Người dịch: Trần văn Nuôi
Chương hai

    
gay cả ở Luân Đôn cũng có chút nắng pha loãng - ánh nắng càng rõ nét khi xe vượt qua vùng ngoại ô quang đãng - rồi xe tới quãng nào đó gần Esher thì họ tiến vào một buổi sáng đầu xuân đầy ánh nắng. Ông Stoyte nằm vắt chéo trên đệm sau xe, mình quấn chăn lông thú. Lần này thì tự ông dùng thuốc ngủ chứ không phải do bác sĩ của ông đánh lừa cho uống, nếu ông khó mà tỉnh táo. Ông ngủ gà ngủ gật suốt từ khi rời khỏi khách sạn Ritz, trong tiếng ngáy đứt quãng, bồn chồn.
Về phần Virginia, mấy ngày sương mù ẩm ướt ở Luân Đôn không thể nào làm khuây khỏa nỗi buồn của nàng. Nàng ngồi riêng biệt hẳn trên đệm xe phía trước, gương mặt xanh xao, đôi mắt buồn ảm đạm. Nàng gậm nhấm nỗi đau khổ một mình.
Obispo ngồi sau tay lái (hắn nghĩ không nên đem tài xế theo trong cuộc hành quân này). Hắn huýt sáo hết bài này sang bài khác, lắm lúc hắn hát vang lên. Hắn hát “Ta mơ thấy tòa lâu đài...” Do trời đẹp một phần - mùa xuân, hắn thầm nghĩ - mùa xuân với tháng tư, hoa sim với thanh trà. Những lùm cây xanh. Hắn ngạc nhiên khi nghe người Anh phát âm lẫn lộn.
- Em c-o-ó yêu t-a-a như-ư h-ô-ôm n-a-y? - Hắn lại hát và nhấn ga vượt qua dãy xe nhà binh.
Em bé mở miệng nói:
- Tôi thèm giết chết ông!
- Tất nhiên, và cũng có thể. Nhưng cô chẳng làm gì đâu! Bởi vì c-ô-ô qu-á y-ê-u t-ô-ôi! Thật ra... - Hắn rề rà nói và nụ cười của hắn càng thêm chó má theo từng lời - Thật ra cô chẳng yêu gì tôi. Cô yêu cái... - Hắn lặng im một lúc - Thôi ta nên thơ mộng một chút. Thơ thì mấy cũng vừa, đúng không nào? Cô yêu cái tình yêu. Yêu đến mức đã tới nước cùng rồi cô vẫn chưa dám làm gì tôi. Bởi lẽ rằng gì thì gì, tôi vẫn là kẻ sản xuất ra tình yêu! - Và hắn lại hát - Ta mơ rằng, bằng một thật ngon, v-ơ-ớ được con gà m-a-ái [1] đẻ trứng v-a-à-n-g!
Virginia bịt tai lại, không muốn nghe giọng hắn, không muốn nghe sự thật. Bởi vì, đúng, hắn nói đúng sự thật. Ngay cả khi Peter chết, ngay cả sau khi cô đã hứa với Đức mẹ Đồng trinh rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa, chẳng bao giờ nữa, thế mà, lạy Chúa, chuyện đó vẫn xảy ra.
Bác sĩ Obispo tiếp tục phịa lời hát: “Một con gà mái ghẹ-ẹ-e”.
Virginia nút chặt tai lại. Chuyện đó lại xảy ra mặc dù cô từ chối, mặc dù cô nổi khùng lên với hắn, cô gịãy giụa, cô cào cấu hắn; nhưng hắn cười khì, hắn cứ tiếp tục; và rồi cô cảm thấy vùng vẫy mãi mệt quá. Mệt quá và đau đớn quá. Hắn đã thỏa nguyện; có điều ghê tởm hơn là dường như cô cũng muốn thế - không, đấy là nỗi buồn muốn thế - cũng nhờ vậy mà cái khổ có vơi đi trong ít giây, cô quên được vũng máu: cô ngủ thiếp đi được đến sáng hôm sau và cảm thấy khinh mình, thù ghét mình biết chừng nào!
“Vàng ngọc thuộc về ta, của cải thuộc về ta!... - Obispo hát - Và e-e-m có y-ê-ê-u ta như hôm n-a-a-y?...”
- Thôi đi! - Virginia hét lên.
Bác Jo giật mình thức giấc, bác hỏi:
- Cái gì thế?
- Cô ấy không cho tôi hát, bác Jo ơi! - Obispo quay đầu lại nói - Không hiểu tại sao. Trời ơi, giọng hát của tôi quá hay! Rất thích hợp với số thính giả chọn lọc như trên xe ta hôm nay! - Và hắn cười ầm lên - Cái chuồng khỉ của Em bé. Cái động thiêng. Trời hôm nay đẹp lạ lùng! Vấn đề Sterol với thuật trường sinh đang bước tới quyết định. Ôi ta vui là phải!
Đã gần mười một rưỡi. Họ đã tới nơi. Cổng gài then nhưng chẳng có ai để gọi, Obispo bước xuống mở cửa.
Bên trong bức tường rào, cỏ lan đầy con đường rộng. Khu vườn không người chăm sóc đã trở thành hoang dại. Thân cây bị bão quật đổ từ nhiều năm trước, nằm rữa mục tại chỗ. Những tai nấm to như những chiếc bánh tai heo màu nâu nhạt mọc đầy trên đó. Vườn kiểng phát triển hỗn loạn thành những đám rừng con gai góc. Trên một gò đất cạnh đường, cái điếm hóng mát kiểu Hy Lạp đổ nát tan hoang. Ba người qua một khúc quanh và ngôi nhà hiện ra trước mắt họ, đầu đằng này kiểu Jacob thế kỷ 17, đầu đằng kia kiểu Gôtic thế kỷ 19. Hàng rào thủy tùng mọc rậm đến mức biến thành một bức tường cây xanh lởm chởm. Những ống thép rỉ nát lô nhô trên thảm cỏ hoang, vết tích còn lại của trò ném tạ từ bao nhiêu thế kỷ.
Bác sĩ Obispo dừng xe trước bực thềm và bước xuống. Từ trong đám thủy tùng rậm rạp một bé gái độ bảy, tám tuổi chui ra. Trong thấy cái xe và đám người, em bé định thụt vào, nhưng thấy Obispo đưa tay vẫy, em lại mạnh dạn bước tới.
- Nhìn xem, em có cái gì này! - Em bé nói bằng một giọng Ăng-lê quê mùa và em chìa ra một cái mặt nạ phòng ngạt lật ngửa đựng đầy hoa anh thảo với cúc dại.
Bác sĩ Obispo vuốt ve mái tóc màu râu ngô của em bé.
- Em tên gì?
- Millie. - Em bé đáp và nói tiếp, giọng có vẻ tự hào - Đấy nhé, đã năm ngày rồi em chẳng đi đâu cả.
- Năm ngày?
Millie gật đầu:
- Bà bảo là chờ bà cho đi khám đốc tờ. - Em lai gật đầu và ngước mắt nhìn Obispo với vẻ quan trọng của một người sắp đi thăm quần đảo Bali.
- Ừ bà nói thế là phải. Bà em ở đây ư? - Obispo hỏi.
Em bé lại gật đầu.
- Bà ở trong bếp! - Và tự dưng em lại nói - Bà điếc.
- Thế còn bà Jane? Bà Jane cũng ở đây ư?
Em bé gật đầu và lém lỉnh nói:
- Bác có biết bà Jane làm gì không?
- Bà Jane làm gì?
Em ra hiệu cho Obispo cúi xuống, rồi em ghé vào tai hắn thì thào:
- Bà làm được tiếng rồ rồ ở trong họng.
- Làm sạo được!
- Được, như chim gù ấy. Bà làm sau bữa ăn.
Bác sĩ Obispo vuốt tóc em bé rồi nói:
- Bọn ta muốn tới thăm bà Anne với bà Jane.
- Thăm? - Em bé hỏi gần như là hoảng sợ.
- Em có thể vào nói với hai bà cho bọn ta vào không?
Millie lắc đầu:
- Hai bà không cho đâu. Bà không cho ai vào. Hồi xưa có người vào đưa cái này - Em giơ cái mặt nạ lên - bà Jane đuổi ra. Bà với lấy cái gậy đập vào cái đèn. Choang! Cái đèn vỡ tan, mảnh bắn đầy dưới đất. Buồn cười quá!
- Hay lắm, bọn ta cũng sẽ làm cho em cười.
Em bé ngờ vực nhìn Obispo hỏi:
- Thế là thế nào?
Obispo cúi xuống tai em bé:
- Em để cho bọn ta vào cái cửa hông kia. Bọn ta nhón chán đi nhè nhẹ như thế này này. Rồi bọn ta tới chỗ hai bà ngồi. Bọn ta hù hai bà. Thấ là bà Jane vơ gậy đập vỡ một cái đèn nữa và bác cháu mình lại cười.
- Bà nổi điên lên đấy! Bà đánh em đấy!
- Bọn ta không nói là em cho vào.
- Rồi bà cũng biết.
- Không sợ. Em có thích candies [2] không?
Em bé nhìn Obispo, không hiểu.
- Candies ngon lắm. - Rồi bỗng nhớ ra ở cái xứ chết tiệt này người ta không gọi kẹo là candies như ở Mỹ... - À! Bonbons ngon lắm, bonbons.
Obispo chạy ra xe và quay trở lại tay cầm hộp sôcôla đắt tiền rất đẹp, mua phòng khi Virginia đói đường. Hắn mở nắp cho Millie ngửi rồi đậy lại.
- Cho bọn ta vào, em sẽ được cả hộp này.
Mấy phút sau ba người lọt vào nhà bằng một cánh cửa hông có vòm bầu dục kiểu Gôtic. Căn phòng tối mờ mờ thoảng mùi ấm mốc và băng phiến. Giữa phòng có một bàn bida phủ vải bạt, một chiếc đồng hồ mạ vàng treo trên lò sười, một kệ sách xếp bộ Đại bách khoa toàn thư Anh quốc, trên tường treo một bức tranh sơn dầu khổ to vẽ buổi lễ rửa tội vua Edouard VII và năm sáu cái đầu nai.
Tay vẫn cầm cái mặt nạ chứa đầy hoa, Millie rón rén đưa họ đi dọc hành lang, qua một phòng khách tối om, một tiền sảnh, rồi lại một hành lang nữa. Em dừng lại, đưa ngón tay lên môi, chờ bác sĩ Obispo tới, Em thì thào:
- Cửa đây này. Hai bà ở trong đó.
Obispo đưa cho em hộp kẹo. Em giằng lấy và giống như một con mèo tha thịt, em lách qua ông Stoyte và Virginia, men dọc cái hành lang tối om rồi biến mất. Bác sĩ Obispo nhìn con bé rồi quay lại nhìn hai bạn đồng hành.
Họ thì thào bàn tán và đồng ý để mình Obispo vào nhà bếp. Hắn tiến tới mấy bước, mở cửa bước vào và khép lại.
Ở ngoài hành lang Virginia và bác Jo chờ một lúc lâu. Bỗng ở bên trong có tiếng lục đục to dần rồi Obispo xuất hiện. Hắn khép mạnh cửa, thọc chìa khóa vào khóa trái lại.
Ở bên trong, núm cửa bị xoay, bị lắc, tiếng một bà già kêu the thé:
- Gớm thật! - Rồi tiếng gậy nện vào cửa, và tiếng bà lão rít lên - Trả chia khóa đây. Trả ngay đây!
Obispo cho chùm chìa khóa vào túi, khoái chí đi dọc hành lang.
- Hai mụ già gân, lẫm liệt chưa từng thấy! - Hắn nói - Ngồi hai bên lò sưởi như nữ hoàng Victoria bên nữ hoàng Victoria.
Một giọng nữa gào lên tiếp theo giọng thứ nhất. Cảnh cửa bị đập ầm ầm.
- Tha hồ đập! - Obispo nói và một tay đẩy ông Stoyte, tay kia thân mật vỗ vào mòng Em bé - Nào ta đi.
- Nào đi... Nhưng đi đâu? - Ông Stoyte luống cuống hỏi. Ông không thể hiểu nổi ba tên khùng vượt Đại Tây Dương để làm gì, nếu không là để rời khỏi cái lâu đài ấy. Ừ, Phút la căng cái lâu đài ấy đi. Mà không biết rồi ông có còn trở lại hay không nữa? Tắm trong cái bề bơi ấy chẳng hạn. Lạy Chúa, chỉ nghĩ tới đó...
Nhưng tại sao lại sang Anh? Sao không đi Florida hay đi Hawai vào mùa xuân này? Vì Obispo yêu cầu sang Anh, để hắn nghiên cứu cái gì đó. Nói chung ông không thể từ chối Obispo - Bây giờ thì chưa, với lại thần kinh ông, dạ dày ông, những thứ ấy đang lộn tùng phèo. Ông không thể ngủ mà không uống thuốc; gặp một viên cảnh sát trên đường đi, ông giật mình, tim ông đập hẫng hai ba lượt. Ông vẫn nói Chúa là tình thương, không có sự chết, nhưng không ăn thua. Ông già rồi, ông đau yếu, cái chết đang lần dò tới, ngày một gần. Nếu Obispo không nhanh lên, không tìm ra được phương thuốc gì...
Trong hành lang tối, ông Stoyte bỗng gọi giật Obispo lại, ông hỏi:
- Obispo, chắc chắn là không có địa ngục chứ? Anh chứng minh được không?
Obispo cười:
- Làm sao chứng minh được là không có ma? Chứng minh làm sao được!
- Không đùa. Hỏi thật đấy.
- Tôi cũng không đùa. Làm sao tôi chứng minh được.
Trươc đây ông Stove đã nhiều lầu hỏi Obispo về chuyện đó.
Virginia lẳng lặng nghe. Địa ngục thì cô biết là có. Cô biết nó sẽ đến khi ta phạm tội trọng - tỉ như đã hứa với Thánh Mẫu Đồng Trinh rồi lại để chuyện ấy xảy ra nữa. Nhưng Thánh Mẫu thì nhân từ... Với lại đây là tội của Obispo. Tự dưng hắn đâm sầm tới, làm cô quên lời hứa. Thánh Mẫu hiểu cho cô. Nhưng điều ghê gớm là những ngày gần đây; hắn không buộc mà cô vẫn tái diễn chuyện đó. Mà ngay như thế nữa, lỗi cũng chẳng phải ở nơi cô, bởi sau cái chết kinh khủng ấy, cô như người mất hồn, cô..
- Nhưng mà không có địa ngục chứ? - Ông Stoyte vẫn dai dẳng.
- Cái gì cũng có thể có.
- Có thể độ một phần ngàn là không có? Một phần triệu là không có?
Obispo nhún vai:
- Ông hãy hỏi ông Pascal [3].
- Ông Pascal là ai vậy? - Ông Stoyte như người chết đuối vớ phải cọc - Hãy cho tôi gặp ông Pascal?
- Ông ấy chết rồi! Chết rồi, chôn rồi! - Obispo thích chí hét lên. Và hắn nắm tay ông Stoyte lôi đi dọc hành lang.
Tiếng “chết” giáng vào đầu ông Stoyte. Obispo gọi to “Millie! Millie!”.
Socôla bê bết trên má, cô bé từ đằng sau cái lọ cắm dù xuất hiện, mồm nhai nhốp nhép.
- Gặp hai bà chưa? - Em hỏi.
Obispo gật đầu:
- Bà tưởng bác là ông dân vệ.
- Đúng rồi - Cô bé nói - Đúng cái ông ấy làm bà nổi giận, bà đập vỡ cái đèn đấy!
- Lại đây Millie! - Obispo vẫy. Cô bé bước tới - Cửa hầm rượu ở chỗ nào?
Millie sợ xanh mặt:
- Cửa hầm khóa chặt lắm.
- Bác biết. Bà Jane đưa chìa khóa cho bác đây này.
Hắn lôi ra ba cái chìa khóa to.
- Ở dưới hầm có ma đấy! - Bé gái thì thào.
- Bác không sợ ma!
- Bà nói ma ghê lắm, khiếp lắm. - Bé gái mếu máo - Bà nói nếu em không đi nhà thờ thì ma bắt em. - Bé gái khóc òa - Nhưng đâu phải tại em.
- Tất nhiên rồi. Chẳng ai có lỗi cả. Nhưng hãy chỉ cho bác cái cửa hầm.
Millie lắc đầu, nước mắt tiếp tục chảy dài trên má.
- Em sợ...
- Em không cần xuống hầm. Chỉ cho bác cái cửa thôi đủ rồi.
- Em không dám.
- Em không ngoan rồi. Chỉ cần đưa bác tới cửa thôi.
Millie tiếp tục lắc đầu. Obispo liền giằng lấy bộp kẹo trong tay em bé.
- Không chỉ thì không được ăn kẹo nữa!
Millie kêu lên, định giằng lại, nhưng Obispo đã đưa cái hộp kẹo cao quá tầm với của con bé.
- Chỉ cửa hầm, bác sẽ cho tất.
Nói rồi Obispo bốc ra mấy thỏi sôcôla, cho từng cái vào mồm:
- Ồ ngon quá! - Hắn vừa nhai vừa nói - Ngọt quá! Nếu em không chỉ cửa hầm, bác sẽ ăn hết chỗ kẹo này. - Hắn nhai thêm thỏi nữa - Tội nghiệp bé Millie quá! Chẳng còn kẹo đâu! - Hắn lại bốc mấy thỏi nữa.
- Không, không!
Mỗi lần một cái kẹo biến mất giữa hàm răng của Obispo, con bé lại kêu lên. Cuối cùng, giống như một tội nhân bị tra tấn bắt đầu cung khai, em nói:
- Thôi để em chỉ cho! Để em chỉ!
Obispo vốn rành nguyên lý ngoại giao bèn giao hẹn:
- Đưa tới cửa hầm mới có kẹo.
Millie ngần ngừ một lúc, rồi cầm tay Obispo đưa đi.
Họ rời hành lang, ông Stoyte và Virginia theo sau, bước qua phòng khách, lại ra một hành lang khác, qua phòng bida, bước vào một phòng sách lớn. Tủ sách căng một tấm màn nhung màu đỏ, nhưng qua kẽ hở phía sau ánh sáng vẫn lờ mờ chiếu tới.
- Lạy Chúa tôi! - Ông Stoyte bỗng kêu lên làm mọi người giật mình. Chúng ta đang làm chuvện gì vậy?
Bác sĩ Obispo chẳng thèm để ý, hỏi Millie:
- Cửa ở đâu?
Con bé giơ tay chỉ khe sáng lờ mờ. Obispo kéo màn. Bộ “Rao giảng toàn tập” ba mươi ba quyển của Đức Tổng giám mục Stilingfleet thực ra là bộ sách giả. Cái cửa ẩn đằng sau khoang kệ. Obispo tra chìa vào ổ khóa, nghĩ phục cái tài ma giáo của vị Bá tước thứ năm quá!
- Đưa kẹo đây! - Millie giơ tay đòi.
- Khoan đã. - Obispo thử chìa. Lần thứ hai thì mở được cửa - Đây kẹo đây! - Hắn đưa hộp kẹo cho con bé và xô cánh cửa ra. Con bé hét lên một tiếng vớ lấy hộp kẹo rồi co cẳng bỏ chạy.
- Cái gì sôi sục trong đầu tôi? - Bác sĩ Obispo đưa mắt ước lượng chiều sâu của các bậc thang trong bóng tối dưới chân - Cái sôi sục trong đầu óc tôi chính là Địa ngục đấy. Hiện giờ thì ông chưa tới đó đâu, còn bao lâu nữa, thì chỉ có Chúa biết. Ồ may quá, đèn đây rồi.
Hai cái đèn cũ kiểu mắt bò đặt trên kệ ngay cạnh cửa. Bác sĩ Obispo cầm lấy một cái, lắc lắc, để sát mũi ngửi. Có mùi dầu. Hắn bật quẹt thắp cả hai, đưa cho ông Stoyte một cái. Hắn cầm đèn đi trước, thận trọng dò bước xuống hầm.
Cầu thang khá sâu, đưa xuống một cái hầm tròn có bốn ngách đào trong đá nham vàng. Họ bước vào một ngách, đi dọc theo hành lang hẹp, lọt vào một căn phòng có hai ngách mới. Họ chọn một ngách, lần dò bước tới một cái kho chứa đồ đạc linh tinh, không có lối ra. Họ kiên nhẫn quay lại cái hầm tròn, lần theo ngách thứ hai. Nhiều bậc thang, nhiều căn hầm nhỏ. Một trong những căn hầm này trát vữa, và một bàn tay nào đó vạch lên đấy những hình vẽ dâm tục ăn mặc kiểu thế kỷ 18. Họ tiếp tục theo cầu thang ngắn, bước vào một căn phòng rộng hình vuông có lỗ thông hơi khoét xiên rất sâu vào vách đất, tận cùng bằng một lỗ ánh sáng hình bầu dục xa tít tắp. Đi hết. Họ lại quay trở lại. ông Stoyte lầu bầu chửi rủa, nhưng Obispo cứ cắm đầu đi tới.
Họ thử ngách thứ ba. Một hành lang, rồi ba căn phòng nhỏ. Căn sau cùng có hai ngách, một ngách đi lên bị xây bít, ngách kia đưa xuống một hành lang. Độ mười lăm mét, có lỗ trổ về bên trái. Obispo cầm đèn chui vào. Một căn hầm xây vòm. Ở phía trong cùng, một bức tượng Thần Vệ Nữ trần truồng bằng cẩm thạch đứng trên bệ đá đỏ. Ông Stoyte nhìn bức tượng hồi lâu rồi nói:
- Làm thế nào họ đưa được cái này xuống đây hả, Obispo?
Ông quay lại nhưng không thấy Obispo đâu tự dưng ông thấy nổi da gà và ông ù té chạy.
Obispo không thèm nghe gì hết, hắn quày quả bước đi, lòng đầy háo hức.
- Rồ dại! Hết sức rồ dại. - Ông Stoyte chạy theo Obispo. Một lũ vô đạo! Quân vô đạo!
Bác sĩ Obispo quay lại nói:
- Để nghĩ xem Ta có thể mua cái này cho Lăng Beverly đấy bố ạ! - Hắn nhe răng cười, cái cười của chó sói. Ồ gì thế này. - Hắn kêu lên.
Ba người từ trong bước ra một cửa hầm rất rộng, ở giữa có một bức tường thấp xây tròn, một khung sắt treo ròng rọc. Obispo nhớ lại một đoạn trong sổ tay của Bá tước! - Hắn kêu lên, rồi hắn  cắm đầu chạy dọc theo đường hầm.
Cuối đường hầm là một cánh cửa bằng gỗ sồi có khóa. Hắn đút xâu chìa khóa, cắm vào ngoáy bừa. Cửa mở. Một căn phòng vuông nhỏ, một cánh cửa nữa ở cuối phòng. Obispo nhào tới đó. Cửa khóa.
- Thịt bò hộp! - Ông Stoyte kêu lên khi soi đèn dọc bức tường. Ngoài này, trên những ngăn kệ dài, chai lọ, lon hộp lỉnh kỉnh! Ông đọc - Tôm Biloxi. Dứa hộp. Đậu Hà Lan hầm.. - Ông quay vào phía Obispo nói - Đã bảo mà. Quận vô đạo! Quân trộm cướp!
Em bé rút trong túi ra chiếc khăn tẩm dầu thơm “Chọc giận” Cô bịt mũi.
- Mùi gì khiếp quá! - Cô nói phều phào qua chiếc khăn lụa - Khiếp quá!
Trong lúc đó bác sĩ Obispo liên tục chọc các chìa khóa vào ổ. Cuối cùng cửa mở, một làn khí nóng ùa vào, căn phòng lập tức tràn đầy mùi hôi thối nồng nặc.
- Lạy Chúa tôi! - Ông Stoyte kêu lên. Virginia ọe trong chiếc khăn. Bác sĩ Obispo nhăn mặt bước dọc theo luồng khí hôi. Cuối hành lang là một cánh cửa thứ ba có chấn song sắt giống như xà lim tử tội. Hắn giơ cao đèn soi vào bóng tối đầm đìa xú uế.
Ông Stoyte và Virginia đứng bên ngoài bỗng nghe một tiếng kêu ngạc nhiên. Một hồi lâu im lặng, rồi trận cười hung bạo khoái trá của Obispo nổi lên. Từng đợt, từng đợt, vang rền, sang sảng, tiếng cười vang ra, dội lại, đi về trong khoảng không gian hạn hẹp. Bầu không khí âm ỉ nóng, thối hoăng, rung lên trong trận cười chát chúa, trận cười của một thằng mất trí.
Ông Stoyte vượt con đường hầm. Virginia theo đằng sau. Tiếng của Obispo bắt đầu làm ông khó chịu. Ông giận dữ la lên:
- Cái gì vậy hả trời?... - Ông dừng lại giữa câu rồi ông thầm thì - Cái gì thế kia?
- Một con khỉ dạng bào thai! - Obispo cắt nghĩa và bỗng hắn dừng lại, cười sằng sặc, người gập đôi lại như bị một cú đấm vào bụng.
- Lạy Mẹ Đồng Trinh! - Virginia nói trong chiếc khăn tay.
Qua chấn song, ánh đèn tạo nên một thế giới của những hình thù và màu sắc ma quái. Bên mép chiếc giường thấp, ở trung tâm cái thế giới ấy, một người đàn ông ngồi nhìn ra ánh đèn, đôi mắt trợn trừng thô lố, đôi chân trần đầy lông lá rậm rạp xù xì. Chiếc áo sơ-mi cáu bẩn, rách toác. Trên bộ ngực rộng, một dải lụa vắt chéo, ngày xưa có lẽ màu xanh. Cổ đeo chiếc huy hiệu bằng vàng. Hắn ngồi xổm, lưng còng, đầu vừa thụt giữa hai vai, vừa chúi về phía trước. Bàn tay to tướng hết sức vụng về gãi lên vết lở giữa đám lông ở bắp chân trái.
- Một con khỉ bào thai đã đủ thời gian trưởng dục. Cái nút bí mật thế là đã tháo gỡ. - Obispo nói và hắn cố nhịn cười. Nhìn mặt nó kìa! - Hắn chỉ tay qua chấn song. Phía trên đám lông lá bù xù ở gò má là cặp mắt màu xanh trong hố mắt sâu hoắm. Không có lông mày. Dưới làn da nhăn nheo bẩn thỉu, mảnh xương trán dồ ra như một mảnh ván.
Bỗng từ trong bóng tối, thêm một nhân vật nữa nhô ra ánh sáng. Mặt bé choắt, loáng thoáng ít lông, do đó ngoài cái trán dồ ta còn phân biệt được sự biến dạng kỳ dị của xương quai hàm và xương gò má. Cái đầu nhô trước ra vùng ánh sáng, thân người ra sau, mặc một cái áo khoác lòa xòa bằng vải kẻ ô, cổ đeo xâu chuỗi mặt đá.
- Một người đàn bà! - Virginia nói và cô lại nôn ọe khi nhìn cặp vú tong teo lòng thòng trên ngực người kia.
Obispo cười rú lên.
Ông Stoyte nắm vai hắn lắc mạnh, hỏi:
- Ai vậy?
Obispo chùi nước mắt. Trận cười đã qua, hắn im lặng thở. Lúc hắn mở miệng định trả lời thì động vật mặc áo sơ-mi giơ bàn tay to tướng tát vào mặt động vật mặc áo khoác một cái. Động vật mặc áo khoác rú lên vì đau đớn và giận dữ, rồi chạy vụt ra khỏi vùng ánh sáng. Từ trong bóng tối vọng ra một hồi léc chéc nghe gần như là tiếng chửi.
Obispo lên giọng để át tiếng ồn ào, hắn nói:
- Kẻ đeo huân chương Thánh Georges kia chính là đệ ngũ Bá tước dòng họ Hauberk. Còn kia là bà quản gia.
- Họ mắc bệnh gì vậy?
- Chẳng bệnh gì cả. Thời gian ấy thôi. - Bác sĩ Obispo nói.
- Thời gian?
- Con cái kia thì không rõ. Còn con đực tức là vị bá tước trước mặt ta thì... để xem... ông ta vừa đúng hai trăm lẻ một tuổi hồi tháng giêng năm nay.
Từ trong bóng tối, tiếng the thé vẫn vọng ra, tiếng chửi nghe gần như có mạch lạc.
Bá sĩ Obispo tiếp tục giải thích:
- Sự phát triển rất chậm của cơ thể trong trường hợp này, quy luật của sự tiến hóa ngược chiều... Một con giả nhân càng nhiều tuổi, nó càng ngớ ngẩn... Lông ruột cá chép... Vị bá tước thứ năm đã phát minh trước hắn phương thuốc trường sinh. Không có sự nhiễm độc do sterol thì không có lão hóa, không có cái chết, chưa biết chừng... Nhưng mà... Đây, con giả nhân ở dạng bào thai đã đủ thời giữ để trưởng dục! Đây, trò chơi khôi hài thú vị nhất thiên nhiên!
Vẫn ngồi nguyên không động đậy, đệ ngũ Bá tước đái luôn xuống đất. Trong bóng tối tiếng kêu léc chéc lại cất lên. Bá tước quay về phía đó gầm gừ trong cổ họng những câu dâm tục ngọng nghịu lãng quên.
- Bây giờ thì chẳng cần phải thí nghiệm nữa. - Bác sĩ Obispo nói - Ta có thể kết luận được rồi. Bác Jo có thể dùng phương thuốc này ngay. Ngay tức thời.
Ông Stoyte không nói gì. Phía bên kia chấn song, đệ ngũ Bá tước đứng lên, vươn vai, gãi, ngáp dài, rồi quay lại, tiến hai bước về phía ranh giới giữa ánh sáng và bóng đêm. Nữ quản gia lại léc chéc, tiếng kêu mỗi lúc mỗi nhanh nhanh thúc giục.
Vờ như không thấy gì, Bá tước dừng lại, giơ tay vuốt dải băng cài trên ngực, tay kia vân vê cuống huân chương Thánh Georges, mồm lẩm nhẩm một thứ tiếng từa tựa tiếng hát, một kỷ niệm của khỉ về khúc hát Xêrênat của Don Juan mê gái chăng? Động vật mặc áo khoác rên rỉ, có vẻ lo ngại, lùi sâu trong bóng tối.
Bỗng dưng, bỗng một tiếng rú mạn rợ, đệ ngũ Bá tước nhào tới trước, giã từ vùng ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, biến vào trong bóng tối trước mặt. Có tiếng chân bước gấp, một loạt gầm gừ, rồi một tiếng kêu, nhiều tiếng rú nữa, rồi không còn tiếng léc chéc the thé mà chỉ còn là tiếng gầm gừ hổn hển trong bóng tối, những tiếng rên nho nhỏ.
Ông Stoyte phá tan sự yên lặng, ông hỏi Obispo:
- Anh ước lượng khoảng bao nhiêu năm thì tới tình trạng kia? Nghĩa là... Chắc nó không xảy ra tức khắc... Phải có thời gian dài để con người... con người biến đổi. Mà tôi thấy dường như họ cũng không có vẻ gì làm phiền nhau quá đáng - tất nhiên theo kiểu của họ. Anh thấy thế nào, Obispo?
Bác sĩ Obispo lẳng lặng nhìn ông Stoyte rồi ngửa đầu cười sặc sụa.
 
Chú thích:
[1] Gà mái: tiếng lóng là gái điếm.
[2] Kẹo: tiếng Mỹ. Người Anh gọi kẹo là Sweet hoặc Goodies hay Bonbons như Pháp.
[3] Blaise Pascal (1623-1662) Nhà khoa học, nhà tư tưởng, tu sĩ Pháp, tác giả tập khảo luận “Tư tưởng” với câu viết nổi tiếng: “Con người không có khả răng chứng minh có Chúa hay là không có Chúa. Nhưng hãy cứ tin, rồi ta sẽ có tất cả”.

HẾT

Xem Tiếp: ----