Nhóm dịch thuật Song Ngư
Chương 17
Hai chai champagne

     hững tiếng động ồn ào đinh tai nhức óc đánh thức Maryk dậy sau một giấc ngủ nặng nhọc, chập chờn. Những âm thanh hỗn độn này hình như đập thẳng vào đầu anh mà tưởng tượng khoảng cách như chỉ có vài phân. Anh gạt phăng đống chăn mền và nhảy phắt xuống sàn tàu. anh rùng mình khi đôi chân trần của anh chạm vào mặt sàn tàu ẩm ướt. anh khoác vội bộ áo quần kaki lớp nhớp dầu nhớt dưới ánh đèn lù mù.
Maryk vừa đi một “ca” khiếp đảm nhất của hải quân: 24 giờ đảm trách nhiệm vụ sĩ quan trực trên một chiến hạm lạnh như một tảng băng trong ụ nổi của hải quân công xưởng! trục lôi hạm Caine không khác gì một nấm mồ bằng sắt khổng lồ. Máy sưởi, đèn đuốc và kể cả điện cũng đã bị cúp từ lâu. Dàn máy chính và luôn cả máy phát động đã được trục ra. Dầu cũng đã được bơm ra khỏi hầm dầu. Hệ thống quạt gió chết ngắc sau những tiếng khò khè yếu ớt. Thay vào đó là hàng ngàn tiếng đập lộp cộp, tiếng gõ beng beng, tiếng chạy rùa, tiếng gõ sét ồn ào. Tựa như một bác sĩ giải phẫu chỉnh hình, đám thợ hải quân công xưởng vừa hoàn tất việc sửa chữa phần vỏ ngoài của chiếc Caine già nua. Vịnh San Francisco trong bầu không khí lành lạnh phủ hơi sương kéo theo mùi ẩm thấp hôi tanh thổi qua dẫy hành lang chiến hạm. Khu hạ sĩ quan và khu đoàn viên tràn ngập bừa bộn nào là sách báo, giấy rác và quần áo dơ dáy, bẩn thỉu.
Các sĩ quan và thủy thủ đoàn đều tạm trú tại những khu trại gần đó. Riêng có sĩ quan trực và lính gác hạm kiều còn ở lại chiến hạm. Hạm trưởng Queeg đã về nhà mình ở tiểu bang Arizona ngay vài giờ sau khi chiếc Caine vào ụ nổi. Hạm phó Gorton xử lý thường vụ chức vụ hạm trưởng. Các sĩ quan Adams, Carmody, Rabbitt và Paynter đều một loạt đi phép. Đám còn lại dĩ nhiên không được vui vẻ cho lắm, họ trông mong cho đến hết ngày thứ năm toán đi phép trước trở về tàu và sẽ đến phiên họ được đi phép. Tinh thần họ hết sức chán nản, xuống dốc. Bầu không khí trong các khu trại này thê lương như một đám tang. Ngay cả đến Maryk vẫn được tiếng là vui vẻ, thân thiện với lũ đàn em, vậy mà anh chàng này cũng chẳng hỏi han, thăm nom đếm xỉa gì đến họ kể cả lúc điểm danh mỗi ngày.
Maryk đi một vòng trên boong tàu. Buổi sáng hôm nay trời giăng mây xám. Anh phải cẩn thận len lỏi đi nhưng những đống tạp nhạp bừa bãi, lăn lóc nào là ống nước, cơ phận máy móc, gỗ, những tấm bạt, thùng chứa vật dụng….Tại hạm kiều anh bắt tại trận Meatball, người hạ sĩ quan, áo trắng lem luốc nhăn nhúm đang ngủ gà ngủ vịt trên đống dây đọi buộc tàu. Maryk đá đít đánh thức anh chàng này dậy. Sau đó nhờ anh ta leo qua khu u nổi, băng qua dẫy cầu phao để mua dùm anh một ít bánh donut và một ly cà phê.
Tám giờ đúng. Thiếu úy Harding loạng choạng trở về chiến hạm, mặt mũi xám xanh. Anh nhận phiên trực thay thế đại úy Maryk. Anh lảo đảo đi vào phòng ăn sĩ quan và nhào tới chiếc giường nhỏ ngổn ngang cả đống muỗng nĩa. Anh lăn ra ngủ tiếp.
Maryk đi tới khu cư xá sĩ quan độc thân định đánh thức Keefer dậy. nhưng ông bạn nhà văn Keefer này năn nỉ:
-  Anh để yên cho tôi ngủ tiếp. hẹn gặp lại anh ở hội quán St. Francis lúc 1 giờ để cùng ăn trưa!
Vừa nói xong, Keefer ngủ lại tức thời. Maryk thay bộ quân phục màu xanh còn thơm mùi giặt ủi. Anh đáp  xe buýt xuông phố.
San Francisco là nơi anh sống thời thơ ấu qua thời trưởng thành. Lòng anh dào dạt những kỷ niệm ngay khi chiếc Caine vừa qua khỏi cầu Golden Gate. Nhưng giây phút này đây anh đang đứng trên con đường Market, anh thực sự không biết mình sẽ phải làm những gì. Anh giết thì giờ bằng cách đi lang thang quanh quẩn cho tới một giờ trưa.
Keefer chờ anh ngay tại phòng khách chính của hội quán St. Francis. Anh như nằm dài ra trong chiếc ghế bành rộng lớn. Trông anh ta thật xanh xao và bệnh hoạn. Hai người cùng đi vào một phòng ăn trang trí lộng lẫy và gọi những thức ăn trưa thật đắt tiền. Ông bạn nhà văn Keefer đề nghị phải mua một chai champagne loại ngon để cùng nhau ăn mừng “đã tạm thời thoát khỏi” sự kềm kẹp của hạm trưởng Queeg. chai rượu champagne được đem ra và Keefer hầu như uống hết  gần nguyên chai. Còn Maryk thì lại nghĩ rằng chai rượu champagne này mùi vị chẳng hơn gì loại bia ngọt.
-  Steve, anh làm sao vậy hả? trông anh như một miếng giẻ rách! – Keefer nói.
-  Anh nói đúng đấy.
-  Tại sao chứ?
-  Khó mà nói được, tôi chưa bao giờ có một ngày đen tối như thế. anh Tom này, khi anh linh cảm thấy có điều gì xấu, bất ổn đâu đó thì việc không hay đó sẽ xảy đến cho anh nội trong ngày hôm đó không?
-  Có chứ. Đó có phải là điều anh đang lo lắng không?
-  Có lẽ là như thế. Từ lúc tôi thức dậy, thú thực tôi hoàn toàn không hiểu vì lý do gì, mọi sự việc đều trở nên khó hiểu và nhàm chán.
Nói tới đây anh chợt liếc nhìn chung quanh rồi nói tiếp:
-  Tôi có cái gì kỳ kỳ. Steve Maryk mà đang dùng cơm trưa tại hội quán St. Francis! Hồi còn nhỏ tôi cứ nghĩ rằng chỉ có những nhà triệu phú mới dùng bữa ở đây.
-  Theo anh thì thành phố này có những gì thay đổi? À này, bao nhiêu năm rồi nhỉ?
-  Hình như là 10 năm thì phải. Gia đình chúng tôi dọn nhà đến Pedro vào năm 1933. Chán ngấy. Tôi cảm thấy mình như một bóng ma.
-  Đấy đúng là cái ưu tư của anh rồi. Anh bạn Steve, anh trở về nơi anh sống khi còn nhỏ, thời gian đã trôi qua từ lâu rồi. Tất cả đều là dĩ vãng. Nó giống như một hơi thở lạnh lẽo của Thần Chết phả ngay vào phía sau gáy anh.
-  Hà! Hà! Hơi thở lạnh lẽo của Thần Chết. Anh nhớ ghi vào truyện tiểu thuyết của anh đi.
Maryk vừa nói vừa nhếch mép cười chế diễu.
Mưa bắt đầu nặng hạt và thổi tạt vào gần chỗ hai người bạn đang ngồi. Maryk bỗng lên tiếng:
-  Mình đi bộ qua cầu Golden Gate đi, nếu anh muốn.
-  Ồ, thực là một chuyện phi lý hết sức tình cảm. Thỉnh thoảng tôi cũng bị lôi cuốn vào những chuyện vẩn vơ như vậy. Nhưng mà tôi phải đi qua Berkley, có việc cần ở bên đó.
-  Cái gì dữ vậy?
-  Tôi có quen biết một giáo sư người Anh. Tôi vừa điện thoại cho ông ta sáng nay. Ông ta có nhã ý mời chúng ta qua tham dự một buổi tiệc trà văn hóa. Tuy nhiên vấn đề đáng để ý là trong cái hội văn học này có đến chín mươi phần trăm là phái nữ!
-  Vậy thì tốt quá. Tôi muốn đi thử xem cho biết.
-  Như thế anh sẽ phải nghe tôi thuyết trình về đề tài “Tiểu thuyết trong Đệ nhị thế chiến”. Như vậy thì thật tội nghiệp cho anh quá.
-  Được mà! Tôi không sao đâu!
Vừa nói anh vừa châm một điếu xì gà.
Cả hai anh chàng sĩ quan hải quân cảm thấy kém thoải mái và hơi khó chịu vì vừa rời chiến hạm, đang ngồi trong một khách sạn sang trọng trong bộ quân phục xanh hải quân. Trông họ thật là lạc lõng. Rồi giống như hai kẻ xa lạ, họ kể cho nhau nghe những chuyện riêng tư. Nào chuyện gia đình rồi đến vụ bà con họ hàng. Chỉ trong vỏn vẹn có hơn nửa tiếng đồng hồ tâm sự, Maryk đã hiểu rõ gốc gác, ngọn ngành về gia đình của Keefer kể cả những mối tình vụn vặt của anh ta, nhiều hơn hẳn cả hơn một năm trời cùng phục vụ trên Trục lôi hạm Caine. Maryk lại kể cho Keefer nghe những kinh nghiệm về nghề đánh cá và phát ngượng vì những lời tâng bốc quá đáng của anh bạn nhà văn này.
-  Này ông bạn yêu quý, câu chuyện của anh có vẻ rất hấp dẫn đấy.
-  Thực ra không phải đơn giản như vậy. kiếm ra đồng tiền bằng cách này nói cho cùng rất khó khăn. Đôi khi muốn gẫy sống lưng, rồi đem ra chợ bán thi lại không được giá. Tôi thí dụ như lúc mình đánh được loại cá cháy thì chẳng ai muốn mua cá cháy cả. rồi khi mình đánh được cá thu thì ôi thôi cá thu ê hề đến cái độ phải đem đổ đi làm phân. Và câu chuyện nó cứ luẩn quẩn loanh quanh như thế. đám thợ làm khoán trên bãi biển này hầu như bị bóc lột thường xuyên. Tôi cho rằng đó là một loại công việc hèn kém cho đám công nhân ngoại quốc, như cha tôi chẳng hạn. tôi cũng là một tên ngu đần nhưng tôi không phải là người ngoại quốc. Tôi sẽ tìm được một việc gì khác để làm.
-  Anh muốn nói là hải quân?
-  Đúng đó! Tôi là một tên đại ngốc. Tôi rất yêu hải quân.
-  Tôi thật là không hiểu nổi. Tôi nghĩ là có một điều gì đó rất lương thiện và thiết thực trong cái kỹ nghệ đánh cá. Không có một hành  động nào dư thừa, không có một giọt  dầu nào phí phạm. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh là có thể anh sẽ  bị gẫy lưng luôn nhưng rồi kết quả là anh sẽ đánh được cá. Anh cũng như rất nhiều người khác, anh yêu thích hải quân.  Hoàn toàn chỉ là giấy tờ, rồi thực tập mọi nhiệm sở, sau đó là những buổi lễ ngày chủ nhật cho mọi người.
-  Bộ anh không nghĩ rằng đất nước này cần hải quân hay sao chứ?
-  Dĩ nhiên rồi.
-  Vậy thì hải quân lấy đâu ra người?
-  Dĩ nhiên là dòng họ Queeg rồi. Toàn là những công dân vô tích sự.
-  Hoàn toàn đồng ý. Để cho bọn Queeg này lo công chuyện đi. Thế rồi chiến tranh đã đến, anh gặp phải hung thần Queeg và anh than vãn dài dài.
-  Than thở cũng là một hình thức để giết thời giờ đó chứ.
-  Nói cho cùng thì hải quân đâu phải ai ai cũng như ông hạm trưởng Queeg nhà mình đâu.
-  Đương nhiên là không rồi. Ông ta rõ ràng là một sản phẩm vô tích sự của xã hội. Ông ta phải núp bóng dưới hình ảnh của một hung thần để che dấu một bản chất yếu đuối vì không đương đầu nổi với những đòi hỏi căn bản của hải quân. Anh bạn quý à, đây là một loại champagne hảo hạng, thật đáng tiếc anh lại không biết thưởng thức. Nhưng anh hiểu không, hải quân nếu đem ra so sánh thật rất khắng khít chẳng khác gì một nhóm cha với con. Đó là truyền thống giai cấp thống trị của nước Anh. Anh không cần phải tỏ ra sáng giá, anh chỉ cần là một người cần mẫn trung thành.
-  Anh cho rằng kỹ nghệ đánh cá là hữu ích. Tôi nghĩ việc đi hải quân cũng rất hữu ích. Cả hai sự việc này đều trong lúc này thật là phù hợp với nhau.
-  Vậy thì Steve, anh đúng là một nhà ái quốc rồi đó.
-  Trong cái nhìn hạn hẹp thì tôi cho rằng tôi đơn thuần chỉ là một quân nhân hải quân và tôi thà sau hai chục năm phục vụ lãnh một số tiền hưu bổng hơn là mắc cái bệnh tê thấp và  cái lưng còng vì thò người ra vớt cá. Ít ra thì tôi cũng tính được điều này trong cái đầu óc tăm tối của tôi.
-  Thôi được rồi, cầu mong Chúa ban ơn lành cho anh, ông bạn già   thân mến. Một ngày nào đó anh sẽ là thủy sư Đô đốc Maryk, tư lệnh Thái Bình Dương năm 1973.
Tiếp đó anh rót đầy champagne vào ly của Maryk và ép buộc anh phải uống cạn.
-  Bây giờ cái vụ bứt rứt của anh ra sao rồi anh bạn?
-  Khi tôi không thèm nghĩ tới nó, thì nó biến đi.
-  Thôi để cho những người đẹp Berkley lo toan tất cả mọi chuyện đi. nào chúng ta vào đi chứ!
Giáo sư Curran là một người đàn ông mập béo, gương mặt lúc nào cũng hồng hào tương phản với cái miệng nhỏ xíu như miệng một đứa trẻ nít. Ông hướng dẫn hai vị sĩ quan hải quân vào một phòng tiếp tân tràn ngập tiếng cười nói ríu rít của các người đẹp xen lẫn với đám nam nhi chậm chạp ít nói. Sự xuất hiện thình lình của hai chàng quân nhân với quân phục xanh đậm và cấp hiệu vàng chói làm bầu không khí trong phòng như rực sáng. Các kiều nữ bình thường hay tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm bỗng tự nhiên thay đổi hẳn thái độ. Các cô thi nhau lấy phấn son tô lại đôi môi hoặc nhẹ nhàng phớt lên chút má hồng.
Lời giới thiệu Keefer của giáo sư Curran hơi dài dòng và cũng hơi quá đáng. Ông ta  còn nói với các bà, các cô rằng Keefer là một văn tài, một ngôi sao mới của nền văn chương Hoa Kỳ. Ông ta cũng nhấn mạnh đến vài truyện ngắn của Keefer đã được đăng tải trên tạp chí tam cá nguyệt của Đại học Yale, một tờ báo xuất bản định kỳ rất có giá trị. Ông cũng không quên nói đến một vai mà Keefer sẽ thủ diễn trong vở kịch The Amaranthine Weed tại đại hý viện Theatre Guild trong năm nay.
-  Tuy nhiên – giáo sư Curran hóm hỉnh nói tiếp – tôi cũng xin hân hạnh giới thiệu thiệu với toàn thể quý vị là ông Keefer không những chỉ là một văn sĩ có tầm vóc lớn, ông còn viết những bài viết cao siêu cho giới đại trí thức. Ông Keefer cũng từng bán những tiểu thuyết của ông cho các tạp chí Esquire và Ladies Home Journal – tóm lại ông Keefer là một tài danh sáng chói, mọi người đều biết đến ông ta.
-  
Các người đẹp nhìn nhau và cười khúc khích.
Những điều mà giáo sư Curran vừa phát biểu hoàn toàn mới lạ với anh. Anh thu mình trong góc của một chiếc ghế dài cũ kỹ nơi cuối phòng. Từ lúc thuyên chuyển xuống cùng một chiến hạm, anh chưa bao giờ nghe dù chỉ một lần, Keefer nói với anh về văn tài của anh ta. Anh cảm thấy ân hận vì không biết rằng anh bạn trẻ sĩ quan của mình lại là một nhân vật nổi tiếng như thế. anh lại càng ngượng ngùng vì đã từng về phe các sĩ quan khác cười chọc ghẹo khi nói về những cuốn tiểu thuyết của Keefer.
-  Và để tiếp theo đây, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe về cuốn sách nói về Đệ nhị thế chiến, dĩ nhiên diễn giả không phải là tôi, mà sẽ do một tiểu thuyết gia trẻ tuổi đã viết rất chi tiết và tuyệt vời về cuộc chiến này. Tôi xin hân hạnh giới thiệu hải quân đại úy Keefer hiện đang phục vụ trên Trục lôi hạm USS Caine!
Keefer đáp lại những tiếng vỗ tay tán thưởng bằng một nụ cười duyên dáng. Và kế đó anh bắt đầu nói về các tác phẩm một cách trơn tru, thoải mái. Các người đẹp mê mẩn chăm chú nghe và tán thưởng bài nói chuyện của anh chàng Keefer. Ngược lại Maryk dù cố hết sức lắng tai nhưng anh chẳng hiểu một chút nào. anh nhớ lại khi còn ở trung học anh đã thiếu điểm và không qua nổi môn Anh văn. Đầu óc anh rối loạn bởi những cái tên nào là Kafka, Joyce, Wolfe, Steine, Hemingway, Craine, Zweig….Trong bao nhiêu cái tên đó anh chỉ biết duy nhất có mỗi một tên:Hemingway! Anh lờ mờ nhớ lại rằng sở dĩ anh biết đến cái tên này là vì có lần anh bỏ ra hai mươi lăm xu mua một bản in lại một cuốn truyện của nhà văn này mà hình bình là một cô gái hoàn toàn khỏa thân đứng ngay đầu giường ỉ on với một anh lính quân phục chỉnh tề. nhưng câu chuyện được viết ra rất đê mê, hấp dẫn. anh đọc xong rồi cũng quên béng luôn.
Keefer nói thao thao bất tuyệt cả nửa giờ không ngừng nghỉ. Maryk hoàn toàn bối rối và mặc cảm xấu hổ. đám con gái bu quanh Keefer cả năm sáu vòng. Maryk đứng dựa lưng vào tường và trò chuyện bâng quơ với hai cô gái có vẻ kém nhan sắc nhất trong đám kiều nữ. Không chừng hai cô này nghĩ rằng Maryk cũng tài ba và nổi tiếng không kém gì anh bạn Keefer kia. Anh tự cho rằng mình đã làm đầy đủ bổn phận đối với một người bạn mặc dù suốt cả buổi chiều nay anh tự dằn vặt vì sự kém hiểu biết và khờ khạo của chính mình. Anh không biết rồi đây anh có còn nói chuyện tự nhiên với Keefer được không.
Một lúc sau thì Keefer dụ được hai cô đẹp nhất trong bọn. Họ kéo nhau đi dùng bữa ăn tối tại một phòng ăn với những ngọn nến ánh sáng mờ ảo nhìn ra ngoài vịnh San Francisco. Maryk gọi điện thoại về hạm kiều của Trục lôi hạm Caine. Đây chỉ là việc kiểm soát theo thông lệ vào lúc tám giờ tối. Anh trở lại bàn. Cặp môi mím lại, đôi mắt nghiêm nghị, anh nói vừa đủ nghe:
-  Tom, mình phải trở về tàu.
-  Bồ nói gì? Chừng nào về tàu?
-  Ngay bây giờ.
-  Tin tức ở đâu vậy hả?
-  Tôi vừa điện thoại về tàu và nói chuyện với JellyBelly.  Nó không cho biết lý do nhưng nó nói Gorton gọi chúng ta về tàu ngay.
Mấy cô gái ngạc nhiên và đồng loạt phản đối nhưng rồi họ cũng vùng vằng kéo nhau đi trên chiếc Buick màu đỏ, mui trần. Hai anh chàng sĩ quan nhà ta đành phải gọi xe taxi. Keefer nguyền rủa cho rằng ngày hôm nay xui tận mạng và đoán già đoán non không biết có chuyện gì. Trong khi đó thì người sĩ quan đệ tam ngồi im lặng chùi bàn tay ướt đẫm mồ hôi vào tay áo dạ.
Ánh sáng của ngọn đèn rọi ở cuối hạm kiều chiếu thẳng vào Gorton và Harding đang theo dõi mấy người thợ hàn làm việc trên boong tàu. Những tia lửa xanh rì tỏa ra từ những cái mỏ hàn. Theo sau Maryk bước lên hạm kiều, Keefer lớn tiếng hỏi:
-  Này, có chuyện gì xảy ra vậy?
-  Thưa đại úy Maryk, xin ông hãy làm đúng nguyên tắc. Hạm phó có bổn phận phải thông báo cho sĩ quan trực nhật biết ông ở đâu. Tôi đã hết sức tìm kiếm ông, tôi đã điện thoại cho hầu hết các phòng ngủ, khách sạn hỏi về ông.
Gorton vừa cười vừa đáp lại câu hỏi của Keefer một cách hóm hỉnh.
Maryk cau có hỏi lại:
-  Gorton, anh vừa nói cái gì vậy?
-  Anh nghe tôi nói rõ ràng quá mà. Adams và tôi vừa nhận được công điện chiều hôm nay. Anh là tân hạm phó của trục lôi hạm Caine.
Nói xong anh bắt tay Maryk và chúc mừng nồng nhiệt trong khi Maryk chưng hửng, ngạc nhiên. Anh lắp bắp:
-  Tôi là hạm phó! Là tôi sao?
-  Có gì là lạ đâu. Chuyện này xảy ra quá thường ở hạm đội mà. Chắc anh còn nhớ chiếc Simon chứ? một ông trung úy thăng cấp Đại úy thực thụ được chỉ định làm hạm phó trong khi ông hạm trưởng chỉ là Đại úy nhiệm chức. Mọi việc rồi đâu cũng vào đấy cả. Thôi, tôi phải tiếp tục làm việc chắc phải suốt đêm nay.
Keefer nóng nảy xen vào:
-  Rồi tôi có phải nhận lệnh gì không?
-  Chắc chắn là không có chuyện đó rồi. Sớm muộn gì thì sang năm tới anh cũng sẽ là hạm phó mà.
Keefer cầm chiếc mũ trắng hải quân của mình ném mạnh xuống sàn tàu. Chiếc mũ lăn lông lốc và mất hút. Gorton nhoài người qua thành tàu ngó xuống phía dưới, anh nói:
-  Thôi thế là đi đứt. Chiếc nón rơi ngay vào đống bùn dưới đáy tàu rồi. cái điệu này chắc là ông sĩ quan trưởng phiên thâm niên hiện diện phải sắm chiếc mũ mới rồi.
-  Chiếc Caine đúng là hắc ám. Nó gây bao nhiêu rắc rối cho toàn thể thủy thủ đoàn kể cả tôi nữa.
Maryk chăm chú ngắm nhìn chiếc trục lôi hạm cũ kỹ và tỏ ra đăm  chiêu, tư lự như lần đầu tiên tân đáo. Anh buông một tiếng thở dài:
-  Có vậy thôi sao?
Anh thốt ra câu nói này nhưng thực sự không hiểu mình muốn ám chỉ điều gì.
Cái điều làm cho bà Keith cảm thấy hơi ngỡ ngàng là Willie, cậu con trai cưng của bà đã thay đổi sau ba ngày đi Yosemite về. Hai mẹ con cùng dùng bữa tối tại khách sạn Mark Hopkins ngay trong căn phòng sang trọng của bà nhìn ra ngoài vịnh. Khung cảnh đẹp tuyệt vời, những món ăn vô cùng ngon miệng, rượu champagne lại là loại rất quý và hiếm. Nhưng Willie tỏ ra thờ ơ với cảnh trí chung quanh, ăn uống chỉ cầm chừng. Anh để rượu vang tan loãng trong chậu nước đá và chỉ rót rượu thêm khi mẹ anh nhắc nhở.
Bà Keith hiểu rằng đời sống trên trục lôi hạm Caine đã thay đổi con người Willie. Gương mặt cậu con trai bà hình như nhỏ hẳn lại. Những đường nét dễ thương của một cậu bé bụ bẫm lúc nhỏ nay được thay thế bằng đôi gò má cao, chiếc cằm vuông cương nghị. Nhân dáng của đứa con trai đã thay đổi. Cặp mắt xưa kia lúc nào cũng tươi vui, nhanh nhẹn nay trở nên mệt mỏi pha lẫn chút lầm lì, ương ngạnh. Kể cả mái tóc nay cũng như thưa hơn. Bà Keith đã nhận ra ngay từ phút đầu tiên những biến đổi này khi gặp con ở cầu tàu. Giây phút này bà còn phát hiện một điều sâu đậm hơn, con trai bà tỏ ra không thoải mái, u sầu và tâm trí như để tận đâu đâu. Bà mẹ như nhìn thấy rõ nguyên nhân của những thay đổi nơi cậu quý tử. Để đánh tan sự im lặng nặng nề, bà châm thêm trà vào tách của Willie và lên tiếng hỏi con:
-  Willie, cái nhà cô May Wynn đẹp thật là đẹp, con nhỉ?
-  Vâng, thưa mẹ, cô ấy quả là rất đẹp.
-  Rồi câu chuyện giữa cô ả với con tiến triển ra sao rồi?
-  Thưa mẹ, con định thưa với mẹ để xin cưới cô ta.
-  Ô! Thật là một tin vui bất ngờ.
-  Không, thưa mẹ, con đã quen biết cô ta từ lâu rồi.
-  Lâu là bao lâu hả con? – bà Keith mỉm cười hỏi con – chuyện này con giữ thật là kín đáo phải không Willie?
Willie vắn tắt kể cho bà nghe về mối tình vừa chớm nở giữa May và anh. Anh nói sở dĩ chưa cho mẹ biết là vì chính anh cũng chưa có một quyết định rõ ràng về chuyện cưới hỏi này.
-  Nhưng bây giờ thi con dứt khoát rồi chứ gì?
-  Dạ thưa mẹ, đúng như vậy.
-  Con à, mẹ nghĩ con đã đánh giá sai lầm về cô ta lúc ban đầu. May là một cô gái có một nhan sắc hết sức quyến rũ, mỹ miều. Nhưng con có biết cô ta gốc gác xuất thân từ một gia đình như thế nào? con đã gặp mặt cha mẹ của cô ta chưa?
Willie thừa nhận với mẹ tất cả điều này. Anh còn nhấn mạnh rằng người Hoa kỳ phải chấp nhận sự bình đẳng trên phương diện tình cảm, cần đối xử với mọi người vào giá trị, tài năng của họ hơn là dựa trên quá khứ, dĩ vãng. Để tô điểm thêm cho giá trị của May, và cũng để kết thúc vấn đề này, anh cho mẹ biết rằng May đã tự túc mọi vấn đề và đã tốt nghiệp đại học. So sánh với nàng, anh còn thua xa. Bà Keith im lặng lắng nghe những điều con bà vừa tiết lộ và để mặc cho Willie muốn nói gì thì nói. bà châm một điếu thuốc lá, đứng dậy rời khỏi bàn ăn và tiến tới đứng bên cửa sổ phóng tầm mắt nhìn ra ngoài vịnh. Willie chợt nhớ lại cái hình ảnh quen thuộc này mà anh như đã từng nhìn thấy. Anh khám phá ra rằng đó chính là kỷ niệm những ngày còn ấu thơ mỗi lần anh đem về nhà   một phiếu điểm xấu và rụt rè đưa cho mẹ xem.
-  Thế con đã xin hỏi cưới cô ta chưa, Willie?
-  Dạ rồi.
-  Vậy là con đã hỏi May làm vợ trong chuyến đi chơi Yosemite vừa qua phải không?
-  Thưa mẹ, đúng thế.
-  Mẹ cũng đoán là như vậy.
-  Nhưng thưa mẹ, cho đến giờ phút này May cũng chưa xác nhận là đã chính thức nhận lời cầu hôn của con. May còn nói con cần phải suy nghĩ chín chắn về lời đề nghị quan trọng này và nhất là phải nói chuyện với mẹ trước đã.
Willie nói ra cái điều này cố ý làm tăng thêm giá trị của người mình yêu.
Bà Keith nở một nụ cười như thương hại cậu con trai khờ khạo và bảo con:
-  Này Willie, mẹ bảo đảm là May chắc chắn sẽ nhận lời cầu hôn của con trai mẹ.
-  Con cũng mơ ước được như lời mẹ nói.
-  Wilie, con nên cho mẹ biết mối liên hệ thực sự giữa hai đứa con.
-  Trời đất, mẹ hỏi gì mà kỳ cục vậy?
-  Thôi được rồi, con nói như vậy coi như con đã trả lời câu mẹ hỏi.
-  Xin mẹ đừng nghĩ lầm như thế. May đâu phải là hạng đàn bà con gái mất nết. Thú thật với mẹ con chưa có gì bậy bạ với May.
-  Mẹ đâu có nói May là đứa con gái hư hỏng.
-  Con đảm bảo với mẹ rằng May là một thiếu nữ hiền ngoan, rất dễ thương.
-  Willie, con ăn  xong rồi phải không? con lại đây ngồi gần mẹ. Mẹ muốn kể cho nghe một câu chuyện của đời mẹ.
Nói xong bà ngồi sát lại bên anh và âu yếm cầm lấy bàn tay anh. Willie tự dưng thấy khó chịu về cử chỉ này, nó quá thân mật và gần như không thích hợp nữa. Nó làm anh có cảm tưởng như mình còn là một đứa trẻ con còn cần đến sự chăm sóc của cha mẹ. Tuy nghĩ như thế nhưng anh không nỡ rút tay mình ra khỏi bàn tay của mẹ.
Bà Keith nhẹ nhàng nói:
-  Con à, trước khi cha cưới mẹ, nghĩa là trong thời kỳ ông ấy đang còn là một sinh viên Y khoa nội trú, ông ấy có sống chung với một nữ y tá trong suốt ba năm. Từ lâu mẹ vẫn cố dấu con chuyện này.
Willie chợt nhớ đến cha anh có những nhận xét không mấy thiện cảm đối với giới y tá trong một câu chuyện giữa hai cha con, nhưng anh không nói điều này ra cho mẹ biết.
-  Mẹ chưa hề gặp nhưng có nhìn thấy hình cô ta và biết khá nhiều chuyện về người đàn bà này. Tên cô ta là Katherine Quinlan, dáng người dong dỏng cao, tóc màu hạt dẻ, đôi mắt khá to, giống như mắt của mấy con bò, xin lỗi con nhé vì mẹ phải dùng từ này. Tuy thế phải công nhận cô ta thật dễ thương và có một khuôn mặt khả ái. Mẹ đã vô tình biết được chuyện này trước ngày cưới. Cha con đã thú thật tất cả với mẹ. Mẹ những tưởng cuộc hôn nhân sẽ không thành tựu, mẹ điên lên vì ghen.
Nói đến đây bà Keith không nén được một tiếng thở dài khi hồi tưởng lại câu chuyện đã qua.
-  Mẹ tin lời cha con nói và ông đã giữ đúng lời hứa. Sự liên hệ giữa cha con và người y tá hoàn toàn chấm dứt. Nhưng con phải hiểu rằng cha con đã hơn một lần có ý định cưới cô ta làm vợ. Đó cũng là điều dễ hiểu. Ông nội là người đã khuyên cha con la không thể lấy cô ta về làm vợ được. Đơn giản ông nội con chỉ vạch rõ về con người thật của cha con, rằng cha con là người chỉ thích giao thiệp với giới thượng lưu và muốn có một cuộc sống giàu sang, vương giả. Cha con thường xuyên nói đến những công trình nghiên cứu của Spartan và tỏ ra hâm mộ vô cùng. Giả dụ cha con có cưới được cô y tá nọ thì ông ấy suốt đời không thể có một cuộc sống như Spartan. Cha con sẽ muôn vàn lần hối hận. bởi vậy ông ấy chờ đợi và như con biết, sau đó cha con đã thành hôn với mẹ. Willie, con cho mẹ xin một điếu thuốc!
Bà Keith lại tiếp tục nói:
-  Kinh nghiệm cho biết một điều là bất cứ một người đàn ông nào khi rơi vào lưới tình với một cô gái tương đối gọi là có chút nhan sắc đều có ý nghĩ như mình có duyên nợ. Lâu ngày nó biến thành một thói quen tương tự như một tập quán. Đó là một chuyện hiển nhiên không thể tránh khỏi. Một cô gái dù chỉ có một nửa bộ óc cũng khôn ngoan thừa biết rõ điều này. Cho rằng cô ta muốn làm vợ người đàn ông này thì vấn đề đó cũng phiêu lưu lắm và không chắc ăn gì. Đại khái giống như ta ném một con xúc xắc lần chót.
Willie cảm thấy nóng mặt, đôi gò má ửng hồng và anh thấy mình cần phải lên tiếng. Mẹ anh lại càng tỏ ra là bậc trưởng thượng nói tiếp:
-  Willie à, tất cả chỉ là một sự tiến triển của một sự việc, đơn giản, tự nhiên và khó có thể bước ra ngoài quy luật này. Chuyện như thế đã xảy ra cả triệu lần rồi. Bất cứ ai cũng dính vào trường hợp này cả. Có một điều con cần phải nhớ là không có một cuộc hôn nhân nào dựa trên tiếng nói của lung tâm hoặc chỉ vì nhân dáng của người con gái. Hôn nhân cần phải được xây dựng trên một quá trình và giá trị tương xứng với nhau. Nếu vì một lý do nào đó con cưới vợ chỉ do lòng ân hận, coi như cũng được đi, nhưng đến một khoảng thời gian nào đó lòng ân hận sẽ không còn nữa, lúc đó con sẽ ra sao? Thôi, bây giờ con hãy thành thật trả lời mẹ, con có chắc chắn là yêu thương May không hay là con bị bó buộc phải cưới cô ta?
-  Con nghĩ là cả hai điều này đều đúng.
-  Như vậy là con bị bó buộc phải lấy May làm vợ chứ gì? Mẹ thông cảm rằng con đang cố gắng nhủ lòng mình là con yêu May và muốn cuộc hôn nhân hoàn hảo như sở nguyện. Willie, bộ con nhất quyết muốn cái cô ca sĩ phòng trà, hộp đêm này sẽ là mẹ của lũ con của con hay sao? Hơn thế nữa con có chấp nhận hai vợ chồng người Ý bán trái cây ở Bronx sẽ là ông bà nhạc gia của con không. Mẹ tin rằng họ là những người tốt và lương thiện, con có muốn họ sẽ đến ở nhà con bất cứ lúc nào họ thích. Họ đương nhiên sẽ trở thành ông bà ngoại của những đứa con trai, con gái của con…Con có hình dung ra được cái tương lai này không?
-  Mẹ không tin là con có thể biến đổi tình trạng này khá hơn hay sao chứ? Con rất yêu May và chính May là người vợ mà con muốn cưới.
-  Con cưng của mẹ à, con mới chỉ có hai mươi ba tuổi. Cha con lấy mẹ khi ông ấy đã ba mươi. Con tin mẹ đi, rồi đây trong sáu năm nữa con sẽ còn gặp cả ngàn, cả vạn cô gái khác.
-  Tại sao mẹ cứ gán cho con cái tội là con phải cưới May chỉ do lòng hối hận và mặc cảm tội lỗi? Làm sao mẹ đọc được con ghì gì trong trái tim con? Con rất thành thật yêu cô ấy. Mẹ thấy không. May xinh đẹp tuyệt trần, dễ thương, thông minh. Con dám bảo đảm với mẹ là May sẽ là một người vợ hiền thục. Mặc dù cái quá trình của nàng có hơi thua sút, thì chuyện đó có đáng gì đâu? Con nghĩ là con sẽ ân hận suốt cả đời nếu con không cưới được nàng.
-  Willie yêu quý của mẹ, chính mẹ đây đã hủy bỏ hai đám hỏi trước khi lấy cha con. Mà lần nào cũng vậy mẹ ngỡ rằng chắc mẹ không thể sống được, cuộc đời coi như là hết!
-  Con vẫn không thể tin nổi là tại sao khi cưới vợ lại phải cần đến gia cảnh gia đình của cô ta. Nếu may mắn còn sống sót sau cuộc chiến tranh thảm khốc này, con sẽ làm gì đây? Chẳng lẽ lại đi đánh piano để mưu sinh?
-  Vậy là con lầm to rồi, Willie. Và mẹ biết là con tự hiểu là mình sai. Con đã trưởng thành nhanh quá. Con vẫn thường theo dõi các chương trình quảng cáo thương mại chứ? với khả năng sẵn có, con dư sức làm được vô số chuyện khác chứ đâu có phải chỉ là chuyên về piano?
Đúng là một khám phá đau đớn cho Willie. Trong những chuyến đi ca dài lê thê trên trục lôi hạm Caine, càng ngày anh càng ý thức được rằng khi ngồi trước piano anh không hơn không kém chỉ là một nhạc sĩ tài tử bất tài, kém cỏi. Anh mơ ước sau cuộc chiến anh sẽ trở thành một giảng sư về môn Văn chương cho một trường đại học yên tĩnh, nổi tiếng như Princeton chẳng hạn. Cao vọng của anh là sẽ (mà cái cao vọng này thực ra anh cũng chưa dám thú thực với chính anh) viết một vài tác phẩm về các nghiên cứu văn chương nghệ thuật, hoặc cũng có thể một hoặc hai cuốn tiểu thuyết không chừng.
-  Hiện nay còn quá sớm để bàn vê tương lai. Con cũng chưa biết con sẽ làm gì.
-  Riêng mẹ thì mẹ biết con sẽ làm gì. Con sẽ trở thành một học giả nổi tiếng. Khi đó có thể mẹ đã qua đời, nhưng con sẽ rất giàu có, tự lập và bước vào một xã hội mà trong đó chỉ gồm toàn là những nhà thông thái, những triết gia – như Conant, Hutchins,những nhân vật cùng giới với con. Con hãy một lần nữa thành thật cho mẹ biết liệu May có thể nào phù hợp trong cuộc sống đó? Biết  đâu cô ta sẽ không cảm thấy hạnh phúc làm vợ của một nhà giáo. Con có thể tin được rằng cô ta vui vẻ rót và mời trà cho ông khoa trưởng trường Wicks, hoặc trò truyện đối đáp với tiến sĩ Conant?
Nghe đến đây, Willie vụt đứng dậy và tiến tới chiếc bàn ăn. Anh lấy chai champagne ra khỏi xô nước đá. Chai rượu chỉ còn khoảng một nửa ly. Anh rót ra và uống ực một hơi cạn luôn.
-  Willie của mẹ, mẹ chỉ muốn cho con biết những chuyện mà nếu ba còn sống thì ba cũng sẽ nói như vậy. chỉ có trời mới biết là có thể ba sẽ tế nhị hơn hoặc khôn khéo hơn mẹ. nếu mẹ có nói điều gì sai trái, con cứ bỏ ngoài tai.
Vừa dứt lời, bà Keith bước nhanh lại chiếc bàn viết gần đó. Bà lấy ra trong túi xách chiếc khăn tay và đưa lên chùi mắt. willie đến sát bên mẹ và đặt tay lên vai bà:
-  Thưa mẹ, con không có điều gì giận hờn mẹ. con thấu hiểu lòng mẹ chỉ muốn làm những chuyện gì tốt đẹp nhất và đúng cho con. Nhưng câu chuyện của con có những phức tạp. đương nhiên là  sẽ có một người bị đau lòng.
-  Miễn là con không bị đau lòng là được rồi, Willie. Những người khác mẹ không cần biết.
Willie xin lỗi mẹ rồi đi vào phòng ngủ. Anh đi len giữa hai cái giường và chiếc tủ áo. Dù tâm trí đang mông lung, anh vẫn chú ý thấy mẹ đặt đôi dép và chiếc áo choàng ngủ bằng lụa có thêu hoa thật ngay ngắn\/ gần đó là bộ thảm màu xanh đậm để che bồn cầu mà anh đã mua tặng mẹ nhân ngày sinh nhật thứ năm mươi của bà.
Cái vị thế của anh hiện giờ gần như bị lung lay. Trên thực tế rõ ràng là anh đã cầu hôn với May kèm theo lòng ân hận, và cũng đúng là anh nghi ngờ May muốn săn đón anh về việc hôn nhân khi nàng chịu nhịn anh. Anh công nhận là anh thấy xấu hổ về cái dĩ vãng, quá trình của nàng và anh không thể phủ nhận là May không thể thích hợp trong cái môi trường giáo dục khi là người bạn đời của anh. Rồi anh bỗng thắc mắc tự hỏi có thật lòng yêu May? Tâm trạng của anh trong cái đêm ở Yosemite là nỗi phân vân, ngại ngùng lẫn ngờ vực dẫn tới hậu quả là anh thấy sự liên hệ với May như tan rã. Phải chăng anh là một tên đại khờ khạo hay một kẻ cuồng si? Anh thấy mình đúng là một tên đàn ông vô cùng  dại khờ. Anh đánh mất đi lòng tự trọng và sự yếu đuối chế ngự anh. Soi mình trong tấm gương, anh thấy gương mặt anh xanh xao. Willie nhìn hình ảnh của mình trong gương và lẩm bẩm “Mi đúng là một tên ngu ngốc!” rồi trở lại phòng khách. Mẹ anh vẫn đứng im lìm một chỗ. anh lên tiếng trước:
-  Con xin mẹ đừng nhắc đến vấn đề này nữa – anh buông rơi mình xuống chiếc ghế bành, đưa tay che mắt – sẽ không có chuyện gì cần phải giải quyết vào ngày mai. Con muốn có chút thời giờ để suy nghĩ lại.
-  Nhưng con có dự tính là sẽ làm đám cưới trong chuyến công tác tại Mỹ không?
-  Con không biết. con không biết gì hết. chúng con chưa bàn tính chương trình nhất định. Con đã thưa với mẹ là May vẫn chưa chấp nhận lời cầu hôn của con.
-  Cô ta quả thật là khôn ngoan. À, con vẫn có thể chờ đến ngày con trở lại lần sau mà. Thật là bất  công để cho một người con gái phải chờ đợi trung thành trong lúc người yêu xông pha trong chiến tranh. con hãy hứa với mẹ là con sẽ hoãn ngày làm lễ thành hôn lần này. Mẹ chỉ đòi hỏi con bấy nhiêu thôi và tuyệt đối có lợi cho con.
-  Con tin những gì mẹ nói. con có lẽ sẽ không làm đám cưới ngay đâu. Tuy nhiên con không nói là con sẽ bỏ nàng, điều này con không thể làm được.
-  Như thế là mẹ đủ mãn nguyện rồi.
Vừa nói bà vừa đặt bàn tay lên vai đứa con trai và sau đó bỏ vào phòng ngủ. Willie trông thật là tiều tụy, sầu não trong chiếc ghế bành lớn. vài phút sau trong lúc bôi chút phấn lên mũi nơi bàn trang điểm, bà Keith gọi Willie:
-  Đố con biết mẹ thích gì bây giờ?
-  Thưa mẹ, con không biết.
-  Mẹ muốn uống một ly rượu mạnh rồi đi xem một cuốn phim khôi hài nhẹ nhàng. Con có thấy rạp nào trong phố chiếu loại phim này không con?
-  Con xin lỗi mẹ, con không thể đi với mẹ được. lát nữa đây, con có hẹn với May.
-  Thôi thế cũng được – bà nói giọng vui vẻ - Mà trước khi đi con có thì giờ uống với mẹ một ly không?
-  Dạ được, thưa mẹ.
-  Cô May hiện giờ đang ở đâu?
-  Một khách sạn gần St. Francis.
-  Vậy thì tiện quá. Trên đường đến chỗ cô ấy, con có thể thả mẹ xuống rạp xi nê.
-  Dĩ nhiên la được rồi.
Sau khi trả lời mẹ, Willie tiến đến bên cửa sổ và tì trán vào ô kính lạnh ngắt. Mắt anh nhìn vào cõi hư không. Anh chưa bao giờ có cái cảm giác trống rỗng và chán chường như bây giờ. Hàm răng anh cắn vào khung gỗ cửa sổ. Trong cơn vô ý thức, anh cắn mạnh vào thân gỗ và dấu răng in mạnh vào  đấy. Những miếng  vụn của gỗ, vẹc ni và bụi bám đầy miệng. anh lấy chiếc khăn tay chùi miệng và trân trối ngó vào vết răng để lại trên khung gỗ.
-  Ô! Hèn chi có những người khắc cả hình những trái tim trên cây.
Ngày hôm sau Willie và May gặp nhau tại phi trường. đôi tình nhân trao nhau chiếc hôn tạm biệt nồng cháy. Không có một quyết định nào xảy ra. Anh phải nói dối với người yêu về cuộc nói chuyện với mẹ anh. Việc đính hôn của đôi bạn này rất lờ mờ và không chính thức, họ cũng không có cả nhẫn để trao cho nhau, không ấn định ngày cưới. mọi việc phải chờ cho đến khi cuộc chiến chấm dứt.
May tỏ vẻ rất hài lòng về cách giải quyết này, dẫu sao nàng cũng không cãi cọ gì.