Người dịch: Trần văn Nuôi
Phần thứ ba - Chương một

     ó tiếng gõ cửa ở phòng làm việc của Jeremy. Ông Propter bước vào, Jeremy nhận thấy ông vẫn nguyên bộ com-lê đen hôm đưa đám Peter, ca-vát đen. Ăn mặc kiểu thành thị như vậy trông người ông bé hẳn đi, không như khi ông mặc bộ đồ lao động. Dường như ông ít là ông hơn. Gương mặt tiêu biểu cho cá tính ông, đường nét gân guốc, chai xạm nắng gió. Gương mặt của một pho tượng đặt cao trên cổng tây của một Thánh đường. Gương mặt ấy diện áo cổ cồn khá là chướng mắt.
- Anh không quên chứ? - Khi hai người siết tay nhau, ông hỏi. Jeremy không trả lời, chỉ tay lên cái áo vét-tông đen với cái quần kẻ ô màu xẩm treo trên vách. Họ được mời tới dự buổi khai mạc đại giảng đường mà ông Stoyte vừa cho xây dựng tặng Viện đại học Tarzana.
Ông Propter nhìn đồng hồ đeo tay.
- Còn ít thời gian nữa. Có tin tức gì hay? - Ông hỏi và ngồi xuống.
- Cũng chẳng có gì. - Jeremy trả lời.
Lúc này ở đây chắc dễ chịu hơn. Khi lão Jo tội nghiệp với mấy người kia vắng mặt...
- Vâng. - Jeremy nói - Mình tôi với lũ tranh lỉnh kỉnh trị giá trên mười hai triệu đô-la. Tha hồ ngắm nghía cho bằng thích.
- Nhưng giá các tác giả của chúng mà có mặt ở đây với anh, chắc anh lại nghĩ khác. Những Greco, Rubens, Timer với Fraangeliso ấy...
- Lại trời, xin miễn cho chuyện ấy. - Jeremy đưa hai tay lên trời.
- Đấy là cái chỗ có duyên của nghệ thuật. Nó chỉ phô ra những phần dễ thương nhất của những con người có năng khiếu nhất. Cho nên tôi luôn nghĩ chẳng bao giờ nghệ thuật của một thời đại lại có thể soi sáng cho ta nhìn rõ thời đại ấy. Anh hãy mời một con người ở sao Hỏa tới xem tranh Batticelli, tranh Peruguin với Raphael. Anh ta có thể từ đấy suy diễn ra những cảnh sống của xã hội mà Machiavel mô tả không?
- Chắc chắn là không. - Jeremy nói - Nhưng lại xin hỏi. Những hoàn cảnh xã hội mà Machiavel mô tả có đúng sự thật không? Không phải Machiavel nói sai; những cảnh sống ấy có xảy ra. Nhưng tôi muốn hỏi những người đương thời của Machiavel có thấy nó tởm lợm như chúng ta cảm thấy ngày nay khi đọc Machiavel? Chúng ta nghĩ là ngày ấy dân chúng sống khổ cực; nhưng có đúng như vậy không? Có đúng là dân chúng khổ không? Chúng ta hỏi các nhà làm sử. Tất nhiên họ không thể trả lời chính xác bởi họ đâu có làm được con tính cộng những hạnh phúc và bất hạnh của cuộc đời.
- Vậy thì phải tìm hiểu bằng phương tiện nào?
- Chẳng có phương tiện nào ngoài tác phẩm nghệ thuật. Trở lại ví dụ của ông, Le Peruguin là người đương thời của Machiavel chứ gì. Có nghĩa là trong thời kỳ đau khổ ấy có một người còn cười được, một người còn vui được, chắc cũng có một số nào vui được. Tôi cho rằng tình trạng của đất nước có làm sao đi nữa, nhiều kẻ xơi cơm vẫn cứ thấy ngon miệng như thường.
- Loại đó thì lúc nào cũng ngon cơm, cũng thưởng thức nghệ thuật. Tình trạng của nước Anh có gọi là xấu đi nữa thì người dân vẫn sống khá hơn ở Trung Quốc ở Tây Ban Nha chẳng hạn là nơi không có cơm thì làm sao còn ngon miệng được, nói gì tới nghệ thuật! Các nhà làm sử cùng lắm cũng chỉ nói được thế này: trong lịch sử loài người, đôi khi ta thấy có nhiều điều vui đồng thời có nhiều nỗi khổ. Lắm lúc thì chỉ thấy khổ. Còn bọn thần học, siêu hình, bọn triết học thì ôi thôi! Ba ngàn năm nay chúng ta đã thu được hàng đống nhảm nhí của họ.
Hai người bước qua sân; chiếc xe của ông Propter đỗ bên ngoài, gần cổng lớn. Ông ngồi trước tay lái, Jeremy trèo lên ngồi bên cạnh. Xe rồ máy, chạy dọc con đường dốc ngoằn ngoèo, lướt qua lũ khỉ, qua bức tượng “Nàng tiên”, qua cửa động, chui qua cái bừa mạ ken, lăn bánh qua cầu treo.
- Tôi nghĩ tới anh chàng Peter đáng thương - Ông Propter nói - Cái chết đột ngột quá.
- Tôi không nghĩ là bệnh tim của cậu ta lại quá trầm trọng như vậy. - Jeremy nói.
- Tôi có phần nào trách nhiệm trong cái chết của cậu ta. Hôm qua tôi nhờ cậu phụ giúp tôi trong xưởng mộc. Chắc cậu ấy làm quá sức mặc dù cậu nói là cậu thích làm những việc như vậy. Lẽ ra tôi phải ngăn cậu ta...
Họ im lặng vượt qua viện điều dưỡng và các đồn điền cam. Jeremy nói:
- Cái chết đột ngột, chết yểu có điều gì như là vô lý, vô ích. Một tình trạng đặc biệt vô lý.
- Đặc biệt vô lý? - Propter hỏi - Không, tôi không nghĩ như vậy. Nó không vô lý hơn bất cứ sự kiện nào của xã hội. Ta thấy nó vô lý bởi nó hoàn toàn không phù hợp với điều ta nghĩ.
- Vậy sao?
- Khi ta nói vô lý là ta nói vô lý so với cái gì. Trong trường hợp này “cái gì” đó là quan niệm của chúng ta về cuộc đời. Chúng ta quan niệm rằng chúng ta là những cá nhân tự do, hành động vì một mục đích. Nhưng lúc nào cũng có những chuyện trái khoáy đối với quan niệm đó. Chúng ta liền gọi chúng là những tai biến, chúng ta cho chúng là vô nghĩa, vô lý, vô lý theo tiêu chuẩn nào? Theo tiêu chuẩn, theo hình ảnh mà chúng ta nghĩ ra. Rủi thay hình ảnh đó chẳng đúng với thực tế chút nào... Đối với một sinh vật luôn luôn bị hoàn cảnh chi phối, chết yểu chả có gì đáng gọi là vô lý, là tai biến cả. Có tai biến là khi một dãy sự kiện xảy ra theo quy luật nhân quả va chạm vào những sự kiện xảy ra theo quy luật tự do. Ta nghĩ đời ta đầy tai biến bởi ta nghĩ rằng đời sống của con người diễn ra trong thế giới tự do. Thực ra không phải vậy. Chúng ta sống trong thế giới cơ học, nơi các sự việc xảy ra theo quy luật xác suất. Điều chúng ta gọi là tai biến, là vô lý chính là bản chất của cuộc đời này.
Jeremy nghĩ tới những chuyện cụ thể của vấn đề ông nói:
- Cái đám tang hôm ấy! Thật là khôi hài. Tôi có nói với ông Giám đốc Lăng Beverly là ông nên lắp những thiết bị để hâm nóng các bức tượng trong nghĩa trang. Sờ tay vào cẩm thạch lạnh nó dễ mất hứng. - Rồi ông làm cử chỉ vuốt ve một hình khối lượn cong.
Ông Propter đang mãi nghĩ tiếp, không nghe rõ nhưng ông vẫn lễ phép mỉm cười gật đầu.
- Rồi bài điếu văn của tiến sĩ Mulge! Mượt mà! Một bài giảng trong thánh đường Anh quốc cũng không hơn được. Kiểu ông ta nói: “Ta là Phục sinh, ta là sự sống!” Như một lời tuyên bố cá nhân, như là ông ta đứng ra bảo lãnh bằng văn bản sẽ bồi hoàn, nếu công việc không kết quả. Bồi hoàn mọi phí tổn mai táng nếu như thế giới bên kia không được như ý muốn.
- Chắc chắn ông ta cũng có tin phần nào, tin chuyện đó có thật mà người đời thì luôn luôn hành động như là không có nó. Nó là vấn đề quan trọng bạc nhất trên đời này nhưng ta chẳng bao giờ nghĩ tới khi còn có dịp tránh né.
Ông Propter nói và cho xe rẽ vào con đường đầy bóng cây của khu đại học Tarzana. Đại giảng đường xuất hiện trong dáng dấp kiến trúc La Mã uy nghi. Ông Propter cho chiếc xe Fort cũ kỹ đỗ dọc dãy Cadillac, Chrysler, Packard bóng loáng. Đội quân nhiếp ảnh đứng trước cổng ngắm kỹ hai người. Họ nhận ra ngay, đó không phải là các chủ ngân hàng, nghệ sĩ điện ảnh, cũng không phải các luật gia, cố vấn các công ty lớn, hay nghệ sĩ, mục sư nào, bèn khinh khỉnh quay nhìn chỗ khác.
Sinh viên đã ngồi vào chỗ. Họ hau háu nhìn hai ông khách được trân trọng đưa đi dọc các hàng ghế đầu để tới chỗ ngồi của các nhân vật quan trọng. Mà quan trọng thật! R. Katzenhlum của hãng phim Abraham Lincoln, một trong những nhân vật trụ cột của tổ chức Tái tạo Đạo Đức; cạnh đấy là ngài giám mục giáo khu Santa Monica; rồi ngài Pescano của ngân hàng Viễn Tây. Nữ Đại công tước Eulalie ngồi cạnh ngài nghệ sĩ Bardolph. Ở hàng sau, hai anh em Blossom nói chuyện với Phó đề đốc Shotover. Chiếc áo cà sa vàng với mái tóc gợn sóng, kề đó là của ngài Swami Yogalinga người sáng lập trường Nhân phẩm. Cạnh ngài là Phó tổng giám đốc Công ty xăng dầu Consol và bà Wagner...
Bỗng chiếc đồng hồ cầm dạo khúc tụng ca Tarzana. Các viện sĩ bước vào, đi hàng đôi, mặc áo thụng, đội mão vuông gắn gù, các tiến sĩ thần học, triết học, khoa học, luật học, văn học, âm nhạc... Họ lê gót bước chầm chậm lên bục cao, nơi hàng ghế bành chờ họ cạnh tấm phông buông.
Tiến sĩ Mulge đứng sau diễn đàn, giữa sân khấu. Trên diễn đàn không thấy sổ sách, giấy tờ gì; tiến sĩ Mulge nổi tiếng ứng khẩu. Diễn đàn chỉ là chỗ để ông tựa người lấy dáng, để ông dang tay nắm lấy hai bên mép, chồm người lên một cách say sưa, đập tay lên nhấn mạnh hoặc bước ra xa, rồi lại quay trở lại một cách hùng hồn.
Đại hồ cầm im bặt. Tiến sĩ bắt đầu bài diễn từ. Tất nhiên bắt đầu bằng cách nhắc đến ông Stoyte. Ông Stoyte là tấm lòng hào hiệp... sự thực hiện một ước mơ... Sự thể hiện một lý tưởng trong chất liệu đá... Con người của một tầm nhìn... Không có tầm nhìn, quốc gia sẽ tiêu vong... Tầm nhìn về tương lai.. Tarzana... Trung tâm, Lò lửa, Người cầm đuốc... California... Một nền văn hóa mới... Một nền khoa học phong phú hơn, một tinh thần cao cả... (giọng tiến sĩ Mulge luyến láy, chuyển từ âm sắc một cây kèn Basse sang kèn Trompette. Đến đây giọng ông bỗng xúc động trầm xuống, nó có âm sắc của cây kèn Saxo). Than ôi! Không còn có mặt cùng chúng ta hôm nay... Một sự kiện đau đớn, bất ngờ... Bị bứt đi trước ngưỡng cửa cuộc đời... Một công tác viên trong lĩnh vực khoa học - ông dám nói là người đã chiếm một vị trí chọn lọc trong con tim ông Stoyte. Bên cạnh các lĩnh vực văn hóa và xã hội... Sự suy sụp... Coa tim nhạy cảm dưới một vẻ bề ngoài đôi khi cộc cằn... Bác sĩ của anh đã yêu của phải thay đổi không khí...
Nhưng dù thể chất không còn tinh thần anh... Chúng ta vẫn cảm thấy sự có mặt của anh hôm nay... Một sự nhắc nhở chúng ta hôm nay, già cũng như trẻ... Ngọn đuốc của văn hóa... tương lai... lý tưởng... Tính chất con người... Sự nghiệp đã đạt. Trong khu vực khoa học này, Chúa đã tăng cường cho chúng ta sức mạnh. Tăng cường và dẫn lối, tiến tới phía trước... chúng ta mạnh bước.. Cao hơn... Lòng tin và hy vọng. Nên dân chủ... Tự do... Sự nghiệp bất hủ của Washington và Lincoln... Niềm vinh quang của Hy Lạp tái hiện bên bờ sông Thái Bình Dương... [1] Ngọn cờ... Sứ mạng.. Vận mệnh trước mặt... ý Chúa... Tarzana...
Cuối cùng là chấm dứt. Đại hồ cầm lại tấu nhạc. Các viện sĩ lại diễu hành. Khách quý tiếp bước đi theo.
Bên ngoài, trong nắng ấm, Pescagniolo phu nhân cầm tay ông Propter:
- Tôi thấy bài diễn văn của Tiến sĩ Mulge thật là hùng hồn!
Ông Propter khẽ gật đầu:
- Gần như là hùng hồn nhất trong số bài diễn văn tôi được nghe, mà lạy trời, trong đời tôi, tôi đã được nghe biết bao nhiêu là bài diễn văn hùng hồn!
Chú thích
[1] Câu thơ của Edgar Poe.