Các tiểu thư Hồng Kông

    
ôi thích du lịch. May mắn là qua nhiều năm, tôi đã tích trữ được kha khá hình ảnh, mùi vị, cảm giác để vẫn có thể đi đây đó vào những ngày nơi đây bầu trời u ám không cho phép tôi ra ngoài. Đó là những chuyến lang thang kì lạ. Mùi khét của một quán bar ở New York. Hương vị khốn cùng trong khu chợ Rangoon. Những mẩu nhỏ vụn vặt của thế giới. Đêm trắng buốt giá ở Saint-Peterbourg hay ánh mặt trời cháy rực khó tin ở Furnace Creek trong sa mạc Nevada. Tuần này, đặc biệt hơn một chút, mỗi sớm bình minh, tôi lại bay đến Hồng Kông, noi tổ chức thảo luận giữa các nhà in báo của tôi trên thế giới. Tôi vẫn tiếp tục dùng từ “báo của tôi”, dù cách nói ấy đã trở thành hão huyền, nhưng từ ngữ sở hữu như vậy tạo nên một sợi chỉ mảnh nối tôi với thế giới đang chuyển động ngoài kia.
Ở Hồng Kông, tôi gặp chút khó khăn trong việc tìm đường vì không như nhiều người khác, tôi chưa bao giờ đi tham quan thành phố. Bởi cứ mỗi lần có dịp, tôi lại có việc đột xuất. Nếu không ốm ngay trước ngày đi, tôi cũng làm thất lạc hộ chiếu hoặc cần đi viết phóng sự ở một nơi nào đó khác. Tóm lại, đủ mọi sự tình cờ khiến tôi không đến được đó. Một lần, tôi đã để chỗ của mình lại cho Jean-Paul K, người từng sống nhiều năm trong tù tại Beyrouth, nhẩm đi nhẩm lại danh sách các vùng trồng nho lớn ở Bordeaux để không phát điên. Mắt anh ta lấp lánh cười sau cặp kính tròn khi mang cho tôi một chiếc điện thoại không dây, vật khiến anh ta vô cùng kinh ngạc. Tôi rất quý Jean-Paul nhưng chưa bao giờ gặp lại con tin của Hezbollah sau đó, hẳn là vì xấu hổ khi đã chọn sắm vai phụ trong thế giới những quần với áo trong một thời kì như thế. Nhưng hiện giờ, tôi là tù nhân, còn anh ấy là người tự do. Và vì tôi không biết hết các toà lâu đài ở Medoc nên tôi sẽ phải tìm một loại kinh cầu nguyện khác hòng lấp đầy những giờ quá trống. Tôi sẽ đếm các nước xuất bản báo của tôi. Đã có 28 nước tham gia vào liên họp các quốc gia yêu thích nó rồi.
Ấy mà giờ các bạn đang ở đâu, các chị em đồng chí của tôi, những đại sứ không mệt mỏi quảng bá cho cái French touch(1) của chúng ta? Cả ngày trong phòng khách khách sạn, các bạn nghiền ngẫm, tra xét bằng tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Séc, cố gắng trả lời câu hỏi siêu hinh nhất: Cô ấy(2) là người như thế nào? Tôi hình dung hiện các bạn đang rải rác khắp nơi trên đất Hồng Kông, qua những con phố nhỏ bán máy tính xách tay rực rỡ ánh đèn neon, lon ton chạy theo vết chiếc nơ con bướm của ngài Tổng giám đốc - người bắt tất cả mọi người bước theo quân lệnh. Nửa Spirou(3), nửa Bonaparte(4), ngài ta chỉ dừng bước trước những toà nhà chọc trời cao nhất, kiêu hãnh và khinh thị nhìn như thể sắp nuốt chửng chúng vậy.
Chúng ta sẽ đi đâu, thưa chỉ huy? Nhảy xuống xuồng bay tới Macao để đốt vài đồng đôla xuống địa ngục hay trèo lên quán bar Felix của khách sạn Peninsula do ông kiến trúc sư người Pháp Philippe trang trí? Tính ích kỷ thúc đẩy tôi chọn đề xuất thứ hai. Vốn rất ghét bị chụp ảnh, trong quán rượu xa hoa trên cao ấy, tôi và 10 khuôn mặt Paris khác đã được Philippe vẽ chân dung vào lưng ghế. Tất nhiên việc này được tiến hành trước khi số phận biến tôi thành thằng bù nhìn xấu xí. Tôi không biết ghế in hình tôi có được nhiều người chọn để ngồi không, nhưng các bạn đừng kể sự thật cho anh bán quán đấy nhé. Những người như họ mê tín lắm và sẽ không có cô gái Trung Hoa xinh xắn bé nhỏ mặc váy ngắn nào tới ngồi lên ghế in hình tôi nữa đâu.
Chú thích
______________________
(1) Dấu ấn Pháp.
(2) Đại từ nhân xưng trong tiếng Pháp là elle, dùng để đặt tên cho tạp chí Elle.
(3) Nhân vật hoạt hình trong sêri truyện tranh nổi tiếng Spirou và Fantasio của Pháp.
(4) Napoleon Bonaparte.