Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương bảy

     au cùng, bữa ăn cũng kết thúc. Tiến sĩ Mulge có một cái hẹn ở Pasadana với bà quả phụ một nhà sản xuất hàng cao su. Có thể bà ấy sẽ hiến ba mươi nghìn đô la đề trang bị một nhà nghỉ cho nữ sinh. Ông Stoyte đến Los Angeles dự phiên họp thường kỳ chiều thứ sáu của ban quản trị. Bác sĩ Obispo cần làm vài công việc phẫu thuật, ông xuống hầm chuẩn bị dụng cụ. Peter phải đọc một chồng thông bảo khoa học nhưng anh ta lợi dụng vài phút còn lại để ngồi với Virginia. Còn Jeremy thì tất nhiên hồ sơ Hauberk đang đợi ông.
Như vừa thoát gánh nặng, ông trở về căn hầm. Chưa đầy ba giờ sau, ông lại tìm được một tập thư của Molinos giữa đám sổ sách linh tinh cùng với tập thư số ba và số bốn của Nerciat và ôi, sung sướng! Tập Một trăm hai mươi ngày ở Sodome của ngài hầu tước thần thánh (1), tập sách hiếm nhất trong số tác phẩm của ông.
Của báu bất ngờ! Mà cũng chẳng bất ngờ lẳm ở cái gia đình Hauberk này. Ngày phát hành của quyển sách cho phép nghĩ nó thuộc về vị Bá tước thứ năm, người mang tước vị hơn nửa thế kỷ và chết trong tội lỗi lúc chín mươi tuổi, dưới thời vua Guillaume đệ tứ. Tính tình ông ta là vậy cho nên người ta không ngạc nhiên khi lìm thấy một trữ lượng văn chương con heo lớn như thế, có khi còn hơn thế nữa.
Loại sách ấy chắc còn nhiều nhiều, Jeremy tha hồ mà đọc, mà nghiên cứu và thưởng thức. Chợt nhớ lại phút ganh tị trên bể bơi, ông mỉm cười. Ông Stoyte có thể có tất cả những người đàn bà mà ông thích, nhưng một mẩu văn chương tuyệt tác loại con heo của thế kỷ thứ mười tám còn đáng giá gấp chục lần cô Maunciple! Ông gấp quyển sách lại, cầm nơi tay. Gáy sách bọc da, đẹp một cách trang nhã, dòng chữ mạ vàng vẫn còn ngời chói: “Nhật tụng La Mã”. Ông đặt nó lên góc bàn cùng với loại sách hiếm khác. Khi nào xong công việc, chiều nay ông sẽ đem tất cả về phòng ông.
--- & ---
Đã ba giờ chiều, mặt trời xuống thấp. Virginia mặc chiếc quần « soóc » trắng với chiếc áo cánh màu hồng, chân đi tất trắng, giày vải trắng, đầu đội chiếc mũ lính thủy. Cô tới xem người ta cho lũ khỉ đột ăn bữa chiều.
Chiếc xe gắn máy thấp màu hồng dựa bên đường, cô bước theo Obispo và Peter tới gần chuồng khỉ.
Trước mặt họ, trên hòn núi giả, một khỉ mẹ ngồi, trong tay bế một khỉ con đã chết rữa từ nửa tháng nay. Phía trên con khỉ mẹ, hai con khỉ đực tự dưng đánh nhau trước cửa hang. Phía bên phải, trên một hòn núi giả khác, một con khỉ già lẫm liệt.
Peter nhặt trong chiếc giỏ đem theo, ném về phía nó một củ khoai tây và một củ cà rốt. Khỉ già lập tức chổng mông nhảy xuống chộp củ cà rốt, vừa ăn vừa phồng má lên, nhét luôn củ khoai tây vào đấy. Rồi từ từ tiến về phía rào sắt vừa nhai vừa ngửng đầu đòi ăn nữa.
Chiến trường được giải toả. Con đực tơ đang bắt rận liền phát hiện tình hình. Nó vừa la chót chét vừa men tới con khỉ cái đang thu mình sợ hãi trên mỏm đá. Chỉ trong vòng mười giây, chúng đã ôm nhau làm tình. Virginia thích chí vỗ tay la lên:
- Ơ! Xem bọn láu cá kìa! Cứ như là người vậy!
Peter ngừng tay, nói là lâu quá chưa thấy cụ Propler tới chơi, và rủ mọi người tới thăm cụ.
- Từ chuồng khỉ tới tàu ngựa Propter, từ tàu ngựa Propter trở về nhà Stoyte và chuồng chó Maunciple. Cô em cảm thấy thế nào? - Obispo âu yếm nói với Virginia.
-  
Virginia nín thinh, ném khoai cho con khỉ già, tìm cách ném sao cho nó quay người lại, trở về với con khỉ cái trên mỏm đá, để nó nhìn xem cô em yêu quý làm gì khi vắng nó.
Để Peter ở lại cho khỉ ăn, hai người ngược dốc tới thẳng phòng làm việc của Jeremy. Virginia xô cửa gọi to:
- Ngà voi ơi! Bọn này tới quấy rầy Ngà voi đây!
Jeremy lẩm nhẩm một câu đùa ý nhị nào đó rồi ông bỗng dừng lại, chợt nhớ tới chồng văn chương độc đáo ở góc bàn. Đứng lên, cho vào tủ tức là gợi cho người ta chú ý. Cũng chẳng có tờ báo hay chồng sách nào để đậy lại. Ông đành để mặc thế, cầu mong cho mọi sự tốt lành.
Ngay lập tức mọi sự chẳng lành chút nào. Đang buồn tay muốn cựa quậy, làm một cái gì đó, Virginia vồ lấy tập thơ của Nerciat, lật lia lịa và rơi vào đúng một trang minh họa nét vẽ hết sức tỉ mỉ. Cô chăm chú xem mở to mắt, lại chăm chứ xem nữa rồi cô hét lên, ngạc nhiên kích động. Bác sĩ Obispo chúi mũi vào xem va cũng hét to lên, rồi cả hai rống lên cười.
Jeremy ngồi nguyên, hết sức bối rối. Ông mỉm cười khi hai người kia hỏi rằng suốt ngày ông ngồi đọc loại văn chương như vậy chăng? Và đó là lĩnh vực nghiên cứu của ông chăng? Ông nghĩ bụng thiên hạ sao mà quấy rầy, sao mà kém tế nhị!
Virginia thong thả lật tập sách cho đến khi cô tìm được một tranh minh họa khác. Một lần nữa, hai người lại kêu lên thảng thốt, khoái trá, và lần này họ có vẻ ngờ vực.
- Có thể nào như vậy chăng? Chuyện đó có thể làm được sao? Cô hỏi rồi cô đánh vần lời ghi chú bên dưới: “Niềm khoái lạc tới với muôn nhà”. Cô lắc đầu quầy quậy. Cô không hiểu nghĩa.
Jeremy bỗng nảy ra một sáng kiến: Sao ông lại không dịch cho cô nghe nhỉ? Dịch từng câu, đọc to lên như người phiên dịch ở một phiên họp Hội đồng Liên hợp quốc? Ông đang nghĩ nên nói thế nào thì bác sĩ Obispo cầm luôn cuốn sách trên tay cô gái, vơ luôn hai tập còn lại cùng với quyển “Người gác cửa tu viện” và quyển “Một trăm hai mươi ngày ở Sodome” (2). Anh ta tỉnh bơ luồn tất cả vào túi áo vét tông.
- Đừng buồn cô em ạ. Tôi sẽ dịch cho cô nghe. Bây giờ ta trở lại chuồng khỉ kẻo Peter lại lo. Nào ta đi đi, ông Pordage.
Jeremy nghĩ bực cho mình và giận thằng cha bác sĩ xàm xỡ, ông lẳng lặng theo họ bước ra cửa.
Peter đã cho khỉ ăn hết giỏ khoai. Anh tựa người vào chấn song, chăm chú quan sát từng cử động của bọn chúng. Khi mấy người kia đến gần, anh quay lại, gương mặt trẻ trung phấn chấn. Anh nói với Obispo:
- Này, bác sĩ! Tôi thấy là có kết quả đấy!
- Cái gì kết quả? - Virginia hỏi.
Nụ cười của Peter gửi cho cô chứa chan hạnh phúc. Vâng anh đang hạnh phúc. Hai lần, ba lần hạnh phúc. Virginia tỏ ra ân cần với anh sau vụ bỏ rơi anh để nghe những chuyện nhảm nhí, thế là đủ cho anh thấy hạnh phúc. Với lại chắc đâu là chuyện nhảm nhí, bởi khi cô quay lại nhìn anh, thì gương mặt cô giống in gương mặt cô bé trong quyển sách ở gia đình. Gương mặt ngẩng nhìn lên, biết bao ngây thơ trong trắng khi Chúa Jésu nói: “Nước trời là như vậy đấy”. Nguyên nhân nữa làm anh sung sướng là việc cấy lông ruột cá chép cho lũ khỉ do anh tiến hành quả là hiệu nghiệm. Anh nói:
- Tôi thấy chúng hoạt bát hơn, lông chúng dường như cũng láng hơn.
Điều đó làm anh hết sức hài lòng, cũng ngang với sự có mặt của Virginia, trong nắng chiều rạng rỡ, ngang với sự ân cần của cô. Càng hài lòng hơn khi anh nghĩ rằng cô hoàn toàn trong trắng. Rồi anh lại lẩn thẩn nghĩ rằng, giữa sự phục trang của lũ khỉ với cung cách duyên dáng chiều nay của cô gái có một mối liên quan sâu sắc không chỉ giữa hai người mà đồng thời với đất nước Tây Ban Nha trung thực, tới cuộc đấu tranh chống phát xít… Có một khúc hát anh học ở trường ngày bé - thế nào nhỉ?
Anh không thể yêu em đến thế
Nếu như anh không yêu… cái gì nhỉ?
Lúc này làm sao anh nhớ nổi! (3)
Chẳng có cái gì anh yêu hơn Virginia được. Nhưng vì anh yêu khoa học và yêu công lý - yêu say mê, nên công tác nghiên cứu bây giờ và các bạn ngày xưa ở Tây Ban Nha càng làm cho anh yêu Virginia say đắm hơn, có thể nói là đặc biệt hơn.
- Ta đi chứ? - Anh hỏi mọi người.
Bác sĩ Obispo nhìn đồng hồ:
- Tôi quên mất. Tôi còn phải viết mấy bức thư trước bữa tối. Để khi khác vậy!
- Ồ, chán quá! Peter làm ra vẻ tiếc, thật ra anh thấy thích. Anh thầm phục bác sĩ Obispo, anh coi ông như một nhà nghiên cứu tài năng nhưng không phải là loại người thông dụng để một cô gái ngây thơ như Virginia có thể tin cậy. Anh sợ cho cô. Obispo, một con người nhẫn tâm, chó má nữa là khác. Với lại, ông ta cứ đâm sầm vào mối liên hệ giữa anh và Virginia. - ồ chán quá! - Anh nhắc lại một cách khoái chí và anh chạy ùa trên đường, chạy nhanh tới mức tim đập loạn lên. Ôi, cái chứng thấp khớp tệ hại!
Bác sĩ Obispo nhường bước cho Virgnia và nháy mắt vỗ nhẹ vào túi. Virgnia cũng nháy mắt lại và đi về phía Peter.
Lát sau, bác sĩ Obispo đi ngược lên, những người kia đi bộ xuôi xuống dốc. Nói chính xác hơn thì Peter và Jeremy đi bộ còn Virginia vốn không hề nghĩ đôi chân dùng để đi, cô leo lên chiếc xe gắn máy lùn sơn màu kem mận, cô vịn vai Peter, thả cho chiếc xe lăn từ từ.
Tiếng khỉ chí choé im dần đằng sau, họ qua khúc quanh đi ngang bức tượng nàng tiên của Jean Bologne. Nàng tiên vẫn phun nước bằng đôi vú trần nhẵn bóng, phun hoài không nghỉ. Virginia dừng câu chuyện kép xi-nê đang nói dở với Peter và bằng giọng bất kính của một nữ đội viên “Đội bảo vệ văn hoá”, nói:
- Thật không hiểu sao bác Jo lại cho để cái này ở đây? Tởm quá! Tởm! - Cô gẳn giọng nhắc lại:
Cô phật ý vì bức tượng không mặc quần áo? Jeremy nhớ lại hai mẩu xa tanh cô mặc trên bể bơi, ông nghĩ nó cũng chẳng khác gì bức tượng.
Cô lắc đầu quầy quậy:
- Không, tôi nói cái kiểu xịt nước kìa! - cô nhăn mặt như người ta nếm phải một cái gì chát chúa - Kinh quá!
- Mà lại sao? - Jeremy cố gặng.
- Tại vì nó kinh quá! - Cô chỉ cắt nghĩa được có vậy.
Đứa con của thời đại, được nuôi bằng sữa bò quen nhẵn các biện pháp kỵ thai, cô không thể chấp nhận được cái hình mẫu kém tế nhị của một thời cổ lỗ kia.
Kinh quá! Cô chỉ nói được có vậy và quay lại với Peter, cô tiếp tục câu chuyện kép xi-nê.
Virginia dựng xe trước lối vào động thờ. Đám thợ nề đã gắn xong ngôi mộ, động vắng người. Virginia cung kính sửa lại chiếc mũ lính thủy, cô đội nghiêng trên đầu rồi cô chạy ùa lên bậc thềm. Cô dừng lại trước sàn, làm dấu thánh, rồi cô bước vào động, quỳ trước bức tượng thờ. Hai người kia đứng chờ ngoài đường. Một lúc, cô trở lại và nói với Jeremy:
- Mùa hè năm ngoái tôi bị viêm mũi. Nhờ Đức Mẹ phù hộ tôi khỏi bệnh ngay, tôi bèn nói với bác Jo cho lập cái động này. - Cô quay lại Peter, -Nhớ không, Peter, lúc Đức Giám mục tới ban phước, hết xảy nhỉ?
Peter gật đầu.
- Từ ngày có Đức Mẹ ở đây, tôi hết bệnh, không hề bị sổ mũi nữa là khác.
Virginia nói và lại trèo lên xe. Mặt mày cô rạng rỡ chiến thắng; mỗi chiến thắng của Đức Mẹ trên trời cũng là một chiến thắng của Virginia Maunciple. Bỗng dưng chẳng hiểu ất giáp gì, giống như ở xưởng quay phim khi đạo diễn ra lệnh phải rã rời xây xẩm, cô đặt tay lên trán, thở dài thườn thượt và cô nói:
- Sao chiều nay tôi thấy mệt quá. Chắc tại vừa ăn xong đã ra nắng. Có lẽ tôi phải về nằm nghỉ một lát.
Peter nhanh nhẩu đề nghị cùng quay về lâu đài với cô, nhưng cô âu yếm và cương quyết từ chối. Cô quay xe, mỉm một nụ cười đặc biệt duyên dáng, gần như đắm đuối với Peter. Cô nói:
- Về nhé,  « bé Peter »!
Cô mở ga cho xe vượt lên dốc, càng lúc càng nhanh, càng lúc càng ầm ĩ, và cô mất hút sau một khúc quanh.
 Năm phút sau, cô đã ở trong phòng khách của cô, sửa soạn một ly sôcôla đá để uống trước quày giải khát. Bác sĩ Obispo ngồi trong chiếc ghế bành mạ vàng, lót sa tanh màu đùi tiên nữ. Ông mở quyển “Một trăm hai chục ngày” ra đọc to và từ từ dịch từng câu trong phần một.
Chú thích:
 
(1) Bá tước François de Sadè (1740-1814) thường được gọi là Hầu tước Sadè, nhà văn Pháp chuyên viết truyện bạo dâm.
(2) Sodome: thành phố sa đoạ (Cựu Ước)
(3) Bài “Khi ta ra trận” - một ca khúc phổ biến ở Anh :
Anh không thể yêu em đến thế
Nếu như anh không yêu danh dự?