Ông Hiệp ngồi xếp bằng trên chiếc phản lên nước đen bóng, bộ ấm trà trước mặt bốc khói nghi ngút, ấm nước sôi lục bục trên lò than đỏ rực ở dước đất bên trái. Ông Hiệp tráng cái ấm bé xíu thêm một lần nước sôi, bỏ nhúm trà vào, đổ một ít nước sôi hãm trà độ chừng 30 giây rồi rót tiếp nước cho đầy. Xong xuôi ông rót trà ra hai cái chén hạt mít cho mình và cho Khiêm. Hai người đưa chén lên mũi hít một hơi thưởng thúc mùi thơm của trà rồi mới uống. Khiêm lim dim mắt uống cạn chén trà, nước xuống đến đâu ruột gan nóng bừng đến đấy. Hai cha con im lặng uống trà khoảng một hồi lâu, Khiêm nhìn cha cười: -Con bị nghiện trà của cha mất rồi. Buổi sáng đi làm cứ nhớ mùi hương này. -Thì đem một ít vào đó pha uống. -Không được, uống trà mà vội vã, trong văn phòng kín mít thiếu tiếng chim và không khí trong lành thì còn ngon chỗ nào. -Nhắm mắt lại, để cho hương trà dẫn con về đây. Khiêm trầm ngâm hồi rồi trả lời: -Cha nói có lý, nhưng con chưa đủ ‘ngộ’ như cha để làm việc đó. Thôi hai ngày cuối tuần cũng đủ đã ghiền rồi cha à, với lại có cái mà mong ngóng đến cuối tuần cũng hay chứ. Ấm trà hơi nguội đi, ông Hiệp đổ hết nước thừa ra, thay trà, hãm trà, rồi pha ấm mới. Tiếng nước sôi, hơi trà thơm ngát, không khí trong lành buổi sáng trong vườn, tất cả tạo nên một cảnh tượng thật an bình. Hai cha con lại im lặng uống trà hồi lâu. -Hôm bữa bé Khuyên dẫn người bạn tới chơi? -Lại khoe vườn trái cây của ba Hiệp à. Tụi nó chắc phá banh vườn của cha rồi. -Cô bạn này khác lắm, hình như rất thiếu thốn tình cảm, vừa đến vườn, thấy cha hỏi thăm vài câu là khóc ròng ròng, thấy thương. Cổ làm cha nhớ tới con hồi hè năm 16 tuổi. Nói tới đó ông ngưng bặt. Mười sáu tuổi, năm đó anh ở chơi với mẹ cả mùa hè, khi về lại với cha đã im lặng hết sáu tháng trời không nói không cười. Cha buồn và lo nhưng không vặn hỏi, chỉ chăm chút cho anh từng chút dù trước đó ông giáo sư đại học vụng về chẳng biết chăm con làm sao. Mãi một thời gian sau anh mới trở lại bình thường, nhưng sự kiện hè năm đó anh chưa bao giờ cho ông biết, dù rằng trong lòng anh đóan cha đã hiểu hết. Khiêm bẻ câu chuyện sang hướng khác: -Khuyên nó có làm phiền cha không? -Làm gì có, con bé ngoan và dễ thương lắm. -Dạ, nó tuy liếng thoắng nhưng biết để ý đến cảm giác người khác lắm. -Bạn bè nó đứa nào cũng hay hay. Con bé sống như thiên nhiên, tâm tính rất lành. -Cha này, có lẽ con sắp đi tu nghiệp ngắn hạn ở Mỹ, chắc khoảng 2 tuần là cùng. Cha… -Cha không sao, con cứ đi. Còn trẻ phải đi nhiều một chút. Cha ở nhà tự lo cho mình được. -Luyện và Khuyên sẽ thăm cha thường xuyên. Con đã mua cho cha cái điện thoại di động cho dễ liên lạc. Lỡ như đêm hôm trái gió trở trời cha có chuyện gì thì gọi cho tụi con. -Ừ, cha sẽ dùng. Khiêm yêu nhất hai ngày cuối tuần ở vườn cùng cha. Anh không bao giờ nhận điện thoại lạ khi về đây, công việc để hết sau lưng, chỉ tận hưởng những giây phút nhẹ nhàng và sự thoải mái do công việc chân tay mang lại. Anh phụ cha những việc lặt vặt trong vườn, uống trà cùng ông, đến bữa thì nấu vài món đơn giản cho hai cha con. Những bữa cơm hai cha con rất ít nói chuyện, thi thoảng mới nói một vài câu, nhưng đó là vì hai người đã quá hiểu nhau chứ không phải do không biết nói gì. Luyện nhận xét tình cảm giữa hai cha con anh gần như tình tri kỷ hơn là tình cha con. Có lẽ vì từ nhỏ ông Hiệp đã đối xử với con như người ngang hàng, làm việc gì cũng hỏi ý anh. Khiêm quen với việc phải tự suy nghĩ và lo lắng cho bản thân vì thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ. Nhưng tình thương của cha anh tràn ngập nên anh chẳng thấy thiếu gì, chỉ năm 16 tuổi là anh bị cú xốc, rồi nhờ cha anh cũng vượt qua được. Mỗi khi giận hờn ai, căm ghét chuyện gì, về gặp cha là lòng anh dịu lại. Anh thấy học trò cha cũng hay tìm đến thăm cha dù ông về hưu đã lâu, có lẽ cũng do lý do này. Ông điềm đạm, nhẹ nhàng, không hay dạy đời, nhưng khi ra về những người học trò luôn tìm ra câu trả lời cho những vấn đề của họ. Khiêm vào đời dễ dàng nhờ học được ở cha cách nhìn thoáng và thông cảm. Anh lướt lên những bon chen đời thường, đãi cát tìm vàng trong cách ứng xử của người xung quanh, bao dung với họ nhưng không hòa mình vào họ, thấu hiểu nhưng vẫn giữ được bản ngã của mình. Cha vừa là cha, là mẹ, là bạn của Khiêm. Anh yêu ông biết bao nhiêu.