Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương 9

     gày hôm ấy, viện điều dưỡng trẻ em cũng không an ủi ông Stoyte. Các cô y tá đón ông với nụ cười thân thiết nhất, viên bác sĩ nội trú ông gặp ngoài hành lang, khom người cung kính như thường lệ. Bọn trẻ ốm dậy reo “Bác Jo! Bác Jo!”. Khi ông dừng lại trước giường bệnh, gương mặt chúng bừng lên trong chốc lát. Như thường lệ, chúng vẫn reo lên khi nhận quà bác đem tới. Điều này còn cảm động hơn: có đứa lặng đi vì sung sướng, vì ngạc nhiên, vì chúng không tin là có chuyện đó.
Đi qua các căn phòng kế tiếp, cũng như trong các phòng trước, ông nhìn những tấm thân lở lói vì ung nhọt. Những gương mặt quắt queo, nhẫn nại chịu đau đớn, những thiên thần bé bỏng đang hấp hối, những đứa bé ngây thơ quằn quại. Những con quỷ nhỏ, đầu bù mũi tẹt, bình thường có lẽ quấy phá như giặc, nhưng giờ đang nằm yên bất động vì đau đớn.
Thường ngày, những cái đó làm ông thấy mình quả là đức độ, làm ông muốn phát khóc, đồng thời muốn la lên vì tự hào: tự hào thấy mình là con người, tự hào đã làm nhiều việc thiện, đã cho lũ trẻ cái bệnh viện đẹp nhất California, tất cả những gì đẹp nhất mà đồng tiền có thể mua được.
Nhưng hôm nay thì mọi hứng cảm đều không có; ông không thấy muốn khóc, muốn la. Ông không thấy tự hào hay băn khoăn thương cảm. Không thấy cái hạnh phúc tuyệt vời do hai thứ ấy trộn vào nhau tạo thành. Ông chẳng thấy gì cả, chẳng có gì cả, ngoài cái cảm giác khổ não nó đeo đẳng ông suốt ngày nay từ cái Lăng tới Clancy tới bàn giấy của ông trong thành phố. Trên chuyến về đồng quê, ông nghĩ sẽ được an ủi ít nhiều khi tới viếng 10 trẻ ốm, giống như người hen suyễn nghĩ trước tới liều Adrénaline hoặc như gã nghiện thuốc phiện nghĩ tới cữ hút đã quá giờ. Nhưng niềm an ủi không đến. Lũ trẻ đã vồ hụt.
Ông gác cổng, quen như mọi bữa, nở một nụ cười đưa tiễn, nói vài câu về lũ trẻ. Ông Stoyte ngơ ngác lắc đầu chẳng nói gì, tiếp tục bước.
Ông gác cổng nhìn ông chủ đi xa dần: “Ơ, quái! Cái gì thế kia!” Và ông nhớ mãi khuôn mặt ông Stoyte lúc ấy.
Ông Stoyte trở về lâu đài với cảm giác đau đớn như lúc ra đi sáng nay. Ông lên lầu 14 cùng với bức Vermeer; Virginia không có trong phòng khách. Ông xuống lầu 10; không thấy cô ở phòng bida. Ông buông mình xuống lầu 2; cô không có ở chỗ người làm móng tay, cũng không thấy ở chỗ bà đấm bóp. Tự dưng nổi cơn ghen, ông tụt xuống tầng hầm thứ 3, cắm đầu chạy thẳng vào phòng thí nghiệm, cả cô, cả Peter đều không có ở đó; căn phòng vắng tanh. Một con chuột kêu chút chít trong lồng và bên trong bể nước, con chép già từ từ lướt trong bóng tối ra ánh sáng rồi từ ánh sáng lướt trở về bóng tối lờ mờ.
Ông Stoyte bước trở lại thang máy, giam mình trong cuộc đời thường nhật mà một người Hà Lac từng ấp ủ, từng hết sức dịu dàng nâng lên tầm toán học. Ông Stoyie ấn vào nút sau cùng, nút thứ 23.
Lên tới nơi, ông Stoyte kéo cánh cửa trong của thang máy và nhìn qua khung tò vò của cánh cửa ngoài.
Nước trong bể bơi hoàn toàn tĩnh lặng. Bên trên bức tường chắn, dãy núi đã khoác vẻ huy hoàng của ánh chiều vàng pha tía. Bầu trời xanh trong, không một áng mây. Trên chiếc bàn sắt có cái mâm nhỏ đặt rượu và mấy cái ly. Đằng sau bàn là cái đi-văng thấp ông Stoyte vẫn nằm phơi nắng. Virginia nằm ườn nơi đó, như người bị gây mê, đôi môi hé mở, một cánh tay buông thõng, bàn tay xòe trên mặt đất, ngửa lên trời như một cánh hoa bị ném, bị bỏ quên, hờ hững. Obispo ngồi cạnh cô, như danh y Claude Bernartf bên con bệnh. Hắn chăm chú nghé nhìn gương mặt cô, nửa như cười cợt, nửa như tò mò quan sát.
Cơn giận trào lên như sóng cuộn trong lòng ông Stoyte. Cơn giận suýt nữa làm hỏng ý định giết người của ông. Ông cố ghìm lại để không hét lên, không nhảy xổ ra khỏi thang máy. Ông vung tay lên, mồm xùi bọt mép. Ông sờ tay vào túi áo vét-tông. Cái túi rỗng, ngoài chiếc mõ bằng gỗ và hai bịch kẹo cao su còn sót lại sau khi phân phát đồ chơi cho lũ trẻ. Lần đầu tiên từ vài tháng nay ông quên khẩu súng ngắn.
Trong vài giây, ông Stoyte phân vân không biết nên làm gì. Chạy thẳng ra dùng tay không quật chết thằng kia? Hay phải trở xuống tìm súng? Ông quyết định tìm súng. Ông nhấn nút. Cái thang máy lặng lẽ chìm sâu xuống đáy giếng. Ông Stoyte trợn trừng mắt nhìn bức Vermeer mà chẳng thấy gì hết. Từ trong thế giới hình học tuyệt mỹ của mình, người đàn bà mặc áo xa tanh xanh dừng chơi thụ cầm. Nàng ngoảnh nhìn ra cửa sổ, qua bức màn nhung, qua mặt nền lát gạch ô đen trắng, nàng nhìn cái thế giới xấu xí hỗn loạn mà ông Stoyte và những kẻ đồng loại của ông đang sống.
Ông Stoyte chạy về phòng mình, mở ngăn kéo lục lọi giữa những đống khăn mặt lộn xộn của ông mà chẳng thấy gì hết. Ông đã nhớ ra, khẩu súng ngắn sáng nay ông không bỏ túi áo mà bỏ trong túi quần. Lúc huấn luyện viên thể dục tới, ông rút nó ra xếp vào trong ngăn kéo bàn giấy, nơi ông làm việc.
Ông Stoyte co cẳng chạy tới thang máy, xuống bốn tầng, nhào vô phòng làm việc. Khẩu súng để trong ngăn kéo trên cùng, bên trái, ông đã nhớ ra.
Ngăn trên và tất cả các ngăn khác đều khóa.
- Con chết tiệt! Con chết tiệt! - Ông Stoyte gầm lên, giật mạnh cái núm ngăn kéo.
Cô Grogram, thư ký riêng của ông, vốn cẩn thận, bao giờ cũng khóa bàn tủ trước khi ra về. Không ngớt mồm chửi rủa cô Grogram cũng ngang với thằng chó chết trên nóc nhà kia, ông Stoyte rảo bước tới thang máy. Cửa thang máy đóng, ở đâu đó người ta đang dùng, ông nghe tiếng rò rè của động cơ. Trời ơi, phải chờ tới chừng nào?
Ông Stoyte rú lên câu gì nghe không rõ. Chạy dọc hành lang, quay phải, quay trái, chạy tới trước cái thang máy dự phòng. Ông giật cửa. Cửa đóng. Ông nhận nút gọi. Chẳng nghe thấy gì hết. Thang máy dự bị cũng có người đang dùng.
Ông Stoyte quay ngoắt lại, chạy dọc hành lang, vượt qua một cánh cửa lửng, rồi một cái nữa, tới cầu thang, cầu thang xoắn trôn ốc quanh cái giếng sâu sáu mươi lăm mét. Ông Stoyle chạy nhào lên, nhảy hai bậc một. Lên được hai tầng ông đã hết hơi. Ông lại chạy tới thang máy. Thang dự bị vẫn chưa rảnh. Chiếc kia trả lời, từ từ hạ xuống, dừng lại trước mặt ông. Cánh cửa mở ra. Ông nhào vào ca bin.
- Con đĩ! - Ông Stoyte luôn mồm chửi. Và từ cô thư ký chuyển sang bác sĩ Obispo - Thằng chó đẻ!
Thang máy dừng. Ông Stoyte nhào ra, chạy dọc hành lang tới phòng của cô Grogram. Phòng vắng ngắt. Ông nghĩ có thể tìm ra xâu chìa khóa. Nhưng không, ông không tìm được. Nó ở chỗ khác. Ở đâu? Ông giận xùi bọt mép. Ông rút ngăn kéo, hất tung đồ đạc xuống đất. Ông ném tung hồ sơ sổ sách xếp ngăn nắp trên kệ. Ông ném cái máy ghi âm. Ông hất nlào kệ sách, hất nhào lọ hoa, hất nhào bể cá vàng cô Grogram đặt trên bệ cửa sổ. Đuôi cá quẫy như một vết mực tầu loang trên nền gạch. Ông Stoyte vớ lấy lọ hồ thẳng cánh ném vào lũ cá đang ngoắc ngoải.
- Con đĩ! Con đĩ! - Ông hét lên. Rồi tự dưng ông nhận ra xâu chìa khóa treo cẩn thận trên móc, cạnh lò sưởi, ở đúng chỗ ông thường thấy nó hàng ngàn lần. Ông vớ lấy xâu chìa khóa, gầm lên - Con đĩ!
Ông lao ra cửa, thuận tay xô luôn cái bàn cạnh đường đi. Cái máy đánh chữ đặt trên đó đổ ầm xuống đất cạnh đống giấy má bừa bộn, hồ dán và cá vàng. Cho đáng đời con đĩ! Ông Stoyte vẫn còn nổi xung về cô thư ký. Ông chạy ra thang máy.