, đủ màu sắc đa dạng, đặc biệt thay đổi theo mùa. Mỗi loài cây thường có những tính chất riêng, kết hợp được những tính chất ấy ta sẽ  biến chúng thành những dược liệu quý dù chỉ qua một món ăn như gỏi cá. Tất cả có thể lấy từ những cây cỏ hoa lá quanh nhà đơn giản gần gủi nhưng hiệu nghiệm.
Bây giờ phaỉ ghi lại tên những dược thảo, đánh số thứ tự cũng như ghi gía trị của từng loại lên mặt quạt, phòng khi  ta có mệnh hệ gì, con cháu ta không phải vất vả tìm tòi tra cứu ghi nhớ.
Ta nghĩ mọi thứ đều có lý do để hiện hữu,  không có gì trên đời này sinh ra là vô ích. Cây cỏ cũng thế. Có những loại cây trị độc của rắn ngược lại chất độc của rắn cũng có thể chữa được bệnh. Ở nước Nam ta cũng có biết bao nhiêu loài dược thảo mà giá trị ôi quý vô cùng!
Những loài ma hoàng, cải hôi điều trị long đờm dịu đường hô hấp, rồi những loài cỏ mang tên đến là lạ, như ngải cứu, rau má hay những tên vô nghĩa nghe cứ như thứ gì rác rến đáng vứt đi, phải xa lánh như cứt lợn, ké đầu ngựa, chó đẻ, ấy vậy mà cứ thử không có chúng trên đời này xem sao?.
Cây cỏ hấp thụ khí,chất dưỡng từ đất trời. Do đó cây cỏ ở đâu thì phù hợp với cơ địa của người được hoài thai sinh ra lớn lên ở đó. Thể trạng người phương Nam hợp với dược liệu của chính nước Nam ta. Ngoại  trừ một vài loại bệnh phải dùng những vị thuốc của vùng khác còn thì ta hãy dùng cây cỏ thân thiết quanh ta. Dược tính  có thể ở ngay trong những món rau ta  ăn hàng ngày, vì vậy có dùng hơi quá một chút cũng không sao!”.
Sa lại lật sang trang.Ngày tháng ghi cho thấy người viết đã bỏ đi một thời gian trước khi viết lại. “Ta nhìn qua khe liếp. Những ánh chớp liên tục trong cơn mưa khiến cho vườn thuốc chốc chốc lại bừng sáng chói loà trong đêm tối để rồi chỉ lát sau là tiếng râm ran kéo dài  ở nơi cuối tận xa xôi nào dó.
Tự nhiên hôm nay ta nhớ con quá Tùng ơi! Con ở đâu? Đang phiêu bạt nơi nào? Biết bao giờ con mới chịu dừng bước giang hồ để về với gia đình? Hôm nay trong  phòng khám gia trang  ta tiếp một người khách thật đặc biệt. Cô ta tới không phải để khám bệnh mà để tạ ơn ta. Nếu không có cái bớt đỏ trên trán mãi mãi ta không còn nhớ đã từng chữa bệnh cho. Nhìn thấy cô ấy ôm đứa con nhỏ trong vòng tay tự nhiên ta nghĩ về con. Phải chi con cũng có một đứa con trai, chắc chắn cháu sẽ còn kháu khỉnh đáng yêu hơn cả cu Tí của anh Bách ấy chứ! Chỉ trong vòng một năm cô ta thay đổi nhiều quá.
Đầu năm ngoaí khi ta mới gặp, trông cô ta xanh xao,tái nhợt đầu cúi gầm như người phạm tội, ánh mắt tối tăm u buồn. Vừa thấy ta cô ấy cúi rạp lạy lục xin chữa cho cái bệnh vô sinh “Thưa lão gia mẹ chồng con  mắng con là cây độc không trái, gái độc không con…”Ta hỏi rằng vậy con lấy chồng được lâu chưa? Cô ta kể lể: lấy chồng  được năm tháng, chồng và mẹ chồng bắt phải nằm lì trên giường sau khi giao hợp suốt mấy canh giờ liền không được nhúc nhích, dặn phải nằm như thế  để cho cái mầm giống của dòng tộc có đủ thời gian để bám trụ không bị thất thoát, nẩy mầm, đâm chồi kết trái, có như thế cây gia tộc mới không bị tàn lụi sẽ mãi mãi trường tồn.
Ta đỡ cô gái đáng thương dậy, ngồi đối diện ta. Một cô gái tuổi còn xuân xanh không hiểu gì tội nghiệp! Bị gia đình chồng hạch sách bao vây dồn ép mỉa mai đến nỗi lo lắng sợ hãi mất cả nhuệ khí.
Ta khuyên cô ta hãy bỏ ngoài tai những lời thoá mạ, hãy yêu thương chồng hơn. Khi được gần nhau hãy đừng ngại ngùng đón nhận hãy ôm ấp tha thiết hơn mạnh bạo hơn để chồng có thể truyền hết những tinh lực và để đón nhận trọn vẹn những tinh lực ấy hãy để phần dưới cơ thể được nâng lên cao, thế nằm như thể một bờ dốc, nước chỉ có dồn vào, mầm giống sẽ được hứng trọn. Con không bệnh hoạn gì cả! Nhưng có lẽ cơ thể còn non nớt quá chưa phát triển cứng cáp đủ cho việc sinh con nối dõi tông đường. Hãy kiên nhẫn chờ đợi! ta  an ủi cô ta như thế, sau đó ghi một số dược liệu bồi bổ cơ thể tăng cường khả năng sinh dục rồi trao cho cô ta.
Chỉ có thế thôi mà giờ đây ta được chứng kiến lại một khuôn mặt mới hoàn toàn khác, với hai má hồng tươi ánh mắt long lanh chói ngời hạnh phúc”.
Sa cứ thế sang trang chăm chú đọc liên tục không ngừng… “Có lẽ chỉ ở đây trong gian lá này khi không ai buồn tới để quấy rầy, ta mới có can đảm truy xét những hành vi không được minh bạch trong đời, viết lại những suy nghĩ chân thật của ta. Lúc nãy trời chạng vạng khi phủ tấm khăn che mặt cho người bệnh xấu số phòng thập nhất (mười một) nhìn vợ ông ta vật vã lòng chợt nuối tiếc vô hạn. Phải chi ta có mặt ở đây khi bệnh nhân vừa mới được đưa tới. Từ lâu ta đã biết Bách con ta tuy con dòng cháu giống nhưng không phải là một lương y đích thực. Lẽ ra nếu ông ta không thể nuốt trôi vị thuốc đó thì Bách phải tìm mọi cách để cơ thể người bệnh chịu hấp thu vị thuốc nhất là phải giữ cho được thuốc không cho nôn ra. Các con ơi! Nếu một mai cha không còn nữa các con phải nhớ lời cha dặn, tuy chúng ta không phải là những bậc thánh không có phép mầu trị bách bệnh nhưng phải là một vị lương y với tấm lòng tận tuỵ. Mặc dù trong đầu cứ vang lên “Trị bệnh chứ không trị mệnh!” nhưng đã là lương y ta phải tìm mọi cách trị bệnh cho dù mệnh người đó thật mỏng manh, đang hấp hối chín phần chết chỉ còn một phần sống ta vẫn phải giành giật phần sống nhỏ nhoi ấy ra khỏi tay tử thần. Đừng buông xuôi, đừng để mặc người bệnh tự vật lộn với sự hiểm nghèo tuyệt vọng để rồi sẵn sàng chờ đợi giây phút cuối cùng trong đời.
Dù cho vị thuốc có đắt đỏ khó kiếm, đừng sợ, đừng tiếc người bệnh uống không chịu rồi nôn ra, hoài của tốn công!. Đừng bao giờ chăm sóc người bệnh với sự suy tính thiệt hơn. Kinh nghiệm cho ta biết làm nghề này tận tâm thì không thể giàu được, nhưng gia đình này cũng chưa thiếu cơm bao giờ!  Tại sao ông ta nôn? Có bệnh gì khác ngoài cái bệnh cần vị thuốc khó uống đó không? Đừng bao giờ để người bệnh chấp nhận số phận của mình đến nỗi thụ động không muốn chống chọi lại bệnh tật như người bệnh phòng thập nhất lúc nãy các con nhé!
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, các con biết ông ta nói gì không? Ông ta thều thào: “ Tôi đi đây! Cậu Bách đã hết lòng chăm sóc  nhưng tôi đành phải chấp nhận số phận, trị bệnh chứ không ai trị mệnh, số tôi tới đây là hết! Có phải vậy không thưa quan ngự y?” Ôi đau xót quá, một ngày thật buồn! Ta nghe rõ từng lời trăn trối qua những tiếng nấc nghẹn ngào cuối cùng. Các con nhớ điều này. Có một loại thần dược luôn luôn phải dùng để điều trị cho bất cứ người nào, căn bệnh nào. Bổn phận của người thầy thuốc trước hết là  phải tìm cách khuyên giải, an ủi  làm sao cho người bệnh hưng phấn, không được làm bệnh nhân suy sụp tinh thần khiến họ nản chí chỉ  vì sự hời hợt không thực lòng khi trị bệnh của chúng ta, phải tạo niềm tin nơi người bệnh là họ sẽ bình phục. Vị thuốc này không phải có tiền là mua được cũng không phải chỉ có tài là chữa được mà cần phải có tấm lòng, thần dược  ấy chính là chữ “TÂM!"
Khác mọi ngày chỉ đợi đêm dài qua mau để thoát khỏi bóng tối và sự cô đơn trong gian lá, hôm nay Sa lui cui gắn lại cái bàn xập xệ, kê ở chỗ khác, khuất trong góc, cẩn thận xếp lại cuốn sách, cùng mấy cái hộp đựng quạt vào lại ngăn bàn. Cất xong mọi thứ Sa nghĩ có lẽ chút nữa nhờ lão câm sửa lại bàn cho chắc chắn nhưng tuyệt đối không để cho lão biết có gì trong đó. Chỉ mình biết thôi! Lòng sao rạo rực như vừa tìm ra vật báu. Cuộc sống bắt đầu có những khoảnh khắc nhẹ nhàng thư thả? Lão gia hẳn là người mình gặp trong phòng thờ ngày cưới đây mà! Là bố chồng mình. Ước gì mình được thắp một nén nhang cho cha lúc này nhỉ? Hoá ra trong cái thế giới ảm đạm lạnh lẽo này vẫn còn có gì để  tìm kiếm. Kiếm gì, mong chờ gì không rõ! Chỉ thấy khấp khởi náo nức như thể đang đợi cái gì vừa lạ vừa quen vừa gần gủi lại vừa xa xôi, có thể đã từng có, từng đánh mất, điều gì đó vô cùng dấu yêu từ muôn kiếp nào và hình như bây giờ nó đang đến? Bất giác Sa bật cười.
Giọng cười vang lên trong căn phòng dột nát tối tăm khiến chính Sa cũng sững sờ không hiểu nổi mình nữa! Từ giờ trở đi những gì trong hộc bàn này sẽ là người bạn đường trong đêm trường vắng lặng.

 

 Những tràng cười từ gian kế bên lại rộ lên từng chặp. Giọng Khuyên cất lên: “Nếu bà muốn tắm rửa gì cho cô ấy thì có cái buồng tắm bên kia kìa, chỗ không có mái che đó, nhanh lên chỉ còn nửa canh giờ thôi!”
Sa nghe Khuyên nói chuyện nhưng không muốn quan tâm đến nữa, nàng chống cái cửa liếp nhìn ra ngoài vườn thuốc.
 Thoáng thấy cái đầu lão câm nhấp nhô trong vùng cây cỏ. Sa mở cửa chạy vòng ra phía sau dãy nhà lá, đi giữa khu vườn ngập nắng thuỷ tinh cứ thế tiến bước về hướng mặt trời.
Mái tóc buông mềm xoã kín bờ vai thon gầy, hai tay giang rộng, ánh nhìn trải ra, xa hút theo bạt ngàn  những cây thuốc nam chạy dài tít tấp. Bập bềnh giữa muôn loài cây cỏ xôn xao Sa ưỡn người hít đầy lồng ngực mùi  nắng gió tinh khôi. Những mệt mỏi nhức buốt dồn ứ trong cõi lòng dường như oà vỡ thoả thuê thoát ra theo nhịp thở. Lòng bỗng nhẹ tênh tênh.
Lần đầu tiên dạo trong vườn thuốc lẽ ra tất cả phải rất xa lạ, Sa đã chẳng đóng sập cửa liếp để tránh nhìn thấy sự hoang vu ngay ngày đầu bị Tùng đuổi dồn vào gian lá đó sao?. Sao chỉ một đêm vùng cây cỏ này lại trở nên thân quen đến vậy?.
 Cứ thế Sa lướt đi trong nắng mới, trong gió lành, bỏ lại sau lưng tất cả những gì hôm qua còn trì kéo vướng mắc, Sa cúi xuống, áp mặt vào tấm thảm thiên nhiên, ngắt một vài lá đưa lên miệng thử, vị nhẫn nhẫn ngọt ngọt nơi đầu lưỡi, nghe như bên tai lời ai đó thì thầm nhắc nhở “ Rau mã đề đó nhổ tận gốc nhé!...rau má kìa…nhớ cây ngải cứu. chưa? Lấy luôn rễ đi!”
Sa mải mê cuống quýt đón nhận lắng nghe hơi thở lời  cây cỏ xung quanh, chăm chú nhìn ngắm xăm soi vuốt ve hít hà rồi gọi thầm "Ngải cứu ơi! Mã đề ơi!."
Hì hụp giữa vườn thuốc một lúc Sa giơ cao bó lá ngaỉ cứu vừa hái được, vẫy mặt trời. Lão câm đang ở gần đó miệt mài hái thuốc, bất chợt ngẩng lên, mắt lão tròn xoe ngỡ ngàng. Sừng sững giữa mênh mông cỏ lá Sa đang giương ngải cứu lên vẫy vẫy, miệng cười rạng rỡ  khiến lão cứ thộn người ra không biết có phaỉ Sa đang vẫy mình không?
Sa giúp lão câm lựa những cây thuốc vừa hái để  riêng từng bó cho khỏi lộn. Khi thấy đã lưng lưng gánh thuốc Sa với tay lấy đôi gióng mây  nói:
_Thôi già gánh về sân phơi đi, còn lại ít đây con bó lại xách về được rồi!
Lão lắc lắc đầu chỉ đôi gióng ánh nhìn e dè ngần ngại
Sa nói:
_Già muốn con chất vào đây luôn à? Thôi khỏi để con xách nhé!
Cuối cùng lão tỏ vẻ đồng ý nhưng nhìn quanh quất bứt một cọng cỏ dài luồn qua bó ngải cứu Sa đương cầm siết chặt lại cho bó nhỏ gọn. Sa nhìn lão biết ơn. Lão cũng nhìn nàng một lúc, ánh nhìn không còn ác cảm nữa, đoạn cúi xuống quẩy gánh lên lầm lũi đi bằng những bước sãi dài. Sa ôm bó ngải cứu chạy theo sau.

 

Suốt mấy ngày liền bệnh nhân tới khám cũng như lưu lại đột ngột gia tăng. Tùng, Khuyên tối tăm mặt mũi, không thể giải quyết hết, việc bị dồn ứ khiến cả hai phải ăn uống qua loa ngay trong phòng khám bệnh không hề rời đi được lúc nào từ sáng sớm đến tối mịt.
 Xuân bận tíu tít, My, Sẻ mỗi đứa giúp một tay hầu làm vơi gánh nặng đang đè lên khu bệnh xá vốn không đủ sức chứa hết những bệnh nhân cứ nườm nượp lui tới bất thường như lúc này.Mặc dù việc chẩn mạch và điều trị tại chỗ đã được ấn định giới hạn trước nhưng nhiều bệnh nhân ở xa tới được gia trang là cả một vấn đề, họ van nài quá Tùng đành phá lệ  một thời gian xem sao?. Khuyên thì không ý kiến gì, làm mệt nhưng gần chàng là cơ hội vàng rồi còn gì!.
Tất cả hầu như quên sự hiện diện của Sa. Nàng hỏi chẳng ai buồn tra lời. Đứng lủi thủi một mình tay chân thừa thải, chưa bao giờ giận mình như lúc này. Thật chán chường. Đúng là vô tích sự! Lão câm làm việc không ngưng tay ngưng chân. Nhìn lão Sa tự lấy làm thẹn, cảm phục lão hết sức. Tuy vất vả liên tay nhưng xem ra phong thái vẫn rất thận trọng tỉ mỉ. Lão mở từng gói thuốc nhìn số thứ tự rồi đổ thuốc vào siêu đong nước cứ thế dòm chừng từ siêu này đến siêu khác. Lão hay thật!. Mẫy bữa nay Sa biết một phòng có khi chứa hai ba bệnh nhân. Sa thấy lão mang thêm chiếu vào cho bệnh nhân nằm. Số thứ tự siêu thuốc sẽ lộn xộn rối rắm nếu không để ý vậy mà xem ra lão rất tự tin không hề nao núng!. Sa đứng nhìn như bị thôi miên cách lão đổ thuốc ra chén, đánh dấu chén thuốc bỏ vào khay đưa tới phòng tận tay bệnh nhân.
Lúc gần trưa Sa tiến tới sân, lãnh địa của lão cầm cái chổi bắt đầu quét phần sân trống. Nghe tiếng chổi lão lật đật chạy lại ngăn chỉ trỏ về phía những cái siêu những mẹt thuốc ra dấu cho nàng không được quét nữa.  Sa mỉm cười giải thích:
_Con biết mà già! Nhưng con đâu có quét chỗ đó, con quét nhè nhẹ ở đây rồi còn giúp già kéo mấy cái phên tre ra chỗ nắng phơi mấy bao thuốc hôm qua già phơi chưa kịp khô phải vậy không già?! Già để con giúp già nhé! Già bận tíu tít mà con đứng không sao đặng?
Lần đầu tiên ánh mắt lão câm nhìn Sa ra chiều thân thiện lão gật gật rồi chạy về phía sân bên kia tiếp tục công việc. Để tránh ánh nhìn lạnh lùng khinh bỉ của mọi người Sa ít héo lánh ra phía bếp. Nàng không muốn là cái gai, làm đề tài cho thiên hạ đàm tiếu cười ra nói vào.
Quét xong sân, phơi dùm lão câm mấy bao thuốc, Sa kiếm cái giỏ đi ra vườn thuốc. Tuy hồi nhỏ có theo anh Bôn  cắt lúa nhưng khi cầm cái liềm nàng cũng hơi ngượng nghịu. Lúc đầu cắt rất vụng nhưng rồi mải mê với công việc tay nàng bắt đầu thuận hơn. Sa cúi xuống ngửng lên liên tục cố hái thuốc thật nhanh. Lâu lâu đứng lại lau những giọt mồ hôi trên trán. Đám thuốc nam lay nhẹ. Mùi hăng hắc ngai ngái của tinh dầu thoảng qua trong gió. Có đôi lúc đang cắt chợt nghe có tiếng hò kéo dài được gió đưa lạc về khu vườn. Giọng hò nghe rất quen. Đứng tần ngần một lúc, rõ ràng âm thanh gợi nhớ nhưng nàng cảm thấy như đã ở một thời xa xăm nào đó muốn quên đi. Bất giác Sa mím môi cố nén tiếng thở dài. Có cặp bướm trắng cứ bay quẩn quanh... Sa cúi xuống quơ liềm vội vã… Nguyên buổi sáng Sa giúp lão câm được bộn việc. Nàng cảm thấy hạnh phúc. Vậy là mình gần gủi được với một người trong ngôi nhà này. Mình chưa bao giờ làm việc hăng say không biết mệt mỏi như vậy. Vừa làm vừa để ý lão câm. Đến trưa khi  việc sắc thuốc cho bệnh nhân tạm xong Sa thấy lão biến mất. Nàng chạm tay vào cái thuyền tán, ngần ngừ một chút  rồi ngồi xuống bắt chước những động tác của lão, dùng hai chân đưa đi đưa lại, cắt từ từ cho quen cho thuận đã, nàng nghĩ thế. Động tác không gọn nhẹ  như lão nhưng rồi thuốc cũng được cắt nhỏ tán nhuyễn, dần dần rơi thành đống trên cái mẹt. Cứ thế, cứ thế mồ hôi lại vả ra rơi xuống mắt, xót quá lấy tay áo quệt, khi ngước lên lão câm đang đứng nhìn nàng chăm chú, cái miệng móm hơi nhếch lên như một nụ cười. Lão ra dấu cho Sa ngừng rồi chỉ cái mâm có đựng cơm canh, dĩa rau luộc, cá kho khô.
Nhịn đói chỉ ăn bánh cốm, nhai ít hạt nhãn, vải khô cầm hơi suốt mấy ngày liền không ai đoái hoài bây giờ nhìn phần cơm của lão, nước miếng Sa trào ra, bụng cồn cào, hai chân bỗng run run nàng ngừng làm việc, vội kéo cái ghế gỗ ngồi phịch xuống thều thào:
_ Già cho con ăn cơm với nhé! Con sẽ giúp già mọi thứ ở phía sau này
Lão câm gật đầu múc canh vào bát, ra dấu cho nàng húp tí canh trước rồi hãy ăn cơm. Đợi Sa dùng canh xong lão đơm cơm gắp con cá có vẻ ngon nhất vào bát Sa, ú ớ ý dặn phải ăn từ từ đừng vội, rồi chỉ vào bụng nàng nhăn nhó. Sa hiểu ý lão, lùa cơm vào miệng rơm rớm nước mắt. Có lẽ lão là người hiểu rõ nhất, Sa bị bỏ đói quá lâu nếu ăn vội, ăn nhanh sẽ nguy hiểm?
Buổi chiều khi thấy lão bốc thuốc bỏ vào cái siêu có số thứ tự của người bệnh liền kề phòng mình Sa tiến lại hỏi khẽ:
_Già ơi sắc một lượt như vậy được mấy chén?
Lão đưa ba ngón tay lên rồi bớt lại hai còn một ngón.
Sa nói:
_Vậy cứ ba phần lấy một. Hôm nay già tăng gấp đôi làm sao để được hai chén đi già. Con thấy thuốc này là thuốc từ cây cỏ sẵn có trong vườn chủ yếu để an thần dễ ngủ chắc không tốn kém?
Lão câm trố mắt lắc đầu, Sa giải thích:
_Già để con cho chị ấy uống thuốc tối nay. Già đừng cột trói làm gì. Chị ấy sợ không tốt. Con sẽ cho chị ấy uống thật tự nhiên. Nếu chị ấy hất đổ sẽ cho uống chén dự bị. Lúc đó già trói cũng không muộn già nhé! Còn nếu chị ấy uống không hất đổ thì già cũng không mất công lấy dây thừng trói. Lão câm đã hiểu ra vội vã lấy thêm một phần nữa bỏ vào đong thêm nước.
Sa đứng sau chờ lão câm mở chốt phòng bên cạnh.  Khi lão bước vào Sa bám theo. Người phụ nữ đang đứng trong góc tối ủ rủ bỗng giơ tay điểm mặt lão  rú lên cười sằng sặc. Lão câm đưa mắt nhìn Sa ra hiệu. Sa nói khẽ:
_Để chị ấy cười hết đã. Bây giờ già chứ không phải con ra mang chén thuốc vào, còn con ở đây một lúc cho người ta quen với mình chút đã!
 Người phụ nữ ngưng cười khi lão câm khuất bóng. Sa nhìn chị hỏi khẽ:
_Sao đã ăn cơm chưa vậy?
Người phụ nữ nhìn Sa trừng trừng rồi quay mặt đi khóc thút thít. Sa lại sát bên người phụ nữ nắm nhẹ bàn tay dìu bước chị ta ngồi lại mé giường nói thật khẽ:
_Chị ngồi xuống đây chứ đứng hoài mỏi chân.
Người phụ nữ nhìn đăm đăm sát mặt Sa như đang tìm cách nhận dạng lầu bầu nói: “Nó đi đã về đâu! Nó đi đã về đâu!” Sa hỏi:
_Chị mong ai đó phải không?
Người phụ nữ cứ liên tục lập lại  “Nó đã về đâu!” thay vì trả lời Sa.
 Sa vuốt nhẹ lưng chị ta thủ thỉ:_Nó sẽ về chị ơi! Nó sẽ về mà!
Chị ta nghe Sa thủ thỉ có vẻ chịu ngồi yên thái độ như đằm lại, để nguyên tay mình trong tay Sa.
Lão câm bưng chén thuốc vào. Sa nháy mắt, lão vội để xuống cái chõng tre. Người đàn bà điên nhìn thấy lão lại rú lên rồi sấn lại hất chén thuốc lăn long lóc vỡ tan tành.
 Lão câm rút ngay sợi dây thừng trong túi sắn sàng túm lấy người bệnh, Sa nhào lại ngăn:
_Giời ơi! Con xin già một chút nữa thôi! Già mang chén thuốc thứ hai và thêm một chén nước hoa hoè vào đây.
Lão câm lườm lườm chị ta rồi đi ra. Sa đứng đợi ở ngưỡng cửa, khi thấy lão trở lại Sa vội đón lấy cái khay nói nhỏ:
_Già cứ đứng sẵn ở đây. Nếu con cho chị ấy uống hoa hoè không được con kêu già vào trói ngay! Già chịu khó chờ chút thôi!
Sa cầm cái khay  để  xuống đất, xa chỗ người bệnh đang ngồi. Phòng này không có một thứ gì ngoài cái chõng tre tránh không để bị đập phá. Sa cầm chén nước hoa hoè lại gần người phụ nữ nhấp vài miếng rồi hỏi:
_Chị khát không?
Người phụ nữ nhìn chén nước trừng trừng. Sa lại nhấp thêm vài ngụm nước hỏi tiếp:
_Chị đi xa ở nhà mọi người chắc nhớ lắm!
Rồi Sa đưa chén hoè lên sát miệng chị ta nói:
_Thơm lắm! Dễ uống! Uống nhé?
Chị ta nhấp nhấp vài miếng rồi lại lơ đãng cúi xuống lầm bầm. Sa lập tức đánh tráo chén hòe thành chén thuốc đưa sát miệng người bệnh. Chị ta lại hớp thêm vài ngụm…Chỉ một lát chén thuốc đã được uống xong. Chị ta nhìn vào chén xem có còn không rồi liếm môi.
Khi Sa quay lại lão câm đang lặng lẽ nhìn đầy vẻ ngạc nhiên  thán phục. Nhìn người bệnh liếm làn môi khô Sa bàn với lão câm:
_Ngày mai trước giờ uống thuốc cứ để cho chị ta thật khát như vậy dễ cho uống hơn.