Nhóm dịch thuật Song Ngư
Chương 39
Một bức thư tình

     ọc xong tập bản thảo cuốn tiểu thuyết của Keefer thì đã quá nửa đêm, xếp chồng bản thảo qua một bên, Willie tiến đến phòng văn thư của chiến hạm. Với tay bật ngọn đèn vàng trên bàn xong, anh khóa cửa phòng, mở nắp máy đánh chữ. Một sự im lặng sâu thẳm bao trùn căn phòng kín, chỉ thỉnh thoảng vọng lên tiếng kẽo kẹt của các trái độn cọ sát giữa vách tàu và chiếc Pluto, công xưởng hạm mà Caine đang cặp cạnh bên. Mở hộc bàn, anh bắt gặp một tạp chí khiêu dâm sờn rách của nhân viên bí thư, và tự cười thầm khi thấy mình đã không cảm thấy thèm muốn dừng lại để đọc tạp chí này. Cho giấy vào bàn máy chữ, anh đánh một mạch không nghỉ.
“May yêu quý của anh,
Nếu có một kinh nghiệm tiêu biểu cho cuộc sống của anh trên chiến hạm này, một kỷ niệm mà anh sẽ nhớ mãi, thì đó chính là những cái giật mình choàng tỉnh khi đang ngủ. Anh nghĩ chắc anh đã choàng tỉnh như vậy cả ngàn lần trong hai năm qua. Vâng, anh cũng đã choàng tỉnh như vậy là vì em, và anh hy vọng rằng sự kiện này xảy ra không quá trễ!
Anh biết lá thư này sẽ là một quả bom đối với em. Em yêu, hãy đọc và rồi hãy quyết định là có đáng để cho em trả lời hay không. Anh biết rất rõ rằng dưới mắt em, anh cũng chỉ là một trong những tên khách ngờ nghệch của hộp đêm Grotto. Nhưng anh vẫn phải viết lá thư này.
Đến lúc này thì không có lý cớ gì để có thể xin em tha thứ vì anh đã không viết thư cho em trong năm tháng qua. Em biết rõ là tại sao anh đã không viết. Anh đã quyết định, một quyết định anh nghĩ là rất cao thượng lúc đó, là nếu phải chia tay với em thì anh phải chia tay một cách đàng hoàng, không làm khổ em với những lá thư lời lẽ loanh quanh, ngụy quân tử. Và vì anh quyết định dứt khoát đoạn tuyệt với em vì em không xứng hợp với anh, cho nên – xin Thượng đế thương sót, anh đã không viết thư!
Nhưng bây giờ thì anh muốn em làm vợ của anh. Đó là lý do tại sao anh viết lá thư này. Đây là một sự thật hoàn toàn, không một chút ngờ vực nào cả, và là sự thật vĩnh viễn. Anh yêu em. Anh chưa bao giờ yêu ai, kể cả bố mẹ, như anh đã yêu em. Anh đã yêu em ngay từ khi nhìn em cởi chiếc áo khoác tại hộp đêm Luigi, chắc em còn nhớ, cái lúc mà em đã hiển lộ là một cô gái lôi cuốn, hấp dẫn nhất – đúng vậy, trong mắt anh, và anh không cần biết ai khác nghĩ thế nào, trên cõi đời này. Và sau đó, qua một số những trường hợp bất ngờ, anh lại tìm thấy em thông minh hơn và sâu sắc hơn hẳn anh, anh nghĩ, có lẽ anh đã tỏ tình với em nếu em là một người có nhiều tật xấu. vì vậy anh đoán sự hấp dẫn về mặt thể chất luôn luôn là yếu tố quyết định tối hậu trong tình yêu trai gái. Có thể là anh không thích yếu tố này bởi vì anh thấy em đã dễ dàng lôi cuốn sự theo đuổi của hàng tá những anh chàng ngốc nghếch, dở người.
Thực tế là, em yêu quý, sự lôi cuốn xác thịt đã hầu như hủy hoại cuộc đời của chúng ta, bởi vì trong cái đầu ngu muội, non dại nhưng lại muốn làm tài khôn của anh, anh đã nảy ra một cái bẫy sập. Sau chuyến đi Yosemite mẹ anh đã hầu như thuyết phục được anh không cưới với lập luận lặp đi lặp lại rằng anh đang lâm vào mê hồn trận của tình dục. Nếu mà em muốn biết tại sao đã có sự thay đổi thì chính anh cũng không thể trả lời được. Rất nhiều việc đã xảy đến cho anh trong năm tháng qua, và hậu quả tổng hợp của chúng là anh đã trưởng thành thêm năm tuổi, và bây giờ thì có khẳng định chắc nịch rằng anh đã bước ra khỏi vùng sa mù của tuổi vị thành niên, tuy nhiên có thể vẫn còn xa để thực sự trở thành một người đàn ông chững chạc! anh nhìn thấy rất rõ là em và anh là một sự nhiệm mầu độc nhất vô nhị. Trong cuộc đời này. Anh không hiểu  bằng cách nào và tại sao em đã chú ý đến anh, trong khi em thì cứng cáp hơn, khôn ngoan hơn, tươi đẹp hơn, thủ đắc được nhiều khả năng sinh lợi hơn, có thể nói là vượt trội hơn anh mọi mặt. Rất có thể là nhờ cái mã Princeton của anh, nếu quả đúng như vậy thì cảm tạ Thượng đế đã tạo ra Princeton. Anh biết là cái ý nghĩ hợm hĩnh mong được làm dâu một gia đình quyền quý không bao giờ có trong đầu em, nhưng dù vì lý do gì, tình yêu của em dành cho anh là một sự may mắn bội phần cho anh rồi.
Em yêu quý, anh đang có ngàn vạn điều muốn chia sẻ với em và không biết phải viết ra đây cái nào trước. Điều chính yếu là, em có kết hôn với anh khi chúng ta gặp nhau lần nữa không? em lấy anh dù cuộc chiến còn tiếp diễn hay đã kết thúc? Tự dưng anh nghĩ rằng cuộc chiến này sẽ chấm dứt trong vòng vài tháng nữa. Nếu đúng như vậy thì anh sẽ đi học để lấy bằng cao học hay tiến sĩ khi mà tài chính cho phép và sau đó sẽ kiếm một chân giảng viên đại học, không cần biết ở nơi nào, nhưng anh thích tại một thành phố nhỏ. Về mặt tài chính thì chắc chắn không phải là tiền của mẹ anh. Cảm ơn Thượng đế là cha anh đã để lại cho một khế ước bảo hiểm đủ để chi dùng trong 2 hoặc 3 năm ở đai học và anh cũng có thể làm thêm, như dậy kèm hoặc một công việc nào đó, hơn nữa chính phủ còn có chương trình trợ cấp cho các cựu chiến binh như đã từng áp dụng sau đệ nhất thế chiến. Tóm lại, dự trù này sẽ rất thông suốt. À, cha anh đã nhiều lần nói rằng anh phải kết hôn với em, dù bằng một cách gián tiếp. ông cảm nhận được rằng anh đã tìm được một cái gì rất kỳ diệu.
Anh biết anh thích dạy học. cũng như đối với sở thích khác. Đã biết rất rõ về khả năng này của anh. Anh làm hạm phó chiến hạm Caine này được mấy tháng nay (Chúa ơi, có quá nhiều điều anh cần nói cho em biết – hãy chờ một chút nhé) và anh cũng đang điều hành một chương trình dậy các khóa học của Viện Quân lực cho nhân viên trên tàu. Thật không thể nào có thể diễn tả để em biết được nỗi vui sướng của anh khi giúp đỡ những người lính bắt đầu tìm hiểu những gì họ thích thú, hướng dẫn họ trong việc học, và nhìn họ tiến bộ và hấp thụ những kiến thức mới lạ. Anh có cảm tưởng là trời sinh anh ra để làm công việc này. Còn về nghề đàn piano, em nghì thử làm sao anh có thể tiến xa được. anh chỉ có thể chơi đàn bình thường, thỉnh thoảng chế ra một vài ngón để biểu diễn vào những đêm thứ bảy đông khách của hộp đêm. Toàn bộ đời sống của hộp đêm, với những khách hàng đáng ghét, sắc mặt như người chết trôi, với không khí hôi nồng, và sự việc diễn ra đêm này sang đêm khác, đều đều như vậy- đúng là một đống bầy nhầy, sình ươn của nhục dục giả tạo, âm nhạc giả tạo, khôn ngoan giả tạo – không bao giờ thích hợp với anh. Và cũng không thích hợp với em. Trong các hộp đêm này, em chẳng khác nào một viên kim cương lăn lóc trong đám rác tanh hôi.
Hãy nói về tôn giáo. (việc cần nói trước phải nói trước – có quá nhiều việc để chia xẻ với em). Anh chưa bao giờ là một con chiên ngoan đạo, nhưng ngoài biển khơi này, anh đã có nhiều thì giờ để nhìn ngắm và chiêm nghiệm các tinh tú, mặt trời, và cả kiếp người nữa, để thấy rằng không thể không đếm xỉa gì đến đấng tao hóa. Anh đã dự thánh lễ khi có thể dự nhưng anh thuộc loại chiên nửa vời. Đạo Kito luôn làm anh sợ hãi, và anh hoàn toàn không hiểu tí gì về đạo này. Chúng ta có thể bàn thảo thêm vè vấn đề này. Nếu em muốn dậy các con của chúng ta trở thành những con chiên ngoan đạo thì anh cũng chấp nhận thôi. Anh chỉ thích đám cưới chúng ta không cử hành với những nghi thức tôn giáo mà anh hoàn toàn mù tịt – anh trình bày thẳng thắn với em những điều này bởi vì đã đến lúc mọi con bài phải lật lên để mọi người cùng thấy – tuy nhiên, anh cũng sẽ chấp nhận những nghi thức này nếu đó là điều em muốn. Tất cả những vấn đề này mình sẽ bàn với nhau, và sẽ được giải quyết tốt đẹp, nếu em vẫn yêu anh như em đã yêu anh.
À, có một tin cần báo với em (dù rằng, hiện nay anh không thể cho em biết một số chi tiết, như đại loại chiến hạm của anh đang ở đâu). Em cũng biết rằng anh không bị nhốt tù vì tham dự vào cuộc nổi loạn. Maryk đã được tha bổng, chính yếu là nhờ các thủ thuật về luật pháp, và vì vậy mà anh được miễn tố. Còn Stilwell đã dở điên dở khùng – anh đoán, có lẽ là do lão hạm trưởng Queeg gây nên, kẻ mà giờ đây anh cảm thấy thương hại, cũng giống như anh thương hại Stilwell. Cả hai đều là nạn nhân của chiến tranh, không hơn không kém. Lần cuối anh được tin là bịnh tình Stilwell đã thuyên giảm khá nhiều sau vài lần được chữa trị bằng phương pháp “shock therapy” – và hiện đang làm việc trên một đơn vị bờ. còn hạm trưởng Queeg được thay thế bằng một sĩ quan rất xuất sắc, xuất thân từ học viện hải quân, đã giải quyết ổn thỏa mọi rắc rối trong vòng bốn tháng, rồi bàn giao lại cho Keefer. Thành thử bây giờ tụi anh có một hạm trưởng Nhà văn, thật là một vinh hạnh!
Bây giờ thì anh thấy rõ ràng chẳng nổi loạn là do bàn tay của Keefer – dù rằng anh cũng chịu nhiều trách nhiệm, cả Maryk cũng vậy. Anh cùng nhận xét rằng tụi anh đều làm bậy. Bọn anh đã trút lên đầu hạm trưởng Queeg tất cả những giận dữ mà đáng ra phải dồn cả cho Hitler và những tên Nhật, những kẻ buộc bọn anh phải giã biệt đất liền để giam mình trên một con tàu ọp ẹp, cũ kỹ nhiều năm liên tục. Sự bất tuân phục của bọn anh đã làm cho những khó khăn nhỏ trở nên lớn lao cho cả Queeg, lẫn bọn anh, đẩy lão ta vào cơn giận dữ điên cuồng và biến lão ta thành kẻ bị khủng hoảng tâm lý trầm kha! Và rồi Keefer nhét vào đầu Steve điều khoản 184 – điều khoản của hải quy hải quân Hoa kỳ cho phép thủy thủ đoàn tước quyền hạm trưởng, nếu hạm trưởng bất lực – thế là cơn ác mộng tuần tự diễn ra. Queeg đã điều khiển chiến hạm Caine 15 tháng, điều mà không ai trong tụi anh có thể làm được. Còn vụ gặp bão, bao giờ ianh cũng không biết là nên lái tàu về hướng bắc hay na, và có lẽ chẳng bao giờ anh biết được câu trả lời. nhưng anh không nghĩ là Maryk nên tước quyền hạm trưởng. hoặc là chính Queeg sẽ phải ra lệnh lái về hướng bắc khi mà tình trạng trở thành tồi tệ đến một mức nào đó, hoặc Maryk ra lệnh như vậy và Queeg sẽ phải chấp nhận sau một hồi giằng co, cãi vã, và như thế là đã tránh được vụ tòa án quân sự khốn đốn. Và chiếc Caine đã được tiếp tục hoạt động thay vì phải cột cầu ở San Francisco trong lúc cuộc chiến đang ở hồi ác liệt nhất. Bài học rút tỉa được là, khi mà mình gặp phải một hạm trưởng không có khả năng, và đang có nguy cơ chiến tranh, thì không còn họn lựa nào khác hơn là phục tòng ông ta như phục tòng một cấp chỉ huy khôn ngoan nhất, tài cán nhất, che dấu tất cả những sai sót của ông ta, giữ cho chiến hạm hoạt động, và chấp nhận, chịu đựng. Thật đúng là anh đã làm bao trò phiêu lưu mạo hiểm để cuối cùng vẫn co mla.i với một kết luận cũ rích và tầm thường. Đó chính là tiến trình trưởng thành phải không em? Nhưng anh không nghĩ là Keefer có cùng nhận định như vậy và anh cũng không biết là hắn ta sẽ có một lúc nào nghĩ như vậy hay không. Hắn ta tinh khôn quá mức cần thiết. Chỉ có một số rất ít những điều anh vừa kể là do nhận xét của chính anh, còn phần lớn anh lấy từ biện minh trạng do luật sư của Maryk soạn thảo. Tay luật sư cừ khôi này gốc Do Thái, từng là một phi công chiến đấu, và có lẽ y là kẻ khác đời tinh mắt nhất mà anh được gặp từ trước đến nay.
Cuối cùng thì Keefer đã nhượng bộ để đưa cho anh xem một phần bản thảo cuốn tiểu thuyết mà hắn đang viết dở. Chắc em chưa biết là hắn đã bán bản quyền tác phẩm chưa hoàn tất này cho nhà xuất bản Chapman House và được trả trước một nghìn dollar. Bọn anh đã mừng sự việc này bằng một bữa ăn tối linh đình, nhưng nó đã biến thành một biến cố khủng khiếp vì lý do anh sẽ kể cho em nghe vào một dịp khác. Trở lại câu chuyện quyển sách của Keefer, anh vừa đọc xong một vài chương và anh thành thực thú nhận rằng quyển sách viết rất hấp dẫn. Đúng ra, quyển sách này không có văn phong hoặc chứa đựng tư tưởng gì mới lạ, độc đáo, mà chỉ là một sự trộn lộn của Dos Pasos và Joyce và Hemingway và Faulkner – nhưng tình tiết ăn khớp với nhau, pha lẫn nhiều phen rất ngoạn mục. Câu chuyện xảy ra trên một hàng không mẫu hạm nhưng có nhiều màn “nhớ lại” diễn ra trên bờ và những pha làm tình rợn tóc gáy mà anh chưa từng bao giờ được đọc. anh nghĩ rằng khi in xong, nó sẽ bán chạy  tôm tươi. Tên quyển sách nầy là “Multitudes, Multitudes”.
Anh thực sự không biết là những điều anh vừa kể có làm em quan tâm hay không. Đọc lại những gì mình vừa viết, anh công nhận đây là lá thư cầu hôn ngu xuẩn, thiếu mạch lạc nhất từ thuở khai thiên lập địa đến giờ. Anh nghĩ có lẽ là vì anh viết nó nhanh hơn là những ý nghĩ trong đầu nhưng đâu có gì quan trọng đâu, phải không em? Toàn bộ những ý tưởng cho đến bây giờ vẫn là sự mong muốn được kết hôn với em. Bây giờ thì chỉ còn sự hồi hộp, và nó sẽ là sự hồi hộp ghê gớm, vì chờ đợi câu trả lời của em. Em yêu, đừng nghĩ rằng anh đang say rượu hoặc đang viết trong lúc tâm trí bất thường. Không, những gì anh viết đều là sự thật. Nếu anh có sống đến 107 tuổi, và dù em có trở về với anh hay không, anh vẫn không bao giờ nghĩ khác về em. Em là người vợ mà Thượng đế đã ban cho anh, và anh đã đần độn, dại khờ để không nhận biết được em trong 3 năm qua. Nhưng anh hy vọng là có được 50 năm để đền bù. Anh chỉ mong có được cơ hội để thực hiện được ước nguyện này. Anh còn có thể nói được gì hơn nữa bây giờ? Phải chăng là trong những lá thư tình, người ta chờ đợi để đọc những lời lẽ xưng tụng ánh mắt, bờ môi, suối tóc và thề nguyền chung thủy trọn đời. May ơi, anh yêu em. Anh yêu em. Anh yêu em. Chỉ có thế thôi. Em là tất cả những gì anh muốn, trọn kiếp sống của anh.
Dĩ nhiên anh cũng đã từng nghĩ rằng cuộc đời làm vợ một giảng viên của trường đại học một tỉnh lẻ sẽ không hấp dẫn đối với em. Anh không có gì để phiền trách nếu em đã có ý nghĩ như vậy, trừ một điều – nếu em yêu anh thì em sẽ chấp nhận cuộc sống này và thử một lần xem nó như thế nào. Anh vững tin là em sẽ thích nó. Em chưa biết nơi nào khác hơn là New York và Broadway. Hãy còn một chương trời của cỏ xanh và sự tĩnh mịch của những tia nắng ấm và những con người chín chắn, hòa nhã, và anh tin rằng chỉ cần một thời gian ngắn sau đó em sẽ thích thú khung cảnh mới mẻ này. Và hai chúng ta sẽ là tia chớp phát sinh ra sự sống trong khung cảnh này – đọc câu này chắc em nghĩ anh đang nằm mơ hoặc lạc vào thế giới không tưởng, khiến cho đề nghị của anh giảm bớt phần nghiêm túc – và có thể em sẽ muốn anh phải làm cái gì có ích lợi thiết thực hơn thay vì chọn nghề nhà giáo, lặp đi lặp lại những bài giảng, ngày này qua ngày khác, như một con vẹt. Tuy nhiên, nghề nghiệp chỉ là chuyện phụ. Chuyện chính là em có còn cảm thấy rằng chúng ta là của nhau, như anh đang cảm thấy bây giờ hay không.
Em hãy viết thư trả lời ngay cho anh nhé. Hãy tha thứ tất cả những xuẩn ngốc của anh, và đừng trả thù chính em bằng cách chần chờ. Em có khỏe không? Vẫn vồ vập với khách để khiến cho những tên thủy thủ ngắm nghía đến lọt tròng con mắt khi xếp hàng trước quầy rượu? Lần cuối anh có mặt ở hộp đêm Grotto, anh đã muốn đấm vỡ mặt cả chục tên vì lối họ nhìn em chòng chọc. Không hiểu tại sao anh đã không nhận biết được tình cảm của mình lúc đó. Còn đối với mẹ anh, May, em đừng nghĩ đến bà ấy, và nếu mà em có nghĩ, thì cũng đừng bực dọc, cay đắng nhé. Anh đoán là mẹ anh sẽ chấp nhận sự việc. Mà nếu bà không chấp nhận thì bà chỉ tự mình đánh mất niềm vui sướng của người mẹ khi thấy con trai và con dâu hạnh phúc bên nhau. Không có điều gì bà nói hoặc bà làm mà có thể thay đổi được dự tính của chúng ta. Mẹ đã không có được một cuộc sống nhiều ý nghĩa, mặc dù bà có nhiều của cải. Vào lúc này, anh thương hại mẹ anh, nhưng anh không thương hại đến mức phải hy sinh người vợ của anh vì bà ấy. Sự thật là vậy đó.
Ô, bây giờ đã là 2 giờ sáng, và anh có thể tiếp tục viết cho em đến lúc trời sáng mà không thấy mệt. Em yêu ơi, anh mong muốn được ngỏ lời cầu hôn em trong một khung cảnh mỹ lệ, thanh lịch nhất trần đời, tràn đầy nhạc điệu và hương hoa, thay vì phải khom mình ngồi viết một lá thư lời lẽ lung tung trong khoang tàu chật chội, tối tăm, và vì vậy em sẽ phải nhận được một lá thư không phẳng phiu và lem luốc. Tuy nhiên, nếu lá thư này có làm em hạnh phúc, đó chỉ bằng phân nửa cái hạnh phúc mà anh có khi nhận được thư trả lời đồng ý của em, thì không có khung cảnh huy hoàng nào có thể làm cho lời cầu hôn này đẹp đẽ hơn!
Anh yêu em, May, hãy trả lời cho anh ngay nhé, viết ngay tức thì nhé!
Willie”
Anh đọc đi đọc lại lá thư cả hai chục lần, cắt bỏ một câu chỗ này, thêm thắt vài chữ chỗ kia. Cuối cùng anh không còn cảm nhận được ý nghĩa của nó nữa. Rồi anh đánh máy lại lần chót, xong đem các trang thư về lại phòng, pha một ly cà phê. Khi anh đem lá thư vừa hoàn tất đọc lại lần chót thì đã quá 4 giờ sáng. Anh hình dung rõ ràng cảnh tượng May xúc động như thế nào khi đọc lá thư này: sững sờ, phần nào đó quy phục, cuồng nhiệt, không nói nên lời – nhưng, đây vẫn là sự thật. Có hàng tá chỗ trong thư anh muốn sửa đổi, nhưng anh quyết định cứ để như vậy. Không thể nào làm lá thư này trở thành tốt đẹp, nghiêm trang, khi mà chính anh đang ở trong tình trạng bê bối, thiếu nghiêm túc. Rõ ràng là anh đang tán tỉnh trở lại một cô gái mà anh đã từng ruồng bỏ. Không có chữ nghĩa nào có thể thay đổi được sự kiện này. Nhưng nếu nàng còn yêu anh – và anh tin khá chắc chắn là nàng còn yêu, căn cứ vào cái hôn hai người trao nhau lần cuối – thì sẽ phải bỏ qua sự điên khùng của anh, cũng như phải dằn tự ái của nàng xuống để chấp nhận anh. Đó là tất cả điều anh muốn, và để bù đắp lại – nếu thật sự có một bù đắp như vậy – thì đó chính là sự cầu hôn của anh! Anh dán lá thư lại, bỏ vào thùng thư của chiến hạm và lên giường ngủ, với cảm nghĩ cuộc sống từ nay trở đi, nếu thoát được một cuộc tập kích khác của phi công cảm tử Nhật, chắc chắn sẽ là một sự chờ đợi thật trống vắng trong khi lá thư của anh phải chạy nửa vòng trái đất và cánh thư hồi âm cũng phải vượt một khoảng cách dài dằng dặc như vậy!
Không phải chỉ có Willie bình lặng mà cả chiếc Caine cũng im lìm như vậy. Những tay thợ giỏi giang, tháo vát của chiếc Pluto đã nhanh chóng đắp vá lại những chỗ bị thiệt hại trên đài chỉ huy, nhưng sau hai tuần hì hục cố sửa chữa lò đốt, đành kết luận là họ phải bó tay không thể hàn cái nồi hơi bị bắn thủng nát. Dĩ nhiên là có thể sửa được, nhưng phải mất quá nhiều vật liệu và thì giờ của công xưởng hạm. có nhiều chiến hạm nạn nhân của bọn phi công cảm tử Nhật đáng được ưu tiên sửa chữa hơn – đó là những khu trục hạm và hộ tống hạm còn mới. Thế là chiếc lỗ trên boong được hàn kín bằng một tấm bửng sắt, và chiếc Caine nhận được lệnh tách công xưởng hạm Pluto ra neo thật xa ở phía bác hải cảng. Chiếc Caine nằm lỳ ở đó trong khi chiến dịch Okinawa chấm dứt và vị sĩ quan hành quân bộ chỉ huy hải đội trục lôi Thái Bình Dương thì lo kiếm cách xử dụng chiếc Caine, một mối lo trong hàng ngàn mối lo của ông ta.
Chiến hạm vẫn còn hai nồi hơi trong lò đốt không bị hư hại và nhờ vậy nó vẫn có thể chạy được với vận tốc trên dưới 20 hải lý một giờ. Vào đầu tháng bảy, đại tá Ramsbeck, vị sĩ quan hành quân, lên tàu, chạy thử ra biển, khuấy động những con hào bám vào thành tàu lần đầu tiên trong nhiều tuần qua. Đại tá Ramsbeck giải thích với Keefer và Willie rằng bộ chỉ huy hải đội Trục lôi Thái Bình Dương không muốn cho các chiến hạm cũ kỹ về Mỹ đại kỳ khi còn tạm xử dụng được. Một khi tàu được gửi ra khỏi vùng tuyến đầu, có thể nó sẽ không trở về kịp để có thể đáp ứng được nhu cầu vớt mìn khẩn thiết trong những ngày sắp tới. Chiếc Caine hải hành thật trơn tru trong chuyến chạy thử và Keefer nói ông háo hức trông đợi được tham dự trong cuộc hành quân sắp tới. Willie cũng nêu ra sự kiện là một số chiến hạm loại bốn ống khói được biến cải thành cơ xưởng hạm cho thủy phi cơ vẫn hoạt động rất hữu hiệu chỉ với hai phòng hơi. Ramsbeck rất hài lòng trước tinh thần hăng say của vị hạm trưởng và hạm phó cũng như cách hoạt động trơn tru của chiếc Caine. Hôm sau ông gửi lệnh hành quân cho cuộc rà mìn ở biển Trung Hoa, có cả sự tham dự của chiếc Caine.
Một buổi sáng vài hôm trước ngày khởi hành công tác, Willie đang ở trong phòng viết báo cáo kết quả hành quân cho tháng sáu, anh ngừng lại một lúc lâu thắc mắc không biết sao không nhận được hồi âm của May. Nhân viên trực hạm kiều gõ vào thành cửa và báo cho Willie biết chiếc Moulton đang cặp bên tàu. Willie chạy vội lên hạm kiều. Mũi tàu của chiếc Moulton đang từ từ cặp vào chiếc Caine. Anh nhận ra ngay người bạn cũ Keggs đang đứng trên đài chỉ huy, mặt rám nắng và phong sương, vói người ra đài chỉ huy ra lệnh cặp tàu.
Willie nhảy qua chiến hạm ngay khi dây vừa buộc xong, thì gặp Keggs đang từ đài chỉ huy đi xuống.
-  Hạm trưởng Keegs, phải không nào?
-  Trúng phóc! – Keegs giang tay ôm chặt cổ Willie – Có phải tôi đang nói chuyện với hạm trưởng Keith không đây?
-  Chỉ mới hạm phó thôi. Chúc mừng anh, Ed.
Khi hai người đã ngồi uống cà phê trong phòng hạm trưởng chiếc Moulton, Keggs giải thích:
-  Kể ra cũng đúng đó Willie. Tôi hải vụ nhiều hơn anh sáu tháng mà. Anh sẽ làm hạm trưởng chiếc Caine này vào tháng 12.
Cái mặt ngựa nay đầy vẻ quyền uy và chững chạc, bây giờ rõ ràng là vẻ mặt của một chiến mã. Willie nghĩ, Keegs trông trẻ hơn cái lúc ba năm trước đây tại trường sinh viên sĩ quan cắm cúi thê thảm gặm cho xong môn hải pháo trước kèn báo thức. Hai người bạn buồn bã kể chuyện Roland Keefer một lúc. Rồi Keggs liếc nhìn Willie và nói:
-  Tôi thấy anh không muốn nói tới chuyện nổi loạn phải không?
-  Anh biết chuyện đó hả?
-  Willie, cả hải đội ai cũng biết. Tuy nhiên tụi tôi chỉ được nghe lời đồn đại thôi – không ai biết chuyện thực sự xảy ra như thế nào – mấy chuyện đó vẫn còn được bảo mật hay sao?
-  Dĩ nhiên là không rồi!
Willie kể câu chuyện cho Keggs nghe. Viên hạm trưởng chiếc Moulton luôn lắc teg như là chuyện không tin được và có vài lúc chặc lưỡi.
-  Maryk đúng là tên may mắn nhất hải quân. Tôi không tưởng tượng nổi làm sao mà anh chàng thoát được.
-  Tôi đã nói anh chàng luật sư này thật là tuyệt vời.
-  Đương nhiên là anh ta quá giỏi rồi. Để tôi kể chuyện này cho anh nghe. Một buổi tối ở Nouea, tôi say khướt với anh chàng hạm phó chiếc Moulton. Khi đó là còn dưới ách của Iron Duke. Anh ta đọc thuộc lòng điều 184, anh chàng nói với tôi là anh chỉ chờ cho Iron Duke làm một chuyện hớ hênh là anh ta sẽ túm ngay. Nhưng anh ta không bao giờ nhắc tới chuyện đó nữa. Anh cũng rất nên xem cảnh Iron Duke hành hạ anh chàng hạm phó này…
-  Mấy người đó họ không dại gì làm sơ hở đâu, Ed. Cái khó là như vậy đó.
Mười bảy ngày trước khi trận chiến chấm dứt, chiếc Caine cuối cùng cũng rà được một trái mìn.
Bấy giờ hải đoàn trục lôi đang ở Trung Hải, dàn thành hai hàng, trải rộng năm hải lý trên mặt biển. Mặt trời còn thấp ở hướng đông, tỏa ánh sáng chói chang. Cuộc rà mìn bắt đầu từ lúc hừng sáng, và đoàn tàu đang dò dẫm tiến vào vùng biển xanh lơ và cạn nơi có bãi mìn. Trái mìn bất ngờ nổi lên trong lúc chiếc Caine đang lắc lư theo triền sóng. Đó là một quả mìn tròn, to tướng, rỉ sét, tua tủa những chiếc sừng chĩa ra chung quanh. Keefer phấn chấn hô lệnh ném phao khói đánh dấu vị trí. Nhân viên giám lộ kéo cờ báo hiệu và tàu phá mìn chạy tới xả súng máy bắn vào quả mìn. Mìn nổ tung, âm thanh vang động, kèm với cột nước màu trắng pha lẫn sắc tím, tung cao cả mấy chục thước. Dọc theo đội hình các chiến hạm rà mìn, nhiều quả mìn bắt đầu nổi lên. Mặt biển điểm đầy những phao khói vàng xanh đánh dấu các quả mìn. Vì chiếc Caine đi hàng thứ hai nên các thủy thủ lo lắng chăm chú quan sát mặt nước.
Không đầy một phút sau, nhân viên phát hiện một trái mìn ngay trước mũi tàu. Trên đài chỉ huy, Keefer hốt hoảng hết chạy qua phải rồi lại qua trái, miệng ra lệnh loạn xạ, lúc thế này lúc thế khác. Cuối cùng nhân viên cũng bắn hạ được trái mìn khi nó ở cách chiếc Caine chừng ba chục thước, tiếng nổ vang dội, cột nước tung cao. Rồi nhân viên quan sát thấy một trái mìn bên tả hạm cùng một lúc chiếc Caine cũng cắt được hai trái mìn khác. trên đài chỉ huy, cuộc náo loạn kéo dài hơn năm phút đồng hồ.
Nhưng bất cứ thứ gì mới lạ, ngay cả việc mới lạ đầy nguy hiểm như công tác rà mìn, cũng chẳng bao lâu trở nên quen thuộc và biến thành công việc bình thường nhàm chán. Đến lúc chiếc Caine đã vớt được bảy trái mìn và bắn hủy một nửa tá nữa, mọi người kể cả hạm trưởng dễ hốt hoảng, ai cũng nhận thấy là rà mìn chẳng có gì khó khăn, và với một chút may mắn, cũng chẳng có gì là nguy hiểm đến tính mạng. Thế là Keefer trở thành dạn dĩ thái quá và lái tàu lả lướt tới gần mấy trái mìn để bắn hủy cho dễ khiến Willie sợ hết hồn.
Cũng còn một sự kiện lạ lùng khác xảy ra cho Willie vào buổi sáng hôm đó. Từ lâu không hiểu sao anh cứ nghĩ rằng phần số của chiếc Caine là không vớt được một trái mìn nào. Cái mỉa mai này cũng thật hợp với số phận quái dị của chiếc tàu này. Anh vẫn để tâm học rà mìn, nhưng tin rằng cuốn chỉ dẫn này cũng chỉ là những quyển sách vô dụng để trong tủ mà thôi, cũng giống như những cuốn mật mã tiếng Pháp hay tiếng Hòa Lan thôi. Anh lại còn bắt đầu tin tưởng một cách vô lý rằng thủy lôi là một chuyện hoang đường không bao giờ có trên thực tế. Thế nhưng cái đống dây nhợ ở sân sau thực sự đã làm được việc, cái máy cắt dây mìn thực  sự đã rà xuống dưới trái mìn một cách vững vàng và thực sự cắt dây mìn, mìn thực sự là một khối sắt tròn chứa chất nổ đủ sức làm chìm tàu. Đó là một bằng chứng nữa – những bằng chứng mà anh dần dần quen với chúng, nhưng vẫn thấy một chút ngượng ngập mỗi khi có một bằng chứng mới xuất hiện – để chứng thực rằng hải quân ít nhiều gì cũng biết rõ những công tác của mình.
Cái sự nghiệp rà mìn của chiếc Caine như phần số đã định rất ngắn ngủi. cái này thì Willie đoán đúng. Vừa lúc Willie thoải mái với trò chơi nguy hiểm này, thì máy bơm dầu nồi hơi số một bị xụm và tàu chỉ chạy được tới mười hai gút. Như vậy là trong một khu vực mìn trôi khắp nơi, khả năng vận chuyển ccbot sẽ bị giảm đến mức nguy hiểm. sĩ quan chỉ huy chiến thuật ra lệnh cho chiếc Caine rời đội hình và trở về Okinawa. Lúc đó mới gần trưa. Một chiếc trục lôi hạm dự bị tiến tới thay chỗ cho chiếc Caine. Chiếc Caine bị bỏ lại đàng sau đội hình và quay đầu trở lại bến. Keggs đang đứng chỉ huy trên chiếc Moulton bên cạnh, vẫy tay chào Willie. Keggs chớp đèn cho Willie “Hên nhỉ. có lẽ tôi sẽ thử liệng một cái vặn ốc vào máy bơm xem sao. Tạm biệt Willie”. Trên đường về, chiếc Caine phá hủy thêm một trái thủy lôi, một niềm vui nhưng đượm phần u hoài. Willie là người phát hiện cái trái cầu màu nâu nhạt đó. Anh nhìn trái thủy lôi qua cửa kính và cảm thấy như có một mối liên hệ sở hữu nào đó với trái thủy lôi khi thấy nó chống trả mãnh liệt với từng tràng đạn xối xả tuôn vào. Và bất thình lình nó không còn đó nữa, thay thế bằng một khối nước màu vàng sôi sục, và đó cũng là lúc thế chiến thứ hai kết thúc đối với trục lôi hạm Caine.
Dĩ nhiên vào lúc đó thì không ai biết như vậy. Chiếc Caine khập khiễng vào vịnh Buckner (đó là vịnh Nakagusuku Wan được đặt tên lại) và Keefer gởi công điện xin cặp cạnh chiếc Pluto để sửa chữa. Hôm sau Keefer nhận được công điện trả lời thẳng thừn rằng vì có nhiều tàu được ưu tiên sửa chữa nên đến cuối tháng tám mới đến lượt chiếc Caine. Keefer được lệnh ráng tự sửa chữa, nếu cần vật liệu gì thì cơ  xưởng hạm sẵn sàng cung cấp.
Thế là chiếc trục lôi hạm cũ kỹ trôi quanh điểm neo, tích lũy thêm rỉ sét và đám nghêu hào tụ tập lại quanh dây xích neo tàu. Willie có nhiều thì giờ nhàn rỗi tha hồ lo âu về May, và bắt đầu trở nên bồn chồn, lo lắng. Sáu tuần rồi kể từ lúc anh viết thư cầu hôn. Trong khoảng thời gian đó anh cũng viết nhiều thư cho mẹ và đã nhận được thư trả lời. Anh cũng tự an ủi với lý luận thông thường của những người phục vụ ở ngoại quốc. Thư của anh hay của May có lẽ bị thất lạc vì nhầm lẫn của hải quân. Một trận bão làm hư hại tàu chở thư. May không ở New York. Bưu điện trong thời chiến tranh phải có những sai lầm, vân vân và vân vân. Những lý luận này thật ra không làm anh yên tâm bởi anh biết quân bưu rất nhanh và rất hữu hiệu. Hai tuần hay cùng lắm là hai mươi ngày ở Okinawa là đủ thì giờ để thư chuyển đi và nhận được thư hồi âm rồi. Mọi người viết hàng trăm lá thư vì thật ra cũng không có việc gì đáng làm hơn là viết thư. Willie rất rành về việc vận hành thư tín. Mỗi ngày qua là một ngày anh thấy buồn hơn. Đã ba lần anh viết thư năn nỉ, nhưng cả ba lần đều xé đi vì khi đọc lại anh cảm thấy có vẻ như thư của một thằng điên.
Một chiều anh về phòng và thấy một phong bì lớn nằm trên bàn, tuồng chữ phái yếu – không phải tròn trịa như chữ của mẹ anh, cũng không phải nét chữ thẳng đứng bay bướm của May. Anh nghĩ chớp nhoáng và chụp vội lá thư. Anh hối hả xé phong bì, thì ra đó là thư của trung úy Ducely. Một tờ báo gấp tư tuột ra rơi xuống sàn.
“Willie thân mến,
Tôi nghĩ là anh hay bất cứ ai còn ở lại cái địa ngục trần gian ấy hẳn sẽ thích thú đọc tờ báo gửi theo thư này. Tôi bây giờ trở lại làm ở Publie Relation-09 Church, cảm ơn Chúa, chỉ có một quãng là tới quán rượu quen thuộc của tôi – tờ báo này đến văn phòng của tôi ngày hôm qua. Lẽ ra tôi phải vô hô sơ, nhưng tôi đặt mua tờ khác và gửi tờ này cho anh. Tôi nghĩ Old Yellowstain đã bị đẩy đi vĩnh viễn, và như vậy sẽ làm anh rất vừa ý. Tuốt lên Stuber Fork, Iowa! Tôi cười muốn chết sặc lặp đi lặp lại cái tên đó. Stuber Fork, Iowa! Ông không thể lái cái trung tâm tiếp liệu leo lên san hô được mà.
Ở đây mọi người nghe lờ mờ đủ mọi chuyện về cái vụ nổi loạn lịch sử đó. Câu chuyện trở thành một truyện truyền kỳ mặc dù chẳng ai biết rõ câu chuyện thế nào, ngoại trừ việc Maryk được trắng án. Mà anh biết không, hai huy chương hải vụ chiến đấu và hai năm thực sự phục vụ trên chiến hạm lừng danh Caine và mấy chuyện như vậy khiến tôi trở thành một chiến sĩ hải quân dày dạn phong ba nhất vùng, và dĩ nhiên là tôi bị phóng đại tô màu hơi nhiều, nhưng cũng chẳng sao, tôi cứ việc làm bự ra cho vui. Nếu muốn tôi có thể có một hậu cung đầy nhóc nữ quân nhân, nếu tôi không để ý tới chuyện mông ta hay những cẳng chân lông lá! Tuy nhiên tôi nghĩ tôi cũng có phần hơi cầu kỳ. Nhất là tôi gần như đã hứa hôn rồi. Nghe chuyện này chắc anh phải cười gần chết. Khi tôi về lại Hoa Kỳ, anh có nhớ những lá thư tôi gởi về nhà nói về cô gái trong cái quảng cáo trên báo New Yorker đó – một người bạn tìm ra cô ta cho tôi, và cô ta có lẽ là cô gái đẹp nhất New York! Cô tên là Crystal Gayes (tên thật của cô là một tên tiếng Ba Lan đọc được thì cũng phải sái quai hàm!) cô là một người mẫu nổi danh và là một cô gái dễ thương. Sáu tháng nay tôi được chỉ định công tác thường ở Stork Club, và bồ phải tin rằng ở đây quả thật là hơn hẳn chiếc Caine cũ kỹ quá xa. Tôi có được nghe kiều nữ May Wynn của anh hát trong vài hội quán. Cô trông thật là quyến rũ nhưng tôi không được may mắn có dịp nói chuyện với cô.
Này Willie, tôi hy vọng anh bỏ qua cho tôi những lần tôi làm anh điên đầu. Tôi không thuộc loại người rắn rỏi như anh. Tôi chưa bao giờ nói với anh là tôi rất ngưỡng mộ cách anh chống trả với những ngược đãi của Old Yellowstain, dù tôi biết rằng phần lời là do lỗi của tôi. Tôi chỉ như con châu chấu, còn anh, anh là tổng hợp của Jon Paul Jones và thánh tử đạo.
Vậy khi nào về đây, kiếm tôi trong điện thoại niên giám nhé. Mẹ tôi tên là Agnes B. Ducely.
Cho tôi gởi lời hỏi thăm các bạn và nhớ đừng cho mấy bọn phi công cảm tử tới gần nhé.
Thân ái,
Alfred
Tái bút: anh chàng Old Yellowstain vẫn còn là thiếu tá. Bản thăng thưởng ra hồi tháng ba rồi, tôi nghĩ là ổng hụt rồi, và như vậy là coi như chấm dứt binh nghiệp rồi. vạn tuế!”
Willie nhặt tờ báo lên. Đó là trang nhất của tờ Nhật Báo thành phố Stuber Forks,Iowa. Alfred cẩn thận khoanh đỏ bài phóng sự ở cuối trang. Một hình bự của thiếu tá Queeg dài hai cột báo ngồi sau bàn giấy đang cầm cây bút chì giả bộ viết, miệng mỉm cười có vẻ ranh mãnh, mắt nhìn thẳng vào ống kính. Willie thấy một cảm giác khó chịu, kinh tởm khi nhìn thấy khuôn mặt đó.
CHIẾN SĨ KIÊN CƯỜNG MẶT TRẬN THÁI BÌNH DƯƠNG
TÂN CHỈ HUY PHÓ TRUNG TÂM TIẾP LIỆU HẢI QUÂN STUBER FORKS
Bài phóng sự viết theo lối văn tả cảnh của các học sinh trung học tán dương những chiến công của Queeg trong thời gian phục vụ trên chiếc Caine. Không thấy đả động gì tới vụ nổi loạn hoặc phiên xử tại tòa án quân sự. Willie nhìn vào mặt Queeg một lúc lâu, vò nát tờ báo, đi vào phòng ăn sĩ quan, liệng xuống biển qua ô cửa sổ. Vừa lúc liệng đi, anh thật thấy tiếc liền, lẽ ra anh phải cho Keefer coi. Anh thật khó chịu khi bị gợi đến những chuyện kinh hoàng cũ, cũng một phần vì nhắc tới May, nhưng nhiều nhất là việc ganh tỵ chua cay với Ducely. Anh biết đấy là một cảm giác điên khùng. Anh không bao giờ muốn đánh đổi với Ducely, nhưng vẫn có cái cảm giác đó, cái cảm giác xấu xa nhưng thật mạnh mẽ.
Khi tin bom nguyên tử tới tai mọi người và rồi tiếp ngay đó là việc công bố Nga đã tuyên chiến với Nhật, sĩ quan và đoàn viên chiếc Caine thay đổi rõ rệt về mọi mặt. Những bộ mặt vui như ngày hội trên boong, trong hành lang. Mọi người bắt đầu nói đến chương trình cho thời bình, lập gia đình, tiếp tục học, thiết lập cơ sở làm ăn…Trong số đoàn viên có những người ngoan cố nói đó chỉ là mánh lới tuyên truyền, nhưng mọi người dèm đi hết. hàng ngày các đô đốc đều gửi những cảnh cáo gay gắt nói là chiến tranh vẫn còn đang tiếp diễn, nhưng cũng chẳng ai buồn nghe.
Giống như tất cả mọi người, Willie tính toán ngày ra khỏi hải quân nhưng ngoài mặt anh vẫn giữ bộ mặt nghiêm nghị và thúc đẩy công việc hàng ngày mặc dù mọi người đều bắt đầu tà tà. Anh khó chịu đồng thời cũng thấy buồn cười khi thấy các sĩ quan mới đổi tới chiến hạm túm năm túm ba chung quanh chiếc radio trong phòng ăn than phiền ỏm tỏi vì việc chậm loan tin Nhật đầu hàng. Những người than phiền nhiều nhất lại chính là những sĩ quan mới tới. Như anh chàng y sĩ của chiến hạm (cuối cùng thì chiếc Caine cũng có được một y sĩ, đáo nhậm hồi tháng sáu) thì luôn tỏ vẻ bực bội với chính phủ và hải quân. Anh nói anh tin là bọn Nhật đã đầu hàng từ tuần trước nhưng mấy bố ở Washington còn ráng giữ kín để thảo vội luật lưu ngũ lực lượng trừ bị vài năm nữa.
Vào buổi tối ngày mùng mười tháng tám, buổi chiếu phim ở sân trước chiến hạm đã chiếu một phim tẻ nhạt hơn hẳn mấy bữa khác. Willie coi nửa chừng thì bỏ vê phòng. Anh đang nằm trên giường đọc quyển sách Bleak House thì chợt nghe bản nhạc Jazz ngưng đột ngột “Chúng tôi xin ngừng chương trình phát thanh để loan báo một tin quan trọng…” Anh nhảy ngay xuống sàn và chạy vội tới phòng ăn. Tin báo Nhật đầu hàng chỉ trong vài câu ngắn, rồi chương trình nhạc lại tiếp tục.
Willie hớn hở nghĩ thầm “Cám ơn Chúa, tôi đã vượt qua được rồi. tôi đã sống sót!”
Phía trên boong không thấy động tịnh gì. Anh không biết mọi người trên tàu có nghe hết không. Anh ngó qua cửa sổ, nhìn qua hải cảng Okinawa như một mảng xanh đậm dưới ánh trăng. Rồi anh nghĩ tiếp “Keefer sẽ đưa tàu tới nơi giải giới. mình sẽ không bao giờ được làm hạm trưởng một chiến hạm hải quân. Mình hụt rồi”.
Một bản nhạc quân hành hùng tráng từ radio phóng ra, bản When Johnny Comes Marching Home. Một trái sáng màu xanh bất thình lình phóng lên trời rồi từ từ rơi xuống gần mặt trăng. Rồi cùng một loạt, các trái sáng và pháo bông rực chiếu bắt đầu bùng sáng cả thành phố. Cả triệu vệt đạn sáng, vô số đèn pha màu xanh trắng quét ngang quét dọc đầy trời, trái sáng màu xanh, màu đỏ, màu vàng như là lễ Độc Lập kéo dài hàng mấy dặm, mọi loại súng ống đạn dược bắn thẳng lên trời như lời cầu nguyện hòa bình. Và một giọng ca nam hùng tráng phát ra từ radio:
“When Johnny comes marching home again,
Hurrah, hurrah
We’lo lắng give mhim a hearty welcome then
Hurrah, hurrah…
.”
Bây giờ trên boong chánh mới bắt đầu ầm ầm như sóng dậy, mọi người nhảy múa la hét tưng bừng. Lúc đó tiếng súng vang dậy đầy màu sắc từ Okinawa vẫn tiếp tục hàng loạt với đạn tốn hàng triệu, một cuộc mừng chiến thắng phí phạm, rồi tiếng súng bắt đầu lan dần tới hải cảng, rồi các tàu trong vịnh cũng bắt đầu nhả đạn, rồi Willie nghe tiếng súng 20 ly trước mũi của chiếc Caine cũng bắt đầu nổ dòn dã giống như những lần phòng không chống bọn phi công cảm tử, làm rung động thân tàu
“And we will all be gay
When Johnny commes marching home
Oh, when Johnny comes marching home again
Hurrah, hurrah”
Trong khoảnh khắc Willie tưởng như mình đang trong toán diễn hành của hải quân trên đại lộ số 5 tôi một vùng đầy ánh nắng chan hòa, dân chúng hai bên đường vỗ tay nồng nhiệt và những băng giấy đầy màu sắc rơi trên mặt anh. Anh như nhìn thấy rõ ràng các tháp cao trên đỉnh Radion City và chóp nhọn của nhà thờ Saint Patrick. Anh cảm thấy rúng động sởn tóc gáy, và cảm ơn Thượng đế đã gửi anh tới chiếc Caine này để tham chiến.
“And we will all be gay
When Johnny comes marching home”
Hình ảnh tan biến đi và anh nhìn thấy chiếc radio cũ nát trên tường. anh nói lớn:
-  Ai ra lệnh cho mấy đứa này được bắn khẩu 20 ly này nhỉ
Rồi anh phóng lên boong chính.
Trong vòng một tuần, phòng nhân viên hải quân ra bản thông báo đầu tiên về hệ thống cho điểm để giải ngũ. Người thì hoan hô, người thì than thở, người thì chửi rủa um sùm giống như chiến hạm đang bị ngư lôi bắn trúng. Willie tính nhanh và thấy anh sẽ được giải ngũ vào tháng Hai, 1949. Hệ thống cho điểm này cho hệ số cao những người gà và những người có gia đình được về sớm. Không có điểm cho thời gian phục vụ tại ngoại quốc hay tại tiền tuyến.
Willie cũng chẳng quan tâm về chuyện đó, phòng nhân viên hải quân quá lớn, dĩ nhiên, nhưng anh vẫn tin rằng chẳng bao lâu họ sẽ thay đổi, ngay khi dư luận than phiền vọng đến hệ thống chỉ huy và loan truyền đến báo giới. hệ thống cho điểm dùng trong thời chiến rồi cất đi để xài vào một dịp nào đó trong tương lai xa vời. Bất thình lình người ta lôi nó ra xài mà không ai để ý tới những hệ lụy của nó. Trong lúc đó, thế giới bỗng thay đổi như đêm với ngày, từ chiến tranh ra hòa bình. Lối suy nghĩ của thời chiến bỗng chốc trở thành lỗi thời, và hải quân đi chậm hơn một chút.
Trong lúc chờ đợi, mình phải lo cho cái tàu Caine này. Kế hoạch sửa chữa tại Okinawa đã ngừng lại một cách hỗn loạn. những công trình cả biến trị giá hàng chục triệu, nhân công làm ngày làm đêm bất kể đến phí tổn bây giờ đã là chuyện của quá khứ, xa thẳm như là trận Gettysburg mặc dù chỉ mới một tuần trôi qua thôi. Sĩ quan trưởng ban sửa chữa của chiếc Pluto, một ông trung tá tối ngày bị quấy nhiễu đủ thứ, ngồi sau một đống hồ sơ cao nghệu, bộ mặt đầy nếp nhăn của ông xanh như tờ giấy Stencil, càu nhàu với Willie:
-  Làm thế quái nào mà tôi biết được để mà nói cho anh biết hả Keith? (Lần này là lần thứ tư trong tuần, Willie tới đây. Viên bí thư không cho anh gặp ba lần trước). Mọi việc từ đây tới Washington đều loạn cào cào hết. Tôi không biết bây giờ ở Cục tiếp liệu có còn cho tiêu thêm bốn mươi xu nữa cho mấy cái tàu bốn máy không. Không chừng ủy ban kiểm tra sẽ quyết định để cái tàu này đóng rỉ sét ở đây luôn – Ông chỉ vào cái giỏ đan bằng dây thép đầy giấy màu vàng – Thấy đó không? mỗi tờ giấy là một cái tàu bị hư. Muốn vô cái danh sách đó hả? anh có lẽ được số 107.
-  Xin lỗi làm rộn trung tá – Willie nói – Tôi biết trung tá đang bận túi bụi…
-  Anh chưa biết tới một nửa câu chuyện đâu – vị trung tá, mồ hôi nhễ nhại, đổi giọng thân thiện ngay tức khắc – Tôi rất muốn giúp anh, Keith. Tụi mình ai cũng muốn về sớm. Được rồi, tôi sẽ biệt phái cho anh một số nhân viên sửa chữa làm trong 72 tiếng đồng hồ. Nếu nhân viên của anh hợp tác với họ để sửa mấy cái bơm dầu đó, thì anh có tàu đi về! anh muốn vậy phải không nào?
Khi Willie trở về tàu, anh kêu đám cơ khí tập họp ở sân trước.
-  Mọi việc tùy thuộc vào các anh – Anh nói với họ - nếu họ quyết định cho ủy ban đến kiểm tra chiến hạm này, chúng ta sẻ ngồi trên bờ biển dài mỏ cả năm để chờ có phương tiện về Mỹ. Nếu các anh sửa được mấy cái bơm dầu, các anh sẽ có xe limousine của riêng chúng ta để về tận nhà, có lẽ chừng một tuần nữa. Vậy thì hãy thử coi lại mấy cái bơm đi.
Trong hai ngày, tất cả các bơm đều được sửa xong.
Một lệnh hành quân mùi cho tất cả các trục lôi hạm tham dự cuộc rà mìn ở cảng Tokyo chuẩn bị cho hạm đội chiến thắng di chuyển vào Tokyo. Chiếc Caine không được tham dự. Keefer đi cùng với Willie lên văn phòng hải đội trục lôi Thái Bình Dương trên chiếc Terror. Hai người tìm cách thuyết phục đại tá Ramsbeck rằng chiếc Caine đã sẵn sàng hải hành công tác, nhưng ông sĩ quan hành quân ngần ngừ lắc đầu:
-  Tôi cảm ơn tinh thần của các anh – ông nói – nhưng tôi sợ chiếc Caine đã bết quá rồi. Giả dụ mình bị hư máy trên đường thì sao? Bây giờ đang mùa bão, anh nghĩ anh chống nổi bão với máy 12 gút không?
Willie và Keefer nhìn nhau, buồn rầu và chịu thua. Đứng cạnh nhau ở trên đài chỉ huy buổi chiều hôm đó, hai người nhìn đoàn tàu lũ lượt ra khỏi vịnh Buckner.
-  Tôi thực sự muốn tới Tokyo – Keefer nói – có lẽ mộ chí của tôi sẽ ghi là “Hầu như đã tới, nhưng chưa tới hẳn”. Hôm nay mình chiếu phim gì vậy?
-  Roy Rogers, hạm trưởng.
-  Tại sao Thượng đế phải cất công để làm cho tôi thấy thấp hèn hả? Có lẽ tôi phải nhịn ăn một tháng họa may có thể tìm thấy câu trả lời.
Cứ như thế, chiếc Caine xoay quanh chiếc neo rỉ sắt và đóng rong rêu trong vịnh vắng hoe, và sĩ quan và đoàn viên nghe tường thuật lễ đầu hàng qua radio.
Hệ thống cho điểm được loan báo đúng như Willie dự đoán vào khoảng đầu tháng chín. Hệ thống này công bằng và thi hành được. theo đó, một nửa đoàn viên chiếc Caine và ông hạm trưởng được về ngay.
Willie được về vào ngày mùng một tháng mười một. Khi Keefer nhận được lệnh của phòng nhân viên, anh rất hứng khởi. Anh kêu người hạm phó vào phòng và nói:
-  Sẵn sàng nhận quyền chỉ huy chưa?
-  Tại sao – dĩ nhiên là được, nhưng đâu có ai giao cho tôi được? tôi mới được chưa quá hai năm hải vụ…
-  Trời đất, Willie à, anh thừa đủ điều kiện hơn De Vriess khi ông ta nhận chiếc Caine. Hai năm nơi tiền tuyến bằng mười lăm năm trong thời bình. Tôi nói là anh đủ điều kiện. Tôi báo cáo như vậy trong kỳ phê điểm tháng sáu. Cái này là bảo đảm rồi. Mình sẽ xin Hải đội gửi đề nghị lên phòng tổng quản trị - nếu anh muốn. Nếu tôi phải chờ cho phòng tổng quản trị lục lọi hồ sơ để kiếm người thay thế cho tôi, chắc tôi còn phải ở đây cho đến khi mình đánh nhau với bọn Nga.
-  Tôi…dĩ nhiên là tôi muốn rồi, hạm trưởng.
Sĩ quan trưởng ban nhân viên của hải đội đóng trên tàu Terror bị đám hạm trưởng hạm phó như trường hợp Keefer bám cứng. Tinh thần chỉ thị của phòng nhân viên rất rõ ràng. Đây là một trường hợp hết sức nóng bỏng và tế nhị vì hải quân phải đáp ứng đòi hỏi của dân chúng. Bắt buộc phải cho giải ngũ ngoại trừ những trường hợp phương hại tới an ninh quốc gia. Mọi trường hợp ngoại lệ phải do chính các đô đốc hạm đội hay lực lượng ký trình.
Khi đến lượt Keefer và Willie, ông sĩ quan tổng quản trị lật nhanh lướt qua đống giấy tờ và bốp chát nói với Willie:
-  Hai năm hải vụ mà anh nghĩ là anh có khả năng lấy trục lôi hạm sao?
Keefer chen vô:
-  Nhưng đây là hai năm chiến đấu liên miên.
-  Đúng rồi, đúng rồi. Nhưng vấn đề không phải như vậy. Tôi bị kẹt cứng giữa hai gọng kìm, đó mới là vấn đề. Tui là người phải đề nghị người thay thế. Tui là người bị la lối nếu mà mấy vị sĩ quan trẻ tuổi ngông nghênh lái tàu lên đá. Và đô đốc nói đừng đề nghị người nào không đủ khả năng, nếu không thì có chuyện, còn phòng nhân viên thì nói đừng giữ lại người nào đủ điểm để giải ngũ, nếu không thì có chuyện luôn.
Ông rút khăn ra lau mồ hôi trán, vừa nhìn đám người sắp hàng sau Keefer càng ngày càng đông.
-  Tôi suốt ngày phải nghe cái kiểu lý luận ăn trớt này. Dĩ nhiên là anh nói y đủ khả năng, Keefer, vì anh đang nóng lòng về nhà. Còn tôi, tôi phải  ở lại đây, tôi phải chịu trách nhiệm với cấp trên.
-  Willie đang được đề nghị huân chương hải quân, chắc có thể chứng minh được vài điều – Keefer kể lại chuyện Willie cứu tàu trận bị phi công cảm tử lao xuống tàu.
-  Được rồi, cái đó cho thấy Willie có đủ khả năng đó. Tôi sẽ gởi công điện, phần còn lại thì tùy phòng nhân viên.
Ba ngày sau hệ thống Fox có công điện nhận hành cho chiếc Caine. Willie đang chầu chực ở phòng truyền tin, anh mang công điện tới phòng ăn và vội vàng giải mã.
Anh đã được bổ nhiệm hạm trưởng chiếc Caine.
Keefer  sẵn sàng rời tàu. Anh đã thu xếp đồ đạc ngay từ khi nhận được lệnh của phòng nhân viên. Mười phút sau khi nhận được công điện, nhân viên vào đội ngũ để dự lễ bàn giao quyền chỉ huy. Và mười phút sau đó, Willie và Keefer đứng chờ ca nô ở hạm kiều với tất cả đồ đạc của vị hạm trưởng. Chiếc ca nô đang đi đổi phim. Keefer nhìn lơ đãng quanh hải cảng, ngón tay đập nhịp trên dây tàu.
-  Tom, tôi nghĩ anh muốn đưa tàu về giải giới – Willie nói – hải hành qua kênh đào Panama và nhiều bờ bến nữa. anh có thể cứ việc ở lại. cũng chỉ có vài tháng thôi mà.
-  Anh nói như vậy vì ngày được thả của anh là ngày mùng một tháng mười một. Anh quên mất cái mùi vị của tự do rồi, Willie. Nó như mùi của các kiều nữ và mùi thơm của tất cả các rượu ngon nấu chung lại thành một loại nước hoa hiếm có. Mùi nước hoa ấy làm cho anh điên khùng lên. Mấy phút chờ ca nô này đối với tôi dài hơn cả một tháng hải hành với Queeg, có nghĩ là dài hơn mười năm sống đời bình thường. Vào ngày cuối cùng của tháng mười, anh sẽ hiểu tôi muốn nói gì.
-  Không chút tình cảm gì cho người bạn già Caine sao?
Mặt nhà văn nhăn lại. Anh nhìn boong tàu rỉ nát và cái ống khói tróc sơn. Mùi hơi đốt xông ra từ ống khói, cái mùi nặng nề ấy như thuở nào. hai người thủy thủ cởi trần vừa gọt vỏ khoai tây vừa nhả ra những tiếng chửi thề giọng đều đều.
-  Tôi đã ghét cái tàu này trong suốt ba mươi lăm tháng qua, bây giờ tôi cảm giác như mới bắt đầu ghét nó. Nếu tôi phải ở lại, thì chỉ là để xem cái thù ghét một vật vô tri có thể sâu đậm tới mức nào. Cũng chẳng phải tôi coi chiếc Caine như là một vật vô tri. Nó như một con yêu tinh bằng thép Thượng đế sai xuống để hủy hoại đời tôi. Và con yêu tinh này đã thành công. Anh có thể chôn con ma đó cho tôi, Willie à, tôi chán nó lắm rồi. Cảm ơn Chúa, ca nô về đến rồi.
-  Vậy thì, Tọm mình chia tay.
Hai người bắt tay, và nhìn ca nô tiến lại gần tàu. Sĩ quan trực và người tân hạm phó, một trung úy đã chỉ huy một tàu vét mìn trong hải cảng đã cách hai vị hạm trưởng một khoảng.
Willie nói:
-  Đây đúng là thẳng cuộc chia tay về hai ngả. Anh đi về hướng một tương lai rạng rỡ trong ngành văn học, tôi biết anh sẽ thành công lớn. tôi biết anh là một tiểu thuyết gia có tài. Tôi sẽ chôn mình trong một trường đại học tồi tàn nào đó và như vậy là chấm dứt đời tôi. Tôi chẳng làm được gì khác nữa.
Keefer cúi xuống nhấc hành lý rồi nhìn Willie thẳng vào mắt. Mặt anh chàng nhăn lại dường như bị một cơn giật đau đớn:
-  Đừng ganh tị nhiều với hạnh phúc của tôi, Willie – anh nói – đừng quên một chuyện. Tôi đã nhảy khỏi tàu.
Chuông hạm kiều chào kính hạm trưởng rung lên. Keefer chào tay và bước xuống cầu thang.