Điểm dừng tiếp theo sau Đà Lạt là Bà Nà, một địa điểm du lịch mới được tỉnh Đà Nẵng đưa vào khai thác mấy tháng nay. Vì chưa có nhiều dấu chân khách du lịch nên Bà Nà còn rất hoang sơ, càng lên cao không khí càng mát mẻ, trong lành. Nhóm dừng chân tại một nhà nghỉ giản dị nhưng sạch sẽ, đặc biệt có một lò sưởi đốt củi rất ấm. Cũng may Khuyên đã nhắc nhở nên ai nấy đều chuẩn bị quần áo ấm. Buổi sáng sương xuống là đà trước cửa, Khanh dậy sớm ra ngồi cạnh bếp lửa, củi nổ lép bép nghe thật vui tai. Thấy Luyện và Khiêm bước ra cô buột miệng khen: -Anh Luyện có chiếc khăn choàng đẹp quá. Anh mới mua ở New York phải không? Luyện bỗng đỏ mặt ờ ờ rồi nói lãng vào bếp pha cà phê. Khanh không để ý thái độ kỳ lạ đó nhưng Khiêm biết vì sao. Đó là chiếc khăn choàng Nam tặng hôm hai người lên máy bay. Luyện đã luôn mang nó bên mình, ngay cả chuyến đi này cũng không quên. Cái của Nam tặng Khiêm thì anh không nhớ đã để nó đi đâu mất tiêu rồi. Khiêm nhìn theo bóng lưng bạn, lòng dậy lên nỗi xót xa thương cảm. Rồi Luyện sẽ như thế nào, nhưng ngày qua nó chăm sóc Tâm và Nam hết mực, cố gắng để Tâm không có cảm giác là người bệnh đặc biệt. Ngoại trừ việc lái xe ra, những việc khác mọi người đều để cho Tâm tham gia làm việc như thường. Đôi khi Khiêm cũng quên mất bạn mình bị bệnh chỉ còn vài tháng nữa là ra đi. Giọng lảnh lót của Khuyên kéo anh về với thực tại: -Anh Ba, em đã chuẩn bị thức ăn trưa, mình chuẩn bị leo núi nghen. Leo gần thôi, khoảng 1 tiếng là tới. Anh nhắc mọi người mang giày thể thao nhé. Đoạn đường leo núi thật lãng mạng, cây xanh cao vút tầm mắt, đá to đá nhỏ chồng lên nhau ở bên đường, lâu lâu lại thấy dòng suối ẩn hiện bên dưới, réo róc rách nghe thật vui tai. Khanh thốt lên: -Lâu lắm rồi, từ khi còn nhỏ xíu, Khanh bây giờ mới thấy lại màu trời xanh ngắt như thế này. Nhìn kìa, mây trắng thiệt trắng, trời xanh thiệt xanh, núi xám thiệt xám, cảnh này mà vào tranh thì hết xẩy. Tâm đùa: -Khanh ơi, em làm nhà thơ được rồi đó, nhưng phải làm thơ hiện thực mới nổi tiếng, trong một câu mà lập lại chữ thiệt đến ba lần. Khuyên them: -À, à, kiểu câu thơ ‘Cuộc đời, cuộc đời, cuộc đời, đầy nỗi đau chấm hết’ đó hả anh Tâm? Khiêm cười hà hà: -Nói vậy quá đáng, phải là ‘Kìa, kìa, kìa, ôi chấm hết’ mới đúng hơn. Khanh cười: -Còn đỡ hơn nhạc bây giờ, gì mà ‘yêu không yêu thì thôi’ hay là ‘trời ơi sao em nỡ bỏ tôi đi, làm sao tôi sống’ nghe sao mà sống sượng, kỳ cục. -Cái đó gọi là nhạc mì gói đó mà, Tâm than. Vậy mà tuổi trẻ ưa thích mới hay chứ. -Nam thì tin rằng loại nhạc đó sẽ bị đào thải, tuổi trẻ dễ tính nhưng sẽ mau chán những thứ không sâu sắc. Vài năm nữa phong trào nhạc đó sẽ hết mà. Anh Tâm, em thích bài dân ca anh hát hôm gây quỹ cho Viet Help, bài đó là bài gì vậy anh. -À, bài ‘Dạ Cổ Hoài Lang’ của nhạc sĩ gì anh quên tên mất rồi. Chuyện của bài hát đó hay lắm, mọi người có muốn nghe không. -Kể đi anh Tâm, Khuyên háo hức. -Chuyện kể rằng ông và vợ tình cảm thắm thiết, yêu nhau mặn nồng nhưng lại không có con được. Mấy năm rồi vẫn son trẻ như vậy, bố mẹ chồng liền làm áp lực bắt ông lấy vợ nhỏ để có người nối dõi. Ông đau khổ bị giằng xé giữa hiếu và tình, khi bà bị ép ra ngoài ở ông vẫn lén lút cha mẹ qua thăm. Mỗi lần vậy là hai người lại khóc hết nước mắt. Ông nhất quyết không lấy thêm vợ dù rằng không cản được việc cha mẹ đuổi vợ yêu đi. Họ cứ lén lút như vậy, và ông sáng tác bản nhạc ‘Dạ Cổ Hoài Lang’ với bối cảnh người vợ xa chồng đi chiến trận, đau khổ thế nào. Ông dùng cảm tình của mình để vào bài nhạc nên nó rât hay và trở thành một trong những bài cổ nhạc nổi tiếng vượt thời gian. Lạ lùng thay thời gian này vợ lại có con với ông. -Rồi sao nữa? Khuyên hỏi. -Anh không biết. -Trời, chuyện kết thúc vô duyên vậy. Sau đó ông bà có sum họp không? Bố mẹ chồng có hối hận không? -Kết thúc do người nghe tự nghĩ ra vậy. Nam nói. Một là ông bà nội đón mẹ và cháu về, yêu thương chăm sóc. Hai là họ nghi ngờ đó không phải là cháu họ, bắt con phải bỏ vợ và nhât định lấy vợ mới. Còn cách thứ ba nào không nhỉ? -Chị Nam ác. Khuyên than. Mà thiệt, thời đại phong kiến phụ nữ khổ quá. Em ghét nhất chuyện ‘Thiếu Phụ Nam Xương’ mà mình phải học ở cấp I. Em mà là Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục em bắt lấy chuyện đó ra khỏi sách giáo khoa, hoặc là đổi kết cục đi. Tức chết được, chuyện đó dạy tụi nhỏ cái gì chứ! Khanh reo lên: -Thôi đừng nói chuyện buồn bực nữa, cảnh chỗ này đẹp quá, mình nghỉ ăn trưa nghen. Mãi nói chuyện không ai để ý họ đã đến được chân thác nước, trước mặt là bãi đá thật lớn, nước từ trên cao rơi xuống bắn tung tóe, ánh mặt trời chiếu nghiêng tạo ra cầu vồng bảy màu thật đẹp. Nam sững sờ nhìn cảnh đẹp, lòng xúc động đến độ nước mắt trào ra mà không hay. Thiên nhiên, thiên nhiên là món quà đẹp nhất Thượng Đế ban cho loài người. Tâm bỏ ba lô khỏi vai, hứng khởi lấy cành cây dùng để chống nãy giờ đập đập lên đá lấy nhịp rồi cất giọng ca tha thiết, ‘Từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng, vào ra ngóng trông tin chàng, em ngón trong tin chàng, ôi gan vàng quặt đau ý a…’ Nam đột ngột cởi áo khoác ngoài làm lộ ra chiếc áo thun cổ lọ đen ôm sát người, dưới là chiếc quần jean cũng màu đen. Cô nhảy lên một phiến đá lớn ngay chính giữa bãi, làm những động tác múa tuyệt đẹp theo giọng hát của Tâm. Dáng mảnh khảnh, mái tóc ngắn ôm sát khuôn mặt trắng xanh, đôi mắt xếch đen biểu cảm, ánh nắng chiếu sáng như ôm lấy thân hình Nam. Gương mặt Nam diễn đạt những cảm xúc của người thiếu phụ xa chồng, lúc đau khổ, khi nhớ nhung, lúc tuyệt vọng, khi tin tưởng, từng chút từng chút một hiện ra cùng với những động tác khi mạnh mẽ, lúc dịu dàng. Mọi người kể cả Tâm đang hát đều bị Nam thôi miên. Đây không phải là lần đầu tiên họ thấy Nam múa vì Nam hay tập cho các em, nhưng đây là lần đầu Nam diễn sô lô trước mặt họ. Tâm chầm chầm nhả những chữ cuối ‘ôi gan vàng quặn đau ý a’ cũng là lúc Nam từ từ khụyu xuống, úp mặt vào đá, hai tay duỗi dài ra trước trông như tượng người phụ nữ ngã gục vì sự chờ đợi liên lũy. Khuyên nhìn sang Tâm thì thấy mặt anh ướt đẫm nước mắt, nhìn sang Luyện thì thấy cằm anh Hai bạnh ra, cặp mắt đen như dại đi vì thương cảm. Khuyên bước lại nắm tay anh Hai quay đi, mọi người bước theo cô để lại Tâm và Nam với nhau. Hy vọng thiên nhiên sẽ giúp họ lành vết thương này.