Khi Nam đang cùng ông Hiệp dọn dẹp sau bữa tối thì có tiếng xe máy trờ vào sân trước. Nhìn ra thấy Khanh chưa kịp mừng thì đã nghe cô hấp tấp nói: -Nam ơi, có… Một chiếc xe máy khác ngừng lại cạnh Khanh, người đàn ông trung niên vội vã bước xuống xe, vừa nhác thấy Nam đã giơ tay chỉ vào cô, giận dữ nói: -Cô cũng có cha mẹ sinh ra, sao ác vậy? Sao con tôi bệnh mà không báo cho tôi, để bây giờ cha con không được gặp nhau lần cuối. Vì sao cô nhẫn tâm vậy, hả? Câu cuối vừa dứt ông ta giơ hai tay ôm mặt, khóc nức nở. Nam bước tới bên người đàn ông nọ, giang rộng hai tay ôm ông vào lòng, dịu dàng bảo: -Con xin lỗi bác, ngàn lần xin lỗi bác. Khi anh Tâm biết mình bị bệnh nan y, anh đã tha thứ cho bác rồi, nhưng anh ấy không muốn báo sợ bác lo lắng cho mình và sợ bác cùng dì sinh chuyện lục đục. Khi anh ấy chịu đi Sing phẫu thuật, rồi bệnh trở nặng nhanh chóng, và anh ra đi đột ngột, con quá bối rối không biết tìm bác ở đâu. Khanh hy vọng rằng bác đọc báo nghe tin mà đến dự đám tang, nhưng tụi con không thấy bác đâu cả. Anh Tâm có lẽ biết trước không được gặp mặt bác nên đã ghi sẵn phong thư cho bác. Bác ngồi xuống đợi con vào lấy nhé. Nam từ từ dìu ông vào ngồi trên phản rồi vào trong lấy thư. Khi cô trở ra cha Tâm đã bình tĩnh lại, ông run run đưa tay nhận lá thư, nhìn bác Hiệp và Khanh như xin phép rồi dở thư ra đọc tại chỗ. Cha ơi, Lúc cha đọc thư này thì còn đã không còn trên cõi đời này nữa. Tiếng cha mà bao lần con muốn gọi ra môi lại nuốt ngược vào bây giờ chỉ có thể ghi trên giấy này. Cha ơi, con đã không còn giận cha nữa, không còn trách cha chút xíu nào. Đến bây giờ con mới hiểu chắc là cha đã phải đau lòng lắm khi mẹ ra đi. Việc cha đưa con cho dì Ba nuôi là đúng đắn, trong vòng tay dì con được hưởng nhiều tình thương và sự chăm sóc hơn là ở dưới mái nhà của nội. Cha đã nghĩ cho con nhiều hơn con tưởng, vậy mà con cứ trách cha hoài. Hận – đôi khi nó là một động cơ để cho người ta tiếp tục sống tốt. Nhờ hận cha mà con nên người, thành công, chỉ có điều lòng luôn buồn phiền. Đến khi gặp Nam con đã hạnh phúc thật nhiều, nỗi hận theo đó mà giảm đi dần. Và bây giờ chỉ còn tình thương. Con xin cha tha lỗi cho con, tha cho con lỗi bất hiếu để người tóc bạc khóc người tóc xanh, tha cho con tội không để cha gặp mặt lần cuối vì con sợ thấy cha đau khổ, và tha cho con đã chưa làm việc gì cho cha vui lòng cả. Cha có thương con thì để trong lòng, đừng vì vậy mà lục đục với dì và các em. Dù sao thì cũng một đời vợ chồng với nhau, và dì cũng đau khổ lắm vì hình bóng của mẹ luôn còn mãi trong tâm trí cha. Chỉ cần ngày giỗ con cha nhớ đến là đủ rồi, đừng làm gì để gia đình xào xáo nữa nghe cha. Cha nhớ giữ gìn sức khỏe, giao việc làm ăn cho các em con đi, cha đến tuổi nghỉ ngơi là vừa rồi. Cuộc sống này đẹp lắm, tiền không mua được tất cả đâu cha. Con đi đây, tuy cuộc sống con ngắn ngủi, nhưng con thấy mình đã có đầy đủ lắm rồi. Nếu như thật sự có thế giới bên kia, thì còn về với mẹ đây. Và nếu như thật có thế giới bên kia, thì sau này cha con mình lại gặp nhau, cha nhé. Thương yêu, Tạ Thành Tâm Cứ mỗi đoạn thư ông lại phải ngừng để chùi nước mắt. Cảnh tượng ấy thương tâm đến nỗi Khanh ngồi thụp xuống phản sụt sùi theo. Dứt lá thư ông đọc lại lần nữa rồi mới cẩn thận gấp nó lại để vào túi áo ngực. Ông đứng lên nghiêng mình chào ông Hiệp rồi nói lịch thiệp: -Tôi tên là Thành, vợ tôi lấy tên tôi làm tên lót thằng Tâm. Xin lỗi ông tôi đã quấy rầy ông trễ thế này, lại còn không chào hỏi đã la lối um sùm. Xin ông tha lỗi cho tôi. Quay sang Nam và Khanh ông giải thích: -Bác mới đi Hồng Kông về, chi nhánh ở bên đó có chuyện phải giải quyết cả tháng nay. Vợ bác ở nhà biết lại không cho hay. Khi bác về tới mới biết tin thì chạy vội đến chỗ con làm để hỏi cho rõ. May mà gặp cô Khanh đây ra văn phòng lấy đồ cho con. Xin mọi người tha lỗi cho sự nóng nảy của tôi. Ông Hiệp tiến lên xua tay: -Đừng khách sáo, xin đừng khách sáo. Tôi coi Tâm như con cháu trong nhà, vậy thì ông là bạn rồi. Nhìn Nam ông bảo: -Con vào lấy chai rượu nếp than bác cất trong tủ ra nghe Nam. -Tối nay ông ở lại uống rượu với tôi nhé. Nỗi đau nếu nói ra thì sẽ nhẹ nhàng hơn, huống chi tôi cũng làm cha, ông cứ nói tôi nghe hết. Đừng về nhà bây giờ vừa nguy hiểm lại vừa thương tâm. Vậy rồi hai người đàn ông đối ẩm suốt đêm như thế. Một người nghe, một người nói, một người khóc, một người cảm thông. Tới sáng khi ông Thành rời nhà thì dáng người đã thẳng tưng như ngày trước, nét mặt rạng rỡ dù đã thức cả đêm. Hai người đàn ông bắt chặt tay nhau thay câu chào. Ông Thành hẹn 49 ngày sẽ cùng Nam ra cúng cho Tâm rồi mới chạy xe đi.