Nhóm dịch thuật Song Ngư
Chương 33
Phiên tòa: Ngày thứ nhất

    
uy luật Naval Courts and Boards mở đầu bằng một đoạn buồn thảm tựa là “buộc tội và quy luật”. văn kiện này chỉ dày có một trăm hai mươi ba trang, chỉ ngắn bằng một nửa tập truyện ma hai mươi lăm xu, và trong cái địa bàn nhỏ bé đó hải quân đề cập đến những lỗi lầm ghê gớm nhất, tội lỗi điên khùng nhất, và tất cả các tội ác ghê gớm khác mà quân nhân có thể phạm phải. Văn kiện này bắt đầu bằng những quy định về Tội Nổi loạn cướp quyền chỉ huy và chấm dứt với chương sử dụng trái phép các vận dụng đun hơi nước. giữa những điều luật đó là những quy luật xử phạt về những tội ác đẫm máu như Gian dâm, sát nhân, hiếp dâm, và đả thương và những lỗi chả đáng gì như tội treo hình khêu gợi. Đó là những trang nói về những chuyện buồn thảm, lo âu, rùng rợn, thêm vào đó là giọng văn khô khan, lạnh lùng của các loại công văn.
Cả loạt danh sách tội ác đó không có cái nào nói rõ ràng cái tội nào hay cái buộc tội nào áp dụng cho trường hợp đặc biệt của hải quân đại úy Stephen Maryk. Đại tá Breakstone nhận ra điều đó ngay, dù là công chuyện có vẻ như hợp với trường hợp phản loạn hơn là với tất cả các trường hợp khác, nhưng vì Maryk viện dẫn điều 184 và những hành động của anh sau chuyện xảy ra khiến cho về pháp lý việc kết án tội phản loạn trở nên khó thành được. Đó là một trường hợp dở nọ dở kia kỳ cục nhất. Cuối cùng ông buộc vào tội chung chung vốn đặt ra cho những trường hợp vi phạm phức tạp và hiếm hoi, Hành động phương hại tới trật tự kỷ luật quân đội, và rất cẩn thận, ông soạn ra một bản cáo trạng như sau:
“Chiếu chỉ hải quân đại úy Stephen Maryk, thuộc lực lượng hải quân trừ bị, vào ngày hay vào khoảng ngày 18 tháng chạp năm 1942, trên chiến hạm Caine, cố tình, không được thẩm quyền cho lệnh, và không có nguyên do chính đáng, đã cắt chức hạm trưởng của hải quân thiếu tá Phillip Francis Queeg, lực lượng hải quân hiện dịch, đang thi hành nhiệm vụ chỉ huy hợp pháp của chiến hạm đó, và hiệp chủng quốc lúc đó đang trong tình trạng lâm chiến”.
Công tố ủy viên, thiếu tá Challee thấy việc buộc tội theo tội trạng đó không khó khăn gì. Ông ta là một sĩ quan trẻ tuổi lanh lợi và sốt sắng. Ông giữ cấp bậc cao nhờ được thăng cấp nhiệm chức do nhu cầu chiến tranh. Những ngày nhàn hạ ở San Francisco hơi gây cho ông ta một chút mặc cảm. Ông xin thuyên chuyển về ngành luật pháp sau mấy năm hải vụ để gần người vợ trẻ đẹp, một người mẫu cho các nhiếp ảnh gia. Ông ta hơi mắc cỡ khi đơn xin thuyên chuyển được chấp thuận. do đó ông ta thi hành nhiệm vụ với một nhiệt tình hiếm có, và ông nghĩ một cách chân thành rằng, kết án Maryk vào lúc này là một cách để thực hành nghĩa vụ chống giặc.
Challee ước lượng rằng bên công tố có một vụ án rất vững chắc. Kết án về tội nổi loạn thì có phần khó hơn. Nhưng cáo trạng nới nhẹ của Đại tá Breakstone, theo quan điểm của ông, chỉ là một tường thuật giản dị của một sự thật đơn giản. Bên biện hộ không thể nào chối cãi là sự kiện không xảy ra: Maryk đã ký vào sổ Nhật ký hải hành diễn tả các sự kiện. Cái từ không được thẩm quyền cho lệnh và không có nguyên do chính đáng là lời kết tội then chốt. muốn chứng minh điều ấy, Challee chỉ việc chứng minh rằng Queeg không và chưa bao giờ là một người bị bệnh điên khùng. Ông có bản báo cáo của bác sĩ Weyland, người khám bệnh cho Queeg tại căn cứ Ulithi ngay sau cuộc nổi loạn.
 Ba bác sĩ tâm thần của hải quân ở bệnh viện San Francisco khám bệnh và quan sát Queeg cả ba tuần lễ sẵn sàng khai trước tòa rằng Queeg là một người khỏe mạnh, bình thường và sáng suốt. Hai mươi thượng sĩ và đoàn viên trong cuộc điều tra đã xác quyết rằng họ chưa bao giờ thấy Queeg làm điều gì điên khùng hay nghi ngờ là điên khùng. Không có một sĩ quan hay đoàn viên nào, ngoại trừ hai người có liên hệ đến việc nổi loạn là Keith và Stilwell là nói bất lợi cho vị hạm trưởng. Challee đã thu xếp cho vài thượng sĩ và đoàn viên mặt mũi dễ coi ra khai trước tòa, xác nhận lời khai của họ trong cuộc điều tra.
Chống lại cả một dàn chứng cớ này chỉ có một số gọi là sổ ghi y khoa của Maryk, ủy ban điều tra đã bác bỏ chứng cớ trong sổ ghi đó, coi như là “một đống những lời than phiền” chỉ chứng tỏ được sự thiếu trung nghĩa âm ỉ lâu dài của Maryk.
Chall tháng liền vì ông không được mời xem phim vì một lý do lầm lẫn nào đó. Ông cúp nước khi tàu đang ở vùng xích đạo vì ông bị tức tối vì việc một sĩ quan được thuyên chuyển mà ông không sao ngăn cản được. Đang nửa đêm, chỉ vì những việc vặt vãnh, ông họp các sĩ quan trưởng ngành lúc những người này phải đi phiên theo chi đội. Và ông ta cấm ngủ ban ngày nên chẳng ai có dịp ngủ bù cho những khi phải trực đêm…
-  Chúng ta đã nghe quá nhiều về chuyện ngủ nghê này rồi. Các sĩ quan tàu Caine chắc hẳn muốn được ngủ, đúng lúc lâm trận hay không, phải vậy không?
-  Tôi nói quả nhiên rất dễ mỉa mai về chuyện này. Nhưng không dễ gì điều khiển một con tàu đang trong đội hình giữa cơn mưa gió khi đã thức trắng 72 tiếng đồng hồ liền mà chỉ được ngủ chừng bốn giờ liên tiếp.
-  Ông Keith, hạm trưởng Queeg có bao giờ hành hung thể xác sĩ quan hay đoàn viên không?
-  Không
-  Ông ấy có bắt họ nhịn đói, đánh đập, hoặc trong bất cứ dưới hình thức nào gây thương tích cho bất cứ ai đến nỗi phải ghi vào y bạ của tàu Caine không?
-  Không.
-  Có bao giờ ông ta ra những hình phạt mà hải quy không cho phép không?
-  Ông ta chẳng bao giờ làm điều gì mà hải quy không cho phép, hoặc nếu có làm gì sai thì ông ta sửa đổi ngay lập tức. Ông ta đã chứng tỏ ông ta biết cách làm thế nào để đàn áp và ngược đãi mà vẫn không vi phạm hải quy.
-  Ông không thích hạm trưởng Queeg, phải thế không, trung úy?
-  Lúc đầu tôi rất thích ông ta. Nhưng dần dần thấu hiểu được ông ta là một bạo chúa nhỏ nhen và hoàn toàn kém khả năng.
-  Ông có nghĩ rằng ông ta cũng bị tâm trí bất bình thường không?
-  Không, cho tới ngày xảy ra trận bão.
-  Maryk có bao giờ cho ông xem sổ ghi chú bệnh lý của hạm trưởng Queeg không?
-  Không.
-  Ông ấy có bao giờ thảo luận với ông về tình trạng sức khỏe của hạm trưởng không?
-  Không. Hạm phó Maryk không bao giờ cho phép chỉ trích hạm trưởng trước mặt mình.
-  Sao vậy? Dù không chịu phục tùng hạm trưởng vào tháng chạp năm 43?
-  Ông ấy bước ra khỏi phòng ăn ngay nếu có ai ăn nói ngạo mạn về hạm trưởng.
-  Có cả lời nói ngạo mạn về hạm trưởng trong phòng ăn sĩ quan sao? Ai thốt ra những lời ấy?
-  Tất cả mọi người trừ Maryk.
-  Thế thì ông có cho là hạm trưởng Queeg được tất cả các sĩ quan trung thành với mình không?
-  Tất cả lệnh của hạm trưởng đều được tuân hành.
-  Ngoại trừ những lệnh mà ông nghĩ là ông phải qua mặt, phải không? Ông Keith? Ông có tuyên bố là ông không thích hạm trưởng?
-  Sự thật là vậy.
-  Trở lại sáng ngày 18 tháng chạp. Ông quyết định tuân theo lệnh hạm phó Maryk là dựa vào suy xét hạm trưởng đã loạn trí, hay tại vì anh ghét hạm trưởng Queeg?
Willie nhìn đăm đăm vài giây vào gương mặt đầy hận thù của Challee. Câu hỏi có nhiều gai góc. Willie biết câu trả lời đúng, và anh biết rằng câu trả lời này cũng có thể hủy diệt chính mình và Maryk. Nhưng anh nghĩ là không dễ gì nói láo. Cuối cùng anh xuống giọng trả lời.
-  Tôi không thể trả lời câu hỏi đó được.
-  Căn cứ vào lý do gì, trung úy Keith?
-  Tôi bắt buộc phải trả lời câu hỏi đó hay sao?
-  Không trả lời một câu hỏi của tòa là phạm tội khinh mạn tòa án trừ phi có lý do chính đáng, trung úy Keith.
Willie lúng túng nói:
-  Tôi không biết chắc là thế nào. Tôi không thể nhớ rõ tôi nghĩ gì lúc ấy vì chuyện đã lâu quá rồi.
-  Không còn câu hỏi nào nữa – Challee nói. Ông ta quay gót và ngồi xuống.
Vào lúc ấy, khi anh nhìn chăm chăm vào các gương mặt lạnh lùng một cách nghiêm trọng của mọi người trong tòa, Willie tuyệt đối chắc chắn anh đã chính miệng buộc tội mình và Maryk. Anh bứt rứt vì bực tức chẳng làm gì được do cái thủ tục rườm rà của tòa ngăn cản không cho anh lên tiếng để tự đính chính lại lời khai, và cùng lúc anh nhận thức được là không thể nào tự bào chữa được cho mình nếu phải theo lề lối suy luận của hải quân. Thực sự ra, anh đã tuân lệnh Maryk vì hai lý do, thứ nhất, vì anh nghĩ hạm phó đã cứu được tàu, và thứ hai, vì anh ghét hạm trưởng Queeg. Mãi tới khi Maryk lấy quyền chỉ huy anh mới cho rằng có lẽ hạm trưởng Queeg đã điên thật rồi. Và anh biết, nói thật ra, anh chưa hề tin là hạm trưởng Queeg nổi điên. Đúng là ông ta thực sự ngu dốt, gian ác, nham hiểm, hèn nhát, kém tài – nhưng ông ta là một người tỉnh trí. Tuy thế Maryk không cách gì khác hơn là phải khai hạm trưởng Queeg nổi điên (Willie cũng phải khai như thế) và thế là khai láo, và Challee biết thế, và cả tòa đều biết thế, và bây giờ chính Willie cũng biết thế.
Greenwald đứng dậy để đối chất.
-  Ông Keith, ông đã khai rằng ông không thích hạm trưởng Queeg?
-  Phải, tôi không thích ông ta.
-  Khi đối chất, ông đã khai tất cả các lý do khiến ông không thích ông ta không?
-  Chẳng phải vậy. Tôi chưa được cơ hội để kể được một nửa các lý do.
-  Xin kể những lý do còn lại bây giờ nếu ông muốn.
Trong trí Willie đã hiện ra những lời mà anh biết nếu thốt ra sẽ làm thay đổi vận mệnh của nhiều người và gây rắc rối khó khăn mà anh khó thoát ra được. anh nói lên, câu nói của anh như thể anh đã đấm vỡ tan một cái cửa kính:
-  Lý do chính yếu làm tôi không thích hạm trưởng Queeg là vì ông rất hèn nhát tại chiến trường.
Challee đứng nhỏm dậy. Greenwald vội vàng nói:
-  Hèn nhát như thế nào?
-  Ông ta liên tục né tránh đạn từ bờ bắn ra.
-  Tôi phản đối! – Công tố viên to tiếng phản đối – Luật sư biện hộ đã tìm cách kiếc các bằng chứng đi quá chủ đích của cuộc đối chất. Ông ta đã lái nhân chứng về hướng để phỉ báng một cách vô trách nhiệm một sĩ quan hải quân. Tôi xin đề nghị tòa cảnh cáo luật sư bên bị cáo và bôi bỏ phần đối chất này trong biên bản.
-  Xin trình với quý tòa – Greenwald nói vừa hướng mặt về phía chánh án Blakely đang nhìn không chớp mắt – Chứng nhân không ưa thíhc hạm trưởng Queeg không những nằm trong chủ đích của cuộc đối chất mà còn là dữ kiện chính yếu được đưa ra. Nguyên do của ác cảm này chính là cội nguồn chính yếu. Nhân chứng đã thú nhận là không có kiến thức về y khoa hay tâm thần học. Những điều mà hạm trưởng Queeg làm, đã gây cho nhân chứng vì thiếu kiến thức nên có ác cảm với ông, thật ra có thể là những hành động không thể tránh được của một người bệnh tật. Phía bên biện hộ sẽ đưa ra chứng cớ cụ thể của tất cả các lời khai của nhân chứng có liên hệ, và do đó cho thấy là hành động của hạm trưởng Queeg bắt nguồn từ bệnh tật…
Challee to tiếng với Greenwald:
-  Đây không phải là lúc phía bên biện hộ trình bày lý lẽ của mình cũng không phải là lúc để trình bản tóm tắt cuộc biện hộ.
-  Công tố viên đã đưa ra câu hỏi để trung úy Keith phải công nhận là có ác cảm với hạm trưởng Queeg – Greenwald phản pháo – chứng cớ đưa ra cần phải được đối chất…
Blakely gõ búa xuống bàn.
-  Bên biện hộ và công tố viên được khuyến cáo về những tranh cãi có tính chất cá nhân không thích đáng. Tòa tạm ngưng ở đây.
Khi tất cả phe phái đã trở lại phòng xử, Blakely có đặt quyển hải quy để mở trên ghế trước mặt ông. ông ta mang kính dầy gọng đen làm tăng vẻ đạo mạo thật kỳ lạ.
-  Để cho hai phía đều hiểu rõ, tòa sẽ đọc điều 4, mục 13 và 14 về những điều về “điều hành hải quân” trước khi tuyên bố quyết định của tòa.
“Hình phạt tử hình, hay hình phạt nào khác do tòa phán quyết, có thể dành cho bất cứ nhân viên nào phục vụ trong hải quân mà trong lúc chạm địch, bày tỏ sự hèn nhát, bất cẩn, hoặc bất nhân tâm, hoặc rút lui hoặc trốn lánh hiểm nguy mà lẽ ra đương sự phải đối phó, hoặc trong lúc chạm địch trốn tránh nhiệm vụ hay rời bỏ nhiệm sở, hoặc gây cho đồng đội phạm lỗi như vậy”.
Blakely nhấc kính ra và gấp sách lại. Ông tiếp tục bằng một giọng nghiêm trọng và mệt mỏi:
-  Tòa đã tuyên bố đây là một phiên xử tế nhị. Phía biện hộ và nhân chứng được cảnh cáo rằng họ đang ở vào một vị thế vô cùng hiểm nghèo. Khi cáo buộc một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ với tội trạng có thể phạt tử hình, và rằng cái tội trạng khả ố nhất trong đời quân ngũ tương đương với tội sát nhân, họ mang theo một trách nhiệm nặng nề nhất, và phải đương đầu với những hậu quả mà mức nghiêm trọng của nó tưởng không thể là nói quá đáng. Tòa giờ đây hỏi phía bên biện hộ xét lại những điều trước có muốn rút lại những câu hỏi của mình không?
Greenwald nói:
-  Tôi không muốn rút lại, thưa đại tá.
-  Tòa hỏi nhân chứng hãy xét kỹ những hệ lụy do câu mình hỏi và tuyên bố có muốn rút lại những câu hỏi ấy không?
Willie, răng hơi lập cập, nói:
-  Tôi không muốn rút lại, thưa đại tá.
-  Căn cứ vào những chuyện vừa nói – Blakely nói, vừa thở dài thành tiếng, vừa đẩy quyển sách sang bên cạnh – không chấp thuận phản bác. Luật sư biện hộ tiếp tục đối chất.
Willie thuật lại chuyện hạm trưởng Queeg cho tàu bỏ chạy khỏi lằn đạn đại pháo từ bờ biển Saipan bắn ra tàu Stanfield. Anh kể chi tiết giai đoạn ở Kwajalein mà do đó hạm trưởng Queeg đã có biệt danh “Lão Dấu Vàng”. Anh đến giờ mới thấy được lần đầu sự thay đổi biểu lộ thái độ của tòa khi anh thuật chuyện. Vẻ nghiêm trang lạnh lùng của họ đối với anh đã dần dà bớt đi và thay vậy đã có bảy khuôn mặt đang thích thú chăm chú lắng nghe câu chuyện hấp dẫn. Công tố viên Challee cau mày có vẻ cay đắng, ghi chép vội vàng đầy các trang giấy.
-  Ông Keith, ai đặt cái tên “Lão Dấu Vàng” này đây? – Greenwald hỏi.
-  Tôi cũng không rõ. Tên này tự nhiên xuất hiện hồi nào không ai để ý.
-  Nó có ngụ ý gì đây?
-  Vâng, hèn nhát, dĩ nhiên. Nhưng nó cũng chỉ vết phẩm đánh dấu tuyến xuất phát để đổ quân bằng tiểu đĩnh. Tự nhiên nó thành danh thôi, rồi dính luôn, ai cũng gọi như thế.
-  Ông đã kể hết các chứng cớ hèn nhát khác mà ông còn nhớ không?
-  À, trong bất cứ tình trạng chạm địch nào hạm trưởng Queeg hiển nhiên tránh về mé đài chỉ huy xa tầm đạn nhất. Khi chúng tôi tuần tiễu gần bờ, cứ mỗi khi tàu quay ngược lại là hạm trưởng lại đổi vị trí đứng về phía xa bờ. Ai cũng nhận thấy điều này. Thành ra là một chuyện để đàm tiếu. Các nhân viên trên đài chỉ huy đều có thể làm chứng cho điều tôi nói, nếu họ có thể nói ra mà không sợ bị rầy rà.
Greenwald nói:
-  Ngoài những hèn nhát này còn có lý do nào khác hơn khiến ông không thích hạm trưởng Queeg?
-  À – Tôi nghĩ là tôi đã kể hết mọi chuyện điển hình rồi – À, còn có một chuyện nữa, ông ta ép tôi mất 100 đô la cho ổng….
Challee mệt mỏi đứng lên:
-  Xin phản đối. Những cáo buộc vô căn cứ không thích đáng này được tòa cho phép đưa ra đây kéo dài đến lúc nào nữa? Vấn đề ở đây là không phải để bàn hạm trưởng Queeg là một sĩ quan mẫu mực hay không mà là ông ta có điên khùng không vào ngày 18 tháng chạp. Luật sư biện hộ chẳng đá động gì đến điểm này. Tôi muốn nói là có dấu hiệu rõ ràng là có sự thông đồng giữa luật sư biện hộ và nhân chứng để quyết tâm bôi nhọ hạm trưởng Queeg và như thế làm lạc hướng vấn đề chánh yếu…
Người công tố ủy viên biết Greenwald chỉ có một điểm để tấn công, đó là vấn đề cố ý phạm tội. Ông chờ nghe lải nhải biện hộ lưu loát cho Maryk là anh chàng đã hành động có lợi cho hải quân, mặc dù anh ta đã lượng giá rất sai lầm về Queeg. Challee chuẩn bị kỹ càng để đập tan cái ngụy biện muốn dùng lý lẽ hời hợt bên ngoài đó để kết luận rằng Maryk vô tội trong tất cả các vi phạm bị truy tố.
Ông lý luận rằng Maryk, vì tự ý không đếm xỉa đến truyền thống quân đội, dạn dĩ nổi loạn chống lại cướp quyền hạm truởng dựa trên nhận định sai lầm tự bản thân đã tự kết án mình vào hành động “phương hại đến trật tự và kỷ luật quân đội”. Nếu việc này không được công nhận và nếu Maryk đặt tiền lệ là không bị trừng phạt thích đáng, tất cả các hệ thống chỉ huy của hải quân sẽ bị rối loạn trầm trọng. Bất cứ hạm trưởng nào bị hạm phó coi là kỳ dị sẽ có nguy cơ bị cướp quyền chỉ huy. Challe chắc chắn là một tòa án gồm các sĩ quan, nhất là chủ tọa lại là đại tá Blakely, một sĩ quan nổi tiếng kỷ luật nghiêm khắc, tòa sẽ nhận thấy ngay nguy hại đó. Ông chắc mẫm rằng ông sẽ   thắng Barney Greenwald một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Ông tính toán rất hay. Ông ta chỉ sai vì không đoán trúng chiến lược của Greenwald.
Willie trở lại khách sạn Chrysanthemum vào lúc mười một giờ sáng hôm sau. Anh vứt hành lý trong phòng và nhìn quanh kiếm các sĩ quan khác, nhưng chỉ thấy giường chiếu bừa bãi. Rồi anh nghe tiếng hát nhỏ vọng ra từ buồng tắm “Parlez-moi d'amour. Redites-moi des choses tendres ….”.
Anh biết là Keefer đã trở về. Anh thấy nhà văn đang lau người, đi đôi guốc gỗ và đứng ngắm nghía trước gương. “ je vous aime. Vous savez bien..”
-  Willie đó hả? Anh chàng yêu văn Dickens đây rồi! Sao có gì lại không bồ tèo?
Hai người bắt tay. Người Keefer xạm nắng, gầy gò khẳng khiu, và mặt anh ta dài ra như chưa ăn uống gì cả tuần, nhưng anh ta rất vui vẻ và đôi mắt sáng khác thường.
-  Mọi người đi đâu cả rồi Tom?
-  Chỗ này chỗ kia. Tàu ra ụ bữa nay nên mọi người đều ở hết trên tàu. Steve thì đi gặp ông luật sư đâu đó…
-  Ai vậy?
-  Một ông trung úy nào đó ở hàng không mẫu hạm xuống. Anh ta vốn là luật sư.
-  Giỏi không?
-  Không biết được. Có vẻ như Steve thích anh ta. Kiểu người ậm ừ…Chuyện lung tung hết, Willie. Biết anh bạn Stilwell ra sao không? Y bị điên rồi – Keefer vắt cái khăn qua lứng, kéo qua kéo lại mạnh tay.
-  Cái gì?
-  Bác sĩ nói bệnh u sầu cấp tính. Nằm ở bệnh viện căn cứ. Khi ở tàu, anh ta dở dở, điên điên..anh biết không…
Willie nhớ rõ cái khuôn mặt ủ ê, vàng bủng nhăn nhó của Stilwell. Trên đường về lại Mỹ, hai lần đương phiên phòng lái, anh ta phải xin thay ca vì đầu đau như búa bổ.
-  Có chuyện gì vậy Tom?
-  Tôi không có mặt lúc đó. Câu chuyện là anh ta nằm bẹp trên giường ba ngày không lên điểm danh, không lên ăn cơm. Nói là bị nhức đầu. Cuối cùng phải khiêng lên bệnh xá. Yếu xìu và hôi hám. Thượng sĩ Bellison báo cáo như vậy.
Willie nhăn mặt lo sợ.
-  Chuyện đương nhiên thôi, Willie. Chỉ nhìn thoáng qua mình cũng biết là anh ta đang bị uất ức gì đó trong người rồi. Không có học vấn gì, một năm bị Queeg đì, quá trình đầy gian nan, lại thêm phải ra tòa vì tội nổi loạn đeo đẳng trong người… Mà nhưng gi không phải là nổi loạn nữa, anh biết không. Đ ó lại là chuyện khác nữa… Cho xin điếu thuốc … cảm ơn anh.
Keefer quấn khăn quanh người, bước ra phòng khách, thở một làn khói dài. Willie bước theo, săng sớn hỏi:
-  Chuyện nổi loạn bây giờ ra sao?
-  Steve bây giờ bị xử về tội phương hại đến trật tự và kỷ luật quân đội. Tôi đã nói với anh bữa trước là anh chàng đại tá thiệt là dốt nát mới đòi truy tố về tội nổi loạn. Tôi vẫn nghĩ là các anh không phải lo lắng gì. Mấy người ở phòng pháp lý bối rối rõ rằng vụ kiện này thật là lỏng chỏng.
-  Còn Stilwell, anh ta có phải ra tòa không?
-  Willie, Stilwell bây giờ yếu quá. Tôi nghe người ta phải cho anh ta chạy điện…Nghỉ phép ra sao? Vui không? Có xin cưới cô đó không?
-  Không.
-  Mấy ngày nghỉ của tôi cũng khá lắm – nhà văn mở ngăn kéo tủ - Tôi nghĩ tôi bán được cuốn tiểu thuyết đó rồi.
-  Ngon lành quá rồi, Tom. Nhà xuất bản nào vậy?
-  Chapman House. Chưa có gì chắc lắm. chưa ký giấy tờ gì cả. nhưng có vẻ hy vọng nhiều.
-  Hay quá, mà cuốn tiểu thuyết chưa viết xong mà, phải không?
-  Họ đọc hai mươi chương và cái dàn bài. Nhà xuất bản đầu tiên tôi hỏi đó.
Viên sĩ quan trọng pháo nói thản nhiên, nhưng vẻ kiêu hãnh lộ ra mặt. Willie tròn mắt nhìn anh ta. Thật ra thì mọi người đều cười cười giỡn giỡn cái đống bản thảo càng ngày càng dày thêm trên bàn của Keefer. Nhà văn rất là huyền bí đối với Willie, kể cả những người đã khuất như đại tiểu thuyết gia Thackeray hay là những nhà giàu sụ, thông minh tuyệt chúng và xa cách vời vợi như Sinclair Lewis và Thomas Mann.
-  Họ…mà họ có trả trước mình chút nào không?
-  A..mà như tôi nói lúc nãy, chưa có giấy tờ gì hết. Nếu mọi việc trôi chảy, thì khoảng năm trăm hay một ngàn đô la thôi – Willie huýt sáo thán phục – Không bao nhiêu, nhưng là quyển sách đầu tay viết chưa xong, thì…
-  Tuyệt vời, tuyệt vời Tom! Tôi mong nó sẽ bán rất chạy. tôi nói lâu rồi là tôi muốn có cuốn thứ một triệu với chữ ký của tác giả. Anh đừng quên đó nghe.
Keefer cười rất tươi, thoải mái.
-  A.. đừng hấp tấp, Willie. Mình vẫn chưa có ký giấy tờ gì cả.
Steve Maryk xuống tinh thần ngay phút đầu khi chứng kiến các sĩ quan bồi thẩm tuyên thệ. Bảy sĩ quan đứng trên bục thành một vòng quanh bàn bằng gỗ nâu bóng láng, tay phải giơ thẳng, nhìn thẳng vào Challee với một vẻ nghiêm trọng như trong nhà thờ, nghe Challee đọc lời tuyên thệ trong cuốn Courts and Boards đã cũ mèm. Đàng sau họ là một lá cờ Mỹ thật to treo trên tường giữa hai cửa sổ lớn. Bên ngoài ngọn cây khuynh diệp màu xanh, lay động ánh nắng ban mai chan hòa, phía xa hơn biển  xanh như rung rinh theo nắng. Giống như có một sắp đặt khắc nghiệt để tòa xử của bộ tư lệnh hải đội 12 trên đảo Yerba Buena, trong bối cảnh yên bình, khung cảnh quyến rũ như vậy. Cái phòng vuông vức lại làm cho nổi bật cảm giác tù hãm. Lá quốc kỳ treo ngang mắt người bị buộc tội, và ánh nắng tung tăng tự do và biển rộng mênh mông. Lằn xanh lằn đỏ trên lá quốc kỳ thật giống những song sắt, thích hợp với hoàn cảnh tù hãm.
Mắt Maryk chăm chú ngay tới mặt của vị chủ tọa phiên tòa. Hải quân đại tá Blakely, đứng giữa các sĩ quan, ngay trước lá cờ. Mặt ông lộ rõ vẻ áp đảo người đối diện: mũi nhọn, môi mím như một lằn đen, mắt sâu nhỏ dưới bộ lông mày rậm rạp, với một cái nhìn sáng quắc, coi thường thế sự và đầy nghi hoặc. Tóc Blakely bạc nhiều, da cổ chùng xuống thành một túi nhỏ dưới cằm, môi thâm, và vết nhăn đen dưới mắt. Maryk biết danh tiếng của ông: một sĩ quan tàu ngầm, và là một sĩ quan nghiêm khắc kỷ luật nhất của hải đội 12. Toàn thân Maryk run lên sau lời tuyên thệ, chính là cái bộ mặt dữ dằn của Blakely gây nên cảm giác sợ sệt làm anh phát run.
Một thiếu tá hiện dịch và năm đại úy là thành viên của tòa xử. họ trông bình thường giống như tất cả những sĩ quan hải quân khác tình cờ gặp trong trại. trong số năm đại úy có hai bác sĩ trừ bị, hai sĩ quan ngành chỉ huy, một là sĩ quan trừ bị ngành chỉ huy.
Đồng hồ lớn trên tường từ từ chỉ khoảng mười giờ cho đến mười một giờ kém 15 thì thủ tục pháp lý thi hành xong, mấy thủ tục mà Maryk chẳng bao giờ có thể hiểu được. challee xin gọi người chứng thứ nhất là hải quân thiếu tá Phillop Francis Queeg.
Người tùy phái đi ra. Mọi người đều nhìn ra cửa. Viên cựu hạm trưởng chiếc Caine bước vào, mặt xám nắng, mắt sáng, quân phục mới tinh, lon tay áo bằng kim tuyến vàng ánh. Không gặp đã hai tháng, Maryk ngạc nhiên thấy sự thay đổi rõ ràng. Hình ảnh sau cùng anh nhớ là hình ảnh một người nhỏ thó, bụng phệ trong áo phao xám, quần áo ướt đẫm, ôm cứng máy truyền lệnh, mặt xanh lét, nhăn nhúm vì sợ hãi. Bây giờ, người trước mặt anh là một người quắc thước, đầy vẻ tự tin, mặt mũi dễ coi, và có vẻ trẻ trung mặc dù có vài lọn tóc bạc trên da đầu hồng hào. Maryk choáng váng.
Queeg tới ngồi trên ghế đặt trên bệ cao giữa phòng. Ông trả lời mấy câu hỏi đầu tiên một cách lịch sự và mạnh dạn. ông không bao giờ nhìn Maryk mặc dù Maryk ngồi tại bàn bị cáo cách ông chưa đầy một thước.
Challee nhanh nhẹn chuyển câu chuyện tới buổi sáng hôm gặp bão, và mời vị cựu hạm trưởng kể lại câu chuyện theo lời ông ta. Queeg trả lời chuyện giựt quyền chỉ huy một cách mạch lạc, ngắn gọn bằng ngôn ngữ trịnh trọng. Maryk phải nhận rằng Queeg đã kể lại các sự kiện một cách trung thực, những sự kiện ngoài mặt. Tô vẽ một chút vào những gì đã nói và đã làm, và dĩ nhiên là bỏ đi hoàn toàn các chi tiết về hình dáng và phản ứng của viên hạm truởng. Tuyệt vời đủ để lật ngược bức tranh sang mặt trái. Theo như Queeg kể thì ông ta chỉ muốn hết sức duy trì vị trí và hướng đi của hạm đội và trước sự đe dọa của thời tiết càng ngày càng tệ, ông đã cố gắng xoay sở rất đúng cách cho đến khi người hạm phó bất ngờ lên cơn điên và cướp quyền chỉ huy. Sau đó, ông vẫn ở trên đài chỉ huy và chỉ cho người hạm phó mê loạn cách vận chuyển và ông đã mang chiến hạm an toàn ra khỏi trận bão.
Các sĩ quan xử án theo dõi lời kể đầy thiện cảm. Có một lúc, đại tá Blakely chuyển một cái nhìn đầy trách móc về   phía bị can. Trước khi Queeg chấm dứt, Maryk hoàn toàn tuyệt vọng. Anh nhìn người luật sư biện hộ bằng con mắt khiếp sợ. Greenwald đang nguệch ngoạc vẽ lung tung những con heo đỏ mập trên xấp giấy trước mặt.
-  Commandant – Challee nói – Commandant có cách nào giải thích được hành động của hạm phó không?
-  Chúng tôi ở trong một tình trạng khá nghiêm trọng – Queeg bình tĩnh nói – gió cấp 10 tới 12, sóng thật khổng lồ, và chiến hạm dĩ nhiên vận chuyển rất khó khăn. Cả buổi sáng Maryk tỏ ra rất lo sợ và bồn chồn. Tôi nghĩ khi chúng tôi bị lượn sóng ngang thật nặng, anh ta trở nên hoảng hốt và hành động điên khùng. Anh ta hành động dưới ảo giác rằng chỉ có anh ta và chỉ một mình anh ta là có thể cứu được chiến hạm. Cái nhược điểm lớn nhất của anh ta là tính tự phụ về khả năng hải hành của anh ta…
-  Chiếc Caine có ở trong tình trạng thật nguy khốn vào lúc đó không?
-  Tôi không cho là như vậy. Dĩ nhiên một trận bão thì lúc nào cũng nguy hiểm, nhưng chiến hạm vượt sóng rất tốt cho tới lúc đó và tiếp tục sau đó cũng vậy.
-  Hạm trưởng có bao giờ bị bệnh tâm thần không?
-  Không.
-  Lúc mà ông Maryk lấy quyền chỉ huy, ông có bị bệnh một chút nào không?
-  Tôi không bị gì hết.
-  Hạm trưởng có phản đối việc cướp quyền không?
-  Tôi phản đối bằng mọi cách.
-  Hạm trưởng có tìm cách lấy lại quyền chỉ huy không?
-  Rất nhiều lần.
-  Hạm trưởng có cảnh cáo anh ta về hậu quả việc làm của anh ta không?
-  Tôi bảo anh ta là anh ta đang phạm tội nổi loạn.
-  Anh ta trả lời ra sao?
-  Anh ta biết là sẽ bị đưa ra tòa án quân sự, nhưng vẫn tiếp tục giữ quyền chỉ huy.
-  Thái độ của hải quân trung úy Keith, sĩ quan đương phiên ra sao?
-  Anh ta cũng hoảng hốt như Maryk, có phần nặng hơn. anh ta luôn luôn ủng hộ Maryk.
-  Thái độ của các sĩ quan khác ra sao?
-  Họ đều ngần ngại và thụ động. trong trường hợp này, tôi nghĩ họ cũng chẳng làm gì khác được.
-  Thái độ của người đương phiên lái tàu ra sao?
-  Stilwelll là một tên phá rối nhất tàu. anh ta bất quân bình về tâm thần, và vì một lý do nào đó, rất tận tụy với trung úy Keith. Anh ta không ngần ngại gì trong việc không tuân lệnh tôi.
-  Bây giờ Stilwell ở đâu?
-  Theo tôi biết, Stilwell đang điều trị tại bệnh viện tâm thần ở đây về bệnh u sầu cấp tính.
Challee liếc nhìn tòa án:
-  Ngoài ra hạm trưởng có gì nói thêm liên quan tới công chuyện xảy ra vào ngày 18 tháng chạp không?
-  Tôi có suy nghĩ rất nhiều. đây là một chuyện nghiêm trọng nhất trong hải nghiệp của tôi và một chuyện duy nhất tạo nên ngờ vực trong hải nghiệp của tôi mà tôi biết được. đó là một tai nạn lẻ loi rất đáng tiếc. Nếu sĩ quan đương phiên là bất cứ ai ngoài Keith, nhân viên trực lái tàu là bất cứ ai ngoài Stilwell, câu chuyện sẽ không bao giờ có thể xảy ra được. Keefer hay Harding hay Paynter sẽ chống lại lệnh của Maryk hay có thể ngay tức khắc tống cổ Maryk đi. Một thủy thủ bình thường sẽ không theo lệnh của hai sĩ quan kia mà tuân theo lệnh của tôi. Thật xui xẻo là cả ba người – Maryk, Keith và Stilwell – hợp lại chống lại tôi vào lúc sống chết đó. Thật xui xẻo cho tôi, thật bất hạnh cho họ.
Maryk giành cây viết chì của Greenwald trong lúc Queeg nói. Anh viết lên xấp giấy “Tôi có thể chứng minh tôi không có hoảng hốt.” Viên luật sư viết trả lời “được lắm, nhưng có thể không cần thiết” rồi anh vẽ một con heo bự chung quanh hai dòng chữ đó.
-  Tòa muốn hỏi nhân chứng – Blakely nói – Commandant Queeg, thiếu tá ở hải quân bao lâu rồi?
-  Dạ đã được 14 năm.
-  Trong khoảng thời gian đó anh đã đi khám bệnh và trắc nghiệm tâm lý trong những dịp nhập học, ra trường, thăng cấp theo đúng chỉ thị phải không?
-  Dạ có đầy đủ?
-  Trong hồ sơ y khoa của anh có khoản nào liên quan đến bệnh hoạn, về cơ thể cũng như về tâm thần không?
-  Dạ không. Chỉ có một giải phẫu cắt bỏ hạch nhân vào mùa thu năm 1938 là bất thường thôi.
-  Anh có bao giờ bị phê điểm xấu hay bị thư khiển trách hay cảnh cáo không?
-  Không. Tôi có trong túi tôi một giấy khen.
-  Commandant Queeg, nếu có thể được, xin ông cho tòa biết ý kiến của ông về việc Đại úy Maryk cho rằng ông bị bệnh tâm thần, khi mà quá trình và hồ sơ sức khỏe của ông như thế.
Challee liếc nhanh về phía Greenwald, nghĩ rằng Greenwald sẽ phản đối câu hỏi đó. Ông luật sư biện hộ ngồi cúi mặt, đang vẽ trên xấp giấy. Anh chàng thuận tay trái, vết sẹo trên cổ tay và bàn tay bao quanh cây viết chì.
-  Tôi phải xin phép báo cáo rằng tôi lãnh một chiến hạm vô tổ chức nhất và bẩn thỉu nhất. Tôi biết tôi sẽ phải làm việc cực nhọc một thời gian dài. Tôi cương quyết mang cái tàu đó đến mức khả quan, bất kể là phải khó khăn hoặc khó chịu tới đâu. Tôi gửi thêm ra nhiều biện pháp nghiêm khắc. Tôi có thể nói là ngay từ đầu đại úy Maryk chống lại ý muốn của tôi về việc này. Anh ta không bao giờ trực diện về vấn đề nâng cao tình trạng của chiến hạm cho tới mức khả quan, và có thể anh ta nghĩ tôi điên khùng mới cứ tiếp tục như vậy. Việc thiếu trung thành và thiếu nhiệt thành làm cho công việc của tôi thật rất khó khăn. Tôi…tôi nghĩ tình trạng là như vậy. và như tôi đã nói, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về chiếc Caine mặc dù tất cả những khó khăn Maryk mang đến cho tôi.
Vị chủ tọa, Challee, và Greenwald ngó nhau. Greenwald đứng dậy để thẩm vấn:
-  Commandant Queeg – anh nói lễ phép, cúi mặt nhìn cái viết chì trong tay – Tôi xin phép được hỏi commandant có bao giờ nghe tới tiếng “Lão Dấu Vàng” không?
-  Liên quan tới chuyện gì? – Queeg bối rối.
-  Về bất cứ chuyện gì.
-  Lão Đá Vàng?
-  Lão Dấu Vàng, Commandant.
-  Tôi chưa hề nghe thấy.
-  Như vậy là hạm trưởng không để ý là tất cả các sĩ quan trên tàu đều quen gọi hạm trưởng bằng cái tên Lão Dấu Vàng sao?
Người công tố viên nhảy dựng lên:
-  Tôi phản đối câu hỏi! Thật là hỗn xược và làm khó nhân chứng.
Blakely lạnh lùng hỏi:
-  Luật sư biện hộ trả lời sao để bào chữa cho đường lối thẩm vấn này?
-  Xin phép được trình bày với quý tòa rằng, luật sư biện hộ được giao trách nhiệm để phản bác những tội ghi trong cáo trạng là – Tôi xin trích dẫn – Không có thẩm quyền và không có lý do chính đáng. Bên bị cáo có ý định minh chứng rằng thẩm quyền cho phép đại úy Maryk là điều 184, 185 và 186, hải quy và lý do chính đáng của đại úy Maryk là hành vi, thái độ và quyết định của hạm trưởng Queeg khi ông chỉ huy chiến hạm Caine. Biệt hiệu “Lão Dấu Vàng” mà các sĩ quan chiến hạm Caine dùng và những sự kiện khiến tạo nên tên đó rất có liên quan tới việc chứng minh cho bị cáo. Tôi xin trích dẫn điều 185 “Quyết định để cất quyền một chỉ huy trưởng phải là một quyết định mà một sĩ quan có năng lực, thận trọng và kinh nghiệm sẽ coi như là một biện pháp cần thiết do những sự kiện được chứng minh là hiện hữu”.
Vị đại tá chủ tọa nhíu đôi mày rậm lúc Greenwald nói. Ông ra lệnh:
-  Mời mọi người rời phòng xử.
Trong hành lang, Greenwald tựa vào tường và nhận xét với Maryk:
-  Đại tá Blakely không thích người Do Thái. Cái giọng ông ta nói “Greenwald” làm tôi nhận ra thật rõ ràng.
-  Giê su ma, lạy Chúa tôi! – Maryk khổ sở nói.
-  Cũng đâu có gì quan trọng đâu, người ta đâu có cần phải thương bọn Do Thái đâu, chỉ cần một chút công bằng là đủ rồi. Trong hải quân, tôi lúc nào cũng được đối xử công bằng. Blakely cũng sẽ làm như vậy, dù cho cái lông mày chổi xể của ông ta không có vẻ hiền lành.
-  Tới giờ này, tôi thấy tôi chẳng có hy vọng gì – viên hạm phó than thở.
-  Queeg hành động rất kẻ cả - Greenwald nói.
Người tùy phái gọi mọi người vào phòng xử.
-  Trước khi tòa tuyên bố quyết định, tòa muốn luật sư biện hộ cẩn thận rằng – Blakely nói, nhìn một cách nghiêm khắc về phía Greenwald – đây là một vụ xử hết sức tế nhị và bất thường. Những gì nơi đây đều ảnh hưởng tới danh dự và binh nghiệp của một sĩ quan với một quân bạ 14 năm hoàn hảo, và thời gian tác chiến dài. Tòa ghi nhận rằng luật sư biện hộ bắt buộc phải tìm hiểu về khả năng chỉ huy của vị sĩ quan đó. Tuy nhiên, tất cả những nguyên tắc về phép lịch sự, sự kính trọng và tuân lệnh thượng cấp đều phải được duy trì đầy đủ. Luật sư biện hộ sẽ phải gánh chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm về tư cách của mình kể cả khi phải sử dụng quyền thẩm vấn của mình, nếu có những lạm dụng và cố ý không tốt – vị chủ tọa dừng lại, nhìn Greenwald một cách nghiêm khắc hơn. Greenwald đang đứng sau bàn bị cáo, nhìn xuống xấp đám heo vẽ trên xấp giấy – Với những điều kiện đã nói trên, tòa bác bỏ lời phản đối của công tố ủy viên. Tốc ký viên nhắc lại câu hỏi.
Người bí thư nhỏ bé mặc quân phục tiểu lễ, đọc giọng đều đều lạnh lùng:
-  Như vậy hạm trưởng không để ý là tất cả các sĩ quan trên tàu đều quen gọi hạm trưởng bằng cái tên Lão Dấu Vàng sao?
Queeg gục đầu xuống, nghiêng mắt nhìn về phía trước mặt. Maryk bỗng dưng thấy một hình ảnh quen thuộc của Queeg.
-  Tôi không biết điều đó.
-  Commandant – Greenwald nói – commandant phê điểm đại úy Maryk bao nhiêu lần, không kể lần sau vụ cất chức?
-  Hai lần, nếu tôi không lầm.
-  Một lần vào tháng giêng, và một lần vào tháng 7 phải không?
-  Đúng thế.
-  Hạm trưởng có còn nhớ nội dung bản phê điểm đó không?
-  Tôi nhớ là cho điểm không tệ lắm.
-  Hạm trưởng cho điểm tối ưu cả hai lần phải không?
-  Có lẽ đó vào lúc mới đầu. Tôi rất có thể cho điểm tối ưu.
-  Chúng tôi có phóng bản, nếu hạm trưởng cần coi qua.
-  Tôi có thể nói chắc chắn là có như vậy. tôi vẫn coi anh ta thuộc loại giỏi vào lúc đầu.
-  Như vậy có ngược lại với lời khai của hạm trưởng là anh ta phản đối những ý kiến của hạm trưởng về chiếc Caine ngay từ đầu không?
-  Không có gì trái ngược hết. Cái đó là tùy theo ý anh giải thích mà thôi. Tôi không dùng bản phê điểm để trả thù các sĩ quan chống đối tôi. Và Maryk là người biết việc và có lẽ tôi không nên nói là vào lúc đầu. Lúc đầu anh ta lăng xăng như con bọ xít, rồi chùng xuống thật nhanh chóng. Những loại như vậy không hiếm, và tôi không phải là người hạm trưởng duy nhất bị lừa gạt vào lúc đầu.
-  Hạm trưởng có nói ghi trong bản phê điểm mùng một tháng 7 rằng đại úy Maryk xứng đáng được trao quyền chỉ huy chiến hạm phải không?
-  A, như tôi đã nói, anh ta khởi sự hăng hái xun xoe. Nếu anh muốn biết cuối cùng anh ta như thế nào, anh chỉ việc coi bản phê điểm cuối cùng thôi.
-  Commandant, có phải commandant thảo bản phê điểm đó sau khi anh ta đã cất quyền chỉ huy của commandant vì lý do commandant bị bệnh tâm thần phải không?
-  Cái đó không có gì khác hết – Queeg dõng dạc nói với giọng khàn khàn cố hữu – bản phê điểm không bao giờ dùng để trả đũa hay trả thù, nhất là đối với tôi.
-  Chúng tôi không còn hỏi gì nữa – Greenwald quay lại với tòa – hạm trưởng Queeg sẽ được mời làm nhân chứng cho bên bị cáo.
Đôi mày rậm của đại tá Challee lộ rõ vẻ ngạc nhiên rồi chịu thua.
Queeg được về, hấp tấp ra khỏi phòng.
-  Mời hải quân đại úy Thomas Keefer.
Nhà văn bước vào, vai ưỡn ra phía sau, đầu hơi nghiêng sang một bên, mắt nhìn trống vắng về phía trước. Sau thủ tục tuyên thệ, anh ngồi vào ghế nhân chứng, lóng ngóng bắt tréo chân. Khuỷu tay dựa vào thành ghế, hai tay anh đan vào nhau trước bụng. Chân anh chàng đong đưa nhè nhẹ trong suốt thời gian anh trả lời.
Challee phớt qua những câu hỏi mở đầu thông lệ, rồi nói:
-  Đại úy Keefer, bây giờ nói đến chuyện buổi sáng nga`y18 tháng chạp…Vào lúc mà hạm trưởng Queeg  bị cất quyền chỉ huy. Đại úy ở đâu?
-  Ở trong phòng hải đồ.
-  Anh làm gì trong đó?
-  Lúc đó thời tiết thật khủng khiếp. có nhiều người ở đó, sĩ quan và thủy thủ. Chúng tôi muốn sẵn sàng khi nguy cấp. Dĩ nhiên là chúng tôi tránh phòng lái vì không muốn vướng chân vướng cẳng mọi người.
-  Đại úy cho biết làm sao đại úy biết tin hạm trưởng bị cất chức.
-  Hạm phó ra lệnh cho sĩ quan trình diện trên phòng lái. Khi chúng tôi tới nơi, đại úy Maryk cho chúng tôi biết là hạm trưởng đang bị bệnh và đại úy Maryk đã giữ quyền chỉ huy.
-  Thiếu tá Queeg lúc bấy giờ đang ở đâu?
-  Trong phòng lái.
-  Ông ta có đồng ý với Maryk không?
-  Không, ông ta không đồng ý. Ông liên tục phản đối và cảnh cáo chúng tôi nếu chúng tôi tuân theo lệnh của đại úy Maryk, chúng tôi sẽ phạm tội cấu kết nổi loạn.
-  Thiếu tá Queeg có lộ vẻ gì bệnh hoạn không?
-  A.. – Keefer nhúc nhích, và trong giây lát chạm ánh mắt khẩn thiết đau buồn của Maryk – Tôi phải nhận rằng vào lúc nguy hiểm nhất trong cơn bão, không có ai trên chiến hạm trông thảnh thơi được. Ông ấy quần áo ướt đẫm, mệt mỏi, và có vẻ rất căng thẳng.
-  Ông ta có chạy lên chạy xuống, cáu kỉnh hay lộ vẻ bất thường của một người mất trí không?
-  Không.
-  Ông ta có nói năng lẫn lộn hay lắp bắp khi ông phản đối bị cất chức không?
-  Không, ông nói năng rất mạch lạc.
-  Ông ta trông có tệ hơn, thí dụ như trung úy Keith không?
-  Không.
-  Hay là đại úy Maryk?
-  Có lẽ là không. Chúng tôi ai cũng nhừ tử, ướt sũng, và bị văng từ bên nọ sang bên kia trong phòng lái.
-  Khi Maryk tuyên bố như vậy, anh trả lời thế nào?
-  Câu chuyện xảy ra nhanh chóng và hỗn độn. Hạm trưởng Queeg đang nói chuyện với chúng tôi thì thấy chiếc George Black đang bị đắm. Maryk thì đang lo vận chuyển cứu mấy người sống sót, và mọi người ai cũng chỉ nghĩ tới chuyện đó thôi.
-  Anh có tìm cách thuyết phục Maryk trả lại quyền chỉ huy cho Queeg không?
-  Không.
-  Anh là sĩ quan thâm niên sau Maryk phải không?
-  Đúng vậy.
-  Anh có thấy vấn đề rất nghiêm trọng không?
-  Dĩ nhiên là tôi có thấy.
-  Anh có nhận ra rằng những cảnh cáo của hạm trưởng Queeg về tội cấu kết nổi loạn là có căn cứ vững chắc không?
-  Có.
-  Tại sao anh không có làm gì để chỉnh đốn lại tình trạng đó?
-  Tôi đã không có mặt khi sự việc xảy ra. Tôi không biết ông ta đã làm gì trong khi khẩn trương khiến cho hạm phó phải đi tới quyết định là hạm trưởng bị đau. Và mọi người đều chăm chú ưu tiên vào việc cứu nạn nhân chiếc Black và cứu chính tàu của mình nữa. Không có ai có thì giờ để bàn cãi gì. Khi cơn bão hạ xuống rồi, thì mọi việc đã trở nên nề nếp rồi. Maryk hoàn toàn điều khiển chiến hạm. Tất cả mọi người đều tuân theo lệnh của Maryk. Chống đối lại vào lúc đó có thể lại trở thành một cuộc nổi loạn do tôi cầm đầu nữa. Tôi quyết định rằng phương cách tốt nhất để bảo toàn an toàn chiến hạm, là tuân lệnh của đại úy Maryk cho đến khi thượng cấp chấp thuận hay bác bỏ nhiệm vụ đó của Maryk. Tôi làm theo chiều hướng đó.
-  Đại úy Keefer, anh phục vụ trên chiến hạm trong suốt thời gian thiếu tá Queeg là hạm trưởng phải không?
-  Đúng.
-  Anh có bao giờ nhận xét thấy ông ta có điểm là mất trí không?
Keefer ngần ngừ, liếm môi, và nhìn về phía Maryk, lúc đó đang nhai mấy đốt ngón tay và nhìn qua cửa sổ những ngọn cây chan hòa ánh nắng.
-  Tôi không thấy…Tôi không trả lời rành mạch được câu đó vì tôi không phải là bác sĩ tâm thần.
-  Ông Keefer – Challee nghiêm mặt nói – Nếu ông thấy một người lăn lộn trên mặt đất, miệng xùi bọt mép, hay là chạy lên chạy xuống cầu thang la lên là bị cọp đuổi, anh có dám nói là người đó bị bấn loạn thần kinh không?
-  Có.
-  Hạm trưởng Queeg có bao giờ như vậy không?
-  Không. Không có chuyện đó.
-  Anh có bao giờ nghĩ ông ta bị mất trí không?
-  Tôi phản đối câu hỏi đó – Greenwald đứng dậy nói – Nhân chứng không phải chuyên viên trong ngành tâm lý. Những vấn đề có thể tranh cãi được thì không thể là bằng chứng được.
-  Tôi rút lại câu hỏi đó.
Challee nói, hơi cười cười, và Blakely ra lệnh xóa bỏ câu hỏi trong biên bản.
Khi Greenwald ngồi xuống. Maryk chuồn tập giấy hàng chữ đỏ nguệch ngoạc trên những con heo bự “Tại sao, tại sao, TẠI SAO????” Greenwald viết nhanh lên tờ giấy mới “Kéo Keefer vào không có lợi cho anh. Thành ra hai tên khốn kiếp bất mãn, thay vì một hạm phó anh hùng. Như vậy là huề”.
-  Keefer - ủy viên công tố nói – có lúc nào trước ngày 18 tháng chạp anh được biết là Maryk nghi ngờ Queeg bị bệnh tâm thần không?
-  Có.
-  Anh hãy kể lại làm sao anh biết được chuyện đó.
-  Ở Ulithi khoảng hai tuần trước trận bão, Maryk cho tôi coi một quyển sổ ghi các cách xử sự của Queeg. Maryk rủ tôi đi tới chiếc New Jersey để báo cáo với đô đốc Halsey.
-  Anh nghĩ sao về cuốn sổ đó?
-  Tôi rất kinh ngạc khi biết Maryk giữ cuốn sổ như vậy.
-  Anh có đồng ý đi với Maryk không?
-  Có.
-  Tại sao?
-  Tại vì tôi ngạc nhiên. Và tôi… nghĩa là Maryk là thượng cấp của tôi và cũng là bạn thân. Tôi không nghĩ tới chuyện từ chối.
-  Anh có tin rằng cuốn sổ ghi có thể biện minh cho việc cất chức hạm trưởng Queeg không?
-  Không. Khi chúng tôi tới chiếc New Jersey, tôi nói với anh ấy rất mạnh mẽ rằng theo ý kiến của tôi cuốn sổ đó không có thể biện minh được gì, và cả hai chúng tôi có thể bị phạm tội thông đồng với nhau để nổi loạn.
-  Anh ta trả lời sao?
-  Maryk làm theo ý kiến của tôi. Sau khi trở về chiếc Caine, chúng tôi không nhắc tới cuốn sổ đó nữa cũng như tới tình trạng tâm thần của Queeg.
-  Anh có báo cáo cho hạm trưởng biết về cuốn sổ không?
-  Không.
-  Tại sao không?
-  Làm vậy không có lợi cho chiến hạm khi gây xích mích giữa hạm trưởng và hạm phó. Maryk rõ ràng là đã không theo đuổi việc đó nữa. Tôi coi như chuyện như vậy là xong.
-  Anh có ngạc nhiên khi thấy anh ta cất chức hạm trưởng chỉ hai tuần sau đó không?
-  Tôi rất sửng sốt.
-  Anh có thấy hài lòng không?
Keefer cựa quậy trên ghế, liếc nhìn bộ mặt hung tợn của Blakely rồi nói:
-  Tôi đã nói là Maryk là bạn thân của tôi. Tôi bối rối vô cùng, tôi nghĩ anh sẽ bị lâm vào cảnh vô cùng khó khăn và tôi đã nghĩ tất cả chúng tôi cũng đều bị như vậy cả. Tôi nghĩ đây là một trường hợp vô cùng tồi tệ. Thật khó mà nói là hài lòng được.
-  Chúng tôi đã hỏi xong – Challee nói và gật đầu với Greenwald.
Viên luật sư biện hộ đứng lên:
-  Chúng tôi không có câu hỏi nào cho nhân chứng.
Cả bảy thành viên tòa án đều quay lại nhìn Greenwald. Blakely nhíu tít đôi mày chổi xể, nói:
-  Phía bị cáo có tính sau này gọi lại nhân chứng không?
-  Thưa không.
-  Cũng không thẩm vấn gì khác?
-  Không.
-  Tốc ký viên, ghi vào biên bản là bên bị cáo không muốn thẩm vấn đại úy Keefer..Tòa muốn hỏi nhân chứng. Anh Keefer, tòa muốn anh kể lại bất cứ một sự kiện nào mà anh đã nhận xét thấy có thể khiến cho một sĩ quan thận trọng và có kinh nghiệm có thể kết luận rằng hạm trưởng Queeg có thể bị bệnh tâm thần không?
-  Thưa đại tá, như tôi đã nói, tôi không phải là tâm lý gia – Keefer bây giờ mặt xanh như tàu lá.
-  Bây giờ trở lại cuốn sổ ghi. Anh đã đọc cuốn sổ đó. Anh có biết những sự kiện ghi trong đó không?
-  Tôi biết phần lớn.
-  Nhưng cũng cùng những sự kiện đó đã làm cho đại úy Maryk nghĩ là phải báo cáo lên đô đốc Halsey, nhưng anh đã không thấy gì rõ ràng có phải vậy không?
-  Đúng vậy.
-  Tại sao?
Keefer ngửng đầu nhìn đồng hồ, rồi nhìn lại Blakely:
-  Thưa đại tá, đó là chuyện mà một người thường ngoài đuờng phố không có thể bàn tới rành rẽ được.
-  Anh có nói anh là bạn thân của đại úy Maryk. Tòa chúng tôi muốn tìm hiểu xem trong tất cả mọi chuyện xảy ra, có thể có cái gì uẩn khúc khiến cho Maryk phải cất quyền hạm trưởng. Những sự kiện ghi trong đó có cho anh, như là một người thường ngoài phố, anh có thấy hạm trưởng Queeg là một người rất bình thường và là một sĩ quan rất có khả năng không?
Trong giọng nói của Blakely có một vẻ châm biếm, Keefer trả lời ngay:
-  Theo ý tôi, thưa đại tá, tôi hiểu rằng bệnh tâm thần là một thứ rất tương đối. Hạm trưởng Queeg là một sĩ quan áp dụng kỷ luật rất khắt khe, và rất tỉ mỉ đến tận cùng, và nhất định phải làm theo cách của mình mới được. hạm trưởng không phải là một người dễ bị thuyết phục hay lý luận. Tôi không ở trong địa vị để phán đoán về những chuyện đó, nhưng trong một số trường hợp, tôi thấy hạm trưởng quá khắt khe và tốn quá nhiều thì giờ cho những việc nhỏ nhặt. Những chuyện đó được ghi lại trong cuốn sổ. Những chuyện đó rất khó chịu. Nhưng nếu từ những chuyện đó mà kết luận rằng hạm trưởng là một người điên cuồng kỳ quặc…Tôi phải thành thực khuyên Maryk phải cẩn thận đừng làm như vậy.
Blakely kêu người công tố ủy viên và nói nhỏ với ông ta, xong nói:
-  Chúng tôi không có câu hỏi gì khác, nhân chứng được phép rời phòng xử.
Keefer bước xuống, xoay người, và đi ra thật nhanh. Maryk nhìn theo anh ta với một nụ cười buồn.
Trong phiên xử buổi chiều, Challee kêu Harding và Paynter trước. hai người này tỏ ra là những nhân chứng rất khó chịu. Một lần Paynter bị cảnh cáo về tội lảng tránh không trả lời trong phạm vi câu hỏi. Challee ép họ phải chịu thuận lời khai của Keefer: hạm trưởng không có vẻ bị bệnh sau khi bị cất chức, và họ không biết lý do vì sao Maryk lại cất quyền hạm trưởng.
Qua những lời thẩm vấn, ai cũng thấy rõ là hai sĩ quan này chẳng ưa gì Queeg. nhưng cả hai người đều bị Challee dồn vào thế phải nhận rằng hạm trưởng Queeg không bao giờ có những hành động điên rồ trong suốt thời gian ông nắm quyền chỉ huy.
Trong khi thẩm vấn Harding, Greenwald đemra được chuyện Stilwell bị cắm trại hết sáu tháng về tội đọc sách trong phiên trực hạm kiều, và toàn chiến hạm bị cắm trại trăm phần trăm hết năm ngày vì một số thủy thủ không mặc áo phao trong khi thực tập nhiệm sở tác chiến. Do lời khai của Paynter mọi người được nge tả lại buổi xử Stilwell trong phiên tòa hải quân tại chiến hạm.
Trong cuộc tái thẩm vấn, Challee hung hãn áp lực nặng nề người sĩ quan cơ khí.
-  Thưa ông Paynter, hạm trưởng Queeg có ra lệnh cho ông kết án Stilwell không?
-  Hạm trưởng không có ra lệnh cho tôi như vậy. cái cách hạm trưởng giải thích luật, hạm trưởng không cho phép nghi ngờ về bản án mà hạm trưởng muốn.
-  Anh nghĩ hạm trưởng muốn xử phạt thế nào?
-  Có tội và giải ngũ vì lý do kỷ luật.
-  Tòa xử thế nào?
-  Có tội và bị mất sáu buổi đi bờ.
-  Hạm trưởng có tìm cách ra lệnh thay đổi hình phạt không?
-  Không.
-  Ông có gởi lời khuyến cáo tới tòa không?
-  Không.
-  Anh có bị hạm trưởng phạt không?
-  Có chứ. Hạm trưởng ra lệnh cấm ngủ sau 0800. Và gtr bắt đầu ghi sổ đen những sơ sót chúng tôi phạm phải trong các báo cáo.
-  Nói một cách khác, những hình phạt độc ác này là gồm có những lệnh là phải ghi chép sổ sách thật chính xác và không được ngủ trong giờ làm và, có đúng như vậy không?
-  Chúng tôi đi ca the ba chi đội, và không được ngủ trong….
-  Xin trả lời câu hỏi. có phải đó là những cái mà anh gọi là hình phạt không?
-  Phải.
-  Chúng tôi không hỏi gì thêm.
Greenwald đứng dậy:
-  Anh Paynter, chiến hạm làm gì trong thời gian đó?
-  Chiến hạm đi hộ tống trong khu tiền tuyến.
-  Chiến hạm có phải đi hành quân nhiều không?
-  Gần như lúc nào cũng có cộng tác.
-  Ai là sĩ quan đương phiên?
-  Keefer, Harding và Keith. Phần lớn tôi ở ngoài phiên trực vì máy móc trục trặc.
-  Họ có phải đều là sĩ quan trưởng ban không?
-  Đúng vậy.
-  Và họ đều trực phiên, bốn giờ lên ca, 8 giờ xuống ca, 24 giờ một ngày, tuần này qua tuần khác. Trung bình mỗi ngày họ được ngủ chừng mấy tiếng?
-  Để coi. Cứ hai trong ba đêm là mình mất bốn tiếng – hoặc là ca nửa đêm hay ca sáng sớm. Sau đó là nhiệm sở tác chiến vào bình minh. Tôi nghĩ khoảng bốn đến năm tiếng, nếu không có nhiệm sở tác chiến vào ban đêm.
-  Có nhiều lần phải nhiệm sở tác chiến vào ban đêm không?
-  Một tuần chừng vài ba đêm.
-  Hạm trưởng de Vriess có bao giờ cấm các sĩ quan trưởng phiên ngủ ban ngày không?
-  Không. Hạm trưởng de Vriess thường dặn chúng tôi lúc nào ngủ được thì ráng ngủ. Ông nói ông không muốn bọn ma trơi điều khiển tàu của ông.
Người công tố ủy viên lại ngắn gọn:
-  Ông Paynter, có sĩ quan trưởng phiên nào chết vì bị quá căng thẳng không?
-  Không.
-  Có ai bị phát điên không?
-  Không.
-  Kết quả của những cấm đoán đó có gây nên những tai nạn gì cho tàu không?
-  Không.
-  
Người chứng tiếp theo là Urban. Bàn tay của người giám lộ nhỏ thó run rẩy, giọng quíu lại. Công tố ủy viên dồn anh ta phải xác nhận rằng anh ta là người duy nhất tại phòng lái khi hạm trưởng bị cất chức, ngoài Queeg, Maryk, Keith và Stilwell.
-  Nhiệm vụ anh làm gì?
-  Tôi giữ ghi sổ giám lộ.
-  Kể cho chúng tôi nghe việc xảy ra như thế nào khi đại úy Maryk cất quyền hạm trưởng.
-  Dạ, hạm phó nhận quyền chỉ huy lúc mười giờ kém năm, tôi có ghi rõ trong sổ giám lộ…
-  Ông nhận quyền chỉ huy như thế nào?
-  Hạm phó nói “thưa hạm trưởng, tôi nhận quyền chỉ huy chiến hạm”.
-  Ông ta có làm gì khác không?
-  Tôi không nhớ rõ.
-  Tại sao hạm phó lại cướp quyền chỉ huy? Lúc đó có chuyện gì không?
-  Lúc đó tàu bị lắc dữ lắm.
Challee ngước nhìn tòa án thất vọng.
-  Urban, kể tất cả các chuyện xảy ra trong khoảng mười phút trước khi hạm trưởng Queeg bị mất quyền chỉ huy.
-  Dạ, như tôi nói lúc nãy, lúc đó tàu bị lắc dữ lắm.
Challee đứng chờ, nhìn chăm chăm vào người thủy thủ. sau cùng, ông buột miệng:
-  Có vậy thôi hả? Hạm phó có nói gì không? hạm trưởng có nói gì không? sĩ quan đương phiên có nói gì không? rồi chiến hạm im lặng lắc trong mười phút như vậy hả?
-  Thưa thiếu tá, lúc đó đang bão, tôi không có nhớ gì nhiều.
Blakely nghiêng người về phía trước, quắc mắt và đan ngón tay chỉ vào người giám lộ:
-  Này Urban, anh đã tuyên thệ làm chứng. Tránh né trả lời tại tòa án quân sự là phạm tội khi mạn tòa án, là một tội không có nhẹ. Nghĩ cho kỹ, rồi trả lời câu hỏi cho rành mạch.
Urban trả lời một cách tuyệt vọng:
-  Tôi nghĩ hạm trưởng muốn quẹo bên trái và hạm phó muốn quẹt mặt, hay là câu chuyện tương tự như vậy.
-  Tại sao hạm trưởng muốn quẹo trái?
-  Tôi không biết, thiếu tá.
-  Tại sao hạm phó muốn quẹo tay phải?
-  Thưa thiếu tá, tôi là nhân viên giám lộ, tôi giữ sổ sách giám lộ. Tôi ghi sổ rất cẩn thận dù tàu lắc rất dữ. Lúc đó tôi không biết câu chuyện như thế nào, và đến bây giờ tôi cũng vẫn chưa biết chuyện gì với chuyện gì.
-  Hạm trưởng có hành động điên cuồng không?
-  Dạ không.
-  Hạm phó?
-  Dạ không.
-  Hạm phó có vẻ gì sợ hãi không?
-  Dạ không.
-  Hạm trưởng có vẻ gì sợ hãi không?
-  Dạ không.
-  Có ai ở đó có vẻ sợ hãi không?
-  Dạ chỉ có mình tôi sợ vãi đái thôi. Ô, tôi xin lỗi.
Một sĩ quan thành viên tòa án, ông đại úy trừ bị có mặt giống như người gốc Ái Nhĩ Lan, tóc quăn đỏ, cười khúc khích, thành tiếng. Blakely quay lại nhìn ông ta. Anh chàng bắt đầu cuống quít ghi ghi chép chép trên xấp giấy màu vàng. Challee nói:
-  Urban, anh là nhân chứng duy nhất trên đài chỉ huy không có liên quan đến việc nổi loạn, cho nên lời khai của anh hết sức quan trọng.
-  Tôi ghi tất cả mọi chuyện trong sổ giám lộ, thưa thiếu tá, có cái gì ghi cái nấy.
-  Sổ ghi không có ghi những cuộc đối thoại. tôi đang tìm hiểu xem ai nói cái gì.
-  Dạ, như tôi nói lúc nãy, một người muốn quẹo phải, một người muốn quẹo trái, xong rồi hạm phó nhận quyền chỉ huy.
-  Mà hạm trưởng không có làm gì khác thường hay điên rồ gì trong suốt buổi sáng, phải vậy không?
-  Thưa thiếu tá, hạm trưởng bình thường giống như mọi ngày.
Challee hét lên:
-  Có bịnh hay không bịnh?
Urban co rúm người lại, nhìn thẳng vào Challee:
-  Dĩ nhiên là không có bịnh, thiếu tá. Tôi chỉ được biết có vậy.
-  Anh không nhớ có ai nói gì trong buổi sáng hôm đó hả?
-  Tôi lo ghi sổ, thiếu tá. Không có gì hết ngoại trừ việc quẹo trái quẹo phải, và bão tệ đến như thế nào.
-  Còn việc bơm nước dằn tàu thì sao?
-  Tôi có nghe nói tới việc dằn tàu.
-  Nói thế nào?
-  Chỉ nói là có nên dằn tàu hay không?
-  Ai muốn dằn tàu?
-  Dạ, hạm trưởng hay là hạm phó. Tôi không biết ai muốn cái gì.
-  Anh cần đã nhớ ai đã ra lệnh dằn tàu, Urban. Chi tiết này rất quan trọng.
-  Tôi đâu có biết gì về việc dằn tàu đâu thiếu tá. Tôi chỉ biết là các sĩ quan nói về chuyện dằn tàu.
-  Buổi sáng hôm đó tàu có bơm nước để dằn tàu không?
-  Dạ có, vì tôi nhớ có ghi vào sổ giám lộ sáng hôm đó.
-  Ai ra lệnh dằn tàu?
-  Tôi không nhớ.
-  Anh chả nhớ cái quái gì cả!
-  Tôi ghi sổ rất kỹ, thiếu tá. Đó là nhiệm vụ của tôi trong phiên trực đó.
Challee hướng về Blakely:
-  Coi bộ nhân chứng này không nghe lời cảnh cáo lúc nãy.
-  Urban – Blakely hỏi – Anh bao nhiêu tuổi?
-  Dạ hai mươi, thưa Đại tá.
-  Anh được đi học tới đâu?
-  Tôi học trung học được một năm.
-  Anh có nói hết sự thật hay nói không hết sự thật hả?
-  Thưa đại tá, giám lộ không được chỉ thị theo dõi các thảo luận của hạm trưởng và hạm phó. Bổn phận người giám lộ là phải ghi sổ nhật ký giám lộ. Tôi không biết tại sao hạm phó thay quyền hạm trưởng.
-  Anh có bao giờ thấy hạm trưởng hành động điên rồ không?
-  Dạ không.
-  Anh có thích hạm trưởng không?
Một cách khốn khổ, Urban trả lời:
-  Dạ có, thưa đại tá.
-  Anh có thể tiếp tục hỏi cung – Blakely nói với Challee.
-  Chúng tôi không có gì để hỏi nữa.
Greenwald tiến đến bàn nhân chứng, tay xoay xoay cây viết chì đỏ:
-  Urban, anh có ở chiến hạm khi chiếc Caine cán đứt dây dòng bia tácxa. Phía ngoài Trân Châu Cảng không?
-  Dạ có.
-  Anh làm gì trong thời gian việc này xảy ra?
-  Tôi…dạ, hạm trưởng đang.. nghĩa là hạm trưởng đang la lối hạch sách tội tôi trên đài chỉ huy.
-  Vì sao vậy?
-  Tại vì vạt áo bỏ ngoài quần.
-  Và trong lúc hạm trưởng đang nói chuyện về cái vạt áo của anh thì chiến hạm chạy ngang cái dây dòng phải không?
Challee nhíu mày chăm chú theo dõi viên luật sư biện hộ. Ông nhảy nhổm lên:
-  Tôi phản đối cách thẩm vấn và thỉnh cầu tất cả cuộc thẩm vấn gạch bỏ trong sổ. Luật sư biện hộ đánh lừa nhân chứng bằng các câu hỏi dụ cho nhân chứng nhận như là một bằng chứng cụ thể về việc chiếc Caine tự cắt dây dòng của mình, một sự kiện mà cuộc thẩm vấn trực tiếp không hề đả động đến.
-  Nhân chứng nói rằng anh ta chưa bao giờ nhìn thấy hạm trưởng hành động điên rồ. tôi muốn tìm cách bác bỏ luận chứng này. Điều 282 Courts and Boards cho phép tự do xử dụng các câu hỏi dẫn dụ trong các cuộc tái thẩm vấn.
Blakely ra lệnh mọi người rời phòng. Khi mọi người được mời trở lại, Blakely nói:
-  Luật sư biện hộ sẽ có cơ hội để thiết lập bằng chứng đó sau này, và có thể gọi lại nhân chứng bất cứ lúc nào. chấp nhận lời phản đối. cuộc tái thẩm vấn sẽ bị xóa đi trong biên bản.
Trong suốt buổi chiều, Challee kêu mười hai người gồm các ông thượng sĩ và đoàn viên của chiếc Caine, tất cả mọi người đều khai rất ngắn và chắc chắn rằng Queeg cũng giống như các hạm trưởng khác, và họ không bao giờ thấy hạm trưởng làm điều gì điên khùng hoặc là trước hoặc là sau cơn bão. Người đầu tiên trong bọn là thượng sĩ Bellison. Greenwald thẩm vấn lại gồm ba câu hỏi và ba câu trả lời.
-  Thượng sĩ Bellison, thế nào là một người bị bệnh hoang tưởng?
-  Tôi không biết, trung úy.
-  Bệnh psychoneurosis và bệnh psychosis khác nhau thế nào?
-  Tôi không biết, trung úy – thượng sĩ Bellison bắt đầu nhăn mặt.
-  Nếu anh gặp một người bị bệnh neurotic liệu anh có nhận ra người đó có bệnh không?
-  Dạ không.
Greenwald hỏi cả mười hai người cùng một câu, và cả mười hai người đều trả lời cùng như nhau. Cái kinh cầu nguyện này lặp lại mười hai lần làm cho Challee và các thành viên tòa xử mỗi lúc khó chịu hơn. Họ nhìn Greenwald trừng trừng và cựa quậy trên ghế mỗi khi Greenwald lặp lại công thức đó. Tòa nghỉ khi người thủy thủ cuối cùng, Meatball đã khai xong. Maryk và viên luật sư cùng im lặng ra khỏi tòa án. Tia nắng vàng cuối cùng của mặt trời lặn che xéo trên vịnh, không khí mát rợi và thơm tâm hồn sau một ngày trong phòng xử đầy mùi dầu đánh sàn lino. Họ cùng đi ra chỗ xe Jeep của Greenwald. Tiếng sỏi kêu sột soạt dưới bước chân hai người.
-  Mình đã thua chưa? – Maryk hỏi nhỏ.
-  Chưa biết được – Greenwald nói – Chưa đến phiên mình xuất trận mà. Anh rành thành phố này. Chỗ nào ăn được nhỉ?
-  Để tôi lái cho.
Trong bữa ăn, Greenwald uống quá nhiều highball. Anh tránh không đề cập tới phiên xử, và nói nhiều về người da đỏ. Anh kể cho Maryk rằng ước vọng thực sự của anh là trở thành một nhà khảo cổ, nhưng chọn ngành luật với một sứ mạng rằng người da đỏ cần được bảo vệ chứ không phải chỉ là để nghiên cứu lịch sử thôi. Anh nói anh rất tiếc là đã chọn ngành này.
Maryk nghĩ anh chàng càng lúc càng gàn dở. Viên hạm phó nghĩ đành chịu thua thôi, anh chắc rằng Queeg, Keefer và Urban ngay ngày đầu tiên đã đánh bại anh rồi. Nhưng anh đành bấu víu lấy một hy vọng phi lý nơi người biện hộ kỳ quái này. Viễn ảnh bị kết án quá thê thảm khiến anh phải tin tưởng vào một cái gì đó. Hình phạt tối đa là giải ngũ và mười lăm năm khổ sai.